Người Nhạy Cảm Là Gì? 10 Biểu Hiện Rất Dễ Thấy Ở Họ

Người nhạy cảm thường cảm nhận thế giới xung quanh dưới lăng kính của những “cảm xúc”. Nhạy cảm là đặc điểm tính cách có từ khi một người vừa sinh ra, nó không phải là lựa chọn và càng không phải bệnh lý. Tuy nhiên những người quá nhạy cảm vẫn nên học cách quản lý cảm xúc để tránh gặp phải những phiền toái do chính tính cách của mình.

người nhạy cảm là gì
Nhạy cảm là đặc điểm tính cách có thể ảnh hưởng đến khoảng 15 – 25% dân số nói chung

Người nhạy cảm là gì? Điểm mạnh và thách thức của họ

Nhạy cảm là một đặc điểm tính cách hoàn toàn bình thường, đã có từ khi mới sinh ra. Theo số liệu ước tính, những người nhạy cảm chiếm khoảng 15 – 25% dân số nói chung. Trong một số nền văn hóa, họ thường bị cho là người quá yếu đuối.

Các nhà thần kinh học cho biết, sự nhạy cảm phần nào được quy định trong gen của con người. Những người nhạy cảm có khả năng nhận biết được các kích thích tinh vi mà hầu hết những người khác không nhận ra hoặc không thể trải nghiệm những kích thích này mãnh liệt hơn họ.

Để nhận biết một người có tính cách nhạy cảm hay không thường sẽ dựa vào ba tiêu chí. Thứ nhất là họ dễ dàng cảm nhận những gì đang diễn ra trong môi trường. Thứ hai là họ có những cảm xúc dữ dội hơn những người khác. Thứ ba là họ thể hiện cảm xúc của mình một cách trầm trọng hơn.

Cảm xúc của người nhạy cảm thường ở mức cao hơn bình thường khi đối mặt với một tình huống. Hơn nữa họ cũng sẽ phải chịu đựng nhiều kích thích từ bên ngoài hơn. Chẳng hạn như ánh sáng, âm thanh, tiếng ồn, đám đông, mùi hương,…

Nếu bạn sinh ra là một người nhạy cảm thì bạn cần phải chấp nhận rằng điều đó là tự nhiên. Đồng thời tính cách ấy cũng chính là một phần con người bạn. Bạn có thể áp dụng một số giải pháp để phản ứng tốt hơn nhưng sẽ không bao giờ trở thành một con người hoàn toàn khác. Và bạn cũng không nên cố gắng để trở thành người khác.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Mỗi đặc điểm tính cách đều có những điều tích cực đi kèm với một số thách thức nhất định. Dưới đây là điểm mạnh và thách thức của một người nhạy cảm:

1. Điểm mạnh

Những người nhạy cảm thường có xu hướng tận tâm và đồng cảm với người khác nhiều hơn. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy những thay đổi tinh tế trong các tương tác xã hội và môi trường của họ. Các điểm mạnh của họ có thể bao gồm:

  • Kỹ năng xã hội: Sự nhạy cảm khiến cho một người có xu hướng để ý những điều mà người khác có thể không chú ý tới. Trong khi đó, việc tiếp thu ngôn ngữ cơ thể cùng với những dấu hiệu tinh tế khác sẽ giúp cho con người phát triển các kỹ năng xã hội mạnh mẽ.
  • Đồng cảm: Những người nhạy cảm có xu hướng dễ đồng cảm hơn với cảm xúc và tâm trạng của người khác. Điều này thường giúp họ có được cái nhìn sâu sắc hơn về những người xung quanh. Nó cũng có thể giúp họ phát hiện động cơ cũng như khuynh hướng của người khác. Từ đó có nhiều khả năng trở thành một người quản lý hoặc một nhà lãnh đạo giỏi.
  • Nhạy cảm với môi trường: Sự nhạy cảm của một người còn giúp họ nhận thấy được những dấu hiệu về môi trường trong khi người khác thì không. Điều này có thể giúp cho họ phát hiện ra được nguy hiểm trong nhiều trường hợp.
thế mạnh của người nhạy cảm
Người nhạy cảm thường dễ đồng cảm với suy nghĩ và cảm xúc của người khác

2. Thách thức

Mặc dù có nhiều điểm mạnh nhưng người nhạy cảm đôi khi cũng phải đối mặt với một số thách thức nhất định. Chẳng hạn như họ dễ bị căng thẳng do xung đột, trở thành một người thích tìm kiếm cảm giác mạnh,…

Sự nhạy cảm có thể tiềm ẩn những thách thức sau đây:

  • Dễ bị căng thẳng bởi xung đột: Những người nhạy cảm cao thường cố gắng tránh xa các kích thích quá lớn hoặc những tình huống căng thẳng. Chẳng hạn như đối đầu hoặc xung đột. Họ có xu hướng né tránh hoàn toàn các xung đột. Điều này đôi khi có thể khiến cho các mối quan hệ trở nên khó khăn. Hơn nữa còn dẫn đến sự phụ thuộc vào nhau do hạn chế thể hiện bản thân và không ngừng cố gắng giữ mọi thứ yên bình.
  • Thích tìm kiếm cảm giác mạnh: Một số người nhạy cảm cũng đồng thời là những người thích tìm kiếm cảm giác mạnh. Một phần của bạn sẽ phải vật lộn với cảm giác bị kích thích quá mức, trong khi đó phần khác lại thích mạo hiểm và phấn khích. Sự trùng lặp của các đặc điểm khác nhau này thường là một thách thức lớn trong việc đối phó với chúng.
  • Tự chỉ trích bản thân: Người nhạy cảm có xu hướng trở thành nhà chỉ trích tồi tệ nhất của chính họ. Họ thường nhớ khá lâu nếu mắc những lỗi lầm và họ cảm thấy xấu hổ về điều đó hơn những người bình thường. Điều này có thể làm gia tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề tâm lý, nhất là trầm cảm.

10 Biểu hiện rất dễ nhận thấy ở một người nhạy cảm

Đôi khi mỗi người có thể tự hỏi rằng liệu bản thân hoặc một người nào đó xung quanh có phải là người nhạy cảm hay không. Để nhận biết được điều này thì cần nắm rõ những phẩm chất thường thấy nhất mà một người nhạy cảm sở hữu. Nó sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn người nhạy cảm là gì?

Dưới đây là 10 biểu hiện rất dễ thấy nhất ở bất cứ ai có tính cách nhạy cảm:

1. Dễ gặp phải tình trạng “quá tải”

Nếu những người nhạy cảm phải đảm nhiệm quá nhiều việc một lúc thì họ sẽ nhanh chóng trở nên quá tải. Hệ quả là họ sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng và lo lắng. Các chuyên gia tâm lý cho biết, những người nhạy cảm thường khó hoàn thành công việc một cách hoàn hảo trong môi trường căng thẳng và hỗn loạn.

biểu hiện của người nhạy cảm
Người nhạy cảm rất dễ bị quá tải khi phải giải quyết một lúc nhiều công việc

2. Nhận thức tinh tế

Đây là biểu hiện rất thú vị ở những người nhạy cảm. Họ có thể nhận thấy được những điều nhỏ bé mà người khác thường bỏ lỡ. Đó có thể đơn giản là sự xáo trộn nhỏ ở việc thay đổi đồ đạc trong nhà hoặc nơi làm việc hay sớm nhận ra kiểu tóc mới của ai đó. Nhiều người còn nhạy cảm hơn với một số mùi hương hoặc dễ bị giật mình trước những âm thanh khác lạ.

3. Mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định

Những người nhạy cảm thường có xu hướng đào sâu tất cả mọi vấn đề. Do đó họ khó đưa ra các quyết định khi chưa có suy nghĩ thấu đáo. Họ thường không thể vượt qua mọi kết quả có thể xảy ra trong đầu nên sẽ mất nhiều thời gian mới có thể đưa ra quyết định.

Tuy nhiên nếu đã đưa ra quyết định và nó là một lựa chọn tồi thì họ sẽ càng cảm thấy khó khăn hơn. Điều này sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn làm chậm quá trình giải quyết vấn đề của họ hơn nữa. Trên thực tế, nỗi sợ đưa ra một quyết định tồi chính là một phần nguyên nhân khiến họ chậm lại ngay từ đầu.

4. Tránh các chương trình hoặc phim ảnh bạo lực

Nếu thật sự chú ý, bạn có thể dễ dàng thấy rằng, những người nhạy cảm thường có xu hướng né tránh các chương trình mang tính chất bạo lực hoặc các bộ phim kinh dị. Bởi bản thân họ biết rõ rằng những hình ảnh tiêu cực bạo lực có thể khiến họ khó chịu. Việc tránh né chính là một lựa chọn để họ tự bảo vệ suy nghĩ và cảm xúc của chính mình.

5. Khó chấp nhận những lời chỉ trích

Đối với những người bình thường thì họ có thể xem việc bị chỉ trích là một phần khó tránh khỏi trong cuộc sống. Nhưng với người quá nhạy cảm thì họ lại khó chấp nhận việc bị chỉ trích, ngay cả với những lời chỉ trích không quá gay gắt và mang tính xây dựng.

Đối với họ, việc phải nhận những lời chỉ trích có thể trở thành một nỗi đau rất khó phai mờ. Họ luôn có xu hướng giữ lại những lời phàn nàn tiêu cực của người khác trong lòng. Họ rất khó giữ cho cảm xúc của mình không bị tổn thương khi ai đó chỉ trích họ.

dấu hiệu nhận biết người nhạy cảm
Người nhạy cảm thường khó chấp nhận những lời chỉ trích từ người khác

Mặc dù ban đầu họ có thể phản ứng thái quá nhưng sau đó họ lại suy nghĩ chín chắn về mọi thứ và có thể khám phá chúng một cách sâu sắc. Điều này có thể mang lại lợi ích về lâu dài, giúp họ thực hiện những thay đổi thích hợp cho bản thân.

6. Làm việc nhóm tốt

Người nhạy cảm có khả năng độc đáo trong việc xem xét cảm xúc của người khác. Hơn nữa họ còn cân nhắc các khía cạnh khác nhau, nhìn nhận được nhiều mặt của vấn đề cũng như chú ý đến những chi tiết nhỏ. Điều này khiến họ trở nên cực kỳ có giá trị trong môi trường đồng đội.

Tuy nhiên cần nhớ rằng, điều này có thể sẽ bị phản tác dụng nếu họ được chọn là người đưa ra quyết định cuối cùng. Bởi họ chỉ phù hợp với việc cung cấp thông tin đầu vào và phân tích hơn thay vì phải quyết định ở phút chót.

7. Người nhạy cảm có cách cư xử tuyệt vời

Nhận thức cao về cảm xúc của người khác khiến cho những người nhạy cảm có được sự tận tâm cao độ. Họ luôn chú ý đến các hành vi của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Đồng thời có cách cư xử tốt để thể hiện rõ điều này. Cùng với đó, họ cũng đặc biệt khó chịu khi người khác tỏ ra thô lỗ.

Ngoài ra, những người nhạy cảm còn dễ dàng đặt mình vào vị trí của người khác. Họ có khả năng độc đáo để thực sự hiểu rõ cảm giác của những người xung quanh. Do đó họ có xu hướng đồng cảm đáng kinh ngạc, luôn lo lắng cho người khác rất nhiều và cố gắng hòa hợp với cảm giác của những người xung quanh.

8. Dễ tự ti về bản thân

Nhận thức được mục tiêu của chính mình và làm việc hướng tới chúng được cho là một điều tuyệt vời. Tuy nhiên khi mà bạn không đạt được mục tiêu đặt ra thì điều quan trọng là đừng nên khắt khe quá mức với bản thân.

Đối với những người nhạy cảm, họ thường nhanh chóng phán xét hoặc suy ngẫm về bản thân nếu không đạt được một số “điểm chuẩn” nhất định. Chính sự nhạy cảm khiến họ trở nên tự ti nhiều hơn về bản thân khi không đạt được những kỳ vọng đã đặt ra trước đó.

9. Người nhạy cảm thường hay khóc

Những người nhạy cảm có thể phản ứng thái quá với các vấn đề nhỏ nhặt xung quanh họ. Và một trong những cách phổ biến mà họ phản ứng đó là “khóc”. Cảm xúc cao và dễ xúc động khiến cho họ khóc thường xuyên hơn so với những người khác.

biểu hiện của người nhạy cảm
Người nhạy cảm rất dễ bật khóc trước những kích thích tưởng như nhỏ bé

Đối với một vấn đề nhỏ trong cuộc sống, những người bình thường có thể ít thể hiện cảm xúc rõ ràng. Trong khi đó, người nhạy cảm lại dễ bị tổn thương và rơi vào bế tắc nhiều hơn. Và khóc chính là một cách giúp cho họ giải tỏa cảm xúc của bản thân.

10. Lo lắng về những gì người khác nghĩ

Nhiều người nghĩ rằng, những người có mức độ nhạy cảm cao thường sẽ là một người hướng nội. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định, 30% trong số những người nhạy cảm thực sự là người hướng ngoại. Họ có thể liên tục hòa mình vào mọi người. Tuy nhiên họ lại luôn lo lắng về những gì người khác nghĩ về mình. Họ luôn sợ làm người khác không bằng lòng nên sẽ luôn nỗ lực trong việc làm hài lòng những người xung quanh.

Các mẹo giúp người quá nhạy cảm quản lý tính cách

Nhạy cảm (về mặt cảm xúc) là đặc điểm tính cách rất bình thường và lành mạnh. Tuy nhiên nếu ở một mức độ cao nhất định thì điều này có thể trở nên có hại. Do đó nếu nhận thấy bản thân là một người nhạy cảm thì bạn nên quản lý cảm xúc của mình để điều khiển nó trở thành đồng minh thay vì là kẻ thù của bạn.

Quá nhạy cảm có thể khiến bạn tin rằng những hành động không cố ý hoặc những điều mà bạn tưởng tượng ra là đúng. Đây là điều rất tai hại, bởi việc giải nghĩa sai các tương tác hằng ngày có thể cản trở bạn có được cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc.

Dưới đây là một số giải pháp giúp quản lý tính cách nhạy cảm của bản thân:

1. Thiền định giúp người nhạy cảm quản lý cảm xúc hiệu quả

Thiền định, nhất là thiền chánh niệm có thể giúp bạn phản ứng tốt hơn với cảm xúc của bản thân. Hơn nữa, nó còn có khả năng cải thiện phản ứng của não trước các tác nhân gây căng thẳng. Chánh niệm tập trung vào việc chấp nhận cảm xúc của bản thân ở thời điểm hiện tại theo cách không phán xét chúng. Điều này giúp bạn quản lý tốt hơn tính cách nhạy cảm của mình.

cách quản lý tính cách nhạy cảm
Thiền định sẽ giúp cho những người nhạy cảm quản lý phản ứng cảm xúc tốt hơn

Có thể ngồi thiền theo hướng dẫn sau đây:

  • Tìm một nơi yên tĩnh, ngồi thẳng lưng trên sàn hoặc có thể ngồi trên một chiếc ghế. Tư thế ngồi cần phải đúng để hỗ trợ bạn thở đúng cách.
  • Bắt đầu bằng việc tập trung vào các cử động đơn lẻ trong quá trình thở. Chẳng hạn như tiếng động phát ra khi thở hoặc cảm giác khi ngực nhấp nhô.
  • Cần giữ tập trung trong một vài phút khi thở sâu và đều đặn.
  • Tiếp đến hãy chú ý thêm một số điều khác. Chẳng hạn như những gì bạn nghe thấy, ngửi thấy hoặc chạm đến. Khi ngồi thiền nên nhắm mắt lại để tránh bị phân tâm về mặt trực quan.
  • Chấp nhận những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân nhưng không được đánh giá chúng.
  • Nếu cảm thấy bị phân tâm thì hãy cố gắng tập trung trở lại bằng việc thở.
  • Nên dành ra mỗi ngày 15 phút cho hoạt động thiền định.

2. Học cách quyết đoán trong giao tiếp

Trong một số trường hợp, những người nhạy cảm có thể trở nên quá thụ động trong giao tiếp. Ngoài ra bạn còn có thể gặp rắc rối trong việc nói “không”. Đồng thời khó bày tỏ suy nghĩ cũng như cảm xúc của mình một cách chân thật và rõ ràng.

Việc học cách quyết đoán trong giao tiếp có thể giúp bạn dễ dàng nói ra nhu cầu và cảm xúc của bản thân. Từ đó giúp bạn cảm thấy mình được người khác lắng nghe và trân trọng. Một số lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn:

  • Nên dùng đại từ ngôi thứ nhất khi trò chuyện để nói ra cảm xúc của bạn
  • Hãy đặt ra những câu hỏi khi đang trò chuyện, nhất là khi cuộc đối thoại của bạn đã trở nên “quá tải” về mặt cảm xúc
  • Không nên đưa ra mệnh lệnh khi đang trò chuyện, thay vào đó hãy sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng hơn
  • Tránh việc đưa ra giả định hay kết luận quá vội vàng
  • Chấp nhận rằng những con người khác nhau luôn có những trải nghiệm khác nhau nên cần tránh cãi nhau để xem ai là người đúng

3. Những người nhạy cảm cần giữ bình tĩnh

Cảm xúc của bạn có thể sẽ ảnh hưởng đến cách mà bạn hành xử và phản ứng lại. Trong khi đó những người nhạy cảm lại thường phản ứng thái quá với mọi thứ xung quanh. Hành động khi cảm xúc đang dâng trào rất dễ khiến cho bạn cảm thấy hối tiếc về sau.

người nhạy cảm cần biết kiểm soát cảm xúc
Người nhạy cảm nên nghỉ ngơi để lấy lại bình tĩnh khi cảm xúc dâng trào

Chính vì vậy, hãy cho phép bản thân được nghỉ ngơi, dù chỉ là vài ba phút ngắn ngủi trước khi hành xử trong một tình huống quá tải cảm xúc. Chú ý cân nhắc tới nhiều kết quả khác nhau, cả về mặt tích cực và tiêu cực trước hành động của bạn.

4. Nhìn vào những điều tốt đẹp

Những người nhạy cảm thường có xu hướng né tránh những tình huống gây căng thẳng hoặc khó chịu. Bạn có thể cho rằng, bất cứ lỗi lầm nào trong một mối quan hệ đều sẽ là tác nhân làm tan vỡ mối quan hệ ấy. Do đó bạn tránh tất cả những mối quan hệ nói chung hoặc chỉ có một số mối quan hệ hời hợt.

Tuy nhiên cần nhìn vào những điều tốt đẹp từ người khác, nhất là những người biết bạn. Nếu bạn cảm thấy bản thân bị tổn thương thì đừng cho rằng điều đó là cố ý. Bạn hãy hiểu rằng, tất cả mọi người, kể cả bạn bè hoặc những người thân yêu của bạn đều có thể mắc lỗi. Vì vậy, hãy cố gắng đồng cảm thay vì chỉ trích.

5. Tham vấn tâm lý khi cần thiết

Đôi khi bạn đã cố gắng hết sức để quản lý sự nhạy cảm của bản thân nhưng vẫn cảm thấy quá tải. Lúc này nên tìm đến sự giúp đỡ từ một chuyên gia tư vấn tâm lý. Chuyên gia sẽ giúp cho những người nhạy cảm tìm hiểu cảm xúc và phản ứng của bản thân trong môi trường lành mạnh và an toàn.

vượt qua sự nhạy cảm quá mức
Có thể tìm gặp chuyên gia tâm lý nếu không thể quản lý tốt phản ứng cảm xúc của bản thân

Những người nhạy cảm có thể cần thêm sự hỗ trợ để học được cách quản lý cảm xúc tiêu cực. Đồng thời trang bị thêm kỹ năng để ứng biến tốt trong nhiều tình huống. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là bạn đang mắc bệnh tâm lý. Đây chỉ là một trong những cách nhằm giúp bạn có thêm kỹ năng để giải quyết vấn đề mà thôi.

Một số người sinh ra đã rất nhạy cảm, đây chỉ là một đặc điểm về mặt tính cách. Tuy nhiên, nếu trước đây bạn không nhạy cảm nhưng đột nhiên lại trở nên quá nhạy cảm, dễ cáu kỉnh, khóc lóc thì có thể bạn đang gặp vấn đề thực sự. Lúc này việc tìm đến các chuyên gia tư vấn tâm lý là đặc biệt cần thiết.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Mong rằng với những thông tin mà bài viết chia sẻ, bạn có thể hiểu rõ người nhạy cảm là gì? Trên thực tế, người nhạy cảm có nhiều khả năng cảm nhận mọi thứ một cách sâu sắc, dù cho những điều đó là tiêu cực hay tích cực. Tuy nhiên, nhạy cảm quá mức có thể gây ảnh hưởng đến mức độ căng thẳng, các mối quan hệ cũng như khả năng kiểm soát cảm xúc. Tốt nhất nên lập kế hoạch quản lý cảm xúc của mình để đảm bảo không bị “quá tải”. Nếu thấy quá khó khăn, bạn hãy sớm tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý.

Tham khảo thêm:

5/5 - (9 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *