Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống: Cách lấy lại nhanh

Tình trạng mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống xảy ra khi chúng ta quá bộn bề với công việc, tất tả chạy theo guồng quay vô tận của thời đại, và không có thời gian sắp xếp lại cuộc sống của chính mình. Trách nhiệm với công việc, với gia đình, với bạn bè và những mối quan hệ xã hội đan xen, chồng chéo khiến ta cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng.

Điều cần biết về mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Công việc và cuộc sống là hai khái niệm gắn bó mật thiết với mỗi con người. Chúng ta cần lao động để tạo ra của cải, vật chất phục vụ cho cuộc sống. Chúng ta cũng cần thời gian để chăm sóc gia đình, yêu đương, hẹn hò với bạn bè, nghỉ ngơi và thư giãn để nạp lại năng lượng sau những ngày làm việc vất vả. Ai cũng có những trách nhiệm nhất định với cả công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, việc cân bằng hai yếu tố này chưa bao giờ là dễ dàng.

mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Cân bằng giữa công việc và cuộc sống là một thách thức, nhưng là việc vô cùng cần thiết để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần.

Sắp xếp và quản lý thời gian một cách hợp lý là cả một nghệ thuật, vì chúng ta không thể tránh khỏi những tình huống phải “nặng bên này nhẹ bên kia”. Đặc biệt với những người có công việc bận rộn, deadline gấp rút, và thường xuyên phải công tác xa nhà thì việc cân bằng giữa công việc và gia đình, cuộc sống là một thử thách không hề nhỏ. Có đôi khi, chúng ta chỉ ước bản thân có thể tách làm hai, hoặc một ngày có thêm 24 tiếng để làm hết việc và có thời gian nghỉ ngơi.

Thông thường, công việc sẽ là điều được ưu tiên, vì chúng ta cần tiền để sống. Trách nhiệm với công việc, ước muốn chứng tỏ bản thân, cơ hội thăng tiến rộng mở, những khoảng lương thưởng hàng năm, và cơ hội mở rộng vòng tròn quan hệ khiến ta bỏ qua những điều quan trọng trong cuộc sống, lao mình vào vòng xoáy vô tận của công việc. Đây chính là lúc công việc và cuộc sống của chúng ta dần trở nên mất cân bằng.

Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống thường xảy ra khi ta nghiêng hẳn về một phía (thường là công việc) và bỏ bê yếu tố còn lại. Có những người quá tham công tiếc việc đến mức không có thời gian nghỉ ngơi, không quan tâm đến gia đình và con cái. Cũng có những người lười biếng, ham thích cuộc sống hưởng thụ nên không quan tâm đến công việc, không hoàn thành trách nhiệm với việc được giao.

Dù là rơi vào trường hợp nào, việc không cân bằng được hai yếu tố công việc và cuộc sống không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, mà còn là sức khỏe tinh thần và những mối quan hệ khác trong đời. Suy nhược cơ thể, stress trong công việc, trầm cảm, gia đình bất hòa, xa cách người thân, con cái không nghe lời, công việc không thuận lợi dẫn đến mất việc,… là những vấn đề bạn phải đối mặt nếu không chịu thay đổi theo hướng tích cực.

Chúng ta hoàn toàn có thể cân bằng hai yếu tố này ở một mức độ nhất định, nếu biết cách ưu tiên những việc cần làm trước và sau một cách phù hợp. Sắp xếp thời gian hợp lý, tận dụng những khoảng thời gian trống để hoàn thành việc cần làm sẽ giúp tăng hiệu suất, giảm thiểu thời gian làm việc, đảm bảo tiến độ công việc, mà vẫn có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và chăm lo cho bản thân cũng như gia đình.

mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Sắp xếp thời gian hợp lý, biết cách chọn lựa những việc cần làm trước và sau giúp bạn có thể tận dụng thời gian một cách tốt nhất.

Việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống có nhiều tác động tích cực đến sức khỏe như giảm căng thẳng, tăng hiệu suất làm việc, cải thiện những mối quan hệ gia đình và xã hội. Cân bằng làm sao cho hợp lý sẽ tùy vào nhận định và sự điều chỉnh của từng người, tùy vào nhu cầu công việc và những yếu tố khác trong cuộc sống. Quan trọng là chúng ta cần có sự linh hoạt trong sắp xếp thời gian để tận dụng tốt nhất thời gian đang có.

Vì sao chúng ta bị mất cân bằng cuộc sống và công việc?

Một cuộc khảo sát tại Hoa Kỳ cho thấy, có hơn 1/4 dân số gặp vấn đề trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Họ thường cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi khi vừa phải hoàn thành công việc trong công ty, vừa phải dành thời gian chăm sóc gia đình. 13% người dân Anh, những người phải làm việc hơn 49 giờ/tuần, cũng cho biết họ không có thời gian chăm lo cho bản thân và người nhà vì áp lực công việc.

Có thể thấy, áp lực công việc, kỳ vọng của bản thân và những người xung quanh, cùng những áp lực cuộc sống là nguyên nhân chính khiến tình trạng mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống ngày càng trầm trọng. Ngoài ra, những yếu tố như tính cách tự thân, cách sắp xếp thời gian chưa hợp lý, sự thiếu tinh tế trong việc phân chia công việc, và một số yếu tố riêng khác cũng khiến chúng ta khó cân bằng mọi thứ.

  • Ôm đồm nhiều công việc: Thông thường, những người ôm đồm nhiều công việc là những người có trách nhiệm cao, và là người có tính cầu toàn. Sự tận tâm và cầu toàn trong công việc khiến bạn không an tâm khi giao việc cho người khác, luôn cảm thấy không vừa ý nếu không phải tự tay làm. Tính cách này khiến bạn mất nhiều thời gian hơn vào những tiểu tiết, làm chậm tiến độ công việc, và buộc bạn phải dành thời gian nghỉ ngơi để hoàn tất công việc. Ôm đồm nhiều việc một lúc làm ảnh hưởng đến sức khỏe, và luôn đẩy bạn vào trạng thái bận rộn.
  • Có tham vọng cao: Những người có tham vọng cao luôn đặt yếu tố công việc lên trên hết. Để đạt được mục tiêu hay vị trí mong muốn, họ sẵn sàng bỏ qua mọi yếu tố khác mà lao đầu vào công việc, kể cả sức khỏe bản thân. Việc quá chú tâm vào công việc, không có thời gian nghỉ ngơi, không quan tâm chăm sóc người thân. Điều này khiến mối quan hệ giữa họ và bạn bè, hay những người trong gia đình ngày càng xa cách. Sức khỏe cũng bạn cũng chịu những ảnh hưởng nhất định và ngày càng suy giảm.
mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Những người có tham vọng thăng tiến, hy vọng chứng tỏ năng lực sẽ đặt nặng trọng tâm vào công việc, vào những cơ hội đát đến vị trí cao hơn nên dễ bỏ bê bản thân và gia đình.
  • Không có định hướng rõ ràng: Khi bạn có quá nhiều ý tưởng, quá nhiều thứ muốn làm cùng một lúc, nhưng lại không có định hướng rõ ràng, bạn sẽ rơi vào sự bối rối và mất phương hướng. Có lúc, bạn phải dành nhiều thời gian cho công việc đến mức bỏ bê con cái và gia đình. Có lúc, bạn lại cố gắng kết nối lại những mối quan hệ gần như tan vỡ, bỏ mặc công việc chất đống và cần xử lý gấp. Bạn không xác định được việc nào quan trọng hơn, không có quy hoạch và định hướng cụ thể về những điều mình cần làm. Bạn thường nghiêng về một phía quá lâu mà bỏ rơi những yếu tố khác.
  • Nuông chiều bản thân: Giờ làm việc thì cần làm việc, đó là điều ai cũng biết. Tuy nhiên, lướt web trong giờ làm, nuông chiều bản thân theo những thói quen xấu, và không tập trung vào công việc khiến bạn phải dành nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc của một ngày. Khi ở nhà, bạn lại dành nhiều thời gian để xem phim, dạo phố và mặc kệ đống công việc chưa hoàn thành. Đến cuối tháng, bạn lại cuống cuồng làm ngày làm đêm để đủ KIP nhằm tránh việc bị trừ lương. Chính việc nuông chiều bản thân thái quá khiến chất lượng công việc không đảm bảo.
  • Không sắp xếp thời gian hiệu quả: Việc sắp xếp thời gian hiệu quả là chìa khóa giúp bạn cân bằng những yếu tố trong cuộc sống, giúp bạn xác định việc nào quan trọng, việc nào cần làm trước và sau. Nếu không có kế hoạch cho những việc cần làm, những ưu tiên quan trọng, bạn sẽ nhanh chóng “lạc đường” và khiến mọi thứ xung quanh từ công việc, gia đình, đến các mối quan hệ trở nên rối rắm và mất kiểm soát. Cuối cùng, tất cả những điều bạn làm không mang đến hiệu quả thiết thực mà còn lãng phí thời gian.

Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, mỗi người cũng sẽ có những lý do riêng để xem trọng công việc hay cuộc sống riêng hơn. Việc chúng ta ưu tiên một trong hai yếu tố hơn không có gì sai, nhưng để đảm bảo công việc trôi chảy, và cuộc sống không bị xáo trộn quá nhiều, chúng ta nên biết cách cân bằng. Nếu không, tình trạng “bên trọng bên khinh” kéo dài sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân chúng ta.

Biểu hiện và tác hại của việc mất cân bằng cuộc sống

Việc mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, làm việc quá sức không có thời gian nghỉ ngơi, hay bỏ bê công việc vì những thú vui hàng ngày đều mang đến những tác động tiêu cực cho sức khỏe và cuộc sống. Chúng khiến bạn trở nên cáu gắt và mệt mỏi hơn. Hãy kiểm tra xem bạn có đang nhận thấy những biểu hiện của sự mất cân bằng được đề cập dưới đây. Nếu có, bạn cần thay đổi lối sống và cách suy nghĩ để cân bằng lại cuộc sống.

mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Mất cân bằng cuộc sống khiến bạn luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, chán nản, tình trạng tâm lý này thường ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
  • Bạn luôn trong trạng thái bận rộn, làm không hết việc, và không biết nên bắt đầu công việc từ đâu, nên làm việc nào trước. Lượng công việc ngày càng chất đống khiến bạn luôn cảm thấy lo lắng kể cả trong giờ làm việc hay đang ở nhà. Điều này có thể dẫn đến việc căng thẳng quá mức.
  • Bạn thường xuyên phải tăng ca để giải quyết những việc tồn đọng, hoặc cảm thấy chưa hài lòng với công việc và sửa lại nhiều lần. Ngay cả những lúc ăn cơm, họp mặt gia đình hay đi chơi, trong đầu bạn cũng toàn là công việc. Việc phân bổ thời gian không hợp lý kéo chậm tiến độ công việc, giảm năng suất và chất lượng lao động.
  • Bạn cảm thấy chán nản, mệt mỏi, không thể tập trung vào công việc, đặc biệt là khi làm việc ở nhà. Mệt mỏi và căng thẳng là những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của việc mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, bởi vì đồng hồ sinh học của bạn đã bị ảnh hưởng gậy ra cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ, mơ màng mất tập trung,…
  • Áp lực công việc và lối sống không lành mạnh có thể gây ra sự mất cân bằng hormone trong cơ thể. Ở phụ nữ, vào mỗi dịp “đèn đỏ” hàng tháng, những ảnh hưởng của kinh nguyệt và horemone cũng khiến bạn dễ cáu gắt, nóng nảy và dễ nảy sinh xung đột với những người xung quanh. Nếu không biết cân bằng cuộc sống và công việc để bản thân có thời gian nghĩ ngơi, tình trạng này sẽ ngày cang nghiêm trọng.
  • Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhịp sinh học và mang đến cảm giác thoải mái, thư giãn, giúp chúng ta nạp lại năng lượng sau những giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, mất cân bằng cuộc sống khiến chúng ta thường xuyên mất ngủ. Nguyên nhân là do bạn dành quá nhiều thời gian vào công việc, hoặc thường xuyên thức đêm xem phim, nghiện game,… khiến giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn.
  • Tăng cân nhanh chóng thường xảy ra ở những người làm việc nhiều, ít vận động và không dành thời gian rèn luyện thân thể. Với những người thường xuyên tăng ca, làm việc ban đêm thì chế độ ăn uống sẽ không cân đối. Việc ăn thức ăn nhanh, ăn đêm nhiều, hạn chế vận động sẽ gây ra tình trạng thừa cân, béo phì, và làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống khiến bạn cảm thấy bồn chồn, nóng nảy, có cảm giác trong người lúc nào cũng giống như có một ngọn lửa đang bùng cháy dữ dội. Tâm trạng bồn chồn này khiến bạn dễ mất tập trung, dễ nổi giận, khó giữ bình tĩnh
  • Đau đầu, chóng mặt, đêm khó ngủ nhưng ngủ ngày nhiều, đau nhức vai gáy, mắt bị thâm quầng, thể lực giảm sút, thường xuyên rơi vào trạng thái mơ màng, không tập trung là những dấu hiệu thường thấy của người mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
  • Bạn dần dần trở nên xa cách bạn bè và gia đình. Vì ham mê công việc nên bạn không còn dành nhiều thời gian cho vợ chồng, con cái, ít quan tâm đến suy nghĩ, tình cảm và sự phát triển của con. Bạn cũng không hỏi han và quan tâm đến sức khỏe cha mẹ, luôn sống trong thế giới của mình và bỏ mặc mọi chuyện xung quanh.
mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Không biết cách quản lý thời gian là một trong những nguyên nhân khiến công việc hoặc cuộc sống riêng tư lấn át yếu tố còn lại.

Trên đây là những biểu hiện thường thấy của việc mất cân bằng cuộc sống. Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống không chỉ gây ra những ảnh hưởng về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, mà còn là những mối quan hệ bạn bè hay gia đình. Vấn đề tham công tiếc việc, hay không có trách nhiệm với công việc của bản thân đều có khiên chúng ta “mất điểm” trong mắt những người xung quanh, và bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá.

Một khảo sát tại Anh từng được thực hiện cho thấy, có hơn 33% số người được hỏi cho biết, họ cảm thấy hối hận khi phải hy sinh quá nhiều cho công việc, mà bỏ bê bản thân và gia đình. Cũng có hơn 40% những người đi làm cho biết, áp lực công việc khiến họ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, và khiến họ không còn thời gian rảnh cho bản thân và các mối quan hệ khác.

Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, tim mạch, hô hấp, và các vấn đề về tâm lý. Tình trạng này ở nữ giới (42%) cao hơn nam giới (29%) cho thấy những định kiến xã hội về việc phụ nữ có thể giỏi giang trong sự nghiệp, nhưng cũng phải hoàn thành thiên chức làm vợ, làm mẹ khiến nhiều người phụ nữ rơi vào tình trạng stress, trầm cảm, và có xu hướng bất ổn tâm lý nặng hơn.

Những tác hại của việc mất cân bằng cuộc sống có thể kể đến như: thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, lo âu, suy yếu hệ miễn dịch, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, tăng nguy cơ mắc ung thư và bệnh tim mạch, đau nhức cơ thể (đầu, cổ, vai, gáy, chân,…). Ngoài ra, nó còn hủy hoại những mối quan hệ quan trọng (gia đình, người yêu, bạn bè) khi ta dành quá nhiều thời gian cho công việc, ít đoái hoài đến những người thân yêu.

Làm sao để vượt qua tình trạng mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Tình trạng mất cân bằng trong cuộc sống gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực là điều chúng ta ai cũng hiểu. Nhưng làm sao để hạn chế ảnh hưởng của chúng đến bản thân và gia đình? Mất cân bằng cuộc sống là một trong những nguyên nhân khiến gia đình tan vỡ, và hủy hoại những mối quan hệ bạn đang có. Hãy hành động theo những cách dưới đây để giúp bản thân vượt qua giai đoạn khó khăn, và cân bằng lại cuộc sống.

mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Nhiều gia đình tan vỡ do vợ chồng ly hôn, con cái nổi loạn, ngỗ nghịch chỉ vì không có tiếng nói chung, không có thời gian quan tâm đến nhau.
  • Xác định không có khái niệm cân bằng hoàn hảo: Cân bằng giữa công việc và cuộc sống chỉ có tính tương đối, chứ không có khái niệm tuyệt đối. Bạn không thể dành thời gian bằng nhau cho hai yếu tố này trong mọi trường hợp, có lúc sẽ nghiêng về bên này, có lúc sẽ nghiêng về bên kia, tùy vào mức độ ưu tiên và khoảng thời gian phù hợp. Điều quan trọng là ta biết cách điều chỉnh để hai yếu tố không quá chêch lệch, công việc hoàn thành đúng hạn và đạt tiêu chuẩn, đồng thời ta cũng có thời gian vui chơi và thư giãn.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi: Trong quá trình làm việc, chúng ta cũng cần những khoảng thời gian thư giãn để giảm căng thẳng. Thư giãn hợp lý không làm giảm tiến độ công việc, trái lại còn có thể làm tăng năng suất và chất lượng. Cơ thể chúng ta không thể chịu được áp lực làm việc quá lớn một cách liên tục, do đó việc thư giãn và tập những bài tập nhẹ nhàng sẽ có tác dụng tốt để cải thiện trí óc và sức khỏe.
  • Lên kế hoạch hợp lý: Lập kế hoạch tì mỉ và khoa học là một cách để cân bằng những việc cần làm trong cuộc sống, và ưu tiên những việc quan trọng. Ví dụ trong quá trình làm bữa sáng, bạn có thể tận dụng thời gian gửi fax, gửi mail cho khách hàng. Trong quá trình làm việc, bạn cũng có thể trao đồi với đồng nghiệp về thứ tự công việc, điều cần làm trước, điều cần làm sau để thời gian không bị chết và lãng phí. Những vấn đề khác trong cuộc sống cũng có thể được sắp xếp xen kẽ để tận dụng thời gian một cách tốt nhất.
  • Duy trì lối sống lành mạnh: Lối sống lành mạnh bao gồm những yêu cầu như ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên vận động và luyện tập thể dục thể thao, không sử dụng rượu bia và các chất kích thích. Việc duy trì lối sống lành mạnh giúp ta cân đối thời gian làm việc, nghỉ ngơi và có thời gian rảnh dành cho những nhu cầu cần thiết của cuộc sống. Lối sống lành mạnh giúp bảo vệ sức khỏe, duy trì sự minh mẫn, và là cách đối phó với căng thẳng vô cùng hiệu quả, cải thiện vấn đề mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
  • Dành thời gian cho hoạt động cá nhân: Ngoài công việc, bạn bè và gia đình, bạn cũng cần thời gian cho bản thân. Đã bao lâu rồi bạn không dành thời gian cho những hoạt động như đọc sách, vẽ tranh, chụp ảnh, khiêu vũ, xem phim, dạo phố cùng bạn bè, ăn cơm cùng gia đình, chơi đùa với con cái? Để đạt được sự cân bằng trong công việc và cuộc sống, bạn cũng cần thỏa mãn những sở thích cá nhân để thư giãn và sạc lại năng lượng cho tinh thần.
mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Đừng để những áp lực và sự bề bộn của công việc khiến bạn bỏ quên những sở thích cá nhân, những hoạt động này có thể giúp bạn cân bằng cuộc sống.
  • Biết cách quản lý thời gian: Quản lý thời gian là kỹ năng cần thiết khi muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Bạn cần có kế hoạch cụ thể để không xuất hiện tình trạng “thời gian chết”, tức có thời gian rảnh nhưng không tận dụng được nó một cách tốt nhất. Kết quả là chúng ta cảm thấy ngộp thở khi công việc dồn ứ, mà việc nào cũng cần gấp, khiến ta không biết nên giải quyết thế nào. Quản lý thời gian hợp lý cũng giúp ta có thời gian nghỉ ngơi, du lịch, và chăm sóc sức khỏe bản thân.
  • Hạn chế làm việc tại nhà: Bạn nên cố gắng sắp xếp thời gian làm việc tại công ty và tránh ôm việc về nhà. Làm việc quá nhiều ngoài giờ làm việc khiến thời gian nghỉ ngơi, thời gian dành cho bản thân và gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, làm việc tại nhà cũng làm đảo lộn thói quen và giờ giấc sinh hoạt, dễ phát sinh nhiều tình huống không doán trước, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
  • Chăm lo cho gia đình đúng cách: Trong giai đoạn nghỉ thai sản hay chăm con dưới 5 tuổi, bạn nên ưu tiên vấn đề chăm sóc con cái và cải thiện sức khỏe cá nhân, hơn là công việc. Phụ nữ sau khi sinh sẽ gặp rất nhiều vấn đề về thể chất như sức chịu đựng kém hơn, đãng trí, trầm cảm sau sinh, và cần có nhiều trách nhiệm với gia đình hơn. Vì thế, đây là giai đoạn bạn nên dành thời gian nghĩ ngơi và gắn kết mối quan hệ gia đình.
  • Tạo không gian làm việc thoải mái: Không gian làm việc thoải mái, đầy đủ những công cụ cần thiết khiến chúng ta thư giãn, giảm bớt cảm giác gò bó, căng thẳng và nâng cao chất lượng cũng như hiệu suất công việc. Điều này giúp hạn chế tình trạng mang việc về nhà làm, giúp bạn có nhiều thời gian nghỉ ngơi thư giãn hơn. Không gian làm việc thoải mái cũng kích thích trí sáng tạo, khả năng tập trung, và tiếp thêm sức mạnh cho quá trình làm việc nhanh chóng, hiệu suất cao hơn.

Ngoài những hành động tự điều chỉnh, bạn cũng có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên viên tư vấn tâm lý trong trường hợp cần thiết. Đôi khi bạn cảm thấy mệt mỏi, suy sụp mà không biết rằng đó là những dấu hiệu của việc mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Trong trường hợp này, tìm đến các trung tâm tư vấn tâm lý để được chẩn đoán và tư vấn giúp bạn có lộ trình rõ ràng hơn trong việc cải thiện các vấn đề sức khỏe.

mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Chuyên gia tâm lý tư vấn, hỗ trợ bạn lấy lại cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

Việc giữ cho hai yếu tố là công việc và cuộc sống cân bằng chưa bao giờ là việc dễ dàng. Đặc biệt, nếu bạn là người có tham vọng chứng tỏ bản thân, người có tính trách nhiệm cao, cầu toàn trong cuộc sống, hoặc người cả nể không dám từ chối những yêu cầu vô lý thì tình trạng mất cân bằng sẽ càng trầm trọng hơn. Điều này gây ra những tác động xấu, bào mòn sức khỏe, để lại những mầm tai họa khi về già làm suy yếu hệ miễn dịch và rút ngắn tuổi thọ.

Do đó, bạn cần quan tâm nhiều hơn đến việc cân bằng cuộc sống và công việc. Bạn cũng cần có ý thức quan tâm đến gia đình, con cái, bạn bè để không khiến bản thân ngày càng xa cách những người thân yêu. Việc cân bằng cuộc sống là điều hoàn toàn có thể làm được nếu bạn có quyết tâm và kế hoạch hợp lý. Quan trọng là bạn cần xác định những điều ưu tiên làm trước, cũng như sắp xếp thời gian để tận dụng tốt nhất quỹ thời gian của bản thân.

Có lẽ bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *