Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không? Hậu quả gì?
Hiện nay có rất nhiều người quan tâm đến vấn đề “Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không? Chữa được không?”. Bởi đây là một dạng rối loạn tâm thần khá phổ biến, gây ra rất nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Trên thực tế, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ khác nhau.
Tổng quan về bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD – Obsessive Compulsive Disorder) còn được gọi là rối loạn ám ảnh cưỡng bức hoặc rối loạn ám ảnh nghi thức. Đây là một trong những dạng lâm sàng thường gặp của rối loạn lo âu.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế đề cập đến tình trạng người bệnh bị ám ảnh bởi những cảm giác, ý nghĩ và biểu tượng xuất hiện một cách cưỡng bức, có xu hướng tái diễn. Sự ám ảnh quá mức sẽ dẫn tới việc phải thực hiện các nghi thức/ hành động để làm giảm căng thẳng và lo âu.
Hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế có triệu chứng khá đa dạng, được chia làm nhiều nhóm khác nhau. Trong đó, ám ảnh nghi ngờ và ám ảnh lây bệnh được xác định là 2 nhóm triệu chứng phổ biến nhất.
Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể của chứng OCD. Tuy nhiên qua nhiều nghiên cứu đã thực hiện, các nhà nghiên cứu nhận thấy chứng bệnh này có thể liên quan đến một số yếu tố nhất định. Chẳng hạn như rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh, gen, sự bất thường ở não bộ,…
Số liệu thống kê ghi nhận, OCD ảnh hưởng khoảng từ 2 – 3% dân số trên toàn thế giới. Đây là dạng rối loạn tâm thần phổ biến thứ 4 sau trầm cảm điển hình, rối loạn do sử dụng chất kích thích và rối loạn ám ảnh sợ.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ em. OCD có độ tuổi khởi phát trung bình là 20 tuổi. Trong đó chỉ có khoảng 15% trường hợp bệnh khởi phát sau 35 tuổi.
OCD gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến công việc, các mối quan hệ xã hội cũng như các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Hơn nữa, chứng bệnh này còn có thể đi kèm với các bệnh tâm thần khác như ám ảnh sợ đặc hiệu, ám ảnh sợ xã hội, rối loạn hoảng sợ, rối loạn ăn uống, lạm dụng rượu,…
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không?
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không là thắc mắc thường trực của rất nhiều người khi tìm hiểu về bệnh lý này. Trên thực tế, mức độ nghiêm trọng của bệnh còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Tìm hiểu về những ảnh hưởng và biến chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ giúp bạn có câu trả lời cho vấn đề bệnh lý này có nguy hiểm không? Các ảnh hưởng và biến chứng thường gặp bao gồm:
1. Giảm hiệu suất công việc, học tập
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại của những ý nghĩ dẫn tới sự ám ảnh. Đi kèm với đó là cảm giác lo âu, căng thẳng và bức bối. Chính sự ám ảnh này khiến người bệnh thực hiện các hành vi một cách cưỡng chế. Đặc biệt là họ không có cảm giác vui vẻ hay hào hứng.
Ở một số trường hợp nặng, người bệnh còn dành hàng giờ để suy nghĩ và thực hiện các hoạt động vô nghĩa. Điều này không chỉ gây hao tốn thời gian mà còn làm giảm khả năng tập trung khi làm việc, học tập.
Khi học tập và làm việc, người bệnh rất dễ xuất hiện các dòng suy nghĩ không theo chủ đích. Từ đó thôi thúc thực hiện hành vi cưỡng chế. Mặc dù phải kiềm chế để không thực hiện hành vi nhưng người bệnh lại rơi vào trạng thái căng thẳng và lo lắng. Hệ quả là làm giảm hiệu quả học tập, làm việc. Hơn nữa còn rất dễ gặp phải sai sót và chậm trễ trong công việc.
2. Vấn đề trong các mối quan hệ
Người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế rất hiếm khi có được cảm giác thoải mái, vui vẻ và thư giãn. Thay vào đó, họ luôn thường trực sự lo lắng, căng thẳng và bồn chồn do những suy nghĩ vô nghĩa lặp đi lặp lại trong đầu.
Đa phần những người mắc chứng OCD đều thấy được sự vô nghĩa trong hành vi của họ nhưng lại bất lực không thể nào khống chế chúng. Điều này khiến cho tâm trạng trở nên bất ổn, lo âu và nhạy cảm quá mức.
Trên thực tế, người bệnh OCD rất dễ nổi nóng với những người xung quanh. Nhất là khi người khác làm dính bụi bẩn lên quần áo của bản thân hoặc làm thay đổi vị trí các đồ vật. Bệnh nhân OCD thường rất khó duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh.
Những người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế chỉ duy trì được mối quan hệ với những người thân trong gia đình. Họ rất hiếm khi có bạn bè, nhất là trong trường hợp OCD khởi phát sớm. Do không nhận được sự thấu hiểu và đồng cảm từ người khác nên bệnh nhân thường cảm thấy lạc lõng, cô độc và gần như không có nhu cầu gắn kết.
3. Rối loạn tích trữ
Rối loạn tích trữ là tình trạng có mối liên quan rất chặt chẽ với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Tình trạng này đề cập đến việc một người không có khả năng hay gặp khó khăn dai dẳng với việc vứt bỏ tài sản.
Rối loạn tích trữ đặc trưng bởi sự lo lắng và căng thẳng có liên quan tới sự chiếm hữu. Người bệnh thường không muốn thoát khỏi tài sản nhưng họ cũng có thể cảm thấy xấu hổ vì chúng.
Khi rối loạn tích trữ càng nghiêm trọng thì chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ càng bị suy giảm. Thậm chí còn gây nguy hại cho sức khỏe do sống trong điều kiện vệ sinh không an toàn.
4. Tăng nguy cơ gặp các dạng rối loạn lo âu khác
Người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nhiều khả năng phát triển một số rối loạn lo âu khác. Điển hình nhất là:
- Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD): Đây là dạng rối loạn lo âu thường gặp nhất. Bệnh đặc trưng bởi sự lo lắng thường trực kéo dài và thái quá so với tính chất của sự việc, vấn đề.
- Rối loạn ám ảnh sợ xã hội: Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 25% người bệnh OCD phát triển rối loạn ám ảnh sợ xã hội. Đây là chứng bệnh xảy ra khi bệnh nhân căng thẳng và lo lắng quá mức trước các tình huống thông thường. Điển hình như nói chuyện với người lạ, hẹn hò, phát biểu trước đám đông,…
Trong một số trường hợp, bệnh nhân OCD cũng có thể mắc phải các dạng rối loạn lo âu khác. Chẳng hạn như rối loạn lo âu sợ bệnh tật, rối loạn hoảng sợ và một số các ám ảnh sợ đặc hiệu khác.
5. Trầm cảm
Thực tế cho thấy, rối loạn ám ảnh cưỡng chế ngoài làm tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn lo âu khác thì còn có nguy cơ cao phát triển chứng trầm cảm. Số liệu thống kê cho thấy, có đến 67% người bị OCD phát triển trầm cảm.
Tình trạng này thường xảy ra do người bệnh căng thẳng và lo âu kéo dài. Đặc biệt là họ cảm thấy bất lực trước những ý nghĩ và hành vi vô nghĩa của bản thân nhưng không kiềm chế được. Về lâu dài, cảm xúc của người bệnh giảm thấp. Đi kèm với đó là biểu hiện ức chế về mặt tư duy và hoạt động.
6. Nghiện rượu bia và lạm dụng chất
Người mắc chứng OCD thường phải sống chung với cảm giác lo âu và căng thẳng kéo dài. Ban đầu, người bệnh sẽ tìm cách khống chế suy nghĩ và hành vi cưỡng bức của bản thân nhưng đa phần không mang lại hiệu quả. Điều này còn làm gia tăng thêm mức độ khó chịu và căng thẳng.
Nhiều người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế đã tìm đến rượu bia và chất gây nghiện để giải tỏa cảm xúc. Bởi khi dùng chất kích thích thì não bộ sẽ tạo ra phản ứng hưng phấn. Từ đó giúp giải tỏa tạm thời cảm giác lo âu và sợ hãi.
Tuy nhiên, về lâu dài rượu bia và chất kích thích sẽ khiến hệ thần kinh trung ương bị ức chế. Hơn nữa còn khiến cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống bị suy giảm nghiêm trọng. Người bệnh có thể lựa chọn lối sống bê tha, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
7. Nguy cơ tự tử
Biến chứng nặng nề nhất của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế là làm tăng nguy cơ hủy hoại và tự sát. Trong đó, những trường hợp người bệnh tự sát thường mắc đồng thời OCD với các vấn đề khác. Thường gặp nhất là trầm cảm, nghiện rượu bia, lạm dụng chất, rối loạn lo âu lan tỏa.
Người bệnh thường nỗ lực tìm đến hành vi tự sát để giải thoát bản thân khỏi tâm trạng buồn chán, lo âu và căng thẳng quá mức. Hoặc họ tự sát để bảo vệ người thân, con cái vì lo sợ bản thân sẽ gây ra những hành vi nguy hiểm.
Tham khảo thêm: Cách đối phó, sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có chữa được không?
Ngoài quan tâm đến vấn đề rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không thì nhiều người còn lo lắng về việc căn bệnh này có chữa được không? Nắm rõ vấn đề này sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong quá trình điều trị.
Các chuyên gia cho biết, OCD là một dạng rối loạn lo âu mãn tính kéo dài dai dẳng. Hơn nữa, bệnh lý này còn có xu hướng phát triển trong suốt cuộc đời. Thực tế ghi nhận, rất ít trường hợp có thể điều trị dứt điểm bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Tuy nhiên nếu được thăm khám và tích cực điều trị sớm cũng như chăm sóc đúng cách thì các triệu chứng của OCD có thể cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, không gặp phải quá nhiều phiền toái.
Bên cạnh đó, vẫn có khoảng 40 – 50% trường hợp người bệnh có triệu chứng OCD nghiêm trọng dần theo thời gian. Nguyên nhân thường do phát hiện muộn và chậm trễ trong điều trị hoặc bệnh khởi phát sớm ở giai đoạn trẻ em,…
Khi mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế cần chú ý đến các vấn đề sau:
1. Thăm khám và điều trị y tế
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế không thể tự thuyên giảm nếu không có sự can thiệp điều trị kịp thời. Do đó khi phát hiện ra các triệu chứng bất thường nghi ngờ mắc bệnh thì bạn nên chủ động thăm khám bác sĩ.
Tùy thuộc vào mức độ bệnh mà các phương pháp điều trị khác nhau có thể đáp ứng. Các phương pháp thường được áp dụng cho chứng OCD bao gồm:
– Tâm lý trị liệu:
Đây được xác định là phương pháp điều trị chính cho chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Tâm lý trị liệu tập trung vào việc giúp bệnh nhân giảm sự ám ảnh bởi những suy nghĩ lặp đi lặp lại. Từ đó giúp ngăn chặn các hành vi cưỡng bức.
Theo thời gian, người bệnh có thể chế ngự tốt hơn hành vi của mình. Đồng thời giải tỏa cảm xúc lo âu, bức bối và căng thẳng quá mức do các ý nghĩ ám ảnh. Bên cạnh hình thức trị liệu cá nhân thì chuyên gia tâm lý có thể đề nghị thực hiện thêm liệu pháp gia đình và liệu pháp nhóm để nhận được kết quả tốt hơn.
– Điều trị bằng thuốc:
Sử dụng thuốc có thể giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Đặc biệt là làm giảm tình trạng căng thẳng thần kinh, lo âu, bức bối và khó chịu.
Tùy thuộc vào từng trường hợp mà bác sĩ có thể kê toa các thuốc sau:
- Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA)
- Thuốc chống co giật
Người bệnh OCD thường phải dùng thuốc dài hạn để kiểm soát tốt triệu chứng. Đồng thời ngăn ngừa tình trạng tái phát. Tuy nhiên việc dùng thuốc sẽ tiềm ẩn một số rủi ro. Cần chú ý sử dụng thuốc đúng chỉ định từ bác sĩ, tuyệt đối không được dừng thuốc đột ngột.
– Sốc điện và phẫu thuật:
Sốc điện và phẫu thuật là những phương pháp sẽ được cân nhắc khi chứng OCD không đáp ứng với trị liệu tâm lý và điều trị bằng thuốc.
- Sốc điện: Giúp làm giảm triệu chứng và cải thiện rõ rệt các cảm xúc tiêu cực. Phương pháp này thường được dùng khi OCD đi kèm với biểu hiện trầm cảm.
- Phẫu thuật: Một số người bệnh OCD có thể được chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ bó liên hợp khứu hải mã. Phương pháp này mang lại hiệu quả cho khoảng 25 – 30% người bệnh bị kháng thuốc và không đáp ứng với tâm lý trị liệu.
2. Các biện pháp hỗ trợ tại nhà
Như đã phân tích, rối loạn ám ảnh cưỡng chế là bệnh lý mãn tính, có xu hướng kéo dài dai dẳng. Ngoài việc điều trị y tế thì người bệnh cần chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ tại nhà. Bao gồm:
- Người bệnh nên ghi chép lại những việc đã làm. Điều này sẽ giúp làm giảm nghi ngờ về các sự việc đã thực hiện. Chẳng hạn như tắt bếp, đóng cửa sổ, khóa cửa nhà,… Khi xuất hiện mối nghi ngờ thì chỉ cần kiểm tra sổ tay để nhớ lại.
- Tránh tiếp xúc với các nguồn thông tin tiêu cực về vi khuẩn, virus và bệnh tật. Điều này giúp làm giảm sự ám ảnh về việc vệ sinh cá nhân, lau dọn nhà cửa,…
- Thực hiện các giải pháp thư giãn để làm giảm căng thẳng và lo âu. Chẳng hạn như yoga, thiền định, tắm nước ấm, liệu pháp mùi hương,…
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh để làm giảm sự lo âu và căng thẳng. Đồng thời nâng cao sức khỏe tổng thể.
- Nên tham gia các hội nhóm dành cho người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế để được chia sẻ và đồng cảm. Hơn nữa còn giúp người bệnh có thêm nhiều kinh nghiệm để vượt qua bệnh tật.
- Tạo thái độ sống tích cực và lạc quan. Luôn hướng bản thân đến những giá trị cốt lõi của cuộc sống.
- Đặc biệt là cần nghiêm khắc với bản thân khi có ý định tìm đến rượu bia hay các chất gây nghiện để giải tỏa cảm xúc tiêu cực.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ các vấn đề “Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không? Có chữa được không?”. Khi bản thân có các biểu hiện bất thường thì nên chủ động thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời. Đây là cách tốt nhất để làm giảm các ảnh hưởng của OCD đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm:
- Bị tăng động giảm chú ý có chữa được không? Có tự khỏi không?
- Tìm Hiểu Tâm Lý Bệnh Nhân Ung Thư Theo Từng Giai Đoạn
- 7 Địa Chỉ Khám Rối Loạn Lưỡng Cực Tại TPHCM Uy Tín Nhất
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!