Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD) và điều cần biết
Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD) là một dạng rối loạn nhân cách ít gặp với tỷ lệ mắc bệnh chỉ 1% dân số thế giới. Đặc điểm của OCPD là tính cách ngang bướng, cứng nhắc, quá quan tâm đến những chi tiết thứ yếu, luôn kiểm soát bản thân vào những quy tắc và kế hoạch đã đề ra.
Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD) là gì?
Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (Tiếng Anh: Personnalité Compulsive-Obsessionnelle hoặc Obsessive-Compulsive Personality Disorder) còn được gọi là rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế. Thuật ngữ này đề cập đến dạng nhân cách đặc trưng bởi sự bận tâm quá mức về trật tự, chi tiết và luôn tuân theo những quy tắc của bản thân một cách cứng nhắc. Kết quả là gây ảnh hưởng nhiều đến việc học, lao động và chất lượng cuộc sống.
Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức được xếp vào nhóm C của rối loạn nhân cách. Đặc điểm chung của nhóm này là hành vi và suy nghĩ lo lắng, bất an, bồn chồn nên rất dễ bị nhầm lẫn với rối loạn lo âu. Trong đó, dạng rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức dễ bị nhầm lẫn với rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
Ước tính có khoảng 1% dân số mắc phải dạng rối loạn nhân cách này. Ở Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn dao động từ 2 – 8% với tỷ lệ nhiều hơn ở nam giới. Các dấu hiệu của rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức sẽ xuất hiện từ giai đoạn đầu của tuổi thanh thiếu niên. Bệnh lý này có tính chất gia đình, di truyền và có thể xảy ra đồng thời với nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần khác.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức
Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD) đặc trưng bởi 3 dấu hiệu đó là chính sự cứng chắc, quá bận tâm đến trật tự/ thứ tự và kiểm soát bản thân trong khuôn khổ đã đặt ra. Sự bận tâm dai dẳng này khiến bệnh nhân gặp phải nhiều vấn đề trong cuộc sống và thường xuyên phải đối mặt với căng thẳng, lo lắng.
Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế có những biểu hiện như sau:
- Quan tâm quá mức và dai dẳng đến những chi tiết, sự trật tự/ thứ tự, các quy tắc,… Vì quá bận tâm đến các chi tiết nhỏ nên bệnh nhân dễ xao nhãng các hoạt động và mục tiêu quan trọng hơn. Vì vậy, không ít người có dạng rối loạn nhân cách này phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp và khó tìm kiếm việc làm.
- Đặt ra những mục tiêu quá chi tiết trong khi cấp trên không yêu cầu quá khắt khe như vậy. Kết quả là không hoàn thành công việc đúng hạn và thường xuyên chậm trễ.
- Vì quá quan tâm đến chi tiết nên người mắc chứng rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế thường không biết quản lý thời gian. Họ thường để những nhiệm vụ quan trọng ở phút cuối cùng, kết quả không kịp hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn.
- Người bị rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức hoàn toàn không nhận thức được tính cách của bản thân ảnh hưởng như thế nào đến đồng nghiệp và những người xung quanh.
- Thường tận tụy quá mức với công việc đến mức không quan tâm đến những khía cạnh khác như gia đình, bạn bè, sở thích (không tính những trường hợp phải cật lực lao động vì áp lực kinh tế).
- Dành sự quan tâm đặc biệt và có phần cứng nhắc đối với những giá vị, vấn đề đạo đức. Những người bị rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức thường đề cao các quy tắc đạo đức và không bao giờ để bản thân sống bừa bãi.
- Bệnh nhân thường phê bình một cách khắc nghiệt, nặng nề đối với những hành vi không phù hợp với quy tắc đạo đức và luật pháp.
- Tính cách cứng nhắc, thiếu linh hoạt, luôn muốn người khác tuân thủ theo quy tắc của bản thân đặt ra. Do đó, những người bị OCPD rất khó có thể làm việc nhóm và thường xuyên nảy sinh vấn đề với những thành viên khác. Nếu đồng nghiệp không chấp nhận những quy tắc do bệnh nhân đặt ra, họ có thể từ chối sự trợ giúp ngay cả khi đang bị chậm trễ trong công việc.
- Không thể vứt bỏ những đồ dùng không còn sử dụng được ngay cả khi đồ dùng không có giá trị về mặt tinh thần hay vật chất.
- Rất tiết kiệm khi chi tiêu đối với cả tiền của bản thân và người khác. Người bị rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức cho rằng luôn phải tiết kiệm tiền để có thể sử dụng khi có những vấn đề bất trắc xảy ra.
- Luôn cho rằng bản thân không có thời gian để thư giãn, vui chơi. Bệnh nhân xem việc vui chơi, giải trí là không cần thiết và sẽ làm lãng phí thời gian của bản thân.
- Bên cạnh việc đề cao chủ nghĩa hoàn hảo, bệnh nhân rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế rất sợ mắc phải sai lầm. Họ thường suy nghĩ rất kỹ trước khi làm hoặc đưa ra những quyết định quan trọng. Đôi khi sự sợ hãi khiến họ chọn cách né tránh đưa ra quyết định và không dám bắt đầu những thứ mới mẻ.
- Biểu lộ cảm xúc được kiểm soát chặt chẽ trong một giới hạn nhất định. Đặc điểm thường thấy của bệnh nhân OCPD là sự nghiêm túc, tính cách cứng nhắc, hầu như không bao giờ nói đùa hay thoải mái thực sự khi trò chuyện. Những người bị loạn nhân cách ám ảnh nghi thức luôn suy nghĩ rất kỹ trước khi nói, lời nói bị chi phối bởi trí tuệ, logic và ít khi bị ảnh hưởng bởi cảm xúc.
- Tính cách ương bướng, cứng nhắc và khô khan.
Các triệu chứng của rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD) phải diễn ra ít nhất trong vòng 6 tháng. Đồng thời những triệu chứng này phải có mức độ đủ nghiêm trọng để làm suy giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến khả năng lao động và học tập.
Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCD)
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên tương tự như các rối loạn nhân cách khác, OCPD cũng có liên quan đến những yếu tố sau:
- Di truyền (nguy cơ tăng lên nếu bố mẹ hoặc anh chị em trong gia đình mắc chứng OCPD hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế – OCD)
- Gia đình có tính cách cứng nhắc, đề cao chủ nghĩa hoàn hảo,…
- Cách giáo dục hà khắc, tuân thủ quy tắc một cách cứng nhắc và thiếu linh hoạt
- Một số trường hợp có thể phát triển rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức do gia đình thường xuyên chê bai, trách móc trẻ quá mức khiến trẻ chú trọng đến sự hoàn hảo, các chi tiết và trật tự.
- Người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ có nguy cơ bị rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD) cao hơn từ 25 – 50%.
- Những trường hợp bị trầm cảm, rối loạn lo âu,… cũng có nguy cơ phát triển chứng OCPD cao hơn so với bình thường.
Ảnh hưởng của rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế
Đặc điểm chung của các rối loạn nhân cách là sự cứng nhắc, thiếu linh hoạt về hành vi, cảm xúc và ứng xử khiến bản thân dễ gặp phải các vấn đề trong cuộc sống. Với mỗi dạng rối loạn nhân cách, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với những vấn đề riêng.
So với các rối loạn nhân cách nhóm B, rối loạn nhân cách nhóm C hay cụ thể loạn nhân cách ám ảnh nghi thức có ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, việc bận tâm dai dẳng đến các chi tiết, tính cách cứng nhắc, thiếu linh hoạt,… cũng sẽ gây ra không ít ảnh hưởng cho bệnh nhân rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức.
Một số ảnh hưởng mà bệnh nhân rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức phải đối mặt:
- Sự cứng nhắc quá mức, thiếu tính mềm dẻo, linh hoạt và quá quan tâm đến chi tiết khiến bệnh nhân thường xuyên trễ nải công việc. Kết quả là khó thăng tiến, thu nhập không ổn định và đôi khi phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.
- Việc quan tâm thái quá đến các chi tiết và nỗi sợ thất bại khiến một số người hình thành tâm lý lo âu, đau khổ và buồn phiền. Về lâu dài có thể gia tăng nguy cơ rối loạn lo âu, rối loạn cơ thể hóa, trầm cảm,…
- Người bị rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức rất xem trọng các quy tắc đạo đức nên tỷ lệ nghiện rượu, sử dụng chất kích thích thấp hơn so với các rối loạn nhân cách khác. Tuy nhiên, cảm xúc bị dồn nén quá lâu có thể khiến bệnh nhân bị trầm cảm và khả năng cao sẽ thực hiện hành vi tự sát để giải thoát bản thân.
- Gặp phải vấn đề trong các mối quan hệ – đặc biệt là khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời và xây dựng gia đình hạnh phúc. Người bị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế thường là người chồng, người vợ mẫu mực. Tuy nhiên, sự cứng chắc và quá chú tâm đến những chi tiết không quan trọng khiến bạn đời của họ không thể chịu đựng.
Nếu như một số dạng rối loạn nhân cách khác khiến người bệnh sống sa đọa, dùng bia rượu, chất kích thích và phải đối mặt với nhiều vấn đề tài chính thì người bị rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức hoàn toàn không gặp phải những vấn đề này.
Do bản tính luôn tuân thủ luật pháp, quy tắc đạo đức và hà tiện nên bản thân họ có thể sống tốt mà không phải phụ thuộc vào gia đình. Tuy nhiên, việc điều trị là cần thiết để bệnh nhân có thể linh hoạt, mềm dẻo hơn và cải thiện được chất lượng cuộc sống lâu dài.
Chẩn đoán rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD)
Tương tự như các rối loạn nhân cách khác, rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế được chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng. Bệnh nhân sẽ được chẩn đoán mắc bệnh lý này khi có sự quan tâm quá mức và dai dẳng về chủ nghĩa hoàn hảo, sự trật tự, các chi tiết và luôn kiểm soát bản thân trong các quy tắc, kế hoạch đã đặt ra.
Hiện nay, các chuyên khoa Tâm thần đều sử dụng tiêu chuẩn DSM-5 để chẩn đoán bệnh. Bệnh nhân sẽ phải có ít nhất 4 triệu chứng trong bảng tiêu chuẩn và các triệu chứng này phải bắt đầu từ giai đoạn đầu của thời kỳ trưởng thành.
Triệu chứng của rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức dễ bị nhầm lẫn với khá nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần khác. Do đó, bác sĩ sẽ tiến hành phân biệt với một số khả năng có thể xảy ra như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn nhân cách phân liệt và rối loạn nhân cách né tránh.
Các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức
Hiện nay, phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức là tâm lý trị liệu. Mục tiêu của phương pháp là tăng sự linh hoạt, mềm dẻo, giảm tính cách cứng nhắc và ương bướng của bệnh nhân. Ngoài ra, những trường hợp có dấu hiệu lo âu, trầm cảm đi kèm sẽ phải kết hợp với liệu pháp hóa dược.
1. Tâm lý trị liệu
Nhìn chung, rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức không gây ra những ảnh hưởng quá nặng nề như rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách hoang tưởng,… Do đó, mục tiêu của tâm lý trị liệu là giúp người bệnh giảm bớt sự cứng nhắc, bướng bỉnh, thoải mái hơn trong lời nói và biểu lộ cảm xúc.
Thông tin về điều trị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế không nhiều. Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, chuyên gia sẽ tìm ra hướng can thiệp thích hợp. Hiện nay, liệu pháp tâm lý động, liệu pháp nhận thức – hành vi,… được cho là có hiệu quả trong quá trình điều trị OCPD. Bên cạnh trị liệu cá nhân, bệnh nhân cũng có thể được trị liệu theo nhóm.
Quá trình trị liệu đối với bệnh nhân rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức có thể mất nhiều thời gian. Bởi bệnh nhân có tính cách cứng nhắc, ngang bướng và luôn muốn người khác tuân theo quy tắc hoặc kế hoạch bản thân đã đặt ra.
2. Sử dụng thuốc
Thông thường, bệnh nhân rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức chỉ được điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân có biểu lo âu, trầm cảm sẽ được dùng thuốc chống trầm cảm. Trong đó, lựa chọn ưu tiên là các chất ức chế tái hấp thu serotonin (SSRIs).
Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nếu được điều trị, bệnh nhân hoàn toàn có thể sống và làm việc một cách lành mạnh, hiệu quả. Những người có dạng nhân cách này sở hữu một số phẩm chất tốt như sự tỉ mỉ, trách nhiệm, chu đáo, chuẩn mực,… Khi tích cực điều trị, bệnh nhân có thể phát huy thế mạnh của mình và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm:
- Tổng quan về chứng rối loạn nhân cách phân liệt Schizoid
- Đặc Điểm Nhận Biết Người Bị Rối Loạn Nhân Cách Phụ Thuộc (DPD)
- Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD): Cách nhận biết và chữa trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!