Hành vi tự sát ở tuổi học đường là do đâu? Cách khắc phục
Tỷ lệ tự sát ở tuổi học đường có xu hướng tăng mạnh trong 2 thập kỷ trở lại đây. Trước thực trạng đáng báo động, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về việc những sự việc đau lòng sẽ tiếp tục diễn ra nếu gia đình và nhà trường không có giải pháp khắc phục.
Tự sát ở tuổi học đường – Thực trạng đáng báo động
Trong thời gian gần đây, không khó để tìm thấy các bài báo liên quan đến những sự việc học sinh tự tử và có các hành vi tự làm hại bản thân. Trong 2 thập kỷ trở lại đây, tỷ lệ tự sát ở tuổi học đường tăng lên khoảng 6 lần. Theo đánh giá của các chuyên gia, con số thực sự có thể cao hơn và sẽ tiếp tục gia tăng nếu gia đình, nhà trường không có biện pháp khắc phục.
Đến nay, chưa có con số chính thức thống kê về tỷ lệ tự sát ở tuổi học đường. Dù vậy, một số thống kê ở quy mô nhỏ đã cho thấy thực trạng đáng báo động. Trung bình 1 năm, Bệnh viện Trưng Vương tiếp nhận khoảng 310 ca tự sát dưới 16 tuổi, trong đó 3.5% trường hợp tự sát có liên quan đến áp lực học tập.
Một số nghiên cứu khác được thực hiện ở Bệnh viện tâm thần Mai Hương và Trung tâm phòng chống khủng hoảng tâm lý cho thấy, 20% học sinh từ 10 – 16 tuổi có các vấn đề tâm thần và trong 10.000 học sinh có khoảng 25% trường hợp có ý nghĩ tự sát hoặc đã thực hiện hành vi tự tử.
Trên thực tế, cha mẹ Việt gần như không biết cách chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bản thân lẫn con cái. Tuy nhiên, không giống với người lớn, trẻ em chưa có kinh nghiệm sống, nhận thức và kỹ năng còn non nớt. Khi đối mặt với áp lực, các em chỉ có thể chịu đựng cho đến khi áp lực phát triển thành những vấn đề tâm lý “ăn mòn” tinh thần ngày qua ngày.
Hành vi tự sát ở tuổi học đường là do đâu?
Khách quan mà nói, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi tự sát ở tuổi học đường. Tỷ lệ tự sát tăng lên trong 2 thập kỷ trở lại đây cho thấy, môi trường học tập và những yếu tố tâm lý – xã hội thực sự có tác động lớn đến sức khỏe tinh thần của trẻ trong độ tuổi học đường.
Nguyên nhân gây ra hành vi tự sát ở tuổi học đường sẽ được chia thành 2 nhóm là nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp. Trong đó, nguyên nhân gián tiếp sẽ dẫn đến nguyên nhân trực tiếp, sau đó thôi thúc hành vi tự sát để giải thoát bản thân.
1. Nguyên nhân trực tiếp
Thực tế, đa phần các em học sinh có hành vi tự sát đều mắc phải những vấn đề tâm lý và tâm thần. Do hiểu biết về sức khỏe tâm thần còn hạn chế nên gia đình, nhà trường không phát hiện kịp thời dẫn đến tình trạng các em có hành vi tiêu cực như tự làm tổn thương bản thân, tự sát và một số trẻ có hành vi chống đối xã hội.
Dưới đây là một số nguyên nhân trực tiếp có thể dẫn đến hành vi tự sát ở tuổi học đường:
- Sang chấn tâm lý: Khả năng chịu đựng stress của trẻ trong độ tuổi học đường thường kém hơn rất nhiều so với người trưởng thành. Các em có thể bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng khi mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, áp lực trước kỳ vọng quá lớn của bố mẹ, khác biệt về định hướng nghề nghiệp của gia đình và bản thân,… Nếu phải đối mặt với sang chấn tâm lý nặng nề, trẻ có thể thực hiện hành vi tự sát ngay tức khắc để giải thoát bản thân khỏi áp lực.
- Nghiện game online: Nghiện game online là tình trạng khá phổ biến ở trẻ trong độ tuổi học đường. Tình trạng này đã được công nhận là bệnh tâm thần với hai nhóm triệu chứng phổ biến là nhóm triệu chứng tương tự như nghiện chất và triệu chứng trầm cảm. Nghiện game online không được điều trị sớm có thể khiến các em trở nên hung hăng, phá phách và đôi khi thực hiện hành vi tự sát.
- Trầm cảm tuổi học đường: Trầm cảm tuổi học đường là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra hành vi tự tử ở học sinh, sinh viên. Trầm cảm thường là kết quả do stress kéo dài, bị bắt nạt, tẩy chay, mâu thuẫn với thầy cô giáo và gia đình kéo dài. Trẻ mắc chứng bệnh này thường đau khổ, buồn bã, bi quan và mất hy vọng vào cuộc sống. Trầm cảm cũng khiến cho trẻ hình thành suy nghĩ bản thân là kẻ vô dụng, bất tài, từ đó thôi thúc hành vi tự tử.
- Rối loạn lo âu: Ngoài trầm cảm, rối loạn lo âu cũng là một trong những dạng rối loạn tâm lý tuổi học đường thường gặp. Chứng bệnh này đặc trưng bởi trạng thái lo âu dai dẳng, thái quá và thậm chí là hoang đường. Trẻ bị rối loạn lo âu luôn ở trong trạng thái căng thẳng, lo âu, bi quan, sợ hãi và mất hoàn toàn khả năng thư giãn. Tương tự như trầm cảm, rối loạn lo âu không được phát hiện sớm có thể thôi thúc hành vi tự sát.
- Rối loạn cảm xúc: Rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi cảm xúc không ổn định, khó kiểm soát và cách biểu lộ cảm xúc không phù hợp với hoàn cảnh. Sự thay đổi hormone ở tuổi dậy thì và áp lực học tập khiến nhiều học sinh mắc phải chứng bệnh này. Tương tự như các chứng bệnh trên, rối loạn cảm xúc cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ra hành vi tự sát ở tuổi học đường.
2. Nguyên nhân gián tiếp
Thực tế, các nguyên nhân gián tiếp là yếu tố dẫn đến các vấn đề tâm lý và tâm thần. Những bệnh lý này không được điều trị sớm sẽ tiến triển nặng dần theo thời gian, sau đó thôi thúc hành vi tự hại và tự sát.
Theo các chuyên gia tâm lý, hành vi tự sát tuổi học đường thường có gốc rễ từ những yếu tố sau:
- Do áp lực học tập: Theo thống kê, áp lực học tập là nguyên nhân dẫn đến hành vi tự sát ở 3.5% số ca tự tử trong tuổi học đường. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, không chỉ người lao động mà học sinh, sinh viên cũng phải học tập với chương trình giáo dục nặng nề. Bên cạnh đó, việc quan tâm quá mức đến điểm số từ nhà trường và gia đình cũng làm gia tăng mức độ căng thẳng trong quá trình học tập.
- Cách giáo dục hà khắc: Bên cạnh áp lực học tập, cách giáo dục hà khắc, kiểm soát từ gia đình và nhà trường cũng có thể là nguyên nhân gián tiếp gây ra hành vi tự sát. Thực tế, đa phần gia đình Việt đều dạy con trẻ bằng uy quyền và đòn roi. Tuy nhiên, phương pháp này đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Giáo dục hà khắc khiến trẻ giảm trí thông minh, trở nên bướng bỉnh, nhạy cảm và dễ tổn thương. Những yếu tố này gia tăng các vấn đề tâm lý và thôi thúc những hành vi tiêu cực như tự tử, chống đối, phá phách,…
- Gia đình thiếu sự thấu hiểu: Sự đồng hành và thấu hiểu của gia đình có vai trò quan trọng đối với trẻ trong độ tuổi học đường – nhất là trẻ dậy thì. Gia đình thiếu thấu hiểu khiến các em không có chỗ dựa tinh thần khi đối mặt với áp lực và khó khăn. Thay vì được gia đình chia sẻ, trẻ phải đối mặt với khó khăn một mình và có nguy cơ phát triển các vấn đề tâm lý. Từ đó gây ra những suy nghĩ méo mó, tiêu cực và thôi thúc hành vi tự sát.
- Thiếu sót trong tư vấn tâm lý học đường: Hiện nay, các trường học đã triển khai công tác tư vấn tâm lý học đường để kịp thời tháo gỡ những khó khăn về tâm lý. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều thiếu sót khi phòng tâm lý được xây dựng không riêng tư nên các em học sinh còn e ngại khi tham vấn. Ngoài ra, đội ngũ nhân sự ở phòng tư vấn tâm lý chưa thực sự có kiến thức chuyên sâu và không dành toàn thời gian cho công việc. Những thiếu sót này chính là nguyên nhân khiến các em không được can thiệp tham vấn kịp thời.
- Cộng đồng thiếu hiểu biết về sức khỏe tâm thần: Hiểu biết hạn chế về các vấn đề sức khỏe tâm thần là nguyên nhân gián tiếp làm tăng tỷ lệ tự sát. Thực tế, hầu hết các em học sinh có hành vi tự sát đều có các vấn đề tâm lý, tâm thần nhưng gia đình và nhà trường không phát hiện kịp thời. Thậm chí, nhiều gia đình nhầm lẫn giữa các vấn đề tâm lý với tâm lý nổi loạn trong giai đoạn dậy thì.
Hành vi tự tử ở tuổi học đường hiếm khi xảy ra do một nguyên nhân cụ thể mà là kết quả do nhiều yếu tố tác động. Trong đó, áp lực học tập, cách giáo dục không phù hợp và sự thiếu hiểu biết về sức khỏe tâm lý là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thực trạng đáng báo động như hiện tại.
Cách giảm thiểu, ngăn chặn hành vi tự sát ở tuổi học đường
Hành vi tự sát của trẻ trong độ tuổi học đường không chỉ gây ra ảnh hưởng đối với gia đình mà còn tác động đến tâm lý của các học sinh khác. Để giảm thiểu tình trạng này, gia đình và nhà trường cần phải có biện pháp ngay từ bây giờ.
Một số giải pháp giúp giảm thiểu và ngăn chặn hành vi tự sát ở tuổi học đường:
1. Thay đổi cách giáo dục
Ở các quốc gia Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đa phần các bậc phụ huynh đều giáo dục con cái quá nghiêm khắc và áp đặt. Cách giáo dục này bắt nguồn từ quan điểm cũ về việc cha mẹ có thể toàn quyền quyết định cuộc sống của con cái. Đây là gốc rễ dẫn đến tình trạng kiểm soát con cái và kỳ vọng quá lớn.
Để giảm áp lực cho các em, gia đình nên thay đổi cách giáo dục hà khắc. Thay vì dạy dỗ con cái dựa trên uy quyền, gia đình nên mềm mỏng trong một số tình huống và dùng sự nghiêm khắc để điều chỉnh những hành vi tiêu cực của các con. Bên cạnh đó, sự thấu hiểu, chia sẻ và đồng cảm cũng là những điều bố mẹ nên trang bị để giúp con phát triển một cách toàn diện và lành mạnh.
Trên thực tế, cách giáo dục của gia đình có vai trò rất quan trọng đối với tính cách và nhận thức của trẻ trong độ tuổi học đường. Khi có gia đình là chỗ dựa, trẻ có thể thoải mái chia sẻ và tìm đến bố mẹ khi gặp phải khó khăn trong cuộc sống.
Ngoài ra, nhà trường cũng cần điều chỉnh cách quản lý học sinh. Thay vì quá đặt nặng vấn đề điểm số, nên khuyến khích các em học tập đúng khả năng, tránh học quá nhiều gây áp lực và căng thẳng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần tinh tế trong cách xử phạt, tránh để trẻ bị tổn thương tâm lý và trở nên nhút nhát, mặc cảm. Ngược lại, một số trẻ có thể trở nên phá phách và chống đối do hình thức trách phạt không phù hợp.
2. Giảm áp lực học tập
Như đã đề cập, áp lực học tập là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các rối loạn tâm thần tuổi học đường. Áp lực quá lớn khiến các em luôn ở trong trạng thái căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Nếu không được phát hiện sớm, áp lực học tập có thể thôi thúc các em thực hiện hành vi tự sát để giải tỏa bản thân.
Không khó để nhận thấy các em học sinh dù chỉ mới tiểu học cũng phải đối mặt với tình trạng học quá nhiều, các em phải học nhiều tiết trên trường và hoàn thành một khối lượng lớn bài tập về nhà. Ngoài ra, nhiều gia đình lo sợ con thiếu hụt kiến thức nên luôn cho con học thêm vào thời gian rảnh rỗi. Kết quả là hầu hết các em đều không có thời gian vui chơi và nghỉ ngơi.
Áp lực học tập quá lớn khiến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trẻ mất đi hứng thú khi học tập, thậm chí sợ khi đến trường và ám ảnh về các kỳ thi. Giảm áp lực học tập là biện pháp hữu hiệu giúp phòng ngừa các vấn đề tâm lý và ngăn chặn hành vi tự sát ở tuổi học đường.
Để giảm bớt áp lực cho học sinh cần sự phối hợp từ nhà trường và gia đình. Ngoài việc giảm thời gian học, nên hạn chế cho trẻ quá nhiều bài tập về nhà. Bên cạnh đó, tránh việc so sánh thành tích khiến các em vùi đầu vào học mà bỏ quên các hoạt động vui chơi và giải trí phù hợp với lứa tuổi.
Gia đình không nên tạo áp lực cho con cái. Thay vì kỳ vọng quá lớn, hãy khuyến khích trẻ học đúng năng lực, học để trau đồi kiến thức và kỹ năng. Nếu trẻ yếu kém, có thể đăng ký học thêm nhưng cần đảm bảo con trẻ vẫn có đủ thời gian để giải trí và nghỉ ngơi. Bố mẹ cũng nên thường xuyên trò chuyện để hiểu rõ những khó khăn và áp lực mà con phải đối mặt.
3. Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ trong độ tuổi học đường
Thực tế, sức khỏe tinh thần của học sinh ít được quan tâm như sức khỏe thể chất. Hầu hết các trường học chỉ tập trung giảng dạy văn hóa và cải thiện thể chất cho các em thông qua bộ môn thể dục. Trong khi đó, các em hầu như không được chăm sóc về sức khỏe tinh thần.
Trong độ tuổi học đường, các em chưa có đủ kinh nghiệm và kỹ năng sống. Hơn nữa, sự nhạy cảm sẵn có do thay đổi hormone khiến cho nhiều học sinh phải đối mặt với các vấn đề tâm lý. Vì không được quan tâm kịp thời nên các em dễ tách rời với bạn bè, sống cô lập và khép kín.
Nhà trường có thể chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh thông qua các hoạt động tập thể, vui chơi, thiện nguyện,… để các em được nuôi dưỡng tình yêu thương và sự đồng cảm. Ngoài ra, các hoạt động này còn giúp cải thiện mối quan hệ cô – trò, bạn bè. Đồng thời trang bị thêm cho các em kỹ năng để có thể ứng phó với những tình huống và hoàn cảnh không thuận lợi trong cuộc sống.
Ngoài sự quan tâm từ nhà trường, gia đình cũng cần chú ý chăm sóc sức khỏe tinh thần cho con cái. Tinh thần có mối liên hệ mật thiết với thể chất. Một tinh thần khỏe mạnh sẽ giúp trẻ học tập tốt và phát triển toàn diện.
Gia đình có thể nuôi dưỡng nhân cách cho con trẻ bằng những hành động đơn giản như quan tâm con cái đúng mực, lắng nghe, chia sẻ cùng con và tổ chức các hoạt động gia đình. Những khoảnh khắc dù rất nhỏ cũng mang đến cho con trẻ niềm vui to lớn và nuôi dưỡng trong con tình yêu thương gia đình.
Tuy nhiên, gia đình không nên bảo bọc và chiều chuộng con cái quá mức. Khi trẻ sai, vẫn nên răn dạy và hướng dẫn giải pháp xử lý phù hợp hơn. Trẻ trong độ tuổi học đường chưa hoàn thiện về nhận thức nên không tránh khỏi những sai lầm. Ngoài giờ học chính, nên cho trẻ học thêm các lớp năng khiếu theo sở thích và khuyến khích trẻ vui chơi phù hợp với lứa tuổi.
4. Hoàn thiện công tác tham vấn tâm lý học đường
Tham vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các vấn đề tâm lý, tâm thần. Mặc dù phần lớn các trường học đều đã có phòng tâm lý nhưng công tác tư vấn vẫn còn nhiều thiếu sót. Vì vậy, nhà trường cần hoàn thiện công tác này để các em được quan tâm và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về tâm lý.
Ngoài ra, nên thực hiện hoạt động sàng lọc các vấn đề tâm lý định kỳ để phát hiện sớm các học sinh có biểu hiện bất thường. Tham vấn tâm lý học đường không chỉ giảm thiểu hành vi tự sát mà còn giúp các em giải đáp thắc mắc tuổi mới lớn về bạn bè, tình yêu, bạo lực học đường,… Nhà trường cũng nên tổ chức các lớp kỹ năng để học sinh biết cách bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại tình dục, học cách quản lý và điều chỉnh cảm xúc.
5. Xây dựng môi trường học tập lành mạnh
Bạo lực học đường đang là vấn nạn lớn đối với ngành giáo dục của nước ta. Rất nhiều trẻ mắc phải các vấn đề tâm lý do phải đối mặt với các hành vi bạo lực và tẩy chay từ bạn bè đồng trang lứa. Để tạo môi trường học tập lành mạnh, nhà trường cần chú ý phát hiện và xử lý sớm những thành phần cá biệt. Tuy nhiên, nên suy xét hình phạt phù hợp để các em thay đổi theo chiều hướng tích cực, tránh phản ứng chống đối và phá phách.
Với sự phát triển không ngừng của xã hội, môi trường học tập cũng trở nên phức tạp hơn trước rất nhiều. Gia đình nên quan tâm để kịp thời phát hiện những vấn đề mà trẻ gặp phải. Nếu cảm thấy môi trường học tập không phù hợp, nên xem xét chuyển trường để con cái có thể tập trung học tập và phát triển.
Hành vi tự sát ở tuổi học đường là hệ lụy từ cách giáo dục không phù hợp, áp lực học tập, thiếu sót trong công tác tham vấn tâm lý,… Để nâng cao sức khỏe tinh thần và ngăn chặn hành vi tự sát, gia đình và nhà trường cần có giải pháp ngay từ bây giờ.
Tham khảo thêm:
- Tự Sát Do Trầm Cảm: Thực Trạng Đáng Báo Động
- 7 Nguyên nhân dẫn đến hành vi tự sát ở thanh thiếu niên
- Các bệnh tâm lý ở tuổi dậy thì thường gặp cha mẹ nên quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!