Hướng nội là gì? Tính cách, ưu nhược điểm người hướng nội
zCó phải bạn đã từng thắc mắc tại sao một số người lại thích sự cô độc hơn là tham gia vào những bữa tiệc ồn ào? Hướng nội chính là câu trả lời cho điều này. Những người thuộc tính cách này thường thấy thoải mái khi ở một mình, tập trung vào những suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc thay vì chạy theo hoạt động xã hội.
Hướng nội là gì?
Hướng nội là thuật ngữ để chỉ người có xu hướng sống nội tâm, thường cất giấu suy nghĩ và cảm xúc bên trong. Họ không nhất thiết phải là những người cô đơn, nhưng lại cảm thấy hài lòng với việc có ít bạn bè. Đồng thời không chú trọng đến các hoạt động giao tiếp xã hội, không phải vì nhút nhát mà đơn giản là vì không thích tham gia vào hoạt động đông người.
Dựa vào thống kê, có khoảng 50% dân số trên thế giới và 40% nhà lãnh đạo tài giỏi là người hướng nội. Họ thường hướng đến giá trị bên trong, tìm kiếm sự thỏa mãn từ tâm hồn và các giá trị cốt lõi của bản thân thay vì hình thức bên ngoài. Điều này khiến cho người hướng nội chăm sóc bản thân nhiều hơn và ít để ý đến mọi điều diễn ra xung quanh.
Mặc dù người có tính cách này trông có vẻ nhút nhát và ngại giao tiếp, nhưng vẫn có thể tham gia vào các bữa tiệc, cuộc trò chuyện đông người. Tuy nhiên, họ lại không thấy thoải mái trong hoàn cảnh đó và nhanh mất năng lượng khi phải tiếp xúc với nhiều người. Họ thích môi trường yên tĩnh để dành thời gian cho bản thân mà không bị áp lực bởi yếu tố bên ngoài.
Đặc điểm tính cách của người hướng nội
Ngày nay có không ít các quan niệm sai lầm đối với tính cách của người hướng nội và tạo nên một số định kiến cho rằng họ là người nhút nhát, cô độc. Để giảm bớt các kỳ thị gắn liền với khuynh hướng này, cần hiểu rõ hơn về đặc điểm tính cách và tâm lý, cụ thể như sau:
1. Người hướng nội thích sự cô độc
Kết quả từ một nghiên cứu khoa học cho thấy sự khác biệt trong phản ứng của những người hướng ngoại và hướng nội khi tiếp xúc với các hình ảnh. Người hướng ngoại có xu hướng bị thu hút bởi bức ảnh khuôn mặt. Trong khi đó, người hướng nội lại có phản ứng tốt hơn với hình ảnh của bông hoa. Điều này chỉ ra rằng những người hướng ngoại dễ bị kích thích bởi sự sống động xung quanh, trong khi người hướng nội tìm kiếm sự bình yên từ những đồ vật vô tri.
Sự khác biệt này cũng giải thích tại sao những người hướng nội thường thích các hoạt động một mình như đọc sách, viết nhật ký hay thiền định. Họ không phải là những người không thích giao tiếp, mà chỉ đơn giản là không coi trọng việc kết nối với mọi người như những người hướng ngoại. Họ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc hơn khi dành thời gian cho bản thân, và việc này không làm giảm đi khả năng của họ trong việc tương tác xã hội.
2. Có thói quen quan sát mọi thứ trước
Không giống với người hướng ngoại, người thuộc tính cách hướng nội sẽ thích quan sát các sự việc, tình huống xảy ra trước khi cùng tham gia hoặc đưa ra các quyết định. Một đặc điểm nổi bật đó chính là thói quen xem nhiệm vụ, công việc được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi thấy thoải mái và thích hợp để làm lại.
Người hướng nội không thích chạy theo các xu hướng và tốc độ của người khác mà dành thời gian để thực hiện theo cách của riêng mình, đặc biệt là khi phát triển và tiếp thu các kỹ năng, thông tin mới. Đồng thời, họ cũng sẽ thích luyện tập mọi thứ theo cách riêng tư, không phô trương, không thể hiện cho nhiều người thấy để tránh áp lực.
3. Thích các công việc tự do, độc lập
Người có tính cách hướng nội thích công việc tự do và độc lập vì cần tập trung vào thế giới bên trong mình. Họ thường bị thu hút bởi các lĩnh vực như lập trình máy tính, viết lách, kế toán, thiết kế đồ họa bởi các công việc này cho phép làm việc một mình và duy trì sự riêng tư. Điều này không có nghĩa là họ kém giao tiếp mà trái lại có khả năng quan sát và lắng nghe rất tốt để giải quyết vấn đề thật khéo léo.
Điều này không ngăn cản họ trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc. Khoảng 40% lãnh đạo hiện nay được cho là có tính cách hướng nội và họ được nhân viên yêu mến nhờ khả năng thấu hiểu, lắng nghe. Chính sự tập trung vào chi tiết và khả năng sáng tạo đã giúp phát triển và tạo ra nhiều công trình độc đáo, chứng minh rằng hướng nội cũng mang lại đóng góp to lớn trong môi trường làm việc.
4. Quan trọng chất lượng tình bạn hơn số lượng
Người có tính cách hướng nội không có quá nhiều bạn bè mà ưu tiên chất lượng hơn số lượng trong các mối quan hệ. Thay vì tham gia vào các nhóm đông đúc, họ thích duy trì một vài tình bạn thân thiết và dừng lại ở mức xã giao. Việc kết giao bạn bè phải thật cẩn thận và những người được phép bước vào vòng tròn xã hội phải thực sự đáng tin cậy.
Hướng nội cũng thể hiện rõ qua cách họ tương tác với người khác như dễ dàng và cởi mở hơn trong các cuộc trò chuyện một đối một, nhất là cuộc trò chuyện sâu sắc. Điều này tạo nên tình bạn bền chặt cho phép họ phát triển mối quan hệ gắn bó thay vì chỉ duy trì cuộc giao tiếp hời hợt với nhiều người.
5. Thích dành nhiều thời gian cho bản thân
Đối với người hướng nội, khoảng thời gian ở một mình và tận hưởng điều bản thân yêu thích việc vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Họ có thể đọc sách, nghe nhạc, may vá, viết lách, xem phim, chơi game, nấu ăn, tập thể dục hoặc làm bất cứ công việc gì miễn là được ở một mình và làm theo ý thích.
Tuy nhiên, không phải ai thuộc tuýp người hướng nội đều “chạy trốn” khỏi các cuộc chơi đông người. Thậm chí còn có khả năng tận hưởng cả cuộc vui không thua kém những người có tính cách hướng ngoại. Tuy nhiên, họ hoàn toàn không thích điều này và cần phải nạp lại năng lượng vào cuối ngày.
6. Thích viết hơn nói
Khi nảy sinh bất kì suy nghĩ, ý tưởng nào thì người hướng nội sẽ muốn viết hơn là nói ra, nhất là khi vẫn chưa chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng và chu đáo. Đặc biệt, người có tính cách này sẽ luôn để tâm và chú ý đến người khác nên có xu hướng cẩn thận khi đặt câu hỏi, câu lúc giao tiếp với mọi người.
Nếu phải đưa ra bất kỳ quyết định, lựa chọn nào trong cuộc trò chuyện thì họ sẽ cần một chút thời gian để suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng để chắc chắn với điều mình chọn lựa. Do đó, bạn sẽ thấy được những người hướng nội sẽ có tính chu đáo, cẩn trọng.
7. Có xu hướng đắm chìm vào các suy nghĩ riêng tư
Thay vì nói ra suy nghĩ, cảm xúc của bản thân với mọi người thì người hướng nội lại một mình tận hưởng và xem đó là món quà quý giá để đắm chìm bên trong. Họ cũng liên tục suy nghĩ về mọi thứ xảy ra xung quanh từ những điều nhỏ nhặt cho đến các vấn đề quan trọng trong cuộc sống.
Cũng chính vì thế mà trong đầu họ sẽ liên tục xuất hiện các suy nghĩ, cảm xúc lẫn lộn và dường như chưa bao giờ có được thời gian thư giãn, chưa có cơ hội cũng như ý định thoát ra suy nghĩ trong tâm trí. Lúc này người hướng nội chẳng còn bận tâm đến sự tồn tại của bên ngoài và chỉ tập trung vào suy nghĩ đang xuất hiện trong đầu.
8. Đặc tính hy sinh
Đặc điểm tính cách và tâm lý thường gặp ở người hướng nội đó chính là đức tính hy sinh. Họ sẽ dễ dàng từ bỏ những lợi ích, bất kể điều gì để giúp cho mọi người quanh mình được vui vẻ, hạnh phúc. Họ luôn muốn tạo cảm giác thoải mái, vui vẻ nhất cho những người bên cạnh mình.
Tuy nhiên, chính mong muốn đó lại khiến cho họ vô cùng áp lực nên dễ cảm thấy mệt mỏi, trầm cảm nhưng sau khi thực hiện các hành động giúp người khác vui vẻ thì sẽ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc hơn.
Cách nhận biết người hướng nội
Đối với những người có tính cách này, sự yên tĩnh và không gian riêng tư mang lại cảm giác thoải mái hơn sự ồn ào của đám đông. Trong cuộc sống hàng ngày, họ thể hiện những dấu hiệu đặc trưng cho bản chất hướng nội của mình như:
- Thường thích ở một mình và tìm một chỗ yên tĩnh để thư giãn
- Ngại đến những nơi đông người và thường thấy kiệt sức trong đám đông
- Gặp khó khăn trong việc kết bạn và xây dựng mối quan hệ mới
- Ưa chuộng tông màu đơn giản, basic trong gu thẩm mỹ của mình
- Thích lắng nghe, quan sát và tổng hợp thông tin hơn là tham gia vào cuộc trò chuyện
- Thường xuyên suy nghĩ quá nhiều về mọi thứ xung quanh
- Được người khác nhận xét là người khó hiểu và ít chia sẻ cảm xúc
- Không dễ dàng trao niềm tin cho người khác và thường chọn lọc mối quan hệ của mình
- Có sở thích với các công việc mang tính chất độc lập, tự do
- Có bạn bè vô cùng thân thiết và đáng tin cậy, nhưng số lượng không nhiều
Ưu – nhược điểm của người hướng nội
Trong thế giới ngày càng xô bồ hiện nay, người hướng nội phải đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội. Sự nhạy cảm và chiều sâu tư duy của họ mang đến ưu điểm nổi bật để tạo ra các mối quan hệ ý nghĩa và khả năng làm việc độc lập xuất sắc. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm ấy, họ cũng gặp phải không ít khó khăn khi tương tác xã hội và quản lý cảm xúc.
1. Ưu điểm
Người hướng nội thường bị hiểu lầm là những người nhút nhát hoặc không hòa đồng, nhưng thực tế lại sở hữu nhiều ưu điểm nổi bật mà có thể không ai nhận ra.
- Người hướng nội có khả năng làm việc độc lập rất cao nhờ vào tính thích tìm hiểu và nghiên cứu sâu về các vấn đề. Họ dành thời gian để phân tích và lập kế hoạch rõ ràng nhằm mang lại hiệu quả cao trong công việc.
- Khả năng quan sát và tư duy của người hướng nội cũng rất tốt bởi tâm lý tĩnh lặng và cẩn thận. Điều này giúp họ ít gặp thất bại trong cuộc sống.
- Một điểm mạnh khác là khả năng lắng nghe và đồng cảm với người khác. Họ thường hiểu rõ cảm xúc của mọi người và tạo dựng được lòng tin, khiến cho các mối quan hệ trở nên chất lượng hơn.
- Người hướng nội có khả năng tập trung cao vào nhiệm vụ mà không bị phân tâm. Họ có xu hướng suy nghĩ kỹ trước khi hành động, qua đó tự chủ và kiên cường hơn nhất là trong thời điểm khó khăn.
2. Nhược điểm
Mặc dù sở hữu nhiều ưu điểm, nhưng người hướng nội cũng có những nhược điểm riêng khiến cho việc hòa nhập vào xã hội trở nên khó khăn hơn.
- Khả năng giao tiếp và tương tác của người hướng nội thường không tốt, điều này có thể lấy đi nhiều cơ hội kết nối và xây dựng mối quan hệ trong môi trường công sở.
- Người hướng nội có thể rơi vào tình trạng suy nghĩ quá nhiều (overthinking) kéo dài dẫn đến rối loạn trầm cảm và làm cho cuộc sống trở nên khó khăn hơn.
- Cảm giác cô đơn thường gặp ở người hướng nội khiến sức khỏe tinh thần và thể chất bị ảnh hưởng.
Người hướng nội có liên quan đến gen di truyền không?
Nghiên cứu cho thấy rằng gen có thể quyết định vị trí của chúng ta trên trục tính cách hướng nội và hướng ngoại. Những người hướng ngoại sẽ thấy tràn đầy năng lượng khi tương tác với người khác vì được kích thích bởi hormone dopamine, mang lại cảm giác hạnh phúc và phấn khởi. Trong khi người hướng nội lại thấy quá tải trước sự kích thích này.
Theo bác sĩ trị liệu tâm lý Laney – chuyên gia hàng đầu về tính cách hướng nội thì 2 loại tính cách hướng nội – ngoại là những đặc điểm di truyền mạnh mẽ nhất trong tất cả các tính cách đã được nghiên cứu. Tức là chúng ta có thể thừa hưởng xu hướng này từ cha mẹ, tạo ra sự khác biệt khi tương tác với thế giới xung quanh.
Tuy nhiên, môi trường và trải nghiệm cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách của mỗi người. Mỗi người sẽ có một “ngưỡng” nhất định cho mức độ hướng ngoại, mà gen cho phép điều chỉnh. Ngưỡng này giúp xác định xem mình thiên về tính cách nào nhưng vẫn cần trải nghiệm thực tế để phát triển và hoàn thiện bản thân.
Các sở thích của người hướng nội
Người hướng nội giống như bất kỳ ai khác cũng cần có những hoạt động yêu thích để nạp năng lượng và giảm căng thẳng sau khi tương tác xã hội.
Hoạt động một mình:
- Đọc sách: Đắm mình vào những câu chuyện và kiến thức mới mẻ để thư giãn và mở rộng tầm hiểu biết.
- Viết lách: Thể hiện cảm xúc và suy nghĩ qua việc viết nhật ký, truyện ngắn, thơ ca.
- Vẽ tranh: Tạo ra tác phẩm nghệ thuật để giải tỏa căng thẳng và khơi nguồn sáng tạo.
- Chơi nhạc cụ: Tạo ra âm nhạc, phát triển kỹ năng và kết nối với bản thân.
- Xem phim: Giải trí và mở rộng kiến thức văn hóa thông qua các bộ phim và chương trình truyền hình.
- Nấu ăn: Sáng tạo, thư giãn, trải nghiệm niềm vui với công thức nấu ăn.
- Đan quần áo: Thực hiện các dự án thủ công giúp giảm stress
- Thiền định: Tìm kiếm sự bình yên và tăng cường khả năng tập trung.
- Chăm sóc cây cảnh: Kết nối với thiên nhiên, giải tỏa áp lực và học hỏi tính kiên nhẫn.
- Chơi ghép hình: Rèn luyện tư duy logic và khả năng tập trung thông qua việc ghép hình.
Hoạt động ngoài trời:
- Đi bộ đường dài (Hiking): Kết nối với thiên nhiên, thư giãn và cải thiện sức khỏe.
- Chụp ảnh: Ghi lại những khoảnh khắc đẹp, khám phá thế giới qua ống kính.
- Ngắm chim: Tìm hiểu về động vật hoang dã, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
- Ký họa: Rèn luyện khả năng quan sát và ghi lại những chi tiết xung quanh.
- Ngắm sao: Thư giãn tâm hồn và tìm hiểu về vũ trụ huyền bí.
Hoạt động giao tiếp xã hội:
- Câu lạc bộ sách: Kết nối với những người yêu thích đọc sách trong môi trường thân thiện.
- Trò chơi board game: Tương tác xã hội trong một môi trường ít áp lực, rèn luyện tư duy và có thêm mối quan hệ.
- Lớp học yoga: Thư giãn cơ thể và tâm trí, tự kết nối với bản thân trong không gian yên tĩnh.
- Hội thảo nghệ thuật: Thể hiện và khám phá niềm đam mê sáng tạo, kết nối với những người cùng chí hướng.
- Dự án cộng đồng: Phát triển kỹ năng và kết nối xã hội trong các hoạt động có ý nghĩa.
Làm thế nào để biết mình là người hướng nội?
Người hướng nội thường tìm kiếm sự yên tĩnh và thời gian riêng tư để nạp lại năng lượng, trong khi việc giao tiếp xã hội có thể khiến họ cảm thấy kiệt sức. Nếu bạn cảm thấy nghi ngờ về bản thân mình, hãy xem qua những biểu hiện sau đây để giúp bạn có thêm thông tin về tính cách của mình.
- Cảm thấy thoải mái và tràn đầy năng lượng khi ở một mình trong không gian yên tĩnh
- Yêu thích những khoảnh khắc riêng tư và thường dành thời gian cho bản thân
- Có xu hướng giữ im lặng và dè dặt khi ở những nơi đông người
- Không thường xuyên bộc lộ cảm xúc mà chọn cách giữ cho riêng mình
- Có một nhóm bạn thân nhỏ nhưng chất lượng thay vì nhiều mối quan hệ xã giao
- Thích suy nghĩ và học hỏi qua việc quan sát hơn là tham gia vào cuộc trò chuyện
- Cảm thấy kiệt sức khi phải tương tác với nhiều người cùng lúc
- Cảm thấy thoải mái hơn khi viết ra những suy nghĩ và cảm xúc của mình
- Thấy mình bị mệt mỏi khi phải tiếp xúc với nhiều người lạ trong thời gian dài
- Thường dành thời gian để hồi phục năng lượng sau những buổi giao tiếp xã hội
- Thích dành thời gian cho những hoạt động cá nhân như đọc sách, đi bộ
- Khao khát sự thấu hiểu và an toàn khi trò chuyện với những người thân thiết
- Nhanh chóng rời khỏi các buổi nhóm sau khi hoàn thành nhiệm vụ
- Có xu hướng né tránh những tình huống căng thẳng để tìm sự thư giãn
Cách để trở thành người hướng nội
Việc trở thành một người hướng nội là hành trình khám phá bản thân và thế giới xung quanh. Qua việc chấp nhận những thách thức mới và tham gia vào các hoạt động thú vị, chúng ta có thể làm phong phú thêm cuộc sống của mình.
1. Ghi chép trong nhật ký
Mỗi ngày hãy dành thời gian để ghi lại những suy nghĩ, cảm nhận và bài học mà bản thân đã trải qua. Bạn có thể đặt ra những câu hỏi cho chính mình chẳng hạn như những điều bạn biết ơn, những điều đã học hỏi trong ngày, những người đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí. Qua những dòng chữ, bạn không chỉ nhìn nhận rõ hơn về bản thân mà còn tạo ra một không gian để tự do thể hiện những suy nghĩ và cảm xúc của mình.
2. Thúc đẩy sự sáng tạo cá nhân
Khám phá và sáng tạo là cách tuyệt vời để mở rộng tầm nhìn. Hãy thử thực hiện các hoạt động như viết truyện ngắn, vẽ tranh, sáng tác âm nhạc để thể hiện bản thân và thúc đẩy trí tưởng tượng cùng khả năng quan sát. Tham gia vào nghệ thuật không chỉ là một sở thích mà còn là cách bản thân xây dựng thế giới riêng của mình.
3. Tận hưởng những hoạt động một mình
Có cho mình khoảng thời gian riêng tư để làm điều mình yêu thích mang lại cảm giác bình yên và sự thỏa mãn. Bạn có thể thử đọc sách, đan len, đi dạo một mình để cảm nhận sự tĩnh lặng. Những hoạt động này còn tạo cơ hội để suy nghĩ và kết nối sâu sắc hơn với bản thân. Đồng thời nhận ra rằng sự cô đơn không phải là điều tiêu cực, mà là cơ hội để khám phá những khía cạnh khác của cuộc sống.
4. Nâng cao nhận thức của bạn
Tìm kiếm những điều mới lạ và phát triển nhận thức bản thân là một trong những yếu tố quan trọng trong cuộc sống nội tâm. Bạn có thể thực hành thiền định, chánh niệm hay nghiên cứu những khía cạnh thú vị của khoa học. Chúng không chỉ giúp bạn nâng cao kiến thức mà còn tạo ra giây phút tĩnh lặng để suy ngẫm về cuộc sống. Thông qua trau dồi kiến thức và trải nghiệm, bạn sẽ nuôi dưỡng tâm hồn mình và tìm thấy ý nghĩa sâu trong từng khoảnh khắc.
5. Kiên nhẫn với chính mình
Hành trình trở thành người hướng nội không hề dễ dàng. Đôi khi, sự tĩnh lặng có thể khiến bản thân thấy nhàm chán, đặc biệt khi đã quen với việc tìm kiếm sự kích thích từ môi trường xung quanh. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng việc học cách trân trọng sự cô đơn giống như việc bắt đầu một môn thể thao mới. Tuy ban đầu vụng về nhưng một khi đã thích nghi sẽ thấy được niềm vui và giá trị từ những giây phút yên tĩnh. Hãy kiên nhẫn với bản thân và để trải nghiệm hướng nội trở thành nguồn năng lượng mới cho cuộc sống.
Nhìn chung, những người hướng nội có thể có những nhược điểm như thiếu tự tin trong giao tiếp, nhưng điều đó cũng đi kèm với nhiều ưu điểm như khả năng tư duy sâu sắc và sự sáng tạo. Hãy học cách đánh giá và yêu thương những người bạn có tính cách hướng nội trong cuộc sống của mình.
Có thể bạn quan tâm:
- Tự nói chuyện một mình là bình thường hay bệnh lý đáng lo?
- Hội chứng cô đơn giữa gia đình gây ra nhiều bi kịch khó lường
- Tìm hiểu tâm lý đám đông trên mạng xã hội: Tích cực và tiêu cực
Nguồn tham khảo:
- https://www.verywellmind.com/signs-you-are-an-introvert-2795427
- https://www.health.com/introvert-7480695
- https://introvertdear.com/what-is-an-introvert-definition/
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!