Các Mức Độ Của Rối Loạn Phổ Tự Kỷ Bạn Nên Biết
Các mức độ của rối loạn phổ tự kỷ được nhắc đến trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5). Việc phân chia mức độ tự kỷ sẽ giúp gia đình ý thức hơn về tình trạng sức khỏe của con trẻ và bệnh nhân cũng hiểu hơn về thế mạnh, hạn chế của bản thân.
Các mức độ của rối loạn phổ tự kỷ
Rối loạn phổ tự kỷ (tự kỷ) được phân thành nhiều loại khác nhau. Bệnh lý này được phân loại dựa trên nhiều yếu tố như thời điểm mắc bệnh, chỉ số thông minh (IQ) và mức độ. Trong đó, phân loại tự kỷ theo mức độ được sử dụng phổ biến nhất hiện nay vì có thể giúp gia đình nhận thức được vai trò trong việc hỗ trợ trẻ tự kỷ.
Các mức độ của rối loạn phổ tự kỷ đã được đề cập trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5). Mức độ được phân chia dựa trên điểm mạnh và hạn chế của trẻ trong các khía cạnh như quản lý cuộc sống hằng ngày, khả năng thích ứng với môi trường mới, khả năng giao tiếp,…
Thông qua việc phân loại các mức độ của rối loạn tự kỷ, gia đình sẽ hiểu rõ hơn về điểm mạnh và điểm yếu của người bệnh. Qua đó có kế hoạch chăm sóc và can thiệp các phương pháp trị liệu phù hợp với từng mức độ. Theo DSM-5, rối loạn phổ tự kỷ được chia thành 3 mức độ sau:
Tự kỷ mức độ nhẹ
Tự kỷ mức độ nhẹ thường xảy ra ở trẻ mắc hội chứng Asperger hay còn gọi là tự kỷ chức năng cao. Trẻ bị tự kỷ mức độ nhẹ đa phần vẫn có khả năng ngôn ngữ, có thể giao tiếp và nói được nguyên câu nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp. Chẳng hạn như trẻ khó tìm ra từ ngữ phù hợp, câu nói không phù hợp với ngữ cảnh và không thể hiểu được ngôn ngữ cơ thể.
Trẻ bị tự kỷ mức độ nhẹ vẫn có thể giao tiếp bằng mắt tốt – đặc biệt là với những người thân trong gia đình. Tuy nhiên khi gặp người lạ, khả năng giao tiếp của trẻ sẽ bị hạn chế. Do đó, trẻ tự kỷ mức độ nhẹ sẽ gặp khó khăn trong việc kết bạn và mở rộng mối quan hệ.
Vì có “chức năng cao” nên trẻ có thể học tập, vui chơi và tham gia các hoạt động phù hợp với độ tuổi. Tuy nhiên, do bị hạn chế về khả năng giao tiếp và tương tác xã hội nên trẻ vẫn cần sự hỗ trợ đáng kể từ gia đình.
Tự kỷ mức độ trung bình
Tự kỷ ở mức độ trung bình được xác định khi trẻ vẫn có thể giao tiếp tốt bằng mắt với những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, khả năng giao tiếp tương đối hạn chế khi trò chuyện với người ngoài, lời nói tối nghĩa, sắp xếp câu lung tung và dùng từ không phù hợp. Ngoài ra, trẻ cũng gặp khó khăn trong việc hiểu và sử dụng hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ.
Trẻ bị tự kỷ mức độ trung bình khó thay đổi sự tập trung và thể hiện rõ sự khó chịu khi phải chuyển từ hoạt động này sang các hoạt động khác. Trẻ có sở thích hạn hẹp, thường có những hành động hoặc sở thích định hình, lặp đi lặp lại.
Người bị tự kỷ ở mức trung bình bị khiếm khuyết đáng kể về khả năng giao tiếp, tư duy, hành vi, cảm xúc và tương tác xã hội. Do đó, ở mức độ này, trẻ cần gia đình hỗ trợ đáng kể trong việc học tập và sinh hoạt.
Tự kỷ mức độ nặng
Tự kỷ mức độ nặng được xác định khi trẻ không thể giao tiếp bằng mắt, không giao tiếp được với người ngoài và gần như không nói được. Những khiếm khuyết của trẻ bị tự kỷ mức độ nặng sẽ nghiêm trọng hơn so với 2 mức độ trên.
Trẻ bị tự kỷ nặng gần như không có nhu cầu tương tác với những người xung quanh, lời nói tối nghĩa, thường chỉ nói được những từ đơn rời rạc. Khả năng tương tác xã hội kém, không biết cách kết bạn và thường chìm đắm trong thế giới riêng.
Xác định các mức độ của rối loạn phổ tự kỷ bằng cách nào?
Rối loạn phổ tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh nên đa phần đều không có tổn thương thực thể. Chẩn đoán bệnh lý này chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để loại trừ những khả năng khác có thể xảy ra như động kinh, khiếm thính, rối loạn chức năng tuyến giáp,…
Để xác định mức độ tự kỷ, các bác sĩ sẽ sử dụng thang đo mức độ tự kỷ CARS (Childhood Autism Rating Scale). Thang đo này bao gồm 15 mục và mỗi mục sẽ có 4 mức độ để lựa chọn tương ứng với số điểm từ 1 – 4. Sau khi hoàn thành thang đo, bác sĩ sẽ cộng số điểm để xác định được mức độ rối loạn phổ tự kỷ.
Hạn chế khi phân chia rối loạn phổ tự kỷ thành từng mức độ
Việc phân chia rối loạn phổ tự kỷ thành từng mức độ giúp gia đình và bệnh nhân hiểu rõ hơn về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Qua đó có cách chăm sóc và can thiệp các phương pháp giáo dục, trị liệu phù hợp. Tuy nhiên, việc phân loại rối loạn phổ tự kỷ theo mức độ chưa thực sự toàn diện và còn mang tính chủ quan.
Vì vậy ngoài cách phân loại theo mức độ, một số bác sĩ sử dụng các cách phân loại khác như:
Phân loại theo thời điểm mắc tự kỷ:
- Tự kỷ điển hình (tự kỷ bẩm sinh): Tự kỷ điển hình được xác định nếu các triệu chứng xuất hiện trong vòng 3 năm đầu đời.
- Tự kỷ không điển hình (tự kỷ mắc phải): Các triệu chứng tự kỷ xuất hiện sau 3 năm đầu đời và trong 3 năm đầu, trẻ có khả năng giao tiếp và phát triển ngôn ngữ bình thường. Theo thời gian, trẻ sẽ có sự thoái triển về ngôn ngữ và giao tiếp.
Phân loại theo chỉ số thông minh:
- Tự kỷ có chỉ số thông minh cao và nói được: Những trẻ mắc dạng tự kỷ này thường có tiên lượng tốt và có thể học tập bình thường nếu được trị liệu đúng cách. Trẻ ít có những hành vi tiêu cực nhưng thường thụ động, có xu hướng bị ám ảnh và biết đọc sớm (khoảng 2 – 3 tuổi). Khi trưởng thành, trẻ có nhận thức tốt và hành vi cũng được thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
- Tự kỷ có chỉ số thông minh cao và không nói được: Những trẻ này thường nhạy cảm quá mức với âm thanh, kỹ năng nhìn tốt và có thể giao tiếp nhưng nhu cầu giao tiếp thấp. Trẻ tự kỷ có chỉ số thông minh cao và không nói được thường có tính cách bướng bỉnh, thích ở một mình và tương tác xã hội kém.
- Tự kỷ có chỉ số thông minh thấp và nói được: Trẻ mắc dạng tự kỷ này có hành vi tiêu cực nhất trong các dạng tự kỷ. Trẻ có biểu hiện hung hãn, hay la hét, tăng động và đôi khi có hành vi tự gây hấn. Khả năng tập trung kém, thường hay lặp lại lời nói của người khác nhưng lời nói không đầy đủ và không rõ nghĩa. Vì có chỉ số thông minh thấp nên trí nhớ của trẻ thường kém.
- Tự kỷ có chỉ số thông minh thấp và không nói được: Trẻ mắc dạng tự kỷ này thường được phát hiện sớm do biểu hiện rất rõ rệt. Trẻ thường không nói hoặc chỉ nói một số từ đơn vô nghĩ. Trẻ ngồi im lìm và nhìn chằm chằm vào một vật nào đó trong thời gian lâu, ít cử động và tỏ ra quan tâm đến các đồ chơi dạng máy móc. Hoàn toàn không có mối liên hệ với người khác, không có kỹ năng xã hội và nhạy cảm với âm thanh.
Nhìn chung, việc phân loại tự kỷ giúp ích đáng kể trong việc điều trị và hỗ trợ gia đình nhận biết vai trò của mình đối với trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, mỗi cách phân loại sẽ có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Vì vậy, bác sĩ sẽ linh hoạt sử dụng cách phân loại phù hợp trong từng trường hợp.
Trên đây là thông tin về các mức độ của rối loạn phổ tự kỷ. Khi đưa trẻ đến thăm khám, gia đình có thể trao đổi với bác sĩ về mức độ bệnh để hiểu rõ hơn về thế mạnh và hạn chế của trẻ. Qua đó lên kế hoạch chăm sóc, giáo dục phù hợp để giúp trẻ cải thiện kỹ năng xã hội và có khả năng sống độc lập.
Tham khảo thêm:
- Tiêu Chuẩn Chẩn Đoán Trẻ Tự Kỷ Chính Xác Hiện Nay
- Trẻ biết đọc sớm là dấu hiệu tự kỷ?
- Dấu hiệu nhận biết tự kỷ ở trẻ dưới 1 tuổi cha mẹ nên lưu ý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!