Chữa Trầm Cảm Bằng Nghệ: Bạn Đã Thử?
Ngoài những lợi ích đối với sức khỏe thể chất, nghệ đã được chứng minh có thể nâng cao tâm trạng và ổn định chất dẫn truyền thần kinh. Nhờ có những tác dụng này, nhiều bệnh nhân lựa chọn cách chữa trầm cảm bằng nghệ để cải thiện và quản lý bệnh.
Tìm hiểu tác dụng chữa trầm cảm của nghệ
Nghệ là loại thảo dược có nguồn gốc từ Ấn Độ thường được dùng để tạo màu sắc và tăng hương vị cho món ăn. Không đơn thuần là một loại gia vị thông thường, nghệ còn được sử dụng như một vị thuốc chữa bệnh. Theo kinh nghiệm của y học cổ truyền, nghệ (uất kim) có vị cay, hơi ngọt, tính hàn, tác dụng lợi đởm thoái hoàng, thanh nhiệt lương huyết, chỉ thống, hoạt huyết,… Thảo dược này thường được dùng điều trị các bệnh về máu và đau dạ dày.
Hiện nay, y học hiện đại đã tìm thấy trong nghệ các chất có hoạt tính sinh học như Curcumin, Coumarin,… Trong đó, Curcumin là chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm tốt, đặc biệt là hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị các vấn đề sức khỏe thường gặp.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Curcumin trong nghệ có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm. Nghiên cứu được thực hiện ở những người tình nguyện trong độ tuổi từ 51 – 84. Số người tình nguyện được chia thành 2 nhóm, trong đó một nhóm dùng giả dược và một nhóm được bổ sung Curcumin chiết xuất từ nghệ trong suốt 18 tháng.
Khi nghiên cứu kết thúc, các chuyên gia nhận thấy tình trạng sa sút trí tuệ và các triệu chứng của bệnh tật ở nhóm dùng Curcumin giảm đi đáng kể, đồng thời khả năng ghi nhớ cũng cải thiện lên đến 28%. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận thấy Curcumin giúp làm giảm 2 loại protein gây ra các khối u não (amyloid-β và tau) giảm đi đáng kể.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận thấy Curcumin trong nghệ có thể cải thiện tâm trạng và mang lại sự phấn chấn, lạc quan – hiệu quả này đặc biệt rõ rệt ở những bệnh nhân trầm cảm. Curcumin và các khoáng chất trong nghệ cũng giúp cải thiện những triệu chứng thể chất do trầm cảm gây ra như mất ngủ, đau đầu, đau dạ dày, suy nhược cơ thể,…
Sau kết quả của nghiên cứu này, nhiều nghiên cứu cũng đã được thực hiện để đánh giá hiệu quả trị trầm cảm của nghệ. Trong đó, nghiên cứu được thực hiện năm 2014 cho thấy, Curcumin trong nghệ mang lại hiệu quả tương tự như thuốc chống trầm cảm Fluoxetin nhưng ít tác dụng phụ hơn.
Các chuyên gia cho rằng, Curcumin làm tăng mức BDNF – chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ nên có thể cải thiện tâm trạng và đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực. Bên cạnh đó, cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh còn giúp cải thiện giấc ngủ, tăng cường trí nhớ và nhận thức.
Ngoài ra, Curcumin còn có tác dụng chống viêm, loại trừ gốc tự do, phục hồi và tái tạo các tế bào thần kinh. Thông qua cơ chế cải thiện tâm trạng và chống oxy hóa mạnh, củ nghệ có thể kiểm soát những triệu chứng tâm thần và thể chất ở bệnh nhân trầm cảm.
Dùng nghệ chữa trầm cảm là biện pháp hỗ trợ bên cạnh các phương pháp chính như liệu pháp hóa dược, tâm lý trị liệu, lối sống lành mạnh,… Vì vậy, bệnh nhân có thể áp dụng biện pháp này để kiểm soát và quản lý bệnh thành công.
Hướng dẫn các cách chữa trầm cảm bằng nghệ đơn giản
Có khá nhiều cách chữa trầm cảm bằng nghệ. Bệnh nhân có thể dùng thức uống, món ăn từ nghệ hoặc dùng các viên uống chứa Curcumin để cải thiện bệnh. Dưới đây là một số cách đơn giản, dễ áp dụng bệnh nhân có thể tham khảo:
1. Sử dụng trà nghệ
Trà nghệ là thức uống tốt cho sức khỏe, đặc biệt là với bệnh nhân bị trầm cảm. Loại trà này có mùi hương đặc trưng, hương vị thơm ngon và dễ uống. Uống trà nghệ thường xuyên có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm, thúc đẩy hoạt động tiêu hóa, loại trừ gốc tự do và bảo vệ sức khỏe.
Nếu thường xuyên bị mất ngủ, bệnh nhân có thể dùng trà nghệ vào buổi tối. Trà nghệ có vị đắng nên bệnh nhân có thể thêm đường phèn hoặc mật ong vào để gia tăng hương vị.
Hướng dẫn cách pha trà nghệ:
- Cho 1 thìa cà phê bột nghệ vào ly và khuấy đều với 200ml
- Sau đó, thêm đường phèn và mật ong vào
- Uống trà khi còn ấm, mỗi ngày dùng tối đa 1 ly hoặc có thể dùng khi mệt mỏi, khó ngủ
2. Uống sữa nghệ hỗ trợ chữa trầm cảm
Ngoài trà nghệ, bệnh nhân cũng có thể dùng sữa nghệ để chữa trầm cảm. Sữa nghệ là thức uống giàu dinh dưỡng, cung cấp nhiều năng lượng cùng với chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất thiết yếu.
Bên cạnh hàm lượng Curcumin dồi dào từ nghệ, thức uống này còn chứa nhiều tryptophan từ sữa bò. Tryptophan là một loại axit amin cần thiết cho quá trình sản xuất serotonin và melatonin. Trong đó, serotonin giúp tăng tâm trạng, thư giãn, giảm đau và tạo tinh thần phấn chấn. Melatonin là hormone do tuyến tùng sản xuất vào buổi tối nhằm tạo cảm giác buồn ngủ và ngủ sâu giấc.
Bệnh nhân trầm cảm nên dùng sữa nghệ vào mỗi buổi tối để cải thiện giấc ngủ và nâng cao tâm trạng. Ngoài ra, thức uống này còn giúp tăng vị giác và phòng chống tình trạng suy nhược.
Hướng dẫn pha sữa nghệ:
- Chuẩn bị 200ml sữa bò và 1 thìa cà phê bột nghệ
- Đem sữa bò đun ấm, sau đó cho bột nghệ vào khuấy đều
- Có thể thêm vào một ít mật ong và bột quế để tăng hương vị
- Uống sữa nghệ khi còn ấm và tốt nhất nên dùng trước khi ngủ
3. Chữa trầm cảm bằng viên tinh bột nghệ
Tinh bột nghệ được chiết xuất từ nghệ tươi với hàm lượng Curcumin và khoáng chất dồi dào. Nhờ hoạt tính sinh học mạnh và đa dạng, nghệ được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Vì vậy, viên tinh bột nghệ được sản xuất để mọi người dễ dàng sử dụng thay vì phải mất thời gian chế biến.
Khi bị trầm cảm, bệnh nhân có thể uống viên tinh bột nghệ để cải thiện sức khỏe và nâng cao tâm trạng. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Ngoài ra, cần lựa chọn viên tinh bột nghệ của những thương hiệu uy tín để tránh mua phải sản phẩm đã qua pha tạp và chứa nhiều hương liệu.
Hoặc bạn cũng có thể tự làm viên tinh bột nghệ bằng cách trộn bột nghệ với mật ong, sau đó vo viên và áo bằng lớp bột nghệ khô ở bên ngoài. Cách này sẽ đảm bảo tinh bột nghệ được làm nguyên chất nhưng sẽ khó cân chỉnh liều lượng.
4. Bổ sung các món ăn từ nghệ
Nghệ là loại gia vị quen thuộc được dùng để chế biến nhiều món ăn thơm ngon. Loại gia vị này thường được sử dụng để tạo màu cho các món ăn và khử mùi một số loại thực phẩm. Để cải thiện chứng trầm cảm, bệnh nhân có thể dùng các món ăn từ nghệ như lòng bò xào nghệ, cá kho nghệ, cà ri, gà kho sả nghệ,…
Các món ăn từ nghệ không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn có hương vị thơm ngon giúp kích thích vị giác và cảm giác thèm ăn. Người bị trầm cảm thường gặp phải tình trạng chán ăn do sụt giảm serotonin. Do đó, bệnh nhân có thể bổ sung các món ăn từ nghệ để cải thiện vị giác và nâng cao sức khỏe.
Một số lưu ý khi chữa trầm cảm bằng nghệ
Chữa trầm cảm bằng nghệ là biện pháp hỗ trợ trong quá trình điều trị. Biện pháp này có thể cải thiện tâm trạng, giảm tình trạng mất ngủ, đau đầu và bảo vệ tế bào thần kinh. Tuy nhiên trước khi áp dụng, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
1. Các đối tượng không nên sử dụng nghệ
Nghệ là thảo dược tự nhiên nên có độ an toàn, lành tính và hầu như không gây ra tác dụng phụ. Nếu dùng nghệ chữa trầm cảm, bệnh nhân thường phải dùng liều cao trong thời gian dài. Trong trường hợp này, hoạt tính của nghệ có thể gây ra tác dụng phụ ở một số đối tượng sau:
- Phụ nữ mang thai: Dùng nghệ liều cao có thể gây chảy máu kéo dài và kích thích tử cung. Do đó, phụ nữ mang thai không nên chữa trầm cảm bằng nghệ. Nếu áp dụng, chỉ nên dùng các món ăn từ nghệ hoặc các loại trà, sữa nghệ 1 – 2 lần/ tuần để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, nên ngưng sử dụng trước khi sinh nở 4 – 5 tuần để tránh biến chứng băng huyết.
- Người chuẩn bị làm phẫu thuật: Do tác dụng chống đông máu nên bệnh nhân sắp làm phẫu thuật không nên dùng nghệ và các loại thảo dược có tác dụng tương tự. Sử dụng nghệ trong trường hợp này có thể gây biến chứng chảy máu kéo dài.
- Các đối tượng khác: Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần thận trọng khi chữa trầm cảm bằng nghệ nếu bị sỏi thận, sỏi mật, rối loạn đông máu và đang sử dụng các loại thuốc chống đông.
2. Chú ý liều lượng
Nghệ là thảo dược có hoạt tính tương đối mạnh. Chính vì vậy, bệnh nhân cần sử dụng với liều lượng phù hợp để hạn chế tác dụng phụ. Trong trường hợp dùng để chữa trầm cảm, chỉ nên dùng từ 1 – 3 thìa cà phê mỗi ngày.
Đối với viên uống tinh bột nghệ, liều lượng sẽ được nhà sản xuất in trên bao bì. Sử dụng đúng liều lượng sẽ giúp hạn chế tác dụng phụ, đồng thời mang lại tác dụng tốt trong việc cải thiện sức khỏe và kiểm soát triệu chứng trầm cảm.
Nếu lo ngại nghệ gây ra tác dụng phụ, bệnh nhân chỉ nên dùng các món ăn và thức uống từ nghệ. Hạn chế uống trực tiếp tinh bột nghệ vì chứa hàm lượng Curcumin và Coumarin khá cao.
3. Nghệ có thể tương tác với thuốc
Nghệ có thể tương tác với một số loại thuốc dẫn đến các tác dụng ngoại ý. Do đó, nếu đang sử dụng thuốc, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng phối hợp với nghệ. Nghệ đã được chứng minh có thể tương tác với một số loại thuốc sau:
- Thuốc chống đông máu
- Thuốc kháng axit dạ dày
- Thuốc kháng histamine
- Các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường
- Viên uống bổ sung sắt
4. Các vấn đề cần lưu ý khác
Chữa trầm cảm bằng nghệ là giải pháp hỗ trợ bên cạnh sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu. Củ nghệ đã được chứng minh có thể nâng cao tâm trạng, cải thiện trí nhớ, giấc ngủ và giảm các triệu chứng thể chất do trầm cảm gây ra. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả khi áp dụng, bệnh nhân cần lưu ý thêm một số vấn đề sau:
- Cách chữa trầm cảm bằng nghệ không thể thay thế cho các phương pháp y tế. Do đó, bệnh nhân vẫn cần dùng thuốc theo hướng dẫn và can thiệp trị liệu tâm lý để quản lý bệnh thành công.
- Không sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích và hạn chế dùng quá nhiều thức uống chứa caffeine để đảm bảo hiệu quả điều trị.
- Nghệ là thảo dược tự nhiên nhưng vẫn có thể gây dị ứng, kích ứng. Nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường, bệnh nhân nên ngưng áp dụng và đến bệnh viện trong trường hợp cần thiết.
- Cách chữa trầm cảm bằng nghệ cho hiệu quả khá chậm nên cần kiên trì thực hiện trong thời gian dài.
- Trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc có liên quan đến di truyền, sang chấn tâm lý và stress. Để kiểm soát bệnh lý này, bệnh nhân nên áp dụng các biện pháp điều trị với lối sống khoa học và lành mạnh.
Cách chữa trầm cảm bằng nghệ đã được chứng minh có hiệu quả cải thiện tâm trạng, giảm buồn rầu, lo lắng và nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, mẹo chữa này chỉ có tác dụng hỗ trợ và không thể thay thế cho các phương pháp y tế. Vì vậy, bệnh nhân cần kết hợp điều trị y tế với các biện pháp khác để kiểm soát bệnh thành công.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!