Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD): Cách nhận biết và chữa trị

Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD) là chứng rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến khoảng 2 – 3% dân số nói chung. Người mắc chứng HPD có nhu cầu được chú ý quá mức nên thường cư xử một cách không phù hợp. Điều này gây ra rất nhiều ảnh hưởng tồi tệ cho các mối quan hệ xã hội, công việc và cuộc sống thường ngày.

rối loạn nhân cách kịch tính
Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD) là chứng rối loạn tâm thần đặc trưng bởi nhu cầu tìm kiếm sự chú ý quá mức

Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD) là gì?

Rối loạn nhân cách kịch tính (Histrionic personality disorder – HPD) là một chứng rối loạn tâm thần đặc trưng bởi mô hình cảm xúc cực đoan và hành vi tìm kiếm sự chú ý quá mức. HPD thường bắt đầu ở tuổi trưởng thành sớm, rối loạn này thể hiện rất rõ ràng trong các tình huống khác nhau.

HPD là một trong 10 chứng rối loạn nhân cách được DSM-5 công nhận. Nó được phân loại là một trong những chứng rối loạn thuộc nhóm B với các đặc điểm là kịch tính, quá xúc động, thất thường.

Những người bị HPD thường có hình ảnh tinh thần bị bóp méo về bản thân. Họ có xu hướng đặt lòng tự trọng của mình dựa trên sự tán thành từ phía người khác. Điều này sẽ tạo ra một nhu cầu được chú ý và những người bị HPD có thể dùng tới những “trò hề kịch tính” để đáp ứng nhu cầu này.

Số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 9% dân số có ít nhất một chứng rối loạn nhân cách. Trong đó tỷ lệ mắc chứng rối loạn nhân cách kịch tính trong dân số nói chung là khoảng 2 – 3%. Rối loạn này đặc trưng bởi cảm xúc nông cạn đi kèm với hành vi tìm kiếm sự chú ý và thao túng.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Phụ nữ có nguy cơ được chẩn đoán mắc chứng HPD cao gấp 4 lần so với nam giới. Tuy nhiên nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ có thể bị chẩn đoán quá mức với chứng rối loạn này so với nam giới. Nguyên nhân là do xu hướng tình dục ít được xã hội chấp nhận hơn đối với phụ nữ. Ngoài ra, nam giới có thể ít thông báo về các triệu chứng của mình hơn nên ít được chẩn đoán.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách kịch tính

Biểu hiện chính của những người bị rối loạn nhân cách kịch tính là họ thường hành động theo cách rất kịch tính và xúc động để thu hút sự chú ý về bản thân. Có thể rất khó để nhận ra ai đó mắc chứng rối loạn nhân cách này bởi họ thường là những cá nhân hoạt động năng nổ và có thành tích tốt ở nơi làm việc/ trường học.

biểu hiện rối loạn nhân cách kịch tính
Người mắc chứng HPD thường thể hiện hành vi quyến rũ một cách không phù hợp, thậm chí là lố bịch

Dưới đây là một số dấu hiệu giúp nhận biết một người đang bị ảnh hưởng bởi HPD:

  • Hay tỏ ra khó chịu, trừ khi họ là trung tâm của sự chú ý
  • Ăn mặc khiêu khích hoặc thích thể hiện hành vi quyến rũ hay tán tỉnh một cách không phù hợp
  • Thay đổi cảm xúc một cách nhanh chóng
  • Quá quan tâm đến ngoại hình
  • Hay diễn đạt rất kịch tính, như thể đang biểu diễn trước khán giả, với những cảm xúc và biểu cảm cường điệu nhưng dường như có vẻ thiếu chân thành
  • Liên tục tìm kiếm sự chấp thuận hoặc sự trấn an
  • Cả tin và rất dễ bị ảnh hưởng bởi người khác
  • Quá nhạy cảm với những lời phản đối hoặc chỉ trích
  • Không suy nghĩ trước khi hành động
  • Có khả năng chịu đựng sự thất vọng thấp và rất dễ bị nhàm chán theo thói quen. Thường bắt đầu các dự án mà không hoàn thành chúng hoặc có thể bỏ qua từ sự kiện này sang sự kiện khác
  • Đưa ra quyết định một cách hấp tấp, không có sự suy nghĩ thấu đáo
  • Tự cho mình là trung tâm, rất hiếm khi thể hiện sự quan tâm tới người khác
  • Gặp khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ, thường tỏ ra nông cạn hoặc giả tạo trong giao tiếp với người khác
  • Đe dọa hoặc cố gắng tự tử nhằm thu hút sự chú ý

Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách kịch tính

Rất ít nghiên cứu đã được thực hiện để tìm kiếm bằng chứng về những yếu tố đã gây ra rối loạn nhân cách kịch tính. Cho đến nay, nguyên nhân trực tiếp vẫn chưa thể kết luận. Tuy nhiên, các lý thuyết và nghiên cứu khác nhau cho thấy nhiều yếu tố có thể liên quan. Điển hình như bản chất hóa thần kinh, di truyền, phân tâm học hay môi trường. Cụ thể như sau:

1. Hóa chất thần kinh/ sinh lý học

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mối tương quan chặt chẽ giữa chức năng của các chất dẫn truyền thần kinh với các rối loạn nhân cách thuộc nhóm B. Trong đó có chứng rối loạn nhân cách kịch tính (HPD).

Những người được chẩn đoán mắc chứng HPD có hệ thống noradrenergic đáp ứng cao, có thể chịu trách nhiệm tổng hợp, lưu trữ và giải phóng chất dẫn truyền thần kinh. Cụ thể là norepinephrine. Mức độ norepinephrine cao có thể dẫn tới dễ lo lắng, quá hòa đồng và phụ thuộc.

2. Di truyền và yếu tố gia đình

Trên thực tế, một số gia đình có tiền sử mắc chứng rối loạn nhân cách kịch tính. Điều này cho thấy, về mặt lý thuyết HPD có thể được giải thích một phần là do di truyền. Bên cạnh đó, con cái của các bậc cha mẹ bị HPD cũng có thể chỉ thể hiện các hành vi mà chúng học được từ cha mẹ.

nguyên nhân gây rối loạn nhân cách kịch tính
Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan giữa rối loạn nhân cách kịch tính và yếu tố di truyền

Ngoài ra, cũng có thể do thiếu kỷ luật hay tích cực củng cố các hành vi kịch tính trong thời thơ ấu là nguyên nhân dẫn tới sự phát triển của HPD. Một đứa trẻ có thể học các hành vi HPD giống như một cách để thu hút sự chú ý từ cha mẹ của chúng.

3. Yếu tố môi trường

Những yếu tố xung quanh như nơi bạn sinh ra và lớn lên, mối quan hệ với gia đình và những người xung quanh, các sự kiện có liên quan đến cuộc sống của bạn cũng có thể là những yếu tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành nhân cách. Nếu bạn sở hữu sẵn một gen di truyền dễ bị tổn thương và phải chịu tác động từ cuộc sống thì nguy cơ bị HPD sẽ cao hơn.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ bị rối loạn nhân cách kịch tính. Bao gồm:

  • Tiền sử gia đình bị rối loạn tâm thần, rối loạn nhân cách hay sử dụng chất kích thích
  • Phong cách nuôi dạy con cái, quá nuông chiều hoặc ranh giới đặc biệt không nhất quán
  • Chấn thương thời thơ ấu
  • Từng bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn hành vi
  • Không nhận được sự quan tâm từ người thân và bạn bè
  • Cuộc sống gia đình có sự xáo trộn
  • Bị hạn chế về mặt giáo dục, địa vị xã hội thấp, kinh tế kém

Rối loạn nhân cách kịch tính và các ảnh hưởng

Rối loạn nhân cách kịch tính có thể gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội hay tình cảm của một người. Một người mắc chứng rối loạn này đôi khi không thể đối phó được với những mất mát hoặc thất bại,

Trên thực tế, người bị HPD có thể thay đổi công việc thường xuyên do buồn chán và không thể giải quyết được nỗi thất vọng. Họ cũng có thể khao khát những điều hứng thú và mới mẻ, điều này rất dễ dẫn tới các tình huống rủi ro. Tất cả những yếu tố này đều có thể làm tăng khả năng bị trầm cảm hoặc suy nghĩ tự tử cao hơn.

ảnh hưởng của rối loạn nhân cách kịch tính
Rối loạn nhân cách kịch tính tiến triển nặng có thể làm gia tăng suy nghĩ tự sát

Chẩn đoán rối loạn nhân cách kịch tính

Không có xét nghiệm cụ thể nào có thể được dùng để chẩn đoán HPD. Nếu bạn gặp rắc rối với các triệu chứng của mình thì nên tìm gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể bắt đầu bằng cách xem xét bệnh sử đầy đủ. Họ có thể thực hiện một cuộc kiểm tra sức khỏe nhằm loại trừ bất cứ vấn đề thể chất nào có thể gây ra triệu chứng của bạn.

Nếu bác sĩ của bạn không tìm thấy nguyên nhân thực thể cho các triệu chứng thì họ có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ tâm thần. Các bác sĩ tâm thần được đào tạo đặc biệt và có khả năng nhận biết cũng như điều trị các rối loạn tâm lý.

Bác sĩ tâm thần có thể sử dụng các câu hỏi của chuyên gia để có được cái nhìn rõ ràng về lịch sử hành vi của bạn. Việc đánh giá chính xác các hành vi sẽ giúp cho bác sĩ đưa ra chẩn đoán cụ thể.

Tuy nhiên, hầu hết những người mắc chứng rối loạn nhân cách kịch tính đều không tin rằng họ cần sự trợ giúp. Điều này khiến cho việc chẩn đoán trở nên khó khăn. Nhiều người bị HPD có thể nhận được chẩn đoán sau khi họ điều trị trầm cảm hoặc lo lắng. Thường là sau một mối quan hệ thất bại hay các xung đột cá nhân khác.

Theo tiêu chí DSM-5, chẩn đoán rối loạn nhân cách kịch tính đòi hỏi một mô hình phổ biến của các hành vi tìm kiếm sự chú ý nhất quán và rối loạn điều hòa cảm xúc được nêu bằng các biểu hiện cụ thể. Chẩn đoán yêu cầu đáp ứng 5 (hoặc nhiều hơn) các tiêu chí sau:

  • Không thoải mái khi bản thân không phải là trung tâm của sự chú ý
  • Cảm xúc thay đổi và nông cạn
  • Hành vi quyến rũ hoặc khiêu khích
  • Sử dụng ngoại hình nhằm thu hút sự chú ý
  • Lời nói đầy ấn tượng và mơ hồ
  • Cảm xúc cường điệu hoặc kịch tính
  • Coi các mối quan hệ thân thiết hơn thực tế
  • Dễ bị ảnh hưởng bởi những người khác

Ngoài ra, chứng rối loạn nhân cách kịch tính cần phải chẩn đoán phân biệt với một số rối loạn khác. Chẳng hạn như:

  • Rối loạn nhân cách ranh giới
  • Rối loạn nhân cách phụ thuộc
  • Rối loạn lo âu
  • Rối loạn triệu chứng soma

Cách điều trị rối loạn nhân cách kịch tính

Những người mắc chứng rối loạn nhân cách kịch tính thường không nghĩ rằng có gì đó sai trái đang xảy ra. Do đó bước đầu tiên để trở nên tốt hơn là cần thừa nhận rằng bạn cần được giúp đỡ. Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị đầu tiên cho HPD. Ngoài ra, đôi khi các loại thuốc kê đơn cũng có thể được dùng để làm giảm các triệu chứng đi kèm.

Dưới đây là một số phương pháp thường được dùng cho chứng HPD:

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu (liệu pháp trò chuyện) là phương pháp được lựa chọn để điều trị chứng rối loạn nhân cách kịch tính. Mục tiêu của việc điều trị là giúp người bệnh khám phá và nhận thức rõ ràng hơn về những động cơ và nỗi sợ hãi liên quan tới những suy nghĩ và hành vi có vấn đề của bạn. Đồng thời giúp bạn học cách liên hệ với những người khác theo cách tích cực hơn.

chữa rối loạn nhân cách kịch tính
Một số liệu pháp tâm lý trị liệu được chứng minh là có thể đáp ứng tốt với chứng HPD

Các liệu pháp tâm lý trị liệu có thể đáp ứng tốt với HPD bao gồm:

– Liệu pháp hỗ trợ:

Liệu pháp hỗ trợ thường được ưu tiên cho những người mắc chứng rối loạn nhân cách kịch tính bởi vì cách tiếp cận này mang lại hiệu quả khuyến khích và trấn an rất rõ rệt. Đặc biệt là không gây ra bất cứ nguy hiểm nào cho người bệnh.

Liệu pháp tâm lý này có thể giúp bạn giảm đau khổ về cảm xúc và nâng cao lòng tự trọng một cách hiệu quả. Hơn nữa còn giúp trang bị các kỹ năng đối phó thông qua việc lắng nghe, chú ý và cảm thông.

– Liệu pháp tâm động học:

Liệu pháp tâm động học cũng đã được phát hiện là một liệu pháp điều trị thành công cho chứng HPD. Mục đích của phương pháp này là giúp bạn giải quyết những xung đột tiềm ẩn và vô thức. Từ đó giúp bạn có thể hiểu bản thân cũng như hành vi của mình hơn.

Bạn có thể được khuyến khích thay thế lời nói quá kịch tính bằng một hành vi thích ứng hơn. Điều này sẽ giúp bạn có thể giao tiếp với người khác tốt hơn. Ngoài ra bạn còn học được cách nhận ra các hành vi quá khích, tìm kiếm các chú ý không hữu ích và khám phá những cách mới lành mạnh hơn nhằm phát triển lòng tự trọng.

2. Thuốc chữa rối loạn nhân cách kịch tính

Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc để giúp giải quyết tình trạng thay đổi tâm trạng, tức giận, lo lắng hay trầm cảm đi kèm với chứng rối loạn nhân cách kịch tính. Các thuốc có thể được sử dụng để điều trị HPD bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm: Nhóm thuốc này có thể giúp cải thiện các triệu chứng như trầm cảm, lo lắng, bốc đồng, mất ngủ, bất ổn về cảm xúc hay hành vi tự làm hại bản thân. Trong đó Prozac (fluoxetine), Elavil (amitriptyline)Elavil (amitriptyline), Luvox (fluvoxamine) và Norpramin (desipramine) là các loại thường được kê toa.
  • Thuốc ổn định tâm trạng: Nhóm thuốc này có tác dụng cải thiện khả năng kiểm soát xung động và cảm xúc không ổn định (thái quá trong tâm trạng hoặc cảm xúc thay đổi đột ngột. Trong đó, các loại được dùng phổ biến bao gồm Topamax (topiramate), Depacon (valproate), Lamictal (lamotrigine) và Tegretol (carbamazepine).
  • Thuốc chống loạn thần: Các loại thuốc này có thể được sử dụng để điều chỉnh cảm xúc (đặc biệt là khi phản ứng cảm xúc quá dữ dội). Một số loại thường được kê toa là Haldol (haloperidol), Risperdal (risperidone), Abilify (aripiprazole) và Zyprexa (olanzapine).
thuốc chữa HPD
Bác sĩ có thể kê toa thuốc để kiểm soát các triệu chứng đi kèm với HPD

3. Phương pháp điều trị thay thế

Phương pháp điều trị thay thế là những liệu pháp bổ sung. Mặc dù không thể thay thế hoàn toàn cho các phương pháp điều trị chính nhưng chúng rất hữu ích với quá trình kiểm soát HPD. Các liệu pháp bổ sung được khuyến khích bao gồm:

  • Bổ sung acid béo Omega-3: Omega-3 là chất dinh dưỡng được tìm thấy rất nhiều trong một số loại thực vật và cá béo. Chẳng hạn như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá mòi,… Dưỡng chất này rất cần thiết cho hoạt động khỏe mạnh của não bộ.
  • Dùng cây ban âu: Đây là loại thảo dược được sử dụng từ nhiều thế kỷ để điều trị trầm cảm và các tình trạng sức khỏe liên quan khác. Hoa và nụ của cây có thể được sấy khô và làm thành viên nang hoặc trà. Thảo dược này giúp làm giảm cảm giác lo lắng và khó ngủ rất hiệu quả.
  • Bổ sung acid folic: Đây là một dạng tổng hợp của folate (một loại vitamin nhóm B) giúp tạo ra vật chất di truyền. Đồng thời làm tăng hiệu quả của thuốc chống trầm cảm ở một số người.
  • 5-HTP (5-hydroxytryptophan): Có tác dụng làm tăng mức độ dẫn truyền thần kinh có liên quan tới điều chỉnh tâm trạng, bao gồm cả serotonin.

Bạn không nên bắt đầu bất cứ phương pháp điều trị thay thế mới nào mà không tham khảo trước ý kiến bác sĩ. Bởi một số chất bổ sung có thể tiềm ẩn tác dụng phụ, ảnh hưởng đến thuốc hay các chất bổ sung khác mà bạn đang dùng.

4. Điều chỉnh lối sống

Nên thay đổi lối sống để hỗ trợ tốt hơn cho sức khỏe tổng thể. Điều này bao gồm những điều cơ bản về việc tự chăm sóc. Chẳng hạn như:

điều chỉnh lối sống khi bị HPD
Người bị HPD nên tập thể dục thường xuyên để hỗ trợ tốt cho sức khỏe tổng thể
  • Thiết lập lịch trình ăn uống, ngủ nghỉ phù hợp và lành mạnh
  • Dành ra 30 – 45 phút mỗi ngày cho việc tập thể dục
  • Tránh xa rượu bia, thuốc lá và ma túy
  • Duy trì cân nặng ở mức hợp lý
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân và bạn bè đáng tin cậy để giúp bạn luôn đi đúng hướng

Rối loạn nhân cách kịch tính thường gắn liền với lòng tự trọng thấp. Do đó việc thực hành các chiến lược có thể giúp bạn xây dựng ý thức lành mạnh về giá trị của bản thân cũng sẽ rất hữu ích. Chúng có thể bao gồm:

  • Thách thức những niềm tin tiêu cực mà bạn có về bản thân
  • Nhắc nhở bản thân về những phẩm chất tích cực của bạn
  • Yêu cầu những người xung quanh cho bạn biết là họ nghĩ bạn có những phẩm chất tốt nào
  • Xây dựng các mối quan hệ tích cực, dành ít thời gian hơn cho những người khiến bạn cảm thấy tồi tệ
  • Thực hành việc đối xử tốt với bản thân
  • Học cách nói không với người khác
  • Tiếp nhận những thử thách mới và cố gắng hoàn thành mục tiêu

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD) đặc trưng bởi ý thức về giá trị của bản thân thấp, cùng với đó là cách tương tác kịch tính, không lành mạnh với người khác. Cần chủ động tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần. Ngoài ra, nên điều chỉnh lối sống và xây dựng ý thức về giá trị bản thân mạnh mẽ hơn.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *