Trẻ chậm nói có phải tự kỷ không? Cách nhận biết
Chậm nói là một trong các dấu hiệu điển hình của những trẻ mắc phải hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên, có phải tất cả những trẻ bị chậm nói đều mắc chứng tự kỷ? Thông tin bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc này.
Trẻ chậm nói có phải bị chứng tự kỷ?
Trẻ chậm nói có phải bị tự kỷ không luôn là câu hỏi được đặt ra bởi rất nhiều các bậc phụ huynh cũng bởi hầu hết những trẻ tự kỷ đều gặp khó khăn trong các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp kém. Theo tỉ lệ thống kê nhận thấy có đến hơn 40% các trường hợp trẻ tự kỷ không có giao tiếp bằng lời nói và khoảng từ 25 đến 30% các trẻ tự kỷ có thể nói được nhưng chỉ sử dụng một vài từ, cụm từ đơn giản khi trẻ bắt đầu được 12 – 18 tháng và sau đó bắt đầu không nói được nữa.
Để có thể chẩn đoán một đứa trẻ có mắc phải hội chứng tự kỷ hay không còn phải mất khá nhiều thời gian để đánh giá, quan sát và thực hiện nhiều phương pháp chẩn đoán khác nhau. Một trẻ có xuất hiện các dấu hiệu của tự kỷ sẽ cần được theo dõi và can thiệp trong một khoảng thời gian dài trước khi đưa ra bất kì chẩn đoán chính xác nào.
Về nguyên nhân gây ra tự kỷ thì cho đến hiện nay vẫn chưa có bất kì nghiên cứu chứng minh cụ thể nào. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã tìm ra một vài yếu tố liên quan như di truyền, các tác động từ môi trường hoặc một số vấn đề sức khỏe của người mẹ trong lúc mang thai. Mặc dù thế nhưng vẫn chưa thể xác định cụ thể về cơ chế, mã gen di truyền gây ra chứng tự kỷ.
Tự kỷ được biết đến là một hội chứng, nó hoàn toàn không phải là bệnh lý nên không có bất kì loại thuốc đặc trị nào và các phương pháp hỗ trợ cũng không đảm bảo cải thiện được triệt để các triệu chứng. Tuy nhiên, việc có thể sớm phát hiện ra các dấu hiệu bất thường ở giai đoạn sớm (từ 12 đến 36 tháng tuổi) sẽ góp phần quan trọng đối với quá trình nâng cao nhận thức, giáo dục kỹ năng và cải thiện khả năng ngôn ngữ ở trẻ tự kỷ.
Trong đó, chậm nói là một trong các dấu hiệu đầu tiên và điển hình mà hầu hết những đứa trẻ bị tự kỷ đều mắc phải. Tuy nhiên, vấn đề đặc ra là có phải tất cả các đứa trẻ chậm nói đều mắc chứng tự kỷ hay không? Theo chia sẻ của các chuyên gia thì chậm nói có thể là dấu hiệu nhận biết về chứng tự kỷ nhưng nó không phải là yếu tố quyết định hoàn toàn. Cũng bởi chậm nói có thể là một tình trạng được tách biệt riêng, nó là chứng chậm nói đơn thuần hoặc cũng có thể là yếu tố liên quan đến các chứng rối loạn phát triển ngôn ngữ.
Có thể thấy rằng, chậm nói là biểu hiện của chứng tự kỷ nhưng không phải bất cứ trường hợp trẻ nào bị chậm nói cũng có thể chẩn đoán thành tự kỷ. Cũng chính vì thế, nếu các bậc phụ huynh nhận thấy con em có dấu hiệu chậm nói, khả năng ngôn ngữ kém hơn so với lứa tuổi thì nên tiến hành đưa con đến thăm khám cụ thể tại các cơ sở chuyên khoa uy tín để có được kết luận cụ thể nhất.
Một vài nguyên nhân có thể khiến trẻ nhỏ chậm nói như:
- Trẻ nhỏ bị thiếu tình thương, sự quan tâm của gia đình, đặc biệt là cha mẹ. Những đứa trẻ này sẽ dễ gặp phải một số vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhiều trẻ liên tục tiếp xúc với các thiết bị điện tử, ít giao tiếp với mọi người xung quanh nên dễ dẫn đến tình trạng bị chậm nói.
- Trẻ gặp phải một số vấn đề về miệng, lưỡi, thính lực như bị thắng lưỡi, hở hàm ếch, viêm tai giữa sẽ khó phát âm, chậm nói hơn so với bình thường.
- Những trẻ bị thiếu chất, nhất là tình trạng bị thiếu hụt canxi cũng có thể dẫn đến chậm nói, tuy nhiên vấn đề này sẽ dễ khắc phục hơn so với các nguyên nhân khác.
- Chậm nói ở trẻ cũng có thể liên quan đến các rối loạn ngôn ngữ, chẳng hạn như hội chứng khó học, khuyết tật trí tuệ,…
Chậm nói có thể là tình trạng đơn thuần và đến một thời điểm nào đó trẻ sẽ tự cải thiện tốt. Tuy nhiên, nếu tình trạng chậm nói là biểu hiện của chứng tự kỷ thì nó cần phải có một thời gian dài để giáo dục và đào tạo, nhiều trường hợp có thể tồn tại đến cuối đời.
Thông thường, để có thể chẩn đoán một đứa trẻ có đang mắc phải hội chứng tự kỷ không thì trẻ cần phải có tối thiểu 3 trong các yếu tố sau:
- Trẻ không biết cách bộc lộ cảm xúc, có xu hướng tự tách biệt, muốn chơi một mình.
- Trẻ từ 12 tháng tuổi nhưng vẫn chưa bập bẹ, 24 tháng tuổi vẫn chưa thể nói được cả câu hoặc thậm chí là những từ, cụm từ đơn giản. Trẻ không chủ động nói chuyện, khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ kém.
- Trẻ chỉ thích quan sát và chơi với những đồ vật vô tri, vô giác.
- Trẻ tự kỷ thường có xu hướng lặp đi lặp lại một hành động, câu nói, âm thanh nào đó, ví dụ như vỗ tay, ngoáy mũi, vặn xoắn tay,….
Việc chẩn đoán một trẻ mắc phải hội chứng tự kỷ cần phải được quan sát và đánh giá trong một khoảng thời gian nhất định, thường sẽ kéo dài trong khoảng 3 tháng. Vì thế, để biết được tình trạng chậm nói ở trẻ có thực sự là biểu hiện của chứng tự kỷ hay không thì các bậc phụ huynh cần phải đưa trẻ đến thăm khám tại các bệnh viện lớn, gặp gỡ bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hỗ trợ chính xác nhất.
Làm sao để phân biệt trẻ bị tự kỷ và trẻ chậm nói thông thường?
Chậm nói có thể là một tình trạng đơn thuần nhưng cũng có thể dấu hiệu cảnh báo về chứng tự kỷ và hai vấn đề này rất dễ bị nhầm lẫn với nhau. Như đã chia sẻ ở trên, chậm nói chắc chắn là một trong các triệu chứng nhận biết của tự kỷ nhưng chưa chắc đứa trẻ nào bị chậm nói cũng được chẩn đoán mắc phải hội chứng này. Bên cạnh đó, mức độ nghiêm trọng và những sự ảnh hưởng của tự kỷ sẽ nặng nề hơn rất nhiều và cần có thời gian dài để cải thiện các kỹ năng cần thiết cho trẻ nhỏ.
Để tránh nhầm lẫn giữa tình trạng chậm nói thông thường và chậm nói do tự kỷ thì các bậc phụ huynh cần nắm rõ một số cách phân biết như sau:
1. Về nguyên nhân
Để có thể phân biệt cụ thể về các vấn đề sức khỏe thì việc tìm hiểu về cơ chế gây bệnh là điều đầu tiên mà bạn cần phải thực hiện. Nguyên nhân gây ra tình trạng chậm nói cần phải được tiến hành cụ thể qua các xét nghiệm y khoa để đảm bảo được tính chính xác nhất.
1.1 Nguyên nhân chậm nói đơn thuần
- Do các bệnh lý vận động miệng: Các chứng bệnh này sẽ có sự liên quan đến một số rối loạn xử lý âm thanh, điển hình nhất là tình trạng bệnh loạn vận ngôn.
- Do các bệnh thực thể: Ví dụ như thắng lưỡi, hở hàm ếch,…
- Các bệnh về thính giác, nhiễm trùng tay hoặc bị viêm tai giữa cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị chậm nói.
- Trẻ nhỏ được lạm dụng quá nhiều các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính cũng có thể khiến trẻ giảm sự chú ý đến sự tương tác xung quanh, từ đó làm suy giảm khả năng giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ.
- Những trẻ nhỏ thiếu thốn sự quan tâm, yêu thương từ cha mẹ hoặc không thường xuyên được giao tiếp, trò chuyện cùng mọi người xung quanh cũng có thể bị chậm nói.
- Một số sự kiện làm chấn thương tâm lý từ nhỏ cũng là một trong các lý do dẫn đến việc trẻ chậm nói so với bình thường.
- Do di chứng sau khi thực hiện các cuộc phẫu thuật não bộ từ lúc mới chào đời.
- Thiếu dưỡng chất, nhất là tình trạng thiếu hụt canxi.
1.2 Nguyên nhân chậm nói do tự kỷ
Cho đến hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra được nguyên nhân cụ thể dẫn đến chứng tự kỷ ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, một số yếu tố sau đây có thể liên quan đến hội chứng này:
- Yếu tố di truyền và một số sự biến đổi gen.
- Độ tuổi sinh con của phụ nữ quá cao, thường là ngoài 40 tuổi sẽ dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe cho mẹ bầu và cả thai nhi.
- Mẹ bầu bị stress, căng thẳng quá mức trong thai kì hoặc sử dụng các loại thuốc không có tính an toàn, chưa qua chỉ định của bác sĩ.
- Trong quá trình mang thai, mẹ bầu thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, nhiều hóa chất.
2. Về biểu hiện
Đa phần các bậc phụ huynh chỉ có thể nhận biết và phân biệt các bệnh lý qua những biểu hiện bên ngoài, không phải bậc cha mẹ nào cũng có hiểu biết rõ ràng về bệnh học. Tuy rằng triệu chứng giữa chậm nói đơn thuần và chậm nói do tự kỷ khá giống nhau nhưng nếu dành thời gian quan sát kỹ lưỡng thì vẫn có thể phân biệt được.
2.1 Biểu hiện của chậm nói đơn thuần
- Trẻ sẽ không có phản ứng khi được người khác gọi tên do gặp phải các vấn đề về thính giác hoặc có thể không hiểu được những điều mà mọi người đang nói.
- Tuy nhiên, trẻ sẽ có phản ứng nếu được người thân, cha mẹ ôm ấm.
- Cảm thấy buồn chán khi chơi một mình và thích quan sát mọi người xung quanh.
- Trẻ nhỏ khoảng 4 tháng nhưng không đáp ứng với các âm thanh, tiếng động, không bậm bẹ nói bi bô. Trẻ từ 12 tháng chưa biết nói từ đơn giản, từ 15 tháng chưa thể hiểu, 20 tháng vẫn bị hạn chế về vốn từ 24 tháng chưa nói được các từ liên tiếp.
- Trẻ ít chủ động nói ra những từ mới mà đa phần chỉ lặp lại những điều người khác vừa mới nói.
- Không có khả năng bắt chước cử chỉ hoặc điệu bộ của người khác.
- Khi trẻ bước sang tháng 35 những vẫn chưa biết đặt ra những câu hỏi đơn giản.
- Trẻ 3 tuổi vẫn chưa thể nói suông cả câu, nói lắp bắp. 4 tuổi trẻ vẫn chưa thể hiểu rõ các khái niệm đơn giản.
- Trẻ thường bám víu lấy bố mẹ, cho đến khi 4 tuổi vẫn khó có thể tách rời.
- Ít khi chủ động giao tiếp, trò chuyện với người khác trừ các trường hợp khẩn cấp.
2.2 Biểu hiện của trẻ tự kỷ
Để xác định một đứa trẻ chậm nói đang mắc chứng tự kỷ thì cần phải đáp ứng tối thiểu 3 triệu chứng như sau:
- Trẻ bị thiếu khả năng sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp, ví dụ như không có dấu hiệu bập bẹ nói theo, ít giao tiếp, không hiểu được những gì người khác nói.
- Khi được ôm ấm trẻ sẽ không bộc lộ cảm xúc.
- Giảm sự tương tác xã hội, chẳng hạn như trẻ sẽ không biết cách giao tiếp bằng ánh mắt, không có phản ứng khi cha mẹ gọi, có xu hướng muốn chơi một mình.
- Trẻ thường xuyên lặp đi lặp lại những hành vi, cử chỉ, lời nói vô nghĩa nào đó. Ví dụ như vỗ tay, nghiêng đầu, đập tay vào vật gì đó,….
- Trẻ nhỏ không biết chơi trò ú òa, những trò chơi giả vờ.
- Trẻ không có khả năng bộc lộ cảm xúc trên gương mặt.
- Trẻ bị tự kỷ sẽ khá nhạy cảm với âm thanh, mùi vị, ánh sáng.
- Trẻ sẽ dễ bị thu hút bởi một đồ vật nào đó, thường xuyên tâm nhiều hơn đến các chi tiết nhỏ thay vì tổng thể.
- Trẻ tự kỷ hay la hét, dễ trở nên cáu gắt, kích động.
- Thậm chí có nhiều trường hợp còn tự làm tổn thương bản thân bằng các hành vi tiêu cực như tự đập đầu vào tường, cào cấu cơ thể.
- Nhiều trẻ có dấu hiệu đi nhón chân.
Cách cải thiện ngôn ngữ cho trẻ chậm nói
Tùy vào nguyên nhân gây ra tình trạng chậm nói mà chúng ta sẽ có các cách khắc phục khác nhau. Nếu chỉ là chậm nói đơn thuần thì các bậc phụ huynh chỉ cần dành nhiều thời gian quan tâm, tương tác và giáo dục trẻ nhiều hơn cũng có thể giúp trẻ mau chóng nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ, biết cách biểu đạt qua lời nói.
Tuy nhiên, đối với tình trạng chậm nói do tự kỷ thì cần phải cẩn trọng và kiên trì hơn. Tốt nhất các bậc phụ huynh nên đưa con đến thăm khám thật sớm tại các bệnh viện lớn uy tín để được chuyên gia tư vấn và hỗ trợ cụ thể. Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra chức năng miệng, lưỡi, thính giác xem đó có phải là nguyên nhân khiến trẻ nhỏ bị hạn chế về khả năng ngôn ngữ.
Nếu đã kiểm tra kỹ lưỡng và các cơ quan vẫn hoạt động bình thường thì bác sĩ sẽ yêu cầu phụ huynh đưa trẻ đến thăm khám tại phòng tâm lý để được chẩn đoán chính xác hơn. Riêng với tình trạng chậm nói do tự kỷ cần phải được theo dõi kỹ lưỡng và kiên trì khắc phục trong thời gian dài. Các bé cũng cần được hỗ trợ thêm tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt để được chuyên gia hỗ trợ cải thiện các kỹ năng, giáo dục nâng cao nhận thức để hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.
Tóm lại, dù chậm nói xuất phát từ bất kì nguyên nhân nào thì nó cũng là một trong các rào cản lớn gây ảnh hưởng đến sự phát triển, nhận thức và cuộc sống của trẻ. Cha mẹ cần quan tâm và kịp thời phát hiện ra sự bất thường của trẻ trong những năm tháng đầu đời để có thể mau chóng can thiệp và giúp trẻ khắc phục tốt hơn.
Thông tin bài viết trên đây đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc “Trẻ chậm nói có phải bị tự kỷ không?”. Hi vọng các bậc phụ huynh có thể dành thời gian quan tâm và kịp thời phát hiện ra các triệu chứng bất thường ở trẻ để có biện pháp can thiệp phù hợp nhất.
Tham khảo thêm:
- Tự kỷ có chữa khỏi được không? Nguy hiểm thế nào?
- Nguyên nhân gây tự kỷ ở người lớn và các dấu hiệu thường gặp
- Nhận biết và vượt qua sang chấn tâm lý sau tai nạn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!