Trầm cảm nội sinh là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

Trầm cảm nội sinh là một dạng trầm cảm nặng đặc trưng bởi tâm trạng buồn chán dai dẳng và dữ dội trong thời gian dài. Những cảm giác này sẽ tác động tiêu cực tới tâm trạng và hành vi cũng như các chức năng thể chất khác nhau. Cần sớm có sự can thiệp đúng đắn để hạn chế rủi ro nghiêm trọng.

trầm cảm nội sinh
Trầm cảm nội sinh là một dạng trầm cảm nặng đặc trưng bởi tâm trạng buồn chán kéo dài dai dẳng

Trầm cảm nội sinh là gì?

Trầm cảm nội sinh là một phân nhóm không điển hình của rối loạn trầm cảm nặng. Nó có thể xảy ra do các yếu tố di truyền và sinh học.

Theo nghiên cứu, các chuyên gia cho biết, trầm cảm nội sinh xảy ra có sự hiện diện của một tác nhân gây ra căng thẳng bên trong (nhận thức và sinh học) thay vì một tác nhân gây ra căng thẳng bên ngoài (môi trường và xã hội).

Trầm cảm nội sinh đặc trưng bởi các hành vi bất thường của hệ thống opioid nội sinh nhưng không phải của hệ thống monoaminergic. Ở những người mắc chứng trầm cảm này, việc sản xuất endorphin (hormone chịu trách nhiệm về cảm giác sảng khoái và hạnh phúc) bị chặn lại.

Hầu hết những người bị trầm cảm nội sinh sẽ cảm thấy tốt hơn khi họ tuân thủ kế hoạch điều trị của mình. Thường sẽ mất vài tuần để nhận thấy rõ sự cải thiện triệu chứng khi bắt đầu một kế hoạch điều trị bằng thuốc chống trầm cảm.

Thời gian hồi phục cũng phụ thuộc vào việc tiếp nhận điều trị sớm ra sao. Khi không được điều trị, trầm cảm nội sinh có thể kéo dài trong vài tháng hay thậm chí vài năm. Tuy nhiên, sau khi được điều trị, các triệu chứng thường biến mất trong vòng 2 – 3 tháng.

Nguyên nhân gây trầm cảm nội sinh

Người mắc chứng trầm cảm nội sinh thường cảm thấy rằng các triệu chứng của mình xuất hiện không rõ lý do. Hoặc ít nhất là họ cảm thấy không có lý do rõ ràng nào từ bên ngoài.

Thay vào đó, nguyên nhân được cho là gây ra trầm cảm nội sinh bao gồm đặc tính sinh học và di truyền. Cụ thể, một người có tiền sử trong gia đình có mắc các bệnh tâm lý, tâm thần thì nguy cơ mắc chứng trầm cảm này sẽ cao hơn.

nguyên nhân gây trầm cảm nội sinh
Nếu trong gia đình có người mắc các bệnh tâm lý, tâm thần thì nguy cơ mắc chứng trầm cảm nội sinh của bạn sẽ cao hơn

Nói chung, nguyên nhân của loại trầm cảm này là do sự thay đổi của các chất hóa học trong não. Những thay đổi tạo ra rối loạn cảm xúc nhưng không có yếu tố môi trường nào tác động thêm.

Các biểu hiện thường gặp của trầm cảm nội sinh

Trầm cảm nội sinh là một dạng rất phổ biến của bệnh trầm cảm. Thời kỳ đầu, căn bệnh này thường tiến triển từ vài tuần cho tới vài tháng. Trong giai đoạn này, người bệnh sẽ có một số biểu hiện của bệnh trầm cảm nói chung.

1. Biểu hiện của bệnh trầm cảm nội sinh điển hình

Trường hợp bệnh tiến triển đến thời kỳ toàn phát thì có thể sẽ có 3 dấu hiệu điển hình. Bao gồm ức chế cảm xúc, ức chế tư duy và ức chế vận động. Cụ thể như sau:

– Ức chế cảm xúc:

Đây được xác định là biểu hiện rất rõ ràng và dễ nhận biết nhất. Người bệnh có các dấu hiệu như chán nản, buồn bã vô cớ, khó lý giải và thậm chí là nỗi buồn rất sâu sắc. Ngoài ra, người bệnh còn có thể cảm thấy ngột ngạt, nôn nao và cơ thể hay đau nhức. Đôi khi họ còn than vãn là không biết yêu đương, hờn giận vu vơ hay ghét bỏ.

– Ức chế tư duy:

Người mắc chứng trầm cảm nội sinh thường có tư duy đơn điệu, nghèo hàn và chậm chạp. Họ rất khó kết hợp các ý nghĩ để lĩnh hội hoặc thu nhận vấn đề. Người bệnh có xu hướng ít nói, thậm chí là không giao tiếp với bất cứ ai. Họ có những ý nghĩ tự ti, đôi khi là hoang tưởng tự buộc tội.

– Ức chế vận động:

Người bệnh có thể ngồi im nhiều giờ liền, cúi đầu, khom lưng, nằm co ro một góc. Đa số các hoạt động đều diễn ra vô cùng chậm chạp. Người mắc chứng trầm cảm nội sinh luôn có cảm giác buồn rầu và thiếu tập trung. Thậm chí họ còn bị mất nghị lực sống hoàn toàn và có những ảo tưởng tự buộc tội. Hơn nữa, người bệnh còn luôn có suy nghĩ và muốn tìm đến hành vi tự sát.

dấu hiệu trầm cảm nội sinh
Tâm trạng buồn sâu sắc kéo dài và không rõ lý do là biểu hiện thường gặp ở người bị trầm cảm nội sinh

2. Biểu hiện của bệnh trầm cảm nội sinh không điển hình

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể gặp phải các dạng trầm cảm nội sinh không điển hình. Bao gồm trầm cảm kích động, trầm cảm nghi bệnh, trầm cảm sững sờ, trầm cảm ẩn và trầm cảm hoang tưởng.

Các triệu chứng cụ thể như sau:

  • Trầm cảm sững sờ: Người bệnh thường bị đờ đẫn và phản ứng chậm chạp với các kích thích từ bên ngoài. Họ rất ít nói, thậm chí là không giao tiếp với những người xung quanh.
  • Trầm cảm kích động: Người bệnh cảm thấy bồn chồn và không thể ngồi yên một chỗ. Họ thường đi lại và có rất nhiều động tác tay chân. Ngoài ra họ cũng có thể cảm thấy lo âu và bị hoang tưởng.
  • Trầm cảm ám ảnh: Người bệnh cảm thấy sợ hãi và ám ảnh trước một vấn đề nào đó. Khi tình trạng bệnh trầm cảm nặng lên thì ám ảnh sẽ mất đi. Và khi trầm cảm nhẹ thì ám ảnh và sợ hãi lại xuất hiện. Lúc cơn trầm cảm kết thúc thì ám ảnh sẽ tan biến hoặc trở nên rất mờ nhạt.
  • Trầm cảm nghi bệnh: Người bệnh thường tự cho rằng mình đang mắc bệnh và luôn tỏ ra đau khổ vì điều đó. Họ có các triệu chứng dị cảm, mệt mỏi và đau đớn ở các vị trí khác nhau trên cơ thể.
  • Trầm cảm ẩn: Các triệu chứng thể chất thường thể hiện rõ ràng và nổi bật. Trong khi đó, các triệu chứng trầm cảm lại rất mờ nhạt hoặc không xuất hiện.
  • Trầm cảm hoang tưởng: Người bệnh xuất hiện các triệu chứng hoang tưởng và có niềm tin tuyệt đối vào nó. Từ đó sẽ có các biểu hiện tiêu cực theo sự hoang tưởng của bản thân.

Phân biệt trầm cảm nội sinh và ngoại sinh

Để phân biệt trầm cảm nội sinh và trầm cảm ngoại sinh, các nhà nghiên cứu sẽ căn cứ vào sự hiện diện hay vắng mặt của một sự kiện căng thẳng trước khi bắt đầu chứng trầm cảm nặng.

Trầm cảm nội sinh thường xảy ra mà không có sự hiện diện của căng thẳng hay chấn thương. Nói cách khác, nó không có các nguyên nhân bên ngoài rõ ràng. Thay vào đó nó có thể là do yếu tố di truyền hay sinh học gây ra.

Còn trầm cảm ngoại sinh lại xảy ra sau khi một sự kiện căng thẳng hay chấn thương xảy ra. Loại trầm cảm này còn được biết đến với tên gọi khác là “trầm cảm phản ứng”.

Trầm cảm nội sinh có nguy hiểm không?

Trên thực tế, bất cứ loại trầm cảm nào cũng đều tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chứng trầm cảm nội sinh không được phát hiện và kiểm soát sớm cũng sẽ gây ra nhiều nguy hại.

trầm cảm nội sinh có nguy hiểm không
Người bệnh thường có suy nghĩ về cái chết và luôn muốn tìm đến hành vi tự tử

Tâm trạng buồn bã, chán nản và mất hứng thú kéo dài sẽ khiến cho hiệu suất công việc và học tập suy giảm. Hơn nữa, người bệnh còn không tìm thấy động lực hay niềm vui trong cuộc sống. Cả trí nhớ và chức năng tình dục đều bị giảm sút.

Ngoài ra, chứng bệnh này còn ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ. Đa số những người bị trầm cảm nội sinh đều gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ. Đây là yếu tố ảnh hưởng xấu đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần.

Nghiêm trọng nhất là khi các triệu chứng trầm cảm nội sinh tăng cao và xuất hiện thường xuyên. Lúc này người bệnh sẽ bắt đầu suy nghĩ về cái chết và luôn có ý định tự sát để giải thoát bản thân.

Chẩn đoán trầm cảm nội sinh

Trầm cảm nội sinh có thể được chẩn đoán bởi bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Trước tiên, họ sẽ hỏi bạn về vấn đề tiền sử bệnh. Cần đảm bảo thông báo cho bác sĩ về mọi tình trạng sức khỏe tâm thần hoặc y tế hiện có hay bất cứ loại thuốc nào mà bạn đang dùng. Ngoài ra, cũng sẽ rất hữu ích nếu bạn chia sẻ với bác sĩ khi có bất kỳ thành viên nào trong gia đình bạn đang hoặc đã từng bị trầm cảm nội sinh trong quá khứ.

Tiếp đến bác sĩ sẽ tiến hành khai thác và tìm hiểu rõ hơn về các triệu chứng mà bạn gặp phải. Họ luôn muốn biết khi nào các triệu chứng bắt đầu. Và liệu triệu chứng có bắt đầu sau khi bạn trải qua một sự kiện căng thẳng hoặc chấn thương hay không?

Để tiếp cận dễ dàng hơn, bác sĩ cũng có thể cung cấp cho bạn 1 loạt bảng câu hỏi để kiểm tra cảm xúc của bạn. Những bảng câu hỏi này có thể giúp họ xác định xem bạn có đang sống chung với trầm cảm nội sinh hay không?

Để chẩn đoán mắc chứng trầm cảm nội sinh, bạn sẽ phải đáp ứng một số tiêu chí được liệt kê trong DSM. Trong đó tiêu chí chính là tâm trạng chán nản hoặc mất hứng thú, niềm vui đối với các hoạt động hằng ngày trong hơn 2 tuần.

Hướng điều trị bệnh trầm cảm nội sinh

Để vượt qua chứng trầm cảm nội sinh không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh có thể được điều trị bằng cách kết hợp dùng thuốc với một số liệu pháp khác.

Dưới đây là các phương pháp được áp dụng phổ biến cho chứng trầm cảm nội sinh:

1. Thuốc men

Các loại thuốc phổ biến nhất được dùng để điều trị cho những người bị trầm cảm nội sinh bao gồm chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI).

Một số người bệnh cũng có thể được kê đơn thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA). Tuy nhiên nhóm thuốc này không còn được sử dụng rộng rãi như trước đây.

thuốc trị trầm cảm nội sinh
Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm để kiểm soát triệu chứng của bệnh

Mục đích của việc dùng thuốc là làm tăng mức độ của các chất hóa học trong não. Từ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm nội sinh.

Toa thuốc có thể bao gồm một số loại thuốc sau:

– Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI):

  • paroxetin (Paxil)
  • fluoxetine (Prozac)
  • escitalopram (Lexapro)
  • citalopram (Celexa)
  • sertraline (Zoloft)

Lúc đầu, SSRI có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau đầu, mất ngủ và buồn nôn. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này thường biến mất sau một thời gian ngắn.

– Chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI):

  • duloxetine (Cymbalta)
  • venlafaxine (Effexor)
  • desvenlafaxine (Pristiq)

– Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA):

  • imipramine (Tofranil)
  • Nortriptyline (Pamelor)
  • trimipramine (Surmontil)

Trên thực tế, các tác dụng phụ của TCA đôi khi có thể nghiêm trọng hơn tác dụng phụ của các loại thuốc chống trầm cảm khác. TCA có thể gây chóng mặt, buồn ngủ và tăng cân. Cần đọc kỹ thông tin từ nhà sản xuất và trao đổi với bác sĩ nếu bạn có bất cứ lo lắng nào.

Thông thường sẽ phải mất ít nhất 4 – 6 tuần thì các triệu chứng mới bắt đầu được cải thiện. Trong một số trường hợp có thể mất đến 12 tuần để người bệnh cảm nhận rõ hiệu quả của thuốc. Nếu một loại thuốc dường như không mang lại hiệu quả, bạn cần nói chuyện với bác sĩ để được chỉ định chuyển sang loại thuốc khác.

Trường hợp các triệu chứng đã được cải thiện thì bạn vẫn sẽ phải tiếp tục dùng thuốc. Bạn chỉ ngừng thuốc khi có sự điều chỉnh liều thấp dần từ bác sĩ. Tuyệt đối không được ngừng thuốc chống trầm cảm đột ngột để tránh triệu chứng cai nghiện. Hơn nữa, các triệu chứng của trầm cảm nội sinh cũng có thể trở lại nếu bạn kết thúc điều trị quá sớm.

2. Trị liệu tâm lý

Tâm lý trị liệu còn được gọi là liệu pháp trò chuyện. Liệu pháp này được thực hiện bằng cách gặp gỡ chuyên gia tâm lý thường xuyên. Trị liệu tâm lý giúp bạn đối phó với tình trạng của mình và các vấn đề có liên quan.

Đối với chứng trầm cảm nội sinh, có 2 phương pháp trị liệu tâm lý chính thường được áp dụng bao gồm:

điều trị trầm cảm nội sinh
Tâm lý trị liệu có thể mang lại hiệu quả tốt với những người bị trầm cảm nội sinh

CBT có thể giúp bạn thay thế những suy nghĩ, cảm xúc và niềm vui tiêu cực bằng những thứ lành mạnh và tích cực hơn. Chuyên gia sẽ giúp bạn cải thiện cách mà não bộ phản ứng với các tình huống tiêu cực.

Trong khi đó, IPT có thể giúp bạn vượt qua được những mối quan hệ rắc rối có thể làm tồi tệ thêm triệu chứng trầm cảm nội sinh. Trong hầu hết các trường hợp, kết hợp giữa thuốc và trị liệu tâm lý có hiệu quả tốt với điều trị trầm cảm nội sinh.

3. Liệu pháp sốc điện (ECT)

Liệu pháp sốc điện (ECT) có thể được thực hiện trong trường hợp các triệu chứng không được cải thiện sau khi dùng thuốc và trị liệu tâm lý. ECT được thực hiện bằng cách gắn các điện cực vào đầu nhằm gửi các xung điện đến não và gây ra một cơn co giật ngắn.

Phương pháp điều trị này thật ra không đáng sợ như rất nhiều người vẫn lầm tưởng về nó. Đặc biệt, trong nhiều năm qua thì Liệu pháp sốc điện (ECT) đang ngày càng được cải thiện. Nó có thể giúp điều trị trầm cảm nội sinh bằng cách thay đổi tác tương tác hóa học bên trong não.

4. Điều chỉnh lối sống

Thực hiện một số điều chỉnh nhất định đối với lối sống và các hoạt động hằng ngày có thể giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh trầm cảm nội sinh. Ngay cả khi các hoạt động ban đầu không mang lại thú vị nhưng cơ thể và tâm trí của bạn sẽ dần thích nghi theo thời gian.

điều trị trầm cảm nội sinh
Tập thể dục thường xuyên giúp điều chỉnh tâm trạng và tăng cường hormone hạnh phúc

Việc điều chỉnh lối sống có thể bao gồm:

  • Hoạt động thể chất: Tập thể dục đều đặn tối thiểu 30 phút/ ngày trong hầu hết các ngày rất tốt với người bệnh trầm cảm nội sinh. Hoạt động thể chất sẽ giúp thúc đẩy sản sinh hormone endorphin. Đồng thời cải thiện tâm trạng tiêu cực và tốt cho sức khỏe tổng thể nói chung.
  • Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ có vai trò quan trọng với sức khỏe mỗi người. Việc ngủ đủ giấc có thể làm giảm cảm giác buồn chán, mệt mỏi và ủ rũ. Cần đảm bảo ngủ đủ 7 – 9 giờ/ ngày, trong đó giấc ngủ ban đêm kéo dài ít nhất 6 giờ. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc điều chỉnh tâm trạng và hồi phục sức khỏe.
  • Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn của người bệnh cần cung cấp ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và rau củ quả tươi. Không nên ăn đồ chế biến sẵn, đường hay đồ chiên xào nhiều dầu mỡ. Chú ý tránh xa rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích.
  • Viết nhật ký: Viết nhật ký cũng là một cách để bạn điều chỉnh tâm trạng tốt hơn. Đối với những sự việc buồn thì bạn không nên đọc lại. Thậm chí có thể xé luôn ngay sau khi vừa viết xong để giải tỏa cảm xúc. Còn với những sự việc mang lại cho bạn niềm vui thì hãy lưu giữ và thỉnh thoảng mang ra để đọc lại.
  • Dành thời gian cho gia đình và bạn bè: Thường xuyên gặp gỡ với bạn bè và người thân giúp bạn chia sẻ cảm xúc tốt hơn. Nhận được sự lắng nghe và thấu hiểu chính là động lực giúp bạn nhanh chóng vượt qua vấn đề mà mình đang gặp phải. Đừng cố gắng thu mình hay tách rời bản thân khỏi các mối quan hệ xã hội.

Trầm cảm nội sinh có thể gây ra không ít hệ lụy cho cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống nếu không sớm quan tâm và điều trị. Ngoài nghiêm ngặt tuân thủ phác đồ từ bác sĩ thì bạn cần kết hợp điều chỉnh lối sống lành mạnh để sớm kiểm soát triệu chứng và làm giảm ảnh hưởng của bệnh.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *