Người hay khóc một mình là bị trầm cảm hay bệnh gì?
Hay khóc một mình là tình trạng thường gặp ở những người bị tổn thương tâm lý. Tình trạng này có thể do căng thẳng, áp lực quá mức hoặc đôi khi là biểu hiện của một số bệnh tâm lý.
Hay khóc một mình là bệnh gì?
Khóc là một trong những phản ứng bộc lộ tâm trạng của con người. Phản ứng này thường xảy ra khi có những cảm xúc như hạnh phúc, xúc động, đau khổ và tuyệt vọng cùng cực. Về cơ bản, khóc là phản ứng của cơ thể để xoa dịu nỗi đau về thể chất và tinh thần. Khi chúng ta khóc, não bộ sẽ tiết ra oxytocin và endorphin có tác dụng giảm đau và xoa dịu những cảm xúc tiêu cực.
Khóc không phải là phản ứng bất thường. Tuy nhiên, nếu hay khóc một mình, đây có thể là dấu hiệu của một số vấn đề tâm lý. Ở trạng thái tinh thần ổn định, chúng ta sẽ có thể kiểm soát tốt cảm xúc của chính mình. Vì vậy, tình trạng hay khóc một mình cho thấy khả năng kiểm soát cảm xúc suy giảm.
Hay khóc một mình là dấu hiệu của bệnh gì là băn khoăn của nhiều bạn đọc. Khi gặp phải tình trạng này, không ít người lo lắng quá mức về sức khỏe của bản thân – nhất là trong bối cảnh các vấn đề tâm lý không ngừng gia tăng như hiện nay. Việc chủ động tìm hiểu sẽ giúp bạn hiểu rõ bản thân đang gặp phải vấn đề gì, qua đó chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần và thăm khám khi cần thiết.
Người hay khóc một mình có thể cảnh báo những vấn đề sức khỏe sau đây:
1. Do căng thẳng, áp lực quá mức
Khóc là một trong những cách giải tỏa cảm xúc. Do đó, hay khóc một mình có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang phải đối mặt với căng thẳng và áp lực. Thực tế, ngoài áp lực công việc, nhiều người còn phải đối mặt với áp lực từ gia đình, mâu thuẫn với bạn đời, gia đình chồng/ vợ, áp lực từ việc chăm sóc con cái,…
Trước đứng áp lực quá lớn, tinh thần sẽ trở nên bức bối và mệt mỏi cùng cực. Vì vậy, không ít người thường xuyên khóc một mình do phải đối mặt với những vấn đề nan giải, khó tìm giải pháp thỏa đáng. Nếu tình trạng này không được cải thiện, nhiều khả năng bạn sẽ phải đối mặt với các vấn đề tâm lý.
2. Hay khóc một mình do bệnh trầm cảm
Hay khóc một mình là biểu hiện thường gặp của bệnh trầm cảm. Trầm cảm là trạng thái cảm xúc giảm thấp dẫn đến đau khổ, buồn bã, bi quan và phiền muộn kéo dài. Người mắc chứng bệnh này mất đi hứng thú với mọi thứ, hoàn toàn không có những cảm xúc tích cực và giảm nhu cầu ăn uống, mất ngủ, không còn ham muốn tình dục,…
Một đặc điểm thường thấy ở người bị trầm cảm là lòng tự trọng thấp. Bệnh nhân cho rằng bản thân là người vô dụng, bất tài hoặc tự cho rằng mình đã gây ra những tội lỗi nghiêm trọng. Những ý nghĩ tiêu cực này khiến người bị trầm cảm luôn buồn bã, đau khổ và khóc lóc một mình.
Tỷ lệ trầm cảm đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự hiểu biết hạn chế của những người xung quanh đã khiến không ít bệnh nhân đi đến hành vi tự sát. Vì vậy, nếu nhận thấy người thân hoặc bạn bè hay khóc một mình, bạn nên quan tâm hơn đến họ. Đồng thời khuyến khích họ tìm gặp bác sĩ để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.
3. Một số nguyên nhân khác
Khóc là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm giải tỏa cảm xúc. Do đó, hay khóc một mình cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân sau đây:
- Trải qua những biến cố lớn như hủy hôn, mất người thân, bị lừa dối, thất bại khi đầu tư, kinh doanh,…
- Sốc tâm lý sau khi bị chẩn đoán mắc các bệnh nan y, bệnh mãn tính,…
- Người có tính cách yếu đuối, nhạy cảm dễ khóc một mình khi đối mặt với căng thẳng và những tình huống không thuận lợi trong cuộc sống như công việc quá nhiều, mâu thuẫn với đồng nghiệp, bạn bè,…
Nếu tình trạng hay khóc một mình kéo dài, bạn nên xem xét về khả năng bị trầm cảm. Bởi thông thường sau một thời gian, bản thân mỗi người có thể tự điều chỉnh cảm xúc của chính mình, qua đó giảm tình trạng hay khóc lóc và buồn bã. Ngược lại, trong trường hợp có vấn đề tâm lý, khả năng kiểm soát cảm xúc thường kém nên sẽ dẫn đến tình trạng đau khổ và khóc lóc kéo dài.
Cách vượt qua tình trạng hay khóc một mình
Hay khóc một mình là dấu hiệu cho thấy tâm lý đang ở trạng thái bất ổn. Tình trạng này kéo dài có thể khiến cho bạn chìm đắm trong cảm xúc tiêu cực và đau khổ dai dẳng. Từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến hiệu suất lao động, học tập và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Khi gặp phải tình trạng hay khóc một mình, bạn có thể cải thiện một số biện pháp sau đây:
1. Thành thật với cảm xúc của chính mình
Khi cảm thấy đau khổ và buồn bã, bạn nên thành thật với cảm xúc của chính mình thay vì cố gắng kìm nén. Nếu muốn khóc, đừng cố tỏ ra mạnh mẽ bởi vì khóc sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Như đã đề cập, khi khóc, não bộ sẽ sản sinh hormone endorphin và oxytocin giúp xoa dịu “cơn đau”, tạo cảm giác phấn chấn và lạc quan.
Cảm xúc được giải tỏa kịp thời sẽ giúp bạn dễ dàng vực dậy sau những cú sốc tinh thần thay vì phải đối mặt với căng thẳng, đau khổ dai dẳng. Thành thật với chính mình giúp bạn ý thức được bản thân đang cảm thấy như thế nào và thực sự cần điều gì.
2. Chia sẻ nỗi buồn với người thân, bạn bè
Trong cuộc sống, bạn sẽ khó có thể tránh khỏi những thời điểm cảm thấy buồn bã và đau khổ. Thực tế, trong chúng ta ai cũng phải trải qua khoảng thời gian tồi tệ. Thay vì đối mặt một mình, hãy cởi mở chia sẻ với những người xung quanh.
Khi được bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc của chính mình, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn. Bên cạnh đó, lời khuyên của mọi người cũng sẽ giúp bạn có thêm động lực để đối mặt và vượt qua những khó khăn đang gặp phải.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng và bất cứ ai cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. Do đó, hãy cố gắng cân bằng cảm xúc thay vì “đầu hàng”. Sự mạnh mẽ ngày hôm nay sẽ giúp bạn kiên cường và rắn rỏi hơn trước mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Hơn hết, bạn sẽ luôn có người thân và bạn bè thân thiết là chỗ dựa khi đối mặt với thất bại, tuyệt vọng.
3. Thực hiện các biện pháp thư giãn
Căng thẳng, áp lực quá mức có thể khiến tinh thần trở nên nặng nề, ngột ngạt và kích thích phản ứng khóc để giải tỏa cảm xúc. Để vượt qua tình trạng hay khóc một mình, bạn có thể thực hiện một số biện pháp thư giãn. Các biện pháp này giúp giải tỏa cảm xúc, giảm căng thẳng, phiền muộn và mang đến cho bạn một tinh thần tươi mới.
Các biện pháp thư giãn bạn có thể áp dụng để vượt qua cảm giác đau khổ, tuyệt vọng và hay khóc một mình:
- Ngồi thiền là liệu pháp thư giãn bạn nên cân nhắc thực hiện khi tuyệt vọng, khóc lóc và đau khổ. Ngồi thiền giúp nâng đỡ tinh thần và mang lại sự nhẹ nhõm trong tâm hồn. Duy trì thói quen này trong một thời gian dài sẽ giúp bạn vượt qua tổn thương tâm lý và mạnh mẽ hơn khi đối mặt với áp lực, căng thẳng.
- Âm nhạc có tác động kỳ diệu đối với sức khỏe tinh thần. Nếu chưa sẵn lòng chia sẻ với mọi người, bạn có thể giải tỏa cảm xúc thông qua thói quen nghe nhạc. Những bản nhạc không lời sẽ giúp xoa dịu tinh thần, giảm đi nỗi đau, cảm giác uất ức, bi quan và phiền muộn. Hiện tại, âm nhạc được xem là liệu pháp trị liệu đối với nhiều vấn đề sức khỏe như trầm cảm, rối loạn lo âu, stress,…
- Thực hiện các bài tập thư giãn tại nhà cũng sẽ giúp giảm căng thẳng hữu hiệu. Ngoài những lợi ích đối với sức khỏe tinh thần, biện pháp này còn giúp bạn nâng cao sức khỏe thể chất, giảm đau đầu, mất ngủ,…
- Ngoài những biện pháp trên, bạn cũng có thể lấy lại bình tĩnh và ổn định tinh thần thông qua một số liệu pháp khác như tắm nước ấm, massage, bấm huyệt, liệu pháp mùi hương,…
Đối với những người có tính cách yếu đuối, các biện pháp thư giãn sẽ giúp bạn giảm bớt sự nhạy cảm và mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện các biện pháp này để giảm stress, lo lắng do áp lực học tập và công việc.
4. Duy trì lối sống khoa học
Khi rơi vào trạng thái tuyệt vọng, hầu hết mọi người đều khó có thể giữ được lối sống lành mạnh. Để giải tỏa cảm xúc, nhiều người tìm đến rượu bia, thuốc lá và thậm chí là chất gây nghiện.
Ngoài ra, cảm giác đau khổ và buồn bã cũng khiến nhiều người bị mất ngủ, ăn uống kém,… Tuy nhiên, những thói quen này càng khiến cho tinh thần suy sụp và xuống dốc. Để vượt qua giai đoạn tồi tệ, bạn nên cố gắng duy trì lối sống khoa học.
Cách xây dựng lối sống khoa học giúp cải thiện tinh thần và vượt qua tình trạng hay khóc một mình:
- Cố gắng ngủ đủ giấc, tránh tình trạng thức khuya và thiếu ngủ. Sau một giấc ngủ ngon, tâm trạng nặng nề, buồn bã sẽ thuyên giảm đáng kể. Trong khi đó, nếu thường xuyên thức khuya, cả sức khỏe thể chất và tinh thần đều sẽ xuống dốc chỉ trong một thời gian ngắn.
- Tránh các thói quen thiếu khoa học như uống rượu bia, hút thuốc lá và sử dụng chất gây nghiện.
- Cố gắng ăn uống dù không cảm thấy ngon miệng. Thay vì dùng các món ăn khô, bạn có thể dùng các món salad, cháo, miến,… để kích thích vị giác. Ăn uống điều độ sẽ giúp nâng đỡ thể trạng và hỗ trợ cải thiện tâm trạng hữu hiệu.
- Nếu quá suy sụp, bạn nên xin nghỉ phép một vài ngày để có thời gian nghỉ ngơi. Khi tâm trạng khá hơn, có thể đi dạo hoặc tập thể dục để giải tỏa căng thẳng, phiền muộn,…
- Viết nhật ký để giải tỏa những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực thay vì giữ tất cả mọi thứ trong lòng. Thói quen viết nhật ký sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn và có thể hiểu hơn về chính cảm xúc của bản thân mình.
Thực tế trong giai đoạn này, sẽ rất khó để bạn có thể duy trì lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, hãy cố gắng tránh xa những thói quen xấu như hút thuốc lá, dùng rượu bia và chất gây nghiện. Ngoài ra, có thể nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, người thân để bản thân giữ được lối sống lành mạnh.
5. Tìm gặp chuyên gia tâm lý
Hay khóc một mình là dấu hiệu thường thấy ở người bị trầm cảm và sang chấn tâm lý. Các vấn đề tâm lý này cần phải được điều trị để tránh những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, nếu không thể tự mình vượt qua, bạn nên tìm gặp chuyên gia tâm lý.
Chuyên gia sẽ giúp bạn vượt qua nỗi đau về tinh thần, học cách điều chỉnh cảm xúc và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực. Ngoài ra, nếu quá áp lực với những vấn đề trong cuộc sống, chuyên gia cũng sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp thích hợp để hòa hợp trong các mối quan hệ và cải thiện chất lượng cuộc sống lâu dài.
Cuộc sống hiện đại mang đến cho con người nhiều tiện ích nhưng bên cạnh đó là tỷ lệ người bị stress và các vấn đề tâm lý tăng mạnh. Vì vậy, đừng ngần ngại tìm đến các chuyên gia tâm lý nếu bạn hay khóc một mình, uể oải, đau khổ và bi quan.
Hay khóc một mình là dấu hiệu cho thấy tinh thần đang ở trạng thái bất ổn. Nếu tình trạng không được cải thiện, bạn nên tìm gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời thay vì phải sống trong đau khổ, dằn vặt dai dẳng.
Có thể bạn quan tâm:
- Mẹ bầu hay khóc khi mang thai và những ảnh hưởng đến bé
- Nguy cơ trầm cảm vì con quấy khóc mẹ sau sinh nên biết
- Khó tập trung, hay quên là bị gì? Làm sao để khắc phục?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!