Tiêu Chuẩn Chẩn Đoán Trẻ Tự Kỷ Chính Xác Hiện Nay

Có khá nhiều tiêu chuẩn được sử dụng để chẩn đoán trẻ tự kỷ. Điểm chung của các tiêu chuẩn này là đều dựa vào những khiếm khuyết về mặt ngôn ngữ, tương tác và giao tiếp xã hội để đưa ra chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Tiêu chuẩn chẩn đoán trẻ tự kỷ
Tiêu chuẩn chẩn đoán trẻ tự kỷ được phát triển dựa trên những khiếm khuyết về mặt tương tác xã hội, giao tiếp,…

Tự kỷ hay rối loạn phổ tự kỷ là một trong những dạng rối loạn phát triển thần kinh khá phổ biến. Trẻ mắc chứng bệnh này thường chậm phát triển và có các khiếm khuyết về giao tiếp, tương tác xã hội, hành vi bất thường có tính chất rập khuôn và lặp đi lặp lại. Các triệu chứng của tự kỷ khởi phát rất sớm, đa phần là trước 3 tuổi.

Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác gây rối loạn phổ tự kỷ. Bệnh được cho là có liên quan đến di truyền, tổn thương não khi mang thai hoặc trong quá trình sinh nở và yếu tố môi trường. Hiện tại, điều trị tự kỷ vẫn còn nhiều thách thức và hạn chế. Do đó, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường được xem là chìa khóa để nâng đỡ sự phát triển của trẻ và cải thiện chất lượng cuộc sống lâu dài.

Tiêu chuẩn chẩn đoán trẻ tự kỷ chính xác

Rối loạn phổ tự kỷ có mức độ rất đa dạng nên biểu hiện lâm sàng cũng có sự khác biệt ở từng trẻ. Các triệu chứng của bệnh cũng có thể bị nhầm lẫn với các hội chứng rối loạn phát triển khác. Do đó, cần phải có tiêu chuẩn chẩn đoán trẻ tự kỷ để đảm bảo tính chính xác và khách quan.

Viện hàn lâm Thần kinh học của Mỹ đã chỉ ra các dấu hiệu “báo động” để bố mẹ có thể đưa trẻ đến khám chữa bệnh kịp thời. Bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện nếu nhận thấy các dấu hiệu như không biết dùng cử chỉ, không bi bô tập nói vào 12 tháng tuổi, không biết lặp lại khi được bố mẹ chỉ cách gọi tên, không biết nói từ đơn lúc 16 tháng tuổi, không tự nói được câu có hai từ khi 2 tuổi, hoàn toàn không có kỹ năng xã hội và ngôn ngữ.

Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán sau để chẩn đoán tự kỷ ở trẻ em:

A – Khiếm khuyết về chất lượng trong quan hệ, giao tiếp xã hội và hành vi, thói quen đặc biệt

Tự kỷ khiến cho trẻ có khiếm khuyết về kỹ năng xã hội, giao tiếp và tư duy. Do đó, trẻ sẽ được chẩn đoán mắc chứng bệnh này khi có ít nhất 6 dấu hiệu trong tổng cộng 3 phần (1), (2) và (3). Trong đó, phải có ít nhất 2 tiêu chí thuộc phần (1) và 1 tiêu chí cho phần (2), phần (3).

Tiêu chuẩn chẩn đoán trẻ tự kỷ
Trẻ tự kỷ thường không có nhu cầu kết bạn và tương tác xã hội kém

(1) Khiếm khuyết về chất lượng trong quan hệ xã hội, được thể hiện qua ít nhất 2 biểu hiện trong tổng cộng 4 triệu chứng sau:

  • Không có hoặc kém trong việc phát triển trong các mối quan hệ bạn bè phù hợp với độ tuổi của trẻ. Trẻ tự kỷ thường không quan tâm việc kết bạn và đa phần đều tự chơi một mình.
  • Có khiếm khuyết rõ rệt trong nhiều hành vi như các cử chỉ, tư thế cơ thể, giao tiếp bằng mắt và biểu cảm qua nét mặt.
  • Không chủ động chia sẻ niềm vui, sự yêu thích và quan tâm của bản thân đối với người khác. Chẳng hạn như trẻ gần như không chỉ cho bố mẹ món đồ chơi trẻ thích hay khoe bức tranh trẽ vừa hoàn thành.
  • Thiếu sự trao đổi qua lại về cảm xúc và xã hội.

(2) Khiếm khuyết về chất lượng trong giao tiếp được thể hiện ít nhất qua 1 triệu chứng trong tổng số 4 triệu chứng sau:

  • Ngôn ngữ kỳ lạ, khó hiểu hoặc sử dụng ngôn ngữ lặp đi lặp lại (trẻ chỉ lặp đi lặp lại từ đơn hoặc từ đôi một cách vô nghĩa, khác hẳn với trẻ nói nhiều và lanh lợi)
  • Thiếu vắng hoặc chậm trễ sự phát triển về ngôn ngữ nói. Đặc biệt, trẻ không cố gắng dùng cử chỉ và biểu hiện khuôn mặt để diễn giải khi không biết cách diễn đạt để bố mẹ hiểu.
  • Một số trẻ vẫn phát triển ngôn ngữ đầy đủ nhưng suy kém về khả năng bắt đầu và duy trì cuộc đối thoại với người khác.
  • Không chơi các trò chơi bắt chước xã hội (chơi búp bê, gấu bông với hành động như người,…) và các trò chơi giả vờ (trẻ đóng giả là con vật, cái cây hoặc đóng giả làm giáo viên, bác sĩ,…) phù hợp với sự phát triển của trẻ.

(3) Các hoạt động, hành vi, sở thích lặp đi lặp lại giới hạn và định hình. Tiêu chuẩn chẩn đoán trẻ tự kỷ yêu cầu phải có ít nhất 1 triệu chứng trong tổng số 4 triệu chứng sau đây:

  • Bám dính một cách cứng nhắc đối với một số nghi thức, hành vi vô nghĩa (ví dụ như trẻ phải chạy đi chạy lại xung quanh một vật thể)
  • Trẻ có mức độ tập trung cao và dành nhiều thời gian cho một hoặc vài sở thích. Khi tập trung, trẻ gần như không quan tâm và không có đáp ứng với bất cứ tác động vào xung quanh.
  • Có các hành động định hình và lặp đi lặp lại (ví dụ như trẻ liên tục nhảy, vẫy ngón tay, bàn tay,… không có mục đích)
  • Dành nhiều thời quan và sự quan tâm đặc biệt đến các món đồ chơi hoặc vật thể

B – Sự phát triển chậm trễ hoặc thực hiện chức năng bất thường khởi phát trước 3 tuổi

Phải có sự phát triển chậm trễ hoặc thực hiện chức năng bất thường ít nhất 1 trong 3 lĩnh vực sau:

  • Sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp xã hội
  • Tương tác xã hội
  • Trò chơi biểu tượng

C – Triệu chứng bệnh không liên quan đến các rối loạn khác

Các triệu chứng của tự kỷ có thể bị nhầm lẫn với các rối loạn khác. Do đó, tiêu chuẩn chẩn đoán trẻ tự kỷ phải bao gồm bệnh cảnh ở trẻ không phải là biểu hiện của rối loạn giải thể ở tuổi nhỏ và rối loạn Rett.

Chẩn đoán mức độ tự kỷ ở trẻ em

Cái tên rối loạn phổ tự kỷ phần nào cho thấy mức độ đa dạng của bệnh lý này. Sau khi chẩn đoán xác định, trẻ sẽ được chẩn đoán mức độ tự kỷ để bác sĩ đánh giá tiên lượng và lên phác đồ điều trị phù hợp.

A. Dựa vào thang đánh giá mức độ tự kỷ (CARS)

Thang đánh giá mức độ tự kỷ (CARS) giúp đánh giá được mức độ bệnh thông qua quan sát trực tiếp. CARS được áp dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và mất khoảng 5 – 10 phút thực hiện sau khi bác sĩ sẽ đã thu thập đầy đủ thông tin.

Thang đánh giá mức độ tự kỷ (CARS) sẽ bao gồm 15 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực sẽ có 4 mức độ tương ứng với điểm số từ 1 – 4 điểm. Sau đó, cộng tất số điểm lại và xem chẩn đoán.

1 – Quan hệ với mọi người

  • 1 điểm: Không có gì bất thường hay khó khăn trong quan hệ với mọi người. Trẻ thể hiện hành vi một cách dễ dàng và phù hợp với mức độ phát triển. Trẻ cũng có thể có những biểu hiện khá giống tự kỷ như khó chịu, nhắng nhít, năng động nhưng mức độ vừa phải, không điển hình.
  • 2 điểm: Quan hệ với mọi người không bình thường ở mức độ nhẹ. Trẻ bám dính lại bố mẹ quá mức, tránh tiếp xúc với người khác bằng ánh mắt. Trẻ có thể bẽn lẽn, nhắng nhít quá mức và không phản ứng với người lớn như bình thường.
  • 3 điểm: Quan hệ với mọi người không bình thường ở mức độ trung bình. Đôi khi trẻ có sự tách biệt với mọi người xung quanh và gần như không nhận thức được sự tồn tại của người khác. Ở mức độ này, trẻ gần như không phải là bắt đầu mối quan hệ và cần phải rất nỗ lực để có thể thu hút sự chú ý của trẻ.
  • 4 điểm:Quan hệ với mọi người không bình thường ở mức độ nặng. Trẻ luôn không nhận thức được những việc người lớn đang làm và tách biệt với người lớn. Trẻ không có đáp ứng với việc xây dựng mối quan hệ với người lớn và cần rất nhiều nỗ lực mới có thể nhận được sự chú ý của trẻ.

2 – Bắt chước

  • 1 điểm: Trẻ bắt chước được từ ngữ, hành động và âm thanh phù hợp với độ tuổi của trẻ.
  • 2 điểm: Trẻ bắt chước không bình thường ở mức độ nhẹ. Trong trường hợp này, trẻ chỉ có thể bắt chước từ đơn, hành động đơn giản như vỗ tay, gật đầu. Tuy nhiên, trẻ chỉ bắt chước sau khi có sự khích lệ từ người lớn.
  • 3 điểm: Trẻ bắt chước không bình thường ở mức độ trung bình. Trẻ chỉ bắt chước ở một mức độ và một thời gian nào đó. Thường xuyên trì hoàn việc bắt chước và chỉ thực hiện khi có sự giúp đỡ của người lớn.
  • 4 điểm: Trẻ bắt chước không bình thường ở mức độ nặng. Trẻ gần như không bao giờ hoặc rất ít khi bắt chước. Hơn nữa, những thứ mà trẻ bắt chước đa phần đều đơn giản và dễ thực hiện.

3 – Thể hiện tình cảm

  • 1 điểm: Trẻ thể hiện đúng tình cảm và mức độ phù hợp thông qua biểu cảm, thái độ, điệu bộ.
  • 2 điểm: Trẻ thể hiện tình cảm không bình thường ở mức độ nhẹ. Đôi khi trẻ thể hiện loại tình cảm hoặc mức độ tình cảm không phù hợp.
  • 3 điểm: Trẻ thể hiện tình cảm không bình thường ở mức độ trung bình. Trẻ có phản ứng thái quá hoặc hạn chế, hoặc đôi khi phản ứng bất thường không liên quan đến tình huống.
  • 4 điểm: Trẻ thể hiện tình cảm không bình thường ở mức độ nặng. Ít khi trẻ thể hiện cảm xúc phù hợp với tình huống. Trẻ có thể chuyển đổi cảm xúc liên tục ngay cả khi xung quanh không bất cứ việc gì xảy ra. Tuy nhiên, cũng có những trẻ khó thay đổi tâm trạng.

4 – Các động tác cơ thể

  • 1 điểm: Trẻ có các động tác phù hợp với lứa tuổi. Động tác đa dạng, nhanh nhẹn và thoải mái.
  • 2 điểm: Trẻ thể hiện các động tác không bình thường mức độ nhẹ. Trường hợp này trẻ sẽ xuất hiện một số biểu hiện khác thường nhỏ như phối hợp giữa các động tác kém, động tác lặp đi lặp lại, vụng về,…
  • 3 điểm: Trẻ thể hiện các động tác không bình thường mức độ trung bình. Trẻ xuất hiện khá nhiều động tác khác thường như đi lại bằng cách nhón chân, ngón tay lắc lư, kích động dù không có tác động, nhìn chằm chằm vào một số vị trí trên cơ thể, thân mình đu đưa lặp đi lặp lại,…
  • 4 điểm: Trẻ thể hiện các động tác không bình thường mức độ nặng. Các hành vi bất thường trên xuất hiện với tần suất dày đặc và cường độ cao hơn.

5 – Sử dụng đồ vật

Tiêu chuẩn chẩn đoán trẻ tự kỷ
Trẻ tự kỷ có cách thức sử dụng đồ vật và đồ chơi khác thường, kì quái
  • 1 điểm: Trẻ có niềm yêu thích với một số đồ vật và đồ chơi. Đồng thời biết sử dụng đồ chơi đúng cách và phù hợp với mức độ phát triển theo lứa tuổi.
  • 2 điểm: Trẻ sử dụng đồ vật không bình thường mức độ nhẹ. Trẻ vẫn yêu thích đồ vật hoặc đồ chơi nhưng cách chơi không phù hợp với tính cách của trẻ em ở trong độ tuổi đó (ví dụ trẻ còn nhỏ nhưng thường dùng đồ chơi ném mạnh, đập phá hoặc trẻ đã lớn nhưng chủ yếu dùng đồ chơi mút, ngậm).
  • 3 điểm: Trẻ sử dụng đồ vật không bình thường mức độ trung bình. Trẻ thể hiện rõ việc ít yêu thích đồ chơi hoặc bám dính lấy một số đồ chơi, đồ vật một cách bất thường. Trẻ dành sự chú ý đặc biệt trong thời gian dài cho bộ phận không nổi bật của đồ chơi (ví dụ tay hoặc chân của búp bê thay vì khuôn mặt, váy,…), thường chỉ chơi với một đồ vật/ đồ chơi và thích di chuyển vị trí của từng bộ phận.
  • 4 điểm: Trẻ có các hành vi bất thường khi sử dụng đồ vật, đồ chơi với mức độ nặng hơn. Khi trẻ tập trung chơi hoặc sử dụng đồ vật, dường như không thể thu hút hay đánh lạc hướng trẻ.

6 – Thích nghi với sự thay đổi

  • 1 điểm: Trẻ thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống một cách dễ dàng, không cáu gắt. Đôi khi trẻ có thể bày tỏ ý kiến về việc thay đổi nhưng hoàn toàn thoải mái khi được trả lời/ giải đáp hợp lý.
  • 2 điểm: Khi người lớn cố gắng thay đổi động tác, trẻ vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động trước đó.
  • 3 điểm: Khi các thói quen thông thường bị thay đổi (thay đổi vị trí của đồ chơi, bàn chải đánh răng,…), trẻ trở nên buồn phiền hoặc tức giận. Trẻ sẽ có hành vi chống đối lại sự thay đổi này một cách hăng hái. Sau đó, trẻ sẽ đặt đồ vật lại vị trí cũ và tiếp tục các hoạt động cũ thay vì tiếp nhận sự thay đổi.
  • 4 điểm: Trở nên cáu giận, không hợp tác nếu buộc phải thay đổi. Phản ứng gay gắt của trẻ sẽ được biểu hiện qua một số dấu hiệu như la hét, chạy liên tục, tự đánh bản thân, khóc lóc dữ dội,…

7 – Phản ứng thị giác

  • 1 điểm: Trẻ có phản ứng thị giác phù hợp với lứa tuổi và thị giác được phối hợp chặt chẽ với các giác quan khác. (ví dụ khi trẻ chỉ tay về một hướng, ánh mắt của trẻ cũng sẽ nhìn về hướng đó hoặc hướng của người trẻ muốn gây chú ý).
  • 2 điểm: Trẻ vẫn có phản ứng thị giác như chăm chú trên bầu trời, nhìn vào gương, những vật lấp lánh và sặc sỡ. Tuy nhiên, trẻ sẽ tránh nhìn vào mắt của người lớn. Đôi khi trẻ không nhìn vào đồ vật hoặc những thứ bản thân đang làm.
  • 3 điểm: Trẻ thường xuyên bị nhắc nhở phải nhìn vào những gì trẻ đang làm. Luôn tránh ánh mắt của người lớn, đưa vật thể lại rất gần với mắt hoặc nhìn chằm chằm vào một vị trí.
  • 4 điểm: Trẻ có phản ứng thị giác bất thường, tránh nhìn vào mắt người lớn và các đồ vật cụ thể nào đó.

8 – Phản ứng thính giác

  • 1 điểm: Phản ứng thính giác bình thường và biết cách phối hợp thính giác với những giác quan khác.
  • 2 điểm: Phản ứng thái quá hoặc phản ứng chậm với tiếng động. Đôi khi phải lặp lại tiếng động (tiếng gọi tên trẻ) để thu hút sự chú ý của trẻ. Một số trẻ dễ bị phân tán bởi những âm thanh bên ngoài.
  • 3 điểm: Có những phản ứng bất thường như che tai hoặc giật mình trước những âm thanh bình thường. Trẻ luôn bỏ qua tiếng động ở lần đầu tiên nghe thấy
  • 4 điểm: Có phản ứng quá mức hoặc không phản ứng với tất cả các âm thanh dù đó là âm thanh quen thuộc, xa lạ hay những âm thanh có cường độ cao.

9 – Phản ứng qua vị giác và khứu giác

  • 1 điểm: Trẻ có phản ứng khứu giác, vị giác và xúc giác bình thường. Trẻ biết cách dùng các giác quan này để khám phá mọi thứ một cách phù hợp. Chẳng hạn như biết dùng vị giác để thử đồ ăn, dùng xúc giác để thử đá lạnh,…
  • 2 điểm: Thường đút đồ vật vào miệng, có thói quen nếm và ngửi những đồ vật không ăn được. Khi bị đau đớn nhẹ (xúc giác), trẻ có thể phản ứng khó chịu và thái quá.
  • 3 điểm: Trẻ có phản ứng quá mức hoặc không phản ứng về vị giác, khứu giác và xúc giác. Trẻ có thái độ khó chịu khi ngửi, nếm và sờ đồ vật.
  • 4 điểm: Trẻ có thể không quan tâm đến cơn đau hoặc phản ứng thái quá khi bị đau nhẹ. Đồng thời rất khó chịu về việc phải sờ, nếm và ngửi đồ vật.

10 – Sự sợ hãi, hồi hộp

  • 1 điểm: Có sự sợ hãi, hồi hộp phù hợp với tình huống và độ tuổi của bé.
  • 2 điểm: Sự sợ hãi, hồi hộp của trẻ ít hoặc nhiều hơn những trẻ khác khi ở hoàn cảnh tương tự.
  • 3 điểm: Trẻ thể hiện sự sợ hãi, hồi hộp nhiều hoặc ít hơn so với những trẻ ít tháng hơn ở hoàn cảnh tương tự.
  • 4 điểm: Thể hiện sự sợ hãi trước những đồ vật vô hại và tình huống hoàn toàn không nguy hiểm. Ngay cả khi có sự trấn an của người lớn, trẻ cũng rất khó để bình tĩnh trở lại. Ngược lại, trẻ bỏ qua những tình huống nguy hại mà trẻ có thể tránh được (ví dụ trẻ không chịu chỉnh lại đồ vật mặc dù biết nó có thể rơi xuống sàn).

11 – Giao tiếp bằng lời nói

  • 1 điểm: Giao tiếp bằng lời nói phù hợp với tình huống và độ tuổi của trẻ.
  • 2 tuổi: Trẻ chậm nói nhưng lời nói vẫn có nghĩa, thỉnh thoảng có sử dụng những từ ngữ không rõ nghĩa hoặc từ ngữ bất thường. Trẻ phát âm đảo lộc và lặp đi lặp lại từ ngữ một cách máy móc, thiết linh hoạt.
  • 3 điểm: Trẻ gần như không nói. Đôi khi có thể giao tiếp nhưng lời nói lẫn lộn, không rõ nghĩa, phát âm đảo lộn hoặc lặp lại máy móc.
  • 4 điểm: Không có bất cứ lời nói nào có nghĩa. Trẻ thường thét như trẻ mới sinh, tiếng kêu bất thường hoặc phát ra những âm thanh như động vật. Một số trẻ vẫn có thể nói nhưng ngôn từ kỳ quái và cố chấp lặp đi lặp lại dù được người lớn chỉnh sửa rất nhiều lần.

12 – Giao tiếp không lời

  • 1 điểm: Giao tiếp không lời phù hợp với hoàn cảnh, độ tuổi.
  • 2 điểm: Non nớt trong việc giao tiếp không lời. Trẻ vẫn có các cử chỉ nhưng mức độ không rõ ràng.
  • 3 điểm: Không hiểu được giao tiếp không lời của người khác (ví dụ trẻ không có đáp ứng ngay cả khi người lớn vẫy tay gọi trẻ đến gần). Đồng thời không thể diễn đạt giao tiếp không lời phù hợp với mong muốn của bản thân.
  • 4 điểm: Trẻ có những hành vi kỳ dị và hoàn toàn không nhận thức được cử chỉ, nét mặt của người khác. Nhìn chung, không có bất cứ nhận thức nào đối với giao tiếp không lời.

13 – Mức độ hoạt động

Tiêu chuẩn chẩn đoán trẻ tự kỷ
Trẻ tự kỷ có thể hiếu động quá mức hoặc ủ rũ, lười vận động
  • 1 điểm: Mức độ hoạt động bình thường, không nhanh hoặc chậm hơn so với trẻ cùng độ tuổi ở hoàn cảnh tương tự.
  • 2 điểm: Trẻ lười vận động, chuyển động chậm hoặc hiếu động quá mức. Mặc dù mức độ có thay đổi nhưng kết quả từ hoạt động của trẻ vẫn không bị ảnh hưởng nhiều.
  • 3 điểm: Trẻ thường rất hiếu động và rất khó để có thể kiềm chế hoạt động của trẻ. Mặc dù hoạt động nhiều nhưng trẻ không hề mệt mỏi và đôi khi không muốn đi ngủ. Tuy nhiên, cũng có những trẻ ủ rũ, ít vận động và gần như chỉ hoạt động khi có sự thúc giục của người lớn.
  • 4 điểm: Trẻ quá hiếu động hoặc thụ động. Ngoài ra, một số trẻ có thể chuyển trạng thái liên tục.

14 – Đáp ứng trí tuệ

  • 1 điểm: Trẻ có kỹ năng và hiểu biết nhất định về mọi thứ xung quanh, đồng thời trí tuệ của trẻ tương đồng với trẻ cùng độ tuổi.
  • 2 điểm: Kỹ năng của trẻ hơi chậm ở hầu hết các lĩnh vực và thường không thông minh như bạn bè đồng trang lứa.
  • 3 điểm: Mức độ thông minh kém hơn khá nhiều so với bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, trẻ có thể hoàn thành tốt những yêu cầu, hoạt động có liên quan đến vận động trí não.
  • 4 điểm: Mức độ thông minh kém hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trẻ có thể làm tốt hơn trẻ bình thường ở một vài lĩnh vực.

15 – Ấn tượng chung

  • 1 điểm: Trẻ gần như không có các triệu chứng, đặc biệt của rối loạn phổ tự kỷ.
  • 2 điểm: Trẻ có biểu hiện nhỏ và mức độ nhẹ của tự kỷ.
  • 3 điểm: Trẻ có một số triệu chứng ở mức độ trung bình.
  • 4 điểm: Trẻ có nhiều triệu chứng và mức độ điển hình.

Sau khi tính điểm, dựa vào điểm số để xem chẩn đoán mức độ tự kỷ ở trẻ:

  • Không tự kỷ: Từ 15 – 30 điểm
  • Tự kỷ nhẹ và vừa: Từ 31 – 36 điểm
  • Tự kỷ nặng: Từ 37 – 60 điểm

Dựa vào kết quả của thang đánh giá mức độ tự kỷ của trẻ em (CARS), bác sĩ có thể đánh giá được bệnh tình của trẻ. Sau khi thực hiện thang đánh giá này, trẻ sẽ phải thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng.

B. Xét nghiệm cận lâm sàng

Xét nghiệm cận lâm sàng để đánh giá mức độ nặng của tự kỷ bao gồm các xét nghiệm sau đây:

  • Trắc nghiệm tâm lý
  • Điện não đồ, điện tâm đồ, lưu huyết não
  • Sinh hóa máu thường quy, xét nghiệm công thức máu,…

Tiêu chuẩn chẩn đoán trẻ tự kỷ trên hiện đang được áp dụng ở chuyên khoa tâm thần tại các bệnh viện ở nước ta. Mỹ và một số quốc gia khác thường sử dụng tiêu chuẩn DSM-5 để chẩn đoán tự kỷ ở trẻ em. Nhìn chung, việc chẩn đoán bệnh lý này chủ yếu dựa trên biểu hiện lâm sàng.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *