Hiệu ứng Hawthorne: Sự thay đổi hành vi khi được quan sát
Hiệu ứng Hawthorne chứng mình một điều rằng, môi trường làm việc có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của một người. Chúng ta làm việc năng suất hơn khi bản thân là đối tượng chịu chú ý, và năng suất thường giảm nếu không được ai quan tâm và theo dõi. Sự chú ý và giám sát của người khác dành cho bản thân là động lực thúc đẩy hành vi.
Hiệu ứng Hawthorne là gì?
Hiệu ứng Hawthorne mô tả việc những người tham gia các cuộc thử nghiệm, người nhận được các phúc lợi đặc biệt, hoặc biết bản thân bị theo dõi và đánh giá, sẽ điều chỉnh hành vi phù hợp để tăng năng suất và chất lượng công việc. Nói một cách dễ hiểu, hiệu ứng Hawthorne mô tả năng suất làm việc của một người tỷ lệ thuận với mức độ họ bị quan sát.
Vào cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930, nhà nghiên cứu Henry A. Landsberger đã thực hiện một thí nghiệm công nghiệp tại nhà máy điện của Western Electric ở ngoại ô Hawthorne, tiểu bang Illiois. Mục đích của cuộc thử nghiệm là xác định xem các yếu tố trong môi trường làm việc có ảnh hưởng ra sao đến năng suất công việc.
Một số yếu tố được đặc biệt chú ý bao gồm: lượng ánh sáng, thời gian nghỉ giải lao, và thời gian làm việc hàng ngày. Những yếu tố này sẽ được thay đổi để xác định xem, chúng có thể làm tăng hay giảm năng suất làm việc của công nhân hay không. Trong đó, trọng tâm của nghiên cứu là về việc thay đổi lượng ánh sáng.
Trong quá trình tiến hành thí nghiệm, các nhà nghiên cứu nhận ta rằng, bất cứ thay đổi nào cũng khiến công nhân tăng hiệu suất. Dủ tăng hay giảm lượng đèn, tăng hay giảm thời gian nghỉ ngơi và ngày làm việc, năng suất đều tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, mọi thứ quay lại bình thường thi thí nghiệm kết thúc. Điều này khiến họ vô cùng kinh ngạc.
Từ đây, các nhà nghiên cứu kết luận rằng trong thí nghiệm trên, việc thay đổi môi trường làm việc không phải là yếu tố chính ảnh hưởng đến năng suất của công nhân, mà là việc họ biết bản thân đang được quan sát, và đang ở trong một cuộc thí nghiệm. Công nhân phản ứng với việc họ bị theo dõi và đánh giá.
Từ đây, thuật ngữ hiệu ứng Hawthorne được ra đời dựa theo tên của địa điểm diễn ra thí nghiệm. Hiệu ứng mô tả việc con người tự động thay đổi hành vi theo hướng tích cực hơn, khi họ nhận thức được có người đang quan tâm và chú ý bản thân. Họ cố gắng thay đổi theo hướng tốt hơn để được chú ý và đánh giá tốt.
Tranh cãi xung quanh hiệu ứng tâm lý Hawthorne
Đến nay, hiệu ứng Hawthorne có thật sự tồn tại hay không vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng kết quả của thí nghiệm không hoàn toàn chính xác, và không thể hiện dúng bản chất của vấn đề. Việc tăng năng suất của công nhân có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác.
Một nhà khoa học là Parsons đã đưa ra phản bác về hiệu ứng Hawthorne. Ông nói rằng, việc những người công nhân biết được chính xác những đánh giá về hiệu suất làm việc của họ, thông qua bảng thông báo trên tường, mới là yếu tố thúc đẩy họ cố gắng nhiều hơn và tăng năng suất lao động.
Trong thí nghiệm Hawthorne, bản đánh giá năng suất sẽ được cập nhật hàng ngày, và công nhân hoàn toàn biết rằng mình làm được những gì, và so sánh với hiệu suất của những ngày trước. Chính điều này khiến họ không ngừng cố gắng nâng cao khả năng làm việc mỗi ngày, vì không muốn thành tích bị thụt lùi so với ngày hôm qua.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bác bỏ sự thật rằng, việc bị người khác chú ý có thể tạo ra cảm giác căng thẳng, đẩy mạnh tinh thần trách nhiệm và cái tôi cá nhân, từ đó khiến con người có xu hướng thay đổi bản thân trở nên tốt hơn. Áp lực từ sự quan sát và đánh giá của cấp trên, hay người có địa vị, quyền lực cao hơn, là yếu tố thúc đẩy sự cố gắng.
Điều này cũng được thể hiện rõ trong quá trình làm việc nhóm, khi mọi người luôn quan tâm và chú ý hiệu suất công việc của người khác vì nó ảnh hưởng đến kết quả chung, chúng ta sẽ không muốn làm tập thể thất vọng. Kết quả là khi tất cả cùng cố gắng, hiệu suất và chất lượng công việc được nâng cao đáng kể.
Hiệu ứng Hawthorne, theo một cách nào đó, thể hiện nhu cầu được chứng minh bản thân, và mong muốn đạt được đánh giá tốt, cùng sự chấp nhận của những người xung quanh. Hiệu ứng này mang đến ảnh hưởng tích cực nếu dùng với mục đích xây dựng, cải thiện chất lượng và năng suất lao động.
Ngày nay, các nghiên cứu về hiệu ứng thú vị này đang được tiếp tục. Và thuật ngữ Hawthorne vẫn được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực bao gồm nghiên cứu tâm lý học, kinh tế học, quản lý doanh nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục,… nhằm nâng cao năng suất công việc, và tạo môi trường làm việc, học tập chuyên nghiệp, tích cực.
Tìm hiểu thêm: Hiệu ứng đà điểu: Tâm lý luôn muốn né tránh thông tin xấu
Áp dụng hiệu ứng Hawthorne trong quản lý nhân sự
Hiệu ứng Hawthorne thường được áp dụng trong việc quản lý nhân viên, giúp nhân viên chăm chỉ và nâng cao chất lượng công việc. Tuy nhiên, trước khi áp dụng hiệu ứng này, chúng ta cần biết một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc cải thiện năng suất để có kế hoạch áp dụng đúng đắn. Những yếu tố này bao gồm:
- Phản hồi về hiệu suất: Trong trường hợp những người tham gia thí nghiệm, hoặc những nhân viên trong công ty, biết rằng người quan sát hay sếp của họ mong muốn điều gì, họ sẽ cố gắng thể hiện mọi thứ một cách tốt nhất khi nhận thức được mình là đối tượng bị quan sát. Hiện tượng này thường xảy ra khi thí nghiệm và sự quan sát liên quan đến việc đánh giá hiệu suất. Thể hiện tốt, hiệu suất làm việc cao có thể giúp họ được đánh giá tốt, có cơ hội tăng lương lên chức, hay tránh khỏi việc bị loại bỏ khi đạt được chi tiêu.
- Đặc điểm nhu cầu: Những thay đổi trong môi trường làm việc có thể khiến công nhân viên nhận ra rằng, điều kiện làm việc của họ đang nhận được sự chú ý từ cấp trên. Đồng nghĩa với việc những hành vi tích cực như tăng năng suất, làm việc chăm chỉ sẽ được chú ý, và họ có thể dựa vào đó thể hiện mong muốn, nhu cầu của bản thân. Việc điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực chính là một tín hiệu mà nhân viên muốn gửi đến cấp trên nhằm tìm kiếm lợi ích.
- Hiệu ứng mới lạ: Sự thú vị của thí nghiệm, hoặc sự mới lạ trong công nghệ, tính năng và quy trình công việc có thể khiến công nhân viên cảm thấy bị hấp dẫn, và có suy nghĩ muốn chứng tỏ bản thân nhiều hơn. Yếu tố này có thể thúc đẩy gia tăng hiệu suất công việc trong thời gian ngắn. Tuy nhiên khi sự thú vị và mới lạ qua đi, hiệu suất công việc có thể quay trở lại như cũ.
Khi đã nhận thức được những yếu tố này, người quản lý có thể dễ dàng áp dụng hiệu ứng Hawthorne vào việc quản lý nhân sự. Thông thường, sự kỷ luật và giám sát chặt chẽ trong môi trường làm việc là yếu tố quan trọng giúp nhân viên không trở nên lơ là, mất tập trung. Tuy nhiên, cái gì thái quá thì cũng phản tác dụng.
Nhân viên cần có được sự quan tâm và chú ý của cấp trên để nhắc nhở bản thân luôn hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Nhưng khi sự chú ý và quan tâm biến thành giám thị và soi mói, họ sẽ cảm thấy lo lắng, căng thẳng, stress và kéo hiệu quả công việc xuống. Chính vì thể, hãy quan sát nhân viên một cách tinh tế, đừng tạo ác lực quá nặng nề lên họ.
Một nhà quản lý thông minh là người biết cách theo dõi tiến độ công việc, và nhắc nhở khéo léo để nhân viên ý thức được rằng năng suất làm việc của họ vẫn được cấp trên thường xuyên chú ý. Quản lý cũng cần thấu hiếu tâm tư nguyên vọng, biết cách kết nối với cấp dưới, cho họ môi trường tốt nhất để phát triển, và xem xét những đề xuất hợp lý để tăng hiệu quả công việc.
Ngoài ra, việc phân chia công việc hợp lý, xếp đúng người vào đúng nhóm cũng góp phần làm tăng hiệu quả công việc. Những nhóm tập hợp những con người tài giỏi, có chung lý tưởng, suy nghĩ và phong cách làm việc sẽ giúp đẩy mảnh hiệu quả công việc. Đó là vì tất cả mọi người hiểu răng mình cần làm gì, và có khả năng giúp đỡ lẫn nhau vì mục tiêu chung.
Việc để những người có kinh nghiệm, hoặc có tiếng nói trong nhóm “giám sát” những người còn lại sẽ thúc đẩy họ cố gắng. Nhân viên được truyền cảm hứng, và bị xuốn vào guồng làm việc của cả nhóm, từ đó họ tự thay đổi bản thân tốt hơn để không ảnh hưởng tập thể, và tạo ấn tượng tốt với lãnh đạo.
Chưa kể, việc nhận được sự quan tâm, theo dõi và khích lệ từ cấp trên có thể tạo nên động lực lớn trong công việc. Những người quản lý tài năng là người biết cách khuyến khích công nhân, nhân viên đóng góp ý kiến và năng lực nhằm cải thiện hiệu suất làm việc. Nhân viên sẽ làm việc hăng say hơn nếu ý kiến và suy nghĩ của họ được trân trọng và lắng nghe.
Cách giảm ảnh hưởng của hiệu ứng Hawthorne
Hiệu ứng Hawthorne có tác dụng tốt trong việc quản lý nhân sự, giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc. Tuy nhiên nó lại làm sai lệch kết quả nghiên cứu trong các thì nghiệm thực tế. Do đó việc giảm thiểu ảnh hưởng của hiệu ứng Hawthorne sẽ giúp kết quả công bằng và chính xác hơn
- Sử dụng bối cảnh tự nhiên: Tốt nhất là không để những người tham gia thí nghiệm, hay nhân viên, phát hiện ra bản thân họ đang bị theo dõi và giám sát. Điều này giúp những phản ứng và hành vi của mọi người diễn ra một cách tự nhiên, hạn chế những yếu tố bên ngoài tác động. Tuy nhiên, biện pháp này không phải lúc nào cũng có thể áp dụng.
- Khảo sát ẩn danh: Khảo sát ẩn danh giúp người tham gia không bị lộ danh tính, và không ai biết rằng câu trả lời trên giấy thuộc về ai. Điều này giúp người tham gia có thể trả lời một cách khách quan hơn, vì người xem xét sẽ không biết anh ta là ai. Hình thức này ngăn chặn sự thiên vị, hay bất công khi người đánh giá không chịu ảnh hưởng bởi đối tượng khảo sát. Người khảo sát cũng không có biện pháp thay đổi hành vi hay đáp án phù hợp với người chấm điểm, vì đôi bên đều không biết người kia là ai. Khảo sát sẽ công bằng và chính xác hơn.
Bên cạnh đó, con người củng sẽ thả lỏng, giảm căng thẳng, thành thật hơn, và không cần thể hiện cái tôi quá nhiều trước mặt những người thân thiết. Do đó chúng ta có thể lợi dụng điểm nào để tạo lòng tin từ người tham gia thí nghiệm, để họ không nhận ra và không điều chỉnh hành vi khi tham gia thí nghiệm.
Mặc dù hiện nay nhiều người vẫn không công nhận hiệu ứng Hawthorne tồn tại, và còn nhiều tranh cãi xung quanh hiện tượng này. Tuy nhiên hiệu ứng Hawthorne vẫn cho thấy con người thay đổi hành vi theo hướng tích cực hơn khi bị quan sát, hoặc nhận được sự quan tâm đúng đắn từ người khác.
Có lẽ bạn quan tâm:
- Hiệu ứng lồng chim (Diderot) và ứng dụng trong rèn luyện tư duy
- Hiệu ứng Dunning-Kruger: Sự tự cao và ảo tưởng về năng lực
- Tìm Hiểu Về Hiệu Ứng Veblen (Thuyết Tiêu Dùng Phô Trương)
- Hiệu ứng tương phản là gì? Phân tích những góc nhìn cụ thể
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!