Đau đầu do căng thẳng stress và cách giảm đau nhanh chóng

Hiện nay có rất nhiều người than phiền về tình trạng đau đầu do căng thẳng. Cơn đau có thể âm ỉ, căng tức hoặc có áp lực xung quanh trán hay sau đầu và cổ. Cần sớm có biện pháp khắc phục để làm giảm đau nhanh và tránh ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như cuộc sống.

đau đầu do căng thẳng
Đau đầu do căng thẳng là tình trạng rất phổ biến có thể biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau

Đau đầu do căng thẳng là gì?

Đau đầu do căng thẳng là tình trạng rất phổ biến và hầu hết mọi người đều mắc phải ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Hầu hết những người gặp phải tình trạng này đều bị đau đầu từng cơn.

Cơn đau đầu do stress có thể diễn ra âm ỉ, căng tức hoặc xuất hiện thêm áp lực xung quanh trán hay sau đầu và cổ. Một số người mô tả rằng, nó giống như một chiếc kẹp đang siết chặt hộp sọ của họ.

Những cơn đau đầu này có thể sẽ kéo dài từ 30 phút cho tới vài ngày. Loại từng đợt thường bắt đầu từ từ và có xu hướng xảy ra vào giữa ngày. Đau đầu do căng thẳng từng đợt xảy ra ít hơn 15 ngày mỗi tháng.

Còn trường hợp mãn tính thì tình trạng đau đầu có thể đến và biến mất trong thời gian dài hơn. Cơn đau có thể trở nên mạnh hơn hoặc có xu hướng giảm dần trong ngày. Tuy nhiên nó hầu như luôn luôn ở đó và không biến mất hoàn toàn.

Mô tả cơn đau đầu do căng thẳng:

  • Bắt đầu ở phía sau đầu của bạn và lan rộng về phía trước
  • Trở thành một dải áp lực âm ỉ hoặc nén cơn đau quanh toàn bộ đầu
  • Ảnh hưởng đến cả hai bên đầu là như nhau
  • Làm cho các cơ ở cổ, vai, hàm căng và đau

Số liệu ước tính cho thấy, có tới 80% người lớn ở Hoa Kỳ thỉnh thoảng bị đau đầu do stress. Trong đó khoảng 3% là bị đau đầu do stress kinh niên hằng ngày. Thực tế ghi nhận, phụ nữ có nguy cơ gặp phải tình trạng này nhiều gấp đôi nam giới.

Nguyên nhân gây đau đầu do căng thẳng stress

Không có nguyên nhân duy nhất nào gây ra đau đầu do căng thẳng. Một số người có thể gặp phải tình trạng này do căng cơ ở gáy và da đầu. Trong hầu hết các trường hợp, đau đầu do căng thẳng được kích hoạt bởi căng thẳng từ gia đình, bạn bè, công việc, trường học hoặc các mối quan hệ khác.

Những giai đoạn của cơn đau thường bắt đầu bởi một tình huống căng thẳng duy nhất. Tuy nhiên đôi khi nó cũng có thể là hệ quả của sự tích tụ căng thẳng. Nếu bị căng thẳng hằng ngày thì các cơn đau đầu có thể trở nên mãn tính.

nguyên nhân gây đau đầu do căng thẳng
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ kích hoạt các cơn đau đầu do căng thẳng

Các tác nhân gây đau đầu do stress có thể bao gồm:

  • Nghỉ ngơi không đủ
  • Tư thế kém
  • Căng thẳng về cảm xúc hoặc tinh thần, bao gồm cả trầm cảm
  • Sự lo lắng
  • Mệt mỏi
  • Mức độ sắt thấp
  • Căng mắt
  • Mất nước
  • Bỏ bữa
  • Hút thuốc
  • Rượu, caffeine
  • Cảm lạnh, cúm hoặc nhiễm trùng xoang
  • Vấn đề về hàm hoặc răng

Biểu hiện của chứng đau đầu do căng thẳng

Đau đầu do căng thẳng có thể gây ra một số triệu chứng phổ biến sau đây:

  • Đau hoặc áp lực với mức độ từ nhẹ đến trung bình ở phía trước, trên cùng hoặc ở hai bên đầu
  • Đau đầu bắt đầu muộn hơn trong ngày
  • Cảm thấy rất mệt mỏi
  • Khó ngủ
  • Cáu gắt
  • Khó lấy nét hoặc đôi khi còn bị choáng váng
  • Đau cơ
  • Nhạy cảm nhẹ với ánh sáng hoặc tiếng ồn
biểu hiện đau đầu do căng thẳng
Các cơn đau đầu do căng thẳng có thể kèm theo đau cơ ở vùng cổ vai gáy

Không giống như đau nửa đầu, đau đầu do stress thường không có các triệu chứng thần kinh khác đi kèm, chẳng hạn như yếu cơ hoặc mờ mắt. Đồng thời đau đầu do stress cũng thường không gây nhạy cảm nghiêm trọng với tiếng ồn, ánh sáng, đau dạ dày, buồn nôn hoặc nôn ói.

Ảnh hưởng của đau đầu do căng thẳng

Đau đầu do căng thẳng là tình trạng đang diễn ra ngày càng phổ biến. Cơn đau xuất hiện dù ở mức độ nào và kéo dài bao lâu thì cũng đều ảnh hưởng đến hiệu suất học tập, làm việc và chất lượng cuộc sống.

Đặc biệt là trong trường hợp bị đau đầu do stress mãn tính thì hệ lụy sẽ nghiêm trọng hơn. Cơn đau thường xuyên diễn ra có thể khiến bạn khó lòng tham gia các hoạt động. Thậm chí còn phải nghỉ làm, nghỉ học ở nhà. Hoặc nếu bạn vẫn tiếp tục đi làm, đi học thì khả năng hoạt động cũng sẽ bị suy giảm.

Tình trạng đau nhức đầu do stress kéo dài còn khiến cho chứng mất ngủ, khó ngủ trở nên tồi tệ hơn. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Ngoài bị suy nhược cơ thể thì bạn còn đứng trước nguy cơ mắc phải nhiều bệnh tâm lý – tâm thần.

Chẩn đoán đau đầu do căng thẳng stress

Đau đầu do căng thẳng chủ yếu được chẩn đoán dựa trên những triệu chứng mà bạn báo cáo cho bác sĩ. Một cuộc kiểm tra y tế kỹ lưỡng, thường bao gồm các xét nghiệm hoặc thủ tục khác có thể được dùng để loại trừ các bệnh hoặc tình trạng tiềm ẩn.

Bạn cần theo dõi và chia sẻ thông tin về cơn đau của bản thân với bác sĩ để giúp chẩn đoán chính xác. Một số câu hỏi thường gặp khi thăm khám sức khỏe có thể bao gồm:

  • Đau đầu xảy ra khi nào?
  • Vị trí của cơn đau đầu là gì?
  • Cảm giác đau đầu như thế nào?
  • Đau đầu kéo dài bao lâu?
  • Bạn có bị thay đổi về hành vi hoặc tính cách không?
  • Thay đổi tư thế hoặc tư thế ngồi có khiến bạn bị đau đầu không?
  • Bạn có gặp rắc rối khi đang ngủ?
  • Bạn đã từng bị chấn thương đầu chưa?
  • Bạn có tiền sử stress không?
chẩn đoán đau đầu do căng thẳng
Khi bị đau đầu do căng thẳng nên sớm tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị

Nếu bệnh sử cho thấy đau đầu do căng thẳng và khám thần kinh vẫn bình thường thì có thể sẽ không cần xét nghiệm thêm. Tuy nhiên nếu cơn đau đầu không được tìm thấy vấn đề chính thì bác sĩ có thể yêu cầu làm các xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân. Chẳng hạn như:

  • Xét nghiệm máu
  • Chụp X-quang xoang
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp cắt lớp vi tính

Cách làm giảm đau đầu do căng thẳng nhanh chóng

Trên thực tế, có một số người bị đau đầu do căng thẳng không đi khám mà cố gắng tự điều trị cơn đau. Thật không may là việc sử dụng lặp đi lặp lại các thuốc giảm đau không kê toa thực sự có thể gây ra một dạng đau đầu khác. Đó là đau đầu do lạm dụng thuốc.

Do đó, nếu nghi ngờ bản thân bị đau đầu do stress thì bạn nên chủ động thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Một số phương pháp rất hữu hiệu có thể đáp ứng với chứng đau đầu do căng thẳng bao gồm:

1. Thuốc làm giảm nhanh cơn đau đầu

Có nhiều loại thuốc, bao gồm cả thuốc kê toa và không tê toa giúp làm giảm đau nhức đầu do stress. Bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau đơn giản có sẵn mà không cần bác sĩ kê toa. Đây là dòng điều trị đầu tiên có thể giúp làm giảm cơn đau nhức đầu. Chúng bao gồm các loại thuốc aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin IB) và naproxen sodium (Aleve).
  • Thuốc phối hợp: Aspirin hoặc acetaminophen (Tylenol) hoặc cả hai thường được kết hợp với thuốc an thần hoặc caffeine trong cùng một loại thuốc. Thuốc phối hợp có thể mang lại hiệu quả tốt hơn là thuốc giảm đau một thành phần. Trong đó, nhiều loại thuốc kết hợp không cần kê toa, bạn có thể tìm thấy tại các hiệu thuốc tây.
  • Triptan và morphine: Đối với những người trải qua cả chứng đau đầu do căng thẳng và đau nửa đầu từng cơn thì triptan có thể giảm cả hai cơn đau đầu này một cách hiệu quả. Opioid và morphine hiếm khi được dùng vì chúng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ và khả năng phụ thuộc.
thuốc giảm nhanh đau đầu do căng thẳng
Một số loại thuốc có thể được chỉ định để làm giảm nhanh cơn đau đầu do stress

2. Thuốc phòng ngừa

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhằm làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn đau. Nhất là khi bạn bị đau đầu thường xuyên hoặc mãn tính nhưng không thuyên giảm bằng thuốc giảm đau và các liệu pháp khác.

Các loại thuốc phòng ngừa được kê đơn có thể bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Amitriptyline và protriptyline là hai loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng được sử dụng phổ biến nhất nhằm ngăn ngừa cơn đau đầu do căng thẳng. Tác dụng phụ của các loại thuốc này có thể bao gồm buồn ngủ, khô miệng và táo bón.
  • Thuốc chống trầm cảm khác: Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, một số loại thuốc chống trầm cảm có khả năng làm giảm tần suất xuất hiện của các cơn đau đầu do stress. Chẳng hạn như venlafaxine (Effexor XR) và mirtazapine (Remeron).
  • Thuốc chống co giật: Một số loại thuốc chống co giật như gabapentin và topiramate (Topamax, Qsymia) được cho là có thể hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng đau đầu do stress. Tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu thêm để đưa ra nhận định chính xác hơn.

Các loại thuốc phòng ngừa có thể cần đến vài tuần hoặc hơn để phát huy hiệu lực. Do đó bạn không nên thất vọng nếu không nhận thấy sự cải thiện nhanh chóng ngay sau khi bắt đầu dùng thuốc.

Bác sĩ sẽ theo dõi quá trình điều trị của bạn để đánh giá xem thuốc phòng ngừa hoạt động như thế nào. Việc lạm dụng thuốc giảm đau có thể gây ảnh hưởng không tốt đến tác dụng của thuốc phòng ngừa. Do đó bạn nên hỏi bác sĩ về tần suất dùng thuốc giảm đau nếu bạn đang sử dụng thuốc phòng ngừa.

3. Các biện pháp hỗ trợ

Một số liệu pháp truyền thống có thể hữu ích nếu bạn đang bị đau đầu do căng thẳng. Bao gồm:

mẹo làm giảm đau đầu do căng thẳng
Massage có thể giúp thư giãn, làm giảm đau đầu và cải thiện tinh thần tốt hơn
  • Châm cứu: Châm cứu có thể giúp làm giảm tình trạng đau đầu mãn tính tạm thời. Liệu pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng kim cực kỳ mỏng, dùng một lần, thường ít gây đau hay khó chịu. Châm cứu thường an toàn khi được thực hiện bởi một chuyên gia có kinh nghiệm, tuân theo nguyên tắc an toàn và dùng kim vô trùng.
  • Massage: Đây là liệu pháp đơn giản có thể làm giảm căng thẳng một cách hiệu quả. Nó có khả năng làm giảm tình trạng căng cứng cơ ở phía sau đầu, cổ và vai. Với rất nhiều người thì đây là giải pháp làm giảm đau đầu nhanh chóng, có tác dụng lâu dài.

4. Mẹo khắc phục tại nhà

Nghỉ ngơi, chườm đá hoặc tắm nước ấm là những điều bạn có thể cần làm để giảm đau đầu do căng thẳng. Một loạt các mẹo tại nhà có thể giúp bạn làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất của cơn đau mà không cần sử dụng thuốc. Hãy thử một số cách sau đây:

  • Chườm nóng/ lạnh: Chườm nóng hoặc lạnh tùy theo sở thích của bạn có thể giúp làm dịu cơn đau đầu do stress. Bạn có thể sử dụng đệm sưởi đặt ở mức thấp, gạc ấm, chai nước nóng hoặc khăn nóng. Ngoài ra tắm nước ấm cũng có thể hữu ích. Nếu muốn chườm lạnh, bạn hãy bọc đá, túi đá hoặc rau củ đông lạnh vào trong một miếng vải trước khi chườm để bảo vệ làn da.
  • Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi là rất cần thiết nếu bạn đang bị đau đầu do stress. Nghỉ ngơi sẽ giúp cho đầu óc của bạn được thư giãn, thoải mái và thúc đẩy tuần hoàn máu lên não tốt hơn. Từ đó làm giảm đau đầu và tạo điều kiện cho cơ thể phục hồi.
  • Tư thế tốt: Tư thế tốt sẽ giúp cho cơ của bạn không bị căng cứng. Khi đứng bạn nên giữ vai về phía sau và đầu ngang bằng, hóp bụng và mông. Khi ngồi hãy đảm bảo rằng đùi của bạn song song với mặt đất, đầu không bị đổ về phía trước.
  • Hít thở sâu: Đau đầu do căng thẳng khiến cho não bộ mất đi sự tập trung và nhạy bén. Lúc này bạn nên hít thở sâu để cung cấp đủ oxy và giúp quá trình lưu thông máu diễn ra nhanh chóng hơn. Từ đó hạn chế sự kích hoạt hoặc tiến triển nghiêm trọng hơn của cơn đau.

5. Kiểm soát căng thẳng

Nguyên nhân cốt lõi của chứng đau đầu do căng thẳng chính là tình trạng stress quá mức kéo dài. Do đó để kiểm soát cơn đau đầu và ngăn ngừa chúng quay trở lại thì bạn cần chú ý kiểm soát căng thẳng thật tốt.

Trong một số trường hợp, mặc dù đã tự mình thực hiện rất nhiều các giải pháp tại nhà nhưng nhiều người vẫn tiếp tục cảm thấy stress. Lúc này nên chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tư vấn tâm lý để giúp kiểm soát căng thẳng hiệu quả hơn.

kiểm soát căng thẳng giúp hạn chế đau đầu
Nếu không thể tự mình kiểm soát căng thẳng, bạn có thể tìm gặp chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ

Bạn cần trực tiếp nói chuyện với chuyên gia tư vấn tâm lý về những gì mà mình đang trải qua. Chuyên gia sẽ tư vấn cho bạn các liệu pháp điều trị phù hợp như liệu pháp nhận thức – hành vi, liệu pháp giữa các cá nhân hoặc phương pháp tiếp cận dựa trên chánh niệm.

Ngoài ra, chuyên gia tâm lý cũng có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ chuyên khoa nếu thấy cần thiết. Đôi khi một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê toa để giúp kiểm soát căng thẳng tốt hơn. Trong đó, thuốc bổ thần kinh, thuốc an thần, thuốc kháng histamine H1, viên uống từ thảo dược,… là được sử dụng phổ biến nhất.

Phòng ngừa đau đầu do căng thẳng

Các chuyên gia khuyên rằng, việc xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa chứng đau đầu do căng thẳng. Các vấn đề cần chú ý bao gồm:

  • Đi ngủ và thức dậy trong cùng một thời điểm mỗi ngày. Đảm bảo ngủ đủ giấc nhưng cũng không nên ngủ quá nhiều.
  • Không hút thuốc lá và cần tránh hít phải khói thuốc lá thụ động.
  • Uống nhiều nước (2- 2.5 lít mỗi ngày). Ngoài nước lọc có thể bổ sung thêm các loại nước ép nguyên chất từ rau củ quả tươi.
  • Ăn các bữa ăn lành mạnh và cân bằng. Nên bổ sung các thực phẩm tươi sạch giàu vitamin, khoáng chất và omega-3 tốt cho hệ thần kinh.
  • Dành tối thiểu 30 – 45 phút mỗi ngày cho việc rèn luyện thể chất. Nên ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức.
  • Hạn chế tiêu thụ đường, caffeine và rượu bia.

Tình trạng đau đầu do căng thẳng gây ra rất nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến học tập, công việc và cuộc sống thường ngày. Do đó ngoài việc áp dụng các giải pháp làm giảm đau đầu thì bạn cần chú trọng đến vấn đề kiểm soát căng thẳng. Khi các giải pháp tại nhà không đáp ứng đủ tốt khì nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *