Chăm sóc và phục hồi chức năng cho bệnh nhân động kinh

Ngoài các phương pháp y tế, gia đình nên lập kế hoạch chăm sóc cho bệnh nhân động kinh để hỗ trợ quá trình điều trị. Chăm sóc đúng cách giúp nâng cao sức khỏe, hạn chế tần suất các cơ co giật và giúp phục hồi những chức năng cần thiết như học tập, lao động, hòa nhập xã hội,…

Lập kế hoạch chăm sóc, phục hồi chức năng cho bệnh nhân động kinh

Động kinh là bệnh lý mãn tính xảy ra do rối loạn hệ thần kinh trung ương. Bệnh lý này có thể gặp ở mọi lứa tuổi với nguyên nhân chưa rõ ràng. Do đó, điều trị bệnh còn nhiều thách thức và khó khăn. Trên thực tế, chỉ có một số bệnh nhân điều trị khỏi hẳn và đa phần những trường hợp còn lại với sống chung với bệnh lâu dài.

Thực tế, người bị động kinh có đủ năng lực để học tập, làm việc và duy trì cuộc sống như bình thường. Phiền toái lớn nhất mà họ gặp phải là sự xuất hiện của các cơn co giật một cách đột ngột và không có yếu tố báo trước. Điều này khiến bệnh nhân mặc cảm, nhút nhát, e ngại và sống khép kín.

Bên cạnh các phương pháp điều trị, gia đình nên lập kế hoạch chăm sóc để bệnh nhân phục hồi sức khỏe và có động lực quay trở lại cuộc sống. Ngoài ra, sự hỗ trợ của gia đình cũng giúp người bệnh phục hồi chức năng học tập, làm việc, giao tiếp và dần ổn định cuộc sống. Theo thống kê, hơn 70% bệnh nhân động kinh có thể sống, học tập và làm việc bình thường nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách.

Dưới đây là một số gợi ý giúp gia đình dễ dàng hơn khi lên kế hoạch chăm sóc và phục hồi chức năng cho bệnh nhân động kinh:

1. Biết cách xử lý khi bệnh nhân lên cơn động kinh

Bệnh động kinh có triệu chứng đa dạng và mức độ có sự khác biệt ở từng trường hợp. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân đều gặp phải các cơn co giật do một nhóm tế bào thần kinh trung ương phóng điện quá mức. Đặc điểm của cơn co giật do động kinh là lặp đi lặp lại, tái phát nhiều lần và xảy ra không có yếu tố báo trước.

Về bản chất, các cơ giật do động kinh gần như là vô hại. Sau khoảng 1 – 3 phút, các cơn sẽ thuyên giảm, bệnh nhân lấy lại ý thức và trở lại trạng thái tỉnh táo, bình thường. Tuy nhiên, nhiều người hiểu sai về bản chất của các cơn co giật dẫn đến việc xử trí không đúng cách.

Khi bệnh nhân lên cơn động kinh, cần giữ bình tĩnh và xử lý nhanh theo đúng hướng dẫn để đảm bảo bệnh nhân không bị chấn thương, va chạm và không bị ngạt đường thở. Không chỉ riêng gia đình mà thầy cô giáo, bạn bè và đồng nghiệp của bệnh nhân đều nên trang bị kiến thức để áp dụng khi cần.

chăm sóc cho bệnh nhân động kinh
Học cách xử lý cơn co giật là điều đầu tiên cần trang bị khi chăm sóc cho bệnh nhân động kinh

Cách xử lý khi bệnh nhân lên cơn động kinh:

  • Trước tiên, cần đỡ bệnh nhân nằm xuống mặt phẳng như giường, sàn nhà,… Thu dọn những vận nhọn, cứng có thể gây thương tích xung quanh khu vực bệnh nhân nằm để tránh chấn thương.
  • Sau đó, nới lỏng quần áo, bỏ khăn choàng, mắt kính hoặc bất cứ vật gì có thể cản trở hô hấp và có khả năng gây thương tích.
  • Đặt gối hoặc xếp áo khoác kê sau đầu cho bệnh nhân để tránh chấn thương. Kế tiếp, nên đặt bệnh nhân nằm nghiêng một bên để đờm dãi, nước bọt chảy ra ngoài.
  • Ở bên cạnh người bệnh cho đến khi cơn động kinh đi qua và bệnh nhân trở lại trạng thái bình thường.

Khi bệnh nhân lên cơn co giật, tuyệt đối khi ghì, đè hay ép bệnh nhân uống thuốc, ăn hoặc uống nước. Nên đợi cơn co giật đi qua trước khi cho người bệnh ăn uống để tránh tình trạng ngạt thở và tử vong.

Gia đình nên theo dõi thời gian của từng cơn và ghi chép lại để thuận tiện cho việc tái khám. Nếu cơn co giật kéo dài quá 5 phút, nên đưa bệnh nhân nhập viện để phát hiện sớm các vấn đề bất thường.

2. Đồng hành với người bệnh trong quá trình điều trị

Sự hỗ trợ và đồng hành của gia đình là “liều thuốc” quan trọng đối với bệnh nhân động kinh. Quá trình điều trị bệnh lý này thường mất vài năm cho đến suốt đời. Do đó, bệnh nhân dễ nản chí, bỏ dở điều trị và từ chối đến gặp bác sĩ.

Gia đình nên đồng hành cùng người bệnh trong suốt quá trình thăm khám và điều trị để tiếp thêm động lực cho họ. Khi bệnh nhân đã ổn định, có thể để họ tự đến tái khám. Tuy nhiên, gia đình nên liên lạc với bác sĩ để chắc chắn người bệnh có đến bệnh viện đầy đủ.

3. Nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân

Khi bị chẩn đoán mắc bệnh động kinh, không ít bệnh nhân rơi vào trạng thái stress, lo âu và thậm chí là trầm cảm. Ngoài ra, sự xuất hiện của các cơn co giật không báo trước cũng khiến người bệnh phải đối mặt với ánh nhìn soi mói, thiếu thiện cảm từ những người xung quanh.

Nâng đỡ tinh thần là một phần quan trọng trong kế hoạch chăm sóc và phục hồi chức năng cho bệnh nhân động kinh. Gia đình nên bày tỏ tình yêu thương, sự quan tâm thông qua lời nói và hành động. Ngoài ra, nên trao đổi với những người xung quanh để mọi người thấu hiểu hơn về bệnh động kinh, qua đó có cách ứng xử và thái độ phù hợp.

Tinh thần ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả điều trị. Tinh thần vui vẻ, thoải mái có thể giảm đáng kể tần suất của các cơn động kinh và giúp bệnh nhân có động lực tiếp tục điều trị. Ngoài những lời nói động viên, gia đình cũng nên khuyến khích bệnh nhân tìm niềm vui trong cuộc sống thông qua những hoạt động như vẽ tranh, nghe nhạc, đan len, chơi thể thao, chơi với thú cưng, chăm sóc cây cối,…

4. Hướng dẫn bệnh nhân tự chăm sóc bản thân

Động kinh xảy ra do rối loạn thần kinh trung ương có thể có hoặc không đi kèm với tổn thương thực thể. Đa phần người mắc chứng bệnh này vẫn có thể tự chăm sóc bản thân. Do đó, gia đình nên tránh tâm lý quan tâm thái quá. Thay vào đó, nên hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc bản thân (đặc biệt là trẻ em).

chăm sóc cho bệnh nhân động kinh
Nên khuyến khích trẻ tự ăn uống, tắm rửa và chăm sóc cho bản thân

Đối với trẻ nhỏ, nên dạy trẻ tự vệ sinh cá nhân, tự ăn uống và dặn dò để trẻ đi lại an toàn (nên đi bộ, tránh các phương tiện như xe đạp, trượt patin vì có thể dẫn đến tai nạn nếu cơn động kinh bộc phát). Với những hoạt động khó hơn, gia đình cần động viên và hướng dẫn từng bước để trẻ có động lực hoàn thành.

Người lớn bị động kinh do chấn thương sọ não hoặc tai biến sẽ được phục hồi chức năng tại bệnh viện. Khi trở về nhà, gia đình nên hỗ trợ để người bệnh có thể tự thực hiện những hoạt động đơn giản như tắm rửa, đánh răng, tự ăn uống,… Sau khi sức khỏe đã ổn định, người lớn có thể tham gia các công việc gia đình và quay trở lại làm việc.

5. Đảm bảo bệnh nhân tránh xa những nơi không an toàn

Như đã đề cập, các cơn co giật do động kinh gây ra có thể bộc phát mà không có yếu tố báo trước. Do đó, không ít bệnh nhân bị tai nạn giao thông, đuối nước, bỏng và chấn thương do té ngã. Vì vậy, gia đình cần đảm bảo bệnh nhân được sống, vui chơi và học tập trong môi trường an toàn.

Trước tiên, cần trao đổi với nhà trường để đảm bảo trẻ được học ở những lớp nằm ở tầng trệt, không học bơi lội hoặc phải có người theo sát,… nhằm hạn chế những tình huống ngoài ý muốn. Ngoài ra, nên giáo dục trẻ tránh xa môi trường nước, lửa và những nơi cao để tự bảo vệ bản thân. Người lớn bị động kinh cũng cần được trang bị những kiến thức này để hạn chế tối đa chấn thương, tai nạn trong các cơn co giật.

6. Hướng dẫn người bệnh xây dựng lối sống lành mạnh

Não bộ của bệnh nhân động kinh rất dễ bị kích thích và nhạy cảm quá mức. Để hạn chế tần suất của các cơn co giật, gia đình nên hướng dẫn bệnh nhân xây dựng lối sống khoa học. Lối sống lành mạnh giúp ổn định hoạt động của não bộ, từ đó giảm tình trạng phóng điện quá mức và tránh bộc phát cơn co giật.

chăm sóc cho bệnh nhân động kinh
Khi chăm sóc cho bệnh nhân động kinh, nên hướng dẫn người bệnh xây dựng lối sống lành mạnh và khoa học

Lối sống khoa học dành cho người bị động kinh:

  • Khuyên bệnh nhân ngủ sớm và ngủ đủ giấc để ổn định đồng hồ sinh học. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm các rối loạn, bất thường bên trong não bộ. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, chất lượng giấc ngủ có mối liên hệ mật thiết với tần suất của các cơn co giật do động kinh gây ra.
  • Cần kiêng cữ rượu bia, cai thuốc lá và không sử dụng thức uống chứa caffeine. Cồn trong rượu bia, nicotine trong thuốc lá và caffeine đều là những chất gây hưng phấn hoặc ức chế hệ thần kinh trung ương. Tình trạng này làm gia tăng những bất thường trong não bộ và khiến các cơn co giật xuất hiện thường xuyên hơn.
  • Hạn chế căng thẳng trong cuộc sống bằng cách học tập, làm việc có kế hoạch. Gia đình cũng nên khuyến khích bệnh nhân tập thể dục đều đặn để giải tỏa stress và ổn định tinh thần.

Lối sống khoa học không chỉ giúp hạn chế tần suất của các cơn co giật mà còn giúp nâng cao sức khỏe tổng thể và phòng tránh suy nhược, mệt mỏi.

7. Áp dụng chế độ ăn đặc biệt

Chế độ dinh dưỡng là một phần quan trọng trong kế hoạch chăm sóc bệnh nhân động kinh. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, chế độ ăn cân bằng giúp giảm hiện tượng phóng điện quá mức ở các tế bào thần kinh và hạn chế phần nào tần suất của các cơn co giật. Ngoài ra, dinh dưỡng hợp lý còn giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe và tăng cường hoạt động của não bộ.

Khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân động kinh, gia đình nên tìm hiểu người bị động kinh nên ăn gì và kiêng gì. Trong trường hợp bệnh nhân có hiện tượng kháng thuốc, gia đình có thể trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn Keto hoặc chế độ ăn Atkins. Hai chế độ ăn này đã được chứng minh có thể làm giảm các cơn co giật, đồng thời cải thiện sức khỏe tim mạch và ổn định đường huyết cho bệnh nhân động kinh.

phục hồi chức năng cho bệnh nhân động kinh
Nếu cần thiết, gia đình nên giúp bệnh nhân động kinh xây dựng chế độ ăn đặc biệt để kiểm soát bệnh hiệu quả

Việc thay đổi chế độ ăn đột ngột có thể khiến người bệnh chán ăn, bỏ ăn dẫn đến sụt cân và suy nhược. Do đó, gia đình nên giúp người bệnh thay đổi từ từ bằng cách hạn chế các loại thức ăn, đồ uống có hại và tăng các thực phẩm lành mạnh. Khi bệnh nhân đã thích ứng, có thể thực hiện các chế độ ăn đặc biệt để kiểm soát bệnh tốt hơn.

8. Động viên người bệnh hòa nhập xã hội

Người bị động kinh không có khiếm khuyết về khả năng giao tiếp và tương tác xã hội như bệnh nhân tự kỷ. Tuy nhiên, các cơn co giật xảy ra liên tiếp khiến người bệnh trở nên căng thẳng, lo âu, nhút nhát và tự ti. Do đó, đa phần bệnh nhân đều sống khép kín và không giao tiếp vì lo sợ bị trêu chọc, bàn tán.

Gia đình nên khuyến khích trẻ vui chơi, học tập và tham gia các hoạt động phù hợp với lứa tuổi. Tốt nhất, bố mẹ và anh chị em nên tham gia cùng để trẻ cảm thấy an tâm hơn. Người lớn bị động kinh có thể tham gia các hoạt động xã hội để nuôi dưỡng tình yêu thương và sự đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Ý nghĩa từ hoạt động thiện nguyện sẽ tiếp thêm cho họ động lực để sống trọn vẹn và kiên trì trong quá trình điều trị.

9. Hỗ trợ bệnh nhân tìm công việc phù hợp

Công việc là một phần tất yếu của cuộc sống. Vì vậy sau khi bệnh ổn định, gia đình có thể liên hệ với các trung tâm xã hội để tìm kiếm công việc phù hợp cho bệnh nhân. Thông qua công việc, bệnh nhân sẽ tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, tự tin hơn và dễ dàng hòa nhập với xã hội.

Khi tinh thần vui vẻ, lạc quan, tế bào thần kinh trong não bộ sẽ hoạt động ổn định hơn và tần suất các cơn co giật sẽ giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, phải tìm công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe để tránh những tình huống ngoài ý muốn.

phục hồi chức năng cho bệnh nhân động kinh
Khuyến khích bệnh nhân động kinh tìm kiếm công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe

Một số lưu ý khi lựa chọn công việc cho bệnh nhân động kinh:

  • Tránh lựa chọn những công việc quá nặng nhọc vì có thể gây suy nhược và mệt mỏi. Ngoài ra, các công việc này còn gây đổ nhiều mồ hôi, làm rối loạn điện giải và ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động của não bộ.
  • Không chọn các công việc làm theo ca – đặc biệt là không lựa chọn công việc làm vào ban đêm. Giờ giấc làm việc không ổn định gây đảo lộn chế độ sinh hoạt và làm rối loạn đồng hồ sinh học.
  • Không làm việc ở những nơi gần lửa (đầu bếp, cứu hỏa), môi trường nước (nhân viên cứu hộ hồ bơi), làm việc trên cao và công việc phải vận hành máy móc, phương tiện giao thông. Những công việc này có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân nếu cơn co giật xuất hiện một cách đột ngột.
  • Lựa chọn những công việc nhẹ nhàng và không bị áp lực như chăm sóc thú cưng, nhân viên thu ngân, bán hàng, làm việc tại các trung tâm xã hội, nhân viên chăm sóc cây cối,…

Chăm sóc bệnh nhân động kinh đúng cách giúp ích rất nhiều trong quá trình điều trị. Các thành viên trong gia đình nên cố gắng xây dựng môi trường sống lành mạnh, vui vẻ để người bệnh được tiếp thêm động lực và mạnh mẽ vượt qua bệnh tật. Bên cạnh đó, nên trang bị cho bệnh nhân những kỹ năng cần thiết để dễ dàng hòa nhập và tăng cơ hội khi tìm kiếm việc làm.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *