Rối Loạn Lo Âu Toàn Thể: Những Điều Bạn Nên Biết

Người mắc chứng rối loạn lo âu toàn thể thường luôn trong trạng thái lo âu về tất cả mọi thứ xung quanh, lo lắng về cuộc sống, sức khỏe, công việc. Bệnh thường kèm theo các vấn đề như căng cơ, khó thở và có xu hướng tiến triển theo hướng mãn tính, kể cả khi đã được điều trị theo một hướng tích cực.

Rối loạn lo âu toàn thể
Rối loạn lo âu toàn thể được đặc trưng bằng trạng thái lo âu trên mọi vấn đề

Rối loạn lo âu toàn thể là gì?

Rối loạn lo âu toàn thể hay còn được gọi là rối loạn lo âu tổng quát, có tên khoa học là Generalized Anxiety Disorder – GAD. Đây là một bệnh tâm lý thuộc nhóm rối loạn lo âu với các triệu chứng lo âu, hoảng loạn về những vấn đề rất bình thường trong cuộc sống đã kéo dài, lặp đi lặp lại trong ít nhất 6 tháng. Mặc dù bản thân họ có thể biết rằng đó là nỗi lo vô lý nhưng không làm thế nào để có thể kiểm soát được.

Đặc trưng của rối loạn lo âu toàn thể là họ lo lắng về bất cứ mọi vấn đề xung quanh, chẳng hạn như tài chính, sức khỏe, học tập, công việc. Một số khác có thể liên tưởng đến những thảm họa, thiên tai có thể ập đến bất cứ lúc nào nên luôn trong trạng thái lo lắng bồn chồn không yên. Bệnh có xu hướng gặp phải ở khoảng 3% dân số, trong đó chủ yếu là phụ nữ.

Chẳng hạn một số người có thể lo lắng về công việc, tất nhiên kể cả khi đã hoàn thành công việc của mình nhưng không phải lúc nào bạn cũng thấy hài lòng về nó. Tuy nhiên ở những bệnh nhân rối loạn lo âu tổng quát, nỗi lo này rất nghiêm trọng khiến họ không ngừng kiểm tra lại kết quả công việc, dù lặp đi lặp lại đến hàng chục lần vẫn không yên tâm. Thậm chí họ còn liên tưởng đến việc sẽ có những điều không tốt xảy ra, chẳng hạn như bị đuổi việc thì gia đình sẽ khó khăn, không có đủ tài chính để chăm sóc mọi người..

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Sự bất an và lo lắng của người bệnh rất nghiêm trọng, vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của chính bản thân họ và làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, tinh thần, sức khỏe của người bệnh. Bệnh cũng có xu hướng mắc song song cùng các rối loạn tâm lý khác và gây ra rất nhiều hệ lụy xấu nên cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.

Triệu chứng rối loạn lo âu toàn thể

Các dấu hiệu của rối loạn lo âu toàn thể thường rất dễ nhận biết bởi những cảm xúc lo âu của họ được thể hiện một cách rõ ràng thông qua các hành vi, suy nghĩ và biểu cảm của họ. Tuy nhiên một vài người có thể cho rằng đây là những người thích tưởng tượng và làm quá vấn đề mà không thể hiểu rằng đó là một bệnh lý. Ngoài ra người bệnh cũng gặp phải một số vấn đề về thể chất do sự lo âu quá mức diễn ra thường xuyên.

Rối loạn lo âu toàn thể
Các tình huống thường ngày cũng được người bệnh nhìn nhận rằng đáng sợ và nguy hiểm

Các triệu chứng về mặt tinh thần

  • Luôn cảm thấy bồn chồn, lo lắng, sợ hãi với bất kể các tình huống, sự việc nào xung quanh
  • Luôn dành thời gian suy nghĩ, tưởng tượng quá mức về các tình huống xấu có thể xảy ra
  • Có xu hướng nhìn nhận và đánh giá vấn đề bằng con mắt tiêu cực trước tất cả mọi vấn đề mặc dù sự thật không phải thế
  • Luôn có cảm giác như sắp có nguy hiểm ập đến, có thể tưởng tượng đến cả các thiên tai hay thảm họa
  • Dễ cáu gắt, dễ trở nên kích động khi lo lắng về các sự kiện xuất ở tương lai có thể xuất hiện
  • Khó khăn trong việc đưa ra quyết định
  • Lặp đi lặp lại các hành động hay suy nghĩ nào đó của bản thân
  • Chỉ tập trung vào dòng liên tưởng của mình, không thể tập trung vào các vấn đề khác
  • Thường khó ngủ, có giấc ngủ chập chờn, dễ gặp ác mộng
  • Hầu như không thể kiểm soát được nỗi lo lắng của bản thân dù đã cố gắng làm mọi cách
  • Suy giảm trí nhớ

Các triệu chứng trên thể chất

  • Thường bị căng cứng cơ, tê bì chân tay, đặc biệt sau khi tỉnh dậy
  • Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, tinh thần yếu
  • Tăng huyết áp
  • Đau tức ngực, khó thở, tim đập nhanh liên hồi
  • Tiểu tiện nhiều lần
  • Đau bụng, sôi bụng, gặp các vấn đề về dạ dày
  • Đỏ bừng mặt
  • Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống

Ngoài ra, các vấn đề mà người mắc hội chứng rối loạn lo âu toàn thể gặp phải có thể liên quan đến các mối quan hệ. Người bệnh thường khó tạo được mối liên hệ với những người xung quanh do thường xuyên suy tưởng quá đà, dễ kích động. Một số khác luôn lo lắng về các nguy hiểm có thể diễn ra nên thường có xu hướng cô lập bản thân nên càng trở nên cô đơn hơn.

Người bệnh cần đến các bệnh viện tâm thần hay các trung tâm tâm lý để tiến hành làm các bài test kiểm tra hay các xét nghiệm cần thiết để xác định chính xác tình trạng bệnh. Nếu các triệu chứng này đã kéo dài trên 6 tháng sẽ được chẩn đoán là mắc rối loạn lo âu toàn thể và bắt đầu lên phác đồ điều trị phù hợp.

Nguyên nhân gây rối loạn lo âu toàn thể

Thực tế vẫn chưa thể chỉ ra rõ đâu là nguyên nhân khiến người bệnh trở nên lo lắng thái quá với các tình huống thường ngày như vậy. Tuy nhiên các nghiên cứu cũng đã chỉ ra các yếu tố hóa sinh của não bộ, những ám ảnh từ quá khứ, yếu tố môi trường hoàn toàn có thể là nguyên nhân tác động dẫn đến rối loạn lo âu toàn thể.

Rối loạn lo âu toàn thể
Yếu tố gia đình được cho là có liên quan trực tiếp đến nguy cơ mắc bệnh

Cụ thể

  • Yếu tố gia đình: Mặc dù chưa tìm ra các mã gen di truyền ở những người bị rối loạn lo âu toàn thể tuy nhiên ở những gia đình có cha mẹ mắc bệnh thì tỷ lệ con mắc bệnh cũng khá cao. Nguyên nhân có thể do hướng giáo dục, dạy dỗ và tương tác ở cha mẹ có thể ảnh hưởng lên quá trình hình thành nhân cách và suy nghĩ của con.
  • Sự thiếu hụt các chất dẫn truyền thần kinh: rối loạn các hóa chất trong não bộ có liên quan trực tiếp đến những cảm xúc căng thẳng, lo lắng, buồn chán quá mức cho người bệnh.
  • Những sự kiện từ quá khứ: bệnh có xu hướng xảy ra nhiều ở những người đã từng trải qua các sự kiện kinh hoàng chẳng hạn như bị xâm hại, bị tai nạn xe, từng ở trong nơi có thiên tai, lũ lụt hoặc từng mắc các bệnh nặng. Vì đã từng trải qua các sự kiện này nên họ trở nên lo âu thái quá, làm việc gì cũng lo lắng các ám ảnh từ quá khứ sẽ tái diễn một lần nữa
  • Lạm dụng các chất gây nghiện: ở những người nghiện rượu bia, đá, ma túy hay các chất kích thích khác có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 5- 6 lần bình thường do những chất này chi phối cảm xúc và tâm lý của con người.

Rối loạn lo âu toàn thể có nguy hiểm không?

Người mắc chứng rối loạn lo âu toàn thể hầu như luôn trong trạng thái không được nghỉ ngơi bởi tâm trạng của họ luôn trong tình trạng bồn chồn, lo lắng, ăn ngủ không yên. Nỗi lo bao trùm trên mọi vấn đề làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống hằng ngày, ảnh hưởng đến các mối quan hệ cùng rất nhiều hệ lụy xấu khác có thể xuất hiện.

Rối loạn lo âu toàn thể
Rối loạn lo âu toàn thể gây ra rất nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe và cuộc sống của người bệnh

Rối loạn lo âu toàn thể thường có xu hướng mắc cùng lúc với trầm cảm hay các rối loạn ám ảnh khác, chẳng hạn ám ảnh sợ bệnh tật. Người mắc đồng thời hai bệnh này thường trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, tinh thần chán chường, tự cô lập bản thân đồng thời có xu hướng tự tử rất cao nếu không nhanh chóng được phát hiện và điều trị.

Mặt khác, người mắc chứng bệnh này do thường xuyên lo âu nên cũng có nguy cơ rất cao mắc các vấn đề về sức khỏe như bệnh tim mạch, các bệnh về dạ dày, bệnh về huyết áp. Nếu đã từng có tiền sử mắc các bệnh lý này trước đó thì cũng có nguy cơ tái phát rất cao và nghiêm trọng hơn.

Đồng thời do luôn cảm thấy có những mối nguy hiểm tiềm ẩn xung quanh nên người bệnh cũng có xu hướng ở trong nhà thay vì ra ngoài làm việc. Tuy nhiên ngay cả khi ở trong nhà họ vẫn tưởng tượng ra rất nhiều mối nguy hiểm kề cận nên rất khó để tìm kiếm các công việc phù hợp. Người bệnh thường cảm thấy rất cô đơn nhưng cũng không có ai có thể chia sẻ.

Các nghiên cứu cũng cho thấy rối loạn lo âu tổng quát cũng thường có xu hướng tiến triển đến giai đoạn mãn tính kể cả khi đã được điều trị. Một số người bệnh phải duy trì việc uống thuốc hay gặp gỡ bác sĩ đến vài năm hay thậm chí là suốt cuộc đời nhằm kiểm soát tốt nhất các triệu chứng.

Hướng điều trị rối loạn lo âu toàn thể

Hướng điều trị rối loạn lo âu sẽ được kết hợp giữa cả dùng thuốc và trị liệu tâm lý, đồng thời người bệnh cũng cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp thư giãn tại nhà để kiểm soát trạng thái lo âu tốt nhất. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ, nhà trị liệu để loại bỏ các triệu chứng hoàn toàn, ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát tối đa.

Điều trị bằng thuốc

Cảm xúc lo âu và kích động ở người rối loạn lo âu toàn thể là rất nghiêm trọng nên cần phải dùng các loại thuốc để kiểm soát tốt nhất. Tùy tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc ngắn hạn hoặc dài hạn. Người bệnh cần đảm bảo tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định từ bác sĩ trong suốt thời gian dùng thuốc để phòng tránh các hệ lụy khác có thể xuất hiện.

Rối loạn lo âu toàn thể
Việc sử dụng thuốc sẽ kiểm soát được trạng thái lo âu, kích động quá mức của người bệnh

Các loại thuốc thường được điều trị chính cho những người rối loạn lo âu toàn thể như

  • Thuốc chống trầm cảm: đây là nhóm thuốc được chỉ định dùng chủ yếu vì ít gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, có thể giảm được các suy nghĩ tự sát cho người bệnh. Thuốc giúp giảm các cảm xúc lo âu, chán chường, kích động quá mức. Một số loại thuốc thường được chỉ định như Buspirone (Buspar), Citalopram (Celexa), Duloxetine (Cymbalta), Escitalopram (Lexapro), Desvenlafaxine (Pristiq), Venlafaxine (Ef fexor XR)..
  • Thuốc chống lo âu:  Alprazolam (Xanax), Lorazepam (Ativan), Clonazepam (Klonopin) là những nhóm thuốc chống lo âu phổ biến được chỉ định. Mục đích của việc dùng các nhóm thuốc này là giảm các cảm xúc lo âu, giảm căng cơ hay các triệu chứng co thắt dạ dày.
  • Các loại thuốc khác: Một số nhóm thuốc khác cũng được chỉ định như thuốc an thần, thuốc ức chế beta, các vitamin nhóm B, thuốc kháng histamin hoặc một vài loại thực phẩm chức năng có tác dụng an thần, hỗ trợ giấc ngủ.

Các nhóm thuốc này thường kèm theo rất nhiều tác dụng phụ, chẳng hạn như khô miệng, mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy cùng một số ảnh hưởng khác. Hầu hết các bệnh nhân đều gặp tác dụng phụ và điều này là hầu như khó có thể tránh khỏi. Hãy trao đổi với bác sĩ để biết cách giảm các tác dụng phụ có thể xuất hiện nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Thực tế thì việc lạm dụng các nhóm thuốc này trong thời gian dài khiến bản thân người bệnh cũng không còn cảm nhận được cảm xúc của chính mình. Mặc dù trạng thái lo âu, kích động được thuyên giảm nhưng tâm trạng của người bệnh luôn trong trạng thái lửng lơ mà chính họ cũng không thể hiểu được. Do đó hãy sớm trao đổi với bác sĩ để tìm kiếm giải pháp tốt nhất.

Trị liệu tâm lý

Tâm lý trị liệu chính là phương pháp được chỉ định chính hiện nay cho những người rối loạn lo âu toàn thể, có thể được chỉ định kết hợp song song với việc dùng thuốc để mang đến kết quả tốt nhất. Mục tiêu của phương pháp này là giúp người bệnh hiểu được tình trạng của bản thân, tăng niềm tin rằng những vấn đề đó không có gì đáng sợ đồng thời thực hiện các biện pháp giảm bớt sự căng thẳng, lo lắng cho người bệnh.

Rối loạn lo âu toàn thể
Tâm lý trị liệu đem đến rất nhiều hiệu quả cho người bị rối loạn lo âu toàn thể

Các chuyên gia tâm lý sẽ thông qua việc trò chuyện để nắm bắt chính xác tình trạng của người bệnh, tìm hiểu nguyên nhân, nguồn gốc gây bệnh qua đó lên phác đồ trị liệu phù hợp cho từng người. Trị liệu nhận thức – hành vi và liệu pháp tự phơi nhiễm là hai phương pháp được hướng đến chủ yếu hiện nay trong trị liệu tâm lý.

Nhà trị liệu sẽ khuyến khích người bệnh nói ra cảm xúc, suy nghĩ của bản thân và điều chỉnh nó theo hướng đúng đắn, loại bỏ các tư tưởng sai lệch. Chuyên gia trị liệu cũng có thể yêu cầu người bệnh tập đối diện trực tiếp với nỗi lo âu thay vì trốn chạy như trước, khi bản thân đã tiếp xúc với nỗi sợ nhiều lần thì cảm giác này cũng tự động thuyên giảm.

Bên cạnh đó, trị liệu tâm lý cũng hướng dẫn người bệnh cách đương đầu với căng thẳng, cách kiểm soát cảm xúc và các biện pháp thư giãn tinh thần để hướng đến những điều lạc quan tích cực hơn. Phương pháp này được đánh giá rất cao với những người bị rối loạn lo âu, nếu người bệnh đáp ứng tốt thì khả năng tái phát lại bệnh cũng khá thấp.

Thay đổi lối sống và chăm sóc tại nhà

Như đã nói, rối loạn lo âu toàn thể thường có nguy cơ tái phát bệnh rất cao kể cả khi trước đó đã đáp ứng với thuốc hay vật lý trị liệu. Thay đổi cuộc sống lành mạnh hơn, thư giãn tinh thần, giải tỏa đầu óc chính là các biện pháp tốt nhất để hỗ trợ việc điều trị cũng như phòng tránh được nguy cơ bệnh tái diễn trở lại.

Rối loạn lo âu toàn thể
Ngủ đủ giấc đem đến rất nhiều lợi ích chi tinh thần của người bệnh

Cụ thể, người bệnh cần chú ý đến các vấn đề sau đây

  • Đảm bảo ngủ đủ giấc: thiếu ngủ có thể khiến cảm xúc lo âu, kích thích của người bệnh nghiêm trọng hơn nên cần đảm bảo ngủ đủ giấc hằng ngày. Người bệnh nên tạo thói quen đi ngủ trước 11h, ngủ đủ từ 7- 8 tiếng mỗi ngày. Nếu bị mất ngủ và được kê các liều an thần hay các loại viên uống hỗ trợ hãy đảm bảo ngủ vào đúng một thời điểm để duy trì giấc ngủ ổn định hằng ngày.
  • Các biện pháp thư giãn: thiền, yoga, tập thể dục thể thao hằng ngày chính là các biện pháp quan trọng giúp người bị rối loạn lo âu toàn thể có thể thư giãn tinh thần, loại bỏ sớm những điều tiêu cực. Bên cạnh đó tắm nước nóng , liệu pháp mùi hương hay sử dụng các loại trà thảo dược cũng giúp duy trì việc thả lỏng cơ thể hay giữ bình tĩnh tốt hơn khi gặp các tình huống gây lo lắng.
  • Chế độ ăn giảm lo âu: dinh dưỡng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm lo âu, tăng cường sức khỏe để đẩy lùi các hệ lụy do rối loạn lo âu toàn thể gây ra. Theo đó người bệnh nên tăng cường bổ sung các nhóm thực phẩm giàu choline, omega 3, các chất béo lành mạnh, vitamin C, vitamin B cùng nhóm các dưỡng chất thiết yếu khác. Cụ thể người bệnh nên tăng cường các nhóm cá béo, rau xanh, trái cây, các loại hạt để cải thiện các triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó một chế độ ăn không gluten, không dầu mỡ, hạn chế đường cũng rất tốt cho người bị lo âu.
  • Một số phương pháp khác: tăng cường vận động, âm nhạc, tìm kiếm những sở thích mới, học cách lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn cũng là những phương pháp tuyệt vời giúp hỗ trợ điều trị và phòng tránh tối đa nguy cơ bệnh tái diễn trở lại.

Thực tế để loại bỏ cơn lo âu cũng không hề dễ dàng nhưng chỉ cần người bệnh quyết tâm, kiên trì, thực hiện theo đúng hướng dẫn từ nhà trị liệu thì khả năng kiểm soát được các triệu chứng bệnh vẫn là rất cao. Học cách suy nghĩ tích cực hơn, tin tưởng vào chính bản thân mình, yêu thương mình nhiều hơn chính là cách giúp bạn vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Rối loạn lo âu toàn thể là căn bệnh tâm lý tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho người bệnh nên cần sớm được phát hiện và điều trị. Mỗi người nên bắt đầu rèn luyện thói quen chăm sóc đời sống tinh thần, suy nghĩ lạc quan, thư giãn tâm trí và cơ thể hằng ngày để có thể hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *