Stress trước kỳ thi vào lớp 10: Thực trạng và hướng giải quyết

Áp lực phải thi vào các trường chuyên trọng điểm, những kỳ vọng quá lớn đến từ cha mẹ hay sự thiếu định hướng, kế hoạch không rõ ràng trong quá trình ôn thi chính là lý do lớn nhất khiến cho nhiều học sinh cuối cấp stress trước kỳ thi vào lớp 10. Thời gian gần đây, các trung tâm, bệnh viện, cơ sở chuyên khoa tâm lý đã và đang tiếp nhận rất nhiều các trường hợp học sinh gặp phải những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trong thời điểm chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng. 

Stress trước kỳ thi vào lớp 10
Stress trước kỳ thi vào lớp 10 khiến nhiều học sinh kiệt sức.

Thực trạng stress trước kỳ thi vào lớp 10 khiến nhiều học sinh mệt mỏi

Tuyển sinh vào lớp 10 hiện đang được xem là một trong các kỳ thi quan trọng nhất đối với hầu hết các em học sinh. Nhiều bậc phụ huynh thường đặt kỳ vọng quá lớn vào con cái và luôn nhắc nhở con về việc phải đậu vào các trường trọng điểm và nếu rớt lớp 10 xem như là kết thúc sự nghiệp học tập, ảnh hưởng đến cả tươi lai.

Trong thực tế, kỳ thi chuyển cấp phổ thông mang tính chất quan trọng và cần thiết đối với mỗi học sinh. Đậu tuyển vào những ngôi trường cấp 3 danh tiếng luôn là mơ ước và mục tiêu của phần lớn các em học sinh khối 9. Tuy nhiên, đây cũng là lý do chính khiến cho nhiều sĩ tử cảm thấy căng thẳng, lo lắng trước kỳ thi khốc liệt này.

Trong những năm trở lại đây, kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10 được xem như một cuộc chạy đua không ngừng nghỉ với tỷ lệ chọi vô cùng cao, đặc biệt là những trường chuyên, trường công lập. Kết quả thi tuyển sẽ phần nào quyết định đến việc các em học sinh sẽ có cơ hội được học tập, định hướng tốt trong tương lai, đặc biệt là mở ra cơ hội lớn để các em đến gần với các ngôi trường đại học mơ ước.

Tuy nhiên, các áp lực học tập và thi cử quá lớn cũng chính là nguyên nhân chủ yếu khiến cho nhiều học sinh lớp 9 rơi vào trạng thái stress, căng thẳng tột độ. Theo quá trình trao đổi cùng với các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện Bạch Mai, Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết rằng, stress là tình trạng sức khỏe thường xuất hiện phổ biến ở trẻ em từ 14 đến 17 tuổi và đặc biệt là trong thời điểm các em phải đối mặt với những kỳ thì quan trọng như thi phổ thông và đại học.

Stress trước kỳ thi vào lớp 10
Áp lực thi cử gia tăng khiến tỷ lệ học sinh lớp 9 stress, căng thẳng kéo dài.

Nhiều em khi được hỗ trợ đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa phần lớn đều được chẩn đoán mắc phải tình trạng stress mãn tính và điều đặc biệt đáng chú ý hơn đó chính là stress xuất hiện phổ biến nhất ở những em học sinh khá giỏi có thành tích tốt trong suốt quá trình học tập. Điều này cho thấy, áp lực từ học tập và thi cử hiện đang gia tăng quá mức và nó chính là nguyên nhân tạo nên các sức ép, gánh nặng tâm lý cho nhiều trẻ nhỏ.

Theo chia sẻ của các chuyên gia thì tình trạng stress của nhiều em học sinh lớp 9 đã âm thầm phát triển từ 3 đến 5 năm trước và áp lực trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chính là “giọt nước tràn ly” khiến các em bùng phát các triệu chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, không phải tất cả những trường hợp stress ở học sinh đều có thể được phát hiện và can thiệp sớm bởi nhiều bậc phụ huynh cho rằng đó chỉ là các biểu hiện căng thẳng thông thường khi trẻ phải ôn luyện bài vở cho kỳ thi quan trọng sắp diễn ra, sau khi kết thúc kỳ thi thì trạng thái tâm lý của trẻ sẽ trở lại bình thường.

Điều này gây nên những tác động vô cùng tiêu cực đối với sức khỏe của trẻ nhỏ, thậm chí có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần nguy hiểm hơn. Chỉ cho đến khi trẻ xuất hiện các hành vi tồi tệ, tự làm tổn thương bản thân, có ý định tự sát thì nhiều gia đình mới thực sự nhìn nhận ra vấn đề bất ổn ở trẻ và tiến hành đưa trẻ đến thăm khám, điều trị tại các cơ sở chuyên khoa.

Mặc dù vẫn chưa thể thống kê chính xác về tỷ lệ học sinh stress, lo lắng trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nhưng dựa theo thông tin khảo sát tại một số trường THCS thì có đến hơn 95% các em học sinh khối 9 chia sẻ về tình trạng căng thẳng, mệt mỏi của mình khi phải đối diện với kỳ thi quan trọng sắp đến. Đặc biệt hơn, có khoảng gần 50% các em học sinh nói rằng bản thân không biết cách quản lý căng thẳng và thậm chí không dám chắc về trạng thái tâm lý của bản thân nên việc phát hiện, can thiệp càng gặp phải nhiều khó khăn và trở ngại.

Dấu hiệu nhận biết stress trước áp lực của kỳ thi vào lớp 10

Stress ở học sinh trước kỳ thi vào lớp 10 thường đã xuất hiện và diễn biến một cách âm thầm trước khi các dấu hiệu khởi phát một cách rõ ràng. Tùy vào tình trạng và mức độ nghiêm trọng của stress mà các biểu hiện của mỗi em cũng sẽ có phần khác nhau.

Stress trước kỳ thi vào lớp 10
Stress khiến các em học sinh mệt mỏi, khó tập trung học tập, ôn luyện.

Tuy nhiên, nếu có thể chú ý quan sát thì các bậc phụ huynh và thầy cô cũng sẽ dễ dàng nhận biết được thông qua các dấu hiệu bất thường như:

  • Trẻ thường xuyên mất tập trung, suy giảm khả năng ghi nhớ và khó có thể học tập hiệu quả.
  • Cơ thể hay cảm thấy mệt mỏi, đau nhức, thiếu sức sống.
  • Tâm trạng thay đổi một cách bất thường, có thể dễ cáu gắt, nóng giận, kích động quá mức.
  • Liên tục than vãn về tình trạng học tập, kết quả học tập dần trở nên sa sút.
  • Xuất hiện các cơn đau đầu, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tim đập nhanh,…
  • Stress gây ra tình trạng mất ngủ kéo dài, trẻ cảm thấy khó ngủ, ngủ không ngon giấc.
  • Thói quen ăn uống cũng bị thay đổi đột ngột, có thể chán ăn hoặc ăn uống một cách mất kiểm soát, đặc biệt là đồ ăn ngọt.
  • Nhiều trẻ có xu hướng học tập quá mức, học ngày học đêm và không muốn ngừng nghỉ tuy nhiên kết quả không đạt được như mong đợi.
  • Trẻ trở nên trầm tính, ít nói hơn trước, không muốn chia sẻ và trò chuyện với bất kỳ ai.
  • Stress do áp lực thi cử có thể khiến nhiều trẻ khó kiểm soát hành vi, dễ thực hiện các hành vi tự tổn thương bản thân như cắn móng tay, cào cấu cơ thể, vò đầu bứt tóc,…
  • Khi căng thẳng trở nên quá nghiêm trọng, để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực trẻ có thể la hét, thể hiện sự bực tức bằng những hành động chống đối, hung hăng.

Theo lời khuyên của các chuyên gia tâm lý thì thầy cô, gia đình cần phải quan tâm, gần gũi và thường xuyên chia sẻ để có thể hiểu và kịp thời phát hiện những thay đổi bất thường về mặt cảm xúc, tinh thần hay những thói quen sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Stress thường xuất hiện do những áp lực quá lớn từ việc học tập và đặc biệt khi đứng trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vô cùng quan trọng. Đây chính là thời điểm nhạy cảm mà trẻ cần phải được quan tâm, chăm sóc kỹ lưỡng hơn để có được một sức khỏe, tinh thần thoải mái vượt qua được cột mốc quan trọng của chính mình.

Stress trước kỳ thi vào lớp 10 – Nguyên nhân do đâu?

Để có thể đối mặt được với những đề thi hóc búa thì các em học sinh lớp 9 cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, dành thời gian để ôn luyện, học tập thật vững vàng. Chính vì thế, việc phải thức khuya, dậy sớm để học tập, ôn thi chắc hẳn là điều không thể tránh khỏi của những sĩ tử chuẩn bị bước vào kỳ thi chuyển cấp quan trọng.

Tuy nhiên, không chỉ là áp lực đến từ thi cử mà tình trạng stress ở nhiều học sinh cuối cấp còn có thể xuất hiện bởi các nguyên nhân khác, có thể là chủ quan và khách quan. Để có thể giải tỏa căng thẳng, đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực thì việc đầu tiên chúng ta cần phải làm đó chính là tìm ra lý do khiến cho nhiều học sinh cảm thấy lo lắng, mệt mỏi.

Theo đánh giá của các chuyên gia thì có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng stress trước kỳ thi vào lớp 10 của các em học sinh nhưng đây chính là những nguyên nhân phổ biến nhất:

1. Sự kỳ vọng quá lớn tạo nên áp lực thi cử

Việc thi tuyển vào lớp 10 luôn là vấn đề được các bậc phụ huynh, nhà trường quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng. Có không ít các bậc làm cha mẹ liên tục bắt ép con cái phải thi đậu vào trường chuyên hoặc những ngôi trường có danh tiếng để làm rạng danh gia đình và cả dòng họ.

Các bậc phụ huynh thường đưa ra những mục tiêu quá cao đối với khả năng của con cái, họ muốn con phải thi đậu với điểm số tuyệt đối, phải có tên trong danh sách vàng. Trong thực tế thì những kỳ vọng của cha mẹ đều xuất phát từ tình yêu thương bởi ai cũng mong muốn con cái đạt được những thành tích tốt, được học tập trong môi trường tích cực để có thêm nhiều cơ hội phát triển bản thân.

Stress trước kỳ thi vào lớp 10
Sự kỳ vọng quá lớn từ cha mẹ chính là yếu tố gây áp lực nặng nề đối với học sinh chuyển cấp.

Tuy nhiên, sự kỳ vọng quá lớn từ gia đình chính là áp lực và gánh nặng đối với mỗi em học sinh. Cũng bởi, mỗi đứa trẻ đều có năng lực riêng của chính mình, thậm chí trẻ cũng sẽ có những định hướng, sở thích về một ngôi trường nào đó nhưng lại không được ủng hộ, tôn trọng.

Đặc biệt hơn, không chỉ là gia đình mà ngay cả thầy cô, nhà trường cũng tạo ra những áp lực to lớn đối với các em học sinh, nhất là những em học sinh có thành tích khá giỏi và đã đạt được những danh hiệu, giải thưởng cao tại trường, huyện, tỉnh. Nhiều trường học vì muốn có được điểm thi đua tốt, có được thành tích vượt trội trong kỳ thi tuyển sinh nên liên tục thúc ép và đặt ra những mục tiêu gây ám ảnh đối với học sinh khiến cho nhiều em cảm thấy kiệt sức vì lịch trình học tập dày đặc.

2. Do học sai phương pháp

Stress trước kỳ thi vào lớp 10 không thể không nhắc đến nguyên nhân từ chính bản thân các em học sinh. Mặc dù thầy cô đã hỗ trợ giảng dạy và đưa ra những ý trọng điểm để có thể ôn luyện hiệu quả nhưng nếu các em không có được phương pháp học tập phù hợp thì cũng khó có thể đạt được những thành tích tốt, thậm chí là rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi do ôn luyện không đúng cách.

Đối với những em học sinh lớp 9, các em đã có đủ nhận thức và có thể hoàn toàn chủ động trong quá trình học tập của chính mình. Vì thế, việc tự đánh giá năng lực của bản thân để tìm ra phương pháp học tập phù hợp là điều mà các em cần phải tự thực hiện hoặc có sự chủ động trong việc tìm kiếm, tham khảo ý kiến những người xung quanh.

Đối với những em học sinh không thể xác định được phương pháp học tập đúng đắn sẽ rất dễ khiến cho các em cảm thấy hoang mang, chông chênh trong quá trình ôn thi. Các em sẽ không biết bắt đầu học từ đâu, nên học như thế nào hoặc thậm chí có nhiều trường hợp “đụng đâu học đó”, học tràn lan các kiến thức khiến cho kết quả ôn luyện không đạt được hiệu quả mà còn khiến cho bản thân cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi.

Ngoài ra, việc học tập không có sự xen lẫn giữa thời gian nghỉ ngơi, thư giãn cũng là một cách học hoàn toàn sai và dần giết chết đi sức khỏe của học sinh cuối cấp. Trong thực tế có không ít các trường hợp do phải ôn luyện khối lượng kiến thức khổng lồ khiến các em phải học cả ngày lẫn đêm và dường như không có thời gian dành cho những sở thích cá nhân khiến cho sức khỏe càng ngày càng bị suy kiệt.

3. Stress do ảnh hưởng từ truyền thông, xã hội

Sức ép của truyền thông, các quan niệm về việc trọng điểm số, thành tích cũng là một trong các yếu tố tạo nên những áp lực, căng thẳng to lớn đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, học sinh rất dễ dàng cập nhật những tin tức, thông báo có liên quan đến kỳ thi quan trọng sắp đến.

Tuy nhiên, việc liên tục tiếp xúc với những thông tin tiêu cực hoặc những sự biến đổi về quy chế thi, tỷ lệ chọi và hàng loạn các vấn đề khác xoay quanh cuộc thi khiến cho nhiều học sinh cảm thấy vô cùng lo lắng, bất an. Việc báo chí liên tục đưa tin rầm rộ về kỳ thi khiến cho xã hội có nhiều lời bán tán xôn xao, thậm chí là những thông tin thiếu tính xác thực khiến cho các em dễ bị xao nhãng, stress càng thêm stress.

Ngoài ra, việc xã hội liên tục đặt nặng vấn đề điểm số, thành tích cũng là một trong những loại áp lực to lớn đối với hầu hết các em học sinh. Trong thực tế, kết quả thi tuyển sinh đóng vai trò rất quan trọng đến việc xét tuyển các nguyện vọng vào trường cấp 3 của các em nhưng đây không thể là yếu tố để đánh giá về toàn bộ năng lực, quá trình học tập của trẻ.

4. Thiếu sự đồng hành và quan tâm của gia đình

Áp lực thi cử là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là khi đứng trước kỳ thi chuyển cấp quan trọng. Tuy nhiên, nếu các em học sinh không được chia sẻ, quan tâm và nhận được sự ủng hộ, đồng hành của cha mẹ, gia đình thì rất dễ cảm thấy stress, mệt mỏi trước lịch trình ôn thi khó thở.

Stress trước kỳ thi vào lớp 10
Stress trước kỳ thi tuyển sinh có thể do thiếu sự đồng hành, chia sẻ từ gia đình, thầy cô.

Nhiều em học sinh chia sẻ rằng, bản thân cảm thấy vô cùng mệt mỏi, bế tắc và đôi lúc mất định hướng trước áp lực thi vào lớp 10 nhưng lại không nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên từ chính cha mẹ và người thân. Khi phải chịu đựng những khó khăn, áp lực một mình thì trẻ sẽ rất dễ cảm thấy tủi thân, tiêu cực và dần hình thành nên những cảm xúc tồi tệ.

Thậm chí có nhiều bậc phụ huynh thường xuyên đem con cái ra để so sánh với bạn bè đồng trang lứa khiến cho các em cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Sự khác biệt ở tư duy cùng với khoảng cách thế hệ có thể là rào cản lớn khiến cho nhiều học sinh cảm thấy trơ trọi và đơn độc trong hành trình chinh phục ước mơ. Thậm chí có nhiều em không được quan tâm và giáo dục tốt sẽ khó có thể định hướng rõ về hành trình học tập sắp đến, dễ dẫn đến những sai lầm trong thi cử, lựa chọn nguyện vọng.

5. Stress vì áp lực từ tỷ lệ chọi

Trong những năm trở lại đây, tỷ lệ chọi tại các trường công lập, trường chuyên cấp 3 hiện đang gia tăng đáng kể và đây cũng chính là yếu tố gây nên nhiều áp lực đối với học sinh lớp 9, đặc biệt là những em học sinh có thành tích xuất sắc tại trường học. Trong thực tế, những học sinh càng có nhiều danh hiệu vượt trội trong quá trình học tập sẽ càng dễ bị stress trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Các em thường được mọi người xung quanh đặt kỳ vọng rất cao và bản thân các em cũng có nhiều mục tiêu, hy vọng về thành tích thi cử của chính mình. Đối với những học sinh lớp 9 có nguyện vọng thi vào trường chuyên hoặc các ngôi trường trọng điểm tại địa phương sẽ phải đối diện với áp lực to lớn từ tỷ lệ chọi.

Có những trường chuyên cấp 3 công bố tỷ lệ chọi lên đến 1 chọi 6, chọi 7 khiến các em học sinh cảm thấy vô cùng lo lắng, căng thẳng. Đã có không ít các trường hợp rơi vào trạng thái stress, trầm cảm do kết quả thi không được như ý muốn, nhiều em liên tục tự trách bản thân, chì chiết chính mình vì không thể hoàn thành tốt bài thi.

Ảnh hưởng khôn lường khi stress kéo dài trước kỳ thi vào lớp 10

Stress trước kỳ thi vào lớp 10 nếu không được sớm khắc phục sẽ gây nên rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe và quá trình ôn luyện thi của các em học sinh cuối cấp. Càng cận kề ngày thi, các em càng phải đối diện với nhiều áp lực và sự lo lắng trong chuyện thi cử nên việc không thể giữ vững được tinh thần sẽ khiến cho việc học tập trở nên sa sút, tồi tệ hơn.

Stress gây ra hàng loạt các triệu chứng nghiêm trọng về cả tinh thần lẫn thể chất. Phần lớn những em học sinh khi cảm thấy quá căng thẳng sẽ khó có thể tập trung tốt trong suốt quá trình ôn thi dẫn đến tình trạng thi cử gặp nhiều trở ngại, trẻ có thể không đạt được những kết quả như đã mong đợi, thậm chí có nhiều trường hợp thi trượt vì căng thẳng, mệt mỏi quá mức.

Stress trước kỳ thi vào lớp 10
Stress kéo dài có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần ở các sĩ tử.

Trong thực tế đã có không ít các trường hợp các sĩ tử ngất xỉu trong giờ thi vì sức khỏe suy yếu, điều này khiến các em đành phải bỏ lỡ cơ hội để được bước chân vào ngôi trường cấp 3 mơ ước hoặc có thể phải mất thêm một năm để ôn luyện lại. Đặc biệt hơn, theo chia sẻ từ các chuyên gia, trung tâm tâm lý thì số lượng học sinh bị trầm cảm, rối loạn lo âu sau mỗi kỳ thi đã là vấn đề trở nên phổ biến tại nước ta.

Do các áp lực thi cử, tình trạng stress kéo dài trước khi thi khiến cho tinh thần các em bị sa sút và dễ tạo cơ hội để hình thành nên các rối loạn tâm thần nguy hiểm. Ngoài ra, việc tiến hành thăm khám và điều trị trễ cũng chính là một trong các nguyên nhân khiến cho tình trạng sức khỏe của các em học sinh khó có thể phục hồi tốt, cần mất rất nhiều thời gian và biện pháp để can thiệp hiệu quả.

Áp lực thi tuyển vào lớp 10 đang trở thành một trong các nỗi ám ảnh to lớn đối với nhiều em học sinh. Nhất là những tình trạng stress kéo dài do thi cử còn có thể gia tăng các suy nghĩ tiêu cực, dẫn đến hành vi tự sát ở nhiều sĩ tử. Thực tế cho thấy đã có không ít các trường hợp thương tâm có liên quan đến vấn đề nổi trội này và nó thực sự là một nỗi đau to lớn cho những người ở lại.

Khó có thể kể hết những ảnh hưởng tiêu cực đến từ tình trạng stress kéo dài trước kỳ thi chuyển cấp quan trọng vào lớp 10. Do đó, bản thân các em học sinh cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để chống chọi và vượt qua khó khăn thi cử. Đồng thời, gia đình và nhà trường cũng cần là chỗ dựa vững chắc để giúp các em có đủ niềm tin, ý chí để đối mặt với kỳ thi này.

Hướng giải quyết, khắc phục tình trạng stress trước kỳ thi chuyển cấp

Stress trước kỳ thi vào lớp 10 là tình trạng phổ biến thường xuyên xuất hiện ở các em học sinh cuối cấp, đặc biệt là những học sinh có thành tích vượt trội tại trường học. Có thể thấy, trước áp lực to lớn của kỳ thi chuyển cấp quan trọng, phần lớn các em học sinh phải trải qua quá trình ôn luyện, học tập vất vả nên rất dễ bị ảnh hưởng về mặt tâm lý, sức khỏe.

Hiện nay, tỷ lệ học sinh khối 9 bị stress do thi cử đang ngày càng gia tăng và đây thực sự là vấn đề cần nhận được sự quan tâm, chú ý của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

1. Về phía gia đình

Cha mẹ, gia đình chính là chỗ dựa tinh thần lớn nhất đối với mỗi đứa trẻ. Dù trẻ có lớn khôn hay trưởng thành đến mấy thì trẻ vẫn rất cần sự quan tâm, động viên và đồng hành từ chính những người thân yêu trong gia đình.

Stress trước kỳ thi vào lớp 10
Gia đình cần quan tâm và chăm chút đến chế độ dinh dưỡng của các sĩ tử trước khi thi.

Vì thế, các bậc phụ huynh có thể không hỗ trợ tốt cho trẻ về mặt trang bị kiến thức nhưng hãy chú ý nhiều hơn đến các chế độ sinh hoạt hàng ngày, đảm bảo tốt việc ăn uống, nghỉ ngơi cho trẻ để đảm bảo trẻ có được một sức khỏe tốt để chuẩn bị hành trang cho kỳ thi quan trọng sắp đến. Cụ thể một số điều cha mẹ cần làm như:

  • Duy trì chế độ dinh dưỡng với đa dạng các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, protein, omega-3,…có lợi cho sức khỏe, não bộ của trẻ. Với lịch trình học tập dày đặc, các em học sinh lớp 9 sẽ phải mất rất nhiều sức lực để ôn luyện nên việc bổ sung dưỡng chất thông qua các bữa ăn hàng ngày là điều vô cùng cần thiết và quan trọng.
  • Đảm bảo tốt chất lượng giấc ngủ cho trẻ bằng việc sắp xếp không gian ngủ thoải mái, yên tĩnh, tránh quá nhiều ánh sáng,…Đồng thời, hãy khuyến khích trẻ ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày và tập trung giấc ngủ vào ban đêm để trẻ có được một tinh thần tỉnh táo, tập trung chuẩn bị tiếp tục cho những ngày ôn luyện vất vả.
  • Để giảm stress và cân bằng lại trạng thái tâm lý cho các em học sinh cuối cấp, cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ tập luyện thể dục mỗi ngày. Chỉ cần dành ra khoảng 20 đến 30 phút vào buổi sáng sớm để chạy bộ, đi bộ, nhảy dây, tập yoga, thiền định, bơi lội cũng đủ giúp cơ thể sản sinh ra hàm lượng hormone tích cực, loại bỏ căng thẳng và gia tăng sự tập trung hiệu quả.
  • Cha mẹ cần là những người bạn biết chia sẻ, đồng hành cùng trẻ. Việc có thể ngồi xuống trò chuyện, lắng nghe những tâm sự, nguyện vọng của trẻ cũng chính là cách giúp trẻ tháo gỡ những áp lực, lo lắng cho kỳ thi sắp đến.
  • Gia đình cần loại bỏ những kỳ vọng vượt quá khả năng của con. Tốt nhất hãy nên dành cho con những lời động viên, cổ vũ chân thành thay vì liên tục đưa ra những mục tiêu xa tầm với.

2. Về phía nhà trường

Nhà trường cũng cần phải có trách nhiệm tốt trong quá trình giảng dạy, hỗ trợ và duy trì sức khỏe tinh thần cho các sĩ tử để đảm bảo các em có được một sức khỏe tốt, từ đó học tập hiệu quả, đạt được những kết quả đáng mong đợi. Vì thế, để giúp giảm bớt những áp lực, căng thẳng khi đứng trước kỳ thi tuyển sinh cấp 3, nhà trường cần phải:

Stress trước kỳ thi vào lớp 10
Thầy cô, nhà trường cần có sự quan tâm, chia sẻ, động viên tích cực với các em học sinh lớp 9.
  • Đưa ra kế hoạch học tập, giảng dạy phù hợp đối với mỗi đối tượng học sinh để đảm bảo các em có thể theo kịp chương trình ôn thi và đáp ứng tốt các nguyện vọng thi tuyển của mỗi em.
  • Cần phải sắp xếp và phân bổ hợp lý giữa thời gian học tập, vui chơi giải trí lành mạnh, tránh tình trạng bắt ép các em phải học liên tục trong nhiều giờ liền hoặc dung nạp một lượng lớn kiến thức trong ngày.
  • Trường học cần nâng cao công tác tham vấn tâm lý, hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho các sĩ tử, đặc biệt là khi kỳ thi cận kề. Thầy cô cần phải có sự quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ tích cực trong giai đoạn này để tránh tình trạng khiến các em cảm thấy lạc lõng, chơ vơ, mất định hướng.
  • Nhà trường cần có sự phối hợp và liên hệ chặt chẽ cùng với phụ huynh học sinh để có thể chia sẻ, trao đổi về tình trạng học tập của trẻ, đồng thời dễ dàng phát hiện ra những biểu hiện bất thường về cảm xúc, hành vi để có hướng điều chỉnh, khắc phục kịp thời.

3. Về phía bản thân các em học sinh

Bên cạnh những sự hỗ trợ tích cực từ bên ngoài thì bản thân các em học sinh cũng cần phải có sự cố gắng và nỗ lực trong quá trình học tập, chuẩn bị ôn thi hiệu quả. Để có thể phòng tránh và loại bỏ tốt trạng thái căng thẳng, stress trước kỳ thi vào lớp 10 thì các em cũng nên tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết như:

Stress trước kỳ thi vào lớp 10
Bản thân các sĩ tử cũng cần có ý thức học tập, lựa chọn phương pháp học phù hợp, hiệu quả.
  • Đừng đặt nặng vấn đề phải đạt được thành tích quá cao trong kỳ thi tuyển sinh. Mặc dù đây là kỳ thi quan trọng nhưng các em cũng nên hiểu rõ năng lực của chính mình, đưa ra mục tiêu phù hợp với khả năng để có thể dễ dàng đạt được kết quả như mong muốn.
  • Tự trang bị cho mình những biện pháp thư giãn hiệu quả khi cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng trong học tập. Cụ thể như nghe nhạc, đọc truyện, sử dụng tinh dầu thơm, ăn một chút bánh ngọt, đứng lên vận động nhẹ nhàng, yoga, thiền định,….
  • Học sinh lớp 9 đang chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp đến cần hạn chế việc sử dụng các trang mạng xã hội, đặc biệt là việc tiếp xúc với những thông tin tiêu cực, tồi tệ.
  • Chủ động chia sẻ, tâm sự về những khó khăn của bản thân với thầy cô, bạn bè, cha mẹ hoặc người thân để giải tỏa tâm trạng nhanh chóng và hiệu quả.
  • Cần có kế hoạch học tập khoa học và lành mạnh để cơ thể luôn được khỏe mạnh, tỉnh táo, tập trung.
  • Trong quá trình học tập vất vả, mệt mỏi thì các em học sinh cũng nên dành ra một ít thời gian để thư giãn, vui chơi và giải trí lành mạnh theo sở thích cá nhân để xua tan những lo lắng, muộn phiền.

Nếu tình trạng stress trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trở nên nghiêm trọng và không thể kiểm soát tốt bằng những biện pháp can thiệp trên thì các em học sinh cũng nên được hỗ trợ tham vấn tâm lý cùng với chuyên gia, nhà trị liệu. Việc được gặp gỡ chuyên gia tâm lý sẽ giúp cho các em hiểu rõ hơn về những cảm xúc tiêu cực của bản thân và dễ dàng tháo gỡ được những nút thắt tâm lý, cân bằng lại trạng thái tinh thần để tiếp tục học tập, chuẩn bị thi cử hiệu quả.

Stress trước kỳ thi vào lớp 10
Chuyên gia tâm lý hỗ trợ tham vấn tâm lý cho các sĩ tử.

Stress trước kỳ thi vào lớp 10 được xem là một trong các vấn đề đáng báo động và cần phải được loại bỏ ngay để tránh gây nên những rào cản to lớn đối với cột mốc quan trọng của trẻ. Chỉ còn vài tháng nữa là kỳ thi chuyển cấp đã cận kề, gia đình và nhà trường cần có kế hoạch hỗ trợ tinh thần, sức khỏe cho các sĩ tử để tạo điều kiện thuận lợi giúp các em có được một kỳ thi trọn vẹn, như ý.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *