Khủng hoảng hiện sinh (Existential Crisis) gây ra nhiều hệ lụy

Khủng hoảng hiện sinh (Existential Crisis) đề cập đến tình trạng căng thẳng và tiêu cực khi tâm trí của bạn mãi xoay quanh những câu hỏi “vẩn vơ” về cuộc sống của chính mình. Chẳng hạn như bạn tự hỏi bản thân rằng liệu cuộc sống có ý nghĩa gì, vì sao mình tồn tại trên thế giới này, không biết mình vẫn đang tiếp tục cuộc sống với mục đích gì?

Khủng hoảng hiện sinh (Existential Crisis) là gì?

Existential crisis /ˌeɡ.zɪˈsten.ʃəl/ /ˈkraɪ.sɪs/ là một danh từ đã được xuất hiện từ những năm 1930 trong những tài liệu đề cập đến chủ nghĩa Phát Xít cùng sự lo lắng của Do Thái trước mối nguy cơ bị diệt chủng. Lúc này cụm từ này được dùng với ý nghĩa miêu tả những khó khăn để dành lấy sự sống của người Do Thái dưới chế độ độc tài toàn trị độc ác của Adolf Hitler.

Khủng hoảng hiện sinh
Khủng hoảng hiện sinh là trạng thái hoang mang, lo lắng quá mức của một người khi tìm về ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa về sự tồn tại của bản thân

Sau đó đến năm 1970, Nhà tâm lý học người Đức Erik Erikson đã nghiên cứu và phân tích cụm từ “existential crisis” từ góc độ tâm lý học, lúc này này ý nghĩa của “khủng hoảng hiện sinh” mới chính thức được khai phá. Erik Erikson cũng dùng khái niệm khác là “khủng hoảng danh tính” và được cho là có mối liên kết chặt chẽ với chủ nghĩa hiện sinh (existentialism) – một khía cạnh khác của triết học về  tồn tại hay hiện hữu của con người.

Hiểu một cách đơn giản, khủng hoảng hiện sinh là sự căng thẳng, khủng hoảng của một người khi đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, sự tồn tại của bản thân kèm theo cảm giác bất an, kiệt sức. Cần hiểu rằng sự “khủng hoảng”  thường mang theo những cảm xúc tiêu cực bởi họ không thể tìm được cho bản thân một lời giải đáp mà họ mong muốn nên cứ mãi lạc trong “mê cung” suy nghĩ do chính bản thân tạo ra.

Bởi có liên quan đến chủ nghĩa hiện sinh nên những người rơi vào Existential crisis thường cảm thấy rằng cuộc sống này thật vô nghĩa và cuộc đời họ cũng như thế, bởi rằng ai cũng phải chết và khi đó cuộc sống kết thúc. Chính những suy nghĩ này càng khiến họ không thể tìm được ý nghĩa của sự tồn tại trên đời này là gì, cảm thấy kiệt quệ như không còn chút sức lực nào.

Khủng hoảng hiện sinh thường xuất hiện sau khi một người gặp một biến cố lớn khiến họ cảm thấy mất đi ý nghĩa, mục tiêu của cuộc sống ( chẳng hạn mất đi người thân) hoặc ở những người đang trong thời kỳ có những chuyển đổi, thay đổi lớn về cuộc sống và bản thân họ chưa kịp để thích nghi ( chẳng hạn một người thay đổi nơi ở, đi học xa nhà)..

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Bất cứ ai cũng có thể rơi vào mê cung lạc lối của khủng hoảng hiện sinh, đặc biệt ở những người trẻ. Trạng thái này nếu không sớm được giải thoát sẽ tác động tiêu cực đến tinh thần, thể chất mỗi người, khiến họ tự đánh mất giá trị tốt đẹp của cuộc sống thay vì tìm ra chân lý cho những mục tiêu của bản thân.

Phân loại khủng hoảng hiện sinh (Existential Crisis)

Khủng hoảng hiện sinh bắt đầu được sử dụng phổ biến sau vụ thảm sát đẫm máy Holocaust và Thế chiến II, đặc biệt sau năm 1950 đó được dùng để mô tả về cuộc đấu tranh xung đột nội tâm về mục đích sống của con người. Sự phát triển của xu hướng sống “thiền định”, “chánh niệm” cũng góp phần giúp cụm từ Existential crisis  được bàn luận nhiều hơn.

Có rất nhiều dạng khủng hoảng hiện sinh, được phân thành 5 nhóm chính như sau

Khủng hoảng về ý nghĩa cuộc sống

Liệu có bao giờ đặt ra câu hỏi, sự thực cuộc sống này có nghĩa gì, chúng ta tiếp tục mỗi ngày nhằm mục đích gì? Rõ ràng bất cứ ai trong chúng ta cũng luôn cần một mục tiêu để tiến lên, điều này khiến cuộc sống thêm phần ý nghĩa, nhiệt huyết, có đích đến để quyết tâm hơn. Việc không có trong tâm trí một mục tiêu nào khiến chúng ta cứ mơ hồ, lạc lõng, hoảng mang đến hoảng sợ.

Khủng hoảng về ý nghĩa cuộc sống
Cuộc sống này có ý nghĩa gì, chúng ta sống trên cuộc đời này nằm mục đích gì là những câu hỏi luôn được những người khủng hoảng hiện sinh đặt ra

Tất cả chúng ta ai cũng có xu hướng đặt ra ý nghĩa cho cuộc sống của chính mình và không ngừng thực hiện nó để có thêm sức mạnh. Tuy nhiên nếu tự bản thân chúng ta không thể giải đáp được mình đang sống để làm gì, mục tiêu của mình là gì thì rất dễ rơi vào khủng hoảng hiện sinh. Càng căng thẳng, càng không có câu trả lời họ càng lo lắng, càng mơ hồ và lại càng đặt ra cho bản thân nhiều câu hỏi khác.

Khủng hoảng về cảm xúc và sự tồn tại

Liệu có bao giờ bạn đang cảm thấy vô cùng mệt mỏi, chán nản nhưng vẫn phải tỏ ra rằng mình rất ổn bằng một nụ cười trên môi? Cảm xúc là một điều rất quan trọng trọng cuộc sống nhưng nhiều người lại luôn phải tìm cách dấu diếm nó đi để chứng tỏ rằng mình đang rất tốt, rất hạnh phúc. Phải sống trong mớ cảm xúc hỗn độn của bản thân khiến nhiều người trở nên kiệt quệ.

Khi phải giả tạo với cảm xúc, luôn phải mang một lớp mặt nạ khiến bạn không “sống” mà chỉ “tồn tại”. Cơn khủng hoảng hiện sinh khiến chúng ta càng nhìn nhận rõ sự trống rỗng trong tâm trí khi còn không thực sự biết cảm xúc của chính mình là gì. Dẫu như vậy nhưng không phải ai cũng can đảm để tự tin thể hiện cảm xúc của chính mình, để được sống một cách trọn vẹn nhất!

Khủng hoảng về sự kết nối và cô lập

Existential crisis có thể hình thành chính do sự cô đơn, cảm giác cô lập của một người bởi nó khiến họ cảm thấy mất đi một phần trong cuộc sống. Con người tồn tại chính là mối dây liên kết gắn bó, giúp đỡ nhau qua lại, không thể chỉ bản thân 1 mình chúng ta có thể phát triển xã hội. Cảm giác cô độc dễ làm dồn nén những cảm xúc tiêu cực và khiến chúng ta khủng hoảng hơn hơn.

Ngược lại, rõ ràng sự kết nối quá nhiều hoàn toàn cũng khiến chúng ta trở nên “ngộp thở” bởi không có thời gian chữa lành cho chính mình. Chúng ta dành hết tâm sức cho người khác nhưng lại không hiểu được bản thân cần gì, muốn gì, xa cách với chính mình thì cũng không thể tìm được ý nghĩa của cuộc sống và rơi vào khủng hoảng hiện sinh.

Khủng hoảng về tự do và trách nhiệm

“Tự do” chính là quyền lợi của mỗi cá nhân sống trên trái đất này, họ được phép đưa ra quyết định, lựa chọn của riêng mình, ăn mặc theo ý mình, làm công việc theo mong muốn của mình, miễn là nằm trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên vì là khía cạnh cá nhân nên bản thân chính họ cũng phải chịu trách nhiệm cho chính những quyết định mà bản thân đã đưa ra.

Khủng hoảng hiện sinh là gì
Những sai lầm từ quá khứ khiến nhiều người rơi vào khủng hoảng khi phải đưa ra quyết định

Sự đấu tranh giữa “tự do” và “trách nhiệm” cũng là một cuộc khủng hoảng hiện sinh mà dường như chính chúng ta ai cũng từng gặp phải. Khi phải tự mình đưa ra quyết định chúng ta luôn lo lắng rằng liệu điều đó có sai lầm, liệu có phải trả giá vì điều này và làm thế nào để chúng ta một mình chịu trách nhiệm?

Mặt khác, sự đấu tranh giữa “tự do” và “trách nhiệm” còn ở việc chúng ta phải đưa ra quyết định vì chúng ta hay vì cộng đồng chung. Đôi lúc chúng ta cần phải chấp nhận hy sinh lợi ích của bản thân vì trách nhiệm chung với mọi người hoặc người lại, đôi khi cũng cần ích kỷ vì chính mình. Những lo lắng này càng làm chúng ta rơi vào vòng xoáy của cơn khủng hoảng hiện sinh rất khó thoát.

Khủng hoảng về cái chết

Đây là cơn khủng hoảng hiện sinh thường xuất hiện ở những người đã bước qua tuổi trung niên, người vừa mới bị bệnh nặng hoặc đang bị bệnh tật. Rõ ràng, chúng ta đều biết rằng ai rồi cũng sẽ chết, thế nhưng không phải ai cũng sẵn lòng đón nhận điều này. “Chết” vẫn là một khái niệm gì đó nghe có vẻ rất đáng sợ mà không phải ai cũng sẵn sàng dám đối diện.

Một điều thú vị hơn càng cận kề cái chết, cảm giác sợ hãi càng tăng lên, họ càng muốn níu kéo cuộc sống hơn. Họ luôn không ngừng tự hỏi, rốt cục bản thân đã làm được những gì. Họ hoang mang tìm kiếm những dự định mà bản thân chưa thực hiện được. Họ cảm thấy biết bao ấm ức khi cái chết cận kề. Họ càng không biết rằng “thế giới bên kia” sẽ như thế nào, liệu có đau khổ như thế giới hiện tại?

Existential crisis càng làm cho suy nghĩ về cái chết lấn át tất cả và điều này không khiến họ chạm tay gần hơn vào sự sống  bởi những cảm xúc tiêu cực, đau khổ kéo dài chỉ làm tình trạng của họ tồi tệ hơn . Cơn khủng hoảng hiện sinh một lần nữa đẩy họ vào tay “thần chết” và làm suy giảm nghiêm trọng về chất lượng cuộc sống mỗi người.

Biểu hiện của khủng hoảng hiện sinh (Existential Crisis)

Thực tế thì bản thân mỗi chúng ta ai cũng từng ít nhất tự hỏi bản thân về ý nghĩa của cuộc sống, không ngừng đi tìm mục đích tồn tại của con người, đây hoàn toàn là điều hiển nhiên. Sự tò mò và không ngừng tìm hiểu cũng có thể là một dạng đích đến của cuộc sống, tạo cho chúng ta sự hứng thú, nhiệt huyết và hoạt động không ngừng nghỉ, đây chính là liều thuốc nuôi sống tâm hồn của con người.

biểu hiện của khủng hoảng hiện sinh
Khủng hoảng hiện sinh khiến những người này mang đầy đủ đặc điểm của trầm cả và rối loạn cưỡng chế

Tuy nhiên, sự tò mò và những câu hỏi này sẽ trở nên bất thường khi chúng ta rơi vào cơn khủng hoảng vì không tìm được bất cứ đáp án nào hài lòng. Giống như khi bước vào một mê cung, nhìn hướng nào cũng có ánh sáng, nhưng bước vào đường nào cũng khiến chúng ta phải lo lắng. Bạn cứ đi được một nửa con đường rồi lại chuyển hướng, không kiên định, thất vọng với chính mình và cứ mãi lạc trong mê cung tăm tối đó.

Khủng hoảng hiện sinh được xác định thông qua những biểu hiện sau đây

  • Không ngừng lo lắng: bất cứ suy nghĩ hay quyết định cũng khiến bạn trở nên căng thẳng, suy nghĩ không ngừng. Cảm giác lo lắng thường kèm theo bồn chồn, sợ hãi vô lý về nhiều thứ, đặc biệt có liên quan đến các chủ đề về tương lai, ý nghĩa cuộc sống, về chính bản thân.. Những suy nghĩ không thể ngừng khiến họ cảm thấy cực kỳ mệt mỏi, khó chịu, bứt rứt không yên
  • Trầm cảm: đây là một trong những biểu hiện nổi trội của khủng hoảng hiện sinh với trạng thái tiêu cực, cạn kiệt năng lượng, chán nản về mọi thứ, buồn dai dẳng và không có bất cứ điều gì có thể làm họ hứng thú. Mỗi ngày họ đều tự hỏi bản về ý nghĩa cuộc sống, cảm thấy day dứt về bản thân, cảm giác tội lỗi khiến họ ngày càng thêm chán thường, tuyệt vọng như không còn chút sức sống nào.
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD: được biểu hiện rõ ràng thông qua việc họ thường lặp đi lặp lại những câu hỏi, hành vi không thể tự chủ. Khủng hoảng hiện sinh khiến người bệnh không ngừng tự đưa ra cho mình những câu hỏi sáo rỗng phi lý, lo lắng quá mức và buộc bản thân phải trả lời nhưng không có bất cứ đáp án nào có thể khiến họ hài lòng và an tâm hay ngưng được nỗi lo âu.
  • Mất động lực: cảm giác mất hết ý chí, động lực, mục tiêu trong cuộc sống chính là một phần của Existential crisis. Điều này càng làm bạn thấy bản thân trở nên vô giá trị, tuyệt vọng, mất niềm tin hơn nữa.

Các đặc điểm cũng kèm theo các vấn đề khác, chẳng hạn như rối loạn giấc ngủ, ăn uống không ngon, cơ thể suy nhược, sụt cân, mất tập trung, giảm chất lượng học tập và công việc. Khủng hoảng hiện sinh kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả tinh thần, thể chất và toàn bộ cuộc sống của mỗi người.

Khủng hoảng hiện sinh xuất hiện do nguyên nhân nào?

Mỗi giai đoạn trong cuộc sống chúng ta lại có những suy nghĩ khác, điều này có thể phụ thuộc vào các yếu tố như môi trường, con người, hoàn cảnh sống. Cơn khủng hoảng thường bắt nguồn từ chính những thay đổi mang tính chất đột ngột mà bản thân chúng ta “chưa thể” hoặc “không thể” vượt qua được, thích nghi được nên cứ mãi kẹt cứng không một mỡ hỗn độn đến mức tiêu cực.

nguyên nhân gây ra khủng hoảng hiện sinh
Sự mất mát quá lớn đột ngột khiến nhiều người rơi vào hoang mang, lo lắng về giá trị cuộc sống

Khủng hoảng hiện sinh có thể là hệ quả từ các vấn đề sau

  • Sự mất mát, chẳng hạn mất người thân một cách đột ngột.
  • Sự thay đổi lớn trong cuộc sống mà bản thân họ chưa kịp thích nghi, chẳng hạn sinh viên lên thành phố học phải sống rời xa gia đình, thay đổi công việc sau một thời gian dài gắn bó, chấm dứt một mối quan hệ ( yêu đương, vợ chồng hay với bạn bè thân thiết)
  • Những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, chẳng hạn chẩn đoán mắc bệnh nan y, mới gặp tai nạn, đứng giữa ngã rẽ sinh – tử..
  • Những quyết định sai lầm trước đó đã gây tổn hại cho tới thời điểm hiện tại
  • Cảm giác tội lỗi, tự trách cứ bản thân không ngừng
  • Luôn cảm thấy không đủ, không hài lòng với cuộc sống hiện tại
  • Tính cách tiêu cực, nội tâm, luôn kìm nén những cảm xúc tiêu cực không bộc lộ với ai

Khủng hoảng hiện sinh có liên quan nhiều đến những ám ảnh, những gì đã trải qua trong quá khứ mà họ chưa thể giải quyết, giữa cái còn và cái mất. Việc họ bị mất mát nhiều thứ, chẳng hạn như người thân, sức khỏe, lòng tự trọng của bản thân khiến họ phải tự hỏi chính mình vì sao lại như thế, nghi ngờ về giá trị của bản thân và không thể tìm được ý nghĩa của cuộc sống.

Chẳng hạn một người khi còn trẻ nhưng bị chẩn đoán mắc bệnh nan y, họ cảm thấy chán nản, tự hỏi vì sao những điều như thế lại xảy ra với mình, cảm thấy cuộc sống bất công, dần mất đi mục tiêu sống, quyết định để nó trôi qua mà không muốn điều trị bệnh. Existential crisis được hình thành từ chính những cảm xúc hoang mang này.

Hoặc khi bạn đột ngột thất nghiệp sau nhiều năm gắn bó ở doanh nghiệp, bỗng nhiên bạn cảm thấy không biết nên làm gì, không biết mình thực sự thích gì, có thể làm gì. Bạn cứ chơi vơi không tìm được mục tiêu tương lai vì đã quá quen thuộc với công ty cũ, cách làm việc cũ, những đồng nghiệp cũ. Bạn cảm thấy bản thân không có giá trị , không biết sự tồn tại của mình thực sự có ý nghĩa hay không và rơi vào khủng hoảng hiện sinh.

Những hệ lụy từ khủng hoảng hiện sinh

“Một linh hồn không có mục đích cố định trong cuộc sống là một linh hồn lạc lối; ở khắp mọi nơi nghĩa là không ở đâu cả”. (Michel de Montaigne) “Khủng hoảng” chắc chắn không thể là một cảm giác dễ chịu với bất cứ ai. Nó không phải là bệnh nhưng có thể khiến tất cả những người rơi vào vòng xoáy này trở nên căng thẳng, tiêu cực, rút hết sinh lực khiến họ chỉ ở trạng thái “tồn tại” chứ không còn là cảm giác “sống”.

Hy vọng, mục tiêu là là điều gì đó nghe xa vời, không nắm bắt được, không nằm trong cơ thể nhưng nó lại là nguồn sống khiến chúng ta tràn đầy sinh lực. Khủng hoảng hiện sinh khiến chúng ta không thể nhìn nhận rõ được mục tiêu của bản thân mà cứ đi theo một vòng luẩn quẩn để tìm ý nghĩa cuộc sống, giá trị bản thân nhưng lại không có kết quả, dần dẫn tới chán chường, tuyệt vọng.

Hệ lụy khủng hoảng hiện sinh
Khủng hoảng hiện sinh kéo dài khiến nhiều người rơi vào tuyệt vọng, không còn muốn sống

Cần chú ý rằng, khủng hoảng hiện sinh có mối liên kết chặt chẽ với trầm cảm và lo âu. Khi bạn không còn cảm nhận được niềm vui, sự hứng thú vào cuộc sống mà chỉ thấy tội lỗi, chán nản, không có hy vọng sẽ rất dễ dẫn đến các hành vi tự hủy hoại, chẳng hạn như tự tử. Tình trạng này rất thường xảy ra ở người mắc Existential crisis kéo dài nhưng không phát hiện.

Mặt khác, rõ ràng như đã nói, khủng hoảng hiện sinh thường kèm theo sự suy nhược đáng kể về sức khỏe. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người già, người mắc bệnh nan y bởi nếu chất lượng ăn uống, nghỉ ngơi, giấc ngủ không đảm bảo thì kết quả điều trị cũng sẽ suy giảm đáng kể.

Khủng hoảng hiện sinh làm thế nào để vượt qua?

Thực tế bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống cũng luôn tồn tại hai mặt tiêu cực và tích cực, quan trọng là cách chúng ta đón nhận nó như thế nào. Khủng hoảng hiện sinh là một trải nghiệm không hề dễ dàng, tuy nhiên nếu bạn bình tâm lại và đối diện với nó theo một hướng khác, bạn sẽ thấy được rất khía cạnh tích cực mà nó có thể đem lại.

Vượt qua Existential crisis chính là một cơ hội đáng kể để chúng ta có thể nhìn lại bản thân, biết trân trọng những thứ đang có ở thời điểm hiện tại và điều chỉnh  để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Khủng hoảng hiện sinh không phải là bệnh và chắc chắn không có bất cứ loại thuốc nào có thể giúp ích, chỉ có bản thân bạn mới có thể tự lực đưa mình ra khỏi mê cung tiêu cực này mà thôi.

Nghỉ ngơi và thư giãn

Khủng hoảng hiện sinh có thể là biểu hiện từ việc tâm trí bạn đang cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi vì làm việc quá sức. Vì thế điều bạn cần làm ngay bây giờ chính là nghỉ ngơi và nghỉ ngơi nhiều hơn. Một giấc ngủ chất lượng sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn, lấy lại trạng thái cân bằng để nhìn nhận rõ vấn đề bản thân đang gặp phải và có hướng giải quyết phù hợp.

vượt qua khủng hoảng hiện sinh
Dành cho bản thân thời gian thư giãn và chữa lành cho chính mình

Hãy thử dành thời gian để tham gia các hoạt động mà bản thân yêu thích, chẳng hạn như đi du lịch hay chỉ đơn giản là xem một bộ phim bỏ ngỏ đã lâu. Khi tâm trí được nạp đủ năng lượng, tự khắc bạn sẽ cảm thấy gia tăng cảm xúc tích cực, hào hứng hơn, nhiệt huyết hơn, chủ động giải quyết được các khúc mắc của bản thân về ý nghĩa trong cuộc sống.

Thiền nguyện cũng là liệu pháp giúp chữa lành cho những tâm hồn lạc lối trong cơn khủng hoảng hiện sinh, đồng thời còn hỗ trợ nâng cao chất lượng giấc ngủ, tinh thần và cả thể chất. Đây cũng là liệu pháp được khuyến khích cho cả người bị trầm cảm, rối loạn lo âu hay rối loạn lưỡng cực để kiểm soát được cảm xúc, hành vi ổn định hơn.

Đánh lạc hướng suy nghĩ

Thật khó để nói với ai đó rằng ” ngưng suy nghĩ đi” bởi nó dường như là vô nghĩa, chúng ta không thể bắt tâm trí ngưng hoạt động. Tuy nhiên chúng ta có thể “đánh lạc hướng” nó bằng cách khiến cho tâm trí bận rộn, tập trung vào những việc khác thay vì chỉ ngồi yên một chỗ và đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, của sự tồn tại.

Chẳng hạn hãy thử làm các công việc cần có sự tập trung cao như thêu thùa, làm gốm, vẽ tranh, đọc sách hoặc chỉ cần dọn dẹp hết nhà cửa. Sự bận rộn một cách có ích cũng khiến những dòng suy nghĩ vô lý từ trạng thái khủng hoảng hiện sinh xuất hiện ít hơn và được thay thế bằng những suy nghĩ có nghĩa, có giá trị về bản thân.

“Nếu bạn có một mục đích mạnh mẽ trong cuộc sống, bạn không cần phải được thúc đẩy. Niềm đam mê sẽ đưa bạn đến vạch đích của mình”. (Roy T. Bennett) Hãy thử phục hồi năng lượng của bạn bằng cách dấn thân vào một đam mê mới mà bạn đã yêu thích từ lâu mà chưa bao giờ dám thử, đây chính là thời điểm phù hợp nhất!

Viết lách, tại sao không?

Khủng hoảng hiện sinh khiến bạn bị lạc trong một vòng xoáy với hàng loạt câu hỏi mà không tìm được đáp án. Tuy nhiên nếu chỉ suy nghĩ trong đầu thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể giải quyết được. Vì vậy, thay vì mải mê đi lạc trong những suy nghĩ hỗn độn thì bạn hãy thử ghi tất cả những câu hỏi của bản thân ra giấy và tìm cách giải quyết từ từ.

thoát khỏi khủng hoảng hiện sinh
Viết lạch giúp làm rõ các vấn đề mà chính chúng ta đang khúc mắc và giải quyết một cách dễ dàng hơn

Viết lách thực tế cũng luôn là một trong những biện pháp giúp giải tỏa cảm xúc tuyệt vời, đặc biệt với những người sống nội tâm, ngại giao tiếp và ngại chia sẻ với ai đó. Trong trang nhật ký của riêng mình, bạn có thể viết ra hết các nỗi lo, những suy nghĩ của bản thân sự sự sống – cái chết, ý nghĩa của sự tồn tại, về những giá trị tốt đẹp của bản. Khi đó chắc chắn bạn sẽ thấy tâm trạng tốt hơn rất nhiều.

Kết nối với xung quanh

Trong cuộc sống này, sẽ rất tuyệt vời nếu luôn có một người bầu bạn, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ những khó khăn mà bạn đang gặp phải. Con người cần bạn bè, cần trò chuyện, cần liên kết với nhau không chỉ đơn giản là để tồn tại mà còn để bảo vệ, để được yêu thương, để được trò chuyện. Chẳng phải việc có một người bạn tốt cũng là một giá trị tuyệt vời mà biết bao người mong ước?

Hãy thử mở lòng và học cách lắng nghe nhiều hơn nếu muốn vượt qua cơn khủng hoảng hiện sinh. Bạn bè, gia đình, thầy cô giáo hay đôi khi chỉ là một người bạn qua mạng không biết mặt đôi khi cũng có thể cho bạn lời khuyên rất giá trị. Hoặc đôi lúc cũng chỉ cần một người chấp nhận lắng nghe những cảm xúc tiêu cực cũng đủ để bạn cảm thấy được xoa dịu rất nhiều.

Trân trọng hiện tại và hướng tới tương lai

Quá khứ là thứ không thể thay đổi được nhưng hiện tại và tương lai lại hoàn toàn nằm trong tầm tay của bạn. Thay vì lạc lối mãi trong hơn khủng hoảng hiện sinh khi phải nghĩ về quá khứ, luôn phải lo lắng về những gì đã xảy ra thì bạn hãy tìm cách làm thế nào để thay đổi cục diện ở hiện tại. Học cách nhìn nhận vấn đề theo một cách khác sẽ chính là tự giúp bản thân mình tích cực hơn.

Tất nhiên điều này không có nghĩa là bạn phải rũ bỏ quá khứ mà hãy thông qua chính những trải nghiệm của bản thân để làm bài học cho hiện tại. Trực tiếp đối diện với những sai lầm của bản thân thay vì trốn tránh nó sẽ giúp bạn trưởng thành và hoàn thiện bản thân hơn. Và để khắc phục được những sai lầm từ quá khứ không có cách nào khác chính là đặt mục tiêu và gắng hơn cho tương lai.

Trân trọng hiện tại cũng là cách để bạn tự yêu thương chính bản thân mình. Bản thân chúng ta đều rất quan trọng, ít nhất là với bản thân mình. Tự hào về bản thân vì ít nhất hiện tại bạn vẫn đang ở đây và không ngừng nâng cao giá trị chính mình cũng là biện pháp cần thiết để thoát khỏi khủng hoảng hiện sinh.

Khủng hoảng hiện sinh hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia

Đôi khi cho dù cố gắng thế nào bạn cũng không thể thoát ra khỏi mê cung đầy bí hiểm do chính bản thân tự tạo ra, càng cố vẫy vùng bạn lại càng cảm thấy mệt mỏi và nghẹt thở. Do đó, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có chuyên môn, có kinh nghiệm, có sự hiểu biết rõ về trạng thái bạn đang gặp phải chính là lựa chọn tốt nhất.

cách vượt qua khủng hoảng hiện sinh
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia chính là giải pháp tốt nhất để bạn sớm thoát ra khỏi mê cung đen tối và bí hiểm

Những người rơi vào Existential crisis kéo dài được khuyến khích nên gặp gỡ các chuyên gia trị liệu để tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho bản thân. Thông qua việc trò chuyện trực tiếp, nhà trị liệu sẽ nắm bắt được gốc rễ vấn đề mà bản thân người bệnh đang gặp phải, từ đó tìm hướng giải quyết phù hợp. Chuyên gia sẽ thay đổi tư tưởng sai lệch của những người này theo hướng đúng đắn, tích cực hơn, xoa dịu những lắng lo vô lý trong tâm trí họ.

Nhà trị liệu sẽ không đưa ra bất cứ biện pháp nào cụ thể hay thân chủ phải làm gì mà sẽ giúp thân chủ nhìn nhận chính xác vấn đề mà họ đang gặp phải, hiểu rõ những suy nghĩ, cảm xúc của họ đã tác động tiêu cực thế nào đến cuộc sống. Các biện pháp giúp đối phó với cơn khủng hoảng, đối diện với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc cũng được nhà trị liệu hướng dẫn để thân chủ có thể tự đối phó.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Khủng hoảng hiện sinh có thể trở thành một cột mốc quan trọng để chúng ta nhìn nhận những gì đã và đang diễn  ra để dần hoàn thiện bản thân hơn. Nếu bạn cũng đang lạc lối trên con đường đi tìm ý nghĩa, mục tiêu của cuộc đời thì hãy nhớ rằng “Nếu bạn không tìm ra được mục đích, hãy tìm đam mê. Bởi vì đam mê sẽ dẫn lối bạn đến đúng mục đích”. (Giám mục T.D. Jakes)

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *