Chứng sợ tốc độ (Tachophobia) là gì? Cải thiện thế nào?

Hội chứng sợ tốc độ (Tachophobia) đề cập đến nỗi sợ mãnh liệt và vô lý về các tình huống có liên quan đến tốc độ như đi xe máy, xe bus, máy bay, thậm chí là cả đi bộ nhanh. Điều này hoàn toàn khác với cảm giác khó chịu xen lẫn lo sợ và căng thẳng thường thấy khi di chuyển với độc độ cao.

chứng sợ tốc độ
Người mắc hội chứng sợ tốc độ – Tachophobia có nỗi sợ bất thường và vô lý về tốc độ

Chứng sợ tốc độ là gì?

Chứng sợ tốc độ (Tachophobia) khác hoàn toàn với cảm giác sợ tốc độ cao. Thực tế, khi di chuyển quá nhanh, đa số mọi người đều cảm thấy lo sợ và bất an. Tuy nhiên, hội chứng sợ tốc độ không đề cập đến tình trạng này mà được sử dụng để miêu tả hội chứng tâm lý đặc trưng bởi sự sợ hãi bất thường và dai dẳng về tốc độ.

Người mắc chứng sợ tốc độ (Tachophobia) thường sợ hãi dữ dội, thậm chí kinh hãi và hoảng loạn khi nhìn thấy hoặc đang ở trên một chiếc xe hơi, tàu hỏa di chuyển với tốc độ cao. Trường hợp nặng có thể cảm thấy sợ hãi ngay cả khi đi bộ nhanh hoặc chạy bộ.

Hội chứng sợ tốc độ thường có liên quan đến chứng sợ lái xe và một số rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác. Các chuyên gia cho rằng, nỗi ám ảnh và sợ hãi phi lý về tốc độ có liên quan đến những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Con người có thể tiết kiệm thời gian và dễ dàng khám phá các địa điểm cách xa nơi sinh sống hàng trăm cây số nhờ các phương tiện giao thông. Vì vậy, nỗi sợ bất thường và vô lý về tốc độ sẽ gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống. Người mắc hội chứng sợ tốc độ sẽ phải điều trị nếu không muốn phải đối mặt với các vấn đề tâm lý và tình trạng tự cô lập.

Nhận biết hội chứng sợ tốc độ (Tachophobia)

Hội chứng sợ tốc độ là tình trạng khá phổ biến. Tuy nhiên, mức độ sẽ có sự khác biệt ở từng trường hợp. Hội chứng này sẽ được xem xét điều trị nếu gây ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống.

Để can thiệp kịp thời các biện pháp điều trị, cần nhận biết sớm hội chứng sợ tốc độ thông qua các dấu hiệu sau:

  • Run rẩy, sợ hãi và bất an khi nghĩ đến tốc độ
  • Né tránh việc di chuyển bằng xe hơi, tàu hỏa, máy bay
  • Không xem các video clip hoặc phim ảnh có nội dung đua xe. Bởi tình huống này có thể khiến người bệnh trở nên hoảng loạn, mất kiểm soát và sợ hãi tột độ.
  • Một số người cô lập bản thân và từ chối ra khỏi nhà vì sợ sẽ phải di chuyển bằng các phương tiện như xe hơi, tàu hỏa, máy bay,… Đa phần người mắc chứng bệnh này đều chọn cách đi bộ để có thể điều chỉnh tốc độ theo ý muốn của bản thân.
  • Thường lựa chọn các công việc gần với nơi sinh sống hoặc chọn các công việc làm tại nhà để tránh phải di chuyển bằng phương tiện giao thông.

Khi đối diện với những tình huống gây ra nỗi sợ như đi máy bay, tàu hỏa hoặc nhìn thấy phim ảnh có cảnh đua xe, người bị hội chứng sợ tốc độ có thể trở nên hoảng loạn. Cơn hoảng loạn đặc trưng bởi cảm giác lo sợ tột độ, kinh hãi đi kèm với một số triệu chứng thể chất.

Các biểu hiện thường thấy trong cơn hoảng loạn:

  • Chóng mặt
  • Choáng váng
  • Đau đầu
  • Đau tức ngực
  • Tim đập nhanh
  • Khó thở
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Run rẩy không thể kiểm soát

Trong cơn hoảng loạn, bệnh nhân có thể xuất hiện các ý nghĩ như sợ chết, sợ mất kiểm soát và sợ mất trí nhớ. Nỗi sợ tột độ thôi thúc người bệnh thoát khỏi tình huống hiện tại ngay lập tức.

Nguyên nhân gây hội chứng sợ tốc độ

Tương tự các hội chứng ám ảnh sợ khác, nguyên nhân gây ra chứng sợ tốc độ vẫn chưa được xác định. Bởi một số người có cùng hoàn cảnh sống và cùng trải nghiệm tiêu cực nhưng không phải ai cũng phát triển hội chứng này. Vì vậy, các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu để làm rõ căn nguyên và cơ chế bệnh sinh.

nguyên nhân gây chứng sợ tốc độ
Hội chứng sợ tốc độ có thể phát triển từ hội chứng sợ lái xe

Qua các nghiên cứu đã được thực hiện, các chuyên gia nhận thấy hội chứng sợ tốc độ liên quan đến những yếu tố sau đây:

  • Trải nghiệm tiêu cực: Những sự kiện xảy ra trong quá khứ như bản thân từng bị tai nạn hoặc người thân mất do lái xe với tốc độ cao sẽ khiến não bộ hình thành nỗi sợ và ám ảnh “vô thức”. Sau những sự kiện này, hạch hạnh nhân trong não bộ sẽ ghi nhớ cảm xúc và “phát lại” cảm giác sợ hãi, lo lắng khi nhìn thấy các phương tiện giao thông di chuyển với tốc độ cao.
  • Do chứng sợ lái xe: Chứng sợ tốc độ có thể phát triển từ nỗi sợ về việc lái xe. Giống như việc những người sợ độ cao sẽ mắc phải hội chứng sợ đi máy bay.
  • Tiền sử gia đình: Hội chứng sợ tốc độ thường xảy ra ở những người có tiền sử gia đình bị rối loạn lo âu – đặc biệt là rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi và rối loạn hoảng sợ.

Chứng sợ tốc độ có nguy hiểm không?

Về bản chất, các hội chứng ám ảnh sợ không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, hội chứng này sẽ dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe và khiến chất lượng cuộc sống tuột dốc.

Ảnh hưởng đầu tiên của hội chứng sợ tốc độ (Tachophobia) là làm cản trở sinh hoạt hằng ngày, công việc và học tập. Vì không thể sử dụng các phương tiện đi lại như xe máy, ô tô, xe bus và máy bay, người bệnh chỉ có thể làm những công việc gần với nơi sinh sống hoặc lựa chọn các công việc tại nhà. Điều này làm giới hạn nghề nghiệp và ảnh hưởng đến thu nhập của người bệnh.

Ngoài ra, bản thân người mắc chứng sợ tốc độ cũng không thể trải nghiệm cuộc sống như mọi người. Họ không thể tham gia các trò chơi hoặc đi du lịch. Liên tục từ chối các cuộc gặp gỡ, vui chơi khiến người bệnh trở nên mặc cảm, nhút nhát, cô lập và cách ly với mọi người.

Người bệnh có xu hướng lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá và sử dụng chất gây nghiện để giải tỏa cảm giác căng thẳng, lo lắng tột độ. Tuy nhiên, các thói quen thiếu lành mạnh này lại “vô tình” gia tăng thêm sự căng thẳng, lo âu và phiền muộn. Nếu không được cải thiện sớm, nhiều khả năng người bệnh sẽ phát triển chứng trầm cảm, rối loạn lo âu và một số hội chứng ám ảnh sợ khác.

Chẩn đoán hội chứng sợ tốc độ

Không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán hội chứng sợ tốc độ. Do đó, hội chứng này thường sẽ được xác định bằng biểu hiện lâm sàng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đánh giá nguy cơ bằng cách khai thác tiền sử cá nhân và gia đình.

Hội chứng sợ tốc độ khác với cảm giác bất an, lo lắng khi di chuyển với tốc độ cao. Hội chứng này sẽ được chẩn đoán khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

  • Né tránh các phương tiện di chuyển với tốc độ nhanh như xe bus, xe máy, máy bay,…
  • Tình trạng lo lắng, sợ hãi về tốc độ phải kéo dài ít nhất 6 tháng. Tiêu chuẩn này được sử dụng để phân biệt với cảm giác sợ hãi, ám ảnh ngắn hạn do sang chấn tâm lý
  • Nỗi sợ về tốc độ phải đủ lớn để gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với cuộc sống
  • Nỗi sợ tốc độ thường không tương xứng với mối đe dọa (chẳng hạn như cảm thấy sợ hãi ngay cả khi các phương tiện di chuyển ở vận tốc cho phép,…)

Như đã đề cập, chứng sợ tốc độ thường sẽ phát triển đồng thời với một số hội chứng ám ảnh sợ hãi khác. Chính vì vậy, bác sĩ cũng sẽ sử dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán khác để đưa ra chẩn đoán cuối cùng. Chẩn đoán bao gồm cả việc xác định biến chứng và các vấn đề tâm lý đi kèm như trầm cảm, rối loạn hoảng sợ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,…

Cách cải thiện hội chứng sợ tốc độ

Hội chứng sợ tốc độ được xem là hội ám ảnh sợ gây ra những ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với cuộc sống. Vì sợ hãi mạnh mẽ và ám ảnh quá mức về tốc độ nên người bệnh chỉ có thể đi bộ. Điều này ảnh hưởng đến mọi khía cạnh từ công việc, học tập đến các mối quan hệ.

Để cải thiện hội chứng sợ tốc độ, bác sĩ sẽ xem xét một số phương pháp sau đây:

1. Liệu pháp tâm lý

Hầu hết các hội chứng ám ảnh sợ đều được điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Liệu pháp này được thực hiện bằng hình thức trò chuyện, giao tiếp giữa người bệnh và chuyên gia. Sau quá trình tìm hiểu và đánh giá tâm lý, chuyên gia sẽ lựa chọn hướng can thiệp phù hợp nhằm giúp người bệnh xóa bỏ nỗi sợ vô lý và bất thường về tốc độ.

Tachophobia là gì
Công nghệ thực tế ảo có thể được áp dụng trong quá trình trị liệu bằng liệu pháp phơi nhiễm

Các liệu pháp tâm lý được áp dụng trong điều trị hội chứng sợ tốc độ bao gồm:

  • Liệu pháp phơi nhiễm: Liệu pháp phơi nhiễm hay liệu pháp giải mẫn cảm hệ thống là lựa chọn đầu tay trong điều trị rối loạn lo âu ám ảm sợ hãi nói chung và chứng Tachophobia nói riêng. Thống kê cho thấy, khoảng 90% trường hợp cải thiện đáng kể khi áp dụng liệu pháp này. Liệu pháp phơi nhiễm cho phép bệnh nhân tiếp xúc với nỗi sợ dưới sự hướng dẫn của chuyên gia để não bộ thích nghi và không còn cảm giác sợ hãi khi đối mặt.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): CBT được xem xét cho hầu hết những trường hợp bị chứng sợ tốc độ. Trong liệu pháp này, chuyên gia sẽ giúp người bệnh xác định những suy nghĩ tiêu cực về tốc độ. Từ đó thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng tích cực và đúng đắn hơn. CBT thường được thực hiện đồng thời với liệu pháp phơi nhiễm để bệnh nhân thích nghi và học được cách kiểm soát nỗi sợ vô lý của bản thân.
  • Liệu pháp thôi miên: Liệu pháp thôi miên ít được áp dụng ở nước ta nhưng đôi khi vẫn được xem xét thực hiện. Liệu pháp này đưa người bệnh vào trạng thái dễ ám thị, sau đó chuyên gia sẽ đưa ra lời khuyên để bệnh nhân tiếp nhận tốt hơn thay vì ở trạng thái tỉnh táo hoàn toàn. Liệu pháp thôi miên giúp người bệnh thay đổi suy nghĩ về tốc độ, từ đó giảm phản ứng lo lắng và sợ hãi khi di chuyển bằng các phương tiện giao thông.

Liệu pháp tâm lý được đánh giá cao về hiệu quả trong điều trị các vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, phương pháp này mất khá nhiều thời gian nên người bệnh cần phải kiên trì. Liệu pháp tâm lý còn có hiệu quả trong việc kiểm soát các vấn đề đi kèm như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn hoảng sợ,…

2. Sử dụng thuốc

Thuốc thường được sử dụng cho những trường hợp mắc đồng thời với trầm cảm và rối loạn lo âu. Ngoài ra, bệnh nhân có biểu hiện hoảng loạn, lo lắng và cảm xúc không ổn định trong quá trình trị liệu cũng sẽ phải dùng thuốc để nâng đỡ tinh thần.

Các loại thuốc được xem xét dùng cho bệnh nhân bị chứng sợ tốc độ:

  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc an thần nhóm benzodiazepin
  • Thuốc chẹn beta
  • Thuốc say tàu xe (thuốc kháng histamin H1)

3. Các biện pháp tự chăm sóc

Chứng sợ tốc độ không chỉ gây ra cảm giác sợ hãi và bất an mà còn khiến bệnh nhân bị căng thẳng kéo dài. Bên cạnh đó, những cản trở trong cuộc sống cũng khiến người bệnh trở nên bi quan, tự ti và muộn phiền. Vì lý do này, người mắc chứng sợ tốc độ nên có các biện pháp tự chăm sóc bên cạnh sử dụng thuốc và can thiệp liệu pháp tâm lý.

điều trị hội chứng sợ tốc độ
Bệnh nhân nên trang bị cho bản thân các biện pháp thư giãn để giải tỏa căng thẳng, lo âu, phiền muộn,…

Các biện pháp tự chăm sóc dành cho người bị hội chứng sợ tốc độ:

  • Đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày để giảm phần nào cảm giác căng thẳng và phiền muộn.
  • Giải tỏa căng thẳng, lo âu bằng cách ngồi thiền, tập hít thở, gội đầu dưỡng sinh, xoa bóp bấm huyệt,… Ngoài ra, có thể sử dụng tinh dầu giảm căng thẳng để lấy lại sự cân bằng và ổn định cảm xúc.
  • Chế độ ăn cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh có một thể trạng khỏe mạnh. Bên cạnh đó, ăn uống hợp lý sẽ giúp bệnh nhân nâng cao tâm trạng và giảm phần nào mức độ lo lắng, căng thẳng, sợ hãi,…
  • Căng thẳng do hội chứng sợ tốc độ có thể dẫn đến một loạt các vấn đề thể chất như đau cơ, đau vai gáy, đau đầu,… Để cải thiện các triệu chứng này và nâng cao sức khỏe tinh thần, người bệnh nên tập thể dục thường xuyên. Các bộ môn có cường độ vừa phải như đi bộ, bơi lội, yoga,… sẽ rất thích hợp với người mắc hội chứng sợ tốc độ.
  • Kết nối với mọi người thông qua các hoạt động thiện nguyện, bảo vệ môi trường,… Ngoài ra, người mắc chứng sợ tốc độ có thể tham gia các hội nhóm để được chia sẻ và có thêm kinh nghiệm trong quá trình điều trị.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Chứng sợ tốc độ (Tachophobia) cần phải được điều trị sớm để ngăn chặn những hậu quả đối với cuộc sống và sức khỏe. Tích cực điều trị và chăm sóc bản thân đúng cách sẽ giúp người bệnh vượt qua nỗi sợ này một cách dễ dàng.

Tham khảo thêm:

5/5 - (3 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *