Rối loạn stress cấp tính (ASD) là gì? Có nguy hiểm không?

Rối loạn stress cấp tính (ASD) thường diễn ra trong thời gian ngắn, tối đa là 30 ngày tùy thuộc vào ngưỡng tâm lý của mỗi người. Trạng thái này thường xuất hiện sau các sự kiện gây sang chấn và cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của mỗi người. Phát hiện sớm và gặp gỡ các chuyên gia tâm lý sẽ giúp hạn chế tối đa các hệ lụy không mong muốn khác xuất hiện.

Rối loạn stress cấp tính (ASD) là gì?

Rối loạn stress cấp tính là một vấn đề tâm lý có tên khoa học là Aute Stress Disorder (ASD). Thuật ngữ này dùng để mô tả trạng thái hồi tưởng, căng thẳng diễn ra sau khi vừa trải qua một sự kiện gây sang chấn tâm lý. Các triệu chứng này thường xuất hiện sau 2- 4 ngày sau các sự kiện gây khủng hoảng và phải kéo dài ít nhất 3 ngày nhưng chỉ diễn ra tối đa trong 1 tháng.

Rối loạn stress cấp tính
Rối loạn stress cấp tính thường xuất hiện sau sự kiện gây sang chấn nhưng không kéo dài quá 1 tháng

Các sự kiện có thể gây rối loạn stress cấp tính có thể được người bệnh trải qua trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng đều gây ra tác động nặng nề về mặt tinh thần, điều này phụ thuộc vào tâm lý của từng người. Nghiên cứu cho thấy có khoảng 20% người rơi vào trạng thái này khi gặp các tình huống vượt quá khả năng chịu đựng, tuy nhiên nếu có hướng chăm sóc và cải thiện tốt thì có thể phục hồi trong 1 tháng.

Các triệu chứng của ASD khá tương đồng với rối loạn stress sang sang chấn (PTSD), đồng thời cũng khá giống về các yếu tố gây bệnh. Người không vượt qua được giai đoạn ASD sẽ chuyển sang giai đoạn PTSD, do đó rối loạn stress sang sang chấn  thường được chẩn đoán khi các triệu chứng đã kéo dài ít nhất 1 tháng.

Triệu chứng của rối loạn stress cấp tính

Biểu hiện của rối loạn stress cấp tính được xuất hiện ngay sau khi người bệnh trải qua các sự kiện đau thương. Các chẩn đoán theo tiêu chuẩn lâm sàng về các triệu chứng ASD được dựa trên khuyến cáo bởi Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Ấn bản thứ năm (DSM-5). Theo đó bệnh được biểu hiện qua 5 dấu hiệu chính là thâm nhập ( hồi tưởng các sự kiện), cảm xúc tiêu cực, trạng thái phân ly, né tránh và cuối cùng là thức tỉnh.

Rối loạn stress cấp tính
Luôn hồi tưởng về quá khứ kèm theo các cảm xúc tiêu cực, phân ly là triệu chứng điển hình của ASD

Cụ thể, bệnh nhân cần có ≥ 9 triệu chứng điển hình nhất sau đây

  • Thường xuyên hồi tưởng, suy nghĩ lặp đi lặp một một cách vô thức về các sự kiện gây sang chấn ở cả thực tại và trong những giấc mơ. Các ý nghĩ, hồi tưởng này mang tính chất thâm nhập tức là người bệnh có cảm giác như các tình huống đang tái diễn lại ngay trước mắt vô cùng sống động, cảm xúc y nguyên như thời điểm đó
  • Thường tỉnh giấc sau cơn ác mộng về những hồi tưởng về quá khứ, khi tỉnh dậy thường trong trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, khóc lóc, người đẫm mồ hôi và không còn chút sức lực nào
  • Cảm thấy căng thẳng khi nhìn thấy hay nghe thấy một tình huống, âm thanh nào đó gây gợi nhớ về sự kiện. Chẳng hạn một người chứng kiến người thân gặp tai nạn giao thông khi qua đường ở đèn đỏ có thể hoảng loạn khi nhìn thấy cột đèn giao thông
  • Thường cố gắng né tránh phải nghe, nhìn hay đi đến các sự kiện gây gợi nhớ lại quá khứ. Các cảm xúc và thái độ của họ cũng trở nên nhạy cảm và kích động quá mức nếu phải đối mặt với các tình huống gợi nhớ này
  • Cảm thấy những thay đổi cảm nhận về thực tại, chẳng hạn đột nhiên bàng hoàng mất nhận thức về xung quanh, cảm thấy thời gian dường như dừng lại,  cảm thấy tách biệt khỏi chính mình, không gian, thời gian. Trạng thái này được gọi là rối loạn tri giác sai thực tại Derealization
  • Thường xuyên có những cảm xúc tiêu cực, stress căng thẳng, buồn phiền, khóc lóc, hoảng loạn, kích động, tội lỗi. Người bệnh dường như trở thành một người khác, dễ trở nên kích động hơn dù tình huống đó hết sức bình thường
  • Các phản ứng phân ly cũng được biểu hiện khá rõ ở người bị rối loạn stress cấp tính. Chẳng hạn như người bệnh cảm thấy mất kết nối tạm thời với những gì diễn ra xung quanh, giống như phần “tâm hồn” và “thể xác” của họ đang bị tách biệt hoàn toàn, tình trạng này gọi là ” giải thể phân cách” – depersonalization
  • Dường như không còn cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc, tình thương từ những người xung quanh
  • Mất trí nhớ tạm thời, không thể nào nhớ ra phần quan trọng nhất của sự kiện sang chấn, được gọi là rối loạn quên phân ly (dissociative amnesia)
  • Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, ngủ gặp ác mộng nên tinh thần cũng luôn trong trạng thái lơ đãng, mơ hồ, mệt mỏi
  • Tăng cảnh giác với xung quanh, luôn nhìn ngó xung quanh với ánh mắt nghi ngờ, căng thẳng, cơ thể cũng luôn trong tư thế sẵn sàng để đối phó với các tình huống nguy hiểm
  • Khó tập trung, mơ hồ
  • Phản ứng giật mình quá mức trước các tình huống bình thường
  • Có xu hướng lạm dụng bia rượu, thuốc lá hay các chất kích thích khác

Rối loạn stress cấp tính cũng có thể xuất hiện đồng thời các với triệu chứng trầm cảm và rối loạn lo âu, tuy nhiên với vấn đề này cần có đủ triệu chứng kéo dài trong ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên nếu mắc đồng thời với hai bệnh lý trên sẽ gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình thăm khám và điều trị.

Nguyên nhân rối loạn stress cấp tính

Như đã nói, sự kiện gây sang chấn tâm lý vượt ngoài khả năng chịu đựng của người bệnh chính là tác nhân chính gây rối loạn stress cấp tính. Khả năng chịu đựng tâm lý của mỗi người là khác nhau nên đứng trước cùng một tình huống, có người mắc ASD nhưng cũng có người hoàn toàn bình thường. Điều này cũng rất khó nói nên tuyệt đối không nên so sánh giữa người bệnh và những người xung quanh.

Rối loạn stress cấp tính
Người là nạn nhân hay chứng kiến các sự kiện kinh hoàng như tai nạn giao thông rất dễ bị rối loạn stress cấp tính

Theo các chuyên gia, về cơ chế bệnh sinh, khi tinh thần bị tác động mạnh sẽ tăng sản sinh cortisol và catecholamine khiến cho nồng độ serotonin giảm thấp. Đây là yếu tố chính làm suy giảm hoạt động của cơ quan não bộ , khiến những người này tiêu cực, kích động, gặp ác mộng, thiếu tỉnh táo và gây ra các  triệu chứng.

Có rất nhiều tác động khiến một người bị ám ảnh, sống trong quá khứ không thể thoát ra được. Các sự kiện này có thể diễn ra trực tiếp hay gián tiếp. Trong đó, thống kê cho thấy những yếu tố có nguy cơ cao gây rối loạn stress cấp tính như sau

  • Tai nạn xe máy, xe ô tô… (c 13 – 21%)
  • Người từng bị chấn thương sọ não nhẹ (14%)
  • Bị hành hung, bạo lực, tấn công (16 – 19%)
  • Bỏng (10%)
  • Tai nạn công nghiệp do tính chất công việc ( 6 – 12%)
  • Bị tấn công hoặc lạm dụng tình dục ( 15%)
  • Chứng kiến cảnh uy hiếp, khủng bố ( chiếm 33%)

Đặc biệt nguy cơ này sẽ tăng cao khi chính bản thân họ là người trải nghiệm hay chứng khiến người thân của mình ở trong các tình huống đó. Một số yếu tố nguy cơ khác bao gồm

  • Có những tổn thương rõ ràng về mặt thể chất, chẳng hạn như những vết sẹo hay khiếm khuyết một bộ phận nào đó trên cơ thể
  • Người bệnh vốn có tính cách tiêu cực sống nội tâm, ít chia sẻ với người khác
  • Hoàn cảnh gia đình, chẳng hạn sống một mình, không hòa hợp với gia đình, thiếu thốn sự quan tâm của cha mẹ
  • Từng có tiền sử tâm thần gia đình
  • Từng trải qua các sự kiện tương tự ở thời thơ ấu
  • Nữ giới và trẻ em có nguy cơ mắc rối loạn stress cấp tính cao hơn do bản chất tâm lý của những đối tượng này cũng yếu hơn nam giới rất nhiều.

Rối loạn stress cấp tính có nguy hiểm không?

Cảm xúc tiêu cực, hoang mang, những sự kiện quá khứ thường lặp lại trong tâm trí cùng tình trạng mất ngủ khiến người bệnh dường như không thể sinh hoạt, làm việc như bình thường. Một số người có xu hướng trốn ở trong nhà một thời gian dài, bỏ mặc mọi thứ, không muốn ăn uống khiến không chỉ tinh thần mà thể chất cũng suy giảm nhanh chóng.

Rối loạn stress cấp tính
Rối loạn stress cấp tính làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống mỗi người

Những cảm xúc bất thường của người ASD còn làm ảnh hưởng đến những mối quan hệ xung quanh bởi họ quá tiêu cực, quá dễ kích động khiến mọi người không thể nào tiếp cận và hỗ trợ người bệnh. Chưa kể trạng thái phân ly khiến người bệnh có cảm giác xa rời thực tại và có thể xuất hiện các hành vi bốc đồng làm hại cho chính bản thân mình và những người xung quanh.

Tuy nhiên một may mắn nho nhỏ là rối loạn stress cấp tính thường chỉ kéo dài từ 3 – 30 ngày, nếu trong giai đoạn này người bệnh được chăm sóc về mặt tinh thần phù hợp thì hoàn toàn có thể hồi phục như bình thường mà không cần điều trị quá lâu. Dù vậy nếu không vượt qua được giai đoạn này sẽ chuyển qua rối loạn stress sang sang chấn (PTSD) với mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều nên cũng không được chủ quan.

Hướng điều trị rối loạn stress cấp tính

Các triệu chứng rối loạn stress cấp tính thường khá dễ nhận biết tuy nhiên nhiều người thường bỏ qua vì cho rằng đây là các cảm xúc bình thường diễn ra ở một người khi gặp các tình huống gây khủng hoảng. Do đó nếu bỏ lỡ “thời điểm vàng” để điều trị có thể dễ dẫn đến nhiều hệ lụy không mong muốn. Tùy từng tình trạng mà hướng điều trị sẽ được chỉ định khác nhau nhưng đều cùng mục đích là phục hồi tâm lý vui vẻ, tích cực cho người bệnh.

Điều trị y khoa

Thực tế việc dùng thuốc cho những bệnh nhân ASD chưa được khuyến khích hoàn toàn vì khả năng đáp ứng còn kém. Việc sử dụng thuốc hầu hết chỉ giúp ổn định hơn về mặt tinh thần, giấc ngủ, không mang đến tác dụng điều trị bệnh hoàn toàn. Người bệnh tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không được tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào khác.

Rối loạn stress cấp tính
Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc để dần ổn định lại tâm trạng, cảm xúc cho người bệnh

Một số nhóm thuốc được sử dụng phổ biến bao gồm

  • Thuốc chống trầm cảm, thường là nhóm  tái hấp thu chọn lọc hấp thu serotonin SSRIs nhằm giảm các trạng thái tiêu cực, u uất quá mức cho người bệnh
  • Thuốc ức chế adrenergic (Propranolol) giúp ổn định huyết áp, kiểm soát cơn căng thẳng quá mức
  • Thuốc an thần benzodiazepin thường dùng để hỗ trợ giấc ngủ, giảm các triệu chứng hoảng loạn hay phân ly,  lo âu quá mức.. các nhóm thuốc phổ biến thường dùng là Rivotril, Tranxene, Lexomil, Seduxen, tuy nhiên do có thể gây nghiện nên thường không được sử dụng quá lâu
  • Thuốc an thần kinh dùng khi người bệnh có trạng thái kích động quá mức, được chỉ định khi nhóm benzodiazepin không mang lại hiệu quả như mong muốn

Trị liệu tâm lý

So với việc dùng thuốc, chăm sóc tâm lý là biện pháp thường được khuyến khích nhiều hơn cho những bệnh nhân rối loạn stress cấp tính.  Mục đích của các phương pháp này thường là giúp người bệnh thoát khỏi những ám ảnh từ quá khứ, đưa người bệnh trở về thực tại, học cách đối mặt với căng thẳng, từ đó hồi phục những cảm xúc tiêu cực để lấy lại niềm vui trong cuộc sống.

Rối loạn stress cấp tính
Trị liệu tâm lý là biện pháp chính được hướng tới cho người bị rối loạn stress cấp tính

Trị liệu nhận thức hành vi, liệu pháp cá nhân, liệu pháp phơi nhiễm hay liệu pháp tiếp xúc là những biện pháp thường được áp dụng cho những người bị rối loạn stress cấp tính. Theo đó nhà trị liệu sẽ giúp người bệnh điều chỉnh các trải nghiệm để vượt qua mặc cảm về tội lỗi ( trong trường hợp người bệnh cảm thấy tội lỗi); giúp người bệnh nhìn nhận được vấn đề mình đang gặp phải một cách công bằng, đúng đắn.

Những cảm xúc thâm nhập dần được loại bỏ, người bệnh ngủ ngon hơn, ít gặp ác mộng, được chia sẻ nên tinh thần cũng dần trở về trạng thái ổn định. Nhà tham vấn cũng hướng dẫn người bệnh các biện pháp thư giãn tinh thần thông qua lời nói các hoạt động trực tiếp, chẳng hạn như dùng âm nhạc, thiền hoặc trực tiếp đối diện với các tình huống căng thẳng bằng cách tưởng tượng để học cách vượt qua những cảm xúc này hiệu quả.

Người bị rối loạn stress cấp tính nếu được tiếp nhận chăm sóc tâm lý ngay từ sớm sẽ rất nhanh vượt qua giai đoạn này. Ngoài ra liệu pháp trị liệu nhóm hay liệu pháp gia đình cũng được khuyến khích cho người bệnh để họ có cơ hội chia sẻ nhiều hơn, dần dần hòa nhập lại với cuộc sống bình thường.

Chăm sóc và điều trị tại nhà

Thực tế thì việc rơi vào trạng thái khủng hoảng sau khi bị tai nạn giao thông hay chứng kiến một người thân nào đó ra đi đột ngột là điều khó tránh khỏi, mức độ của rối loạn stress cấp tính còn nghiêm trọng hơn rất nhiều nên nếu không được chăm sóc đúng cách về mặt tâm lý thì cũng rất khó thoát khỏi giai đoạn này. Bên cạnh việc dùng thuốc hay hay gặp gỡ chuyên gia tâm lý thì một chế độ sinh hoạt lành mạnh, tích cực cũng mang đến rất nhiều tác dụng cho người bệnh.

Rối loạn stress cấp tính
Thiền và yoga có thể mang đến nhiều tác dụng tốt cho người bệnh

Cụ thể, một số biện pháp có thể mang đến cho người rối loạn stress cấp tính  những cải thiện tích cực như

  • Duy trì giấc ngủ ổn định, mỗi ngày nên ngủ đủ 7-8 tiếng đồng hồ, trong đó nên ngủ trước 23h để cơ thể được nạp đủ năng lượng, tinh thần thoải mái, tỉnh táo hơn
  • Tập thể dục, đặc biệt thiền và yoga được đánh giá mang đến rất nhiều tác dụng tốt cho những người đang gặp các vấn đề tâm lý để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, ổn định tinh thần, giảm các trạng thái quá khích đồng thời nâng cao chất lượng giấc ngủ
  • Chia sẻ cảm xúc, tâm trạng với người bệnh để hiểu rõ họ đang nghĩ gì. Đôi khi người bệnh cũng chỉ cần một người lắng nghe họ nói mà thôi. Lưu ý tuyệt đối không nên nói những lời mang tính chất coi thường cảm xúc của họ như “có vậy mà cũng sợ”, “chuyện đấy có gì đâu mà ám ảnh”…
  • Thực hiện các biện pháp giúp xoa dịu tinh thần như nghe nhạc, đọc sách, tắm nước ấm hay hít tinh dầu cũng mang đến rất nhiều tác dụng tốt
  • Tập viết nhật ký mỗi ngày cũng là cách giúp bản thân người bệnh có thể chia sẻ những cảm xúc khó nói nếu không muốn nói với những người khác
  • Thực hành các bài tập hít thở, học cách suy nghĩ tích cực hơn để nâng cao sức khỏe tinh thần cho chính bản thân mình

Các ảnh hưởng của rối loạn stress cấp tính sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cuộc sống, sức khỏe, tinh thần ở cả hiện tại lẫn tương lai. Mỗi người cần học cách nâng cao sức khỏe tinh thần thông qua việc cải thiện kỹ năng mềm, trau dồi kỹ năng sống hằng ngày. Nếu cảm thấy bản thân ngày càng cảm thấy mệt mỏi, quá sức, không còn cảm nhận được niềm vui hãy chủ động tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý để ngăn ngừa các tình huống không mong muốn xuất hiện.

Có thể bạn quan tâm

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *