7 loại rối loạn lo âu thường gặp và cách nhận biết
Rối loạn lo âu là một bệnh tâm lý được đặc trưng bởi cảm giác lo lắng, bồn chồn, căng thẳng, khó chịu nhưng không rõ nguyên nhân. Đây là một rối loạn tâm thần phổ biến với nhiều dạng khác nhau, mỗi dạng sẽ có những đặc trưng, nguyên nhân, biểu hiện riêng biệt.
Rối loạn lo âu là gì?
Lo lắng, căng thẳng là một phản ứng cơ thể hết sức bình thường khi một người phải đối diện với những tình huống gây áp lực, khó khăn, nguy hiểm. Tuy nhiên, nhưng khi trạng thái lo lắng trở nên nghiêm trọng và kéo dài dai dẳng không dứt thì nó có thể là biểu hiện của một vấn đề sức khỏe tâm thần phức tạp, thường là rối loạn lo âu.
Rối loạn lo âu là một chứng bệnh tâm thần được đặc trưng bởi cảm giác lo lắng, sợ hãi, bồn chồn, bất an và hoảng sợ kéo dài liên tục không biến mất, thậm chí nó có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Tình trạng này nếu không được sớm khắc phục sẽ gây nên nhiều khó khăn, cản trở đối với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, làm suy giảm hiệu suất làm việc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Cho đến hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được cụ thể về nguyên nhân gây ra chứng bệnh này. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, rối loạn lo âu có thể ảnh hưởng đến các yếu tố sau đây:
- Do di truyền: Trong nhiều nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, rối loạn lo âu có thể khởi phát bởi các tác động của yếu tố di truyền. Theo chia sẻ từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết rằng, những người sinh sống và sinh ra ở gia đình có người thân từng mắc chứng rối loạn lo âu hoặc những bệnh có liên quan thi tỉ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn so với mức bình thường.
- Do môi trường sống: Rối loạn lo âu cũng có thể xuất hiện nếu một người thường xuyên tiếp xúc với các sự kiện gây căng thẳng, áp lực. Một vài sự kiện có thể làm gia tăng nguy cơ bị rối loạn lo âu như bị bạo hành, ngược đãi, người thân đột ngột qua đời, bệnh tật kéo dài liên tục, gặp vấn đề về tài chính, hôn nhân,….
- Do tác động từ việc sử dụng một số loại thuốc điều trị hoặc lạm dụng các chất gây nghiện như rượu bia, ma túy, thuốc lá, caffeine,…
Rối loạn lo âu bao gồm một nhóm các tình trạng có liên quan và mỗi thể bệnh sẽ có những biểu hiện, triệu chứng riêng biệt. Tuy nhiên, hầu hết các dạng bệnh đều sẽ có những điểm chung nhất định, đặc biệt là trạng thái lo lắng, sợ hãi quá mức và kéo dài dai dẳng không rõ nguyên nhân hoặc trong các tình huống không mang tính chất nguy hiểm.
Các triệu chứng thường gặp ở người bệnh rối loạn lo âu như:
- Luôn cảm thấy lo sợ, bất an
- Cảm giác căng thẳng, hồi hộp, dễ kích động, nóng nảy.
- Bồn chồn, cáu gắt, tức giận không rõ lý do
- Luôn có những suy nghĩ, dự đoán tiêu cực, tồi tệ và có xu hướng muốn đề phòng mọi thứ xung quanh, đặc biệt là các dấu hiệu mà họ cho rằng nó đang cảnh báo nguy hiểm.
- Rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh và mạnh, khó thở.
- Cơ thể ra nhiều mồ hôi, tay chân run rẩy, người co giật.
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt.
- Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon giấc, hay giật mình thức dậy giữa đêm và khó ngủ lại.
- Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, khó chịu ở bụng.
- Đi tiểu liên tục
Các loại rối loạn lo âu thường gặp hiện nay
Theo nhận định của các chuyên gia thì chứng rối loạn lo âu tồn tại ở rất nhiều dạng khác nhau. Việc có thể xác định được dạng rối loạn lo âu đóng vai trò quan trọng đối với quá trình đưa ra phác đồ điều trị và giúp cho người bệnh được phục hồi sức khỏe tốt hơn. Sau đây là một số dạng rối loạn lo âu thường gặp hiện nay:
1. Rối loạn lo âu lan tỏa – rối loạn lo âu tổng quát GAD
Rối loạn lo âu tổng quát hay còn được gọi tắt là GAD là một dạng rối loạn lo âu được đặc trưng bởi cảm giác lo lắng, bồn chồn quá mức. Tình trạng này sẽ được diễn ra trong hầu hết các ngày và sẽ kéo dài liên tục trong tối thiểu 6 tháng. Người bệnh có thể cảm thấy lo lắng về một số vấn đề xảy ra xung quanh trong cuộc sống, chẳng hạn như công việc, sức khỏe, gia đình, các mối quan hệ xã hội,….
Người bệnh có thể cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bất an về nhiều nội dung khác nhau xảy ra xung quanh đời sống và nó có thể làm ảnh hưởng đến các sinh hoạt hàng ngày, thậm chí là sức khỏe. Thông thường, các triệu chứng của rối loạn lo âu lan tỏa thường khởi phát muộn so với các dạng rối loạn lo âu khác, cho dù nhiều người bệnh từng chia sẻ rằng họ cảm thấy lo lắng và vô cùng bất an trong nhiều năm liền.
Ngoài ra, rối loạn lo âu lan tỏa cũng có thể đi kèm với một số triệu chứng khác. Cụ thể như:
- Cảm thấy căng thẳng, đau đớn, bồn chồn.
- Cơ thể dễ mệt mỏi, thiếu năng lượng.
- Khó tập trung, suy giảm trí nhớ, gặp phải khó khăn trong việc đưa ra các quyết định hàng ngày.
- Nhạy cảm, dễ kích động, cáu gắt không rõ lý do.
- Gặp phải một số vấn đề có liên quan đến giấc ngủ như mất ngủ, ngủ không sâu giấc, trằn trọc, hay mơ gặp ác mộng, dễ tỉnh giấc,….
2. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế – OCD
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng là một trong các dạng rối loạn lo âu phổ biến. Chứng bệnh này kéo dài liên tục và thường có nhiều khả năng phát triển thành dạng mãn tính. Người bệnh sẽ bị thôi thúc, mất kiểm soát về các cảm xúc, hành vi, suy nghĩ của mình, họ sẽ có những cử chỉ, hành động lặp đi lặp lại nhiều lần với mục đích giảm bớt căng thẳng, lo lắng.
Tình trạng này nếu liên tục kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh và cả những người xung quanh. Hiện nay, các nghiên cứu khoa học vẫn chưa thể xác định được cụ thể về nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, họ cũng đã đề cập đến một số yếu tố có thể làm tác động đến chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế như di truyền, căng thẳng hoặc stress trong giai đoạn mang thai, sau khi sinh con, sự biến đổi về não bộ, do sự thiếu hụt hàm lượng serotonin bên trong bộ não,…
Một số triệu chứng thường gặp như:
- Ám ảnh về việc làm sạch, thường xuyên vệ sinh tay chân, rửa tay liên tục, sợ bị ô nhiễm, sợ vi trùng.
- Luôn kiểm tra mọi thứ xung quanh nhiều lần, chẳng hạn như kiểm tra xem đã tắt bếp chưa, đã khóa cổng chưa, đã tắt tivi chưa,…
- Ám ảnh về tình dục, có những suy nghĩ bị cấm và không muốn quan hệ tình dục, không liên quan đến tôn giáo hoặc bất cứ sự tổn hại nào.
- Có những suy nghĩ quá khích, dễ kích động và hành xử thô bạo với những người xung quanh hoặc thậm chí là với bản thân.
- Sắp xếp mọi thứ theo một quy tắc, thứ tự nhất định, mong muốn mọi thứ phải thật gọn gàng và hoàn hảo.
- Có khả năng về tổ chức, luôn có sự kỳ vọng cao về sự đảm bảo.
- Cảm thấy dằn vặt về các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,…
Các hành vi, suy nghĩ này cũng có thể gặp ở những người có sức khỏe bình thường nhưng đối với người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ có sự khác biệt. Cụ thể như:
- Không thể tự kiểm soát và ngăn chặn các hành vi, suy nghĩ, cử chỉ của bản thân cho dù ý thức được rằng đó là sự bất thường và thái quá.
- Họ có thể dành rất nhiều thời gian trong ngày để thực hiện các hành vi mà mình mong muốn hoặc thậm chí là 60 phút mỗi ngày, kể cả khi họ rất bận.
- Cảm thấy không hứng thú, kích thích khi thực hiện các nghi lễ hoặc hành vi, tuy nhiên lại cảm thấy thoải mái, dễ chịu, nhanh chóng thoát khỏi cảm giác lo lắng, căng thẳng mà các suy nghĩ gây ra.
Đặc biệt, một số trường hợp người bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế còn có các biểu hiện của rối loạn vận động. Đây thường là các chuyển động xảy ra đột ngột, kéo dài trong thời gian ngắn và lặp đi lặp lại nhiều lần. Ví dụ như các chuyển động mắt (nheo mắt, chớp mắt), nhăn mặt, gật đầu, nhún vai. Những âm thanh phổ biến thường xuất hiện như đánh hơi, hắng giọng, càu nhàu,….
Mặt khác, OCD lại còn bao gồm nhiều loại khác nhau như:
- Kiểm tra: Người bệnh sẽ có nhu cầu liên tục kiểm tra bản thân, môi trường, kết quả của họ để nhằm mục đích hạn chế các tổn hại, hư hỏng, thiếu sót, hỏa hoạn,…
- Ô nhiễm: Bệnh nhân sẽ luôn có cảm giác bị thôi thúc muốn được làm sạch, họ liên tục rửa tay, vệ sinh cơ thể vì có cảm giác bị bẩn, bị vi trùng bám vào.
- Tích trữ: Không thể vứt bỏ hoặc cho đi những thứ đã cũ nát hoặc không còn sử dụng đến nữa.
- Suy nghĩ xâm nhập: Những suy nghĩ này sẽ liên tục xuất hiện và xâm chiếm tâm trí của người bệnh, khiến họ cảm thấy khó chịu và kinh hoàng.
3. Rối loạn hoảng sợ – tâm thần hoảng loạn
Đặc trưng nổi bậc của những người bị rối loạn hoảng sợ đó chính là những cơn hoảng loạn xuất hiện bất ngờ và sẽ tái phát nhiều lần sau đó. Các cơn hoảng sợ thường biểu hiện một cách dữ dội và mạnh mẽ, chúng xảy ra nhanh chóng, không có dấu hiệu cảnh báo trước và thường duy trì trạng thái cực đại trong khoảng vài phút.
Thông thường, các triệu chứng của rối loạn hoảng sợ sẽ xuất hiện vào giai đoạn cuối của tuổi vị thành niên hoặc khi mới bắt đầu vào độ tuổi trưởng thành. Một vài trường hợp do bị ám ảnh và sợ hãi quá mức về các cơn hoảng loạn nên người bệnh sẽ có xu hướng muốn lẩn trốn, tránh khỏi những nơi làm khởi phát bệnh, người bệnh sẽ rời khỏi nhà với mong muốn thoát khỏi các cơn hoảng sợ, tình trạng này còn được gọi là agoraphobic.
Chứng rối loạn hoảng sợ sẽ khởi đầu bằng các cơn lo lắng riêng lẻ với mức độ nhẹ, kèm theo đó là những đợt hoảng sợ, sau đó sẽ phát triển thành các rối loạn hoảng sợ toàn diện và biểu hiện ở mức độ nặng. Theo chia sẻ của các chuyên gia tâm lý thì đôi lúc trẻ nhỏ cũng sẽ có các phản ứng hoảng sợ, tuy nhiên vẫn chưa thể xác định được cụ thể chúng có kèm theo các suy nghĩ, cảm xúc nguy hiểm không.
Đặc biệt hơn, trong thực tế trẻ em không thể tự nhiên trải qua các cảm giác hoảng sợ, lo lắng, bất an mà không có bất kì yếu tố nào tác động vào. Đối với việc chẩn đoán bệnh và các cơn hoảng sợ tự phát chính là yếu tố chủ chốt và quan trọng. Dưới đây là một số triệu chứng giúp xã định một người đang bị rối loạn hoảng sợ như:
- Luôn cảm thấy lo sợ, hoảng loạn không rõ nguyên nhân
- Rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh liên hồi, đánh trống ngực.
- Cơ thể mệt mỏi, tay chân run rẩy, ra nhiều mồ hôi.
- Cảm giác khó thở, hơi thở yếu ớt.
- Mất kiểm soát, không thể khống chế cảm xúc, suy nghĩ, nỗi sợ của bản thân.
- Có cảm giác sắp xảy ra diệt vong.
4. Rối loạn lo âu xã hội
Không đơn giản như trang thái nhút nhát, rụt rè khi tiếp xúc với các tình huống xã hội mà rối loạn lo âu xã hội còn gây ra hàng loạt cảm giác sợ hãi về giao tiếp. Người bệnh sẽ luôn cảm thấy bị thúc đẩy bởi những nỗi lo lắng, sợ bị từ chối, sợ bị đánh giá, sợ bị sỉ nhục, sợ người khác nói mình ngu ngốc hoặc lo lắng vì không biết nên nói gì.
Người bệnh rối loạn lo âu xã hội do quá lo lắng, sợ hãi nên thường sẽ có xu hướng không tham gia vào bất kì cuộc trò chuyện hay gặp gỡ đông người nào. Họ thường không đưa ra ý kiến hay đóng góp trong hầu hết các cuộc họp, thảo luận hoặc không đưa ra ý tưởng dù nó đã xuất hiện trong đầu. Do đó, những người này thường sẽ dễ bị cô lập, hạn chế về các mối quan hệ.
Một vài triệu chứng có thể xuất hiện ở người bệnh rối loạn lo âu xã hội như:
- Tay chân run rẩy, đỏ mặt, rối loạn nhịp tim, đầu óc trống rỗng.
- Cảm thấy vô cùng lo lắng, sợ hãi và khó chịu khi ở chỗ đông người hoặc những người mà họ chưa từng quen biết.
- Gặp khó khăn trong việc trò chuyện, giao tiếp với người khác.
- Cảm thấy buồn nôn, chóng mặt, đau bụng, bất an.
- Luôn tìm cách từ chối hoặc tránh xa những nơi có người lạ.
- Trước mặt người khác cảm thấy vô cùng khó xử và xấu hổ.
- Rất sợ và lo lắng về đánh giá của những người xung quanh về mình
- Ít giao tiếp bằng mắt, không cử động tay chân khi trò chuyện, giọng nói nhỏ, không dứt khoát, đôi khi lắp bắp.
5. Rối loạn căng thẳng sau chấn thương – PTSD
Khác với các dạng rối loạn lo âu khác, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) sẽ được chẩn đoán dựa vào một chuỗi nhân quả cụ thể. Trong đó, một người sẽ cảm thấy đau buồn, sợ hãi khi lần đầu tiếp xúc với một sự kiện buồn khổ. Họ cảm thấy lo lắng, bất an vì mối đe dọa đối với tính toàn vẹn của cá thể, về sau dễ phát triển thành chứng rối loạn này.
Theo nghiên cứu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương có thể khởi phát do một số nguyên nhân như thảm họa, thiên tai, bạo hành, bị lạm dụng tình dục, tai nạn giao thông, hỏa hoạn, chiến tranh. Người bệnh sẽ có các triệu chứng điển hình sau:
- Người bệnh sẽ bắt đầu hồi tưởng về các sự kiện, giai đoạn bị chấn thương, các tình huống gây đau buồn hoặc tái diễn qua những giấc mơ.
- Bệnh nhân sẽ tìm cách để tránh né các sự kiện hoặc chi tiết có liên quan đến chấn thương đã xảy ra trong quá khứ, đồng thời họ sẽ có kèm theo một vài cảm giác tê hoặc bị giảm phản ứng.
- Người bệnh PTSD sẽ phải đối diện với nhiều triệu chứng gia tăng kích thích sinh lý, nhất là cảm giác khó ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ cáu gắt, mệt mỏi, kích động quá mức.
6. Rối loạn lo âu chia ly
Rối loạn lo âu phân ly (SAD) cũng là một trong các dạng rối loạn lo âu thường gặp với đặc trưng là trạng thái lo lắng quá mức. Người bệnh sẽ có sự quan tâm, bất an thái quá hoặc thậm chí có nhiều trường hợp cảm thấy sợ hãi về sự chia ly, xa cách hoặc phải đối diện với cách xa với người đã từng gắn bó thân thiết.
Theo nhận định từ các chuyên gia thì các triệu chứng, dấu hiệu lâm sàng của rối loạn lo âu chia ly giữa người lớn và trẻ nhỏ sẽ có sự khác biệt. Bởi sự tác động từ các môi trường sống, hoạt động hàng ngày và kinh nghiệm của mỗi người. Tuy nhiên, dù biểu hiện có phần khác nhau nhưng các triệu chứng của bệnh phải thực sự nghiêm trọng và làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh mới được xác định là SAD.
Một số dấu hiệu thường gặp như:
- Lo sợ bị bắt cóc hoặc lạc đường
- Lo lắng và đau khổ đến cùng cực khi phải rời xa người thân, đặc biệt là những người đã từng gắn bó lâu dài.
- Sợ bị bỏ rơi, sợ ở nhà một mình, sợ cảm giác cô đơn.
- Lo lắng quá mức về điều gì đó tồi tệ có thể xảy đến, chẳng hạn như chết hoặc đi không thể trở lại.
- Khả năng tương tác xã hội kém, thường bị cô lập
- Rối loạn giấc ngủ, hay mơ gặp ác mộng.
- Mất tập trung, trình độ học vấn kém.
- Người bệnh còn có thể kèm theo một số triệu chứng như buồn nôn, nhức đầu, đau ngực, khó thở, lên cơn hen suyễn, chóng mặt, nhịp tim tăng nhanh,…
7. Chứng ám ảnh cụ thể
Cảm thấy sợ hãi, hoảng loạn và bị ám ảnh bởi một đối tượng, sự việc cụ thể như một địa điểm, đồ vật, cảm giác, loài động vật nào đó chính là biểu hiện đặc trưng của người bệnh ám ảnh cụ thể. Bởi những cảm giác sợ hãi này khiến cho người bệnh có xu hướng tránh né gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động xã hội hàng ngày hoặc tạo cho họ cảm giác đau khổ, tổn thương nghiêm trọng.
Một số đối tượng cụ thể mà người bệnh có thể cảm thấy sợ hãi như:
- Môi trường: vi trùng, độ cao, biển, núi,…
- Cơ thể: lo sợ bị bệnh, máu, các vết thương,…
- Động vật: chó, mèo, nhện, rắn, côn trùng, các loại động vật gặm nhấm,….
- Tình dục: cảm giác thăng hoa, lên đỉnh, tần suất, sợ các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục,…
- Tình huống: sợ đi xe buýt, tàu lượn, máy bay, sợ khám bệnh,….
Chẩn đoán rối loạn lo âu
Như đã chia sẻ ở trên, rối loạn lo âu có rất nhiều dạng bệnh khác nhau và các triệu chứng cũng có thể dễ bị nhầm lẫn. Do đó, việc chẩn đoán bệnh cần phải được tiến hành bởi các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao.
Thông thường, nếu nghi ngờ một người mắc chứng rối loạn lo âu thì bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá bằng cách thực hiện một loạt các bước như khám sức khỏe tổng quát, yêu cầu người bệnh thực hiện bài test trắc nghiệm, làm các xét nghiệm giúp loại trừ bệnh. Quá trình chẩn đoán bệnh rối loạn lo âu sẽ được thực hiện trực tiếp với các chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa.
Để xác định chính xác về dạng rối loạn lo âu đang mắc phải, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng thường gặp của người bệnh. Dựa vào tiêu chuẩn của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ thì một người bị rối loạn lo âu cần đáp ứng các điều sau:
- Lo lắng hoặc sợ hãi quá mức về một sự kiện, hoạt động, vấn đề nào đó,…Cảm giác này sẽ diễn ra liên tục trong hầu hết các ngày và kéo dài tối thiểu 6 tháng.
- Bệnh nhân sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong việc kiểm soát các suy nghĩ, hành vi, cảm xúc lo sợ, bất an của bản thân.
- Cảm giác lo sợ, bất an làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
Bệnh nhân bị rối loạn lo âu sẽ có tối thiểu 3 triệu chứng đối với người lớn và 1 triệu chứng đối với trẻ em. Đồng thời họ cũng sẽ có kèm theo các dấu hiệu như mệt mỏi, khó chịu, mất tập trung, bồn chồn, khó ngủ, căng cơ.
Cách điều trị rối loạn lo âu hiệu quả
Tùy thuộc vào từng dạng rối loạn lo âu khác nhau mà cách điều trị bệnh cũng sẽ có phần riêng biệt. Sau khi chẩn đoán cụ thể về tình trạng bệnh của mỗi người thì các bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Một số phương pháp thường được áp dụng như:
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu luôn là phương pháp được ưu tiên áp dụng đầu tiên đối với các trường hợp bị rối loạn tâm thần, đặc biệt là rối loạn lo âu. Đây là phương pháp sử dụng ngôn ngữ, lời nói để trao đổi và tác động vào tâm lý, suy nghĩ của từng người bệnh nhằm giúp họ tháo gỡ được những nút thắt trong lòng.
Thông thường, đối với hầu hết các dạng rối loạn lo âu thì chuyên gia tâm lý sẽ sử dụng liệu pháp hành vi và nhận thức (CBT) để tiến hành trị liệu. Với liệu pháp này người bệnh sẽ được tập trung hỗ trợ về việc hình thành các hành vi, suy nghĩ và phản ứng của mình theo chiều hướng tích cực hơn. Đồng thời họ cũng biết cách kiểm soát nỗi sợ khi đối diện với các tình huống xấu.
Liệu pháp nhận thức và hành vi cũng có tác dụng tốt trong việc giúp người bệnh học và thực hành các kỹ năng cần thiết như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thích ứng, kỹ năng đối phó với khó khăn. Đây được xem là những điều vô cùng cần thiết đối với người bệnh rối loạn lo âu, đặc biệt là các trường hợp bị rối loạn lo âu xã hội.
2. Sử dụng thuốc điều trị
Đối với các trường hợp bệnh nặng, những triệu chứng lo lắng, sợ hãi biểu hiện quá mức làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người bệnh thì sẽ được cân nhắc điều trị cùng một số loại thuốc phù hợp. Tuy rằng thuốc không có tác dụng chữa khỏi hoàn toàn chứng rối loạn lo âu nhưng nó có khả năng kiểm soát và làm thuyên giảm các triệu chứng nguy hiểm của bệnh.
Thông thường người bệnh sẽ được kê đơn với một số loại thuốc chống lo âu để giảm bớt các dấu hiệu lo sợ, căng thẳng cực độ. Benzodiazepine chính là loại thuốc được các bác sĩ sử dụng nhiều nhất. Bên cạnh đó, một số loại thuốc chống trầm cảm nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng, nhóm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và chất ức chế tái hấp thu serotonin – norepinephrine (SNRI), thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) cũng được cân nhắc để chỉ định điều trị rối loạn lo âu.
Việc dùng thuốc cần được hướng dẫn và chỉ định cụ thể bởi các bác sĩ sức khỏe tâm thần. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về sử dụng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc. Để đảm bảo an toàn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu dùng thuốc của chuyên gia, uống đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng giờ. Nếu trong thời gian sử dụng thuốc có bất kì dấu hiệu khác lạ nào cũng cần thông báo với chuyên gia để được xử lý và ngăn chặn kịp thời.
3. Các phương pháp khác
Bên cạnh việc trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc thì người bệnh rối loạn lo âu cũng cần phải kết hợp thêm một số biện pháp hỗ trợ khác. Các chuyên gia luôn khuyến khích bệnh nhân nhanh chóng thay đổi và điều chỉnh lối sống để sức khỏe được phục hồi tốt hơn.
- Tập thể dục, vận động thường xuyên để cơ thể nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời, trong nhiều cuộc nghiên cứu nhận thấy việc tập thể dục đều đặn sẽ giúp gia tăng hormone serotonin – đây là loại hormone có tác dụng tạo cảm giác vui vẻ, giảm căng thẳng, lo âu hiệu quả. Một số bài tập nên áp dụng như yoga, thiền định, bơi lội, chạy bộ, luyện thở,…
- Chế độ ăn uống cũng cần được đảm bảo dinh dưỡng, tăng cường bổ sung các nhóm thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất có lợi cho não bộ và sức khỏe tinh thần. Đồng thời cần hạn chế các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản.
- Tuyệt đối không được lạm dụng bia rượu, đặc biệt là trong thời gian sử dụng thuốc điều trị rối loạn lo âu.
- Duy trì lối sống tích cực, học cách kiểm soát cảm xúc, nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực và lạc quan. Hạn chế tiếp xúc với các thông tin tiêu cực, các nội dung bi đát, buồn thảm.
- Đảm bảo chất lượng giấc ngủ, tránh thức khuya. Nếu cảm thấy mất ngủ thì nên áp dụng thử một số biện pháp thư giãn hiệu quả và an toàn như ngâm chân với nước ấm, nghe nhạc, sử dụng tinh dầu thơm, thiền định, massage,…
- Có thể áp dụng thêm một số phương pháp bổ sung như xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, sử dụng trà thảo mộc, thôi miên,…
Bài viết trên đây đã đưa ra một số thông tin về các dạng rối loạn lo âu thường gặp hiện nay. Việc thăm khám và chẩn đoán chính xác dạng rối loạn lo âu đóng vai trò quan trọng đối kết quả điều trị. Do đó, nếu nghi ngờ mắc bệnh bạn cần chủ động đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa uy tín và chất lượng để được hỗ trợ kịp thời.
Tham khảo thêm:
- 10 Bài tập dành cho trẻ bị tăng động giảm chú ý nên áp dụng
- Phác Đồ Điều Trị Chứng Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa
- Rối loạn lo âu có chữa khỏi được không? Có tự khỏi không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!