Rối loạn thần kinh là gì? Nguyên nhân và hướng điều trị
Rối loạn thần kinh là tình trạng rất phổ biến, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên toàn thế giới (theo ước tính của WHO). Tình trạng này có thể bao gồm nhiều dạng khác nhau, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, thậm chí gây tử vong. Do đó, cần phát hiện và can thiệp điều trị càng sớm càng tốt.
Rối loạn thần kinh là gì? Thực trạng đáng báo động
Hệ thần kinh của con người là một mạng lưới phức tạp và có tính chuyên biệt cao. Từ thị giác cho đến khứu giác, bước đi cho đến cách nói,… Hệ thống thần kinh tổ chức, giải thích và kết nối con người với thế giới xung quanh.
Rối loạn thần kinh (Neurological Disorders) là thuật ngữ y khoa đề cập đến các rối loạn gây ảnh hưởng đến não cùng các dây thần kinh và tủy sống. Các bất thường về cấu trúc, sinh hóa, tủy sống, điện trong não và các dây thần kinh có thể gây ra một loạt các triệu chứng. Bao gồm:
- Tê liệt
- Yếu cơ
- Phối hợp kém
- Mất cảm giác
- Lú lẫn
- Co giật
- Đau nhức
- Thay đổi ý thức
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có đến hàng trăm triệu người trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi các chứng rối loạn thần kinh. Số liệu thống kê ghi nhận, mỗi năm có đến 6 triệu người chết vì đột quỵ. Trong đó, hơn 80% số ca tử vong này xảy ra ở những nước có mức thu nhập thấp và trung bình.
Theo ước tính, có đến hơn 50 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh động kinh. Có khoảng 47.5 triệu người bị sa sút trí tuệ với khoảng 7.7 triệu ca mắc mới hằng năm. Trong đó, bệnh Alzheimer – nguyên nhân được cho là phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ chiếm đến gần 70% các trường hợp. Ngoài ra, còn có khoảng 10% dân số toàn thế giới mắc chứng đau nửa đầu.
Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh
Các nguyên nhân cụ thể của các vấn đề rối loạn thần kinh là khác nhau. Tuy nhiên chúng có thể bao gồm:
- Rối loạn di truyền
- Bất thường bẩm sinh
- Nhiễm trùng
- Các vấn đề lối sống (bao gồm chế độ dinh dưỡng nghèo nàn)
- Chấn thương não
- Tổn thương tủy sống
- Chấn thương thần kinh
Trên thực tế, có nhiều chứng rối loạn thần kinh đã được công nhân, một số tương đối phổ biến nhưng số còn lại có thể rất hiếm. Theo Thư viện Y khoa Hoa Kỳ thì có đến hơn 600 bệnh rối loạn tâm thần có liên quan đến thần kinh.
Khuyết tật thần kinh bao gồm một loạt các rối loạn khác nhau. Chẳng hạn như rối loạn học tập, rối loạn thần kinh cơ, động kinh, tự kỷ, u não, bại não,… Một số tình trạng thần kinh là bẩm sinh, chúng có thể xuất hiện trước khi sinh. Còn các tình trạng khác có thể do thoái hóa, khối u, chấn thương, nhiễm trùng hoặc các khiếm khuyết cấu trúc.
Bất kể nguyên nhân gây ra các khuyết tật thần kinh là gì thì chúng đều liên quan đến tổn thương hệ thần kinh. Tùy thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng mà sẽ xác định được mức độ ảnh hưởng đến thị giác, thính giác, giao tiếp, nhận thức và chuyển động.
Các rối loạn thần kinh phổ biến và hướng điều trị
Theo nghiên cứu từ các chuyên gia, có đến hơn 600 chứng rối loạn thần kinh do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Dưới đây là một số chứng rối loạn thần kinh thường gặp và hướng điều trị:
1. Chứng nhức đầu
Đau nhức đầu được đánh giá là một trong những dạng đau phổ biến nhất. Trên thực tế có rất nhiều loại đau đầu, bao gồm đau nửa đầu, đau đầu do xoang, đau đầu từng cơn,…
Trong đó loại đau đầu thường gặp nhất là đau đầu do căng thẳng, nó có thể gây ra bởi sợ căng cơ cổ, quai hàm, cơ vai,… Căng thẳng, dinh dưỡng kém, thiếu ngủ, tiêu thụ rượu là những yếu tố kích hoạt phổ biến.
– Hướng điều trị:
Mọi người có thể thấy tình trạng đau đầu do căng thẳng thuyên giảm khi sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn (OTC). Kết hợp với đó là thực hiện các thay đổi lối sống phù hợp.
Nhiều cơn đau nhức đầu có thể điều trị ngay tại nhà. Tuy nhiên một số cơn đau có thể là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn cần được chăm sóc y tế. Nên thăm khám bác sĩ trong các trường hợp sau:
- Tình trạng đau đầu thường xuyên xảy ra, tần suất lên đến hơn 15 ngày/ tháng
- Đau đầu đột ngột và dữ dội
- Đau đầu sau một tác động vật lý vào đầu
- Đau đầu kèm theo một trong các triệu chứng sốt, cứng cổ, đau tai hoặc mắt, hoang mang, mất ý thức,…
2. Động kinh và co giật
Động kinh là tình trạng bùng phát các hoạt động điện trong não một cách đột ngột gây ra tình trạng co giật. Dạng rối loạn thần kinh này có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi. Trong đó, nó thường bắt đầu ở thời thơ ấu hoặc xảy ra ở những người trên 60 tuổi.
Hầu hết các trường hợp bị động kinh đều không thể xác định được nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên các cơn co giật có thể liên quan đến một số yếu tố như chấn thương, u não, nhiễm trùng não, thiếu oxy trong khi sinh, lạm dụng rượu hoặc ma túy.
Có hai loại co giật chính là co giật toàn thể ảnh hưởng tới cả hai bên não và co giật khu trú chỉ ảnh hưởng tới một vùng cụ thể của não.
– Hướng điều trị:
Điều trị chứng động kinh thường bao gồm việc tự quản lý và chăm sóc nhằm kiểm soát tốt hơn các cơn co giật, đồng thời nâng cao sức khỏe tổng thể. Kế hoạch điều trị có thể bao gồm một số vấn đề sau:
- Sử dụng thuốc chống động kinh theo toa
- Ghi chép lại các cơn động kinh cũng như tác nhân gây ra nó
- Quản lý căng thẳng
- Ngủ đủ giấc
- Dành tối thiểu 30 phút/ ngày cho hoạt động thể chất
3. Bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson là căn bệnh có liên quan đến sự tổn thương của các tế bào thần kinh tại phần não kiểm soát chuyển động và phối hợp của cơ thể. Các triệu chứng đặc trưng của bệnh có thể bao gồm:
- Run cơ thường xuất hiện đầu tiên ở bàn tay hoặc cánh tay
- Cứng cơ, có thể ảnh hưởng tới cả chuyển động và nét mặt
- Chuyển động chậm lại
Các chuyên gia cho biết, Parkinson là dạng rối loạn thần kinh phổ biến thứ hai, chỉ sau bệnh Alzheimer. Nguyên nhân chính xác của bệnh Parkinson vẫn chưa được biết đến nhưng yếu tố di truyền cùng với môi trường có thể đóng một vai trò nào đó.
– Hướng điều trị:
Hiện nay vẫn không có cách điều trị cho bệnh Parkinson. Tuy nhiên, một số phương pháp có thể giúp làm giảm triệu chứng. Đồng thời giúp người bệnh duy trì chất lượng cuộc sống tốt hơn. Bao gồm:
- Sử dụng thuốc: Bác sĩ có thể kê toa một số thuốc như levodopa, chất chủ vận dopamine hoặc chất ức chế monoamine oxidase-B. Mục đích là để giảm bớt chứng run cơ và cải thiện vấn đề về vận động.
- Kích thích não sâu: Thủ thuật phẫu thuật này bao gồm việc đưa điện cực vào đúng các cấu trúc sâu trong não. Điện cực sẽ được nối với một dây dẫn luồn dưới da từ vùng đầu cho đến vùng trước ngực. Sau đó gắn vào máy tạo nhịp đặt trước ngực. Quy trình này có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh.
- Các liệu pháp hỗ trợ: Vật lý trị liệu, liệu pháp vận động, liệu pháp nói và ngôn ngữ có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Ngoài ra, người bệnh cần chú ý đến chế độ ăn uống để ngăn ngừa biến chứng bệnh Parkinson và có cuộc sống tốt đẹp hơn.
4. Bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm các triệu chứng có liên quan tới sự suy giảm tiến triển chức năng não. Theo nghiên cứu, các chuyên gia cho biết có rất nhiều dạng sa sút trí tuệ khác nhau. Trong đó bệnh Alzheimer được đánh giá là dạng phổ biến nhất.
Tuổi cao được cho là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh Alzheimer. Khảo sát cho thấy rằng, đa số những người mắc chứng bệnh này đều từ 65 tuổi trở lên. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng như:
- Làm mất hoặc thất lạc đồ đạc
- Mất trí nhớ
- Đi lang thang và bị lạc
- Thường xuyên hỏi các câu hỏi lặp lại
- Khó xử lý tiền bạc
- Mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành các công việc hằng ngày
- Mất cảm giác chủ động
- Tăng lo lắng, cáu kỉnh, hung hăng
- Thay đổi tính cách và tâm trạng
– Hướng điều trị:
Hiện vẫn chưa tìm ra được cách chữa trị cho bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thuốc aducanumab (Aduhelm) có tác dụng hỗ trợ làm giảm sự suy giảm chức năng não cho những người mắc bệnh Alzheimer sớm.
5. Đột quỵ
Đột quỵ cũng là một loại rối loạn thần kinh diễn ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần của não bị cắt đột ngột. Nếu không có nguồn cung cấp máu thích hợp thì các tế bào não trong khu vực bị ảnh hưởng sẽ bị thiếu oxy và các dưỡng chất quan trọng mà chúng cần để hoạt động và tồn tại.
Thống kê chỉ ra rằng, tại Hoa Kỳ, đột quỵ chính là nguyên nhân gây tử vong cao thứ năm. Đồng thời nó cũng là nguyên nhân hàng đầu của tàn tật. Có ba loại đột quỵ bao gồm:
- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ (cục máu đông xuất hiện trong mạch máu cung cấp cho não)
- Đột quỵ do xuất huyết (vỡ mạch máu trong não)
- Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) gây ra bởi sự gián đoạn tạm thời của việc cung cấp máu cho não
Khi các tế bào trong khu vực não bị ảnh hưởng chết đi thì chúng không thể thực hiện được các chức năng quan trọng của mình. Các triệu chứng đột quỵ thường sẽ phụ thuộc vào khu vực não bị ảnh hưởng. Có thể bao gồm:
- Khó nói
- Hoang mang
- Khó hiểu lời nói
- Khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt
- Đi lại khó khăn
- Nhức đầu dữ dội không rõ nguyên nhân
- Tê, yếu mặt, chân, cánh tay, nhất là ở một bên cơ thể
- Chóng mặt
- Thiếu sự phối hợp
- Mất thăng bằng
– Hướng điều trị:
Trên thực tế, việc điều trị đột quỵ như thế nào còn phụ thuộc vào loại đột quỵ cũng như thời gian người bệnh được đưa đến bệnh viện. Các lựa chọn điều trị thường bao gồm:
- Làm tan huyết khối: Bác sĩ có thể kê toa cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc làm tan huyết khối. Mục đích là để làm tan các cục máu đông và cải thiện lưu lượng máu đến não.
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Nhóm thuốc này có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành của các cục máu đông mới.
- Thuốc chống đông máu: Thuốc làm thay đổi các thành phần hóa học của máu nhằm giúp ngăn sự hình thành các cục máu đông mới.
- Phẫu thuật cắt bỏ huyết khối: Phẫu thuật này được thực hiện để loại bỏ cục máu đông từ động mạch lớn ở trong não.
Lời khuyên cho những người bị rối loạn thần kinh
Để có thể kiểm soát được các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng rối loạn thần kinh thì song song với việc điều trị y tế, người bệnh cần chú ý đến một số vấn đề sau đây:
- Tuyệt đối không sử dụng các chất gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Bia rượu, thuốc lá, amphetamine, cocaine, thuốc an thần và thuốc ngủ đều không tốt cho cả tinh thần và thể chất.
- Chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp. Nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể từ các nhóm thực phẩm tươi sạch.
- Dành tối thiểu 30 phút mỗi ngày cho hoạt động thể chất. Nên lựa chọn bài tập nhẹ nhàng và vừa sức.
- Chăm sóc tốt cho giấc ngủ. Nên đi ngủ sớm trước 23 giờ và thức dậy cùng một khung giờ mỗi ngày. Cố gắng đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày và giấc ngủ ban đêm cần kéo dài tối thiểu 6 tiếng.
- Thực hiện các giải pháp kiểm soát căng thẳng. Có thể là tập thiền, yoga, liệu pháp mùi hương, massage,…
- Bạn cần phải có một bác sĩ tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa thần kinh để theo dõi tình trạng bệnh lâu dài.
Rối loạn thần kinh có thể ảnh hưởng đến một người theo nhiều cách khác nhau. Tốt nhất khi phát hiện ra các triệu chứng bất thường cần chủ động thăm khám bác sĩ để được chăm sóc y tế sớm. Điều này có thể giúp kiểm soát bệnh dễ dàng hơn và ngăn ngừa biến chứng để có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Tránh Nhầm Lẫn Giữa Rối Loạn Lo Âu Và Rối Loạn Thần Kinh Thực Vật
- Người bị rối loạn thần kinh thực vật nên ăn gì và kiêng gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!