Tổng quan về các rối loạn liên quan đến Stress

Các rối loạn liên quan đến stress thường xảy ra sau sự kiện sang chấn mạnh. Tuy nhiên, một số rối loạn có thể phát triển do phải đối mặt với stress trường diễn. Ngoài tác nhân trực tiếp, yếu tố nhân cách, di truyền, giới tính,… cũng có vai trò trong cơ chế bệnh sinh.

Các rối loạn liên quan đến stress thường gặp

Stress là phản ứng của cơ thể trước những sự việc và hoàn cảnh không thuận lợi trong cuộc sống. Những tác động này gây ra các cảm xúc mạnh có tính chất tiêu cực như lo lắng, sợ hãi, buồn bã, bi quan, thất vọng, ghen tuông, phẫn uất,… Cường độ cảm xúc sẽ phụ thuộc vào mức độ của tác nhân gây stress và đặc điểm tính cách của mỗi người.

Trên thực tế, stress đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống và bất cứ ai cũng phải trải qua stress. Đối mặt với stress, cơ thể sẽ có đáp ứng thích nghi về mặt sinh học, hành vi và tâm lý. Nhờ đó, mỗi người đều có thể vượt qua stress sau một thời gian nhất định.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Tuy nhiên, stress trường diễn hoặc những sự kiện gây sang chấn rất mạnh có thể gây ra các rối loạn liên quan đến stress. Trên thực tế, nguy cơ mắc các rối loạn liên quan đến stress phụ thuộc vào cả tác nhân bên ngoài lẫn bên trong. Bởi khi cùng đối diện với một sự kiện nhưng chỉ có một số cá thể bị rối loạn liên quan stress. Trong khi một số người có thể dễ dàng vượt qua sang chấn và ổn định lại tinh thần.

Những người có nhân cách yếu, rối loạn nhân cách, tính cách tự ti, nhút nhát,… sẽ có nguy cơ cao mắc phải các rối loạn liên quan đến stress. Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa hiểu rõ cơ chế vì sao cùng là yếu tố gây stress nhưng mỗi cá thể lại phát triển mỗi dạng rối loạn khác nhau.

Thực tế, hầu hết các rối loạn tâm thần đều có liên quan đến stress. Tuy nhiên, stress sẽ giữ vai trò chính trong cơ chế bệnh sinh của những rối loạn sau:

1. Rối loạn stress cấp (ASD)

Rối loạn stress cấp là phản ứng mạnh mẽ, xảy ra đột ngột sau khi đối mặt với stress trong thời gian không quá 1 tháng. Các triệu chứng kéo dài trong vài giờ cho đến vài ngày và có thể tự thuyên giảm. Tuy nhiên, rối loạn stress cấp cũng có thể phát triển thành các rối loạn khác nếu không được điều trị.

ASD thường xảy ra sau khi trải qua những sự kiện sang chấn mạnh như chiến tranh, thiên tai, tai nạn giao thông nghiêm trọng, phá sản, cháy nhà, mất người thân đột ngột,… Những yếu tố nguy cơ là tuổi già, suy nhược cơ thể, tính cách yếu đuối và bản thân phải đối mặt với stress trong một thời gian dài.

các rối loạn liên quan đến stress
Phản ứng stress cấp là rối loạn liên quan đến stress khởi phát sớm nhất chỉ sau vài giờ và tối đa là sau 1 tháng kể từ sự kiện sang chấn

Các triệu chứng điển hình của rối loạn stress cấp (ASD):

  • Trạng thái “chết lặng” với biểu cảm sững sờ, vô hồn và mất đáp ứng với những kích thích xung quanh.
  • Người bệnh cảm thấy mọi thứ xung quanh mơ hồ, vỡ vụn và không thể hiện rõ cảm xúc vui hay buồn.
  • Đôi khi có hiện tượng sững sờ phân ly nhưng cũng có trường hợp tăng vận động, kích động
  • Khả năng tư duy bị ức chế và mất khả năng nhận thức về mọi thứ xung quanh
  • Nhân cách thay đổi rõ rệt so với trước khi xảy ra stress. Bệnh nhân có thể thờ ơ, vô cảm với mọi thứ hoặc dễ cáu kỉnh, tức giận.
  • Đi kèm với các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như nóng bừng, vã mồ hôi, tim đập nhanh, bồn chồn,…

Các triệu chứng của rối loạn stress cấp tính thường sẽ kéo dài trong khoảng vài ngày và tự thuyên giảm sau 1 tháng. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp kéo dài dẫn đến các rối loạn liên quan đến stress khác.

Các phương pháp điều trị rối loạn stress cấp tính:

  • Cách ly với stress và xây dựng môi trường lành mạnh để giúp bệnh nhân trở lại trạng thái tâm lý bình thường
  • Sử dụng thuốc (chủ yếu là thuốc an thần)
  • Tâm lý liệu pháp

2. Rối loạn điều chỉnh

Rối loạn điều chỉnh là một trong những rối loạn liên quan đến stress thường gặp. Tình trạng này đặc trưng bởi rối loạn rõ rệt về hành vi, cảm xúc sau khi trải qua một hoặc nhiều sang chấn tâm lý. Rối loạn điều chỉnh xảy ra trong giai đoạn thích ứng với hậu quả của sự kiện hoặc những thay đổi đáng kể trong cuộc sống (chia ly, mất người thân, thay đổi môi trường sống,…).

Rối loạn điều chỉnh thường xuất hiện trong vòng 1 tháng sau sự kiện sang chấn và kéo dài không quá 6 tháng sau khi sự kiện đã chấm dứt. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp kéo dài trên 6 tháng do stress trường diễn (vấn đề về tài chính, ly hôn, bệnh tật,…).

các rối loạn liên quan đến stress
Rối loạn điều chỉnh có biểu hiện khá đa dạng và được xem là chẩn đoán dự bị

Rối loạn điều chỉnh có triệu chứng rất đa dạng và dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn khí sắc:

  • Lo lắng, buồn rầu, không thể đưa ra dự định hoặc đối phó với những bất trắc xảy ra trong cuộc sống
  • Thói quen hằng ngày, hiệu quả học tập và lao động giảm sút rõ rệt
  • Có thể bùng nổ cảm xúc
  • Xuất hiện phản ứng trầm cảm ngắn (không quá 1 tháng) hoặc trầm cảm kéo dài (không quá 2 tháng)
  • Xuất hiện trạng thái trầm cảm và lo âu hỗn hợp
  • Một số bệnh nhân xuất hiện đầy đủ các cảm xúc từ lo âu, căng thẳng, trầm cảm cho đến giận dữ và cáu kỉnh.
  • Trẻ em thường có hiện tượng thoái lui với biểu hiện mút ngón tay và đái dầm.
  • Một số trẻ có rối loạn cảm xúc đi kèm với rối loạn cư xử, đặc biệt là những hành vi chống đối xã hội nhưng triệu chứng không đặc hiệu.

Hiện nay, rối loạn điều chỉnh được xem là chẩn đoán dự bị khi những rối loạn xảy ra sau stress không có đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán một bệnh tâm thần khác.

Các phương pháp điều trị rối loạn điều chỉnh:

  • Cách ly với môi trường gây stress
  • Sử dụng thuốc (thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc giải lo âu,…)
  • Dùng viên uống bổ sung vitamin, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng
  • Liệu pháp tâm lý (kết hợp giữa tâm lý cá nhân và liệu pháp gia đình)

3. Rối loạn stress sau sang chấn

Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là rối loạn có liên quan đến stress với triệu chứng xuất hiện khá muộn và dai dẳng. Phản ứng này thường xảy ra trong vòng 6 tháng sau sang chấn, đặc biệt là những sự kiện gây stress cực nặng như thiên tai, cưỡng bức, khủng bố, cháy nhà, chiến tranh tàn khốc,…

PTSD xuất hiện khá muộn nên được xem là đáp ứng trì hoãn sau sang chấn tâm lý. So với những rối loạn trên, PTSD kéo dài dai dẳng và khó điều trị dứt điểm. Trong đó, một số ít trường hợp phải sống chung với bệnh suốt đời và nhân cách bị biến đổi sau một thời gian. Đối tượng có nguy cơ bị rối loạn stress sau sang chấn là người có tính cách yếu đuối, nhạy cảm và tiền sử loạn thần kinh.

các rối loạn liên quan đến stress
PTSD là rối loạn liên quan đến stress xảy ra khá muộn với đặc điểm là tiến triển dai dẳng và mãn tính

Các triệu chứng điển hình của rối loạn stress sau sang chấn (PTSD):

  • Sự kiện bị tái hiện lại thông qua giấc mơ, ảo giác hoặc ý nghĩ một cách không chủ đích. Hình ảnh hiện ra như thực gây ra cảm xúc tương tự như khi bệnh nhân chứng kiến sự việc.
  • Trạng thái cảm xúc tê dại, mất hứng thú và sự quan tâm với mọi thứ.
  • Tách rời với môi trường và mọi người.
  • Né tránh tất cả những yếu tố có thể gợi nhắc lại sự kiện (tình huống, hoạt động, đối tượng,…). Khi trò chuyện, người bệnh sẽ né tránh những từ ngữ liên quan đến sự kiện gây sang chấn.
  • Trong trường hợp bị gặng hỏi về cảm xúc và suy nghĩ về sự kiện, bệnh nhân có thể trở nên hoảng loạn, sợ hãi, đôi khi tức giận và gây hấn với người khác.
  • Luôn có sự đề phòng quá mức với những người xung quanh. Biểu hiện rõ nhất là ánh nhìn dò xét, liên tục nhìn xung quanh và rất cẩn trọng trong lời nói.
  • Sự hồi tưởng có tính chất thâm nhập của sự kiện sang chấn khiến bệnh nhân khó ngủ, mất ngủ và suy nhược rõ rệt. Nhiều bệnh nhân tìm đến bia rượu, thuốc an thần, thuốc lá và chất kích thích để xoa dịu bản thân.

PTSD được xem là sự phát triển tiếp tục của phản ứng stress cấp tính. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không có phản ứng stress cấp nhưng vẫn phát triển PTSD. PTSD xảy ra trong 3 tháng được coi là cấp tính và kéo dài trên 3 tháng được gọi là mãn tính.

Các phương pháp điều trị rối loạn stress sau sang chấn:

  • Liệu pháp hóa dược (thuốc chống loạn thần, thuốc an thần, thuốc chẹn beta được dùng để cải thiện các triệu chứng thể chất,…)
  • Liệu pháp tâm lý (liệu pháp nhận thức – hành vi, phương pháp luyện tập thư giãn,…)
  • Gia đình và những người xung quanh cần tránh nhắc đến sự kiện sang chấn, tái tạo niềm tin và xây dựng môi trường lành mạnh để bệnh nhân phục hồi tâm lý.

4. Các rối loạn liên quan đến stress khác

Trên thực tế, stress có vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của nhiều rối loạn tâm thần. Ngoài những rối loạn kể trên, stress cũng có liên quan đến những rối loạn khác như:

– Rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu lan tỏa thường xảy ra ở những người phải đối mặt với stress trong một thời gian dài. Cuộc sống không thuận lợi khiến người bệnh hình thành sự lo lắng thái quá và dai dẳng về mọi thứ xung quanh. Rối loạn lo âu lan tỏa đặc trưng bởi sự lo lắng quá mức về những vấn đề không thực sự đáng lo ngại như công việc, tương lai, tài chính, các mối quan hệ,…

Đôi khi, người bệnh có nỗi lo dai dẳng và kéo dài nhưng không biết chính xác bản thân lo lắng về điều gì. Người mắc chứng bệnh này hiểu rõ sự lo lắng của bản thân là thái quá nhưng không thể nào kiểm soát. Rối loạn lo âu lan tỏa không gây suy giảm quá nghiêm trọng các hoạt động sinh hoạt, làm việc, học tập nhưng khiến bệnh nhân luôn căng thẳng và không bao giờ có cảm giác thư giãn.

Các triệu chứng điển hình của rối loạn lo âu lan tỏa:

  • Lo lắng dai dẳng, kéo dài ít nhất 6 tháng
  • Dễ kích động, bực bội và đôi khi cáu kỉnh vì những vấn đề nhỏ nhặt, không chính đáng
  • Không bao giờ cảm thấy thư giãn và thoải mái dù rất cố gắng
  • Mất ngủ, khó ngủ
  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải, tăng trương lực cơ,…
  • Trí nhớ kém, mất khả năng tập trung

Điều trị rối loạn lo âu lan tỏa bao gồm sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu. Ngoài ra, môi trường lành mạnh, ít tác nhân gây stress cũng giúp ích rất nhiều cho việc hồi phục.

– Các rối loạn phân ly

Các rối loạn phân ly thường xảy ra sau khi đối mặt với stress trong thời gian dài hoặc các sự kiện gây sang chấn mạnh. Bệnh xảy ra chủ yếu ở nữ giới trẻ tuổi và có thể bùng phát trong tập thể. Các rối loạn phân ly thường gặp ở người có tính cách thích được chiều chuộng, thiếu tự chủ, yếu đuối, khả năng chịu đựng kém,…

Các triệu chứng nhận biết rối loạn phân ly:

  • Quên phân ly (chỉ quên một phần của sự kiện sang chấn, khác với chứng quên thông thường)
  • Một số bệnh nhân có hành động bỏ nhà ra đi không lý do. Tuy nhiên, người bệnh hoàn toàn không nhớ và không biết vì sao bản thân lại bỏ nhà đi, đồng thời cũng không nhớ được những sự việc xảy ra trong thời điểm này.
  • Ngất xỉu, mất cảm giác, có biểu hiện rối loạn vận động (liệt, co giật,…)
  • Một số trường hợp có thể bị mù phân ly và điếc phân ly

Các rối loạn phân ly có biểu hiện đa dạng tùy thuộc vào dạng lâm sàng. Điều trị có nhiều phương pháp như liệu pháp tâm lý, chăm sóc đúng mực, châm cứu – bấm huyệt và sử dụng thuốc. Trường hợp bị liệt, mù và điếc phân ly kéo dài trên 1 tháng có thể phải tiến hành sốc điện.

– Chứng nghi bệnh

Chứng nghi bệnh (rối loạn lo âu bệnh tật) cũng là một trong những rối loạn liên quan đến stress thường gặp. Người mắc chứng bệnh này luôn cho rằng các triệu chứng trên cơ thể đều là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng – cho dù đó chỉ là những biểu hiện rất nhỏ như nốt mụn, đau họng, hắt hơi,…

các rối loạn liên quan đến stress
Chứng nghi bệnh là một trong những rối loạn liên quan đến stress thường gặp

Người bệnh luôn có cảm giác lo lắng, sợ hãi bản thân sẽ mắc bệnh. Họ liên tục đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên, sự lo lắng của bệnh nhân vẫn không giảm đi ngay cả khi bác sĩ đã khẳng định người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh. Bệnh nhân dành nhiều thời gian đến bệnh viện và thường xuyên kiểm tra cơ thể để phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Chứng nghi bệnh thường xảy ra sau khi đối mặt với việc người thân mắc bệnh nan y và qua đời đột ngột. Ngoài ra, thông tin tiêu cực về dịch bệnh, lời đồn đoán của những người xung quanh,… cũng là những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh lý này. Tương tự như các rối loạn liên quan đến stress khác, chứng bệnh này sẽ được điều trị bằng thuốc và tâm lý trị liệu.

– Một số rối loạn khác

  • Các rối loạn lo âu ám ảnh sợ
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
  • Trầm cảm
  • Các rối loạn dạng cơ thể
  • Rối loạn tâm căn

Phòng ngừa các rối loạn liên quan đến stress

Ngày nay, stress đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống nên không thể trốn tránh hoàn toàn. Cách duy nhất để có thể phòng ngừa stress là xây dựng cho bản thân những phẩm chất tốt đẹp để tăng khả năng chịu đựng và thích nghi. Đối với những sự kiện sang chấn mạnh, khó có thể tránh khỏi tổn thương tâm lý. Tuy nhiên, những người có tính cách mạnh mẽ, chủ động và độc lập có thể vượt qua tổn thương một cách dễ dàng hơn.

các rối loạn liên quan đến stress
Tham vấn, trị liệu tâm lý kịp thời có thể phòng ngừa các rối loạn liên quan đến stress hiệu quả

Để phòng ngừa các rối loạn liên quan đến stress, cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Nhân cách là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chịu đựng stress của mỗi người. Để tăng khả năng chịu đựng và thích nghi, nên rèn luyện những phẩm chất tốt như kiên cường, mạnh mẽ, độc lập,…
  • Những người bị rối loạn nhân cách – đặc biệt là rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn nhân cách phụ thuộc,… sẽ dễ bị tổn thương tâm lý sau stress. Trong trường hợp này, nên tích cực điều trị rối loạn nhân cách. Đồng thời trang bị cho bản thân kỹ năng để có thể vượt qua stress và thích nghi với những tình huống không thuận lợi trong cuộc sống.
  • Có thể hạn chế stress bằng cách lên kế hoạch làm việc khoa học, xây dựng lịch trình cụ thể cho một ngày, quản lý chi tiêu và thời gian hợp lý. Ngoài ra, có thể chủ động chấm dứt những mối quan hệ chỉ mang đến cho bản thân căng thẳng và phiền muộn.
  • Học cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực, không nên để cảm xúc dồn nén trong một thời gian dài khiến tinh thần không ổn định và dễ bị tổn thương. Những cách giải tỏa đơn giản bạn có thể áp dụng bao gồm tập thể dục, đọc sách, nghe nhạc, tắm nước ấm, massage, chăm sóc cây cối, thú cưng,…
  • Nếu phải đối mặt với những vấn đề nan giải gây xung đột nội tâm, nên tham vấn tâm lý để được hỗ trợ. Tránh trường hợp để bản thân suy nghĩ quá nhiều trong một thời gian dài dẫn đến căng thẳng và lo lắng quá mức.
  • Đối với những người từng trải qua sang chấn trong quá khứ, nên học cách chăm sóc sức khỏe tinh thần và đặt ra mục tiêu sống rõ ràng. Bên cạnh đó, những người xung quanh cũng nên thể hiện sự quan tâm đúng mực để những tổn thương tâm lý có thể được chữa lành hoàn toàn.
  • Sau khi trải qua sự kiện sang chấn (tai nạn, ly hôn, phá sản,…), nên chủ động trị liệu tâm lý. Can thiệp liệu pháp tâm lý sớm giúp nâng đỡ tinh thần và giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng của stress.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học cũng là biện pháp giúp ngừa stress và các rối loạn liên quan đến stress hữu hiệu. Ngược lại, người có lối sống phóng túng, lạm dụng rượu bia, chất kích thích,… sẽ có khả năng chịu đựng kém với những yếu tố không thuận lợi trong cuộc sống.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Các rối loạn liên quan đến stress ảnh hưởng đáng kể đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Hiện nay, stress đã trở thành một phần của cuộc sống nên để phòng ngừa, chỉ có thể tự nâng cao sức khỏe tinh thần, xây dựng những phẩm chất tốt đẹp và hướng đến lối sống lành mạnh.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *