Hội chứng Hikikomori: Không đơn giản là câu chuyện ở Nhật

Hội chứng Hikikomori ám chỉ những người từ chối tương tác với xã hội, chọn cách nhốt mình trong phòng, trong nhà để sinh hoạt và giải trí. Đối tượng phổ biến của tình trạng Hikikomori là những thanh thiếu niên trẻ, nguồn lao động chính của xã hội. Hiện tượng thanh thiếu niên chìm đắm trong cuộc sống “ảo”, từ chối lao động và cống hiến cho đất nước đã gây ra những sức ép kinh khủng lên dân số và nền kinh tế Nhật.

Hội chứng Hikikomori là gì?

Hikikomori là một hiện tượng xã hội xuất phát từ Nhật Bản, và được ghi nhận lần đầu tiên vào những năm 80 của thế kỷ trước.  Thuật ngữ Hikikomori được ghép lại từ hai động từ là “hiku” (rút lui, lùi lại) và “komoru” (thu mình, đóng cửa) dùng để chỉ những người rút lui khỏi xã hội và nhốt mình trong nhà trong khoảng 6 tháng trở lên. Người ta gọi hikikomori là những ẩn sĩ thời hiện đại chính vì lối sống tự cô lập bản thân với xã hội của họ.

hội chứng Hikikomori
Hội chứng Hikikomori khiến người trẻ và người trung niên nhốt mình trong 4 bức tường, xa cách với xã hội, không có bạn bè, công việc hay các mối quan hệ cần thiết trong cuộc sống.

Ban đầu, thuật ngữ này dùng để chỉ những thanh thiếu niên, đối tượng chính thực hiện hành vi hikikomori. Nhưng ngày nay, tình trạng này phổ biến đến mức hikikomori dùng để chỉ chung tất cả trường hợp tự nhốt mình trong nhà, tự ngăn cách với xã hội.

Giống như cụm từ tsunami (sóng thần), hội chứng hikikomori cũng trở nên nổi tiếng và được chuyển từ tiếng Nhật sang tiếng Anh. Thuật ngữ này được cập nhật trong từ điển tiếng Anh Oxford vào năm 2010.

Những đối tượng đầu tiên thực hiện Hikikomori là những thanh niên Nhật Bản trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Họ không có cơ hội việc làm, không có thu nhập, thế nên việc nhốt mình trong nhà, hoặc đắm chìm trong thế giới ảo giúp họ quên đi những áp lực trong cuộc sống. Những người trẻ trong thế hệ này tựa như những con người vô hình trong xã hội, do đó họ được gọi bằng cái tên “lost generation” (thế hệ lạc lối)

Thực trạng Hikikomori ở Nhật Bản

Từ sau những năm 1980-1990, Nhật Bản ghi nhận tỷ lệ sinh và số ca sinh hàng năm giảm đến mức đáng báo động trong nhiều năm liên tiếp. Tình trạng này đẩy nhanh sự già hóa dân số, vì số lượng người sinh ra không đủ bù đáp số lượng người mất đi.

Lực lượng lao động trẻ trong xã hội cũng bị thiếu hụt nghiêm trọng khi giới trẻ đạt đến độ tuổi lao động. Nhật Bản rơi vào tình trạng khủng hoảng dân số.

Khủng hoảng dân số ở Nhật còn phải đối diện với một vấn đề nghiêm trọng, đó chính là hội chứng hikikomori. 30 năm sau sự xuất hiện của hiện tượng này, Nhật Bản đang phải tìm cách giải quyết vấn đề 8050: cha mẹ già 80 phải nuôi và chu cấp cho đứa con hikikomori 50 tuổi. Những người này đã trải qua vài chục năm không tiếp xúc với xã hội, do đó họ không có kỹ năng giao tiếp, không có việc làm, không thể tự sinh hoạt và phải sống nhớ vào tiền trợ cấp của cha mẹ.

Trong trường hợp cha mẹ chết, các hikikomori thường nhanh chóng chết theo vì họ không có khả năng sinh hoạt như người bình thường vì đã tự cô lập bản thân quá lâu.

Có những trường hợp cả gia đình đã chết vì tuổi già, bệnh tật và đói trong một thời gian dài nhưng không ai phát hiện. Hiện tượng hikikomori ngày càng trở nên nghiêm trọng sau đại dịch Covid-19, khi con người không thể ra ngoài và buộc phải dành phần lớn thời gian ở nhà.

Các Hikikomori có thể nhốt mình trong nhà nhiều tháng, nhiều năm, thậm chí là hàng chục năm trời cũng không phải là chuyện hiếm có. Họ sống bằng tiền trợ cấp của cha mẹ, mua đồ thông qua hình thức giao hàng tận nhà, và hiếm lắm mới đến cửa hàng tiện lợi gần nhà để mua sắm.

Cuộc sống của Hikikomori gói gọn trong một căn phòng nhỏ chất đầy truyện tranh, tạp chí, đĩa game, máy chơi game, máy tính có kết nối mạng và nhiều đồ ăn, thức uống vứt ngổn ngang.

Hiện nay tại Nhật có hai dạng Hikikomori chính. Dạng thứ nhất là những người có chướng ngại giao tiếp, không chịu được áp lực khắc nghiệt của cuộc sống, không có cơ hội việc làm, hoặc chịu những sang chấn tâm lý khiến họ chọn cách nhốt mình trong phòng.

Dạng thứ hai là những người quá đam mê thế giới ảo, đắm chìm vào truyện tranh, phim hoạt hình, trò chơi điện tử,… như một cách thỏa mãn thú vui cá nhân và trốn tránh hiện thực.

hội chứng Hikikomori là gì
Những người tự cô lập mình với xã hội này thiếu kỹ năng giao tiếp, sống bừa bộn, dơ bẩn, và không có khả năng sinh hoạt bình thường nếu không có người giúp đỡ.

Hội chứng Hikikomori khiến những thanh thiếu niên này chọn cách sống ký sinh, không làm việc kiếm sống mà “hút máu” cha mẹ để sinh tồn. Đây là kiểu người bị lên án nhất trong xã hội Nhật Bản, nơi đặt nặng tính tự lập và cuộc sống cá nhân. Thật đáng buồn thay, tình trạng này đang ngày càng nghiêm trọng. Các bậc cha mẹ có con là Hikikomori luôn giấu nhẹm và không dám nói với ai về điều này vị sợ xấu hổ.

Một cuộc khảo sát toàn quốc gần đây cho thấy, có đến 1%-2% người Nhật là Hikikomori, ước tính trên dân số là khoảng 1,46 triệu người. Độ tuổi tham gia khảo sát kéo dài từ 15 đến 64 tuổi, trong đó số lượng được ghi nhận nhiều nhất là những thanh thiếu niên và người trung niên từ 15 đến 40 tuổi.

Hội chứng Hikikomori thật sự là một vấn đề nghiêm trọng, đe dọa đến sự phát triển của Nhật Bản nếu không có biện pháp khắc phục.

Nguyên nhân của hội chứng Hikikomori

Hội chứng Hikikomori không được xem là một chứng rối loạn tâm thần, mà là một vấn đề tâm lý xã hội. Có đến 92.5% thanh niên Nhật Bản cho biết, họ không hài lòng về bản thân, và cảm thấy không đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống dựa trên một khảo sát vào năm 2014. Sự không hài lòng về cuộc sống, không muốn đối diện với áp lực có thể dẫn đến hội chứng Hikikomori. Cùng điểm qua một số yếu tố hình thành Hikikomori ở người trẻ:

  • Hệ thống giáo dục ở Nhật mang tính kỷ luật cao tạo nên một môi trường nghiêm khắc và đầy áp lực. Những trẻ tốt nghiệp từ các ngôi trường tiếng tăm sẽ có nhiều cơ hội việc làm trong tương lai. Do đó ngay từ cấp 1, trẻ em đã buộc phải học thêm tại những lớp luyện thi để có thành tích tốt, được nhận nào những ngôi trường danh giá. Sức ép từ thi cử và học hành kéo dài nhiều năm trời khiến các em cảm thấy chán nản với cuộc sống, và chọn hình thức Hikikomori như một cách giải thoát.
  • Tình trạng cạnh tranh gây gắt cho một vị trí “tốt” tại các trường trung học, đại học lớn cũng gây ra những vấn đề tâm lý cho người trẻ, và gia tăng tình trạng bạo lực học đường. Tỷ lệ bạo lực học đường và tự tử ở thanh thiếu niên tại Nhật luôn nằm trong top đầu thế giới cho thấy, mặt tối của nền giáo dục ở đây khốc liệt đến mức nào.
  • Nhiều thanh thiếu niên bị trêu chọc, chế giễu, cô lập, hành hung do hình thể không xinh đẹp, học kém, tính cách hiền lành, ít nói, hay có thành tích tốt trong một lĩnh vực nào đó không phải là trường hợp hiếm. Nạn bạo lực học đường và sức ép thi cử khiến nhiều thanh niên chọn cách sống tách biệt với xã hội.
  • Tỉ lệ sinh ở Nhật Bản sụt giảm nghiêm trọng trong những năm trở lại đây khiến nhiều gia đình chỉ có một con. Đứa trẻ khi lớn lên phải chịu sức ép quá lớn từ nhiều vấn đề như công việc, gia đình, con cái, chăm sóc cha mẹ già yếu, cùng những vấn đề xung quanh họ hàng nội ngoại. Những áp lực này khiến nhiều thanh thiếu niên không muốn đi làm, không yêu đương, không kết hôn để né tránh những áp lực về sau. Họ chọn cách sống vô trách nhiệm là nhốt mình trong nhà, tìm kiếm thú vui trong thế giới ảo và rơi vào hội chứng Hikikomori.
  • Trong xã hội Nhật Bản, đàn ông là trụ cột trong gia đình và là người gánh kinh tế chính, thế nên họ phải chịu sức ép nặng nề khi đến tuổi lao động và khi lập gia đình. Đây cũng là lý do là Hikikomori xuất hiện ở nam giới với tỷ lệ cao hơn so với nữ giới.
  • Nam thanh niên Nhật Bản phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động, và điều này khiến họ căng thẳng, tuyệt vọng, chạy trốn hiện thực bằng cách cô lập bản thân với xã hội. Văn hóa tăng ca liên tục và làm việc đến kiệt sức ở Nhật cũng khiến nhiều người gặp vấn đề về tâm lý.
nguyên nhân gây hội chứng Hikikomori
Áp lực xã hội, áp lực kinh tế, tổn thương do bạo lực học đường, tuyệt vọng vì không tìm được việc làm, được cưng chiều và bảo bọc quá mức,… là những yếu tố thúc đẩy tình trạng Hikikomori
  • Áp lực công việc và học hành khiến cha mẹ, con cái không có nhiều thời gian bên nhau. Trẻ gặp nhiều vấn đề trong học tập và sinh hoạt, nhưng không biết tâm sự cùng ai, và không có ai hướng dẫn trẻ cách xử lý những tình huống trong cuộc sống. Dần dần, những đứa trẻ này lớn lên với sự nhút nhát, trầm mặc và u uất. Họ không muốn tâm sự hay chia sẻ cùng ai và chỉ nhốt mình trong nhà để ngủ, ăn uống, và giải trí. Ngoài ra, tỷ lệ kết hôn thấp nhưng ly hôn cao trong xã hội cũng khiến tinh thần các em chịu nhiều ảnh hưởng.
  • Có một thực tế là nhiều thanh niên chọn cách sống Hikikomori thuộc những gia đình trung lưu ở Nhật. Một số gia đình có tình trạng chiều chuộng, giáo dục mềm mỏng, và bảo bọc quá mức đứa con trai duy nhất trong nhà. Cách giáo dục này khiến trẻ mất đi khả năng tự lập, không có nhu cầu làm việc, và không có khả năng chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình. Cha mẹ càng chu cấp đầy đủ cho những nhu cầu sống cơ bản như ăn uống, điện nước, và tiền bạc để mua đĩa game, truyện tranh, tạp chí,… thì những thanh thiếu niên càng có lý do ở nhà hưởng thụ, tách mình khỏi xã hội.

Trên đây là những yếu tố phổ biến và có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành hội chứng Hikikomori ở thanh thiếu niên. Ngoài ra, vẫn còn nhiều yếu tố thúc đẩy tình trạng này tồi tệ hơn như sự tiện lợi của những dịch vụ chuyển phát nhanh tận nhà, hay sự phát triển của các loại hình giải trí như truyện tranh, tạp chí, phim ảnh, trò chơi điện tử, công nghệ thế giới ảo,…

Thông qua sự hỗ trợ của những công cụ này, con người có thể giam mình trong nhà suốt thời gian dài. Đắm chìm vào thế giới ảo là cách người trẻ lựa chọn để trốn tránh hiện thực, làm điểm tựa tinh thần khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Thế giới trong nhiều bộ anime (hoạt hình Nhật Bản) tươi sáng, vui vẻ, và hạnh phúc hơn nhiều so với thế giới ngoài đời thật, thế nên nhiều người muốn chối bỏ cuộc sống khắc nghiệt và chìm đắm vào thế giới ảo. Văn hóa Otaku cũng có ảnh hưởng nhất định đến tình trạng Hikikomori trong giới trẻ.

Ảnh hưởng của hội chứng Hikikomori

Những người mắc hội chứng Hikikomori có những biểu hiện đặc trưng như:

  • Không bao giờ ra khỏi phòng hoặc khỏi nhà
  • Cuộc sống gói gọn trong một diện tích nhỏ, bề bộn và dơ bẩn vì không được lau dọn, sắp xếp thường xuyên
  • Ngủ ngày và hoạt động về đêm. Họ thường ăn uống và ngủ vào ban ngày, thời gian ban đêm dành cho việc chơi game, xem anime, xem live-stream,…
  • Không có nhu cầu quá lớn về vấn đề ăn uống, thường ăn mì gói, thức ăn nhanh hoặc đồ chế biến sẵn chỉ để duy trì sức khỏe và cuộc sống
  • Từ chối mọi sự tiếp xúc với xã hội, không có nhu cầu giao lưu kết bạn hay tham gia các hoạt động cộng đồng
  • Sức khỏe suy giảm đáng kể, người gầy gò, hốc hác tạo cảm giác thiếu sức sống vì nhốt mình trong phòng trong thời gian dài, không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời
  • Thời gian nhốt mình trong nhà vượt quá 6 tháng
  • Không có khả năng tự chăm sóc bản thân, phải sống nhờ vào cha mẹ già yếu
  • Không có việc làm, không có bạn bè, không có những mối quan hệ xã hội cần thiết
biểu hiện của hội chứng Hikikomori
Người thực hiện Hikikomori nhốt mình trong nhà, chìm trong thế giới ảo của truyện tranh, trò chơi điện tử, anime và chỉ đảm bảo những nhu cầu bình thường để giữ cho bản thân sống sót.

Hội chứng Hikikomori đang ngày càng trở nên phổ biến tại Nhật Bản, cũng như các nước khác trên thế giới. Tình trạng thanh thiếu nên sa đà vào thế giới ảo, không có khả năng tự lập, và ngày càng tách biệt với xã hội không còn là vấn đề của riêng nước Nhật. Lối sống hưởng lạc, vị kỷ, sống vì bản thân và không quan tâm đến trách nhiệm với gia đình, xã hội khiến nhiều thanh thiếu niên sẵn sàng nhốt mình trong 4 bức tường.

Ngoài ra, những áp lực khủng khiếp trong xã hội, và cảm giác tự ti, xấu hổ, thất bại của người trẻ khi không được học trong những ngôi trường danh tiếng, hoặc có được công việc ổn định khiến họ rơi vào căng thẳng, mệt mỏi, suy nghĩ tiêu cực.

Những yếu tố này gây ra chấn thương tâm lý trầm trọng, và khiến những người trẻ rơi vào tình trạng mất lòng tin với cuộc sống. Họ bấu víu vào cuộc sống ảo như một cách chống lại những chấn thương tinh thần.

Tình trạng này kéo dài có thể gây ra những vấn đề tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn lo âu xã hội, và có thể kích thích những hành vi phạm pháp. Đã có vài trường hợp người mắc Hikikomori có hành vi giết người, hãm hiếp, cướp bóc vì quá “lậm” thế giới ảo. Một số trường hợp chết trong nhà mà không ai biết, đến khi phát hiện thì xác đã phân hủy nhiều ngày.

Hội chứng Hikikomori – Vấn đề của toàn thế giới

Những người mắc hội chứng Hikikomori có hành vi phạm pháp là cực kỳ hiếm trong tổng số các trường hợp được ghi nhận. Vì thế những ảnh hưởng tiêu cực mà Hikikomori gây ra chủ yếu gây hại cho chính bản thân họ.

Việc tự cô lập bản thân với xã hội khiến họ mất dần khả năng giao tiếp, mất khả năng duy trì mối quan hệ, không thể vận dụng kiến thức đã học vào đời sống, và đặc biệt là dễ mắc trầm cảm, gặp các vấn đề tâm lý nguy hiểm.

Hikikomori hiện nay không còn là vấn đề của riêng Nhật Bản, mà xuất hiện ở nhiều quốc gia khác từ Á sang Âu như Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ,…

Nguyên nhân của hiện tượng người trẻ sống khép kín, từ chối hòa nhập có thể xuất phát từ sức ép của xã hội và nền kinh tế. Kinh tế phát triển mang đến nhiều lợi ích, nhưng cũng kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực đến từng quốc gia và nền văn hóa.

Vào đầu thế kỷ 21, Hàn Quốc đã ghi nhận nhiều trường hợp người trẻ sống khép kín, ít tiếp xúc với những người xung quanh hơn. Những trường hợp này chiếm 0.3% dân số và tăng dần trong những năm gần đây, đặc biệt là sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Các quốc gia như Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Ý,… cũng ghi nhận những trường hợp đáng lo ngại tương tự. Đại dịch chỉ ảnh hưởng một phần, còn vấn đề cốt lõi của cần được quan tâm và chú ý nhiều hơn.

Bởi vì hội chứng Hikikomori là một vấn đề tâm lý xã hội, và nhiều người không chủ động tìm kiếm trị liệu nên rất khó để phòng tránh và cải thiện tình trạng này. Xã hội cần tạo nhiều điều kiện cho thanh thiếu niên phát triển khỏe mạnh, và chăm lo nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của người trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, và là nguồn lao động chính của xã hội. Gia đình cũng cần quan tâm nhiều hơn đến tình trạng của con cái

hội chứng Hikikomori ở người trẻ
Những người rơi vào hội chứng Hikikomori vẫn có thể hòa nhập bình thường nếu được khuyến khích và hỗ trợ đúng cách.

Hội chứng Hikikomori hoàn toàn có thể được cải thiện nếu áp dụng phương pháp hợp lý. Những người từ chối tiếp xúc với xã hội sẽ hướng dẫn tái hòa nhập cộng đồng và điều trị tâm lý. Cải thiện càng sớm thì khả năng hòa nhập càng cao. Ngoài ra gia đình và những người xung quanh cũng cần được điều tri để không có hành vi kỳ thị, ác cảm, có thể sống chung và hỗ trợ người Hikikomori tái hòa nhập.

Hikikomori ở người trẻ không còn là vấn đề của riêng xã hội Nhật Bản, mà có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Tình trạng này cho thấy áp lực xã hội, những yếu tố văn hóa, hoặc những vấn đề phát sinh trong xã hội hiện đại đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh thiếu niên. Những vấn đề này khiến họ chìm trong thế giới ảo, trong những thú vui giết thời gian thay vì giao lưu với mọi người, làm việc và cống hiến cho xã hội.

Có lẽ bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Bình luận

  1. Linh says: Trả lời

    Thiếu nguyên nhân

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *