Thái nhân cách (Psychopathy): Dấu hiệu và Cách can thiệp
Thái nhân cách trong tâm thần học được dùng để chỉ những người vô cảm, thiếu trách nhiệm kèm theo hành vi vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức. Hãy học cách nhận diện để không trở thành nạn nhân của người thái nhân cách.
Thái nhân cách là gì?
Thái nhân cách – Psychopath (tạm dịch là biến thái nhân cách, biến thái tâm lý) không được thừa nhận là một rối loạn tâm thần nhưng lại có nhiều đặc điểm trùng lặp với các triệu chứng của rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial Personality Disorder – ASPD). Trên thực tế những khái niệm đi liền với thái nhân cách sẽ là chống đối xã hội.
Chứng thái nhân cách được định nghĩa trong tâm thần học là một trạng thái đặc trưng bởi sự thiếu hụt khả năng đồng cảm hoặc lương tâm, tính khoa trương, ngạo mạn, nhẫn tâm, nông cạn, kém khả năng kiềm chế và hay sử dụng thủ đoạn để giành quyền kiểm soát của cải, tài nguyên hoặc con người. Người thái nhân cách cũng được biết đến là dễ nóng giận, không cảm thấy hối lỗi hay lo lắng và dễ phạm pháp hay gây tội ác.
Một nghiên cứu cho thấy khoảng 29% dân số nói chung biểu hiện đặc điểm của người thái nhân cách nhưng chỉ 0,6% có khả năng phù hợp với định nghĩa của chứng rối loạn tâm thần này.
Thường thì thái nhân cách thể hiện rất rõ ở độ tuổi dậy thì, đôi lúc cũng thấy được điều này ở trẻ con 3, 4 tuổi. Mặc dù rất khó để chỉ rõ hành vi này ở trẻ nhỏ nhưng chúng học cách bắt chước phản ứng và hành vi bình thường của con người với cảm xúc mà mình không cảm nhận được. Nhờ vậy, người thái nhân cách đánh lừa người khác bằng biểu hiện giả tạo và thao túng con người để có được những gì mình muốn.
Nhấn mạnh một điều quan trọng là thái nhân cách không đồng nghĩa với tội phạm hay bạo lực, không phải ai mắc chứng này đều tham gia vào các hành vi nói trên và ngược lại không phải mọi tội phạm hay cá nhân với hành vi bạo lực đều thuộc nhóm người thái nhân cách.
Dấu hiệu nhận biết người thái nhân cách
Thái nhân cách không phải chẩn đoán chính thức và người thái nhân cách thường biết cách che giấu đặc điểm tiêu biểu của mình. Vậy nên việc nhận diện một người thái nhân cách đã được các chuyên gia quan sát, nghiên cứu và đề cập đến với rất nhiều dấu hiệu sau đây, cụ thể bao gồm:
- Thiếu sự cảm thông và hối lỗi: Không có cảm giác ăn năn, hối lỗi và thờ ơ cho rằng những việc mình làm không hề sai trái.
- Có hành vi mâu thuẫn với chuẩn mực xã hội: Thể hiện bằng việc nhiều lần bị bắt giữ do hành vi phạm pháp. Nói dối nhiều lần, tìm cách lừa gạt, lừa đảo người khác để trục lợi hoặc đơn giản chỉ để tạo niềm vui cá nhân.
- Có xu hướng thao túng và làm tổn thương người khác.
- Coi thường sự an toàn, thậm chí là tính mạng của bản thân hoặc người khác để đạt được mục đích.
- Không có khả năng phân biệt phải – trái.
- Vô cảm, thiếu trách nhiệm đối với các vấn đề xảy ra.
- Thường xuyên thể hiện sự tức giận và kiêu ngạo.
- Có xu hướng nói dối thường xuyên: người thái nhân cách tự hào khi nói dối thành công và không lo lắng nếu ai đó phát hiện lời nói dối.
- Cực kỳ lý trí: có thể tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp nhanh chóng mà không quan tâm đến yếu tố cảm xúc.
Nguyên nhân dẫn đến thái nhân cách
Nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành của thái nhân cách là một vấn đề phức tạp với sự kết hợp của các yếu tố di truyền, sinh học thần kinh và môi trường tạo nên loại tính cách này.
1. Yếu tố di truyền
Một số nghiên cứu trước đó đã ước tính rằng khoảng 38 – 69% trường hợp thái nhân cách có liên quan đến yếu tố di truyền.
Nghiên cứu cho thấy hầu hết người thái nhân cách phạm tội thường là con trai lấy nhiễm sắc thể X từ mẹ. Nếu não bộ bị ngập trong gen bạo lực (warrior gene) có ở tử cung sẽ trở nên không còn nhạy với serotonin – chất truyền dẫn thần kinh có tác dụng thư giãn. Hệ quả là làm cho serotonin cứ loanh quanh ở khe giữa 2 nơ ron mà không thể tiến vào trong khiến các cơn giận dữ và chứng cuồng loạn kéo dài lâu hơn, con người dễ bốc đồng hơn.
2. Yếu tố sinh học thần kinh
Những người thái nhân cách rất lạnh lùng và chẳng hề sợ hãi vì hạch hạnh nhân (amygdala) không hề hoạt động. Đồng thời các đối tượng này có sự hoạt động dưới mức bình thường của vỏ trán hốc mắt, thùy thái dương trước (anterior temporal lobe), hệ viền não.
Nhiều nghiên cứu hiện đang tập trung vào việc nghiên cứu các cấu trúc hạch hạnh nhân, vỏ não trước trán và vùng limbic mà chúng có thể giải thích mô hình cảm xúc và hành vi cụ thể của chứng thái nhân cách.
3. Yếu tố môi trường và xã hội
Các yếu tố xã hội và cách nuôi dạy con cái ảnh hưởng đến chứng thái nhân cách phát triển thông qua hành vi. Cá nhân với đặc điểm tính cách thái nhân cách lớn lên trong một gia đình ổn định và được giáo dục tích cực có thể trở thành một kẻ lừa đảo, doanh nhân, chính trị gia tham nhũng. Mặt khác, với những đặc điểm tính cách tương tự nhưng lớn lên trong môi trường thiếu thốn có thể trở thành một kẻ tội phạm bạo lực.
Hầu hết các nghiên cứu về thái nhân cách đều diễn ra trong nhà tù. Trong 38 kẻ giết người, chỉ có 12 người có bằng chứng trải qua lạm dụng và thiếu hụt tâm lý đáng kể. Một cuộc thống kê nhỏ với 35 người thái nhân cách trong trại cải tạo giáo dục thanh thiếu niên cho thấy khoảng 70% trong số họ đã từng bị bạo hành nghiêm trọng xuyên suốt tuổi thơ.
Điều trị can thiệp thái nhân cách như thế nào?
Thái nhân cách rất khó “chữa trị”, một số nhà nghiên cứu cho rằng trị liệu không giúp ích cho người thái nhân cách bởi họ không thấy cần thiết phải thay đổi bản thân. Tuy nhiên một số khác lại chỉ ra các phương pháp điều trị có thể làm cải thiện tối đa hành vi ở nhóm người này, chẳng hạn như sử dụng thuốc trị liệu và điều trị tâm lý.
1. Thuốc trị liệu
Các loại thuốc hiện tại có ảnh hưởng tới hệ thống chất dẫn truyền thần kinh chỉ có thể làm giảm bớt phần nào sự xung động, bạo lực và vấn đề hành vi khác. Một số loại thuốc có thể được sử dụng kết hợp với các liệu pháp tâm lý:
- Thuốc chống trầm cảm (Antidepressants): Được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng trầm cảm như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) hoặc bupropion điều hòa nồng độ serotonin trong não bộ.
- Thuốc chống loạn thần (Antipsychotics): Có thể được kê đơn khi có các triệu chứng bốc đồng hay tình trạng tâm thần không ổn định.
- Thuốc chống co giật.
- Thuốc ổn định khí sắc giúp điều hòa cảm xúc và quản lý hành vi.
2. Tâm lý trị liệu
Một số liệu pháp tâm lý dưới đây sẽ được áp dụng để điều trị tình trạng thái nhân cách:
- Liệu pháp cá nhân (Individual therapy): Bao gồm các buổi tư vấn với chuyên gia điều trị bệnh về tâm lý, nhằm hiểu rõ hơn về cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của người bệnh.
- Liệu pháp nhóm (Group therapy): Những người có vấn đề tương tự thành lập nhóm thảo luận có thể mang lại sự hỗ trợ xã hội.
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Cung cấp công cụ và kỹ thuật để người bệnh có thể nhận biết và thay đổi hành vi, suy nghĩ tiêu cực.
- Liệu pháp gia đình (Family therapy): Tập trung vào cải thiện mối quan hệ gia đình và giúp mọi người hiểu về bệnh tình của người bệnh.
Cần nhận biết và can thiệp chứng thái nhân cách từ sớm bằng những liệu pháp điều trị tâm lý và có thể dùng thuốc trị liệu để tránh việc trong tương lai nhóm người có tính cách này thực hiện các hành vi sai trái.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn nhân cách tránh né (AVPD) là gì?
- Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD): Cách nhận biết và chữa trị
- Rối loạn nhân cách ái kỷ: Biểu hiện và phương pháp điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!