Giải phóng cảm xúc (Catharsis) là gì? Vai trò đối với cuộc sống
Sự giải phóng cảm xúc giúp làm sạch và thanh lọc nội tâm. Điều này cho phép bản thân buông bỏ những đau khổ trong quá khứ và tiếp tục một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ.
Giải phóng cảm xúc (Catharsis) là gì?
Giải phóng cảm xúc – Catharsis được xem là quá trình giải phóng cảm xúc thông qua các biểu hiện ngôn ngữ, phi ngôn ngữ và nghệ thuật. Nó liên quan đến việc giải phóng cảm xúc tiêu cực bị kìm nén trong tâm trí một thời gian dài.
Thuật ngữ Catharsis bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “katharsis” mang nghĩa “thanh lọc” hoặc “làm sạch”. Trên thực tế, nhà triết học nổi tiếng người Hy Lạp đã liên kết thuật ngữ này với bi kịch văn học, cho rằng khán giả nhìn thấy một vở kịch bi thảm sẽ hình dung ra điểm yếu của chính mình về tinh thần và lương tâm trong các diễn viên.
Nhưng về sau trong lĩnh vực tâm lý học, Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ định nghĩa Catharsis là “sự giải phóng các tác động liên quan đến các sự kiện đau thương đã bị kìm nén trước đó bằng cách đưa những sự kiện này trở lại ý thức và trải nghiệm lại chúng.”
Cảm giác tiêu cực liên quan đến một hoàn cảnh nhất định có thể biểu hiện thành nỗi đau. Những trải nghiệm này có xu hướng lưu lại trong tâm trí một thời gian rất dài. Đây được coi là gánh nặng cảm xúc, nghĩa là cơ thể vẫn đang “vật lộn” với những cảm xúc chưa được giải quyết và giữ chặt nỗi đau, sự hối hận và thịnh nộ.
Cụ thể hơn khi một người trải qua các sự kiện không may hoặc trải qua tổn thương như mất mát người thân, ly hôn,… thì người đó có thể cảm thấy choáng ngợp về cảm xúc. Những cảm xúc này cần được giải phóng để đạt khả năng làm chủ cảm xúc, tránh dồn nén dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm lý.
Phương pháp giải phóng cảm xúc được áp dụng cho các cá nhân có nhiều cảm xúc dồn nén. Quá trình ghi nhớ lại những đau thương là sự căng thẳng trong tinh thần mà con người ghi nhận nó từ sâu bên trong.
Ví dụ: Cô gái cho đi món đồ từng thuộc về bạn trai cũ, đó là cảm giác thanh thản vì nó mang lại cho cô cảm giác giải phóng khỏi đau đớn hoặc oán giận.
Lợi ích của việc giải phóng cảm xúc
Nghiên cứu cho thấy những cảm xúc bị dồn nén gây tổn hại cơ thể, làm suy giảm miễn dịch, dẫn đến các vấn đề tim mạch và bệnh lý nan y. Cảm xúc tiêu cực còn là nguyên nhân của các chứng rối loạn tâm thần, trầm cảm và lo âu. Việc cần thiết phải giải phóng cảm xúc mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, chẳng hạn như tốt cho giấc ngủ, làm chậm quá trình lão hoá, giải tỏa căng thẳng thần kinh, tăng khả năng linh hoạt, cải thiện trí nhớ,….
Giải phóng cảm xúc làm tăng hiệu suất lao động – học tập một cách đáng kể. Nó còn hạn chế các mâu thuẫn, xung đột, các căng thẳng thần kinh và bệnh lý kéo dài.
Vai trò của giải phóng cảm xúc đối với cuộc sống
Catharsis có thể đóng vai trò như một lối thoát tích cực cho những người đang gặp căng thẳng, tức giận và nhiều người đã dựa vào nó để giải phóng thành công những cảm xúc này.
Giải phóng cảm xúc có vai trò quan trọng trong việc giúp giảm bớt lo lắng, loại bỏ ngột ngạt, những trải nghiệm nặng nề nối tiếp nhau. Khi bày tỏ cảm xúc sâu sắc nhất của mình một cách thoải mái thì sẽ cảm thấy nhẹ nhàng từ bên trong, trút bỏ gánh nặng làm phiền mình trong khoảng thời gian dài.
Vai trò của nó còn là giúp ngăn chặn sự tức giận, hung hăng bởi việc trút giận lên ai đó sẽ giải phóng cảm xúc tiêu cực một cách nghiêm trọng.
Catharsis cho phép giải phóng cảm xúc trong môi trường an toàn và được kiểm soát. Vì vậy nó giúp giảm stress, nâng cao nhận thức về cảm xúc, phát triển cá nhân, khuyến khích sự đồng cảm và tự phản ánh.
Làm thế nào để giải phóng cảm xúc?
Điều quan trọng là chúng ta phải dành thời gian giải phóng cảm xúc, khôi phục lại sự cân bằng bên trong. Vì vậy để thực hiện điều này cần thông qua các phương pháp sau đây:
1. Viết nhật ký
Viết nhật ký cho phép bản thân viết ra những suy nghĩ, cảm xúc để con người có thể đối mặt với chúng, hiểu rõ hơn và để chúng qua đi. Không nhất thiết phải là trải nghiệm của chính mình hay đúng chính tả, cái bạn cần viết là suy nghĩ và cảm nhận một cách chi tiết.
2. Trò chuyện với người thân, bạn bè
Trong quá trình xoa dịu cảm xúc, một cuộc trò chuyện với người thân, bạn bè dẫn đến sự phấn chấn. Chia sẻ những sợ hãi, lo lắng có thể giảm bớt gánh nặng một mình. Đồng thời sự thấu hiểu, lời động viên sẽ tạo động lực vượt qua khó khăn và thoải mái hơn trong bộc lộ cảm xúc.
3. Nghe nhạc
Âm nhạc giống như liều thuốc của tâm hồn. Một bản nhạc buồn có thể nhắc nhở quá khứ đau thương và khiến bản thân rơi nước mắt. Bằng cách này con người đang tạo “lối thoát” cho cảm xúc đang bị kìm nén, không thể bộc lộ. Nghe nhạc thật sự xua tan được buồn bã và “mở đường” cho những cảm xúc tích cực.
Âm nhạc liên quan đến nỗi đau buồn được cho là hay hơn âm nhạc liên quan đến niềm vui và hạnh phúc. Vì nó có thể giúp mọi người đối phó với những cảm xúc tiêu cực trong những tình huống nhất định, tùy thuộc vào tính cách, tâm trạng và trải nghiệm trước đây với âm nhạc.
4. Vận động
Vận động thúc đẩy sức khỏe và tinh thần trở nên tốt hơn. Trong quá trình vận động, con người có thể bộc lộ cảm xúc của mình. Tập luyện thường xuyên giúp cảm nhận được cảm xúc tích cực vì nó giải phóng sự căng thẳng thông qua chuyển động như chạy bộ, tập luyện cường độ cao.
5. Các hoạt động liên quan nghệ thuật
Sáng tạo nghệ thuật dưới bất kỳ hình thức nào như hội họa, điêu khắc có nghĩa là đang sử dụng cảm xúc và cho phép chúng tuôn trào trong cơ thể. Các sản phẩm nghệ thuật ra đời là cách giải tỏa những tổn thương đang “mắc kẹt”, những muộn phiền và đau đớn sâu bên trong.
Tác phẩm nghệ thuật là phương pháp giải phóng mạnh mẽ vì khơi dậy những cảm xúc đòi hỏi sự chữa lành lớn hơn. Vì vậy việc tham gia các hoạt động liên quan đến nghệ thuật khiến tâm trạng trở nên phấn chấn và vận động trí óc cũng như cơ thể trở nên một cách linh hoạt hơn.
6. Đọc sách và xem phim
Viết lách và diễn xuất có thể mang lại cảm giác hưng phấn. Tác phẩm văn học và điện ảnh có thể gợi lên nhiều cảm xúc quen thuộc, bao gồm những cảm giác tưởng như đã bị chôn vùi. Đọc sách, xem phim khiến cho suy nghĩ, tư duy, nhận thức đều sẽ tập trung vào nội dung của tác phẩm nên tinh thần và thể chất cũng sẽ được thả lỏng. Điều này làm giảm bớt các cảm giác lo lắng, căng thẳng.
7. Tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý
Trường hợp này thường xảy ra với những người stress, trầm cảm, rối loạn lo âu, sang chấn tâm lý và những hội chứng rối loạn tâm thần khác. Người bệnh cần sự trợ giúp y tế để giải phóng cảm xúc.
Trong tâm lý trị liệu, catharsis đóng vai trò như một công cụ trị liệu, một phương pháp để cá nhân thể hiện và giải phóng những cảm xúc bị kìm nén. Các chuyên gia tâm lý sử dụng nhiều kỹ thuật, phương pháp khác nhau để giúp bệnh nhân đạt đến trạng thái “thanh lọc”.
Tự mình đạt được sự thanh lọc nội tâm có thể hữu ích, nhưng vẫn cần sự giúp đỡ từ chuyên gia bởi đôi khi bản thân phải đối mặt rất nhiều với cơn giận dữ. Nếu có những trải nghiệm tiêu cực nghiêm trọng thì tìm đến chuyên gia tâm lý sẽ có hiệu quả hơn trong việc giúp đối phó với cảm xúc của mình một cách an toàn.
Sự giải phóng cảm xúc có thể giúp mọi người đối phó với những khó khăn hoặc đau đớn trong cuộc sống. Nếu bạn đang phải đối mặt với những cảm xúc khó khăn hay tiêu cực, hãy tìm đến các chuyên gia sức khỏe tâm thần để giải phóng chúng.
Có thể bạn quan tâm:
- Suy nghĩ tiêu cực: Nguyên nhân, biểu hiện và cách ngăn chặn
- Âm nhạc giảm stress căng thẳng và mang lại nhiều lợi ích khác
- Nhiễu loạn cảm xúc: Nguyên nhân và cách chữa trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!