Rối loạn tri giác sai thực tại là gì? Ảnh hưởng như thế nào?
Rối loạn tri giác sai thực tại là một dạng rối loạn phân ly ảnh hưởng đến khoảng 1 – 2% dân số thế giới. Triệu chứng của căn bệnh này gây ra rất nhiều phiền toái cho cuộc sống của người bệnh. Cần được điều trị sớm để có thể kiểm soát nhanh chóng, tránh bệnh tiến triển mãn tính và dẫn tới các biến chứng.
Rối loạn tri giác sai thực tại là gì?
Rối loạn tri giác sai thực tại (DPDR) còn được gọi là rối loạn giải thể nhân cách – một trong các dạng rối loạn phân ly. Căn bệnh này đặc trưng bởi cảm giác tách rời khỏi cơ thể hoặc mọi thứ xung quanh. Đi kèm với đó là cảm giác rằng bạn đang quan sát bản thân từ bên ngoài cơ thể.
Nhiều người đã trải qua một thời điểm nào đó về việc giải thể nhân cách, phân ly hoặc sai thực tại. Tuy nhiên khi những cảm giác này tiếp tục xảy ra hoặc không bao giờ biến mất hoàn toàn, gây cản trở khả năng hoạt động của bạn thì mới được chẩn đoán là rối loạn tri giác sai thực tại. Chứng rối loạn này phổ biến hơn ở những người đã trải qua các chấn thương tâm lý.
Tri giác sai thực tại ảnh hưởng đến khoảng 1 – 2% dân số thế giới, có thể gặp phải ở cả nam và nữ. Bệnh có xu hướng khởi phát sớm vào khoảng những năm 16 – 17 tuổi. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp xuất hiện từ thời thơ ấu, 5% khởi phát triệu chứng sau 25 tuổi. Trong đó rất hiếm thấy trường hợp khởi phát muộn sau tuổi 40.
Rối loạn giải thể nhân cách có thể tiến triển nghiêm trọng và gây ra cản trở cho các mối quan hệ, công việc cũng như các hoạt động thường ngày. Liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị chính cho chứng bệnh này, mặc dù đôi khi thuốc cũng có thể được sử dụng.
Nguyên nhân gây rối loạn tri giác sai thực tại
Nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn giải thể nhân cách vẫn chưa được hiểu rõ. Một số người có thể dễ mắc căn bệnh này hơn những người khác do các yếu tố di truyền và môi trường. Trạng thái căng thẳng và sợ hãi tăng cao cũng có thể gây ra các đợt bùng phát triệu chứng bệnh.
Ngoài ra, các triệu chứng của rối loạn tri giác sai thực tại có thể liên quan tới các chấn thương thời thơ ấu. Bên cạnh đó, các sự kiện gây ra căng thẳng hoặc chấn thương tinh thần nghiêm trọng cũng có thể liên quan.
Các yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn tri giác sai thực tại bao gồm:
- Một số đặc điểm tính cách: Những người có tính cách nhút nhát, hay từ chối hoặc trốn tránh các tình huống khó khăn,… thường có nguy cơ bị rối loạn giải thể nhân cách cao hơn. Lúc này, bản thân bệnh nhân muốn thoát khỏi thực tại nên sẽ xuất hiện các cảm giác giải thể nhân cách, phân ly và tách rời thực tại.
- Sang chấn tâm lý thời thơ ấu: Bệnh nhân DPDR đa số từng bị bỏ rơi hay lạm dụng tình cảm từ thời thơ ấu. Đây cũng là lý do giải thích vì sao DPDR khởi phát sớm. Ngoài ra, trẻ nhỏ bị lạm dụng thể chất cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
- Tiền sử gia đình: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, người bị DPDR thường có bố mẹ bị suy giảm chức năng thần kinh hoặc mắc chứng rối loạn tâm thần nặng. Điều này gây ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ. Đồng thời có mối liên hệ mật thiết với các dạng rối loạn phân ly.
- Sự kiện sang chấn bất ngờ: Các sự kiện như mất người thân, vỡ nợ, bản thân bị tai nạn nghiêm trọng,… đều có thể gây stress nặng và làm tăng nguy cơ bị rối loạn giải thể nhân cách.
- Chứng kiến cảnh bạo lực gia đình: Trẻ sống trong gia đình xảy ra bạo lực thường xuyên sẽ có nguy cơ bị DPDR cao hơn. Do quá tổn thương nên khi lớn lên trẻ có thể sẽ bị ngắt kết nối với các thành viên trong gia đình. Đồng thời tự tạo bức tường kính vô hình để nhốt mình bên trong.
Thực tế cho thấy, stress do tài chính, mâu thuẫn cá nhân, nghề nghiệp, sử dụng chất kích thích,… có thể khiến bệnh rối loạn tri giác sai thực tại tái phát. Ngoài ra, rối loạn lo âu và trầm cảm cũng là những yếu tố có thể kích thích các triệu chứng DPDR bùng phát.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn tri giác sai thực tại
Rối loạn tri giác sai thực tại có triệu chứng tương đối đa dạng, đặc biệt là các triệu chứng này thường có tính giai đoạn. Sự dao động về cường độ và thời gian kéo dài của triệu chứng cũng có sự khác biệt khá rõ rệt.
Có những trường hợp triệu chứng chỉ xuất hiện trong vài giờ hoặc vài ngày nhưng cũng nhiều trường hợp triệu chứng kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Ngoài ra, cũng có một số người bệnh có triệu chứng không thay đổi về mặt cường độ trong nhiều năm liền.
Theo nghiên cứu, các chuyên gia chia triệu chứng của rối loạn tri giác sai thực tại làm 2 nhóm chính. Cụ thể như sau:
– Triệu chứng sai thực tại:
Đây là nhóm triệu chứng đặc trưng bởi cảm giác tách rời đối với mọi thứ xung quanh. Bao gồm cả con người, đồ dùng, con vật và nhiều thứ khác. Các triệu chứng sai thực tại thường gặp bao gồm:
- Cảm giác xa lạ với môi trường xung quanh. Ví dụ như cảm giác bạn đang sống trong một giấc mơ hay trong một bộ phim.
- Cảm thấy bị ngắt kết nối cảm xúc với những người bạn quan tâm. Giống như thể bạn bị ngăn cách bởi một bức tường kính vô hình.
- Môi trường xung quanh có thể như bị méo, mờ, không màu, hai chiều hay nhân tạo. Hoặc bạn cũng có thể nhận thức rõ ràng hơn về môi trường xung quanh.
- Xuất hiện những biến dạng trong nhận thức về thời gian. Chẳng hạn như các sự kiện gần đây nhưng lại có cảm giác như là quá khứ xa xôi. Bạn có thể cảm nhận thấy thời gian trôi quá nhanh hoặc quá chậm.
- Sự biến dạng về khoảng cách, kích thước và hình dạng của các đối tượng.
– Triệu chứng giải thể nhân cách:
Đây là cảm giác bản thân bị tách rời ra khỏi cơ thể. Đồng thời đang chứng kiến cảm xúc và tâm trí từ bên ngoài. Khi gặp phải triệu chứng giải thể nhân cách thì người bệnh có thể cảm giác bản thân không có thực. Các triệu chứng thường bao gồm:
- Cảm giác rằng bạn là người đang quan sát bên ngoài những suy nghĩ, cảm xúc hoặc các bộ phận của cơ thể. Như thể bạn đang lơ lửng trên không.
- Cảm giác bản thân giống như một con rô bốt. Hoặc bạn không thể kiểm soát được lời nói hay cử động của mình.
- Cảm giác cơ thể, tay hoặc chân có vẻ méo mó, to ra hay teo lại. Hoặc cũng có thể cảm thấy đầu đang được bao bọc trong một lớp bông lơ lửng.
- Cảm nhận rõ sự tách rời giữa cảm xúc và thể chất. Ở giai đoạn này, người bệnh thường ít có cảm xúc và có thể bị ngắt kết nối với ký ức. Dường như họ không thể nhớ rõ ràng các sự kiện đã xảy ra.
- Một số người vẫn có thể nhớ được ký ức nhưng không thể nhớ rõ liệu ký ức này có phải là của bản thân hay không.
Triệu chứng của rối loạn tri giác sai thực tại rất dễ bị nhầm lẫn với loạn thần. Tuy nhiên điểm khác biệt giữa hai căn bệnh này là bệnh nhân giải thể nhân cách luôn nhận biết được rằng trải nghiệm không thực tế của bản thân là có thật. Trong khi trải nghiệm của bệnh nhân loạn thần là do ảo giác hoặc hoang tưởng.
Rối loạn tri giác sai thực tại ảnh hưởng như thế nào?
Rối loạn tri giác sai thực tại là một dạng rối loạn phân ly tương đối phổ biến. Căn bệnh này ảnh hưởng đến khoảng 1 – 2% dân số trên toàn thế giới. Thông thường, các triệu chứng của bệnh sẽ khởi phát sau khi stress nặng và có xu hướng cải thiện mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân bị rối loạn tri giác sai thực tại chuyển biến mãn tính và kháng trị. Các triệu chứng của bệnh gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống. Sự méo mó trong cách cảm nhận sẽ khiến cho người bệnh trở nên ít cảm xúc và xa lánh với mọi người.
Hầu hết những người mắc chứng rối loạn giải thể nhân cách đều rất khó có thể học tập/ làm việc như bình thường. Ngoài ra, một số người còn mất hẳn các chức năng xã hội. Nhất là khi DPDR đi kèm với rối loạn lo âu và trầm cảm.
Cảm giác tách rời thực tại và không có mối liên kết với cảm xúc của mình khiến cho người bệnh khó kết bạn. Họ gần như không thể kết hôn. Hơn nữa còn gặp phải rất nhiều phiền toái trong vấn đề tìm kiếm việc làm.
Ngoài ra, để giải thoát bản thân khỏi sự nặng nề và khó chịu thì một số người bệnh đã lựa chọn sử dụng chất kích thích. Thậm chí là tìm đến các hành vi tự hại hoặc tự sát và dẫn đến những sự việc thương tâm.
Chẩn đoán rối loạn tri giác sai thực tại
Theo Liên minh Quốc gia Hoa Kỳ về Bệnh Tâm thần (NAMI) thì cứ 4 người trưởng thành sẽ có khoảng 3 người từng trải qua một giai đoạn khó khăn trong đời. Tuy nhiên chỉ có khoảng 2% là đáp ứng với các tiêu chí về rối loạn tri giác sai thực tại (DPDR).
Để chẩn đoán DPDR thì trước tiên bác sĩ cần phải đảm bảo rằng không có nguyên nhân nào khác gây ra các triệu chứng. Chẳng hạn như rối loạn co giật, sử dụng ma túy hay các vấn đề sức khỏe tâm thần khác như lo lắng, trầm cảm, rối loạn nhân cách ranh giới hay rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
Đôi khi điện não đồ (EEG), chụp MRI hoặc CT não và các xét nghiệm khác cũng sẽ được thực hiện để loại trừ một số vấn đề về thể chất. Các bài kiểm tra tâm lý, bảng câu hỏi hay phỏng vấn có cấu trúc đặc biệt cũng có thể giúp chẩn đoán rối loạn giải thể nhân cách.
Khi các nguyên nhân tiềm ẩn khác bị loại trừ thì bác sĩ sẽ xem xét các tiêu chí DPDR được phác thảo trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn sức khỏe tâm thần (DSM-5). Bao gồm:
- Người bệnh có các giai đoạn tri giác sai thực tại, giải thể nhân cách hoặc cả hai liên tục hay lặp đi lặp lại.
- Người bệnh hiểu được rằng, cảm giác xa rời thực tại hay không thuộc về bản thân là những trải nghiệm hoàn toàn có thật.
- Đau khổ hay suy giảm đáng kể chức năng xã hội, học tập hoặc nghề nghiệp do các triệu chứng gây ra.
Đối mặt với chứng rối loạn tri giác sai thực tại
Dưới đây là một số giải pháp đơn giản mà bạn nên thực hiện để vượt qua chứng rối loạn tri giác sai thực tại:
1. Thừa nhận và chấp nhận cảm giác mà bệnh gây ra
Cảm giác của chứng rối loạn tri giác sai thực tại thường không nguy hiểm và có thể dần mất đi. Bạn nên tự nhắc mình rằng cảm giác này mặc dù rất khó chịu nhưng chỉ là tạm thời. Từ đó giúp trấn an bản thân và khiến cho chứng bệnh này ít ảnh hưởng đến bạn hơn.
Bạn có thể tự nói với bản thân mình rằng “cảm giác này sẽ qua đi”, “mình đang cảm thấy rất lạ nhưng vẫn ổn”,… Hãy nghĩ về mọi tình huống mà bạn cảm thấy bị tri giác sai thực tại và luôn nhớ rằng, sau đó cảm giác ấy cũng sẽ qua đi.
2. Tập trung vào môi trường xung quanh ngay lúc đó
Bạn nên để ý xem hôm nay bao nhiêu độ, bạn đang nghe thấy những âm thanh gì hay nhìn thấy những thứ gì xung quanh. Sử dụng một đồ vật ở gần đó, chẳng hạn như dùng bút để viết hay bật quạt lên. Những việc này sẽ khiến cho tâm trí của bạn tập trung vào thực tại. Đồng thời sẽ làm giảm cảm giác bị tách rời.
Bạn cũng có thể đem theo bên mình một món đồ gì đó mang lại cảm giác tiếp xúc. Chẳng hạn như giấy nhám hoặc các đồ lông để cầm vào khi cảm giác tri giác sai thực tại cực độ xuất hiện.
Nếu được bạn hãy nghe nhạc. Tập trung vào các giai điệu mang đến cảm giác tích cực thay vì những bản nhạc làm tăng cảm giác buồn bã và lo lắng. Âm nhạc rất hiệu quả với hầu hết các bệnh tâm lý. Đặc biệt là có thể làm giảm đáng kể sự lo âu, trầm cảm hay kích động – những cảm giác có thể xuất hiện trong trường hợp rối loạn tri giác sai thực tại mãn tính.
3. Gắn kết với mọi người xung quanh
Bạn có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện mới hay quay lại với cuộc trò chuyện hiện tại. Điều này có thể đưa bạn trở lại với thực tại. Nếu bạn đang ở một mình thì có thể nhắn tin hoặc gọi điện cho người thân, bạn bè để tán gẫu.
Bạn không cần phải thể hiện rằng mình đang mắc chứng rối loạn tri giác sai thực tại với người khác. Tuy nhiên cũng có nhiều người có hiểu biết hay đã từng trải qua tình trạng này. Nếu bạn cảm thấy thoải mái có thể nói về cảm giác của mình với một người khác khi chúng xuất hiện.
4. Xoa dịu chứng tri giác sai thực tại do lo âu
Tình trạng lo âu, căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ bùng phát chứng rối loạn tri giác sai thực tại hoặc khiến các triệu chứng của bệnh trở nên tồi tệ hơn. Một số giải pháp giúp xoa dịu lo âu và kiểm soát bệnh bao gồm:
– Tập thở bằng cơ hoành:
Khi bạn cảm thấy lo lắng thì cơ thể bạn có thể chuyển sang trạng thái chiến đấu hoặc bỏ chạy. Hít thở sâu bằng cơ hoành có thể sẽ làm gián đoạn phản ứng đó và giúp cho bạn thư giãn.
Để tập thở bằng cơ hoành, bạn hãy nằm ngửa trên giường. Đặt một chiếc gối ở dưới đầu gối để giữ chân ở tư thế cong. Một tay đặt lên ngực và một tay đặt ở ngay dưới lồng ngực để cảm nhận rõ cử động của cơ hoành. Hít vào thật sau bằng đường mũi và cảm nhận bụng đang đầy bàn tay lên (chú ý: bàn tay đặt ở ngực vẫn phải được giữ nguyên). Gồng cơ bụng, thở ra khi môi khép hờ để đảm bảo rằng ngực vẫn không chuyển động.
Trường hợp bạn đang ở trong một nhóm người thì hãy xin phép đi vào phòng vệ sinh hay một nơi riêng tư khác để tập hít thở sâu. Bạn có thể thở theo nhịp từ 5 – 10 phút, thực hành khoảng 3 – 4 lần một ngày mỗi khi cảm thấy lo lắng hoặc xuất hiện triệu chứng tri giác sai thực tại.
– Tập thể dục thường xuyên:
Như đã phân tích, rối loạn tri giác sai thực tại thường liên quan tới rối loạn lo âu và trầm cảm. Tập thể dục là một cách tuyệt vời giúp xoa dịu cảm giác bị tách rời khỏi thực tại. Hoạt động thể chất giúp bạn thêm tự tin, làm giảm và kiểm soát mức độ stress. Bạn có thể đi bộ hằng ngày, chạy nhẹ nhàng hay tham gia bất cứ hoạt động thể chất nào khác.
Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng, một chất neuropeptide (được gọi là galanin) sẽ được giải phóng cả trong và sau khi bạn tập thể dục. Nó giúp bảo vệ các rễ thần kinh ở vùng vỏ não trước trán. Từ đó giúp não điều tiết cảm xúc và xoa dịu căng thẳng.
– Dành thời gian tham gia các hoạt động tích cực:
Sở thích của bạn có thể là vẽ tranh, chơi đàn ghi-ta, sưu tầm đồ cổ hay làm đồ lưu niệm,… Dù phải làm gì để làm giảm căng thẳng thì bạn hãy cố gắng làm thường xuyên. Nhất là khi cảm thấy mình đang lo lắng hay bị tách rời. Điều này giúp ngăn chặn sự lo lắng cực độ, đồng thời làm giảm các tình huống khiến bạn bị tri giác sai thực tại.
Bạn cần thực hiện việc kiểm soát căng thẳng hằng ngày. Hãy dành ra thời gian để ngồi tĩnh lặng hoặc thực hiện những hoạt động yêu thích. Đừng bao giờ nghĩ đến việc tiết kiệm những khoảng thời gian này.
– Ngủ đủ giấc:
Duy trì chế độ ngủ đều đặn từ 8 – 9 giờ mỗi đêm là yếu tố quan trọng giúp giảm lo âu và vượt qua chứng rối loạn tri giác sai thực tại bắt nguồn từ lo âu. Nghiên cứu cho thấy, giấc ngủ và lo âu/ căng thẳng có mối liên hệ qua lại. Nếu bạn không kiểm soát được một bên thì bên còn lại cũng sẽ có vấn đề.
Cần thực hiện chế độ ngủ lành mạnh, ngủ đủ giấc. Điều này sẽ giúp bạn chống lại cảm giác bị tách rời. Nên tránh xa caffeine và cồn, xây dựng thói quen thư giãn trước khi ngủ. Đồng thời ngừng dùng các thiết bị điện tử trong ít nhất 1 giờ trước khi ngủ. Đây là những mẹo giúp bạn có được giấc ngủ ngon.
Cách điều trị rối loạn tri giác sai thực tại
Một số người từng trải qua những giai đoạn ngắn của chứng tri giác sai thực tại. Tuy nhiên với nhiều người khác thì đây lại là một cảm giác khó chịu và dai dẳng.
Nếu bạn mắc chứng rối loạn tri giác sai thực tại mãn tính khiến cho công việc, hoạt động thường nhật, các mối quan hệ gặp rắc rối hoặc bạn cảm thấy tâm trạng không ổn định thì hãy thăm khám ngay lập tức.
Dưới đây là các cách điều trị chính cho chứng rối loạn tri giác sai thực tại:
1. Tâm lý trị liệu
Rối loạn tri giác sai thực tại thường có liên quan tới các sang chấn tâm lý thời thơ ấu hay các sự kiện gây sang chấn nặng. Vì vậy, tâm lý trị liệu được xem là phương pháp điều trị chính đối với căn bệnh này.
Trước khi can thiệp trị liệu, các chuyên gia tâm lý sẽ tìm ra tất cả những yếu tố stress có liên quan tới cơ chế bệnh sinh. Đồng thời xác định các giai đoạn tái phát của rối loạn tri giác sai thực tại. Chẳng hạn như bỏ bê, lạm dụng thời thơ ấu, nghề nghiệp, áp lực tài chính,…
Các phương pháp trị liệu tâm lý có thể được áp dụng bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức: Tập trung vào việc thay đổi suy nghĩ về những cảm giác không có thật.
- Liệu pháp hành vi: Giúp bạn phát triển chiến lược hành vi nhằm phân tâm khỏi các triệu chứng tri giác sai thực tại.
- Liệu pháp tâm động: Giải quyết những cảm giác cũng như trải nghiệm đau đớn khiến cho bạn muốn tách rời khỏi bản thân và thực tại.
- Trị liệu giác quan: Sử dụng năm giác quan để giúp bạn cảm thấy có kết nối với chính mình cũng như môi trường xung quanh hơn.
Các phương pháp tâm lý trị liệu sẽ giúp người bệnh hiểu được vì sao mình lại có các triệu chứng rối loạn tri giác sai thực tại. Đồng thời tăng sự kết nối giữa người bệnh với chính cảm xúc của mình cùng thế giới xung quanh.
Sau khi các triệu chứng của bệnh được giải quyết thì chuyên gia tâm lý sẽ hướng dẫn người bệnh cách đối phó với căng thẳng. Điều này làm giảm thiểu tình trạng bệnh tái phát trong tương lai.
Trường hợp tìm ra các sang chấn tâm lý thời thơ ấu thì chuyên gia tâm lý sẽ giải quyết những cảm xúc có liên quan tới sự kiện này. Từ đó giúp điều trị dứt điểm chứng rối loạn tri giác sai thực tại. Ngoài ra, tâm lý trị liệu còn được dùng để kiểm soát rối loạn lo âu và trầm cảm ở người bệnh giải thể nhân cách.
2. Sử dụng thuốc
Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có loại thuốc nào mang lại lợi ích đối với chứng rối loạn tri giác sai thực tại. Tuy nhiên, nếu người bệnh có dấu hiệu lo âu và trầm cảm do ảnh hưởng của các triệu chứng giải thể nhân cách thì bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc.
Một số loại thuốc thường được kê toa bao gồm:
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
- Lamotrigine
- Thuốc giải lo âu
- Thuốc đối kháng opioid
Các loại thuốc này có tác dụng làm giảm triệu chứng lo âu, trầm cảm hiệu quả. Đồng thời ngăn ngừa được các hành vi tự hại và tự sát. Tuy nhiên, thuốc chỉ là phương pháp điều trị bổ sung. Người bệnh cần nhớ rằng, tâm lý trị liệu vẫn luôn là phương pháp chính với chứng rối loạn tri giác sai thực tại.
Thực tế cho thấy, phần lớn các trường hợp bị rối loạn tri giác sai thực tại có thể thuyên giảm sau khi can thiệp trị liệu. Do đó người bệnh nên sớm tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để được điều trị kịp thời. Điều này giúp tránh nguy cơ bệnh chuyển biến mãn tính hoặc dẫn tới những biến chứng nặng nề.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD): Cách nhận biết và chữa trị
- Tổng quan về chứng rối loạn nhân cách phân liệt Schizoid
- Hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia) là gì? Cách vượt qua nỗi sợ
- Giải mã giấc mơ bằng phân tâm học
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!