Hội chứng sương mù não hậu Covid-19: Cách nhận biết, khắc phục
Hội chứng sương mù não không phải là một thuật ngữ y học hay khoa học, mà là cách chúng ta miêu tả cảm giác chậm chạp, mơ hồ và trì trệ trong suy nghĩ. Người bị sương mù não cảm thấy bản thân không đủ tỉnh táo và nhanh nhạy trong nhận thức. Đây là một dạng suy giảm nhận thức, hay suy giảm trí nhớ tạm thời. Tình trạng này trở nên phổ biến hơn sau đại dịch Covid-19.
Hội chứng sương mù não là gì?
Đầu tiên, cần biết rằng cụm từ “hội chứng sương mù não” (brain fog) không phải là một thuật ngữ y học hay khoa học. Đây là từ được mọi người dùng để mô tả cảm giác mông lung, thiếu sáng suốt, và một số triệu chứng gây ảnh hưởng đến nhận thức. Sương mù não khiến người bị ảnh hưởng gặp nhiều vấn đề về suy nghĩ và khả năng tập trung.
Nguyên nhân triệu chứng này được gọi là sương mù não là do suy nghĩ của người bị ảnh hưởng trở nên mông lung, giống như có một lớp sương mù che phủ khiến họ không còn minh mẫn và nhạy bén nữa. Tất cả chúng ta ắt hẳn đều đã từng trải qua triệu chứng này nhiều lần trong đời, với nhiều mức độ khác nhau.
Đặc trưng của sương mù não là tình trạng hay quên, suy nghĩ chậm chạp, mất tập trung, đầu óc kém minh mẫn. Người rơi vào tình trạng này cảm thấy bản thân không còn sáng suốt, và quá trình suy nghĩ không còn hiệu quả như trước đây. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này bao gồm cả yếu tố sinh học và môi trường.
Căng thẳng và thiếu ngủ là những nguyên nhân thường thấy gây ra hội chứng sương mù não. Căng thẳng gây mệt mỏi, stress, suy yếu hệ miễn dịch và mất ngủ. Việc thức khuya, làm việc quá sức do căng thẳng cũng gây ra tình trạng thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc và cảm giác mệt mỏi vào sáng hôm sau.
Stress và mất ngủ khiến não bộ kiệt sức, mệt mỏi, dẫn đến tình trạng kém tập trung, suy nghĩ kém minh mẫn. Thật không may, căng thẳng và thiếu ngủ là vấn đề nan giải của thời đại, khi con người dành quá nhiều thời gian vào công việc và những hình thức giải trí. Đó là lý do tình trạng sương mù não ngày càng phổ biến.
Rối loạn nội tiết tố cũng được cho là nguyên nhân ảnh hưởng đến chứng sương mù não. Tình trạng này thường xảy ra ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai và mãn kinh. Sự gia tăng đột ngột của progesterone và estrogen trong thai kỳ, hoặc sự suy giảm nồng độ estrogen giai đoạn mãn kinh có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và suy nghĩ.
Điều này có thể giải thích vì sau phụ nữ trước và sau khi mang thai, hoặc phụ nữ mãn kinh thường có tình trạng hay quên, mất trí nhớ ngắn hạn và suy giảm nhận thức tạm thời. Thời gian ảnh hưởng của chứng sương mù não có thể là tạm thời hoặc kéo dài, tùy vào thể trạng của người bệnh.
Hội chứng sương mù não cũng được ghi nhận là tác dụng phụ sau khi dùng thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta, hay một số loại thuốc đặc trị khác. Những bệnh lý gây viêm nhiễm, tình trạng thiếu máu, tiểu đường, chứng đau nửa đầu, bệnh Alzheimer, suy tuyến giáp, lupus, viêm khớp, đa xơ cứng, hay ảnh hưởng của hóa trị trong điều trị ung thư cũng có thể gây ra hiện tượng này.
Vì sao hiện tượng sương mù não tăng cao sau Covid-19?
Đặc biệt, sương mù não có dấu hiệu tăng cao sau đại dịch Covid-19. Nguyên nhân chính của hiện tượng này có thể đến từ sự viêm nhiễm do virus gây ra cho não. Các tế bào thần kinh bị virus xâm nhập, tấn công và gây nên tình trạng viêm lan tỏa. Sự trì trệ trong hoạt động của hệ thần kinh kéo theo trì trệ trong nhận thức.
Hiện tượng này được ghi nhận ở phụ nữ nhiều hơn so vời đàn ông. Một số yếu tố góp phần gây nên hội chứng sương mù não hậu Covid-19 bao gồm:
- Thiếu oxy trong não: Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hô hấp và hệ thần kinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy những tổn thương mà dịch cúm này mang đến ảnh hưởng đến lưu lượng oxy trong não, gây nên tình trạng thiếu oxy kéo dài. Não thiếu oxy khiến tinh thần kém minh mẫn, giảm trí nhớ, mệt mỏi, gây nên tình trạng buồn ngủ, và gây ra hội chứng sương mù não kéo dài.
- Nồng độ cytokine tăng cao: Cytokine là một dạng protein tham gia vào quá trình miễn dịch của cơ thể, giúp chống lại sự tấn công của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nếu nồng độ cytokine tăng mất kiểm soát, tràn ngập trong máu và trong não thì có thể gây ra “cơn bão cytokine” (cytokine storm) gây nên tình trạng viêm nhiễm, ảnh hưởng đến sự hoạt động của các tế bào thần kinh. Những kích thích này góp phần thúc đẩy tình trạng sương mù não hậu Covid-19.
- Rối loạn chức năng hệ thần kinh tự chủ: Hệ thần kinh tự chủ phát tín hiệu, cũng như điều khiển sự tăng giảm hoạt động của các cơ quan trong cơ thể thông qua hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Đối với những bệnh nhân Covid-19, chức năng của hệ thần kinh tự chủ bị rối loạn, ảnh hưởng đến các hệ thống khác. Do đó việc truyền và thu nhận tín hiệu bị ảnh hưởng, khiến người bệnh không phải suy nghĩ và hoạt động một cách linh hoạt.
Ngoài ra, trình trạng căng thẳng, mất ngủ xảy ra trong giai đoạn Covid-19 hoành hành cũng góp phần khiến tình trạng sương mù não thêm nghiêm trọng. Trong giai đoạn này, nhiều người bị mất việc làm khiến cuộc sống ngày một khó khăn. Một số người phải làm việc ở nhà, và hầu hết người dân bị hạn chế ra ngoài khi không cần thiết.
Sang chấn tâm lý do mất mát người thân, do ảnh hưởng từ những tin tức tiêu cực trên các phương tiện truyền thông, cùng sự cô lập với thế giới bên ngoài là những yếu tố góp phần tăng nhanh ảnh hưởng của hiện tượng này trong cộng đồng. Nhiều người cảm nhận được ảnh hưởng rõ rệt của hội chứng này khi quay lại công việc.
Sự ảnh hưởng của sương mù não có thể ngắn hay dài, nghiêm trọng hoặc không nghiêm trọng tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng đến suy nghĩ. Hội chứng sương mù não hậu Covid-19 kéo dài, kèo theo sự suy giảm về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần sau đại dịch Covid-19 là vấn đề đáng lo ngại của nhiều người.
Những người bị ảnh hưởng của sương mù não hậu Covid-19 không thể nhanh chóng quay lại công việc sau đại dịch. Họ gặp nhiều vấn đề về trí nhớ, khó tập trung, dễ bị phân tâm, mệt mỏi và suy nghĩ mông lung trong quá trình làm việc. Thỉnh thoảng họ trở nên “thất thần”, không thể theo dõi cuộc trò chuyện kéo dài, và gặp nhiều khó khăn để hoàn thành công việc.
Biểu hiện của sương mù não hậu Covid-19
Những biểu hiện của hội chứng sương mù não hậu Covid-19 biểu hiện rõ nhất khi người bệnh quay lại cuộc sống bình thường. Những người bị ảnh hưởng sẽ gặp nhiều khó khăn cả trong học tập, công việc và cả cuộc sống do trí nhớ, khả năng tập trung, và nhận thức bị ảnh hưởng.
- Suy giảm trí nhớ: Trí nhớ suy giảm là biểu hiện rõ ràng nhất khi mắc hội chứng sương mù não. Với một số người, việc suy giảm trí nhớ không quá nghiêm trọng, nhưng cũng khiến họ gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống. Họ sẽ thường mất trí nhớ ngắn hạn, ví dụ như không nhớ bản thân nói gì, hoặc vừa định làm một việc gì đó, nhưng nhanh chóng quên mất mục đích khi chuẩn bị làm. Nghiêm trọng hơn thì người bệnh sẽ nhớ nhớ quên quên, thậm chí quên mất những việc hằng ngày vẫn làm, những kiến thức vừa học, thậm chí là không tìm ra từ thích hợp để nói lên suy nghĩ. Sinh hoạt hàng ngày hoàn toàn bị xáo trộn do suy giảm trí nhớ.
- Khả năng tập trung kém: Người bệnh sẽ cảm thấy khả năng tập trung của bản thân sụt giảm rõ rệt so với trước đây. Họ không thể tập trung, chú ý vào một vấn đề nào đó trong thời gian dài. Người bệnh sẽ cảm thấy bản thân thường xuyên lơ đểnh, rơi vào trạng thái mơ màng, suy nghĩ chậm chạp, kém linh hoạt và không thể phản ứng nhanh nhạy với mọi thứ trước mắt. Khả năng tập trung kém ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng công việc, thậm chí gây nguy hiểm cho chính bản thân người bệnh nếu đang cầm dao kéo, hay đứng gần vật sắc nhọn.
- Xử lý thông tin chậm: Quá trình truyền dẫn tín hiệu từ não đến các cơ quan khác và ngược lại bị ngắt quãng do ảnh hưởng của sương mù não. Do đó người bệnh sẽ phản ứng chậm chạp hơn thường ngày, suy nghĩ kém minh mẫn. Việc xử lý thông tin chậm cũng dễ gây mệt mỏi, cáu kỉnh, làm suy giảm hiệu quả công việc.
- Mệt mỏi kéo dài: Cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ, uể oải, không có tinh thần làm việc, chất lượng giấc ngủ kém,… đều là những vấn đề mà người mắc hội chứng sương mù não phải đối mặt. Mặc dù người bệnh đã cố gắng thay đổi lối sống, nghỉ ngơi một cách khoa học hơn nhưng triệu chứng này vẫn không biến mất. Mệt mỏi kéo dài gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, giảm thể lực, khiến người bệnh luôn rơi vào trạng thái mơ màng, mất sức sống.
- Dễ cáu gắt: Những ảnh hưởng của sương mù não đến cơ thể khiến người bệnh mệt mỏi dẫn đến cáu gắt, dễ thay đổi tâm trạng một cách đột ngột. Những hành vi nóng nảy, cáu gắt có thể làm rạn nứt các mối quan hệ, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đển cuộc sống. Có những người có triệu chứng của trầm cảm nhẹ, buồn vui thất thường, khó kiểm chế cảm xúc trong lúc kích động.
Ngoài những biểu hiện trên, người bị hội chứng này còn có những biểu hiện thể chất như nhức đầu, chóng mặt, khó ngủ, mất ngủ, mệt mỏi vào buổi sáng, ngủ ngày, rối loạn tiêu hóa, thiếu động lực,… Để xác định chính xác bản thân có mắc sương mù não hay không, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
Chẩn đoán tình trạng sương mù não
Nếu cảm thấy bản thân có những biểu hiện nêu trên, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được hỗ trợ. Những triệu chứng này có thể là triệu chứng của sương mù não, hoặc những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác. Bác sĩ sẽ tiến hành nhiều kiểm tra và xét nghiệm để chắc chắc ràng bạn đang rơi vào tình huống nào.
Bác sĩ sẽ hỏi rõ hơn về các triệu chứng lâm sàng, về tình trạng sức khỏe trước và sau dịch, hỏi về những căng thẳng trong công việc và cuộc sống, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, có đang sử dụng thuốc hay không, và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân gây hội chứng sương mù não
Xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện nồng độ glucose trong máu, chức năng gan thận, tình trạng viêm nhiễm, và chế độ dinh dưỡng của cơ thể. Ngoài ra, người bệnh còn có thể chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) để kiểm tra toàn diện để đảm bảo chẩn đoán.
Làm sao để vượt qua hội chứng sương mù não hậu Covid-19?
Hội chứng sương mù não trong phải là một loại bệnh lý, mà là một dạng suy giảm nhận thức và sức khỏe. Do đó có rất nhiều cách giúp vượt qua hội chứng sương mù não hậu Covid-19 mà bạn có thể thử tại nhà, chủ yếu là cần xây dựng một môi trường sống, một lối sống lành mạnh, tránh xa những tác nhân gây hại.
- Thiền, yoga, tập hít thở: Thiền và yoga luôn mang đến những tác động tích cực cho sức khỏe. Đặc biệt, hai hoạt động này rất xem trọng việc thở giúp người bệnh thư giãn, thả lỏng tinh thần, cải thiện cảm xúc. Việc tập hít thở có thể tăng cường oxi lên não, cải thiện triệu chứng của hội chứng sương mù não, và giúp tăng cường trí nhớ hiệu quả. Chăm chỉ luyện tập thiền và yoga mỗi ngày, kết hợp với những hoạt động thể chất nhẹ nhàng vừa giúp thư giãn tinh thần, vừa có tác dụng tốt cho sức khỏe, giảm căng thẳng, tăng cường khả năng tập trung.
- Nghỉ ngơi đúng giờ: Thời gian ngủ nghỉ có ảnh hưởng lớn đến trạng thái tinh thần của một người. Việc mất ngủ, ngủ không ngon giấc do chất lượng giấc ngủ kém sẽ khiến hội chứng sương mù não hậu Covid-19 nghiêm trọng hơn. Do đó, người bệnh nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, cố gắng đi ngủ và thức dậy đúng giờ hàng ngày, đảm bảo ngủ đúng 7-8 tiếng để tinh thần luôn tỉnh táo. Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh cũng giúp giảm các triệu chứng mệt mỏi, tăng cường quá trình trao đổi chất.
- Chế độ ăn uống đủ chất: Nhiều người vì cảm thấy mệt mỏi mà chán ăn, ăn không đúng bữa, không đủ chất, hoặc nạp quá nhiều đường, chất béo vào cơ thể. Muốn loại bỏ những ảnh hưởng xấu này, người bệnh cần có chế độ ăn uống đủ chất, đảm bảo hấp thu đủ lượng protein, tinh bột, chất xơ, vitamin và khoáng chất từ thực phẩm.
- Ăn nhiều thực phẩm có lợi: Những thực phẩm tốt cho người sương mù não bao gồm: các loại hạt, ngũ cốc, cá hồi, cá biển, thịt bò, trứng, dầu olive, các loại rau xanh và trái cây. Axit béo omega-3 có trong cá, vitamin, chất xơ và khoáng chất trong rau củ, cùng năng lượng từ tinh bột và protein cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể, xua tan mệt mỏi, tăng cường hoạt động não và nhiều lợi ích khác. Người bệnh cần hạn chế thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều dầu mỡ và muối.
- Uống đủ nước mỗi ngày: Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể thanh lọc chất độc, đảm bảo hoạt động bình thường của tim, gan, thận, và giúp đảm bảo sự tỉnh táo cho cơ thể. Việc duy trì lượng nước cần tiết mỗi ngày có tác động quan trọng trong việc phục hồi các triệu chứng mệt mỏi sau Covid-19, đặc biệt là hội chứng sương mù não. Tốt nhất nên uống nước lọc, bổ sung thêm nước rau củ và nước trái câu vừa phải. Không nên uống nước ngọt hay rượu bia.
- Tăng cường vận động: Hội chứng sương mù não sẽ kéo tình trạng thể chất đi xuống, do đó người bệnh cần tăng cường vận động để chống lại ảnh hưởng tiêu cực này. Tình trạng khó thở, mệt mỏi, thở gấp, hụt hơi, đau nhức tay chân sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên khó khăn. Cách giải quyết tốt nhất là nên duy trì chế độ vận động nhẹ nhàng hàng ngày như đi bộ 30 phút, chạy bộ, chơi thể thao. Trong quá trình vận động cũng cần duy trì nhịp thở, tập hút thở sâu để tăng cường oxi cho não và tăng thể lực.
- Tâm sự với gia đình: Nếu gặp khó khăn trong cuộc sống, cảm thấy mệt mỏi và mất phương hướng thì hãy trò chuyện và tâm sự nhiều hơn với bạn bè và gia đình. Đó luôn là chỗ dựa vững chắc, giúp nâng cao tinh thần, cải thiện cảm xúc, và cung cấp nguồn năng lượng tích cực cho người bệnh. Sự ủng hộ và đồng hành của người thần có thể giúp bạn vượt qua mệt mỏi, chán nản và có thái độ sống tích cực hơn.
- Phân chia công việc hợp lý: Hội chứng sương mù não ảnh hưởng đến khả năng tập trung và giảm trí nhớ. Vì thế người bệnh hãy cố gắng làm những việc quan trọng, và chia nhỏ công việc ra để tránh phải tập trung trong thời gian dài. Phân chia công việc hợp lý cũng giúp giảm căng thẳng, hỗ trợ quá trình cải thiện triệu chứng bệnh.
Ngoài ra, nếu bạn không biết phải làm sao để cải thiện tình trạng, và cần người hướng dẫn thì có thể tìm các trung tâm tư vấn tâm lý uy tín để lấy lời khuyên. Hội chứng sương mù não hậu Covid-19 có thể cải thiện nhanh chóng nếu người bệnh có lối sống khoa học, và chăm tập luyện thể dục, thể thao để tăng cường sức khỏe.
Có lẽ bạn quan tâm:
- Mất Ngủ Khó Ngủ Vì Suy Nghĩ Nhiều Và Cách Khắc Phục
- Hướng dẫn ngồi thiền giúp giảm căng thẳng stress hiệu quả
- Hiểu về giả thuyết ba vùng não để chữa lành tâm trí
- Âm nhạc giảm stress căng thẳng và mang lại nhiều lợi ích khác
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!