Lý do khiến bạn mất cảm xúc với mọi thứ và cách khắc phục
Mất cảm xúc và hứng thú với mọi thứ xung quanh là tình trạng xảy ra phổ biến trong cuộc sống, nhất là sau khi trải qua các sự kiện không mong muốn. Cần sớm có biện pháp khắc phục để lấy lại sự cân bằng cảm xúc, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống.
Mất cảm xúc và hứng thú với mọi thứ – Nguyên nhân do đâu?
Mất cảm xúc với mọi thứ xung quanh có thể khiến cho bạn khó hoàn thành các công việc cần làm mỗi ngày. Nó khiến bạn cảm thấy bơ phờ, không hứng thú và không có động lực để làm bất cứ điều gì. Có thể có những điều trước đây khiến bạn thích thú nhưng bây giờ bạn dường như không thể tìm thấy động lực và cảm hứng để thực hiện chúng.
Tình trạng mất cảm xúc với mọi thứ thường diễn ra sau khi trải qua các sự kiện không mong muốn. Áp lực và căng thẳng từ các sự kiện này kéo dài khiến cho việc sản xuất các hormone tạo cảm xúc tích cực như dopamine, endorphin, serotonin,… bị sụt giảm. Từ đó dẫn tới cảm giác buồn bã, chán nản, bi quan, tuyệt vọng và bị mất cảm xúc.
Dưới đây là một số nguyên nhân có liên quan đến tình trạng mất hứng thú với mọi thứ trong cuộc sống:
1. Mất hứng thú với mọi thứ do gặp thất bại
Mất cảm xúc với mọi thứ xung quanh có thể là phản ứng thông thường khi bạn đối mặt với thất bại. Thất bại khiến cho bạn rơi vào trạng thái buồn bã, chán nản, bi quan, thất vọng và luôn tự trách móc bản thân.
Những cảm xúc tiêu cực khi đối mặt với thất bại thường kéo dài khoảng vài ba ngày. Sau đó nó sẽ chuyển dần sang trạng thái giảm hứng thú hay thậm chí là mất hứng thú với mọi thứ trong cuộc sống. Tình trạng này không ngoại lệ với những thứ mà trước đây bạn có thể từng rất thích.
2. Căng thẳng gây mất cảm xúc với mọi thứ
Stress (căng thẳng) là phản ứng xảy ra khi cơ thể đang cố gắng thích nghi với các thay đổi trong cuộc sống hoặc vượt qua áp lực. Căng thẳng quá nhiều có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực. Nó sẽ khiến bạn choáng ngợp, mệt mỏi và không thể đối phó. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tinh thần và thể chất.
Các sang chấn tâm lý như ly thân, ly hôn, mất người thân đột ngột, gia đình vỡ nợ, bản thân bị chẩn đoán mắc bệnh nan y, con cái vướng vào tù tội,… là nguyên nhân phổ biến gây ra căng thẳng nghiêm trọng.
Sau một thời gian rơi vào trạng thái căng thẳng, bi quan, buồn bã và chán nản thì bạn sẽ dần mất đi cảm xúc và hứng thú với mọi thứ xung quanh. Đồng thời cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa nữa.
3. Thay đổi trong hoạt động của não bộ
Các nhà khoa học cho rằng, chứng mất hứng thú và cảm xúc với mọi thứ có thể liên quan tới những thay đổi trong hoạt động của não bộ. Bạn có thể gặp phải vấn đề với cách mà não sản xuất hoặc phản ứng với dopamine – hóa chất giúp tâm trạng dễ chịu.
Một số nghiên cứu ban đầu chỉ ra, các tế bào thần kinh dopamine trong một khu vực của não được gọi là vỏ não trước trán có thể sẽ hoạt động quá mức ở những người bị mất cảm xúc với mọi thứ.
4. Ảnh hưởng từ các bệnh tâm lý, tâm thần
Mất cảm xúc với mọi thứ xung quanh trong nhiều trường hợp là biểu hiện của các bệnh tâm lý, tâm thần. Chẳng hạn như:
- Trầm cảm: Đây là loại rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi khí sắc trầm buồn, cảm xúc thấp. Những người mắc bệnh trầm cảm thường cảm thấy buồn bã, chán nản, bi quan, tuyệt vọng. Rất nhiều người còn bị mất hứng thú với mọi thứ – bao gồm cả những thứ trước đây từng yêu thích.
- Rối loạn lo âu: Đây là bệnh tâm thần khá nghiêm trọng gây ra lo lắng hoặc sợ hãi đáng kể. Tình trạng này không biến mất, thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn qua thời gian. Rối loạn lo âu ngoài gây ra cảm giác lo lắng, hồi hộp, hoảng sợ và bất an thì đôi khi còn khiến người bệnh bị mất cảm xúc với mọi thứ xung quanh.
- Rối loạn cảm xúc theo mùa: Dạng rối loạn cảm xúc đặc biệt này chỉ xảy ra vào mùa thu đông do cường độ và thời gian chiếu sáng của mặt trời giảm xuống. Người bệnh có thể cảm thấy chán nản, mệt mỏi, buồn bã, uể oải và mất cảm xúc với mọi thứ trong cuộc sống.
- Rối loạn giải thể nhân cách: Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng ít cảm xúc hay thậm chí là “mù cảm xúc”. Người bệnh thường không có mối liên hệ với chính bản thân mình. Do đó họ mất dần đi cảm xúc với mọi thứ xung quanh.
Cũng cần lưu ý rằng, mất cảm xúc với mọi thứ không nhất thiết phải có liên quan tới các chứng rối loạn tâm thần. Nó cũng có thể được gây ra bởi những thứ khác. Chẳng hạn như làm việc quá sức, các hoạt động nhàm chán, các vấn đề trong mối quan hệ hay chỉ đơn giản là cảm thấy bị mất phương hướng trong cuộc sống.
Ảnh hưởng của chứng mất cảm xúc và hứng thú với mọi thứ
Mất cảm xúc với mọi thứ thường khiến cho bạn rơi vào trạng thái chán nản, mệt mỏi, vô cảm và thiếu động lực. Điều này có thể làm giảm hiệu suất làm việc và học tập, gây ra nhiều phiền toái cho bạn.
Những người mất cảm xúc và hứng thú với mọi thứ thường có xu hướng sống tách biệt và cô lập. Họ có thể mất kết nối với những người xung quanh, không còn nhu cầu được chia sẻ, quan tâm và yêu thương.
Nhiều người còn mất hết động lực, giam mình trong phòng và không còn muốn ra khỏi nhà. Có thể thấy rằng, mất hứng thú với mọi thứ khiến cho chất lượng cuộc sống suy giảm rõ rệt. Hơn nữa còn ảnh hưởng đáng kể tới các định hướng trong tương lai.
Trường hợp không can thiệp khắc phục thì những người bị mất cảm xúc với mọi thứ trong cuộc sống cũng sẽ dần đánh mất chính mình. Họ có thể sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và những người xung quanh. Thậm chí một số người có có ý nghĩ và hành vi tự sát để giải thoát bản thân khỏi sự nhàm chán, tuyệt vọng.
Cách khắc phục tình trạng mất cảm xúc với mọi thứ
Tình trạng mất cảm xúc kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tinh thần và cuộc sống của một người. Do đó cần tìm kiếm các giải pháp để can thiệp khi nhận thấy bản thân bị mất hứng thú và thiếu động lực.
Dưới đây là một số điều có thể giúp ích:
1. Tập trung vào duy trì hoạt động
Mất cảm xúc với mọi thứ có thể khiến cho bạn gặp khó khăn trong việc duy trì thói quen tập thể dục. Tuy nhiên hãy cố gắng tập trung vào hoạt động thể chất mỗi ngày. Đây là một cách hữu hiệu giúp bạn lấy lại cảm xúc và động lực.
Tập thể dục đã được chứng minh là có một số tác động rất tích cực tới sức khỏe tâm thần, bao gồm cả việc cải thiện tâm trạng và làm giảm các triệu chứng trầm cảm. Ngay cả khi đi bộ nhanh mỗi ngày cũng có thể rất hữu ích.
Bạn nên lên sẵn cho mình kế hoạch tập luyện mỗi ngày khoảng tối thiểu 30 – 45 phút. Mặc dù đang rất chán nản, trống rỗng và không có cảm xúc thì bạn vẫn phải cố gắng kiên trì với kế hoạch đã lập ra. Có thể lựa chọn tập aerobic, đi bộ hay chơi các môn thể thao từng yêu thích.
2. Thực hiện các bước nhỏ để tránh mất hứng thú với mọi thứ
Có thể bạn đang bị mất hứng thú và không còn cảm xúc với những hoạt động mà trước đây bạn từng yêu thích. Tuy nhiên bạn có thể làm những việc nhỏ mỗi ngày.
Nếu có một sở thích mà bình thường cho bạn rất nhiều cảm xúc và hứng thú nhưng bây giờ những điều này không còn thì bạn có thể thử thách bản thân tìm hiểu thêm những điều mới mẻ về nó. Những thứ mới mẻ bao giờ cũng mang đến sự tò mò và thích thú.
Trong công việc, nếu một dự án lớn khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và động lực thì nên chia thành nhiều bước nhỏ. Đồng thời dành ra một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để giải quyết một việc duy nhất. Đây cũng là mẹo nhỏ giúp bạn lấy lại cảm xúc và động lực.
3. Nghỉ ngơi đầy đủ
Thiếu ngủ có thể tác động tiêu cực tới sức khỏe tinh thần của bạn. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, thiếu ngủ có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hơn gấp 2 lần so với những người được ngủ nghỉ đầy đủ.
Do đó, mặc dù đang phải vật lộn với tình trạng mất hứng thú với mọi thứ thì bạn vẫn cần đảm bảo rằng mình đang thực hành thói quen ngủ tốt. Đồng thời dành nhiều thời gian mỗi đêm để nghỉ ngơi chất lượng.
Giấc ngủ được đảm bảo có thể giúp cho cảm xúc của bạn được cân bằng. Ngủ đủ giấc cũng là “liều thuốc” tự nhiên hữu hiệu cung cấp cho bạn nguồn năng lượng dồi dào trong ngày mới. Từ đó hạn chế được tình trạng mất hứng thú với mọi thứ xung quanh.
4. Thay đổi suy nghĩ để cải thiện tình trạng mất hứng thú với mọi thứ
Trong cuộc sống muôn hình vạn trạng, sẽ có lúc bạn phải đối mặt với những điều không mong muốn. Nếu lúc này bạn chỉ chìm đắm trong chán nản, buồn bã và tuyệt vọng thì có thể bạn sẽ bỏ lỡ những điều tuyệt vời khác.
Mặc dù việc thay đổi suy nghĩ là một điều không đơn giản nhưng bạn cần nỗ lực và kiên trì. Nên học cách chia sẻ để mọi người xung quanh tiếp thêm cho bạn nguồn năng lượng tích cực. Ngoài ra có thể viết nhật ký để giải tỏa hết những cảm xúc tiêu cực mà bạn khó chia sẻ với người khác.
Bạn cần ý thức được rằng, tình trạng mất cảm xúc với mọi thứ, chán nản và bi quan gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Ngược lại, khi bản thân bạn suy nghĩ tích cực thì tinh thần sẽ luôn được thoải mái, vui vẻ và lạc quan. Điều này sẽ tiếp thêm động lực cho bạn để cố gắng thay đổi suy nghĩ từng ngày.
5. Tìm kiếm hỗ trợ từ người khác
Khi bạn bị mất cảm xúc với mọi thứ xung quanh và cảm thấy không được quan tâm thì có thể hữu ích nếu bạn tìm đến với bạn bè và gia đình để được hỗ trợ. Hãy chia sẻ với họ về những vấn đề mà bạn đang gặp phải.
Đôi khi chỉ cần dành thời gian ở bên người khác cũng có thể giúp nâng cao tâm trạng cho bạn. Đặc biệt những nguồn năng lượng tích cực và sự nhiệt tình từ người khác cũng có thể lan tỏa. Do đó bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy niềm đam mê của họ với các hoạt động và mọi thứ xung quanh. Điều này cũng có thể khơi gợi động lực và sự hứng thú trong bạn.
Ngoài ra, những người có kinh nghiệm sống dày dặn còn giúp đỡ và cho lời khuyên giúp bạn vượt qua các vấn đề nan giải trong cuộc sống. Tình yêu thương, sự quan tâm từ người thân và bạn bè giúp bạn cảm thấy rằng mình không phải một mình chống chọi với những rối loạn cảm xúc.
6. Tham vấn tâm lý khi bị mất hứng thú với mọi thứ
Trong một số trường hợp, bạn sẽ không thể tự mình vượt qua được tình trạng mất cảm xúc và hứng thú với mọi thứ. Tình trạng này kéo dài khiến bạn lún sâu vào mệt mỏi, tuyệt vọng và mất phương hướng. Lúc này nên chủ động tìm đến các chuyên gia tư vấn tâm lý để được giúp đỡ.
Chuyên gia sẽ tiến hành đánh giá tình trạng cụ thể của bạn để xác định nên áp dụng giải pháp tham vấn hay trị liệu tâm lý. Nhìn chung, cả hai giải pháp này đều giúp bạn giải tỏa cảm xúc tiêu cực và lấy lại sự cân bằng. Đồng thời giúp cho bạn nhìn nhận mọi sự việc một cách khách quan hơn.
Bên cạnh đó các chuyên gia cũng sẽ trang bị thêm cho bạn những kỹ năng để kiểm soát căng thẳng, kỹ năng giao tiếp cũng như xử lý tình huống. Điều này giúp bạn giảm thiểu được các phiền toái và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trường hợp bị mất cảm xúc với mọi thứ có liên quan đến các bệnh tâm lý, tâm thần thì chuyên gia tâm lý thường sẽ giới thiệu bạn đến với một bác sĩ tâm thần. Việc dùng thuốc kết hợp với tâm lý trị liệu là rất cần thiết để cải thiện triệu chứng trong thời gian sớm nhất.
Mất cảm xúc với mọi thứ xung quanh là tình trạng xảy ra rất phổ biến trong cuộc sống. Điều quan trọng là bạn cần biết cách vượt qua tình trạng này và lấy lại cảm xúc cân bằng. Nếu không thể tự mình thoát khỏi, bạn hãy chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý.
Tham khảo thêm:
- 10 Cách Chăm Sóc Sức Khỏe Tinh Thần
- Mất ngủ do stress, căng thẳng quá mức và biện pháp giải quyết
- Đi Bộ, Chạy Bộ Giúp Cải Thiện Trầm Cảm Rất Tốt
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!