Người trẻ rạch tay do trầm cảm: Thực trạng và cách thoát khỏi
Trong thời gian gần đây, tại các trung tâm, bệnh viện chuyên khoa tâm thần đã tiếp nhận không ít các trường hợp người trẻ rạch tay do trầm cảm đến điều trị với đầy những vết rạch còn rướm máu. Các bác sĩ sức khỏe tâm thần cho biết, tỷ lệ trầm cảm ở giới trẻ hiện đang gia tăng mạnh mẽ và có rất nhiều những người bệnh chọn cách tự hủy hoại bản thân xem như một cách để giải tỏa cảm xúc tiêu cực.
Dựa vào số liệu được thống kê nhận thấy có đến hơn 80% các trường hợp học sinh, sinh viên có dấu hiệu muốn thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân. Đây thực chất là một con số đáng giật mình và cần được hỗ trợ khắc phục, ngăn chặn càng sớm càng tốt.
Kết quả nghiên cứu được thực hiện trên 1.000 em học sinh tại THCS nội thành TPHCM cho biết rằng, có đến 838 em có dấu hiệu tự ngược đãi bản thân bằng nhiều hình thức. Qua thăm khám nhận thấy phần lớn các trường hợp này đều có sự bất ổn về mặt tâm lý, trầm cảm gây nên những cảm xúc, hành vi mất kiểm soát.
Cũng dựa theo khảo sát này nhận thấy có đến hơn 4% các trường hợp học sinh có những hành vi tự hủy hoại bản thân ở mức độ nghiêm trọng. Đặc biệt hơn có nhiều em đã từng suy nghĩ về cái chết và cố gắng lên kế hoạch thực hiện hành vi tự sát của mình, trong đó có cả những vụ tử vong và tự sát không thành công.
Thực trạng người trẻ rạch tay do trầm cảm
Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy, tính từ đầu năm 2022 cho đến nay thì số lượng bệnh nhân mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trầm cảm đang có xu hướng gia tăng đáng kể. Trong đó, giới trẻ, đặc biệt là các thanh thiếu niên từ 13 đến 21 tuổi chính là đối tượng có nhiều nguy cơ mắc phải chứng bệnh này.
Với những áp lực to lớn từ học tập, thi cử, gia đình, xã hội, các mối quan hệ khiến cho các em cảm thấy vô cùng căng thẳng và lo lắng, dễ nảy sinh ra những cảm xúc, hành vi tiêu cực. Đồng thời, ở độ tuổi này, các em vẫn chưa có đủ kinh nghiệm để có thể chống chọi, phản ứng tích cực với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, vì thế việc rơi vào trạng thái stress, lo lắng, trầm cảm kéo dài là khó có thể tránh khỏi.
Trầm cảm được xem là một trong các vấn đề sức khỏe tâm thần chiếm tỷ lệ cao nhất trong cộng đồng. Đây là tình trạng bệnh khiến cho con người bị suy giảm nghiêm trọng về trạng thái cảm xúc, suy sụp tinh thần, liên tục cảm thấy buồn chán, mệt mỏi và không còn sự hứng thú, vui thích đối với tất cả các hoạt động diễn ra xung quanh cuộc sống.
Theo chia sẻ của bác sĩ Trần Minh Khuyên Trưởng khoa Tâm thể, phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 (TPHCM) trầm cảm ở giới trẻ hiện đang là vấn đề cấp thiết cần nhận được nhiều sự quan tâm của gia đình và toàn thể cộng đồng. Nếu như trước đây, phòng khám chỉ tiếp nhận khoảng 80 trường hợp người bệnh tâm thần đến chữa trị thì hiện nay con số này đã tăng lên gấp nhiều lần. Chỉ tính ở thời điểm tháng 2 của năm nay, có đến 200 bệnh nhân tìm đến vì sự bế tắc trong cuộc sống, riêng đối tượng giới trẻ, học sinh và thanh thiếu niên đã tăng lên gấp 2 lần so với những số liệu thống kê trước đó.
Nhiều bạn trẻ tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý với đầy những vết dao lam cắt, có cả những vết thương lâu ngày và cả những vết còn rướm máu trên cơ thể. Phần lớn khi tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia, các em đã cảm thấy quá mệt mỏi và bế tắc với cuộc sống, nhiều em khi đến gặp bác sĩ chỉ biết cúi mặt khóc.
Cụ thể như tình trạng của Tâm (18 tuổi) tìm đến bác sĩ với tình trạng mất ngủ triền miên, gương mặt phờ phạc và những vết xước trên tay. Đến gặp, Tâm không nói gì, hai tay khép lại như đang cố che giấu những vết rạch trên cổ tay.
Phải sau hơn 30 phút giúp bệnh nhân ổn định tâm lý, bác sĩ mới có thể nghe hết được những nỗi lòng thầm kín của Tâm. Tâm cho biết, bản thân thực chất là một học sinh giỏi của trường và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn ôn thi đại học. Tuy nhiên, trước những áp lực thi cử, sự kỳ vọng quá lớn từ gia đình, thầy cô và bạn bè khiến Tâm cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Đỉnh điểm là kỳ thi thử vừa qua, Tâm không đạt được kết quả như mong đợi nên đã khiến cho mọi người xung quanh cảm thấy vô cùng thất vọng, tồi tệ.
Tâm chia sẻ về việc bản thân đang cảm thấy nghi ngờ năng lực của chính mình, luôn tự dằn vặt bởi sự kém cỏi, bất tài. Em còn cho biết gần đây cảm thấy vô cùng cô đơn và buồn tủi, cảm giác như mọi người xung quanh đều xa lánh và không muốn gần gũi với mình.
Nói về những vết cắt trên tay, Tâm chia sẻ về việc những cảm xúc tiêu cực luôn bao quanh và dồn em vào bức tường chắn. Em cảm thấy vô cùng mệt mỏi và kiệt sức, chỉ muốn tự hủy hoại chính mình xem như một cách trừng trị, giải tỏa những tâm trạng tồi tệ đang xảy ra.
Mỗi trường hợp tìm đến hỗ trợ về bệnh tâm thần đều có những câu chuyện riêng ẩn chứa đằng sau. Chỉ cần dành thời gian để theo dõi, lướt xem các thông tin trên mạng xã hội hoặc các phương tiện truyền thông, chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp nhiều tình trạng giới trẻ tự làm đau bản thân, từ tạo nên những vết cắt hủy hoại chính mình.
Hành vi tự làm tổn thương thân thể của những bạn trẻ bị trầm cảm đôi khi là cách để họ giải tỏa cảm xúc của bản thân. Có những bạn không thể khống chế được hành động của chính mình, liên tục sử dụng dao lam để rạch tay, chân hoặc bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể và điều này giúp cho họ cảm thấy dễ chịu hơn.
Một trong những trường hợp tự ngược đãi bản thân hay được nhắc đến trong thời gian gần đây nhất đó chính là tình trạng của một nam sinh ở Thanh Hóa. Với những biến cố nặng nề đến từ gia đình khiến cho tinh thần của em bị hoảng loạn, ảnh hưởng đến kết quả học tập, cuộc sống. Em thường xuyên có những hành vi mất kiểm soát, tự đập đầu vào tường, tự dùng dao, vật sắc nhọn để hành hạ bản thân.
Tại một phòng khám chuyên khoa ở TPHCM, cũng đã ghi nhận về tình trạng của một cô bé 14 tuổi đến thăm khám, điều trị tinh thần với đầy những vết thương trên cơ thể. Qua tìm hiểu mới biết rằng, cô bé này chịu đả kích lớn từ gia đình, thường xuyên phải chứng kiến cảnh ba mẹ cãi vã, đánh đập, bạo hành lẫn nhau khiến cho tâm lý trở nên bất ổn.
Lâu dần cô trở nên nóng tính, thường xuyên đập phá đồ đạc. Một lần đập vở một bình hoa, mảnh thủy tinh khứa vào tay nhưng cô cảm thấy không đau, thậm chí điều đó còn mang đến cảm giác dễ chịu. Từ lần đó, cô bé thường xuyên đóng chặt cửa, sử dụng những mảnh chai sắc nhọn để tự giải tỏa cảm xúc bằng cách rạch khắp cơ thể.
Với những sự kiện nổi bật được chia sẻ khắp trên các trang thông tin đại chúng, sức khỏe có thể nhận thấy được thực trạng giới trẻ rạch tay do trầm cảm hiện đang là vấn đề cần được quan tâm của toàn xã hội. Tình trạng tự hủy hoại bản thân có thể nhanh chóng chuyển sang hành vi tự sát vào bất cứ thời điểm nào nếu không sớm được phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Người trẻ rạch tay do trầm cảm – Vì sao?
Có rất nhiều lý do khiến cho giới trẻ hiện nay phải rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý, căng thẳng, tổn thương tinh thần nghiêm trọng. Đặc biệt với sự phát triển vượt bậc của xã hội, giới trẻ chính là người được thừa hưởng tốt nhất về những mặt lợi ích từ môi trường sống, các thiết bị công nghệ hiện đại cùng những sự hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, song song với những điều nhận được, thế hệ gen Z hiện nay cũng phải đối mặt với với những kỳ vọng to lớn của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Mọi người đều luôn nghĩ rằng, giới trẻ khi được may mắn sống trong môi trường hòa bình, lành mạnh thì cần phải có trách nhiệm cao trong việc phát triển bản thân, cống hiến hết mình cho xã hội, cộng đồng.
Đây chính là yếu tố gây áp lực to lớn đối với nhiều bạn trẻ hiện nay. Không chỉ là áp lực về học tập, gia đình, các mối quan hệ mà còn là áp lực đến từ công việc, vị thế xã hội, điều kiện kinh tế, cách ứng xử cộng đồng. Hơn thế, những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội cũng có thể gây ra rất nhiều các tác động xấu đối với sức khỏe tinh thần của con người.
Giới trẻ, bao gồm cả học sinh, sinh viên, trẻ vị thành niên, thanh thiếu niên là những người chưa có đầy đủ các kinh nghiệm và nhận thức tốt để có thể chọn lựa thông tin tích cực, lành mạnh thông qua hàng loạt những trang mạng xã hội. Họ rất dễ tiếp xúc với những yếu tố độc hại hoặc trở thành nạn nhân của những trò chơi đả kích trên mạng.
Trong thực tế, khó có thể kể hết những nguyên do khiến cho giới trẻ hiện nay rơi vào trạng thái trầm cảm, rối loạn tâm thần bởi họ phải đối diện với rất nhiều các yếu tố gây áp lực khác nhau. Thậm chí, tình trạng suy sụp, căng thẳng thần kinh đôi khi cũng xuất phát từ chính bản thân của giới trẻ, đặc biệt là những đối tượng không được giáo dục, trang bị đầy đủ những kỹ năng chống chọi với khó khăn, thử thách.
Khi rơi vào trạng thái trầm cảm, người bệnh dường như không thể kiểm soát tốt về cảm xúc của chính mình, họ rất dễ bị chi phối về hành vi và thực hiện các hành động tiêu cực, trong đó phổ biến nhất là tự hủy hoại bản thân, rạch tay chân. Theo như chia sẻ của các chuyên gia tâm lý thì hành vi giới trẻ rạch tay do trầm cảm có thể xuất phát từ những lý do sau:
- Để giải tỏa cảm xúc tiêu cực: Đây có thể là một trong các nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho nhiều người lựa chọn cách tự ngược đãi bản thân khi cảm thấy tồi tệ, mệt mỏi. Phần lớn người bệnh chia sẻ rằng, khi sử dụng các vật sắc nhọn như dao lam, mảnh chai, kim tiêm để đâm vào cơ thể, họ hoàn toàn không cảm thấy đau đớn, thay vào đó lại là sự thỏa mãn, hài lòng. Hành động này giúp họ giải tỏa được những cơn tức giận, những cảm xúc tiêu cực và mang đến sự nhẹ nhõm, thoải mái, yên tâm nên họ càng có xu hướng muốn tự tổn thương chính mình xem như một cách điều chỉnh cảm xúc.
- Tự trừng phạt chính mình: Người mắc phải bệnh trầm cảm thường luôn có cảm giác tội lỗi, tự dằn vặt bản thân và cho rằng mình là kẻ bất tài, vô dụng, kém cỏi. Chính vì điều này, họ cũng có nhiều xu hướng muốn trừng phạt chính mình bằng cách tự gây tổn thương cho bản thân, tự giày vò thân xác bằng những vết thẹo trên da thịt.
- Gây chú ý đến những người xung quanh: Đây cũng có thể là một trong các lý do khiến cho giới trẻ có nhiều xu hướng muốn rạch tay, ngược đãi bản thân. Một số trường hợp trầm cảm do thiếu sự quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ từ gia đình, người thân nên khi rơi vào trạng thái bế tắc, họ càng muốn tự hành hạ chính mình với mong muốn nhận được một chút quan tâm, chú ý hay có thể làm ai đó cảm thấy buồn.
- Do cảm giác cô đơn: Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần cũng cho biết rằng, sự trầm cảm, cảm thấy trống trãi, cô đơn, tiêu cực, cảm giác chơ vơ, mất định hướng, mất tập trung cũng có thể thôi thức hành vi tự tổn thương, tự hủy hoại bản thân của nhiều người bệnh.
Người trẻ rạch tay do trầm cảm và những câu chuyện thương tâm
Trong thực tế thì hành vi rạch tay do ảnh hưởng của bệnh trầm cảm chỉ gây đau đớn nhức thời, thậm chí nhiều trường hợp còn cảm thấy không hề đau đớn mà còn thỏa mãn với cảm giác đó. Mặc dù không gây tử vong ngay lập tức nhưng hành vi tự hủy hoại bản thân này cũng được xếp chung với nhóm tự sát do trầm cảm.
Những người “nghiện” ngược đãi bản thân bằng hành vi tự rạch tay vẫn có thể đe dọa đến mạng sống do tình trạng mất máu quá nhiều. Đặc biệt hơn, hành vi này thường tồn tại ở một nhóm người chứ không riêng ở mỗi cá nhân và gây ra những hệ lụy vô cùng to lớn.
Với sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của công nghệ, mạng xã hội hiện nay, giới trẻ có đủ điều kiện để tiếp xúc và ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực trên các trang mạng. Việc rạch tay, hành hạ bản thân được chia sẻ tràn lan trên các trang thông tin điện tử có thể trở thành “trào lưu” của giới trẻ, đặc biệt là những thanh thiếu niên đang gặp phải các vấn đề về tinh thần.
Rất nhiều bạn trẻ do chưa đủ nhận thức, kinh nghiệm và chín chắn trong suy nghĩ nên dễ có những hành vi tiêu cực gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Họ không có đủ năng lực và kỹ năng giải quyết khó khăn, căng thẳng nên có nhiều xu hướng “học” theo các lối phản ứng tiêu cực, tự ngược đãi bản thân.
Chỉ trong một thời gian ngắn đã xuất hiện hàng loạt vụ học sinh, sinh viên tự sát, thực hiện hành vi kết liễu mạng sống khiến cho nhiều người cảm thấy vô cùng ám ảnh và thương tâm. Gần đây, một nam sinh lớp 10 chuyên toán tại trường THPT Bắc Kạn đã đã được phát hiện với tư thế thắt cổ trong phòng ký túc xá. Mặc dù đã được cấp cứu nhưng em vẫn không thể thoát khỏi cửa tử.
Trước đó, cũng đã xảy ra một vụ tự sát thương tâm của một nữ sinh rơi từ tầng cao của một chung cư tại Mỹ Đình, Hà Nội. Theo quá trình điều tra nhận thấy nữ sinh có sử dụng một vỉ thuốc ngủ và gia đình cũng chia sẻ về việc nạn nhân có xuất hiện các triệu chứng trầm cảm. Sau khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng cũng tìm thấy một bức thư tuyệt mệnh nói rõ về nguyên nhân tự sát.
Cũng liên tục ở thời điểm đó, một nữ sinh 13 tuổi tại Hà Nội đã được cấp cứu ở Bệnh viện Nhi trung ương do sử dụng 2 gói thuốc trừ sâu. Theo như chia sẻ, thời gian dài trước đó em liên tục bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt trên lớp nên dần hình thành tâm lý xấu hổ, căng thẳng, tự ti và lo lắng. Do không được chia sẻ và không tìm kiếm được sự giúp đỡ, em đã có ý định tự sát để giải thoát cho bản thân.
Một trong những vụ nhận được nhiều sự quan tâm nhất của cộng đồng mạng đó chính là trường hợp của nam sinh trường chuyên Hà Nội lựa chọn cách nhảy lầu tự sát trước sự ngỡ ngàng, bàng hoàng của người bố. Đoạn video ghi lại cảnh trò chuyện giữa nạn nhân và bố, cùng với hành vi nhảy lầu tự sát khiến nhiều người ám ảnh.
Trước khi rời khỏi thế giới này, em cũng đã để lại một bức thư với những chia sẻ chân thực về cảm xúc, áp lực và khó khăn mà bản thân đã phải chịu đựng trong thời gian qua. Chính những sự bày tỏ này cũng là nỗi ám ảnh to lớn của bậc sinh thành, gây nên những tiếc nuối, ân hận khó có thể giải tỏa.
Có thể thấy rằng, sự ảnh hưởng của sức khỏe tinh thần đối với đời sống của mỗi con người là vô cùng to lớn. Trong các buổi tọa đàm cùng với những nhà nghiên cứu, bác sĩ chuyên khoa tâm thần cho biết, phần lớn các trường hợp tự sát hiện nay đều xuất phát từ sự rối loạn sức khỏe tâm thần. Đặc biệt hơn, trầm cảm chính là căn bệnh phổ biến nhất và nó thường xuyên xuất hiện ở giới trẻ.
Cách ngăn chặn tình trạng rạch tay do trầm cảm ở người trẻ
“Một đứa trẻ cắt tay, là đã chuyển từ giai đoạn lo âu sang trầm cảm, muốn giải tỏa nỗi đau tinh thần bằng cách chuyển sang nỗi đau thể xác. Trẻ có thể chia sẻ cảm giác bế tắc vào các hội nhóm trên mạng và “khoe” hành động của mình. Nếu để lâu dần, từ giai đoạn trên sẽ chuyển tiếp sang tự sát thật hoặc trẻ có thể bỏ nhà đi, như một cách vùng lên, “nổi loạn” để người lớn quan tâm đến ý muốn chính đáng của mình” – đây là lời cảnh báo vô cùng thiết thực từ các chuyên gia tâm lý.
Để có thể ngăn chặn được tình trạng rạch tay do trầm cảm ở người trẻ thực chất cần phải có sự kết hợp của nhiều bộ phận khác nhau trong xã hội. Bản thân trẻ phải được nâng cao ý thức nhiều hơn về việc bảo vệ sức khỏe tinh thần, trang bị đầy đủ các kỹ năng để chống chọi lại với những căng thẳng, thách thức trong cuộc sống.
Đồng thời, gia đình, thầy cô, xã hội cũng cần phải có sự quan tâm đúng mực đối với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Đặc biệt là những trẻ đang trong giai đoạn dậy thì, vị thành niên, thanh thiếu niên càng phải được đặc biệt quan tâm và tạo môi trường tốt để trẻ học tập, duy trì tinh thần tích cực, lạc quan.
Tình trạng rạch tay, tự hủy hoại bản thân ở nhiều giới trẻ hiện nay thực chất cũng đều có liên quan đến sự thờ ơ, thiếu quan tâm của chính cha mẹ, gia đình. Thay vì dành cho con cái sự thấu hiểu, các bậc phụ huynh lại cho rằng trẻ hư hỏng, thường xuyên chửi mắng và gây áp lực khiến trẻ khó có thể vượt qua được những rào cản tâm lý, dần trở nên cô đơn và tuyệt vọng.
Vì thế, các bác sĩ chuyên khoa luôn chia sẻ và mong muốn các bậc phụ huynh, gia đình cần có sự hiểu biết rõ hơn về các vấn đề sức khỏe tinh thần ở giới trẻ. Ba mẹ đừng nghĩ rằng con đang “giả bệnh” hoặc có tâm lý tạo áp lực để giúp con đạt được thành công.
Gia đình cần có sự quan tâm, chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn, cảm xúc và suy nghĩ của trẻ. Hãy luôn khuyến khích con nói ra những nỗi lòng của bản thân, tôn trọng lời nói và những cảm xúc riêng biệt của con để trở thành một người bạn đồng hành cùng sức khỏe của con.
Bên cạnh đó, đối với các trường hợp trẻ mắc phải bệnh trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, trẻ liên tục có những hành vi ngược đãi chính mình thì cũng cần được hỗ trợ can thiệp tâm lý để khắc phục hiệu quả. Với những sự bất ổn về tinh thần, giới trẻ sẽ được chuyên gia tâm lý chia sẻ, lắng nghe và tháo gỡ tất cả các nút thắt để giải tỏa về những cảm xúc, tổn thương thầm kín.
Khi nhận thấy con có những biểu hiện bất thường về tâm lý hoặc những hành vi tiêu cực xảy ra thì các bậc phụ huynh cũng nên chủ động tìm kiếm các địa chỉ, trung tâm, bệnh viện uy tín để con được thăm khám, hỗ trợ kịp thời.
Người trẻ rạch tay do trầm cảm quả thực là một trong các thực trạng đáng báo động của xã hội hiện nay. Mong rằng qua những chia sẻ trong bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần và từng bước nâng cao nhận thức của bản thân về việc phòng tránh, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm:
- Thực Trạng Trầm Cảm Ở Trẻ Vị Thành Niên Và Biện Pháp Phòng Tránh
- Thực trạng trầm cảm do mạng xã hội: Giới trẻ cần sớm thức tỉnh
- Cách nói chuyện với người trầm cảm: 12 điều khắc cốt ghi tâm
- Trầm cảm ở giới trẻ: Thực trạng và giải pháp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!