Rối loạn dạng cơ thể là gì? Dấu hiệu nhận biết và điều trị
Rối loạn dạng cơ thể đặc trưng bởi sự tập trung quá mức vào các triệu chứng thể chất gây ra sự lo lắng thể hiện về cảm xúc, nhận thức và hành vi. Chứng rối loạn này rất khó phát hiện và việc điều trị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tốt nhất cần chủ động thăm khám bác sĩ khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ.
Rối loạn dạng cơ thể là gì?
Rối loạn dạng cơ thể (Somatoform Disorders) còn được gọi với tên khác là rối loạn chuyển dạng. Đặc trưng của chứng rối loạn này là người bệnh có nhiều triệu chứng thể chất trong trường hợp không có bệnh thực thể có thể phát hiện được. Đồng thời có những lo lắng về sức khỏe quá mức được thể hiện về mặt cảm xúc, nhận thức và hành vi.
Những người bệnh rối loạn chuyển dạng có thể nhận thấy một loạt các triệu chứng nghiêm trọng. Chẳng hạn như đau, các triệu chứng tim mạch, tiêu hóa, tình dục,… gây ra lo lắng, đau khổ và rối loạn chức năng xã hội dai dẳng.
Rối loạn chuyển dạng được hiểu rõ nhất bằng cách tập trung vào những bất thường trong phản ứng của người bệnh đối với các triệu chứng của họ. Không nên cố gắng tìm kiếm nguyên nhân y tế rõ ràng cho các triệu chứng đó.
Phản ứng không tốt của người bệnh đối với các triệu chứng chính là lý do mà rối loạn dạng cơ thể được xếp vào nhóm rối loạn tâm thần. Chẩn đoán chính của rối loạn chuyển dạng thường xoay quanh sự tồn tại của những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi bất thường đặc biệt của người bệnh để phản ứng với các triệu chứng thể chất.
Rối loạn dạng cơ thể thường có xu hướng khởi phát từ lứa tuổi thanh thiếu niên hay đầu giai đoạn trưởng thành. Số liệu thống kê cho thấy, rối loạn chuyển dạng phổ biến hơn ở phụ nữ khoảng 20 – 30 tuổi, với tỷ lệ cao mắc chứng trầm cảm hoặc lo âu. Quá trình điều trị căn bệnh này còn gặp nhiều khó khăn. Bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với rối loạn phân ly hoặc rối loạn lo âu bệnh tật.
Các dạng lâm sàng của rối loạn dạng cơ thể
Rối loạn dạng cơ thể được xác định là có nhiều dạng lâm sàng khác nhau. Tùy thuộc vào từng dạng sẽ có những biểu hiện và đặc điểm riêng. Cụ thể như sau:
1. Rối loạn cơ thể hóa
Rối loạn cơ thể hóa là một trong những dạng rối loạn dạng cơ thể thường gặp. Đặc trưng của dạng rối loạn này là sự tái diễn liên tục của các triệu chứng thể chất thôi thúc người bệnh cần phải được thăm khám và điều trị y tế lâu dài.
Người mắc chứng bệnh này luôn có nhu cầu được chẩn đoán và điều trị mặc dù nhận được kết quả âm tính rất nhiều lần. Ngay cả khi bác sĩ cũng cam kết họ hoàn toàn khỏe mạnh thì ý nghĩ cần phải điều trị vẫn không ngừng thôi thúc họ.
2. Rối loạn nghi bệnh
Rối loạn nghi bệnh là dạng rối loạn chuyển dạng mà bệnh nhân luôn tin rằng những biểu hiện trên cơ thể dù là nhỏ nhất cũng đều có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tương tự như rối loạn cơ thể hóa, người bệnh cũng tìm kiếm dai dẳng sự chăm sóc y tế mặc dù đã được các bác sĩ trấn an và khẳng định rằng họ hoàn toàn khỏe mạnh.
3. Rối loạn chức năng thần kinh tự động dạng cơ thể
Rối loạn chức năng thần kinh tự động dạng cơ thể được xác định là một trong những dạng lâm sàng khá phổ biến của rối loạn chuyển dạng. Người mắc chứng bệnh này thường gặp phải các triệu chứng tương tự như bị rối loạn thần kinh thực vật (rối loạn hô hấp, dạ dày, tim mạch, hệ tiết niệu – sinh dục,…).
Các biểu hiện thường gặp nhất bao gồm:
- Hồi hộp
- Đỏ bừng mặt
- Ra nhiều mồ hôi
- Đánh trống ngực
- Cảm giác nóng ran ngoài da
4. Đau tâm căn
Đau tâm căn còn được gọi với tên khác là rối loạn đau dạng cơ thể dai dẳng. Đặc trưng là người mắc chứng bệnh này luôn gặp phải các tình trạng đau nhức trên cơ thể một cách dai dẳng. Tuy nhiên lại không thể xác định rõ căn nguyên cụ thể.
Nguyên nhân gây rối loạn dạng cơ thể
Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu nhưng nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn dạng cơ thể vẫn chưa được xác định cụ thể. Vẫn chưa có bất cứ hiện tượng tổn thương nào có thể giải thích được cho các vấn đề bất thường về sức khỏe thể chất,
Các chuyên gia nhận định, các chấn thương tâm lý cũng có thể liên quan tới rối loạn chuyển dạng. Tuy nhiên, người bệnh phải trải qua một chấn thương cực mạnh thì mới có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của não bộ cũng như các dây thần kinh giữ chức năng điều khiển các cơ quan trong cơ thể.
Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn dạng cơ thể bao gồm:
- Những người đã và đang mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần. Chẳng hạn như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn phân ly, rối loạn nhân cách,…
- Yếu tố di truyền cũng là vấn đề cần nhắc đến. Nếu người thân trong gia đình, nhất là cha mẹ từng mắc phải chứng rối loạn chuyển dạng thì con sinh ra có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
- Những người từng bị tổn thương tâm lý nặng nề. Chẳng hạn như từng bị bỏ rơi, đánh đập, bạo hành, lạm dụng tình dục,…
- Người mắc bệnh về tâm thần, chẳng hạn như bệnh động kinh
- Những người có lối sống tiêu cực và thường xuyên suy nghĩ bi quan cũng rất dễ khiến cho nhận thức bị lệch lạc
Dấu hiệu nhận biết rối loạn dạng cơ thể
Các triệu chứng của rối loạn dạng cơ thể thường không được giải thích bởi một nguyên nhân hay một tình trạng bệnh cụ thể. Chúng có thể từ nhẹ đến nặng, biểu hiện đơn lẻ hoặc nhiều triệu chứng.
Một số vấn đề thường gặp có thể là:
- Cảm giác cụ thể, chẳng hạn như đau hoặc khó thở hay các triệu chứng chung hơn. Thường gặp nhất là mệt mỏi hoặc suy nhược.
- Không liên quan đến bất cứ nguyên nhân y tế nào có thể xác định.
- Có thể gặp phải một triệu chứng duy nhất, nhiều triệu chứng kết hợp hay các triệu chứng khác nhau.
- Các triệu chứng có thể biểu hiện ở mức độ nhẹ, vừa hoặc nặng.
Đau được cho là triệu chứng phổ biến nhất của chứng rối loạn chuyển dạng. Tuy nhiên cho dù triệu chứng của bạn là gì thì bạn cũng sẽ có những suy nghĩ, cảm xúc hay hành vi quá mức liên quan tới các triệu chứng đó. Điều này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, nhất là gây khó khăn cho các hoạt động thường ngày.
Những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi được đề cập có thể bao gồm:
- Thường xuyên lo lắng về bệnh tật tiềm ẩn
- Xem những cảm giác thể chất bình thường giống như một dấu hiệu của bệnh thể chất nặng
- Lo sợ các triệu chứng nghiêm trọng, ngay cả khi không có căn cứ
- Nghĩ rằng các cảm giác thể chất là có hại hoặc đang đe dọa
- Lo lắng rằng các hoạt động thể chất có thể gây hại cho cơ thể
- Liên tục kiểm tra cơ thể để tìm kiếm những bất thường
- Các cuộc thăm khám sức khỏe thường xuyên dường như không làm giảm bớt mối quan tâm hoặc làm cho chúng trở nên tồi tệ hơn
- Không đáp ứng được với điều trị y tế hoặc nhạy cảm bất thường với tác dụng phụ của thuốc
- Bị suy giảm nghiêm trọng hơn mức bình thường dự kiến do một tình trạng bệnh lý
Đối với rối loạn dạng cơ thể, điều quan trọng hơn các triệu chứng thể chất cụ thể mà bạn gặp phải chính là cách mà bạn diễn giải và phản ứng với chúng. Cùng với đó là cách chúng gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của bạn.
Ảnh hưởng của rối loạn dạng cơ thể
Rối loạn dạng cơ thể là căn bệnh gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Người bệnh thường liên tục phải chịu đựng những cơn đau nhức và mệt mỏi dữ dội về thể chất. Hơn nữa tinh thần cũng dần bị suy sụp mà không thể khắc phục hay làm giảm bớt nỗi đau.
Tình trạng này kéo dài khiến cho cơ thể bị suy nhược, chế độ ăn uống và ngủ nghỉ cũng không được đảm bảo. Thậm chí nhiều người bệnh không còn khả năng cảm nhận rõ niềm vui và sự hạnh phúc. Ngoài ra họ còn phải đối mặt với sự nghi ngờ và chỉ trích từ phía người khác khiến họ cảm thấy buồn tủi, khó chịu và tức giận.
Rối loạn cơ thể có thể gây ra một số ảnh hưởng sau đây:
- Sức khỏe kém, suy nhược cơ thể
- Các vấn đề hoạt động trong cuộc sống hằng ngày
- Các vấn đề với các mối quan hệ
- Các vấn đề trong công việc, gia tăng nguy cơ thất nghiệp
- Các rối loạn sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, lo lắng hay rối loạn nhân cách
- Vấn đề tài chính do đi khám sức khỏe quá nhiều
- Tăng nguy cơ tự tử liên quan tới trầm cảm
Chẩn đoán rối loạn dạng cơ thể
Trước khi có cuộc hẹn thăm khám, bạn nên chuẩn bị một số thông tin sau để cung cấp cho bác sĩ được biết:
- Các triệu chứng mà bạn gặp phải. Bao gồm thời điểm chúng xuất hiện, chúng ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống hằng ngày của bạn.
- Các sự kiện đau buồn xảy ra trong quá khứ và bất cứ sự kiện lớn, căng thẳng nào.
- Thông tin y tế bao gồm các tình trạng sức khỏe thể chất hay tinh thần khác mà bạn có.
- Thuốc, thảo mộc, vitamin và các chất bổ sung khác mà bạn đang sử dụng.
Để xác định chẩn đoán rối loạn dạng cơ thể, bạn có thể sẽ phải khám sức khỏe. Đồng thời làm bất cứ xét nghiệm nào mà bác sĩ yêu cầu. Bác sĩ của bạn sẽ giúp xác định xem bạn có bất cứ tình trạng nào cần điều trị hay không.
Bác sĩ tâm thần có thể tiến hành đánh giá tâm lý để nói về các triệu chứng, nỗi sợ hãi hay lo lắng của bạn. Đồng thời khai thác các tình huống căng thẳng, tình huống bạn có thể tránh, các vấn đề trong mối quan hệ và tiền sử gia đình.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ còn yêu cầu bạn điền vào bảng câu hỏi hoặc tự đánh giá tâm lý. Việc hỏi về vấn đề sử dụng rượu, ma túy hay các chất gây nghiện khác cũng có thể cho biết thêm về ảnh hưởng của các triệu chứng đến cuộc sống của bạn.
Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5) nhấn mạnh một số điểm trong chẩn đoán rối loạn dạng cơ thể bao gồm:
- Bạn có một hoặc nhiều triệu chứng thể chất, chẳng hạn như đau hoặc mệt mỏi gây ra đau khổ hay các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.
- Bạn có những suy nghĩ quá mức và dai dẳng về mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
- Bạn có mức độ lo lắng liên tục về sức khỏe hay các triệu chứng của mình.
- Bạn dành quá nhiều thời gian và năng lượng cho các triệu chứng hay mối bận tâm về sức khỏe của mình.
- Bạn tiếp tục có các triệu chứng mà bạn lo lắng, thường trong khoảng hơn 6 tháng mặc dù các triệu chứng có thể khác nhau.
Rối loạn dạng cơ thể và các tình trạng đồng xuất hiện
Rối loạn dạng cơ thể thường xảy ra đồng thời với các tình trạng sức khỏe tâm thần. Chẳng hạn như trầm cảm và rối loạn lo âu. Các tình trạng sức khỏe tâm thần đồng thời xảy ra cần được giải quyết đồng thời để việc điều trị có hiệu quả. Trong một số trường hợp, tình trạng sức khỏe tâm thần lại là nguyên nhân cơ bản của rối loạn chuyển dạng.
Ngoài ra, rối loạn chuyển dạng cũng có thể đồng thời xảy ra với tình trạng lạm dụng chất kích thích. Bởi người bệnh thường cố gắng đối phó với sự khó hiểu về các triệu chứng của họ bằng rượu hoặc ma túy. Đặc biệt còn có mối liên hệ chặt chẽ giữa rối loạn chuyển dạng và lệ thuộc opioid.
Rối loạn dạng cơ thể điều trị như thế nào?
Căn nguyên của bệnh rối loạn dạng cơ thể rất phức tạp, thường bao gồm sự hiện diện của cả nguyên nhân tâm lý lẫn nguyên nhân thực thể. Đa phần người bệnh đều không chấp nhận căn nguyên gây ra các triệu chứng cơ thể là do nguyên nhân tâm lý.
Do đó, việc thuyết phục người bệnh can thiệp điều trị thường mất nhiều thời gian. Hơn nữa một số trường hợp còn có xu hướng tự ý bỏ điều trị.
Mục tiêu của điều trị là cải thiện các triệu chứng và khả năng hoạt động của người bệnh trong cuộc sống thường ngày. Tâm lý trị liệu có thể hữu ích cho chứng rối loạn cơ thể. Ngoài ra thuốc cũng có thể được sử dụng, nhất là khi bạn đang phải vật lộn với cảm giác chán nản. Cụ thể như sau:
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp đóng vai trò chủ đạo đối trong phác đồ điều trị rối loạn dạng cơ thể. Bởi các triệu chứng thể chất có thể liên quan tới đau khổ tâm lý và mức độ lo lắng về sức khỏe.
Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) được đánh giá là có thể giúp cải thiện các triệu chứng thể chất. CBT mang đến những lợi ích sau:
- Kiểm tra và điều chỉnh niềm tin, kỳ vọng của bạn về sức khỏe cũng như các triệu chứng thể chất
- Học cách làm giảm căng thẳng
- Học cách đối phó với các triệu chứng thể chất
- Giảm mối bận tâm đối với các triệu chứng
- Hạn chế việc tránh các tình huống và hoạt động do cảm giác khó chịu về thể chất
- Cải thiện hoạt động hằng ngày ở nhà, nơi làm việc hoặc trong các mối quan hệ và trong các tình huống xã hội
- Giải quyết chứng trầm cảm cùng các rối loạn sức khỏe tâm thần khác
Ngoài liệu pháp nhận thức – hành vi thì liệu pháp gia đình cũng có thể hữu ích với việc điều trị rối loạn dạng cơ thể. Liệu pháp gia đình giúp kiểm tra các mối quan hệ gia đình. Đồng thời cải thiện sự hỗ trợ và hoạt động của gia đình đối với quá trình điều trị của người bệnh.
2. Sử dụng thuốc
Điều trị bằng thuốc là phương pháp được cân nhắc trong các trường hợp người bệnh có biểu hiện trầm cảm, lo âu, kích động, hoảng loạn,… Tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng cũng như tình trạng cụ thể của từng người bệnh mà bác sĩ tâm thần sẽ kê toa thuốc phù hợp.
Một số loại thuốc thường được kê toa bao gồm:
– Thuốc chống trầm cảm:
Rối loạn dạng cơ thể có thể gây ra sự bận tâm dai dẳng về các triệu chứng cơ thể. Lâu dần sẽ khiến cho người bệnh rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm. Lúc này, bác sĩ thường kê toa các loại thuốc chống trầm cảm để cải thiện. Trong đó, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và thuốc chống trầm cảm 3 vòng là các lựa chọn ưu tiên.
Liều lượng được sử dụng tương tự như liều điều trị trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm thường phát huy tác dụng khá muộn, sau khoảng 4 – 8 tuần sử dụng. Tương tự như khi điều trị trầm cảm, đối với trường hợp bị rối loạn dạng cơ thể thì thuốc có thể được sử dụng lâu dài để phòng ngừa tái phát.
– Thuốc chống lo âu:
Loại thuốc này thường được bác sĩ kê toa trong các trường hợp người bệnh có biểu hiện lo âu. Do có khả năng gây nghiện nên các thuốc chống lo âu thường chỉ được dùng điều trị ngắn hạn. Người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn rõ ràng để sử dụng đúng cách, tránh lạm dụng hay nghiện thuốc.
Một số loại thuốc chống lo âu có thể được bác sĩ chỉ định bao gồm:
- Benzodiazepine
- Etifoxine Chlorhydrate
- Hydroxyzine Hydrochloride
Thuốc chống lo âu thường sẽ được dùng với liều ban đầu thấp. Sau đó mới từ từ tăng dần liều cho tới khi nhận được hiệu quả như mong muốn. Trước khi ngưng thuốc hẳn cần giảm dần liều để hạn chế gặp phải các tác dụng không mong muốn.
3. Các biện pháp tự chăm sóc
Mặc dù người bệnh rối loạn dạng cơ thể được hưởng lợi từ điều trị chuyên nghiệp nhưng bạn có thể thực hiện một số giải pháp về lối sống và tự chăm sóc để hỗ trợ thêm. Các biện pháp được đề cập bao gồm:
– Thực hành các kỹ thuật quản lý căng thẳng và thư giãn:
Học các kỹ thuật thư giãn và quản lý căng thẳng có thể giúp cải thiện các triệu chứng. Đặc biệt là trong trường hợp các triệu chứng thể chất khiến bạn lo lắng quá mức. Bạn có thể tập hít thở sâu, ngồi thiền, tập yoga, nghe nhạc, áp dụng liệu pháp mùi hương,…
– Vận động cơ thể:
Hoạt động thể chất mang lại rất nhiều lợi ích cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Một chương trình vận động phù hợp có thể xoa dịu tâm trạng của bạn. Đồng thời cải thiện các triệu chứng thể chất cũng như cải thiện chức năng của cơ thể.
Mỗi ngày bạn nên dành khoảng 30 – 45 phút cho các hoạt động thể chất phù hợp. Khi vận động, cơ thể sẽ giải phóng nhiều hormone endorphin hơn mang lại tinh thần thoải mái và cảm giác vui vẻ.
– Tham gia các hoạt động:
Bạn nên chủ động tham gia vào công việc, các hoạt động xã hội và gia đình. Đừng nên chờ đợi cho tới khi các triệu chứng của bạn được giải quyết mới tham gia.
Việc tích cực tham gia vào các hoạt động cũng có thể giúp bạn cải thiện tâm trạng và sống có ý nghĩa hơn. Khi lo lắng được giải quyết thì các triệu chứng thể chất cũng sẽ giảm mức độ ảnh hưởng.
– Tránh rượu và chất kích thích:
Việc sử dụng rượu bia và các chất gây nghiện có thể khiến cho các triệu chứng rối loạn dạng cơ thể tồi tệ hơn. Ngoài ra còn khiến cho việc chăm sóc sức khỏe trở nên khó khăn hơn. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc bỏ rượu hay bỏ thuốc thì có thể nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ.
Phòng ngừa rối loạn dạng cơ thể
Để bảo vệ cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần thì bạn cần biết cách xây dựng thói quen lành mạnh và tích cực. Một số lời khuyên dưới đây có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc chứng rối loạn dạng cơ thể:
- Cân bằng công việc và nghỉ ngơi. Nên dành thời gian thư giãn bằng các hoạt động lành mạnh như chăm sóc cây cảnh, nghe nhạc, leo núi, du lịch, bơi lội,…
- Lên kế hoạch cụ thể cho lịch trình công việc hằng ngày. Điều này giúp bạn chủ động hơn trong mọi tình huống. Đồng thời tránh tình trạng làm việc quá sức hay ồm đồm khối lượng công việc quá tải khiến bản thân chịu nhiều áp lực.
- Học cách kiểm soát cảm xúc và cố gắng buông bỏ nỗi đau trong quá khứ. Nếu bạn từng chịu nhiều tổn thương trong quá khứ thì cần sớm khắc phục và loại bỏ ảnh hưởng của chúng.
- Thường xuyên rèn luyện các bài tập yoga và thiền định. Đây là một trong những thói quen rất tốt giúp bạn tĩnh tâm, an thần. Hơn nữa còn mang lại vô vàn lợi ích cho sức khỏe thể chất nói chung và các chức năng của cơ thể nói riêng.
- Học cách nhìn nhận và suy nghĩ mọi thứ theo hướng tích cực, lạc quan và vui vẻ. Nên thường xuyên gặp gỡ bạn bè, chủ động trò chuyện và giao tiếp nhiều hơn với gia đình.
- Chú ý ăn uống điều độ, lành mạnh và không quên dành 30 – 45 phút mỗi ngày cho việc hoạt động thể chất. Đặc biệt bạn cần chú ý đến giấc ngủ, nên đi ngủ trước 23 giờ và đảm bảo giấc ngủ ban đêm kéo dài đủ 7 – 8 tiếng đồng hồ.
Rối loạn dạng cơ thể là tình trạng bệnh khá nhiều người gặp phải. Tốt nhất khi phát hiện ra các triệu chứng nghi ngờ cần chủ động thăm khám bác sĩ. Việc can thiệp sớm và đúng cách sẽ giúp cải thiện triệu chứng, hạn chế bệnh tái phát để giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm:
- 10 Cách vượt qua nỗi đau bị bỏ rơi
- Ăn Chay Gây Trầm Cảm: Đúng Hay Sai?
- Rối Loạn Ăn Uống Vô Độ Là Gì? Có Nguy Hiểm Không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!