Hội chứng nghiện nhổ tóc: Nguyên nhân và cách khắc phục

Hội chứng nghiện nhổ tóc (Trichotillomania) là một loại rối loạn kiểm soát xung động đặc trưng bởi hành vi muốn nhổ tóc không thể cưỡng lại được mặc dù biết có thể gây tổn thương. Những người mắc chứng Trichotillomania có thể phủ nhận rằng họ gặp phải vấn đề và sau đó cố gắng che giấu việc rụng tóc.

hội chứng nghiện nhổ tóc
Hội chứng nghiện nhổ tóc có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng nếu không sớm điều trị

Hội chứng nghiện nhổ tóc là gì?

Hội chứng nghiện nhổ tóc (Trichotillomania) còn được gọi là hội chứng nghiện giật tóc hoặc rối loạn giật tóc. Đây là một rối loạn kiểm soát xung động mãn tính, đặc trưng bởi việc tự nhổ tóc của chính mình, dẫn tới rụng tóc đáng kể. Các khu vực phổ biến nhất để nhổ tóc là da đầu, lông mày và lông mi. Tuy nhiên người bệnh có thể nhổ tóc ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể.

Mặc dù các nghiên cứu dịch tế học toàn diện và quy mô lớn vẫn chưa được thực hiện nhưng các nghiên cứu nhỏ hơn ước tính Trichotillomania ảnh hưởng khoảng 1 – 3.5% thanh thiếu niên và đầu giai đoạn trưởng thành. Trong đó, một số người có thể sẽ phải vật lộn với tình trạng này liên tục hoặc không liên tục trong suốt tuổi trưởng thành.

Một số phụ nữ cho biết họ có xu hướng nhổ tóc nhiều hơn khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt. Nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy, những thay đổi nội tiết tố xảy ra trong cơ thể phụ nữ khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt của họ có tác động tới các triệu chứng Trichotillomania. Ngoài ra, một nghiên cứu khác vào năm 2013 cũng cho biết triệu chứng của Trichotillomania có thể ảnh hưởng bởi thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Những người mắc hội chứng nghiện nhổ tóc thường biết rằng có thể gây ra tổn thương do hành vi nhổ tóc của mình nhưng họ không thể tự dừng lại. Họ có thể nhổ tóc khi căng thẳng như một cách nhằm cố gắng xoa dịu bản thân. Tùy thuộc vào từng cá nhân mà các triệu chứng cũng như ảnh hưởng sẽ ở mức độ khác nhau, có thể kiểm soát được hoặc trở nên nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây hội chứng nghiện nhổ tóc

Nguyên nhân chính xác của hội chứng nghiện nhổ tóc vẫn chưa được biết đến. Nó có thể liên quan tới những thay đổi trong đường dẫn truyền não liên kết với các khu vực có liên quan đến cách mà bạn quản lý cảm xúc, chuyển động, tạo thói quen cũng như kiểm soát các xung động của mình.

Ngoài ra, một số yếu tố được cho là có khả năng làm gia tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn này. Bao gồm:

  • Tuổi tác: Trichotillomania thường có xu hướng bắt đầu ở tuổi thiếu niên, trong khoảng độ tuổi từ 10 – 13. Nó có thể kéo dài trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên các triệu chứng có thể đến và biến mất theo từng thời điểm.
  • Yếu tố di truyền: Trong một gia đình, xu hướng mắc hội chứng nghiện nhổ tóc có thể được truyền lại. Mặc dù chưa phát hiện được các gen cụ thể nhưng yếu tố di truyền được cho là đóng một vai trò nhất định.
  • Các rối loạn sức khỏe tâm thần khác: Nếu sống chung với hội chứng nghiện giật tóc thì có thể bạn cũng đang mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Chẳng hạn như trầm cảm, lo lắng hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
  • Căng thẳng: Căng thẳng quá độ kéo dài có thể làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng nghiện nhổ tóc ở một số người. Căng thẳng có thể được kích hoạt bởi các tình huống như lạm dụng, xung đột gia đình, cái chết của một thành viên gia đình hoặc một người bạn thân.
nguyên nhân gây hội chứng nghiện nhổ tóc
Căng thẳng quá độ kéo dài có thể kích hoạt sự phát triển các triệu chứng Trichotillomania như một cách giải tỏa

Trên thực tế, có nhiều phụ nữ hơn là nam giới được điều trị chứng rối loạn giật tóc. Điều này thường có thể là do phụ nữ có xu hướng tìm kiếm lời khuyên y tế nhiều hơn. Trong thời thơ ấu, trẻ em gái và trẻ em trai dường như bị ảnh hưởng như nhau.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng nghiện nhổ tóc

Những người mắc hội chứng nghiện nhổ tóc thường cảm thấy thôi thúc mãnh liệt muốn nhổ tóc. Đồng thời họ cũng sẽ cảm thấy căng thẳng ngày càng tăng cho tới khi hành động. Sau khi nhổ tóc thì họ thường sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Một người có thể kéo tóc ra nhằm đối phó với một tình huống căng thẳng. Hoặc hành động này có thể được thực hiện khi mà họ không thực sự suy nghĩ về nó. Hầu hết những người bị nghiện nhổ tóc khỏi da đầu. Tuy nhiên một số lại nhổ tóc từ các vùng khác, chẳng hạn như lông mi, lông mày, râu hoặc vùng sinh dục.

Các dấu hiệu và triệu chứng của Trichotillomania có thể bao gồm:

  • Liên tục kéo tóc của bạn ra, thường là từ da đầu, lông mi hoặc lông mày. Tuy nhiên đôi khi là từ các vùng cơ thể khác và các vị trí có thể sẽ thay đổi theo thời gian.
  • Cảm giác căng thẳng ngày càng tăng trước khi kéo hoặc khi bạn đang cố gắng để chống lại lực kéo.
  • Cảm giác nhẹ nhõm hoặc sảng khoái sau khi nhổ tóc.
  • Tình trạng rụng tóc đáng chú ý. Chẳng hạn như tóc ngắn, các vùng tóc mỏng, hói trên da đầu hoặc tại các vùng khác trên cơ thể. Bao gồm lông mày hoặc lông mi thưa, thiếu.
  • Ưu tiên cho các loại tóc cụ thể, các nghi thức đi kèm với việc nhổ tóc hay các kiểu kéo tóc.
  • Cắn, nhai hoặc ăn luôn tóc nhổ.
  • Chơi đùa với tóc kéo ra hoặc xoa tóc lên môi hay lên mặt.
  • Liên tục cố gắng ngừng nhổ tóc hoặc cố gắng làm ít thường xuyên hơn nhưng không thành công.
  • Đau khổ hoặc vấn đề nghiêm trọng tại trường học, nơi làm việc hay trong các tình huống xã hội có liên quan đến việc nhổ tóc.
dấu hiệu nhận biết Trichotillomania
Những người mắc chứng Trichotillomania không chỉ nhổ tóc trên da đầu mà còn nhổ cả lông mày, lông mi,…

Nhiều người mắc hội chứng nghiện nhổ tóc còn có xu hướng cào da, cắn móng tay hoặc bặm môi. Đôi khi nhổ lông từ vật nuôi, búp bê hay từ các đồ vật, chẳng hạn như quần áo hoặc chăn cũng có thể là một dấu hiệu. Hầu hết những người mắc chứng Trichotillomania đều nhổ tóc ở vùng kín nhưng thường cố gắng che giấu chứng rối loạn này với người khác.

Đối với những người mắc chứng Trichotillomania thì hành động nhổ tóc có thể diễn ra theo hai hình thức sau:

  • Tập trung: Một số người cố tình kéo tóc nhằm giảm bớt căng thẳng hoặc đau khổ. Ví dụ họ kéo tóc ra nhằm làm giảm bớt cảm giác muốn kéo tóc thôi thúc quá lớn. Một người có thể thực hiện các nghi thức phức tạp để nhổ tóc, ví dụ như tìm loại tóc phù hợp hoặc cắn những sợi tóc đã nhổ.
  • Tự động: Một số người kéo tóc nhưng lại không hề nhận ra rằng họ đang làm điều đó. Chẳng hạn như khi họ buồn chán, đang xem TV hoặc đang đọc sách. Hành động kéo tóc có thể diễn ra trong vô thức.

Ngoài ra, cùng một người có thể thực hiện cả hành động kéo tóc tập trung và tự động. Điều này còn phụ thuộc vào tâm trạng và tình huống. Một số tư thế hoặc nghi thức nhất định có thể kích hoạt hành vi giật tóc, chẳng hạn như chải tóc hoặc gối đầu lên tay.

Trichotillomania còn có thể liên quan tới cảm xúc:

  • Cảm xúc tiêu cực: Đối với nhiều người mắc hội chứng nghiện giật tóc thì nhổ tóc là một cách đối phó với những cảm giác không thoải mái và tiêu cực. Chẳng hạn như lo lắng, căng thẳng, buồn chán, mệt mỏi, cô đơn hoặc thất vọng.
  • Cảm xúc tích cực: Những người mắc chứng rối loạn giật tóc thường thấy rằng việc nhổ tóc mang lại cảm giác hài lòng. Hơn nữa còn giúp họ giảm bớt cảm giác mệt mỏi. Kết quả là họ sẽ tiếp tục nhổ tóc nhằm duy trì những cảm xúc tích cực này.

Hội chứng nghiện nhổ tóc là một rối loạn có xu hướng kéo dài mãn tính. Nếu không sớm can thiệp điều trị thì theo thời gian, các triệu chứng có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng.

Sự thay đổi nội tiết tố có thể sẽ làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng Trichotillomania ở phụ nữ. Đối với một số người, nếu không được điều trị thì các triệu chứng có thể đến và đi trong nhiều tuần, vài tháng hoặc nhiều năm. Hiếm khi Trichotillomania kết thúc trong vòng vài năm kể từ khi bắt đầu.

Hội chứng nghiện nhổ tóc gây ra ảnh hưởng gì?

Hội chứng nghiện nhổ tóc trông có vẻ không đặc biệt nghiêm trọng nhưng chứng rối loạn này có thể tác động tiêu cực lớn tới cuộc sống của bạn. Các vấn đề ảnh hưởng có thể bao gồm:

tác hại của hội chứng nghiện nhổ tóc
Hội chứng nghiện nhổ tóc có thể gây hói đầu và ảnh hưởng vĩnh viễn đến sự phát triển của tóc
  • Cảm xúc đau khổ: Nhiều người mắc chứng Trichotillomania cho biết họ cảm thấy rất xấu hổ và bẽ mặt. Họ thường tự ti, trầm cảm và lo lắng. Nhiều người còn tìm đến rượu và ma túy để giải tỏa cảm xúc tiêu cực.
  • Các vấn đề với hoạt động xã hội và công việc: Xấu hổ vì rụng tóc có thể khiến cho người bệnh muốn trốn trách các hoạt động xã hội và từ chối các cơ hội việc làm. Những người mắc chứng Trichotillomania có thể đội tóc giả, tạo kiểu tóc để che đi các mảng hói hay gắn lông mi giả. Một số người có thể tránh thân mật vì lo sợ rằng tình trạng của họ sẽ bị phát hiện.
  • Da và tóc bị tổn thương: Nhổ tóc liên tục có thể gây ra sẹo cùng với các tổn thương khác, bao gồm cả nhiễm trùng cho da trên đầu hay các khu vực cụ thể nơi bạn nhổ tóc. Điều này còn có thể ảnh hưởng vĩnh viễn tới sự phát triển của tóc.
  • Hội chứng Rapunzel: Những người bị Trichotillomania kéo dài có thể phát triển hội chứng Rapunzel. Bởi một người mắc hội chứng nghiện nhổ tóc có thể ăn luôn tóc của mình. Sự tích tụ tóc trong dạ dày và đường tiêu hóa có thể gây đau bụng, nôn mửa, khó chịu ở ngực, rối loạn tiêu hóa,… Phẫu thuật là lựa chọn điều trị ưu tiên trong trường hợp này.

Chẩn đoán hội chứng nghiện nhổ tóc

Để xác định xem bạn có mắc hội chứng nghiện nhổ tóc hay không thì bác sĩ có thể cần:

  • Kiểm tra mức độ rụng tóc của bạn
  • Đặt câu hỏi và thảo luận về chứng rụng tóc của bạn
  • Loại bỏ các nguyên nhân có thể khác của việc nhổ tóc hoặc rụng tóc thông qua xét nghiệm mà bác sĩ chỉ định
  • Xác định bất cứ vấn đề sức khỏe thể chất hoặc tinh thần nào có thể liên quan đến việc nhổ tóc

Ngoài ra, để đưa ra chẩn đoán xác định thì bác sĩ sẽ sử dụng các tiêu chí chẩn đoán có trọng Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần (DSM-5), được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ. Tiêu chí của DSM-5 cho chứng rối loạn giật tóc bao gồm:

  • Nhổ tóc nhiều lần, dẫn tới rụng tóc
  • Nỗ lực lặp đi lặp lại để làm giảm hoặc ngừng nhổ tóc
  • Không thể giải thích rõ hơn việc nhổ tóc bằng các triệu chứng của rối loạn tâm thần hay tình trạng bệnh lý khác
  • Nhổ tóc gây ra đau khổ hoặc suy giảm nghiêm trọng về mặt lâm sàng trong xã hội, nghề nghiệp hay các lĩnh vực hoạt động quan trọng khác

Hội chứng nghiện nhổ tóc thường bị chẩn đoán nhầm là rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Mặc dù các hành động lặp đi lặp lại và bắt buộc của Trichotillomania trông có vẻ giống hành động trong OCD nhưng thực chất chúng lại khác nhau.

Khi phân biệt rối loạn giật tóc với rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), bác sĩ sẽ sàng lọc xem có hành vi nhổ tóc lặp đi lặp lại đi kèm với bất kỳ thói quen lặp lại nào khác không. Cùng với đó là sẽ tầm soát OCD.

Câu hỏi thường được sử dụng để tầm soát OCD bao gồm:

  • Bạn có lau chùi hay giặt giũ nhiều không?
  • Bạn có kiểm tra mọi thứ nhiều không?
  • Có suy nghĩ nào làm phiền bạn và bạn muốn loại bỏ nó nhưng không thể không?
  • Các hoạt động hằng ngày của bạn có phải mất nhiều thời gian để hoàn thành không?
  • Bạn có lo lắng về trật tự hoặc tính đối xứng nói chung không?
chẩn đoán hội chứng nghiện nhổ tóc
Hội chứng nghiện nhổ tóc thường bị chẩn đoán nhầm với rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Ngoài ra, các bác sĩ sẽ phân biệt hội chứng nghiện nhổ tóc với chứng rụng tóc từng mảng. Đây là một tình trạng bệnh lý khiến cho tóc bị rụng thành từng mảng nhỏ. Một số cách để phân biệt hai hội chứng này là nội soi, sinh thiết da đầu và kiểm tra tiền sử bệnh. Với một cuộc đối thoại cởi mở và trung thực thì chẩn đoán Trichotillomania sẽ trở nên đơn giản hơn.

Các phương pháp khắc phục hội chứng nghiện nhổ tóc

Nếu bạn không thể ngừng nhổ tóc hoặc bạn cảm thấy xấu hổ vì ngoại hình của mình sau khi nhổ tóc thì nên sớm tìm gặp bác sĩ. Hội chứng nghiện nhổ tóc không chỉ là một thói quen xấu mà nó còn là một chứng rối loạn sức khỏe tâm thần. Tình trạng này khó có thể thuyên giảm nếu không được điều trị.

Cho đến nay, các nghiên cứu về điều trị Trichotillomania vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, một số liệu pháp điều trị đã giúp cho nhiều người bệnh giảm thiểu hoặc ngừng hẳn tình trạng nhổ tóc của họ.

Dưới đây là các phương pháp thường được sử dụng để khắc phục hội chứng nghiện nhổ tóc:

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu được xác định là phương pháp điều trị chính cho Trichotillomania. Tùy thuộc vào tình trạng ở từng người mà các liệu pháp khác nhau có thể mang lại nhiều lợi ích. Chẳng hạn như:

– Liệu pháp đảo ngược thói quen (HRT):

Một nghiên cứu vào năm 2012 đã chỉ ra rằng, Liệu pháp đảo ngược thói quen (HRT) là một loại liệu pháp hành vi có thể mang lại hiệu quả trong việc điều trị hội chứng nghiện nhổ tóc. HRT bao gồm 5 giai đoạn chính như sau:

  • 1. Huấn luyện nâng cao nhận thức: Giúp người bệnh xác định yếu tố tâm lý và môi trường có thể gây ra cơn giật tóc.
  • 2. Huấn luyện phản ứng cạnh tranh: Người bệnh thực hành việc thay thế hành vi giật tóc bằng một hành vi khác.
  • 3. Động lực và sự tuân thủ: Người bệnh tham gia vào các hoạt động và hành vi nhắc nhở họ về tầm quan trọng của việc phải gắn bó với liệu pháp đảo ngược thói quen. Điều này có thể bao gồm việc nhận được lời khen từ gia đình và bạn bè về những tiến bộ đạt được trong quá trình trị liệu.
  • 4. Huấn luyện thư giãn: Người bệnh thực hành các kỹ thuật thư giãn. Chẳng hạn như hít thở sâu và thiền định. Những điều này sẽ giúp làm giảm căng thẳng và hạn chế kéo tóc có liên quan đến căng thẳng.
  • 5. Đào tạo tổng quát hóa: Người bệnh thực hành các kỹ năng mới của họ trong nhiều tình huống khác nhau để giúp hành vi mới trở nên tự động.

– Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT):

Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) cũng là một hình thức liệu pháp hữu ích khác để giúp điều trị chứng Trichotillomania. Đây là liệu pháp nói chuyện được ứng dụng rộng rãi để điều trị một số khó khăn về tâm lý.

Trong suốt quá trình CBT, bạn sẽ làm việc thông qua mối liên hệ giữa suy nghĩ và hành vi của mình. CBT sẽ giúp bạn nhận thức rõ hơn về các kiểu suy nghĩ không có lợi dẫn tới việc bạn muốn nhổ tóc.

Chuyên gia tư vấn tâm lý của bạn cuối cùng sẽ dạy cho bạn kỹ thuật để quản lý hoặc thậm chí là thay đổi các mô hình suy nghĩ rối loạn chức năng này. Từ đó làm giảm các triệu chứng Trichotillomania.

điều trị hội chứng nghiện nhổ tóc
Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị chính cho chứng rối loạn giật tóc

Một số kỹ thuật phổ biến của CBT bao gồm:

  • Thảo luận về các yếu tố dẫn tới nhổ tóc và hậu quả
  • Sử dụng HRT để thúc đẩy chánh niệm xung quanh việc nhổ tóc
  • Xác định những niềm tin hạn chế và tìm cách chống lại chúng

– Liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT):

Liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT) cũng là một loại liệu pháp hành vi. ACT sử dụng các chiến lược chánh niệm và chấp nhận có liên quan tới hành vi của bạn giống như một phần của chứng rối loạn tâm thần để giúp bạn vượt qua.

ACT khác với CBT ở chỗ là bạn sẽ học cách quan sát đơn giản và chấp nhận các triệu chứng cũng như sự kiện không mong muốn trước đây giống như một phần của rối loạn.

– Trị liệu nhóm:

Những người mắc chứng Trichotillomania có thể cảm thấy bị cô lập. Và thật tốt cho những người gặp phải tình trạng này khi biết rằng họ không đơn độc. Liệu pháp nhóm chính là một lựa chọn tuyệt vời với người đang gặp khó khăn để vượt qua hội chứng nghiện nhổ tóc.

Các buổi trị liệu nhóm có thể bao gồm:

  • Thảo luận cởi mở và trung thực
  • Chia sẻ các mẹo và thủ thuật
  • Tìm kiếm một hệ thống hỗ trợ

2. Sử dụng thuốc

Không có loại thuốc nào được FDA phê duyệt để điều trị hoặc chữa khỏi hội chứng nghiện nhổ tóc. Tuy nhiên một số loại thuốc vẫn có thể được bác sĩ kê đơn để giúp cho những người bị ảnh hưởng đối phó với Trichotillomania.

Có các hệ thống dẫn truyền thần kinh tương tác khác nhau liên quan tới sinh lý bệnh của các rối loạn, Trichotillomania là một trong số những rối loạn được nhắc đến. Do đó, các loại thuốc có thể tác động lên các chất dẫn truyền này thường sẽ được sử dụng để điều trị Trichotillomania.

Các thuốc được sử dụng phổ biến có thể là:

  • Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc
  • Clomipramine
  • Lamotrigine
  • Inositol
  • Naltrexone
  • Olanzapine
  • N-acetylcysteine
chữa rối loạn giật tóc
Bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc để hỗ trợ kiểm soát hội chứng nghiện nhổ tóc

Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về bất cứ loại thuốc nào mà họ kê toa. Các lợi ích có thể có của thuốc cần phải được cân bằng với tác dụng phụ mà chúng có khả năng gây ra. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng hay thiếu cẩn trọng trong việc sử dụng thuốc.

3. Các biện pháp hỗ trợ khác

Song song với việc điều trị y tế thì một số giải pháp hỗ trợ khác cũng có thể giúp ích cho người mắc hội chứng nghiện nhổ tóc. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích:

  • Hãy làm cho bản thân bận rộn, việc có quá nhiều thời gian rảnh rỗi có thể sẽ kích hoạt tình trạng nhổ tóc trong vô thức.
  • Nên đọc tất cả mọi thứ mà bạn có thể trên internet về Trichotillomania và các kế hoạch điều trị để đối phó với nó.
  • Xịt nước hoa lên tay để bạn dễ dàng nhận ra khi nào bạn đưa tay lên để vén tóc.
  • Viết nhật ký về cảm xúc của bạn.
  • Tìm kiếm và đọc các quyển sách về giải phẫu của tóc.
  • Đội tóc giả cả ngày cho tới khi bạn đi ngủ. Sau đó đeo khăn rằn vào. Chỉ nên áp dụng cách này trong hai tuần đầu tiên hoặc lâu hơn.
  • Chăm sóc tốt cho tóc của bạn. Bạn nên chải tóc hằng ngày, gội đầu ít nhất 2 ngày/ lần.
  • Thoa kem dưỡng hoặc gel lên tay để bạn khó nắm được tóc mà bạn muốn kéo.
  • Chụp ảnh những vết hói của bạn và dán chúng ở những nơi mà bạn thường hay đến hoặc đi qua. Khi nhìn thấy những hình ảnh này thì bạn sẽ không muốn giật tóc nữa vì những đám hói trông rất đáng sợ.
  • Hãy nói với gia đình và bạn bè của bạn để họ nhắc bạn dừng lại khi mà họ thấy bạn đang giật tóc.
  • Nên thực hiện các giải pháp kiểm soát căng thẳng, chẳng hạn như tập thở sâu, tắm nước ấm, ngồi thiền, hoạt động thể chất,…

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Những người mắc hội chứng nghiện nhổ tóc có thể cảm thấy xấu hổ và vượt quá khả năng kiểm soát. Mặc dù sẽ mất một chút nỗ lực nhưng tình trạng này có thể điều trị được. Hãy cố gắng vượt qua cảm giác xấu hổ và trò chuyện cởi mở với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để sớm kiểm soát chứng rối loạn này.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *