Hội chứng sợ biển (Thalassophobia): Nguyên nhân và cách khắc phục

Hội chứng sợ biển (Thalassophobia) đề cập đến sự ám ảnh và nỗi sợ hãi quá mức, dai dẳng về biển cả hoặc các vùng nước sâu khác. Hội chứng này mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng lại gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống. Sớm can thiệp bằng liệu pháp tâm lý, sử dụng thuốc và thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.

Hội chứng sợ biển
Hội chứng sợ biển đặc trưng bởi nỗi sợ hãi quá mức và dai dẳng về các vùng nước sâu

Hội chứng sợ biển (Thalassophobia) là gì?

Hội chứng sợ biển (Thalassophobia) là chứng sợ hãi dữ dội đối với các vùng nước sâu. Những người mắc hội chứng này luôn cảm thấy lo lắng tột độ khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích, có thể bao gồm biển cả, sông hồ hoặc các vùng nước sâu khác.

Mọi người trải nghiệm hội chứng Thalassophobia là khác nhau. Một số người có thể hoảng sợ khi bơi ở vùng nước sâu, ở trên thuyền hoặc không thể chạm đáy hồ bơi được nữa. Trong khi đó những người khác lại có thể cảm thấy sợ hãi khi chỉ nghĩ về đại dương hay khi nhìn những bức ảnh chụp vùng nước sâu.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Hiện nay, hội chứng sợ biển (Thalassophobia) vẫn chưa được công nhận là một chứng rối loạn riêng biệt trong Sổ tay Chẩn đoán Rối loạn Tâm thần, ấn bản lần thứ năm (DSM-5). Thay vào đó, những triệu chứng của chứng sợ này thuộc tiêu chí chẩn đoán cho rối loạn ám ảnh sợ cụ thể.

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ biển

Hiện tại, các chuyên gia không chắc chắn nguyên nhân khiến một số người mắc hội chứng sợ biển. Có một niềm tin mạnh mẽ rằng, sự kết hợp của yếu tố di truyền, môi trường, kinh nghiệm sống tiêu cực, hoạt động của não,… có thể gây ra chứng sợ Thalassophobia.

Nghiên cứu cho thấy rằng, lo lắng có xu hướng lan tỏa trong gia đình và ám ảnh cũng có khả năng xảy ra. Tính dễ bị tổn thương di truyền của một người có thể kết hợp với các trải nghiệm cuộc sống tiêu cực như một chất xúc tác. Từ đó dẫn đến nỗi sợ hãi đủ nghiêm trọng để được xem là rối loạn tâm thần.

Ví dụ nếu ai đó có xu hướng lo lắng và sau đó chứng kiến một người bạn thân của mình chết dưới biển thì người đó có thể bắt đầu tin rằng đại dương không an toàn. Theo thời gian, nỗi sợ hãi có thể tăng lên đến mức gây ra sự đau khổ và làm suy giảm tinh thần đủ để được coi là một nỗi ám ảnh.

nguyên nhân gây hội chứng sợ biển
Chứng kiến người thân gặp nạn trên biển có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển hội chứng sợ biển

Các nguyên nhân và yếu tố có thể gây ra chứng sợ Thalassophobia bao gồm:

  • Tuổi nhỏ: Bất cứ ai cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi các chứng sợ hãi. Tuy nhiên trẻ em có nhiều khả năng phát triển các triệu chứng của những rối loạn ám ảnh sợ hãi hơn, bao gồm cả chứng sợ biển.
  • Trải nghiệm cuộc sống tiêu cực: Một người có trải nghiệm tiêu cực liên quan đến đại dương hoặc vùng nước sâu khác có thể phát triển chứng sợ Thalassophobia. Tương tự như vậy, những người nhìn thấy những tình huống đáng sợ trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện truyền thông cũng có thể phát triển một nỗi sợ hãi.
  • Thông tin học được: Thay vì trải nghiệm hoặc quan sát các tình huống đáng sợ về biển thì một số người có thể thấy chứng sợ hãi của họ phát triển từ những thông tin được cung cấp bởi người khác. Nếu cha mẹ hoặc người lớn đáng tin cậy nói với trẻ về sự nguy hiểm của các vùng nước sâu thì trẻ có thể trở nên sợ hãi.
  • Di truyền: Tiền sử gia đình về chứng lo âu và ám ảnh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho các thành viên khác. Nếu cha mẹ mắc hội chứng sợ biển thì con sinh ra có nhiều khả năng mắc phải hội chứng này hơn so với những đứa trẻ có cha mẹ bình thường.
  • Bất thường ở não bộ: Các chuyên gia nhận xét, hạch hạnh nhân của những người mắc hội chứng sợ biển thường xuyên ở trong trạng thái hoạt động quá mức. Mặc dù chưa tìm hiểu rõ được nguyên nhân của vấn đề này nhưng rõ ràng một rối loạn nào đó trong não thực sự có liên quan tới hội chứng Thalassophobia.
  • Sự bí ẩn của đại dương: Biển cả từ xưa đến nay vẫn luôn là một điều bí ẩn với con người. Sự bí ẩn và vô tận của đại dương khiến con người không khỏi lo lắng và sợ hãi. Ngoài ra những câu chuyện về chình điện, thủy quái, thuồng luồng,… cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ phát triển nỗi sợ hãi đại dương.

Các dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ biển

Hội chứng sợ biển thường khó nhận biết hơn so với các chứng ám ảnh sợ hãi khác. Bởi một người mắc chứng sợ Thalassophobia sẽ không có biểu hiện gì ra bên ngoài về tình trạng này trong phần lớn các khoảng thời gian trong ngày của họ.

Trong nhiều trường hợp, gia đình và bạn bè thân thiết sẽ không thấy được bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy người thân của họ gặp phải tình trạng sức khỏe tâm thần.

Những người mắc hội chứng Thalassophobia vẫn có thể hoạt động hiệu quả ở trường học, làm tốt công việc và có những mối quan hệ lành mạnh, bền chặt với những người xung quanh. Khả năng nhìn thấy các dấu hiệu của chứng sợ Thalassophobia có thể không xảy ra thường xuyên.

Dấu hiệu của hội chứng Thalassophobia
Người mắc hội chứng Thalassophobia có thể tỏ ra căng thẳng, lo lắng và phòng ngự khi đứng trước biển

Nếu hội chứng sợ biển đủ mạnh thì người bệnh sẽ không thể chịu đựng được ngay cả khi xem chương trình hoặc phim có chủ đề về biển, sông hồ hay các vùng nước sâu khác. Phương tiện truyền thông bao gồm hình ảnh người chết đuối, đắm tàu hay chạm trán với động vật biển có thể gây ra phản ứng lo lắng quá mức. Tuy nhiên trên thực tế thì những kích thích này vẫn dễ dàng tránh được.

Mức độ đầy đủ của chứng sợ Thalassophobia có thể không xuất hiện cho đến khi có áp lực đến một vùng nước sâu. Ví dụ nếu liên tục đề cập đến chuyến đi biển của gia đình thì có thể gây ra lo lắng cao độ cho người bệnh. Người đó có thể viện lý do để tránh đi và nhanh chóng thay đổi chủ đề. Tuy nhiên do xấu hổ khi thừa nhận nỗi sợ hãi của mình nên họ vẫn đồng ý tham gia chuyến đi.

Khi gia đình gần đến điểm du lịch thì người mắc hội chứng Thalassophobia bắt đầu có dấu hiệu lo lắng ngày càng tăng như bồn chồn và sợ hãi. Khi họ bước chân lên bãi biển thì có thể trở nên cáu bẳn, hốt hoảng, phòng ngự,…

Người mắc chứng sợ Thalassophobia có thể nhanh chóng thoát khỏi bãi biển và dành phần còn lại của chuyến đi trong sự an toàn của khách sạn. Họ có vẻ tức giận, bất bình và thù địch đối với người thân của mình vì đã gây sức ép với họ trong chuyến đi. Tuy nhiên họ vẫn thường che giấu hoặc phủ nhận nỗi sợ hãi của mình.

Trẻ em mắc chứng sợ Thalassophobia có thể biểu hiện như ủ rũ, chống đối và các hành vi thách thức. Chúng có thể khóc lóc, nổi cơn thịnh nộ và đặc biệt đeo bám cha mẹ khi tiếp xúc với các tác nhân gây ra căng thẳng ở vùng nước sâu.

Một người sống trong khu vực đất liền và không có tham vọng đến thăm các vùng nước sâu có thể có một cuộc sống hoàn toàn hạnh phúc mà không có bất cứ dấu hiệu nào của chứng sợ Thalassophobia. Tuy nhiên, những người thường xuyên gặp phải các tác nhân kích thích có thể tỏ ra chán nản. Thậm chí một số còn cố gắng tự tử giống như một cách để đối phó với nỗi đau khổ và sợ hãi của họ.

Một số hình ảnh khiến hội chứng sợ biển trầm trọng thêm

Như đã đề cập, mỗi người có thể trải nghiệm hội chứng sợ biển (Thalassophobia) theo một cách khác nhau. Ở rất nhiều người mắc hội chứng này thì khi nhìn thấy những hình ảnh về biển cả mênh mông cùng với các loại sinh vật biển.

Nếu bạn thấy sợ hãi khi xem những hình ảnh dưới đây thì bạn có thể đang mắc hội chứng sợ biển (Thalassophobia):

hình ảnh về biển cả
Hình ảnh về các loại các bơi theo đoàn có thể khiến người bị Thalassophobia sợ hãi
hình ảnh đáng sợ về biển
Có khi nào con người bị biển cả nuốt chửng hay không?
hình ảnh khiến hội chứng sợ biển nghiêm trọng hơn
Nếu bạn thấy sợ hãi khi nhìn thấy hình ảnh này có thể bạn đang mắc hội chứng sợ biển
hình ảnh đáng sợ về biển cả
Đại dương ẩn chứa nhiều bí mật chưa được khám phá hết
quái vật biển
Liệu dưới biển có thật sự tồn tại quái vật như trên phim ảnh?
hình ảnh biển động
Biển có những lúc giận dữ với những cơn sóng lớn
hình ảnh kích hoạt hội chứng sợ biển
Thực tế đã có nhiều người bị cá mập tấn công, thậm chí mất mạng
sinh vật biển đáng sợ
Sẽ ra sao nếu bạn bị những sinh vật biển này tấn công?

Hội chứng sợ biển có ảnh hưởng gì?

Hội chứng sợ biển thường không có sự đe dọa trực tiếp đến sức khỏe. Tuy nhiên nó gây ra rất nhiều phiền toái khiến người bệnh phải đối mặt với vô vàn hệ quả nghiêm trọng.

Người mắc chứng sợ Thalassophobia thường có các hành vi né tránh phải tiếp xúc hay nhìn thấy đại dương, sông hồ và những vùng nước sâu khác. Điều này khiến cho lựa chọn nghề nghiệp có thể bị thu hẹp hơn. Họ không thể làm các công việc như cứu hộ, vận động viên bơi lội, nhân viên trong khu du lịch biển hay hướng dẫn viên du lịch.

Bên cạnh đó, việc né tránh các hoạt động có liên quan đến vùng nước sâu cũng khiến người bệnh có ít lựa chọn vui chơi, giải trí hơn. Điều này mặc dù không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng lại khiến người bệnh khó hòa nhập được với mọi người. Thậm chí một số người còn trở nên khép kín và ít giao tiếp do muốn che giấu nỗi sợ của họ với những người xung quanh.

Trong một số trường hợp, người mắc chứng Thalassophobia có thể xuất hiện cơn hoảng loạn trong cơn sợ hãi của họ. Điều này khiến cho người bệnh trở nên tự ti về bản thân, có xu hướng cách ly xã hội và làm gia tăng nguy cơ bị trầm cảm, rối loạn lo âu.

Hội chứng sợ biển nguy hiểm không?
Hội chứng sợ biển không được kiểm soát có thể làm gia tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu,…

Ngoài ra, những người mắc hội chứng sợ biển còn có thể tìm đến rượu bia, ma túy và các chất kích thích khác để đối phó với nỗi sợ hãi của bản thân. Điều này có khả năng gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng về lâu dài.

Chẩn đoán hội chứng sợ biển

Hội chứng sợ biển (Thalassophobia) đến nay vẫn chưa được công nhận là một dạng rối loạn tâm lý chính thức. Do đó vẫn chưa có tiêu chuẩn để chẩn đoán hội chứng này. Các bác sĩ thường sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán của rối loạn ám ảnh sợ hãi nói chung để giúp chẩn đoán Thalassophobia.

Bác sĩ có thể sẽ đánh giá các triệu chứng của người bệnh. Đồng thời điều tra bất cứ yếu tố y tế tiềm ẩn nào có khả năng xảy ra. Khi bác sĩ hiểu tiền sử bệnh và triệu chứng của bạn thì bạn có thể được chẩn đoán chính thức mắc hội chứng sợ biển.

Để được chẩn đoán mắc chứng Thalassophobia, bạn cần có các tiêu chí sau:

  • Nỗi sợ nước sâu của bạn là quá mức, vô lý và dai dẳng
  • Bạn cảm thấy sợ hãi mỗi khi tiếp xúc với biển hoặc vùng nước sâu
  • Bạn nhận ra rằng nỗi sợ hãi của mình không tương xứng với những nguy hiểm thực tế
  • Bạn có thể tránh đại dương hay các vùng nước sâu khác hoặc cũng có thể chịu đựng chúng với nỗi sợ hãi dữ dội
  • Nỗi sợ hãi của bạn về biển cả và những khối nước lớn gây cản trở hoạt động bình thường của bạn
  • Nỗi sợ hãi đã xuất hiện trong 6 tháng hoặc lâu hơn
  • Nỗi sợ hãi của bạn không được giải thích tốt hơn bởi một chứng rối loạn khác như rối loạn lo âu lan tỏa hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương
chẩn đoán hội chứng Thalassophobia
Bác sĩ có thể kiểm tra triệu chứng và tiền sử cá nhân, gia đình để đưa ra chẩn đoán về hội chứng sợ biển

Cách vượt qua hội chứng sợ biển

Liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng với việc làm giảm triệu chứng Thalassophobia. Cùng với những thay đổi hữu ích trong lối sống, các phương pháp điều trị hội chứng sợ biển sẽ giúp người bệnh phục hồi sức khỏe và tinh thần hoàn toàn.

Dưới đây là các phương pháp có thể giúp bạn vượt qua chứng sợ Thalassophobia:

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu được xác định là phương pháp điều trị chính với hội chứng sợ biển. Phương pháp này được thực hiện bằng hình thức trò chuyện giữa thân chủ với chuyên gia tâm lý để thay đổi suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Ngoài ra, các liệu pháp tâm lý còn có tác dụng làm giảm sự căng thẳng, sợ hãi và lo lắng do Thalassophobia gây ra.

– Liệu pháp tiếp xúc:

Tiêu chuẩn vàng để điều trị chứng ám ảnh sợ nói chung và hội chứng sợ biển nói riêng là liệu pháp tiếp xúc. Người bệnh sẽ được tiếp xúc với các kích thích sợ hãi của họ theo mức độ tăng dần cường độ cho đến khi kiểm soát được hoàn toàn nỗi sợ hãi.

Riêng với hội chứng sợ biển, người bệnh có thể bắt đầu bằng việc xem ảnh biển. Sau đó chuyển sang xem video về đại dương hoặc nước sâu. Mức độ tiếp xúc sẽ lên đỉnh điểm khi trực tiếp đến hồ bơi hoặc ra biển. Thông qua sự tiếp xúc có kiểm soát này, người bệnh sẽ học được rằng các kích thích sợ hãi thực tế không nguy hiểm. Đồng thời họ có thể bắt đầu liên kết nó với những phản ứng tích cực hơn.

Bất cứ hình thức trị liệu tiếp xúc nào cũng sẽ gây ra sự khó khăn và không thoải mái cho thân chủ. Bởi các tình huống có thể kích hoạt căng thẳng. Tuy nhiên, người bệnh sẽ học được rằng họ có thể vượt qua căng thẳng và hoàn toàn không bị kiểm soát bởi nỗi sợ hãi.

– Các liệu pháp khác:

Tiếp xúc là một liệu pháp mang lại hiệu quả tuyệt vời cho hội chứng sợ biển nhưng nó không phải là lựa chọn duy nhất. Một số liệu pháp tâm lý khác có thể được dùng cho chứng sợ Thalassophobia bao gồm:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): CBT có thể giúp mọi người nhận ra được những khía cạnh phi lý của nỗi sợ hãi. Đồng thời bắt đầu hình thành các hành vi lành mạnh và không bị ảnh hưởng bởi chứng sợ hãi.
  • Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT): Hình thức trị liệu này giúp mọi người tìm hấy sự chấp nhận bằng cách sống trong khoảnh khắc với một cách tiếp cận không phán xét. Đồng thời cam kết thực hiện các thay đổi cần thiết nhằm thoát khỏi những suy nghĩ cũng như cảm xúc nhất định.
  • Liệu pháp Hành vi Biện chứng (DBT): Đây là một hình thức trị liệu dựa trên các nguyên tắc CBT tập trung vào việc giúp đỡ người bệnh bằng cách cải thiện khả năng chánh niệm, khả năng chịu đựng, kỹ năng giao tiếp và điều chỉnh cảm xúc của họ.
điều trị hội chứng sợ biển
Tâm lý trị liệu được xác định là phương pháp điều trị chính đối với hội chứng Thalassophobia

Trên thực tế, không phải tất cả mọi người đều có phản ứng tích cực với các liệu pháp điều trị chứng sợ Thalassophobia. Tuy nhiên hội chứng sợ biển là một trong những tình trạng sức khỏe tâm thần có thể chữa được.

Với việc kiên định và tin tưởng vào quá trình điều trị, người bệnh sẽ thấy rõ căng thẳng của họ dần biến mất. Những chuyến đi gia đình đến bãi biển cuối cùng có thể cảm thấy vui vẻ, thư giãn chứ không còn là nỗi sợ hãi.

2. Thuốc men

Trong một số trường hợp, người mắc hội chứng sợ biển (Thalassophobia) có thể chỉ cần sử dụng liệu pháp tâm lý để loại bỏ hoàn toàn các triệu trứng mà họ gặp phải. Tuy nhiên những người khác có thể cần sự kết hợp của liệu pháp và thuốc để giải quyết tốt hơn tình trạng của họ.

Trên thực tế, một số loại thuốc có thể hỗ trợ cho quá trình điều trị và kiểm soát triệu chứng Thalassophobia. Các thuốc thường được bác sĩ kê đơn bao gồm:

– Thuốc chống trầm cảm:

Bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng thuốc thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) hay thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI). Những loại thuốc này có tác dụng điều chỉnh các chất hóa học trong não. Từ đó mang lại hiệu quả chống trầm cảm và có thể làm giảm các triệu chứng sợ hãi. Một số ví dụ về SSRI và SNRI bao gồm:

  • Fluoxetine (Prozac)
  • Paroxetine (Paxil)
  • Sertraline (Zoloft)
  • Citalopram (Celexa)
  • Escitalopram (Lexapro)
  • Desvenlafaxine (Pristiq)
  • Duloxetine (Cymbalta)
  • Levomilnacipran (Fetzima)
  • Venlafaxine (Effexor)

– Thuốc chống trầm cảm khác:

Nếu SSRI và SNRI không mang lại hiệu quả thì bác sĩ có thể chuyển sang các loại thuốc chống trầm cảm cũ hơn. Chúng có tác dụng làm giảm triệu chứng tương đối tốt nhưng lại có khả năng gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn hơn. Các loại thuốc được đề cập bao gồm:

thuốc chữa hội chứng Thalassophobia
Bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc để hỗ trợ cải thiện triệu chứng liên quan đến hội chứng sợ biển

– Benzodiazepine và các thuốc chống lo âu khác:

Benzodiazepine là loại thuốc được các bác sĩ kê đơn đặc biệt cho chứng rối loạn lo âu. Nhóm thuốc này giúp điều chỉnh một chất hóa học trong não được gọi là GABA nhằm tạo ra cảm giác bình tĩnh và thư giãn. Điều này rất hữu ích với những người mắc các chứng ám ảnh sợ, bao gồm cả chứng sợ biển. Một số ví dụ về benzodiazepine bao gồm:

  • Clonazepam (Klonopin)
  • Diazepam (Valium)
  • Alprazolam (Xanax)
  • Lorazepam (Ativan)

Buspirone (BuSpar) là một loại thuốc chống lo âu khác hoạt động khác với Benzodiazepine. Buspirone có thể hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng lo lắng ở hội chứng sợ biển một cách hiệu quả. Hơn nữa còn không có khả năng lạm dụng cao như Benzodiazepine. Tuy nhiên loại thuốc này có thể mất đến 3 tuần để phát huy kết quả mong muốn.

3. Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống thực sự có thể mang lại nhiều lợi ích và giúp kiểm soát các triệu chứng Thalassophobia hoặc một chứng sợ khác. Bên cạnh đó, một lối sống lành mạnh luôn được khuyến thích để phục hồi sau hội chứng sợ biển.

Các vấn đề cần chú ý bao gồm:

  • Ăn uống lành mạnh: Các loại đồ ăn thức uống đưa vào cơ thể có ảnh hưởng trực tiếp đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng với đầy đủ các loại thực phẩm tươi sạch, giàu dinh dưỡng có thể giúp làm giảm lo lắng. Cần hạn chế thực phẩm có đường và đồ uống chứa caffeine vì chúng thường làm gia tăng căng thẳng.
  • Rèn luyện thể chất: Tất cả các hình thức tập thể dục và tăng cường hoạt động thể chất có thể hỗ trợ tốt hơn cho một người đang phải đối phó với lo lắng. Bạn có thể thử nhiều hoạt động để xem đâu mới là lựa chọn giúp làm giảm căng thẳng tốt nhất. Chẳng hạn như đi bộ, đạp xe, chơi thể thao, tập thể dục nhịp điệu,…
  • Dành thời gian cho giấc ngủ: Căng thẳng cao có thể khiến cho bạn mệt mỏi và khiến bạn khó có được một giấc ngủ ngon. Tốt nhất nên lên kế hoạch nghỉ ngơi đầy đủ vào ban đêm nhằm tạo thói quen hữu ích để ngủ trong một không gian tối, mát mẻ và không bị phân tâm.
  • Không nên né tránh sự sợ hãi: Với chứng sợ biển, nói dối, bỏ qua hoặc né tránh nói về nguồn gốc của căng thẳng không bao giờ được khuyến khích. Bạn có thể chia sẻ với bạn bè đáng tin cậy hoặc người thân về nỗi sợ hãi để nhận được sự giúp đỡ thay vì né tránh nó.
kiểm soát hội chứng sợ biển
Ăn uống lành mạnh mang lại nhiều lợi ích cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần ở người mắc chứng sợ Thalassophobia

4. Cách đối phó với hội chứng sợ biển

Với một số rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm hay rối loạn lưỡng cực thì có thể bạn sẽ không tìm thấy sự thuyên giảm hoàn toàn khỏi các triệu chứng. Tuy nhiên, riêng với hội chứng sợ biển thì sẽ không ai phải sống chung với nó lâu dài nếu được điều trị và theo dõi phù hợp.

Những cách tốt nhất để đối phó với Thalassophobia bao gồm:

  • Bám sát kế hoạch điều trị: Liệu pháp tiếp xúc đối với Thalassophobia có thể gây ra nhiều khoảnh khắc không thoải mái. Nhiều người bệnh còn muốn bỏ thuốc do các tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên cần kiên trì điều trị để nhận được nhiều lợi ích nhất.
  • Tránh đối phó tiêu cực: Nhiều người tìm đến rượu, ma túy, chơi điện tử hoặc mua sắm quá mức và quan hệ tình dục để khắc phục triệu chứng Thalassophobia. Tuy nhiên về lâu dài chúng chỉ tạo ra những vấn đề lớn hơn mà thôi.
  • Tìm đến những người thân yêu để được hỗ trợ: Đừng nên một mình đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần. Bạn hãy nhớ rằng, trong quá trình kiểm soát và điều trị Thalassophobia thì càng có nhiều người hỗ trợ đáng tin cậy tham gia càng tốt.
  • Khám phá các kỹ thuật thư giãn: Thiền, yoga và các hình thức thư giãn khác có thể giúp ích cho quá trình phục hồi sức khỏe tinh thần một cách lâu dài. Bạn có thể khám phá nhiều kỹ thuật khác nhau để tìm được một lựa chọn phù hợp với mình.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Hội chứng sợ biển (Thalassophobia) có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực với chất lượng cuộc sống. Trường hợp không sớm khắc phục nó còn làm gia tăng các vấn đề tâm lý. Do đó cần chủ động thăm khám về điều trị để sớm vượt qua nỗi sợ của bản thân và có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tham khảo thêm:

5/5 - (14 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *