Gia Đình Không Toàn Vẹn Gây Tổn Thương Tâm Lý Trẻ
Luôn có cảm giác bị bỏ rơi, dễ có xu hướng tiêu cực, dễ lầm đường lạc lối trong cuộc sống đều là những hệ lụy do gia đình không toàn vẹn gây tổn thương tâm lý trẻ. Nếu không được giúp đỡ kịp thời và đúng cách, rất nhiều trẻ đã trở nên sa ngã, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và tương lai mỗi người.
Hiểu về gia đình không toàn vẹn
Một gia đình toàn vẹn hiểu đơn giản nhất là sẽ đầy đủ cấu trúc bố – mẹ – con cái. Ngược lại, gia đình không toàn vẹn thì cấu trúc này sẽ không được đầy đủ, thiếu cha hoặc mẹ do cả hai đã ly dị hoặc mất, không sống cùng nhau. Ngoài ra việc con cái sống xa cha mẹ, chẳng hạn cha mẹ làm ở thành phố và gửi con ở quê cho ông bà nuôi, một năm chỉ về thăm 1- 2 lần cũng được coi là một dạng của gia đình không vẹn toàn.
Tất cả chúng ta đều biết rằng gia đình và cha mẹ có tác động vô cùng to lớn đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của mỗi đứa trẻ. Kể cả khi bé được sống cùng một gia đình khác có điều kiện nhưng lại không phải cha mẹ ruột mình thì vẫn sẽ luôn có cảm giác trống rỗng, thiếu một mảnh ghép nào đó trong tâm hồn. Gia đình không toàn vẹn đã gây ra rất nhiều tổn thương cho tâm lý trẻ.
Rất nhiều các nghiên cứu đã chỉ ra việc sống trong một gia đình không toàn vẹn có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ. Cụ thể, giữa gia đình không vẹn toàn và tổn thương tâm lý có mối quan hệ nguyên nhân – kết quả. Tỷ lệ những đứa trẻ bỏ nhà đi, tội phạm vị thành niên, nghiện ngập, ma túy hay rơi vào vòng lao lý hầu hết đều sống trong một gia đình không vẹn toàn.
Đặc điểm tâm lý chung của hầu hết những người sống trong một gia đình không toàn vẹn chính là thường có xu hướng tiêu cực, buồn bã, tự ti, ngại ngùng và tránh nhắc về gia đình. Nếu không được giúp đỡ kịp thời, những tâm lý tổn thương tiêu cực này sẽ ngày càng phát triển trở thành một mảnh vỡ khiến tâm hồn rời rạc, khó lành lặn trở lại như cũ và trở nên dễ thất bại ở tương lai hơn.
Những hệ lụy do gia đình không toàn vẹn gây tổn thương tâm lý trẻ
Một kết quả khảo sát được thực hiện trên thang đo YSR – Youth Self Report ( dựa theo mô hình Alpha của Cronbach với độ tin cậy 0.6 < α < 0.9) với 112 đứa trẻ sống trong gia đình không toàn vẹn cho thấy, có đến 53,5% trẻ bị tổn thương tâm lý, 30,4% trẻ trong trạng thái ranh giới và 16,1% có từ 3-8 dấu hiệu tổn thương (được tính là không tổn thương tâm lý).
Tất nhiên không phải đứa trẻ nào sống thiếu cha mẹ cũng bị tổn thương tâm lý, điều này còn phụ thuộc vào môi trường và người giáo dục, sống cùng hiện tại của con. Chẳng hạn dù một đứa trẻ có mẹ mất sớm nhưng người cha lại vô cùng quan tâm và luôn dành tình yêu thương bao la đến con thì khoảng trống của người mẹ cũng được khỏa lấp phần nào. Nhưng nếu người cha không biết quan tâm, chia sẻ đúng cách thì việc trẻ tổn thương sẽ là điều khó tránh khỏi.
Vậy gia đình không toàn vẹn gây ra những tổn thương tâm lý nào cho trẻ?
Luôn cảm thấy tự ti
Một điều hầu như dễ nhận ra ở những đứa trẻ có gia đình không toàn vẹn chính là dễ cảm thấy tự ti, đặc biệt là khi nhắc về gia đình. Con luôn ngại ngùng khi nhắc đến thành viên thiếu vắng trong gia đình mình, đặc biệt là khi cha mẹ ly dị hay làm xa, ít được gặp mặt. Con luôn tự ti với bạn bè, cảm thấy thiệt thòi, buồn tủi, xấu hổ mỗi khi thấy ai đó khoe về cha mẹ nhưng mình lại chẳng biết kể gì.
Đặc biệt trẻ nhỏ lại thường rất dễ trêu ghẹo nhau những vấn đề nhạy cảm nếu không được giáo dục kỹ, chẳng hạn một số trẻ hay bị nói rằng ‘đồ không có cha” hay “nó có mẹ đâu mà biết”. Điều này có thể gây ra những tổn thương tâm lý nghiêm trọng cho những đứa trẻ sống trong gia đình không toàn vẹn.
Sự tự ti về gia đình có thể ảnh hưởng đến cả hiện tại và tương lai của một đứa trẻ. Rất nhiều đứa trẻ thường có suy nghĩ rằng vì mình thiếu cha/ mẹ nên thường bị bạn bè khinh thường, xa lánh. Ở tương lai, việc gia đình có cha mẹ ly hôn không hạnh phúc cũng ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ và việc lựa chọn bạn đời, bởi một số người có thể cảm thấy thiếu thốn hoặc cho rằng mình không xứng đáng nếu thấy gia đình đối phương quá hạnh phúc.
Gia đình không toàn vẹn gây tổn thương tâm lý khiến trẻ sợ bị bỏ rơi
Bị bỏ rơi là cảm giác vô cùng đáng sợ và hầu như ai đã trải qua nó một lần đều luôn sống trong nỗi lo lắng sợ rằng nó sẽ tái diễn lại một lần nữa. Người gặp tình trạng này có nguy cơ gặp một số vấn đề như rối loạn lo âu, hội chứng sợ bị bỏ rơi hoặc một số ám ảnh tâm lý có liên quan đến việc bị bỏ rơi.
Đặc biệt nếu cha mẹ ly hôn không hòa bình, một trong hai người bỏ đi trước mà không chia sẻ với con có thể dẫn đến tình trạng trẻ có xu hướng quá khích nếu người nuôi dưỡng mình đi bước nữa. Con có thể tìm đủ mọi cách để chia rẽ người mà cha/ mẹ mình sắp lấy vì sợ rằng nếu gia đình có thành viên mới thì mình sẽ lại tiếp tục bị bỏ rơi, bị “ra rìa”. Cảm giác này có thể xâm chiếm toàn bộ tâm trí của một đứa trẻ.
Một người sợ bị bỏ rơi cũng có xu hướng muốn kiểm soát, chiếm lĩnh những người mà họ cho là quan trọng với mình nhiều hơn. Họ có thể chấp nhận hy sinh, hạ lòng tự trọng hay làm tất cả cho người mình yêu nhưng đồng thời cũng kiểm soát đối phương gắt gao để họ không thể phản bội hay bỏ rơi mình một lần nữa. Những tổn thương tâm lý gây ra từ từ gia đình không toàn vẹn của trẻ nếu không sớm cải thiện sẽ khiến con gặp khó khăn cho chính hạnh phúc của bản thân.
Trở nên xa cách với cha mẹ, khó hòa hợp với gia đình
Thường khi chỉ sống với cha hoặc mẹ thì người con cần phải thân thiết hơn với cha mẹ, tuy nhiên một số trẻ lại có xu hướng xa cách, khó hòa hợp được với gia đình. Đặc biệt ở những người phải sống với ông bà vì cha mẹ ly hôn và đi làm ăn xa thì thường khó gần gũi với cha mẹ, thậm chí không muốn nói chuyện mỗi khi phụ huynh về thăm.
Một phần nguyên nhân gây ra tình trạng này là do khi chỉ nuôi con 1 mình thì cha/ mẹ cần dành gấp đôi “công lực” để vừa kiếm tiền, vừa bảo vệ gia đình. Họ vừa muốn làm trọn vai trò của cả cha và mẹ, vừa muốn đem đến cho con những điều tốt nhất, chiều chuộng con hơn để con không có cảm giác thiếu thốn, thua thiệt bạn bè. Vô tình điều này đã chiếm hết thời gian khiến người cha/ mẹ đó không còn thời gian gần gũi, chia sẻ với con cái mỗi ngày.
Mặt khác ở một số người sau khi ly hôn không hạnh phúc nên có xu hướng kiểm soát con cái quá mức hoặc nói xấu về người bạn đời của mình. Do đó con cái thường có ác cảm với cha mẹ, chẳng hạn nếu ở với mẹ thì không muốn gặp cha hay ghét bên nhà nội và ngược lại. Những người cha mẹ độc hại trong gia đình không toàn vẹn chính là nguyên nhân gây tổn thương tâm lý trẻ.
Thực tế thì vốn dĩ con cái càng lớn đã càng xa cách cha mẹ do khoảng cách về tuổi tác, suy nghĩ, tâm lý. Nhưng ở những đứa trẻ sống trong gia đình thiếu vắng hình bóng cha mẹ, gia đình không hạnh phúc thì thời gian tiến đến giai đoạn này có thể bắt đầu sớm hơn và cũng kéo dài lâu hơn rất nhiều.
Tổn thương tâm lý trẻ từ gia đình không toàn vẹn gây ảnh hưởng về tính cách
Một điều có thể nhìn nhận ở hầu hết những trẻ sống trong gia đình thiếu vắng hình bóng cha/ mẹ là luôn có xu hướng tiêu cực về một mặt nào đó. Chẳng hạn một số dễ trở nên kích động, nhạy cảm quá mức, tự ti hay nhút nhát hơn các bạn đồng trang lứa. Đặc biệt tỉ lệ này có phần cao hơn ở những người có cha mẹ ly dị và bị bạn bè trêu chọc nhiều.
Cụ thể, một vài đặc điểm tính cách ở những đứa trẻ sống trong gia đình không toàn vẹn
- Có xu hướng nhạy cảm hơn bình thường, một số trẻ có tính cách già dặn hơn, chín chắn hơn các bạn bè đồng trang lứa.
- Dễ có xu hướng tiêu cực trước những lời nói, hành vi mang tính khích bác, trêu chọc của người khác. Bởi vậy không ít trẻ đã đánh nhau với bạn bè nếu bị trêu chọc các vấn đề liên quan đến gia đình
- Tự tin về bản thân, nhút nhát, không dám thể hiện bản thân vì không muốn mọi người chú ý đến mình
- Thiếu lòng tin ở những người xung quanh, đặc biệt trong chuyện tình cảm. Một số khác lại có thể dễ dàng tin người quá mức nên cũng rất dễ bị lừa dối
- Một số trẻ có xu hướng dễ kích động, khó kiểm soát, thiếu kiên nhẫn nên cũng có xu hướng bạo lực, bốc đồng
- Có xu hướng đổ lỗi hoặc hạ thấp lòng tự trọng để nhận được tình cảm, sự quan tâm của mọi người. Điều này có thể khiến con cảm thấy lấp đầy được phần tình cảm thiếu thốn từ cha mẹ
- Dễ thấy thất vọng, dễ thấy stress căng thẳng
Sự tiêu cực ở những đứa trẻ này nếu không được cải thiện sớm có thể dần trở thành một phần tích cách ở tương lai. Điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, công việc và hạnh phúc của mỗi người.
Tất nhiên không phải đứa trẻ nào có những tổn thương tâm lý được gây ra bởi gia đình không toàn vẹn cũng có tính cách xấu, điều này còn phụ thuộc phần lớn vào cách giáo dục của gia đình hay môi trường sống. Tuy nhiên hầu hết những người có gia đình không toàn vẹn đều có ít nhất 1- 2 đặc điểm tính cách này, tùy thời gian mà mức độ có thể dần được cải thiện.
Xu hướng chống đối và phạm tội ở trẻ sống trong gia đình không toàn vẹn
Rất nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra những đứa trẻ sống trong gia đình không toàn vẹn, cha mẹ ly dị không hạnh phúc, có xu hướng bạo lực nhau thường có xu hướng “lầm đường lạc lối”, dễ rơi vào vòng lao lý của pháp luật. Đây là một thực tế khá đáng buồn và vẫn đang diễn ra hằng ngày trong cuộc sống. Gia đình không toàn vẹn gây tổn thương tâm lý trẻ và đẩy trẻ đến những con đường sai trái khó quay đầu.
Sự nổi loạn của trẻ ngày nhỏ chủ yếu mang mục đích thể hiện bản thân để cha mẹ quan tâm đến mình hơn hoặc để bảo vệ chính mình không bị bạn bè bắt nạt, trêu chọc về gia đình mình. Thiếu tình cảm của cha mẹ khiến con không biết cách đối mặt với những khó khăn bên ngoài cuộc sống, vì thế không thể giữ mình trước những cám dỗ của cuộc sống.
Những trẻ thuộc nhóm này cũng dễ có xu hướng sử dụng bia rượu, thuốc lá, chất kích thích từ sớm, dễ chơi cùng các bạn bè xấu nên dễ bị sa đọa hơn. Mặt khác những “bạn bè xấu” trong mắt phụ huynh lại hầu hết có chung hoàn cảnh là gia đình không toàn vẹn nên chúng thường rất đồng cảm, thấu hiểu nhau nên ngày càng gắn kết với nhau hơn thay vì gần gũi với gia đình.
Thống kê đã chỉ ra khoảng 8% số trẻ vị thành niên phạm tội có gia đình không hạnh phúc, cha mẹ li hôn, không sống cùng nhau. Ở những kẻ phạm tội khác cũng hầu hết có tuổi thơ không hạnh phúc nên có xu hướng tiêu cực, bốc đồng, dễ kích động được thể hiện ngay từ sớm. Sự tham gia hỗ trợ của cha mẹ quá muộn hoặc không đúng cách khiến những người này cứ trượt dài trên con đường sai trái, không thể quay lại được.
Gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý
Gia đình không toàn vẹn gây tổn thương tâm lý trẻ và gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc cũng là một trong những vấn đề khá dễ nhận biết. Nguyên nhân do con có quá nhiều cảm xúc tiêu cực, lo lắng, bối rối nhưng lại không biết chia sẻ cùng ai. Sự trống trải và thiếu thốn về mặt tình cảm, sự quan tâm của cha mẹ là điều mà không thứ gì có thể bù đắp được.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra nhóm đối tượng này có nguy cơ mắc các dạng rối loạn nhân cách như
- Rối loạn nhân cách ranh giới
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội
- Rối loạn nhân cách né tránh
- Rối loạn nhân cách phụ thuộc
- Rối loạn nhân cách ái kỷ
Trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên hoặc đôi khi ngay cả những người trưởng thành nếu không biết cách kiểm soát, giải tỏa những cảm xúc tiêu cực sẽ rất dễ có các hành vi tiêu cực như tự làm đau bản thân, rạch tay, hội chứng Self-Harm, tình dục thiếu lành mạnh…
Tránh gây ra những tổn thương tâm lý trẻ ở gia đình không toàn vẹn
Thực tế thì những tổn thương tâm lý trẻ ở những gia đình không toàn vẹn là một trong những vấn đề rất khó tránh khỏi. Ngay cả chính bản thân người trưởng thành khi đứng trước sự chia ly, thiếu thốn tình thương của cha mẹ cũng chưa chắc đã biết cách đối diện chứ không nói đến những đứa trẻ có tâm lý còn rất yếu. Tuy nhiên sự giáo dục, ứng xử của cha mẹ và những người xung quanh đúng cách sẽ giảm thiểu được tối đa các vấn đề phía trên.
Như đã nói, không phải đứa trẻ nào sống trong gia đình thiếu thốn tình cảm của cha mẹ cũng trở thành một đứa trẻ hư, một người xấu. Vẫn có rất nhiều người trưởng thành, thành đạt trong hoàn cảnh khó khăn của gia đình, không sống chung cùng cha mẹ. Vậy làm thế nào để giảm tối đa những tổn thương tâm lý trẻ gây ra từ gia đình không toàn vẹn?
- Mỗi bậc cha mẹ cần học cách tranh luận thật văn minh, không nên tranh cãi trước mặt con cái để tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý của con
- Cha mẹ nếu ly dị nên thông báo và chia sẻ với con một cách văn minh. Hãy cho con thời gian có thể chuẩn bị tâm lý thật vững vàng trước khi cha mẹ ly dị đồng thời cũng tôn trọng quyết định sống với người nào của con
- Quan tâm, chia sẻ với con hằng ngày về các vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt với những trẻ có cha/ mẹ mất sớm để bù đắp phần tình cảm mà con thiếu thốn. Với những người có cha mẹ li dị vẫn nên để con gặp gỡ đối phương thường xuyên để hai bên có thể chia sẻ và tương tác với nhau. Nếu cha mẹ đi làm xa nên thường xuyên gọi điện chia sẻ, tâm sự với con thường xuyên hơn
- Cha mẹ tuyệt đối không nên nói xấu về nhau với con cái khi đã chia tay. Hãy luôn giữ hình tượng tốt nhất về đối phương trong lòng con cái
- Hướng con đến những hoạt động tích cực, lành mạnh để chăm sóc đời sống sức khỏe và tinh thần hằng ngày như tập luyện thể dục thể thao, ăn uống đầy đủ, vui chơi hợp lý
- Can thiệp phù hợp nếu thấy con bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt về các vấn đề gia đình hoặc thấy con có xu hướng chơi với bạn bè xấu
- Tạo điều kiện tốt nhất để bù đắp vào phần tình cảm mà con bị thiếu thốn nhưng quan trọng nhất là con vẫn cần sự chia sẻ, trò chuyện của cha mẹ hằng ngày
- Nếu cảm thấy trẻ có những dấu hiệu bất ổn về tinh thần nên sớm đưa con đến gặp gỡ các chuyên gia tâm lý để có hướng hỗ trợ và xử lý tốt nhất, tránh các tình huống xấu khác có thể xuất hiện
Gia đình có một tầm quan trọng cực kỳ to lớn đến sự hình thành và phát triển về nhân cách, tâm lý của mỗi đứa trẻ. Gia đình không toàn vẹn gây tổn thương tâm lý trẻ là điều khó tránh khỏi nhưng nếu cha mẹ có cách xử lý phù hợp, văn minh thì hoàn toàn có thể giải quyết được, tránh các tình huống không mong muốn xuất hiện.
Có thể bạn quan tâm:
- 7 Nguyên do khiến con cái thù ghét cha mẹ
- Bí quyết để xóa bỏ khoảng cách vô hình giữa cha mẹ và con cái
- Bị gia đình khinh thường: Ảnh hưởng tâm lý và cách đối phó
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!