Rối Loạn Hỗn Hợp Lo Âu Và Trầm Cảm: Dấu Hiệu Và Cách Chữa Trị

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần khá phổ biến, với triệu chứng kết hợp giữa khí sắc trầm buồn, chán nản, bi quan với tâm lý lo âu và căng thẳng quá mức. Vì triệu chứng có sự chồng chéo, đan xen nên chẩn đoán bệnh lý này tương đối phức tạp. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân đều có đáp ứng tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm
Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là chứng bệnh tâm thần khá phổ biến hiện nay

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là bệnh gì?

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là thuật ngữ đề cập đến chứng bệnh tâm thần có biểu hiện của cả chứng trầm cảm và rối loạn lo âu. Tuy nhiên, người bệnh không có đủ triệu chứng đặc trưng để có thể chẩn đoán mắc một trong hai bệnh riêng lẻ.

Trầm cảm và rối loạn lo âu là hai chứng bệnh tâm thần phổ biến hiện nay với biểu hiện và căn nguyên có nhiều điểm tương đồng. Chính vì vậy, rất nhiều trường hợp xuất hiện đồng thời cả biểu hiện của lo âu và trầm cảm. So với sự phát triển của từng bệnh riêng lẻ, sự kết hợp giữa hai bệnh lý này làm gia tăng mức độ phức tạp của cảm xúc, nhận thức và hành vi.

Nếu không có các biện pháp khắc phục kịp thời, sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, những trường hợp rối loạn hỗn hợp có nguy cơ lạm dụng rượu bia, chất kích thích cao và đôi khi không thể duy trì được hiệu quả công việc – học tập như trước. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của bản thân người bệnh mà còn gia tăng gánh nặng đối với gia đình và xã hội.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm

Rối loạn hỗn hợp lo âu trầm cảm thường phát triển các triệu chứng rối loạn lo âu trước, sau đó dần hình thành các biểu hiện trầm cảm. Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp khởi phát đồng thời triệu chứng của cả trầm cảm và lo âu. Như đã đề cập, bệnh lý này bao gồm cả biểu hiện của trầm cảm và lo âu nhưng triệu chứng không quá điển hình để có thể chẩn đoán xác định mắc 1 trong 2 bệnh riêng lẻ.

1. Các biểu hiện lo âu

Rối loạn lo âu là tình trạng lo âu thái quá, vô lý và thường trực, kéo dài về những vấn đề, tình huống và sự việc trong cuộc sống. Sự lo lắng của người bệnh thường quá mức so với mức độ của sự việc/ vấn đề. Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân nhận thấy sự lo lắng thái quá của bản thân nhưng không thể nào kiểm soát.

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm
Bệnh nhân thường trực cảm giác lo lắng, bất an về những vấn đề trong cuộc sống

Bệnh nhân rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm thường thể hiện có các biểu hiện lo âu như:

  • Luôn có cảm giác lo âu, bất an và lo sợ trước những vấn đề/ tình huống không thật sự nghiêm trọng
  • Tâm trạng bất ổn, thường xuyên cáu gắt và dễ tức giận, kích động
  • Tâm trạng luôn bồn chồn, khó chịu vì luôn luôn có nỗi lo lắng thường trực
  • Lo lắng quá mức dẫn đến phản ứng né tránh với những tình huống trong cuộc sống và khó khăn khi đưa ra quyết định
  • Dễ gặp phải các vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ, ngủ chập chờn, khó ngủ, thường xuyên gặp ác mộng,…
  • Khi đối mặt với sự lo lắng quá mức, một số bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái hoảng loạn, khiếp sợ. Tình trạng này thường đi kèm với các triệu chứng thực thể như căng cơ, tăng nhịp tim, choáng, chân tay run rẩy,…

Các triệu chứng ban đầu có mức độ nhẹ nhưng có xu hướng nặng dần theo thời gian nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời.

2. Triệu chứng trầm cảm

Song hành với các biểu hiện lo âu là triệu chứng của rối loạn trầm cảm. Trầm cảm thực chất là một dạng rối loạn cảm xúc với sự sụt giảm của khí sắc, đặc trưng bởi triệu chứng buồn bã sâu sắc, chán chường, bi quan, luôn có cảm giác tội lỗi và đánh giá thấp bản thân. So với trầm cảm điển hình, các biểu hiện trầm cảm trong chứng rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm thường có mức độ nhẹ hơn.

Các triệu chứng trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm:

  • Luôn thường trực cảm giác buồn bã, chán nản đôi khi không có nguyên nhân cụ thể
  • Giảm hoặc mất hứng thú với những thứ xung quanh, kể cả sở thích và hoạt động yêu thích trước đây
  • Cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống, sụt cân
  • Mức độ tập trung giảm, thiếu quyết đoán, trả lời câu hỏi tương đối chậm
  • Mất hy vọng vào cuộc sống, luôn có cái nhìn bi quan và tiêu cực về tất cả các vấn đề
  • Tự ti về bản thân, luôn có cảm giác tội lỗi và vô dụng

Các biểu hiện trầm cảm trong chứng rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm thường có mức độ nhẹ. Rất ít trường hợp đi kèm với loạn thần (ảo thanh, ảo giác, mất kiểm soát ngôn ngữ, hành vi,…) và hầu hết không có ý nghĩ, hành vi tự sát. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể nặng dần lên nếu không có biện pháp điều trị sớm.

Nguyên nhân gây rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm

Đến nay, nguyên nhân chính xác gây rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, tương tự như các chứng bệnh tâm thần thường gặp, bệnh lý này có liên quan đến những nguyên nhân và yếu tố sau:

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm
Căng thẳng kéo dài là nguyên nhân, yếu tố gia tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm
  • Stress mãn tính, kéo dài: Căng thẳng quá mức về những vấn đề trong cuộc sống là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng lo âu quá mức. Sau một thời gian tiến triển, tâm trạng dễ chuyển sang buồn bã, bi quan, mất hy vọng và luôn mặc cảm về bản thân. Theo các chuyên gia, các sự kiện gây stress dẫn đến rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm chủ yếu là những vấn đề thường gặp, mức độ nhẹ nhưng nan giải, kéo dài, hiếm khi là các sang chấn tâm lý nặng.
  • Đặc điểm tính cách: Nhân cách là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến sự hình thành của các chứng bệnh tâm thần. Đối với rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm, nguy cơ tăng lên đáng kể ở người có tính cách hướng nội, cẩn thận, cầu toàn, hay suy nghĩ, lo lắng và căng thẳng. Ngoài ra, người có tuýp thần kinh nhạy cảm cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Mắc các chứng bệnh mãn tính: Người mắc các bệnh mãn tính như rối loạn giấc ngủ, đau nhức xương khớp, trào ngược dạ dày thực quản, đau vai gáy,… có nguy cơ mắc chứng rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm cao. Nguyên nhân là do những chứng bệnh này ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và cuộc sống dẫn đến sự phiền muộn, căng thẳng và lo âu kéo dài.
  • Các yếu tố khác: Nguy cơ mắc chứng rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm cũng có thể tăng lên khi có những yếu tố như tiền sử gia đình, bản thân mắc bệnh rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc mắc chứng rối loạn hỗn hợp, sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện, lạm dụng thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương,…

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm khởi phát chủ yếu từ 15 – 30 tuổi. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều không xảy ra do 1 nguyên nhân cụ thể mà là kết quả giữa sự tương tác giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh.

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm có nguy hiểm không?

Thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm đều có mức độ nhẹ hơn so với trầm cảm và rối loạn lo âu điển hình. Nếu được chăm sóc và điều trị sớm, đa phần đều có đáp ứng tốt và nhanh chóng ổn định lại cuộc sống chỉ sau một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, trong trường hợp chủ quan, rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm có thể chuyển biến nặng dẫn đến ý nghĩ và hành vi tự sát. Ngoài ra, điều trị không đúng cách cũng gia tăng các biến chứng do lạm dụng thuốc giải lo âu.

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm
Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm gia tăng nguy cơ lạm dụng rượu bia nếu không được thăm khám, điều trị sớm

Các ảnh hưởng, biến chứng nặng nề của bệnh rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm:

  • Gây ra các vấn đề sức khỏe như rối loạn giấc ngủ, rối loạn tiêu hóa, suy nhược, sụt cân, tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch,…
  • Làm nghiêm trọng các bệnh lý sẵn có
  • Giảm hiệu quả học tập, làm việc
  • Tăng nguy cơ lạm dụng rượu bia, chất gây nghiện và hút thuốc lá
  • Trường hợp phát hiện muộn có thể dẫn đến ý nghĩ, hành vi tự sát

Nhìn chung, rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm gây ra các ảnh hưởng nặng nề tương tự như chứng trầm cảm và rối loạn lo âu riêng lẻ. Tuy nhiên trong trường hợp được thăm khám và điều trị sớm, chứng bệnh này có đáp ứng tốt hơn và đa phần đều được kiểm soát nếu tích cực trong quá trình chữa trị.

Chẩn đoán rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm

Chẩn đoán rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm chủ yếu dựa trên triệu chứng lâm sàng. Đặc điểm của chứng bệnh này là các biểu hiện lo âu phải tồn tại đồng thời với triệu chứng trầm cảm nhưng triệu chứng không đủ nặng để chẩn đoán mắc 1 trong 2 bệnh riêng lẻ.

Trường hợp cả trầm cảm và lo âu đều có mức độ nặng thì ưu tiên chẩn đoán trầm cảm trước. Nếu triệu chứng trầm cảm mờ nhạt hơn lo âu thì cần phải đặt ra khả năng khác là rối loạn ám ảnh sợ hãi và các dạng rối loạn lo âu khác.

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm
Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm dễ bị nhầm lẫn với nhiều chứng bệnh tâm thần thường gặp khác

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm thường được chẩn đoán khi bệnh nhân thỏa mãn các yếu tố sau:

  • Khí sắc giảm (buồn bã, chán nản,…)
  • Mất sự quan tâm, thích thú và giảm cảm giác hài lòng
  • Có biểu hiện lo lắng, lo âu quá mức
  • Đồng thời phải đi kèm với các triệu chứng kết hợp như kém tập trung, bồn chồn, ăn không ngon miệng, khô miệng, đánh trống ngực, khó thư giãn,…

Ngoài biểu hiện lâm sàng, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để xác định nguyên nhân thực thể:

  • Xét nghiệm vi sinh, sinh hóa và huyết học
  • Xét nghiệm tìm chất ma túy
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán giang mai
  • Làm trắc nghiệm tâm lý
  • Điện não đồ
  • Xét nghiệm hormone tuyến giáp
  • X quang tim phổi, siêu âm tuyến giáp, siêu âm ổ bụng

Trên thực tế, chẩn đoán rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm tương đối phức tạp do bệnh nhân có nhiều triệu chứng chồng chéo và đan xen với nhau. Do đó, bác sĩ cần phải chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng tương tự trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

Các phương pháp điều trị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm

Khi mới khởi phát, rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm có triệu chứng ở mức độ nhẹ. Do đó, trường hợp phát hiện sớm và điều trị kịp thời thường có đáp ứng tốt, bệnh có cải thiện rõ rệt và tích cực. Ngược lại, những trường hợp phát hiện muộn cần điều trị lâu dài và cẩn trọng để phòng tránh biến chứng.

1. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc có thể cải thiện các cảm xúc tiêu cực, ổn định tâm trạng và các triệu chứng thể chất ở bệnh nhân. Nguyên tắc dùng thuốc là ưu tiên đơn trị liệu và chỉ điều trị kết hợp trong trường hợp đáp ứng kém.

Trong tất cả các trường hợp, bác sĩ luôn chỉ định liều thấp, sau đó tăng liều từ từ cho đến khi có hiệu quả thì chuyển sang dùng duy trì. Vì nguy cơ cao nên thuốc giải lo âu gây nghiện (benzodiazepine) ít khi được sử dụng và chỉ dùng được hạn chế trong thời gian ngắn.

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm
Sử dụng thuốc có thể cải thiện các triệu chứng do rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm gây ra

Các loại thuốc điều trị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm thông dụng:

  • Thuốc chống trầm cảm: Có thể dùng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs), thuốc chống trầm cảm đa vòng,…
  • Thuốc giải lo âu: Thuốc giải lo âu được sử dụng để cải thiện tình trạng lo âu, căng thẳng và hoảng sợ. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể lựa chọn benzodiazepines hoặc non-benzodiazepines. Trong đó, benzodiazepines ít được sử dụng hơn so nguy cơ gây nghiện cao.
  • Thuốc an thần kinh: Thuốc an thần kinh (thuốc chống loạn thần) được sử dụng để giảm ảo giác, ảo thanh và hoang tưởng (nếu có), đồng thời cải thiện tình trạng kích động, rối loạn giấc ngủ, tự thu mình,… Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm Risperidon, Olanzapin và Quetiapine.
  • Các loại thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta (Propranolol) được sử dụng để cải thiện các triệu chứng thể chất do rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm gây ra như tăng nhịp tim, đánh trống ngực, tăng huyết áp, chân tay run rẩy,…
  • Các loại thuốc khác: Bệnh nhân rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm cũng có thể dùng thêm một số loại thuốc, viên uống hỗ trợ như viên uống nuôi dưỡng thần kinh (Piracetam, chiết xuất lá bạch quả, choline,…), vitamin nhóm B, khoáng chất, thuốc kháng histamine H1 (Hydroxyzine).

Sử dụng thuốc tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác dụng phụ. Do đó, bệnh nhân chỉ dùng thuốc khi có chỉ định và cần dùng theo hướng dẫn để đạt hiệu quả tốt, đồng thời hạn chế tác dụng ngoại ý và những tình huống rủi ro phát sinh.

2. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là phương pháp chính trong điều trị rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm. Phương pháp này sử dụng phương tiện là “giao tiếp” để bệnh nhân bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức về những vấn đề và khía cạnh của cuộc sống. Qua đó giúp nhà trị liệu nhận định đúng đắn vấn đề tâm lý và đánh giá mức độ ảnh hưởng của rối loạn hỗn hợp đối với cuộc sống.

Tùy theo tình trạng của từng trường hợp, chuyên gia trị liệu có thể cân nhắc các kỹ thuật trị liệu tâm lý như:

  • Liệu pháp giải thích hợp lý
  • Liệu pháp nhận thức hành vi
  • Liệu pháp luyện tập thư giãn
  • Liệu pháp gia đình
  • Các liệu pháp hỗ trợ như âm nhạc trị liệu, vận động trị liệu,…

Liệu pháp tâm lý mang lại hiệu quả tích cực đối với rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm và các chứng rối loạn cảm xúc. Phương pháp này thường được áp dụng song song với điều trị bằng thuốc để nâng đỡ cảm xúc, tâm lý và giúp người bệnh hợp tác hơn trong quá trình chữa trị.

3. Các biện pháp chăm sóc, hỗ trợ

Các biện pháp này có thể cải thiện những bất ổn về cảm xúc, tâm trạng và góp phần nâng cao sức khỏe thể chất. Ngoài ra sau khi bệnh tình thuyên giảm, bệnh nhân cũng cần duy trì các biện pháp chăm sóc hợp lý để phòng ngừa tái phát.

Các biện pháp chăm sóc, hỗ trợ cải thiện:

  • Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học với đầy đủ vi chất dinh dưỡng cần thiết. Ngoài ra, người bệnh cũng nên điều chỉnh chế độ ăn để cải thiện một số triệu chứng thực thể do rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm gây ra như táo bón, đau dạ dày, đầy hơi, khó tiêu,…
  • Hoạt động thể chất thường xuyên vừa giúp nâng cao sức khỏe vừa giải tỏa căng thẳng và ổn định tâm trạng tốt. Vì vậy, bệnh nhân nên dành 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Nên ưu tiên các bộ môn có cường độ vừa phải như yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội, chạy bộ, đánh cầu lông,…
  • Không sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện và hạn chế dùng quá nhiều caffeine.
  • Đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ mỗi đêm và dành 20 – 30 phút mỗi trưa cho giấc ngủ ngắn. Để cải thiện tình trạng mất ngủ, khó ngủ và ngủ chập chờn, bệnh nhân nên áp dụng các biện pháp thư giãn như nghe nhạc, tắm bồn, liệu pháp mùi hương, xoa bóp,…
  • Lên kế hoạch làm việc khoa học, tránh tình trạng làm việc trong thời gian dài nhưng hiệu suất kém, thường xuyên gặp phải sai sót,… Tăng hiệu suất làm việc sẽ giúp bệnh nhân giảm stress – căng thẳng, hài lòng hơn với bản thân và có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.
  • Học cách chia sẻ cảm xúc và công việc nhà với bạn đời, người thân trong gia đình.

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là chứng bệnh tâm thần khá phổ biến hiện nay. Hy vọng qua những thông tin trên, bản thân người bệnh có thể nhận thức được mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này. Từ đó chủ động thăm khám và hợp tác hơn trong quá trình chữa trị.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *