Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo: Cách nhận diện và khắc phục

Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo, hay chủ nghĩa hoàn hảo, dùng để miêu tả những người luôn đòi hỏi sự hoàn hảo trong mọi trường hợp. Yêu cầu về sự hoàn hảo này thể hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống, từ suy nghĩ, hành vi, cách nói năng hay ứng xử, họ đều muốn chúng đạt đến độ hoàn hảo nhất định. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo có liên quan đến rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo là gì?

Bạn đã bao giờ cảm thấy khó chịu khi chồng sách trước mặt bị xếp lộn xộn, không theo một thứ tự hay hình thù nhất định? Bạn có xu hướng muốn mọi thứ mình làm đều đạt đến mức tốt nhất, hoặc đạt điểm tối đa trong mọi môn học? Ban có cảm thấy đau khổ, mệt mỏi khi thấy mọi thứ trước mặt thiếu trước hụt sau, không thể đạt đến sự hoàn hảo như bạn mong muốn? Nếu có những biểu hiện trên, có lẽ bạn đã mắc chứng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo.

rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo
Những người bị rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo sẽ có cảm giác thôi thúc, và sự chấp nhất rất lớn với việc hoàn thành mọi thứ một cách tốt nhất.

Nhiều người nhầm lẫn rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo với tính cách cầu toàn, vì cả hai đều có những biểu hiện tương tự nhau như mong muốn mọi thứ xung quanh, hay mọi thứ mình làm đều hoàn thành một cách chỉn chu, hoàn hảo nhất theo ý muốn. Tuy nhiên, cầu toàn là một nét tính cách đặc trưng, và tính cầu toàn không gây ám ảnh, đau khổ và những ảnh hưởng tâm lý nặng nề như rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo.

Việc đặt ra những yêu cầu cao cho bản thân, hướng đến sự hoàn hảo không tì vết, và cố gắng hoàn thành chúng một cách tốt nhất là một nét tính cách tốt của con người. Thái độ sống và làm việc này giúp ta có nhiều động lực, đạt hiệu suất công việc tốt hơn, và tránh những sai sót không đáng có. Tuy nhiên, ta cũng nên hiểu rằng không phải bất cứ điều gì cũng có thể hoàn hảo, và sự hoàn hảo cũng chỉ ở một giới hạn nhất định.

Tuy nhiên với những người bị rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo, yêu cầu và mục tiêu hoàn hảo mà họ đặt ra đôi khi khá cực đoan và khó để thực hiện. Họ yêu cầu bản thân và cả những người xung quanh hướng đến sự hoàn hảo không cần thiết. Họ bị ám ảnh, và luôn tìm mọi cách để biến những thứ xung quanh trở nên hoàn hảo như ý. Ý nghĩ này có thể gây ra sự đau khổ, mệt mỏi, lo lắng và căng thẳng cho người mắc bệnh nếu mọi thứ không diễn ra như họ mong muốn.

Và vì định nghĩa của sự hoàn hảo khác nhau ở từng đối tượng, những người bị ám ảnh hoàn hảo cũng có thể tỏ thái độ không hài lòng, có xu hướng làm quá vấn đề và khắt khe quá mức kiểu “vạch lá tìm sâu” khi xem xét công việc của bản thân và người khác. Tình trạng này có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc cùng những mối quan hệ xã hội, bởi vì không ai thích một người luôn xét nét và đòi hỏi quá cao.

Nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn ám ảnh hoàn hảo

Theo một số ý kiến, rối loạn ám ảnh hoàn hảo được xem là một dạng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) vì những tương đồng trong biểu hiện bệnh. Ám ảnh hoàn hảo có thể gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống, bởi vì người bệnh chú tâm quá mức đến việc biến những thứ khiếm khuyết trở nên hoàn hảo, mà không chú ý đến những yếu tố khác. Hội chứng này ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và tình trạng thể chất của bệnh nhân.

rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo
Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo có nhiều nết tương đồng rối lao5n ám ảnh cưỡng chế nên được xem là một dạng OCD.

Chưa có những kết luận chính xác về nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu nhằm tìm ra những tác nhân chính xác gây ra chứng ám ảnh này ở người, nhưng vẫn chưa có được những bằng chứng cụ thể và thuyết phục. Tuy nhiên, tình trạng này có thể là kết quả của nhiều yếu tố ảnh hưởng, trong đó bao gồm cả yếu tố di truyền và những tác động từ bên ngoài.

  • Yếu tố di truyền: Di truyền là điều cần được nhắc đến đầu tiên khi nói về những yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng ám ảnh sự hoàn hảo. Nếu tiền sử gia đình có người mắc hội chứng này, người thân trực hệ hoặc có mối quan hệ gần gũi sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Tỷ lệ này thường cao nhất ở anh chị em sinh đôi, tức là nếu 1 trong 2 người mắc chứng ám ảnh hoàn hảo, người kia có tỷ lệ cao cũng mắc bệnh.
  • Yếu tố nội sinh: Sự bất bình thường trong cấu trúc não, cùng với sự thiếu hụt các chất nội sinh trong não như serotonin được xem là những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc chứng ám ảnh hoàn hảo. Bởi vì bộ não có nhiệm vụ xử lý thông tin và điều khiển suy nghĩ, hành vi của con người, thế nên bất cứ sự bất thường nào trong não cũng có thể ảnh hưởng đến những yếu tố liên quan.
  • Áp lực từ gia đình: Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình quá nghiêm khắc, lề thói, gia giáo, sống theo những quy chuẩn nhất định, và luôn đòi hỏi con cái có thành tích học tập cao, ứng xử khéo léo sẽ là những đối tượng dễ rơi vào hội chứng ám ảnh hoàn hảo hơn những người bình thường. Lý do là vì họ bị bó buộc trong những khuôn khổ hoàn hảo từ quá sớm, thế nên suy nghĩ và hành vi cũng bị ảnh hưởng theo.
  • Áp lực từ công việc và xã hội: Áp lực công việc, sự cạnh tranh gắt gao giữa người với người, yêu cầu ngày càng cao của xã hội và cuộc sống, cùng nỗi lo sợ bị đào thải vì những sai sót không đáng khi đi làm là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tinh thần của một người. Những áp lực này khiến chúng ta đòi hỏi mọi thứ phải thật đúng chuẩn và hoàn hảo, không thể có bất cứ sai sót nào.
rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo
Áp lực giữ vững vị trí, thành tích trong học tập và công việc khiến ta bị ám ảnh phải hoàn thành mọi thứ một cách tốt nhất.
  • Người mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Đặc trưng của người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế là có thôi thúc mãnh liệt phải thực hiện một hành vi nào đó (trong trường hợp này là biến mọi thứ xung quanh trở nên hoàn hảo) và sẽ cảm thấy đau khổ, bứt rứt, khó chịu khi không thể hoàn thành mục tiêu. Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo được xem là một dạng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
  • Sang chấn tâm lý: Những tổn thương tâm lý trong thời thơ ấu có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và hành vi của một con người khi trưởng thành, vì đây là giai đoạn trẻ bắt đầu hình thành và phát triển nhận thức. Gia đình tan vỡ, bố mẹ không hạnh phúc, ngoại hình kém thu hút, thường xuyên bị bắt nạt hay trêu chọc, cùng với những biến cố đặc biệt đều góp phần hình thành hội chứng ám ảnh hoàn hảo. Việc cố gắng biến mọi thứ xung quanh trở nên hoàn hảo như một dạng chấp nhất, ước muốn bù đắp cho sang chấn tâm lý trong quá khứ.

Chúng ta có thể nhận thấy, những yếu tố ảnh hưởng đến hội chứng ám ảnh hoàn hảo ở người rất đa dạng. Tất cả những yếu tố trên đều có những tác động ít nhiều đến tình trạng bệnh, chỉ khác nhau về mức độ tác động. Những yếu tố di truyền và nội sinh thì khó xác định hơn, trong khi những yếu tố bên ngoài thì rõ ràng và dễ nhận thấy hơn. Rối loạn ám ảnh hoàn hảo có thể nhận ra thông qua một số biều hiện đặc trưng.

Biểu hiện của tình trạng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo

Người rơi vào tình trạng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo luôn theo đuổi một sự hoàn hảo có phần phi thực tế, do đó có một thôi thúc mãnh liệt phải tuân theo một trật tự, một nguyên tắc nhất định để mang đến sự hoàn hảo cần thiết. Chính vì tâm lý này nên những người ám ảnh hoàn hảo thường cảm thấy mệt mỏi do quá tải, do áp lực hoàn thành mọi thứ một cách tốt nhất. Họ dễ mắc các bệnh như trầm cảm hay rối loạn lo âu. Dưới đây là một số biểu hiện đặc trưng của người bị ám ảnh hoàn hảo:

  • Ám ảnh về sự hoàn hảo thể hiện trong mọi mặt của đời sống, kể cả những điều nhỏ nhặt. Ví dụ hai chiếc dép phải được đặt cạnh nhau và ngay ngắn trên kệ giày, bát đũa cần phải xếp đúng theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, tất cả quần áo cần được giặt ủi sạch sẽ và treo ngay ngắn, có khoảng cách cụ thể trong tủ đồ,… Người bị ám ảnh hoàn hảo sẽ bị thôi thúc và dùng mọi cách để đạt được sự hoàn hảo như mong muốn.
rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo
Người bị ám ảnh hoàn hảo thường chú ý đến những tiểu tiết, dù đôi lúc chúng không ảnh hưởng gì lớn đến toàn thể.
  • Họ thể hiện sự bận tâm đặc biệt đến những chi tiết nhỏ nhặt, chỉ để mọi thứ hoàn hảo như yệu cầu. Những người mắc hội chứng này không cho phép bất cứ tì vết nào xuất hiện, và luôn cố lặp đi lặp lại một việc nhiều lần chỉ để đạt đến mức độ tốt nhất dù không cần thiết.
  • Họ cảm thấy vô cùng khó chịu, đau khổ khi có bất cứ ai làm ảnh hưởng đến sự hoàn hảo sẵn có, và tìm cách sửa lại như ý muốn. Sự khắt khe, thiếu linh hoạt và cứng nhắc trong suy nghĩ và hành vi có thể làm ảnh hưởng đến công việc và những mối quan hệ xung quanh. Quan điểm hoàn hảo của mỗi người là khác nhau. Do đó yệu cầu quá đáng của họ có thể khiến những người xung quanh khó chịu.
  • Ngăn nắp, trật tự, khuôn khổ, lề thói, hướng đến sự chỉn chu và hoàn hảo là mục tiêu của những người rơi vào tình trạng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo. Việc quá để ý đến tiểu tiết và làm mọi cách để chỉnh sửa mọi thứ trở nên cân đối và hoàn hảo khiến họ dễ rơi vào trạng thái tự ti, mệt mỏi, căng thẳng và nơm nớp lo sợ phạm sai lầm.
  • Việc phạm sai lầm, không hoàn thành công việc hoàn hảo 100%, nhận được phản ứng trái chiều là những nỗi sợ mà người ám ảnh hoàn hảo không muốn đối mặt. Họ cố gắng làm hài lòng những người xung quanh, nỗ lực làm việc đến mức tốt nhất dù những điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe, và không khiến cuộc sống của họ thoải mái hơn.
  • Những người ám ảnh hoàn hảo rất chú ý đến những khiếm khuyết của bản thân, cảm thấy đau khổ dằn vặt và luôn cố gắng thay đổi chúng. Việc xây dựng một cuộc sống hoàn hảo cùng giúp họ tìm cách bù đắp những khiếm khuyết. Họ có thể có nhiều mối quan hệ, nhưng không có nhiều bạn bè thân thiết.

Tác hại của rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo

Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo là một dạng rối loạn tâm lý có liên quan đến thần kinh. Do đó, hội chứng này ít nhiều để có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người mắc bệnh. Đầu tiên, hội chứng này khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, bức bối khi không thể khiến mọi thứ hoàn hảo như ý muốn. Nhưng trên thực tế, chúng ta không thể yêu cầu sự hoàn hảo tuyệt đối trong mọi việc.

rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo
Yêu cầu sự hoàn hảo, và cầu toàn thái quá trong mọi việc khiến cuộc sống của chúng ta vô cùng mệt mỏi, căng thẳng, không còn niềm vui.

Việc ám ảnh quá mức có thể khiến người bệnh luôn trong trạng thái lo lắng, bồn chồn, khó điều khiển cảm xúc và dễ có những hành vi quá khích nếu công việc không đi đúng hướng, hay đồ vật bị xê dịch khỏi vị trí ban đầu. Sự chấp nhất với việc hoàn hảo giúp chúng ta cẩn trọng trong mọi việc, tránh những sai sót không đáng. Nhưng chú ý quá mức đến tiểu tiết có thể làm chậm tiến độ công việc, và ảnh hưởng đến những người khác.

Yệu cầu khắt khe và quá mức cần thiết dễ làm nảy sinh những mâu thuẫn nhất định trong quá trình học tập và làm việc. Bạn không thể yêu cầu tất cả mọi người đạt đến mức độ như bản thân yêu cầu, bởi vì khả năng và cách nhìn nhận vấn đề của mọi người là không giống nhau. Việc khắt khe quá mức cũng khiến bạn phải chịu đựng những áp lực cực lớn, vì luôn phải duy trì chất lượng công việc ở mức ngang ngửa hoặc tốt hơn.

Ám ảnh hoàn hảo cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi thường ngày, khiến bạn thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng không cần thiết. Ám ảnh này có thể dẫn bạn đến những hành vi sai lệch, khiến bạn bất chấp mọi thứ chỉ để đạt đến mục tiêu hoàn hảo như yêu cầu. Những đối tượng bị hội chứng này có khả năng mắc các bệnh về tâm thần, đặc biệt là bệnh trầm cảm, cao hơn nhiều so với bình thường

Làm sao để vượt qua rối loạn ám ảnh hoàn hảo?

Chính vì chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng này, nên chưa có phương pháp thật sự hiệu quả để điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, các bác sĩ và chuyên gia tâm lý cũng có một số phương pháp để giảm nhẹ ảnh hưởng của ám ảnh hoàn hảo đến cuộc sống của chúng ta. Thông qua những phương pháp này, người bị ám ảnh có thể dần thoát khỏi trạng thái lo âu căng thẳng và có cuộc sống bình thường.

  • Đến gặp chuyên gia tâm lý: Điều trị tâm lý là một trong hai cách phổ biến nhất giúp cải thiện các hội chứng tâm lý nói chung, và rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo nói riêng. Đến gặp bác sĩ và chuyên gia tâm lý, bạn sẽ được tư vấn và chăm sóc sức khỏe một cách kỹ lưỡng và tận tâm. Các chuyên gia sẽ thông qua những cuộc trò chuyện để xác định tình trạng ám ảnh hoàn hảo bạn đang mắc phải, những yếu tố ảnh hưởng, và đưa ra những phương pháp phù hợp để cải thiện những triệu chứng bệnh, giúp người bệnh vượt qua khó khăn. Liệu pháp nhận thức – hành vi sẽ là sự lựa chọn tối ưu trong trường hợp này, giúp người bệnh nhận rõ hành vi và cải thiện theo hướng tích cực hơn.
rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo
Tìm đến những chuyên viên tâm lý dày dặn kinh nghiệm có thể giúp bạn cải thiện những triệu chứng của việc ám ảnh sự hoàn hảo.
  • Nhận thức được tình trạng của bản thân: Bạn cần nhận thức được tình trạng của bản thân và có quyết tâm cải thiện. Bạn cần nhận thức được rằng không bất cứ điều gì trên đời là hoàn hảo tuyệt đối. Chỉ khi suy nghĩ như vậy, bạn mới có thể chống lại những thôi thúc và ám ảnh về sự hoàn hảo không cần thiết. Hãy tích cực phối hợp với bác sĩ trong quá trình điều trị, cũng như có suy nghĩ tích cực và xây dựng lối sống lành mạnh, chia sẻ nhiều hơn về những khó khăn của bản thân.
  • Sử dụng thuốc: Những triệu chứng mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, khó kiềm chế cảm xúc khi không thể đạt đến sự hoàn hảo trong công việc và cuộc sống gây rất nhiều đau khổ cho người bị rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo. Để cải thiện tình trạng này, các bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc an thần, hoặc thuốc chống trầm cảm để hỗ trỡ điều chỉnh cảm xúc. Những loại thuốc này tác động thằng vào thần kinh trung ương nên có tác dụng nhanh chóng. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
  • Chia sẻ với người thân và bạn bè: Sự ủng hộ và động viên từ bạn bè và những người thân quen sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, tự tin hơn trong quá trinh cải thiện tình trạng bệnh. Chia sẻ nhiều hơn với những người thân yêu về những khó khăn, ám ảnh, hay những vết thương lòng trong quá khứ có thể giúp bạn dễ chịu và cảm thấy nhẹ lòng hơn. Sự đồng hành và bao dung của những người thân yếu cũng giúp bạn thay đổi suy nghĩ, giảm bớt những ám ảnh về sự hoàn hảo phi thực tế mà bản thân vẫn luôn theo đuổi.

Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo là một hội chứng chưa có biện pháp chữa trị dứt điểm. Nhưng tình trạng bệnh có thể được cải thiện theo từng ngày, và ít ảnh hưởng đến cuộc sống hơn nếu bạn có quyết tâm và kiên trì trong quá trình điều trị. Để tránh niểu hiện bệnh ngày càng nặng hơn, ám ảnh sự hoàn hảo cần được phát hiện và điều trị sớm để người bệnh có thể nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường.

Có lẽ bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *