Rối loạn nhân cách tránh né (AVPD) là gì?

Giống với các chứng rối loạn nhân cách khác, các biểu hiện của rối loạn nhân cách tránh né thường khởi phát sớm từ thời thơ ấu và tiến triển nghiêm trọng hơn ở tuổi thiếu niên hoặc đầu giai đoạn trưởng thành. Theo số liệu ước tính thì có đến 2,5% dân số mắc phải chứng rối loạn này và tỉ lệ nam nữ bị ảnh hưởng là như nhau. 

Rối loạn nhân cách tránh né
Rối loạn nhân cách tránh né được đặc trưng bởi trạng thái lo lắng, sợ sệt khi giao tiếp xã hội.

Rối loạn nhân cách tránh né (AVPD) là gì?

Rối loạn nhân cách tránh né hay còn được gọi tắt là AVPD – Avoidant Personality Disorder là một dạng rối loạn nhân cách được đặc trưng bởi trạng thái ức chế, hồi hộp, lo sợ khi phải tiếp xúc với các mối quan hệ bên ngoài xã hội. Người bệnh thường có lòng tự trọng thấp, hay đánh giá thấp giá trị của bản thân. Đồng thời, họ cũng thường có những phản ứng, thái độ quá mức đối với những lời đánh giá, phê bình, chỉ trích của người khác.

Những trường hợp mắc bệnh rối loạn nhân cách tránh né thường cảm thấy không thoải mái với hầu hết các tình huống xã hội. Cũng chính vì thế mà họ sẽ có nhiều xu hướng muốn né tránh, từ chối việc tham gia vào các hoạt động tập thể, hội nhóm và rất sợ phải có mặt ở những nơi đông người.

Theo ước tính, thì hiện có khoảng gần 2,5% tổng dân số trên toàn thế giới mắc phải chứng rối loạn nhân cách này. Một vài kết quả nghiên cứu và điều tra được tiến hành tại Hoa Kỳ cho thấy có từ 10 đến 50% các trường hợp bị rối loạn hoảng sợ với những dấu hiệu sợ khoảng chừng trống mắc phải chứng rối loạn nhân cách tránh né.

Theo chia sẻ của các chuyên gia thì tỉ lệ bị ảnh hưởng của nữ giới và nam giới đều giống nhau, các triệu chứng bệnh sẽ tiềm ẩn từ rất sớm, trong khi còn ở độ tuổi trẻ em. Tuy nhiên, cũng tương tự như các chứng rối loạn nhân cách khác, AVPD thường sẽ không được chẩn đoán sớm trước ở những trường hợp chưa đủ 18 tuổi. Trừ trường hợp các đặc trưng nhân cách né tránh bắt đầu trở nên kém linh hoạt hoặc nó có khả năng làm cho các chức năng sống của người bệnh bị suy yếu.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Nếu tình trạng rối loạn nhân cách tránh né không được kịp thời phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp thì bệnh nhân có thể tự cô lập bản thân, làm cản trở hoặc thậm chí là hủy hoại các mối quan hệ lành mạnh xung quanh. Hơn thế, tình trạng bệnh còn có thể tác động lớn đối với các sinh hoạt hàng ngày, làm suy giảm chất lượng đời sống. Hơn thế, họ còn có nguy cơ lạm dụng các chất kích thích, các chất gây nghiện và làm gia tăng nguy cơ phát triển thêm các triệu chứng của trầm cảm.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách tránh né

Cũng như đã chia sẻ ở trên thì những người mắc phải hội chứng rối loạn nhân cách tránh né thường sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp. Triệu chứng này khiến cho người bệnh luôn lẩn trốn khỏi những cuộc gặp gỡ, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Cũng chính vì thế mà làm ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, khiến cho chất lượng cuộc sống bị suy giảm một cách đáng kể.

Bệnh nhân sẽ luôn có cảm giác ngờ vực, rất khó tin tưởng rằng một ai đó dành tình cảm và sự yêu thương cho mình. Ngược lại, họ lại càng có xu hướng suy nghĩ đến những điều tích cực, luôn nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng bi quanh. Điều này đồng nghĩa với việc, đối với họ thì kể cả những lời đánh giá, phê bình, nhận xét mang tính đóng góp đều là những lời nói đả kích, châm biếm, mang tính trêu chọc.

Nếu bắt buộc phải tham gia vào các tình huống xã hội thì người bệnh sẽ rất ngại và khó khăn trong việc đưa ra những ý kiến, quan điểm riêng của cá nhân. Nguyên nhân chủ yếu đó chính là do họ không tin tưởng vào bản thân, luôn lo sợ rằng mình sẽ nói sai một điều gì đó, sợ rằng bản thân sẽ trở thành trò cười của mọi người và lo lắng về những ánh mắt, cách nhìn nhận của người khác về mình.Chính vì thế mà mỗi khi phải giao tiếp hoặc phát biểu ý kiến trước đám đông thì bạn thường hay rụt rè, xấu hổ, nói năng không được lưu loát, hay nói lắp bắp, cơ thể, tay chân ra nhiều mồ hôi mà dường như không thể nói rõ ràng ý muốn của mình.

Rối loạn nhân cách tránh né
Người bệnh có xu hướng né tránh việc tham gia các cuộc trò chuyện, hoạt động cộng đồng.

Bên cạnh đó, những người mắc phải tình trạng rối loạn nhân cách tránh né thường sẽ dành nhiều thời gian để lo âu, suy nghĩ. Những cảm nhận và đánh giá của mọi người xung quanh chính là điều khiến cho luôn phải lo lắng. Họ sẽ liên tục suy đoán và liên tưởng về việc người khác đang nghĩ gì về mình, liệu rằng bản thân có được mọi người yêu mến và chấp nhận hay chưa. Những suy nghĩ này sẽ xâm chiếm lấy tâm trí của họ và giày vò họ trong thời gian dài khiến họ luôn trong trạng thái bất ổn, đứng ngồi không yên và làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh.

Chưa dừng lại ở đó, người bệnh rối loạn nhân cách tránh né còn thường tự cho rằng bản thân không phù hợp với xã hội hiện tại. Họ luôn cảm thấy khó chịu, không thoải mái với lối sống này. Người bệnh cũng sẽ rất nhạy cảm, họ cho rằng tất cả những ánh mắt, lời nói xung quanh điều nhằm mục đích trêu chọc, đả kích, ác ý về họ.

Những nỗi sợ này luôn thường trực trong tâm trí của họ khiến họ không thể nào xây dựng và phát triển tốt các mối quan hệ, thậm chí những mối quan hệ cũ đã từng rất thân thiết cũng có thể bị rạn nứt, không thể tiếp tục kéo dài. Họ chỉ thực sự muốn tâm sự với bạn chỉ trừ khi họ chắc chắn rằng bạn cũng thích và muốn trò chuyện với họ.

Tuy nhiên điều này rất khó diễn ra bởi trong suy nghĩ của bệnh nhân luôn chất đầy những điều tiêu cực. Trong trường hợp người bệnh chấp nhận tham gia vào các cuộc trò chuyện thì họ cũng sẽ không chia sẻ về những thông tin cá nhân hoặc bộc lộ cảm xúc của mình.

Để có thể chẩn đoán một người mắc phải chứng rối loạn nhân cách tránh né thì người đó phải tồn tại và đáp ứng tối thiểu 4 trong các biểu hiện sau đây. Dưới đây là những triệu chứng chẩn đoán AVPD dựa theo “Cẩm nang thống kê và chẩn đoán rối loạn tâm thần” của Hiệp hội Tâm thần Mỹ:

  • Thường xuyên cảm thấy lo lắng, bất an về các buổi gặp mặt, trò chuyện. Người bệnh dường như không có hứng thú với những hoạt động này.
  • Rất hạn chế hoặc thậm chí là không bao giờ tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí hội nhóm hoặc sẽ không đến những nơi công cộng, đông người.
  • Bệnh nhân rất hay bận tâm, để ý đến việc bị người khác đánh giá, phê bình hoặc bị từ chối trong các tình huống xã hội.
  • Do lo sợ bị chế giễu nên họ thường sẽ có biểu hiện rõ rệt về sự kiềm nén trong các mối quan hệ gần gũi, thân mật.
  • Cảm thấy sợ sệt, mắc cỡ, lúng túng, miễn cưỡng khi phải bắt buộc tham gia vào các hoạt động đông người hoặc có sự góp mặt của những người chưa từng quen biết.
  • Khi gặp người lạ thường biểu hiện sự nhút nhát, e dè, không thoải mái.

Thông thường thì tình trạng rối loạn nhân cách tránh né sẽ được chẩn đoán ở tuổi trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên). Nguyên nhân chủ yếu bởi vì các hành vi né tránh người lạ, lo sợ đám đông cũng có thể tìm thấy rất nhiều ở trẻ em và trẻ ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Đây được xem là một phần phổ biến trong quá trình phát triển bình thường của mỗi trẻ nhỏ.

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhân cách tránh né

Cho đến hiện nay, cơ thể làm khởi phát chứng rối loạn nhân cách tránh né vẫn chưa được xác định một cách cụ thể. Tuy nhiên, dựa theo kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học cũng nhận thấy tình trạng rối loạn này có liên quan đến một số yếu tố, điển hình như di truyền, tâm lý và xã hội. Các yếu tố này không tác động một cách riêng lẻ mà nó sẽ kết hợp để có thể làm gia tăng nguy cơ làm xuất hiện các triệu chứng đặc trưng của bệnh, gây ra những bất ổn trong tâm trí của con người.

Rối loạn nhân cách tránh né
Rối loạn nhân cách tránh né có thể liên quan đến các yếu tố di truyền, xã hội hoặc tâm lý

1. Yếu tố di truyền

Trong rất nhiều các cuộc nghiên cứu chuyên khoa cho thấy rằng, di truyền là một trong các yếu tố thường xuyên xuất hiện đối với các trường hợp mắc bệnh rối loạn tâm thần, rối loạn nhân cách. Theo chia sẻ từ các chuyên gia thì tính cách của cha mẹ cũng sẽ một phần ảnh hưởng và di truyền cho con cái.

Theo đó, những ai có chỉ số rối loạn thần kinh chức năng cao sẽ có xu hướng trải nghiệm các cảm xúc tiêu cực, bi quan. Những người này sẽ có phản ứng rất kém đối với những trạng thái áp lực, căng thẳng, stress và có xu hướng đánh giá, nhìn nhận các vấn đề bình thường theo chiều hướng tiêu cực, tồi tệ, thậm chí là nguy hiểm.

2. Yếu tố xã hội

Đối với những cá nhân thường xuyên sinh hoạt và tiếp xúc với môi trường sống có quá nhiều lời chỉ trích, phê phán thường sẽ cố gắng tự tạo cho mình một lớp vỏ bọc hoặc một hàng rào chắn để chống chọi và tự phòng thủ. Lúc này, giải pháp mà họ nghĩ là hiệu quả nhất đó chính là tránh né, tốt nhất là không tiếp xúc và bắt đầu bất kì mối quan hệ xã hội nào để hạn chế tối đa các tình huống nguy hiểm.

Trong nhiều cuộc khảo sát nhận thấy rằng, môi trường là yếu tố có liên quan mật thiết với chứng rối loạn nhân cách tránh né, đặc biệt là trong thời thơ ấu. Những người đã mắc phải chứng rối loạn này thường chia sẻ rằng họ đã từng có những trải nghiệm tồi tệ trong quá khứ về bạn bè, cha mẹ, người thân và điều đó làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng của họ.

3. Yếu tố tâm lý

Cũng bởi những trải nghiệm xuất hiện liên tục từ thời thơ ấu nên khiến nhiều người rơi vào trạng thái bế tắc, thường xuyên lo lắng. Điều này sẽ tạo nên đặc tính nhút nhát, lo sợ, có xu hướng thu mình lại và không muốn giao tiếp xã hội. Khi lớn lên họ vẫn sẽ luôn tìm mọi cách để né tránh việc đối mặt với các mối quan hệ xã hội, không muốn tạo dựng bất kì mối quan hệ nào thân thiết.

Hướng điều trị rối loạn nhân cách tránh né

Rối loạn nhân cách tránh né có thể gây ảnh hưởng rất nhiều đến các mối quan hệ và làm suy giảm nghiêm trọng về chất lượng cuộc sống của con người. Chính vì thế, ngay khi nhận thấy các triệu chứng đặc trưng của bệnh bạn cần chủ động hơn trong việc tiến hành thăm khám và chẩn đoán bệnh tại các cơ sở chuyên khoa uy tín.

Sau khi nắm rõ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất. Thông thường sẽ ưu tiên áp dụng tâm lý trị liệu bao gồm trị liệu tâm động năng, trị liệu hành vi nhận thức. Một vài trường hợp nghiêm trọng cần dùng thêm một vài loại thuốc để kiểm soát tốt các triệu chứng nguy hiểm.

Rối loạn nhân cách tránh né
Tâm lý trị liệu là phương pháp luôn được ưu tiên áp dụng cho người bệnh rối loạn nhân cách tránh né

1. Tâm lý trị liệu

Sau khi đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh, bác sĩ, chuyên gia sẽ ưu tiên áp dụng liệu pháp tâm lý trị liệu để có thể giúp người bệnh nhận thức rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bản thân, biết rõ hơn về những suy nghĩ sai lệch của mình. Thông thường, đối với tình trạng rối loạn nhân cách tránh né sẽ được áp dụng tâm lý trị liệu tâm động năng hoặc liệu pháp nhận thức hành vi. Cụ thể như sau:

1.1 Trị liệu hành vi nhận thức (CBT)

Trị liệu hành vi nhận thức hay còn được viết tắt là CBT – Cognitive Behavioral Therapy, đây là một trong các liệu pháp được sử dụng phổ biến đối với các trường hợp bị rối loạn nhân cách tránh né. Các chuyên gia tâm lý sẽ sử dụng ngôn ngữ, lời nói để trò chuyện và trao đổi trực tiếp với từng bệnh nhân. Nhà trị liệu sẽ dần khai thác và giúp cho bệnh nhân nhìn nhận ra những niềm tin sai lệch của bản thân và dần thay thế chứng bằng những thứ lành mạnh, đúng đắn hơn.

Đồng thời, chuyên gia tâm lý hoặc các nhà trị liệu cũng sẽ khuyến khích bệnh nhân tiến hành kiểm tra, đánh giá niềm tin, suy nghĩ của mình để xem thực sự có dựa trên các cơ sở thực tế hay không. Song song với đó, những suy nghĩ tích cực, lạc quan, lành mạnh cũng sẽ được hình thành tốt hơn. Một số liệu pháp sẽ được thực hiện trong quá trình trị liệu hành vi nhận thức cho người rối loạn nhân cách tránh nén như liệu pháp schema, liệu pháp hành vi biện chứng,….

1.2 Trị liệu tâm động năng (Psychodynamic)

Trị liệu tâm động năng được đánh giá là một trong các biện pháp điều trị hiệu quả và an toàn nhất đối với các trường hợp mắc chứng rối loạn nhân cách tránh né. Việc áp dụng liệu pháp này nhằm mục đích giúp cho người bệnh xác định được cụ thể về niềm tin của bản thân và những người xung quanh. Ngoài ra, nó còn có tác dụng giúp cho các hoạt động xã hội của bệnh nhân được diễn ra thuận lợi và dễ dàng hơn.

Thông thường, trị liệu tâm động năng cho người bệnh AVPD sẽ được tiến hành qua những buổi trò chuyện, trao đổi trực tiếp. Nhờ đó, bệnh nhân sẽ nhận lấy lại nhận thức đúng đắn, họ biết được những suy nghĩ vô thức của bản thân và hiểu được những trải nghiệm đã diễn ra trong quá khứ đã tác động như thế nào đến hành vi. Điều này cũng cho phép họ được kiểm tra và đưa ra giải pháp hữu hiệu cho những tổn thương đã từng có ở thời thơ ấu.

Sau khi kết thúc liệu trình trị liệu tâm lý, hầu hết bệnh nhân rối loạn nhân cách tránh né sẽ dần có được cái nhìn đúng đắn, lành mạnh hơn về chính mình và cả những người xung quanh. Theo nghiên cứu và khảo sát trên thực tế thì liệu pháp tâm động năng khi được áp dụng trên nhóm rối loạn này sẽ mang lại kết quả vô cùng khả quan và hiệu quả cũng được kéo dài.

2. Sử dụng thuốc điều trị

Trong thực tế, chứng rối loạn nhân cách tránh né vẫn chưa có bất kì loại thuốc nào được các tổ chức y tế trên thế giới phê duyệt về công dụng đặc trị bệnh. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp nặng, bệnh nhân có xuất hiện các triệu chứng lo sợ, buồn chán, mất hứng thú nghiêm trọng thì sẽ được cân nhắc để kê đơn thuốc chống trầm cảm. Việc dùng thuốc không thể giúp điều trị tận gốc bệnh nhưng nó sẽ giúp kiểm soát và làm thuyên giảm đi các triệu chứng lo lắng, bất an, buồn bã, cô đơn của người bệnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia thì các trường hợp bị rối loạn nhân cách tránh né sẽ có nhiều nguy cơ phát triển các triệu chứng bệnh trầm cảm, rối loạn lưỡng cực hoặc rối loạn lo âu. Theo đó, rối loạn lo âu xã hội là một trong các vấn đề rối loạn tâm thần có sự liên kết chặt chẽ với nhân cách tránh né.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm
Rối loạn nhân cách tránh né sẽ khiến cho cuộc sống của người bệnh gặp nhiều khó khăn và cản trở. Do đó, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nhận biết bệnh bạn cần tiến hành thăm khám và chẩn đoán bệnh càng sớm càng tốt để tránh việc làm phát triển các vấn đề sức khỏe tâm thần nguy hiểm hơn.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *