Trầm Cảm Ở Người Cao Tuổi: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Điều Trị

Trầm cảm ở người cao tuổi đang có tỷ lệ ngày càng tăng cao với các triệu chứng điển hình như thường bỏ ăn uống, không muốn nói chuyện với ai, dễ cáu gắt kích động, một số người còn thường nghĩ về cái chết. Tạo một môi trường sống lành mạnh, trò chuyện, động viên ông bà tham gia các hoạt động tập thể hay tập thể dục hằng ngày chính là biện pháp quan trọng để có thể ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm từ căn bệnh này.

Biểu hiện trầm cảm ở người cao tuổi

Trầm cảm là một căn bệnh nguy hiểm có thể gặp ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào, giới tính nào. Khi bị trầm cảm, người bệnh luôn thấy mỗi ngày trôi qua đều dài đến vô tận, cảm giác như không còn điều gì có thể làm họ mỉm cười, từng giây từng phút trôi qua đều khiến họ cảm thấy nghẹt thở. Sự chán chường, tuyệt vọng ngày càng bao trùm lấy cuộc sống khiến họ không còn muốn tiếp tục cuộc sống khó khăn này.

Trầm cảm ở người cao tuổi
Trầm cảm ở người cao tuổi đang có tỷ lệ người mắc càng cao và thường phát hiện rất muộn

Người già cũng là một trong những đối tượng dễ mắc chứng trầm cảm. Tuổi tác đã làm hạn chế họ với rất nhiều vấn đề, ngay trong cả cuộc sống sinh hoạt hằng ngày đôi khi cũng phải có người hỗ trợ. Điều này khiến họ cảm thấy cô đơn, chán nản về bản thân, luôn cảm thấy tinh thần mệt mỏi. Đặc biệt với những người thiếu vắng sự quan tâm của con cháu lại càng dễ suy nghĩ nhiều dẫn đến sinh tâm bệnh.

Người ta thường hay nói rằng “người già trái tính”, bởi rất nhiều người đột ngột thay đổi tính cách, trở nên cục cằn, khó tính, dễ cáu kỉnh, ít chia sẻ với con cháu. Đây cũng chính là nguyên nhân một phần khiến trầm cảm ở người cao tuổi thường rất khó phát hiện. Mặt khác các triệu chứng ở người già cũng không được biểu hiện như nhóm bệnh nhân trẻ hơn dẫn đến một số khó khăn trong chẩn đoán.

Một số dấu hiệu điển hình nhất của chứng trầm cảm ở người già như

  • Luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải không rõ nguyên nhân
  • Có xu hướng tách biệt mình với mọi người xung quanh, chẳng hạn như không muốn nói chuyện với con cháu, không muốn ra ngoài đi dạo như trước
  • Mất ngủ, khó ngủ, ngủ ít. Thực tế vốn dĩ những người cao tuổi đã ngủ ít nhưng trầm cảm khiến bản thân họ thao thức suốt nhiều đêm, khó có một giấc ngủ ngon khiến tâm trạng họ ngày càng sa sút
  • Ăn mất ngon, chán ăn, không còn cảm thấy thích thú với các món ăn trước đó từng rất thích
  • Luôn có cảm giác chán chường, tuyệt vọng, mất sinh lực, luôn có suy nghĩ rằng bản thân vô dụng
  • Thường dễ trở nên cáu kỉnh, tức giận với con cháu, dù đó là một chuyện rất nhỏ
  • Thường ngồi một chỗ trầm tư suy nghĩ hàng tiếng đồng hồ, không quan tâm đến xung quanh, dễ bị giật mình. Người già cũng có thể nằm bất động cả ngày, không màng đến việc ăn uống, nói chuyện, chăm sóc nhà cửa như trước
  • Luôn trong trạng thái bồn chồn, day dứt, lo lắng về nhiều thứ không xác đáng. Chẳng hạn lo lắng rằng mình là gánh nặng cho con cháu, sợ con cháu coi thường mình, điều này một phần khiến những người già có xu hướng thay đổi tính cách, khó tính hơn, dễ cáu giận hơn
  • Trí nhớ có xu hướng ngày càng giảm sút
  • Có thể kêu đau nhức cơ thể chẳng hạn đau đầu, đau bụng nhưng nếu đi khám lại không tìm ra được bất cứ nguyên nhân gây bệnh nào
  • Có ý nghĩ buông xuôi tất cả nên bỏ bê việc chăm sóc bản thân, buộc tội hoặc cho rằng mình sắp chết
  • Trong trạng thái kích thích, người già có thể bỗng nhiên kể lể, khóc lóc, khó thở, tăng huyết áp mà không có nguyên nhân rõ ràng
  • Một số người già có suy nghĩ hoặc thực hiện việc tự tử. Thậm chí thống kê cho thấy những người 80- 84 tuổi có tỷ lệ tự sát do trầm cảm cao gấp đôi những nhóm độ tuổi thấp hơn

Thực tế các triệu chứng trên ( trừ việc có suy nghĩ tự sát, nhưng người già cũng hay nói về cái chết) thì những biểu hiện này cũng khá thường gặp ở người cao tuổi. Bởi thế mà khi thấy ông bà ngày càng khó tính, ít trò chuyện với con cháu mọi người hay mặc định đó là tâm tính người già chứ ít ai nghĩ rằng ông bà bị trầm cảm. Bệnh không được phát hiện kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nên không được chủ quan.

Nguyên nhân trầm cảm ở người cao tuổi

Có rất nhiều nguyên nhân gây trầm cảm ở người cao tuổi. Yếu tố tuổi tác, phải sống một mình, khó khăn trong sinh hoạt do ảnh hưởng từ bệnh tật, những nỗi lo lắng mơ hồ, thiếu sự quan tâm của con cháu hoàn toàn khiến tâm lý người già ngày càng trở nên sa sút.

Sự đảo lộn về cuộc sống

Giới hạn về tuổi tác và sức khỏe khiến người già hầu hết đều ở nhà chứ không còn thể đi làm việc như trước. Thậm chí những người này còn phải chuyển sang đi bộ, di chuyển bằng các phương tiện công cộng, đi đâu phải có con cháu đưa đi chứ không thể tự lái xe như trước. Điều này khiến họ cảm thấy bị gò bó, cảm thấy bản thân ngày càng vô dụng, luôn lo lắng về việc làm phiền con cái.

Trầm cảm ở người cao tuổi
Từ một người làm việc hăng say giờ chỉ có thể ngồi ở nhà nhìn đường phố qua khung cửa sổ khiến tâm trí người già rất bức bối

Mỗi khi nhìn thấy con cháu hay những người trẻ được thực hiện những điều mà họ yêu thích thì người lớn tuổi lại bắt đầu hồi tưởng về quá khứ, tiếc nuối về thanh xuân, tuổi trẻ của bản thân. Bây giờ họ chỉ có thể ngồi ở nhà và phụ thuộc vào con cháu và gia đình nên dần hình thành sự tủi thân, ấm ức trong lòng.

Tâm lý của người cao tuổi dần trở nên nhạy cảm, đôi khi một lời nói đùa của con cháu cũng khiến họ tức giận vì cho rằng bản thân đang bị khinh thường. Bản thân họ luôn lo lắng rằng vị thế của mình trong gia đình không còn nên mới ngày càng nóng nảy, khó tính, hay xét nét con cháu như một cách để những người xung quanh nể trọng mình. Đây cũng là nguyên nhân gây trầm cảm chủ yếu ở người cao tuổi.

Thiếu vắng sự đồng cảm

Trầm cảm ở người cao tuổi thường dễ gặp ở những người sống một mình, người có vợ/ chồng đã mất, người chưa lập gia đình, người sống xa con cháu. Người già càng có nhu cầu chia sẻ cao hơn nên việc không có người nói chuyện khiến họ cảm thấy cực kỳ cô đơn nên dễ rơi vào trầm cảm.

Thậm chí ngay cả việc ở cùng con cháu nhưng nếu các thành viên quá bận rộn, thường đi làm đi học cả ngày, các cụ thường phải ở một mình không có ai nói chuyện cũng dễ mắc căn bệnh này. Đặc biệt xu hướng này thường gặp ở những người từ quê lên thành phố cùng con cháu, thường phải ở trong nhà vì không quen đường xá, xung quanh cũng không biết ai nên càng dễ cô đơn trống trải hơn.

Trầm cảm ở người cao tuổi do bệnh tật

Tuổi càng cao, người già càng mắc nhiều bệnh tật, chẳng hạn như các bệnh về huyết áp, bệnh về xương khớp, đai thái đường. Bệnh tật khiến cơ thể họ uể oải, đau nhức âm ỉ, đặc biệt những người mắc các vấn đề về xương khớp thì chỉ một cơn gió lạnh cũng làm toàn thân họ run rẩy. Hay những người già mắc bệnh nên không thể di chuyển, bệnh mãn tính, ung thư và phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của gia đình cũng dễ bị trầm cảm.

Trầm cảm ở người cao tuổi
Bệnh tật và thuốc men ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của những người lớn tuổi

Bên cạnh đó các nghiên cứu còn chỉ ra rằng việc dùng các hóa chất trong quá trình trị bệnh cũng ảnh hưởng đến sự cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Đây có thể là nguyên nhân khiến những người phải dùng nhiều loại thuốc thường có xu hướng nóng nảy, khó tính hơn. Mất cân bằng chất hóa sinh não bộ là nguyên nhân  gây trầm cảm ở rất nhiều đối tượng.

Một số nghiên cứu chỉ ra trầm cảm ở người cao tuổi còn có thể liên quan đến các bệnh như Alzheimer, Parkinson. Người có tiền sử trầm cảm trước đó cũng có nguy cơ tái diễn ở giai đoạn này nếu không có hướng sinh hoạt lành mạnh. Cô đơn kết hợp với mắc các bệnh lý có thể tăng thêm 25- 30% nguy cơ mắc trầm cảm ở người lớn tuổi.

Khó khăn về tài chính

Tất nhiên không phải người già nào cũng có lương hưu hay có sự hỗ trợ từ con cháu. Thực tế cho thấy không ít người dù có con cháu nhiều nhưng lại phải sống cảnh cô đơn, nghèo khổ do con cháu không quan tâm, bỏ mặc và đáng buồn là thực trạng này không hề hiếm. Cô đơn kết hợp với sự khó khăn về tài chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng trầm cảm ở người già, người cao tuổi.

Trải qua cú sốc tâm lý

Những người già phải trải qua các cú sốc tâm lý như mất người thân (có thể là người bạn đời, con cháu); bị tai nạn giao thông, bị lừa đảo mất một số tiền lớn hay các sang chấn tâm lý khác nếu không thể thoát ra khỏi cũng dễ rơi vào trạng thái sống trong quá khứ và mắc trầm cảm.

Trầm cảm ở người cao tuổi
Người già thường nghĩ về những gì xảy ra ở quá khứ và không thể thoát ra được

Vốn dĩ tâm lý người cao tuổi đã nhạy cảm hơn rất nhiều, mặc dù bản thân họ có thể đã trải qua rất nhiều sự kiện kinh hoàng ở quá khứ nhưng khi ở cái tuổi “gần đất xa trời” tinh thần vẫn yếu hơn nên sau các cú sốc cũng khó lấy lại tinh thần hơn những người trẻ. Họ cứ không ngừng nghĩ về những chuyện không hay khiến tâm trí cũng vì vậy mà bị kéo xuống rất nhiều.

Lo lắng về sức khỏe

Ở cái tuổi gần đất xa trời, nhìn thấy gia đình sum vầy hạnh phúc thì nhiều người lại càng thấy sợ hãi về cái chết hơn. Việc lo lắng quá mức về sức khỏe, luôn cho rằng mình sắp chết, nhìn đâu cũng thấy những điều bi quan, tiêu cực cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm ở người cao tuổi.

Hướng điều trị trầm cảm ở người cao tuổi

Trầm cảm ở người cao tuổi có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, sức khỏe, cuộc sống của người bệnh, đặc biệt nếu không được phát hiện sớm. Tình trạng lo lắng, mất ngủ có thể làm trầm trọng hơn các vấn đề sức khỏe ở người già, chẳng hạn dễ bị cao huyết áp hay đột quỵ hơn. Mặt khác việc họ trở nên cộc cằn, khó tính sẽ tự đẩy con cháu ngày càng xa họ, khiến bản thân mình ngày càng trở nên cô đơn.

Dùng thuốc, trị liệu tâm lý kết hợp với một lối sống lành mạnh luôn mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho những bệnh nhân đang phải đấu tranh với trầm cảm. Đặc biệt sự quan tâm phù hợp của gia đình, con cháu lúc này chính là liều “thuốc bổ” tốt nhất cho ông bà lúc này.

Dùng thuốc

Các thuốc được dùng trong điều trị trầm cảm luôn tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ không tốt nhưng vẫn cần phải sử dụng để kiểm soát các triệu chứng hiệu quả. Thường bác sĩ có thể kê các đơn thuốc giúp giảm lo âu, thuốc an thần hay các nhóm thuốc chống trầm cảm. Gia đình nên đưa người bệnh đến các bệnh viện tâm thần, trung tâm tâm lý để được thăm khám và chỉ định đơn thuốc phù hợp.

Trầm cảm ở người cao tuổi
Một số loại thuốc có thể kiểm soát tâm trí tạm thời cho người bị trầm cảm

Như đã nói, một số loại thuốc có thể không tốt cho người lớn tuổi như amitriptyline và imipramine có thể làm giảm huyết áp đột ngột hay thậm chí là hôn mê. Do đó gia đình cần kiểm soát việc dùng thuốc của ông bà, theo dõi các triệu chứng ngay sau khi dùng thuốc để có hướng xử lý kịp thời, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm xuất hiện.

Trị liệu tâm lý

Tâm lý trị liệu luôn là biện pháp điều trị trầm cảm được khuyến khích cho rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những người lớn tuổi vì thực sự có thể đem đến hiệu quả nhưng không gây biến chứng. Mục đích của phương pháp này chính là giải tỏa tâm lý bức bối cho người lớn tuổi đồng thời hướng tâm trí họ đến sự tích cực, lạc quan hơn trong cuộc sống hằng ngày.

Trầm cảm ở người cao tuổi
Tâm lý trị liệu không gây tác dụng phụ và đem đến rất nhiều lợi ích cho người lớn tuổi bị trầm cảm

Một trong những nguyên nhân khiến người cao tuổi dễ bị trầm cảm chính là do cảm thấy cô đơn, không có người chia sẻ. Việc trò chuyện với chuyên gia tâm lý khiến bản thân họ có thể giãi bày được hết lắng lo của bản thân, tìm kiếm được một người có thể thấu hiểu tâm trạng nên việc cải thiện các triệu chứng bệnh là điều tất yếu.

Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình cũng nên tham gia các buổi trị liệu tâm lý cùng ông bà, cha mẹ để biết cách chăm sóc, trò chuyện hằng ngày. Tâm lý người già vốn đã nhạy cảm và trầm cảm có thể làm tăng mức độ này nên việc nói chuyện với người bệnh cần tinh tế hơn để tránh khiến họ cảm thấy tự ti hay kích động.

Dù vậy vẫn có không ít người già từ chối việc điều trị vì họ không thể chấp nhận được mình bị mắc bệnh tâm lý và cũng không ít người không biết về trầm cảm có thể cho rằng đây là bệnh “điên”. Bởi thế mà gia đình cần thực sự kiên trì và tìm kiếm được những nguyên gia tâm lý phù hợp với ông bà để được hỗ trợ tốt nhất.

Chăm sóc tại nhà

Hướng chăm sóc tại nhà đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị trầm cảm ở người cao tuổi. Gia đình cần dành nhiều thời gian quan tâm trò chuyện, động viên ông bà tham gia nhiều hoạt động bên ngoài để kết nối bạn bè, tránh ở trong nhà nhiều khiến tâm trạng bị gò bó. Với những người mắc bệnh thể chất nên gặp nhiều hạn chế trong sinh hoạt thì gia đình cũng có thể tạo điều kiện để người già có thể tìm kiếm người trò chuyện, chia sẻ nhiều hơn.

Trầm cảm ở người cao tuổi
Luyện tập thể dục thể thao hằng ngày đem đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, tâm trí của người cao tuổi

Một số giải pháp có thể giúp ích cho người cao tuổi bị trầm cảm như

  • Khuyến khích, động viên hoặc cùng ông bà ra ngoài luyện tập thể dục thể thao hằng ngày. Tùy tình trạng sức khỏe để lựa chọn các bộ môn phù hợp, chẳng hạn như thiền, dưỡng sinh hay chỉ đơn giản là đi bộ. Người già tập thể dục còn mang đến rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe
  • Đăng ký và động viên ông bà tham gia các hoạt động, hội nhóm cho người già, người cao tuổi. Hầu hết hiện nay ở các tỉnh thành, xã huyện đều đều có các câu lạc bộ cho người lớn tuổi sinh hoạt. Việc gặp gỡ những người lớn tuổi sẽ giúp ông bà dễ tìm được sự đồng điệu về tâm hồn hơn. Ngoài ra các câu lạc bộ này cũng thường có các hoạt động cho người lớn tuổi để ông bà được thư giãn tinh thần, luôn vui vẻ, phấn khởi
  • Bổ sung dinh dưỡng lành mạnh, tập trung vào các món ăn tốt cho trí não và sức khỏe toàn diện như rau xanh, các loại trái cây, các loại hạt, các loại đạm tốt.. Tránh xa các thức ăn có quá nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, đồ ăn có lượng đạm và mỡ quá cao, đồ ăn nhanh.
  • Chăm sóc giấc ngủ cho người già. Việc dùng các loại thuốc có thể dần ổn định giấc ngủ, bên cạnh đó gia đình cũng nên bổ sung thêm một số món ăn, thức uống giúp dễ ngủ.
  • Tắm nước nóng, ngâm chân với nước nóng hay liệu pháp từ mùi hương cũng giúp người lớn tuổi dễ ngủ và thư giãn tinh thần hiệu quả
  • Quan tâm đến các thú vui cho người lớn tuổi, chẳng hạn như chăm sóc cây kiểng, đọc sách, chơi cờ, nuôi chim.. Nếu gia đình quá bận rộn, không có nhiều thời gian ở nhà thì việc nuôi thêm thú cưng cũng giúp ông bà bớt cô đơn
  • Hướng dẫn ông bà sử dụng điện thoại lên mạng, kết nối với internet hay tạo các trang mạng xã hội cá nhân cũng là một cách đơn giản giúp người già có thể kết nối với nhiều bạn bè và không còn thấy quá cô đơn
  • Lên kế hoạch cho các chuyến du lịch, về quê hay đi thăm người thân cũng giúp ông bà nâng cao tinh thần, tạo thêm niềm vui và sự hứng thú trong cuộc sống rất nhiều
  • Dành nhiều thời gian để trò chuyện, tâm sự cũng là biện pháp quan trọng để cải thiện trầm cảm ở người cao tuổi. Đôi khi bạn cũng không cần nói quá nhiều mà chỉ cần lắng nghe những gì ông bà chia sẻ, dù ông bà đã kể rất nhiều lần nhưng hãy vẫn cố gắng tỏ ra thật hứng thú và tương tác với câu chuyện của ông bà. Nếu ở xa và quá bận rộn thì mỗi ngày cũng nên gọi điện thoại, videocall để trò chuyện với ông bà hằng ngày

Thống kê cho thấy tỷ lệ trầm cảm ở người cao tuổi đang ngày càng tăng và không thể chủ quan bởi bệnh có thể gây ra rất nhiều hệ lụy xấu. Mỗi thành viên trong gia đình nên dành nhiều thời gian để lắng nghe, chia sẻ, đồng thời khuyến khích ông bà tham gia các hoạt động lành mạnh nhiều hơn để phòng tránh tối đa nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *