Chứng sợ nuốt (Phagophobia): nỗi sợ hãi hiếm gặp ở người

Chứng sợ nuốt (Phagophobia) là một dạng rối loạn hiếm gặp, đến nay các nghiên cứu về tình trạng này vẫn còn hạn chế. Phagophobia có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Do đó cần sớm can thiệp điều trị để hạn chế rủi ro phát sinh.

chứng sợ nuốt
Chứng sợ nuốt là một dạng rối loạn hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng

Chứng sợ nuốt (Phagophobia) là gì?

Chứng sợ nuốt còn được gọi là Phagophobia – bắt nguồn từ các từ Hy Lạp, trong đó “phagein” là nuốt, còn “phobos” là sợ hãi. Phagophobia đề cập đến nỗi sợ hãi và né tránh việc nuốt thức ăn, chất lỏng hoặc thuốc.

Chứng sợ Phagophobia có thể xuất hiện thông qua nhiều triệu chứng khác nhau, đôi khi không có bất cứ hình thức thể chất nào. Một người nào đó bị Phagophobia có thể tránh một số loại hoặc kết cấu thức ăn, nhai quá kỹ đồ ăn hoặc phàn nàn về việc thức ăn bị “kẹt”.

Chứng sợ nuốt (Phagophobia) thường bị nhầm lẫn với chứng sợ nghẹn (Pseudodysphagia). Sự khác biệt chính là những người mắc chứng Phagophobia sợ hãi hành động “nuốt”, trong khi đó những người mắc chứng Pseudodysphagia lại lo sợ rằng hành động nuốt sẽ dẫn đến nghẹt thở.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Tại một thời điểm nào đó, bất cứ ai cũng đã từng trải qua cảm giác nghẹn hoặc “ngại nuốt” một số loại đồ ăn thức uống. Tuy nhiên đối với một số người thì cảm giác nghẹn lại tạo ra nỗi sợ hãi bao trùm khi nuốt. Điều này có thể gây rối loạn ăn uống cùng nhiều biến chứng sức khỏe khác.

Nguyên nhân gây ra chứng sợ nuốt

Cho đến nay, các nghiên cứu về chứng sợ nuốt (Phagophobia) còn hạn chế và nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nó có thể liên quan tới một loạt các yếu tố phức tạp như trải nghiệm trước đây của bạn hoặc các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác.

Ngoài ra, nỗi ám ảnh cũng có thể được học bằng cách quan sát từ những người khác. Việc nhìn thấy người khác bị đau hoặc xấu hổ khi nuốt có thể khiến cho bạn phát triển nỗi sợ hãi về vấn đề này.

Một số yếu tố được cho là có liên quan đến sự phát triển chứng sợ nuốt (Phagophobia) bao gồm:

1. Sợ thức ăn

Chứng sợ nuốt có thể xuất hiện ở những người đã từng trải qua nỗi sợ hãi có liên quan đến thực phẩm. Tình trạng này thường có liên quan đến việc sợ các loại thực phẩm cụ thể, chẳng hạn như thực phẩm nguy hại khi chưa nấu chín hoặc đồ ăn dễ hỏng. Liên tục lo lắng về việc ăn thực phẩm bị ôi thiu cũng có thể gây ra cảm giác sợ hãi.

nguyên nhân gây ra chứng Phagophobia
Chứng sợ Phagophobia có thể xuất hiện ở những người có các nỗi sợ hãi liên quan đến thực phẩm

2. Trải nghiệm tiêu cực với việc ăn uống

Nỗi sợ hãi trước hành động “nuốt” có thể bắt nguồn từ một loạt các trải nghiệm tiêu cực liên quan đến việc ăn uống. Chẳng hạn như bị nghẹn, rối loạn tiêu hóa, dị ứng thực phẩm, nôn trớ,…

Ngoài ra, một trải nghiệm trước đây về chứng nghẹt thở cũng có thể dẫn đến một chứng sợ thực thể (trong đó có nhiều khả năng là chứng sợ nuốt). Một thủ thuật y tế đau đớn liên quan tới cổ họng như mở khí quản cũng có thể gây ra sợ hãi và lo lắng khi nuốt.

3. Lo lắng và căng thẳng

Các chuyên gia chỉ ra rằng, lo lắng và căng thẳng có thể khiến cho cơ cổ họng co thắt, một số người còn có cảm giác như có khối u ở trong cổ họng. Những người sợ nuốt có thể thấy rằng bản thân họ không thể thực hiện hành động “nuốt” khi họ trở nên quá lo lắng. Ngược lại, điều này có thể làm tồi tệ thêm nỗi sợ hãi. Từ đó tạo ra một chu kỳ kéo dài rất khó phá vỡ.

Chứng sợ nuốt (Phagophobia) là một trong số ít các tình trạng có khả năng xảy ra mà không xác định được bất kỳ nguyên nhân hay yếu tố kích hoạt nào. Cũng chính vì vậy mà việc điều trị có thể gặp nhiều khó khăn hơn so với các chứng sợ hãi khác.

Dấu hiệu nhận biết chứng sợ nuốt

Các biểu hiện của chứng sợ nuốt (Phagophobia) có thể khác nhau ở từng đối tượng. Tuy nhiên đa số những người mắc chứng bệnh này đều có dấu hiệu đáng chú ý nhất là cực kỳ miễn cưỡng hoặc né tránh nuốt thức ăn, chất lỏng và thuốc.

dấu hiệu của chứng sợ Phagophobia
Người mắc chứng sợ Phagophobia thường có cảm giác lo lắng trước bữa ăn

Các triệu chứng khác của Phagophobia có thể bao gồm:

  • Cảm giác lo lắng trước bữa ăn
  • Cố gắng ăn từng chút thức ăn nhỏ và uống nước thường xuyên trong bữa ăn để hỗ trợ nuốt
  • Lo lắng và sợ hãi tột độ khi nghĩ đến hành động “nuốt”
  • Nhịp tim và nhịp thở trở nên nhanh hơn
  • Miễn cưỡng hoặc né tránh việc ăn uống trước mặt người khác
  • Đổ mồ hôi
  • Có xu hướng ăn toàn chất lỏng giống như một nỗ lực nhằm giảm bớt lo lắng về việc nuốt thức ăn
  • Giảm cân
  • Xuất hiện các cuộc tấn công hoảng loạn

Trên thực tế, tình trạng của người bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn khi lo lắng và căng thẳng. Ngoài ra, các triệu chứng có khả năng tái phát bất cứ khi nào họ trải qua những cảm xúc mạnh như buồn bã hoặc tức giận.

Sự xúc động mạnh mẽ của các thành viên trong gia đình hoặc sự kỳ thị về việc người bệnh gầy đi có thể góp phần khiến họ lo lắng và duy trì các triệu chứng. Tuy nhiên người bệnh thường không có các biểu hiện gợi ý về rối loạn lo âu toàn thể, rối loạn hoảng sợ hoặc rối loạn tâm thần.

Chứng sợ nuốt có nguy hiểm không?

Theo đánh giá từ các chuyên gia, chứng sợ nuốt (Phagophobia) là một dạng rối loạn nghiêm trọng. Nếu không sớm có biện pháp can thiệp hợp lý thì Phagophobia có thể gây ra nhiều hệ quả đáng quan ngại.

Ảnh hưởng lớn nhất của chứng sợ nuốt (Phagophobia) chính là người bệnh có thể bỏ ăn uống hoàn toàn. Điều này thường dẫn đến giảm cân, suy dinh dưỡng và mất nước. Ngoài việc sợ nuốt đồ ăn thức uống thì người mắc chứng Phagophobia còn sợ nuốt thuốc. Đây chính là căn nguyên của nhiều vấn đề nguy hiểm hơn.

chứng sợ nuốt nguy hiểm không
Chứng sợ nuốt không được điều trị có thể dẫn đến bỏ ăn hoàn toàn, giảm cân và suy dinh dưỡng

Phagophobia khiến cho việc điều trị các bệnh lý khác gặp rất nhiều khó khăn. Người bệnh thường né tránh việc sử dụng thuốc do họ có cảm giác sợ hãi và ám ảnh với việc nuốt thuốc. Trong một số trường hợp, Phagophobia có thể gián tiếp đe dọa đến cả tính mạng.

Chẩn đoán chứng sợ nuốt

Chứng sợ nuốt (Phagophobia) được công nhận là một chứng rối loạn ám ảnh cụ thể trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần, ấn bản lần thứ 5 ((DSM-5). Đây là nỗi ám ảnh cụ thể liên quan đến “nuốt” – không tương xứng với mối nguy hiểm thực sự đang hiện hữu.

Nếu bạn nghi ngờ mình có thể mắc chứng sợ Phagophobia thì cần sớm tìm gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn để xác định xem các triệu chứng mà bạn gặp phải có kéo dài ít nhất sáu tháng và đủ nghiêm trọng để gây ra các gián đoạn trong các mối quan hệ hoặc công việc hay lĩnh vực khác của cuộc sống hay không.

Bác sĩ cũng sẽ loại trừ các tình trạng y tế khác có thể dẫn tới khó nuốt, chẳng hạn như rối loạn chức năng cơ thể, khô miệng, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, một khối u trong cổ họng,… Ngoài ra, bác sĩ còn có thể tìm kiếm dấu hiệu của các tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Bao gồm:

Cách điều trị chứng sợ nuốt

Chứng sợ nuốt (Phagophobia) có thể gây hạn chế thói quen ăn uống một cách từ từ. Trong những trường hợp nghiêm trọng nó còn có khả năng gây ra các vấn đề sức khỏe đáng quan ngại. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm chứng bệnh này.

Một số lựa chọn điều trị có thể mang lại những cải thiện tích cực bao gồm:

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu được cho là lựa chọn ưu tiên khi chữa trị các hội chứng ám ảnh sợ cụ thể, trong đó có chứng sợ nuốt (Phagophobia). Liệu pháp tâm lý được thực hiện bằng hình thức giao tiếp giữa chuyên gia tâm lý và người bệnh.

Mục tiêu của trị liệu tâm lý là loại bỏ nỗi sợ hãi vô lý và quá mức về hành động “nuốt”. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh và các vấn đề liên quan khác mà chuyên gia tâm lý sẽ lựa chọn hướng can thiệp cũng như phương pháp phù hợp.

điều trị chứng sợ Phagophobia
Tâm lý trị liệu là lựa chọn điều trị chính đối với chứng sợ Phagophobia

Một số liệu pháp có thể mang lại lợi ích tích cực cho chứng sợ Phagophobia bao gồm:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): CBT có thể giúp bạn nhận ra các kiểu suy nghĩ tiêu cực của bản thân để thách thức chúng. Đồng thời áp dụng các hành vi khác nhau để hướng đến sự tích cực. Ngoài ra, liệu pháp này còn dạy bạn các kỹ năng để vượt qua nỗi buồn cũng như đánh lạc hướng bản thân. Và nó cũng có thể bao gồm các khía cạnh tâm lý khác nhằm giúp bạn hiểu hơn về chứng ám ảnh của mình.
  • Giải mẫn cảm chuyển động nhãn cầu và tái nhận thức (EMDR): Liệu pháp EMDR sử dụng các kích thích cảm giác, chẳng hạn như cử động mắt lặp đi lặp lại nhằm làm giảm bớt cảm giác đau khổ mà bạn cảm thấy khi “nuốt”.
  • Liệu pháp tiếp xúc: Còn được gọi là liệu pháp giải mẫn cảm hoặc liệu pháp phơi nhiễm. Liệu pháp tiếp xúc giúp người bệnh giảm bớt nỗi sợ vô lý về hành động “nuốt” và kiểm soát nó bằng cách tiếp xúc với nỗi sợ hãi theo mức độ tăng dần. Với sự giúp đỡ và hỗ trợ của chuyên gia trị liệu thì cuối cùng bạn sẽ có thể nuốt thức ăn hoặc đồ uống.
  • Liệu pháp thôi miên: Trong liệu pháp thôi miên, chuyên gia trị liệu sẽ giúp bạn đi sâu hơn vào trạng thái ám thị. Từ đó chuyên gia sẽ tìm hiểu được nguồn gốc của nỗi sợ hãi để giúp thân chủ thay đổi những suy nghĩ không phù hợp. Hơn nữa, liệu pháp này còn giúp người bệnh giảm lo âu, căng thẳng và cải thiện giấc ngủ.

2. Sử dụng thuốc

Chứng sợ nuốt (Phagophobia) có thể gây ra sự căng thẳng và lo lắng thường trực. Những cảm xúc này thường khiến cho người bệnh gặp phải một số vấn đề như mất ngủ và tăng huyết áp. Do đó, bên cạnh trị liệu tâm lý thì bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc để giúp làm giảm mức độ lo lắng trong quá trình điều trị.

Các loại thuốc có thể được bác sĩ kê toa bao gồm:

thuốc chữa chứng sợ nuốt
Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để làm giảm lo lắng, căng thẳng liên quan đến chứng sợ nuốt
  • Thuốc chẹn beta: Nhóm thuốc này được sử dụng nhằm giúp cải thiện các triệu chứng thể chất có liên quan tới chứng sợ Phagophobia. Chẳng hạn như huyết áp cao, tim đập nhanh, thở gấp, mất ngủ,… Tuy nhiên, thuốc chẹn beta có thể tiềm ẩn khá nhiều rủi ro nên chỉ được sử dụng khi thật sự cần thiết.
  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm được dùng nếu người bệnh có các biểu hiện bi quan, buồn rầu, chán nản và đau khổ do ảnh hưởng của chứng sợ nuốt (Phagophobia). Đối với nhóm thuốc này, tuyệt đối không được ngưng thuốc đột ngột vì có thể tiềm ẩn nhiều nguy hại.
  • Benzodiazepines: Đây là nhóm thuốc an thần có thể được dùng để làm giảm bớt lo lắng và căng thẳng có liên quan đến chứng sợ Phagophobia. Ngoài ra, nhóm thuốc này còn giúp nâng đỡ tinh thần và cải thiện tình trạng mất ngủ trong quá trình trị liệu. Tuy nhiên, Benzodiazepines có khả năng gây nghiện nên chỉ được dùng trong thời gian ngắn và tuyệt đối không ngưng thuốc đột ngột.

3. Các giải pháp đối phó khác

Mặc dù tâm lý trị liệu và sử dụng thuốc có thể mang lại nhiều lợi ích cho chứng sợ nuốt (Phagophobia) nhưng bạn cũng nên áp dụng thêm các kỹ thuật đối phó để tự mình vượt qua sự đau khổ.

Như đã phân tích, các cơ cổ họng thường co thắt khi bạn lo lắng và căng thẳng. Do đó các chiến lược đối phó sẽ tập trung vào việc giữ bình tĩnh. Một số giải pháp có thể giúp ích cho bạn bao gồm:

  • Tìm kiếm sự phân tâm: Trên thực tế, một số người nhận thấy rằng việc nghe nhạc hoặc xem TV khi ăn có thể giúp họ mất tập trung. Từ đó khiến cho việc nhai và nuốt trở nên ít căng thẳng hơn.
  • Cắn từng miếng nhỏ: Cắn từng miếng nhỏ thức ăn hoặc uống từng ngụm nhỏ chất lỏng có thể giúp bạn cảm thấy dễ nuốt hơn so với việc cố gắng tiêu thụ một phần lớn.
  • Nhai kỹ thức ăn: Nhai kỹ thức ăn giúp cho nó mềm ra để bạn dễ nuốt hơn. Điều này sẽ giúp làm giảm bớt lo lắng và căng thẳng cho bạn.
  • Ăn thức ăn mềm: Thức ăn mềm thường gây kích ứng cổ họng ít hơn nhiều so với thức ăn cứng. Bạn có thể áp dụng phương pháp thử và sai nhằm tìm ra loại thực phẩm mang lại cho bạn cảm giác thoải mái nhất.
  • Uống chất lỏng giữa các lần cắn thức ăn: Uống một ngụm nhỏ chất lỏng sau mỗi lần cắn thức ăn có thể giúp quá trình nuốt diễn ra dễ dàng hơn.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Chứng sợ nuốt (Phagophobia) là một dạng rối loạn hiếm gặp nhưng tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nếu bạn nghi ngờ mình mắc phải chứng bệnh này thì cần thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị càng sớm càng tốt. Chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị có thể khiến cho các vấn đề nguy hiểm phát sinh.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *