Bạn Biết Gì Về Hội Chứng Rối Loạn Hành Vi Giấc Ngủ REM?
Những người mắc phải hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM sẽ thường xuyên nghiến răng, la hét hoặc có những hành vi mang tính bạo lực trong giai đoạn ngủ mắt cử động nhanh (REM). Theo đánh giá của chuyên gia thì chứng bệnh này thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi, hiếm khi gặp ở phụ nữ và trẻ em.
Hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM là gì?
Dựa vào kết quả của các cuộc nghiên cứu chuyên khoa đã thống nhất rằng giấc ngủ sẽ được chia cụ thể thành hai giai đoạn, đó là NREM (non rapid eye movement) và REM (rapid eye movement – Cử động mắt nhanh). Thông thường, giấc ngủ REM sẽ xảy ra trong khoảng 1,5 đến 2 giờ đối với một giấc ngủ bình thường. Khi giấc ngủ đã đạt đến chu kỳ ngủ REM thì cơ thể sẽ tạm thời rơi vào trạng thái bị tê liệt.
Theo đó, những người bị rối loạn hành vi giấc ngủ REM (RBD) sẽ không duy trì tốt được trạng thái tê liệt này hoặc nó có thể vắng mặt hoàn toàn trong giấc ngủ. Chính vì thế, người bệnh có xu hướng thực hiện chính giấc mơ của họ, đôi lúc họ có xu hướng bạo lực, thể hiện một cách đầy kịch tích. Theo nhận định của các chuyên gia thì việc thiếu tạm thời sự tê liệt trong giấc ngủ REM sẽ khiến nhiều người trở nên kích động hơn về mặt thể chất. Người đó có thể la hét, nói chuyện, cử động tay chân, vung tay chân rất mạnh, đánh đấm trong lúc đang ngủ.
Trong một vài trường hợp, người bệnh rối loạn hành vi giấc ngủ REM có thể tự thực hiện các hành động bạo lực làm tổn thương đến bản thân hoặc cả những người bên cạnh. Đặc biệt, các hành vi bạo lực có thể diễn ra một cách chân thực và gia tăng mức độ nếu người bệnh đang trải qua một giấc mơ bạo lực hoặc một cơn ác mộng khủng khiếp. Và sau khi tỉnh giấc, họ có thể nhớ được nội dung của giấc mơ nhưng sẽ không nhận thức được những hành động mà họ đã thực hiện ngoài thực tế.
Trung bình, hoạt động trong giai đoạn giấc ngủ REM sẽ diễn ra trong khoảng 4 lần mỗi đêm. Tuy nhiên cũng có những trường hợp chỉ xuất hiện 1 lần/ tuần hoặc 1 lần/ tháng. Hoạt động này sẽ có nhiều xu hướng xuất hiện vào buổi sáng khi giấc ngủ REM diễn ra thường xuyên hơn.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn hành vi giấc ngủ REM
Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy rằng, hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM sẽ thường xuất hiện ở những đối tượng là nam giới trên 50 tuổi và rất hiếm khi gặp ở trẻ em, phụ nữ. Đối với những trường hợp đã hoặc đang mắc phải các chứng bệnh liên quan đến thoái hóa thần kinh trung ương như sa sút trí tuệ, teo đa hệ thống, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, thoái hóa sụn khớp thần kinh,…thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
Theo chia sẻ từ các chuyên gia thì chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM thường sẽ khởi phát trước thoái hóa thần kinh, thường là khoảng vài năm. Vấn đề này cũng đã được tìm hiểu và chứng minh cụ thể qua một nghiên cứu khoa học. Kết quả nhận thấy rằng có khoảng 38% các trường hợp người bệnh được chẩn đoán RBD sau khi phát triển bệnh Parkinson khoảng 12 đến 13 năm. Ngược lại có đến hơn 69% các trường hợp bệnh nhân bị teo đa hệ thống hoặc mắc bệnh Parkinson có xuất hiện các triệu chứng của rối loạn hành vi giấc ngủ REM.
Tuy nhiên, cho đến hiện nay, vẫn chưa có bất kì nhận định cụ thể nào về nguyên nhân gây ra chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM. Dựa vào khảo sát trên các đối tượng đã từng mắc bệnh nhận thấy rằng, có đến khoảng 45% các trường hợp bị bệnh có liên quan đến việc lạm dụng chất kích thích, bia rượu, các loại thuốc điều trị như thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc an thần, thuốc tái hấp thu có chọn lọc serotonin (fluoxetine, sertraline hoặc paroxet), các loại thuốc chống trầm cảm khác như mirtazapine.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng chia sẻ rằng, chứng rối loạn này có thể liên quan và phát triển bởi chứng ngủ rũ. Đây là một trong các tình trạng rối loạn giấc ngủ vô cùng phổ biến với đặc trưng là trạng thái buồn ngủ quá mức vào ban ngày, kèm theo đó là sự mất trương lực cơ đột ngột. Một vài nghiên cứu khác cũng tìm ra được mối quan hệ giữa RBD và các tiền sử bị chấn thương ở phần đầu hoặc do thường xuyên tiếp xúc với các thuốc trừ sâu.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn hành vi giấc ngủ REM
Giấc ngủ REM là trạng thái cơ thể ngủ sâu, tay chân tạm thời bị tê liệt, mất trương lực cơ cùng với sự chuyển động mắt nhanh hoặc đôi khi có xuất hiện các giấc mơ. Tuy nhiên, khi mắc phải hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM, người bệnh lại hoàn toàn không bị mất trương lực ở tay chân. Chính vì thế, thay vì chìm vào giấc ngủ thông thường, người bệnh sẽ xuất hiện các hành vi nhằm đối phó, phản ứng lại với những nội dung tồn tại trong giấc mơ và những cơn ác mộng.
Một vài triệu chứng thường gặp ở người bệnh rối loạn hành vi giấc ngủ REM như:
- Người bệnh có thể liên tục thực hiện các hành vi đấm, đá, khua tay múa chân, thậm chí là lăn, đi khỏi giường. Đây thường là những hành vi nhằm phản ứng và bảo vệ bản thân tránh khỏi những tình huống đánh đập, bạo hành, rượt đuổi xuất hiện trong giấc mơ.
- Sau khi tỉnh giấc, người bệnh vẫn có thể ghi nhớ được những nội dung của giấc mơ nhưng họ sẽ hoàn toàn quên hoặc không ý thức được những việc mình đã làm trong lúc ngủ. Trong khi người bình thường chỉ nhớ được một phần hoặc thậm chí quên đi hoàn toàn giấc mơ của mình nhưng người bệnh RBD sẽ nhớ một cách rất chi tiết và chân thực.
- Trong lúc ngủ, người bệnh có thể bộc lộ các cảm xúc rất chân thực như cười lớn, khóc lóc, xúc động, la hét, chửi mắng theo nội dung của giấc mơ.
- Những triệu chứng của rối loạn hành vi giấc ngủ REM có thể khởi phát từ từ hoặc xuất hiện một cách đột ngột không báo trước. Nó có thể xuất hiện vài lần trong đêm hoặc chí vài lần trong tuần, trong tháng. Nếu các triệu chứng bệnh không sớm được phát hiện và khắc phục tốt sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cả đời sống của người bệnh.
Do các triệu chứng mà RBD gây ra nên trên cơ thể người bệnh có thể xuất hiện các vết thương vì hành vi bạo lực xảy ra trong lúc ngủ. Tay chân có thể bị trầy xước, bầm tím, chảy máu,….Nếu người bệnh ngủ cùng với một ai đó thì người đó có khả năng sẽ bị đánh thức bởi những tiếng ồn ào hoặc đôi khi có thể bị thương do hành vi bạo lực của bệnh nhân.
Hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM có nguy hiểm không?
Như đã chia sẻ ở trên, triệu chứng thường gặp của những người mắc bệnh rối loạn hành vi giấc ngủ REM đó chính là hành vi la hét, bạo lực, kích động xảy ra trong giấc ngủ. Lúc này người bệnh hoàn toàn không tự chủ được các hành động và cảm xúc của bản thân nên có thể gây ra những hành vi gây hại cho chính mình và cả người ngủ cùng.
Một vài trường hợp sau khi nhận biết được tình trạng bệnh của bản thân, họ sẽ tự tìm cách tách biệt và cách ly với những người bên cạnh, chọn cách ngủ riêng để đảm bảo an toàn cho người thân. Tuy nhiên, nếu những người bên cạnh không hiểu rõ và thấu hiểu cho tình trạng sức khỏe của họ thì có thể khiến họ đối diện với những áp lực, căng thẳng và nhiều nguy cơ phát triển thành trầm cảm, rối loạn lo âu.
Bên cạnh đó, do những triệu chứng khó chịu và những tổn thương thể chất mà RBD có thể gây ra nên nhiều người bệnh có xu hướng tìm đến bia rượu, các chất kích thích để giải tỏa tâm trạng. Đồng thời họ cũng có khả năng lạm dụng các loại thuốc ngủ, thuốc an thần để hạn chế các hành vi bạo lực có thể xảy ra trong giấc ngủ REM. Tuy nhiên, bia rượu chỉ có tác dụng tạm thời trong việc giải tỏa cảm xúc nhưng nó lại gây ra hàng loạt các ảnh hưởng nghiêm trọng khác về mặt sức khỏe và có thể làm gia tăng các hành vi bạo hành, thậm chí là khiến chúng xuất hiện với tần suất dày đặc hơn.
Theo nghiên cứu, hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM còn có nhiều khả năng có liên quan đến tình trạng suy thoái hệ thần kinh trung ương, điển hình như sa sút trí tuệ, bệnh Parkinson (thống kê nhận thấy có đến khoảng 38% các trường hợp mắc bệnh RBD khởi phát các triệu chứng Parkinson sau khoảng 12 đến 13 năm).
Chính vì những ảnh hưởng mà RBD có thể gây ra mà ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nhận biết của bệnh thì bạn cần chủ động tiến hành thăm khám và chẩn đoán tại các cơ sở chuyên khoa. Việc có thể áp dụng tốt các biện pháp điều trị phù hợp sẽ giúp người bệnh mau chóng khắc phục các triệu chứng nguy hiểm, đồng thời ngăn chặn việc phát triển thành những bệnh lý tâm thần nghiêm trọng.
Tìm hiểu thêm: Sa sút trí tuệ ở người trẻ ngày càng tăng do đâu?
Chẩn đoán rối loạn hành vi giấc ngủ REM
Nếu nghi một người đang mắc chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM thì trước tiên các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành tìm hiểu và đánh giá về tiền sử của người bệnh. Đồng thời sẽ khai thác các triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp phải, trò chuyện trực tiếp với người cùng ngủ chung với họ để có cái nhìn khách quan hơn.
Quá trình đánh giá RBD sẽ gồm có:
- Khám sức khỏe và thần kinh: Bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành một cuộc kiểm tra về thể chất và thần kinh nhằm đánh giá về nguy cơ bị rối loạn hành vi giấc ngủ REM cùng với những chứng rối loạn giấc ngủ khác. Cũng bởi chứng RBD cũng có những triệu chứng tương tự như một số chứng rối loạn giấc ngủ khác hoặc nó cũng có khả năng tồn tại song song với các chứng rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là tình trạng ngưng thở khi ngủ xuất phát từ nguyên nhân tắc nghẽn hoặc hiện tượng ngũ rũ.
- Trò chuyện và trao đổi với đối tác đang ngủ cùng với người nghi bệnh: Do bản thân bạn sẽ không thể ghi nhớ hoặc không có nhận thức về những hành vi mà mình thực hiện trong lúc ngủ. Vì thế để có được đánh giá đúng nhất thì bác sĩ sẽ đặt ra một số câu hỏi với đối tác ngủ cùng bạn. Họ sẽ được hỏi xem đã từng nhìn thấy bạn thực hiện các hành vi bất thường trong lúc đang ngủ hay không, chẳng hạn như khua tay múa chân, tay di chuyển một cách vô định, la hét, chửi bới,….Bác sĩ cũng có thể yêu cầu đối tác ghi lại một số thông tin cần thiết thực hiện một bản câu hỏi về những hành vi của bạn trong lúc ngủ.
- Tiến hành nghiên cứu giấc ngủ về đêm: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một cuộc nghiên cứu về đêm ngay tại phòng thí nghiệm. Trong quá trình thực hiện bài kiểm tra này, bác sĩ sẽ sử dụng cảm biến để theo dõi chi tiết về hoạt động của não, phổi, tim, kiểu thở, các chuyển động của tay chân, giọng nói, nồng độ oxy có trong máu khi bạn đã chìm vào giấc ngủ sâu. Thường thì bạn sẽ được quay video lại để biết rõ về những hành vi của mình trong chu kỳ ngủ REM.
Để chẩn đoán một người có mắc phải hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM hay không cần phải dựa vào các tiêu chí như sau:
- Bạn có thể ghi nhớ nội dung giấc mơ có sự liên quan đến những chuyển động, âm thành mà bản thân đã từng thực hiện.
- Trong lúc ngủ, bạn có những hành vi, lời nói kích động, không kiểm soát thường xuyên lặp đi lặp lại. Đặc biệt là những hành động, lời nói có liên quan đến nội dung của giấc mơ.
- Nếu có ai đó đánh thức hoặc bản thân bạn tự tỉnh giấc trong giấc mơ này thì bạn vẫn có thể tỉnh táo, không bị bối rối hoặc mất phương hướng.
- Trong khi bắt đầu giấc ngủ REM, cơ bắp của bạn sẽ gia tăng hoạt động.
- Tình trạng rối loạn giấc ngủ của bạn không xuất phát từ việc sử dụng thuốc, dược chất hoặc các bệnh rối loạn giấc ngủ, rối loạn sức khỏe tâm thần khác.
Phương pháp điều trị rối loạn hành vi giấc ngủ REM
Tính đến thời điểm hiện tại, hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể. Thông thường thì các chuyên gia sẽ ưu tiên sử dụng biện pháp sử dụng thuốc và điều chỉnh thói quen ngủ để bảo vệ người bệnh và người ngủ cùng tránh khỏi những hành vi bạo lực, các tiếng ồn làm gián đoạn chất lượng giấc ngủ.
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người mà bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc để kê đơn thuốc và hướng dẫn một số biện pháp khắc phục phù hợp. Cụ thể như:
1. Điều trị bằng thuốc
Hiện nay vẫn chưa có bất kì loại thuốc nào được chứng minh cụ thể về công dụng điều trị tận gốc rối loạn hành vi giấc ngủ REM. Mục đích chính của việc sử dụng thuốc trong quá trình điều trị đó chính là làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh, giúp bệnh nhân hạn chế được những hành vi bạo lực trong lúc ngủ. Đồng thời, một số loại thuốc còn có tác dụng cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp bệnh nhân ngủ sâu giấc hơn, hạn chế các cơn ác mộng.
Một vài loại thuốc thường được chỉ định sử dụng cho người bệnh RBD như:
- Clonazepam: Thông thường người bệnh sẽ được kê đơn thuốc với liều từ 0,5 đến 2mg trước khi ngủ. Loại thuốc này được dùng với công dụng làm giảm bớt các hành vi bạo hành gây tổn thương cho người bệnh và cả những người ngủ cùng họ. Tuy nhiên, mức độ hấp thụ và dung nạp của thuốc khá thấp nên cần kiên trì sử dụng trong thời gian dài mới phát huy tốt các công dụng mong muốn. Trong thực tế, đã có khoảng gần 90% các trường hợp người bệnh rối loạn hành vi giấc ngủ REM được cải thiện thành công nhờ vào việc sử dụng liều thấp clonazepam.
- Các chế phẩm có chứa melatonin: Đây là một loại hormone được sản xuất từ tuyến tùng với mục đích tạo nên cảm giác buồn ngủ và giúp bạn có được một giấc ngủ sâu hơn. Trong kết quả của một vài nghiên cứu chuyên khoa nhận thấy rằng, việc sử dụng một số loại thuốc hoặc viên uống hỗ trợ có chứa melatonin sẽ giúp thuyên giảm và kiểm soát tình trạng bệnh RBD. Các chế tác chứa melatonin cũng có tác dụng tương đương như các loại thuốc clonazepam nhưng ít tác dụng phụ hơn.
Tuy nhiên, các loại thuốc này đều có khả năng gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Do đó, người bệnh cần phải thật cẩn trọng trong quá trình sử dụng, tuân thủ đúng theo các yêu cầu dùng thuốc của bác sĩ. Nếu trong thời gian điều trị có xuất hiện bất kì dấu hiệu khác lạ nào thì cũng cần thông báo sớm với chuyên gia để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
2. Điều chỉnh thói quen ngủ và bảo vệ giấc ngủ
Rối loạn hành vi giấc ngủ REM là một hội chứng liên quan đến giấc ngủ, chính vì thế để cải thiện tốt các triệu chứng của bệnh thì bạn cần phải nhanh chóng thay đổi thói quen ngủ, giúp giấc ngủ được nâng cao hơn. Đối với người trưởng thành, cần phải duy trì giấc ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng và tập trung giấc ngủ vào ban đêm.
Để nâng cao được chất lượng giấc ngủ và hạn chế các hành vi tiêu cực do RBD gây ra thì người bệnh cần chú ý một số điều sau đây:
- Lựa chọn không gian ngủ thoải mái, yên tĩnh, tránh trang trí hoặc sắp xếp quá nhiều đồ vật trong phòng.
- Nên ưu tiên đặt đệm sàn và giường ngủ gần với nhau.
- Sắp xếp đồ đạc trong phòng ngủ thật ngăn nắp, thường xuyên vệ sinh phòng ngủ gọn gàng, sạch sẽ.
- Để hạn chế tối đa tình trạng đi lại trong giấc ngủ, bạn nên bố trí các hàng rào hoặc những vật cản ngay cạnh giường ngủ.
- Loại bỏ tất cả những vật dụng, đồ vật sắc nhọn, có thể gây thương tích ra khỏi phòng ngủ.
- Ưu tiên lựa chọn phòng ngủ ở tầng trệt để đảm bảo an toàn nếu có di chuyển.
- Trước khi ngủ cần phải kiểm tra khóa cửa cẩn thận, đảm bảo rằng cửa chính, cửa sổ đã được khóa an toàn.
- Tốt nhất người bệnh nên ngủ cách ly với người thân để tránh gây ra những thương tích không đáng có và làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của họ.
Bài viết trên đây đã giúp bạn đọc biết thêm một số thông tin hữu ích về hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM. Tình trạng này nếu không sớm được phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo bạn cần tiến hành thăm khám sớm để được điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm:
- Tổng quan về chứng rối loạn nhân cách phân liệt Schizoid
- Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD): Cách nhận biết và chữa trị
- Đặc Điểm Nhận Biết Người Bị Rối Loạn Nhân Cách Phụ Thuộc (DPD)
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!