Hội chứng ăn tóc (Rapunzel): Căn bệnh “công chúa tóc mây”

Hội chứng thích ăn tóc còn được biết đến với cái tên khá kỳ lạ là hội chứng Rapunzel – tên của nàng công chúa tóc mây. Người mắc hội chứng này thường xuyên ăn tóc của chính mình hoặc tóc của người khác. Tỷ lệ mắc bệnh rất hiếm và xảy ra chủ yếu ở nữ giới dưới 20 tuổi.

hội chứng thích ăn tóc
Hội chứng thích ăn tóc là hội chứng tâm lý vô cùng hiếm gặp được phát hiện lần đầu tiên năm 1968

Hội chứng ăn tóc (Rapunzel) là gì?

Hội chứng ăn tóc (Rapunzel Syndrome) là vấn đề tâm lý rất hiếm gặp với biểu hiện đặc trưng là thích ăn tóc, có thể là tóc của chính mình hoặc tóc của người khác. Tóc không chứa độc tố gây hại cho cơ thể nhưng không thể tiêu hóa được. Theo thời gian, lượng tóc tích tụ bên trong dạ dày và đường ruột ngày càng nhiều sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Nếu không chú ý, những người xung quanh có thể nhầm lẫn bệnh nhân có các vấn đề liên quan đến tiêu hóa như hấp thu kém, táo bón, rối loạn tiêu hóa,… Trường hợp phát hiện chậm trễ có thể gây tắc ruột, thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa hay tệ hơn là tử vong.

Hội chứng ăn tóc được đặt theo tên của Rapunzel – công chúa tóc mây trong truyện cổ tích Grimm. Nhân vật này có ngoại hình xinh đẹp với mái tóc rất dài. Do đó, sau khi phát hiện chứng thích ăn tóc vào năm 1968, các chuyên gia đã sử dụng tên của Rapunzel để đặt cho hội chứng đặc biệt này.

Hội chứng Rapunzel gặp chủ yếu ở nữ giới dưới 20 tuổi (chiếm 70%) và đặc biệt là ở trẻ nhỏ trước tuổi đến trường. Người mắc hội chứng này vẫn ăn uống như bình thường chứ không ăn tóc thay cho cơm. Vì vậy, những người xung quanh phải mất rất lâu mới có thể phát hiện sự bất thường ở người bệnh.

Nguyên nhân gây hội chứng Rapunzel

Hội chứng Rapunzel được cho là có liên quan đến khiếm khuyết về trí tuệ và tổn thương tâm lý. Mặc dù tóc không hề có vị nhưng những người mắc hội chứng này cảm thấy thư giãn sau khi bứt và ăn tóc. Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý, ăn tóc có thể là hành vi giải tỏa cảm xúc bị đè nén giống như các hành vi tự hủy hoại như tự rạch tay, đập đầu, tự gây bỏng,…

hội chứng thích ăn tóc
Người mắc hội chứng nghiện giật tóc là đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng thích ăn tóc

Các yếu tố có thể gây ra hội chứng thích ăn tóc:

  • Khiếm khuyết về trí tuệ: Đa số những trường hợp mắc hội chứng thích ăn tóc đều có khiếm khuyết về trí tuệ như tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn phát triển lan tỏa,… Do trí tuệ không hoàn thiện nên khả năng nhận thức kém, từ đó dẫn đến các hành vi bất thường như thích giật tóc và ăn tóc.
  • Tổn thương tâm lý từ thời thơ ấu: Tổn thương tâm lý từ thời thơ ấu có thể để lại vết thương sâu sắc trong tâm hồn. Bản thân trẻ em chưa có kinh nghiệm sống và không có kỹ năng kiểm soát tâm trạng. Vì vậy, trẻ có thể ăn tóc như một cách giải tỏa và phòng vệ. Đa số bệnh nhân mắc hội chứng Rapunzel đều từng bị bỏ đói và bạo hành từ khi còn nhỏ.
  • Căng thẳng quá mức: Căng thẳng quá mức có thể là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc hội chứng Rapunzel. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là nữ giới dưới 20 tuổi – đây là nhóm đối tượng thiếu kỹ năng sống nên thường chật vật với các vấn đề trong cuộc sống. Về lâu dài, căng thẳng tích tụ khiến một số người giải tỏa cảm xúc bằng các hành vi tiêu cực như giật tóc, ăn tóc, tự rạch tay,…
  • Rối loạn tâm thần: Người mắc các rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn phân liệt cảm xúc, chán ăn tâm thần,… có nguy cơ mắc hội chứng Rapunzel cao hơn so với người khỏe mạnh. Trong đó, phần lớn người bị rối loạn cưỡng chế phát triển hội chứng này.
  • Mắc các hội chứng tâm lý khác: Hội chứng thích ăn tóc (Rapunzel Syndrome) có thể phát triển đồng thời với một số hội chứng tâm lý khác như hội chứng nghiện ăn tóc (Trichophagia), chứng nghiện giật tóc (Trichotillomania)hội chứng Pica. Các hội chứng này có mối liên hệ mật thiết nên có thể phát triển đồng thời hoặc cũng có thể là hệ quả của nhau.
  • Do các vấn đề sức khỏe thể chất: Khi thăm khám và điều trị, các bác sĩ nhận thấy tất cả người bị hội chứng thích ăn tóc đều mắc bệnh Celiac hoặc thiếu sắt. Khi điều trị các bệnh lý này, tình trạng ăn tóc được cải thiện một cách rõ rệt. Dù chưa xác định rõ cơ chế nhưng phần nào có thể khẳng định thiếu chất dinh dưỡng góp phần gia tăng nguy cơ mắc hội chứng Rapunzel.

Nhận biết hội chứng thích ăn tóc

Đặc điểm của hội chứng Rapunzel là thích ăn tóc (bao gồm cả tóc của bản thân, người khác, thậm chí là tóc của búp bê, gấu bông). Khi ăn tóc, người bệnh không cảm thấy ngon như thức ăn nhưng có cảm giác thư giãn và giảm căng thẳng rõ rệt. Tuy nhiên, bệnh nhân thường ăn tóc khi ở một mình. Vì vậy, những người xung quanh rất khó để nhận ra dấu hiệu bất thường.

hội chứng ăn tóc
Những người mắc hội chứng ăn tóc cảm thấy thư giãn khi ăn tóc của chính mình hoặc tóc của người khác

Để phát hiện hội chứng Rapunzel, gia đình có thể dựa vào một số dấu hiệu sau:

  • Thường xuyên nhổ tóc, ngậm và ăn tóc
  • Quan sát thấy tóc mỏng dần, một số trường hợp sẽ xuất hiện mảng da đầu do nhổ tóc quá mức
  • Trường hợp nặng có thể bị hói đầu ngay từ khi còn trẻ
  • Thường xuyên bị đau bụng, buồn nôn, nôn mửa do tóc tích tụ nhiều kích thích nhu động của dạ dày và đường ruột
  • Hội chứng Rapunzel kéo dài sẽ khiến cho các cơ quan tiêu hóa hoạt động kém, cơ thể thiếu dinh dưỡng, sụt cân, suy nhược,…
  • Trường hợp nặng có thể dẫn đến thủng ruột, nhiễm trùng phúc mạc và tử vong

Hội chứng ăn tóc có nguy hiểm không?

Người mắc hội chứng thích ăn tóc gần như không thể kiểm soát hành vi ăn tóc của mình. Một số bệnh nhân ý thức được sự bất thường nhưng không thể khống chế. Nếu cưỡng lại, người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu và căng thẳng cực độ. Cũng vì lý do này mà hội chứng ăn tóc (Rapunzel) đôi khi được xem là một phần triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Hành vi ăn tóc tưởng chừng như vô hại nhưng về lâu dài sẽ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Tóc được cấu tạo từ chất sừng (keratin) nên không thể tiêu hóa và phân hủy trong dạ dày. Dần dần tóc tích tụ làm cản trở quá trình tiêu hóa dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, sụt cân, suy nhược và chậm phát triển.

Ngoài ra, tóc mắc kẹt trong dạ dày và đường ruột có thể tạo thành các búi lớn. Sau đó lớn dần lên gây viêm sưng và tấy đỏ niêm mạc. Nếu không được điều trị kịp thời, các cơ quan nội tạng và đặc biệt là phúc mạc có thể bị nhiễm trùng. Bên cạnh đó, cũng đã có không ít trường hợp tử vong do mắc hội chứng Rapunzel nhưng không được phát hiện và điều trị sớm.

Các phương pháp điều trị hội chứng ăn tóc (Rapunzel)

Hội chứng ăn tóc (Rapunzel) hiếm khi được phát hiện từ sớm mà chủ yếu “vô tình” nhận ra khi phẫu thuật hoặc nội soi dạ dày, đường ruột. Hiện tại, hội chứng này chưa được công nhận trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5). Vì vậy, các bác sĩ sẽ chẩn đoán chứng giật tóc (Trichotillomania) ở mức độ nặng.

Đối với hội chứng thích ăn tóc, điều trị tâm lý là phương pháp quan trọng nhất. Tuy nhiên, trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để đảm bảo tính mạng cho người bệnh.

1. Phẫu thuật loại bỏ tóc

Vì tóc không thể tiêu hóa nên bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật loại bỏ búi tóc nhằm ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng và tắc ruột. Trường hợp búi tóc nhỏ có thể loại bỏ thông qua kỹ thuật nội soi. Tuy nhiên, nếu búi tóc lớn hơn 20cm, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để có thể lấy búi tóc ra khỏi ống tiêu hóa.

búi tóc hội chứng rapunzel
Búi tóc được lấy ra từ cơ thể của người mắc hội chứng Rapunzel

2. Điều trị tâm lý

Phẫu thuật có thể loại bỏ búi tóc và bảo toàn tính mạng cho người bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tâm lý để người bệnh ngưng hành vi giật và ăn tóc liên tục. Trị liệu tâm lý giúp chữa lành tổn thương từ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ và kiểm soát các vấn đề tâm lý, tâm thần. Qua đó có thể cải thiện hành vi ăn tóc và giúp người bệnh biết cách giải tỏa cảm xúc lành mạnh hơn.

Liệu pháp hành vi là phương pháp được đánh giá cao trong điều trị hội chứng thích ăn tóc. Thông qua liệu pháp này, người bệnh có thể thay đổi những hành vi tiêu cực, bao gồm hành vi ăn tóc liên tục.

Ngoài trị liệu tâm lý, sự hỗ trợ của gia đình cũng sẽ giúp cải thiện và phòng ngừa tái phát. Bố mẹ nên dành thời gian trò chuyện và chia sẻ cùng con cái. Bên cạnh đó, nên khuyến khích con vui chơi lành mạnh để ổn định cảm xúc, tránh tình trạng nhốt mình trong phòng, giật tóc và ăn tóc để giải tỏa cảm giác căng thẳng tột độ.

3. Sử dụng thuốc

Thuốc an thần nhóm benzodiazepine như Alprazolam có thể được sử dụng để điều trị hội chứng ăn tóc. Thuốc thường được dùng sau khi phẫu thuật khoảng 3 tuần. Loại thuốc này có tác dụng giảm lo lắng, căng thẳng và phiền muộn. Từ đó giảm hành vi tiêu cực như ăn tóc hay tự làm tổn thương bản thân.

4. Bổ sung dinh dưỡng

Thiếu sắt và một số chất dinh dưỡng khác có thể gây ra hội chứng ăn tóc. Vì vậy, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung dinh dưỡng để ngăn ngừa tái phát. Bệnh nhân có thể bổ sung chất dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống hoặc thực phẩm chức năng.

Hội chứng thích ăn tóc là một hội chứng rất hiếm gặp và đối tượng mắc bệnh chủ yếu là nữ giới dưới 20 tuổi. Mặc dù hành vi ăn tóc có vẻ vô hại nhưng nếu không phát hiện sớm, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng phúc mạc và nặng hơn là tử vong. Vì vậy, gia đình cần phải phát hiện sớm để bệnh nhân được điều trị kịp thời. Nguy cơ tái phát hội chứng này là khá cao nên rất cần sự phối hợp giữa gia đình và nhân viên y tế.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *