Mối Liên Hệ Giữa Stress Và Các Bệnh Về Dạ Dày

Stress (căng thẳng) là nguyên nhân gây ra các vấn đề về dạ dày mà nhiều người không chú ý đến. Thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa stress và các bệnh về dạ dày.

stress và dạ dày
Stress và các bệnh về dạ dày có mối liên hệ mật thiết, tác động qua lại

Mối liên hệ giữa stress và dạ dày

Stress (căng thẳng) đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Áp lực từ công việc, các vấn đề tài chính, mâu thuẫn, bất hòa trong các mối quan hệ đều có thể gây ra căng thẳng thần kinh. Thực tế, mọi người chỉ biết đến những ảnh hưởng tiêu cực của stress đối với tâm trạng và giấc ngủ mà không chú ý đến các vấn đề thể chất.

Ngoài những ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, stress còn là nguyên nhân gây ra các bệnh lý dạ dày. Stress và đau dạ dày có mối liên hệ mật thiết, tác động qua lại. Tuy nhiên, rất ít người chú ý đến stress mà chỉ cho rằng bản thân bị đau dạ dày do ăn uống không điều độ, thức khuya, dùng rượu bia,…

Dây thần kinh phế vị là cơ quan chi phối hoạt động của tim, phổi, ruột, gan, túi mật, thực quản, dạ dày,… Dây thần kinh này điều tiết hoạt động sản xuất dịch vị và co bóp dạ dày. Khi não bộ bị căng thẳng, dây thần kinh phế vị có thể bi rối loạn dẫn đến hiện tượng dạ dày co bóp bất thường và tăng tiết dịch vị.

Ngoài ra, khi bị stress, tuyến thượng thận sẽ tăng sản xuất hormone cortisol. Hormone này chính là yếu tố gây viêm niêm mạc đường tiêu hóa và phá vỡ màng nhầy bảo vệ dạ dày khỏi dịch vị, axit từ thức ăn, đồ uống và sự xâm nhập của vi khuẩn.

Bên cạnh đó, cortisol làm tăng lưu lượng máu về phổi và tim nhưng lại làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan khác, bao gồm cả dạ dày và đường ruột. Tình trạng giảm lượng máu tuần hoàn sẽ khiến cho dạ dày bị co thắt dữ dội và làm ngưng trệ quá trình tiêu hóa. Đây chính là lý do stress được xem là nguyên nhân làm gia tăng các vấn đề tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng.

Ngoài ra, các triệu chứng khó chịu ở dạ dày và đường ruột cũng gia tăng mức độ stress. Các vấn đề ở dạ dày hiếm khi đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, đau dạ dày bùng phát thường xuyên khi đói, khi ăn no và khi ngủ sẽ gây ra nhiều phiền toái, khó chịu, bứt rứt và gia tăng mức độ căng thẳng, phiền muộn.

Stress, căng thẳng ảnh hưởng như thế nào đến dạ dày?

Stress và các bệnh về dạ dày có mối liên hệ mật thiết. Để hiểu hơn về mối liên hệ giữa hai vấn đề này, bạn đọc nên tìm hiểu những ảnh hưởng cụ thể của căng thẳng thần kinh đối với sức khỏe dạ dày:

1. Gây rối loạn chức năng dạ dày

Ảnh hưởng đầu tiên của stress đối với dạ dày là gây rối loạn chức năng tiêu hóa. Như đã biết, dạ dày là cơ quan chịu trách nhiệm tiêu hóa để ruột non và ruột già có thể dễ dàng hấp thu chất dinh dưỡng trong thức ăn. Quá trình tiêu hóa ở dạ dày được thực hiện thông qua hoạt động co bóp và bài tiết axit. Sự nhịp nhàng giữa hai hoạt động này sẽ giúp cho dạ dày tiêu hóa tốt các loại thức ăn.

stress và dạ dày
Stress kích thích dạ dày co bóp và tăng tiết dịch vị bất thường dẫn đến tình trạng khó tiêu, đầy bụng, đau dạ dày,…

Khi bị căng thẳng, dạ dày có hiện tượng co bóp quá mức và tăng tiết dịch vị bất thường. Tình trạng này sẽ gây ngưng trệ quá trình tiêu hóa dẫn đến triệu chứng đau dạ dày, ợ nóng, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu,… Ngoài ra, rối loạn chức năng dạ dày cũng ảnh hưởng đến nhu động và khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của đường ruột.

Đây cũng là lý do mọi người thường bị đau và khó chịu ở vùng dạ dày trong thời gian căng thẳng thần kinh. Với những trường hợp bị xúc động mạnh, dạ dày có thể bị xung huyết, loét và thậm chí là chảy máu (xuất huyết).

2. Gia tăng các bệnh lý về dạ dày

Tình trạng tăng tiết dịch vị và co thắt quá mức có thể gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề về dạ dày. Nếu không điều chỉnh kịp thời, stress có thể dẫn đến các bệnh lý về dạ dày như:

Tại sao căng thẳng lại đau dạ dày
Căng thẳng thần kinh làm gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề dạ dày như loét dạ dày, xuất huyết dạ dày,…
  • Viêm loét dạ dày: Khi bị căng thẳng, hormone cortisol tăng cao gây ra hiện tượng viêm ở niêm mạc dạ dày và đường ruột. Tình trạng này cộng với hiện tượng tăng tiết dịch vị và co bóp dạ dày bất thường sẽ gây viêm loét dạ dày – tá tràng. Nguy cơ loét dạ dày sẽ tăng lên ở những người có chế độ ăn uống thất thường, dùng rượu bia, thuốc lá và lạm dụng thuốc chống viêm không steroid.
  • Trào ngược dạ dày: Ngoài viêm loét dạ dày, stress còn làm tăng nguy cơ bị trào ngược dạ dày – thực quản. Tình trạng dạ dày co bóp quá mức và tăng tiết dịch vị bất thường sẽ gây ra áp lực cho cơ vòng thực quản dưới. Theo thời gian, cơ quan này sẽ bị suy yếu khiến cho dịch vị cùng với thức ăn trào ngược lên phía trên thay vì di chuyển xuống môn vị và tá tràng.
  • Xuất huyết dạ dày: Những trường hợp bị stress nặng và xúc động mạnh có thể đối mặt với tình trạng xuất huyết. Nguy cơ chảy máu dạ dày tăng lên đáng kể đối với những người có sẵn các bệnh lý dạ dày, dùng rượu bia và sử dụng các loại thuốc chống viêm. Ngoài ra, người có tiền sử xuất huyết dạ dày sẽ có nguy cơ tái phát nếu phải đối mặt với stress dai dẳng trong một thời gian dài.

3. Làm nghiêm trọng các vấn đề tiêu hóa

Với những người có sẵn các vấn đề tiêu hóa, stress sẽ làm nghiêm trọng triệu chứng và khiến bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu. Cụ thể, stress gây co bóp dạ dày bất thường và tăng tiết dịch vị quá mức. Tình trạng này sẽ khiến cho vết loét lan rộng và ăn sâu vào thành dạ dày, từ đó gây đau dạ dày dữ dội, buồn nôn, nôn mửa và gia tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa.

Ngoài những ảnh hưởng đối với các vấn đề dạ dày, stress còn gây rối loạn nhu động ruột và làm gián đoạn hoạt động của các cơ quan tiêu hóa khác như gan, tuyến tụy, túi mật,… Những ảnh hưởng của stress đối với các cơ quan này sẽ gây ra một loạt các triệu chứng dẫn đến nhiều phiền toái khi sinh hoạt và gia tăng mức độ căng thẳng, lo âu.

Cách bảo vệ dạ dày khi bị stress (căng thẳng)

Stress (căng thẳng) là phản ứng của cơ thể khi đối mặt với áp lực và những nhiệm vụ, thử thách khó khăn trong cuộc sống. Ngay khi nhận được tín hiệu stress, não bộ sẽ truyền tín hiệu đến toàn bộ cơ quan nhằm tạo ra các phản ứng sinh hóa để cơ thể thích nghi và vượt qua stress. Tuy nhiên, sự thay đổi này “vô tình” gây ra một loạt các vấn đề thể chất và tinh thần.

Trong đó, dạ dày là cơ quan phải chịu những tác động tiêu cực do stress gây ra. Để bảo vệ dạ dày và hạn chế nguy cơ bị viêm loét, xuất huyết tiêu hóa, bạn cần thực hiện các biện pháp sau đây:

1. Tìm cách giải tỏa stress

Stress là nguyên nhân gây ra những rối loạn ở dạ dày và các cơ quan khác. Chính vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ dạ dày chính là giải tỏa căng thẳng. Khi căng thẳng thần kinh được kiểm soát, hoạt động của dạ dày sẽ được điều hòa và những ảnh hưởng tiêu cực do stress gây ra cũng sẽ thuyên giảm dần theo thời gian.

Trong cuộc sống hiện đại, mỗi người cần phải trang bị cho bản thân những kỹ năng giải tỏa stress để ổn định sức khỏe tinh thần và thể chất. Học cách kiểm soát stress cũng giúp tăng hiệu suất học tập, làm việc và tránh được nhiều phiền toái trong cuộc sống.

stress ảnh hưởng đến dạ dày
Ngồi thiền mỗi ngày giúp giải tỏa stress và giảm những ảnh hưởng của stress đối với dạ dày

Các biện pháp giải tỏa stress nên áp dụng để bảo vệ sức khỏe nói chung và dạ dày nói riêng:

  • Ngồi thiền mỗi ngày là cách giảm căng thẳng, lo lắng hiệu quả. Khi ngồi thiền, tâm trí sẽ được trở về trạng thái cân bằng, qua đó giúp giải tỏa những cảm xúc tiêu cực và nạp lại nguồn năng lượng dồi dào. Ngoài ra, liệu pháp này còn giúp ổn định hoạt động của dạ dày, đường ruột, điều hòa nhịp thở, huyết áp,…
  • Vào cuối ngày, bạn có thể dùng một số loại trà thảo mộc có tác dụng an thần và giảm lo lắng, căng thẳng như trà hoa cúc, mật ong, trà atiso, trà gừng, bạc hà,…
  • Tắm nước ấm cũng là cách thư giãn hiệu quả. Nhiệt độ ấm giúp giãn nở lỗ chân lông, thư giãn cơ bắp, tăng tuần hoàn máu và làm dịu hệ thần kinh trung ương. Vì vậy, nên tắm nước ấm vào buổi tối để giải tỏa stress và ngủ ngon giấc hơn.
  • Xông tinh dầu, đốt nến thơm,… cũng giúp ích rất nhiều trong việc giảm stress. Ngửi mùi hương yêu thích kích thích não bộ sản sinh serotonin và endorphin có tác dụng thư giãn, giải tỏa lo âu, phiền muộn.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi và đảm bảo ngủ đủ giấc.
  • Nên dành thời gian cho các hoạt động thư giãn như xem phim, đọc sách, nghe nhạc, chơi với thú cưng, chăm sóc cây cối,…

Ngay sau khi căng thẳng được giải tỏa, tình trạng đau dạ dày, buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng,… sẽ được cải thiện rõ rệt.

2. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Chế độ ăn hợp lý góp phần giảm căng thẳng và củng cố sức khỏe tinh thần. Ngoài ra, điều chỉnh thực đơn ăn uống hằng ngày cũng giúp giảm nhẹ các triệu chứng ở đường tiêu hóa, đồng thời góp phần bảo vệ và ổn định hoạt động của dạ dày.

bị stress có ảnh hưởng đến dạ dày không
Nên có chế độ ăn uống hợp lý để giảm các vấn đề về tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng trong thời gian bị stress

Chế độ ăn uống giúp bảo vệ dạ dày khi bị căng thẳng thần kinh:

  • Tuyệt đối không dùng rượu bia, nước ngọt có gas và hạn chế sử dụng quá nhiều đồ uống chứa caffeine. Các loại thức uống này kích thích dạ dày co bóp quá mức và tăng tiết dịch vị, từ đó làm nghiêm trọng tình trạng đau dạ dày, đầy hơi, chướng bụng và buồn nôn.
  • Không dùng các loại thực phẩm chứa nhiều axit (soda, me, cóc, xoài chua,…), món ăn chứa nhiều gia vị cay nóng, muối, dầu mỡ và hạn chế dùng thức ăn khó tiêu hóa. Các món ăn này làm tăng áp lực dạ dày và đường ruột, đồng thời có thể làm nghiêm trọng mức độ lo lắng, căng thẳng.
  • Khi bị stress, bạn nên ưu tiên dùng các món ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, canh,… Ngoài ra, nên dùng thức ăn nhạt, mềm và dễ tiêu hóa.
  • Bổ sung các loại rau xanh, sữa chua, ngũ cốc, trái cây không chứa axit (thanh long, dừa, bơ,…) để hỗ trợ trung hòa dịch vị và điều hòa nhu động dạ dày – đường ruột.
  • Stress có thể khiến cho dạ dày hoạt động kém, dễ bị đầy hơi, chướng bụng và trào ngược. Nếu cần thiết, bạn nên chia nhỏ bữa ăn và mỗi bữa nên cách nhau từ 2 – 3 giờ đồng hồ. Biện pháp này giúp giảm áp lực lên dạ dày và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tiêu hóa do stress.
  • Khi bị căng thẳng, cần đảm bảo ăn uống điều độ và chế độ ăn phải cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Khi ăn, nên ăn chậm nhai kỹ và tuyệt đối không vừa ăn vừa làm việc.

Điều chỉnh chế độ ăn hằng ngày giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ dạ dày và đường ruột trước những ảnh hưởng tiêu cực của stress. Ngoài ra, dinh dưỡng hợp lý cũng giúp giải tỏa căng thẳng và chăm sóc sức khỏe tinh thần.

3. Xây dựng thói quen sinh hoạt hợp lý

Bên cạnh chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt cũng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của dạ dày và các cơ quan tiêu hóa khác. Hơn nữa, xây dựng lối sống khoa học cũng giúp kiểm soát căng thẳng thần kinh hiệu quả.

Các thói quen sinh hoạt khoa học giúp kiểm soát stress và bảo vệ dạ dày:

  • Ngủ đúng giờ và đủ giấc là cách đơn giản nhất để bảo vệ dạ dày. Chất lượng giấc ngủ có mối liên hệ chặt chẽ với hoạt động của hệ tiêu hóa. Ngủ đủ giấc giúp điều hòa hoạt động co bóp và tiết dịch vị dạ dày, qua đó hạn chế tình trạng đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu,… Bên cạnh đó, đảm bảo chất lượng giấc ngủ cũng giúp giải tỏa stress và những cảm xúc tiêu cực.
  • Nên tập thể dục hằng ngày để giảm stress và điều hòa hoạt động của dạ dày. Hoạt động thể chất đã được chứng minh giúp cải thiện nhu động dạ dày – đường ruột, giảm tăng tiết dịch vị quá mức, tăng vị giác, cải thiện khả năng hấp thu dinh dưỡng,…
  • Không hút thuốc lá và sử dụng chất gây nghiện. Bởi những thói quen này vừa làm tăng mức độ căng thẳng vừa gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với dạ dày – đường ruột.
  • Có thể kết hợp với các biện pháp như massage bụng, chườm ấm,… để thúc đẩy quá trình tiêu hóa và giảm đau dạ dày trong thời gian bị stress.
  • Nghỉ ngơi hợp lý trong thời gian làm việc cũng là cách giúp bạn giải tỏa căng thẳng và bảo vệ dạ dày. Bên cạnh việc ngủ đủ giấc, nên nghỉ ngơi từ 15 – 30 phút vào buổi trưa để giảm stress và giúp dạ dày tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

4. Dùng thuốc bảo vệ dạ dày

Nếu dạ dày bị đau nhiều đi kèm với buồn nôn, đầy hơi và chướng bụng, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc bảo vệ dạ dày. Bên cạnh đó, nên dùng thêm thuốc điều trị triệu chứng để giảm cơn đau và thoải mái hơn khi ăn uống.

bị stress có ảnh hưởng đến dạ dày không
Trong trường hợp cần thiết, nên dùng thuốc để bảo vệ dạ dày khỏi ảnh hưởng tiêu cực của stress

Các loại thuốc được sử dụng để bảo vệ dạ dày khi bị stress:

  • Thuốc kháng axit (thuốc trung hòa axit)
  • Các loại thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày
  • Thuốc kháng histamine H2
  • Thuốc ức chế bơm proton
  • Các viên uống, TPCN có tác dụng bảo vệ dạ dày

Trong trường hợp đau dạ dày nặng và dai dẳng, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu đã bị viêm loét dạ dày, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ phù hợp nhằm giúp phục hồi vết loét và cải thiện các triệu chứng khó chịu.

5. Trị liệu tâm lý

Đôi khi bạn không thể kiểm soát stress (căng thẳng) bằng các biện pháp tại nhà. Tình trạng này thường xảy ra do những vấn đề nan giải, khó tìm được giải pháp như mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu, các vấn đề tài chính, bất hòa trong cuộc sống vợ chồng,… Nếu cần thiết, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.

Can thiệp trị liệu tâm lý sẽ giúp giải tỏa căng thẳng, ổn định cảm xúc và tìm ra giải pháp cho những vấn đề trong cuộc sống. Với những người thiếu kỹ năng sống, chuyên gia sẽ hướng dẫn các kỹ năng cần thiết như kỹ năng giao tiếp, xử lý vấn đề, quản lý thời gian và học cách giải tỏa cảm xúc một cách lành mạnh.

Trị liệu tâm lý giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và khắc phục các vấn đề thể chất có liên quan đến stress. Vì vậy, nếu bị đau dạ dày dai dẳng do căng thẳng trường diễn, bạn nên xem xét can thiệp phương pháp này.

Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ mối liên hệ giữa stress và các bệnh lý về dạ dày. Qua đó chủ động hơn trong việc kiểm soát stress và bảo vệ các cơ quan tiêu hóa. Nếu stress gây đau dạ dày dữ dội, buồn nôn, nôn ra máu, bạn nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *