Hiệu ứng bàng quan: Tâm lý luôn cho mình là người ngoài cuộc

Hiệu ứng bàng quan là một trong những hiệu ứng tâm lý thường thấy trong cuộc sống. Khi càng có nhiều người tham gia vào một sự kiện, tinh thần trách nhiệm của mỗi người sẽ giảm đi. Họ sẽ cho rằng những người khác có tài năng và kinh nghiệm tớt hơn trong việc giải quyết vấn đề, và tự động coi nhẹ trách nhiệm của bản thân.

Hiệu ứng bàng quan là gì?

Hiệu ứng bàng quan khiến con người trở nên vô cảm, vô trách nhiệm trước những tai nạn, hay những tệ nạn xấu xa của xã hội. Hiệu ứng bàng quan còn được gọi là hiệu ứng người ngoài cuộc, hay sự thờ ơ của người ngoài cuộc. Thuật ngữ này mô tả hiện tượng càng có nhiều người chứng kiến một sự kiện, thì càng có ít người can dự vào sự kiện đó.

hiệu ứng bàng quan
Hiệu ứng bàng quan khiến con người trở nên vô cảm, ích kỷ và bỏ qua sự an nguy của những người cần sự giúp đỡ.

Ví dụ khi gặp một người bị nạn nằm trên đường, nếu xung quanh chỉ có 1-2 người nhìn thấy, tỉ lệ một trong hai, hoặc cả hai cùng giúp đỡ nạn nhân gọi cấp cứu sẽ cao hơn. Trái lại, nếu một đám đông cũng rơi vào trường hợp tương tự, tỉ lệ một người trong nhóm đứng ra giúp đỡ nạn nhân trước sự chứng kiến của những người khác sẽ hạ thấp.

Vì sao lại có hiện tượng tâm lý này? Nguyên nhân của hiệu ứng bàng quan được cho là xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của con người với một sự việc nhất định. Nếu có ít người chứng kiến, họ sẽ cảm thấy bản thân có trách nhiệm cao hơn và buộc phải can thiệp. Nếu không phải bản thân họ, không ai khác có thể giúp đỡ nạn nhân.

Nhưng khi ở trong một đám đông, tinh thần trách nhiệm đó đã bị phân tán cho tất cả mọi người. Ai cũng cho rằng mình không chịu trách nhiệm chính, không phải mình thì sẽ có người khác đứng ra. Và họ có thể giải quyết vấn đề tốt hơn bản thân. Chính suy nghĩ này biến tất cả chúng ta thành người thờ ơ, bàng quan trước những sự kiện và bất công trước mắt.

Hiệu ứng bàng quan xuất hiện ở bất cứ đâu, bất cứ môi trường nào, từ gia đình, công sở, trường học, hay những nơi công cộng. Các nhà tâm lý học đã tiến hành nhiều cuộc điều tra về hiện tượng tâm lý này, nhất là sau sự kiện sát hại Kitty Genovese vào năm 1964. Sự bàng quan của những người hàng xóm được cho là yếu tố khiến nạn nhân không được cấp cứu kịp thời.

Hiệu ứng người ngoài cuộc thể hiện thông qua nhiều cách khác nhau. Ví dụ trong môi trường công sở, khi được yêu cầu nhận xét về những khó khăn trong công việc, đa phần mọi người không thể hiện ý kiến, dù ai cũng biết vấn đề nằm ở đâu. Họ nghĩ rằng sẽ có người khác xung phong. Hành vi phủi sạch trách nhiệm này cũng là một dạng của hiệu ứng bàng quan.

Có thể thấy trong nhiều trường hợp, tỉ lệ một người tham gia, can dự vào một vấn đề sẽ tỉ lệ nghịch với số lượng người cùng chứng kiến. Sự khuếch tán trách nhiệm, và niềm tin vào khả năng của một nhóm lớn khiến chúng ta chùn bước trước việc giúp đỡ người khác, và cho rằng sẽ có người tốt hơn thay thế nhận lãnh trách nhiệm.

Mô hình quyết định giúp đỡ ảnh hưởng đến hiệu ứng bàng quan

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện bằng cách dàn dựng những tình huống tai nạn, té ngã ngoài đời thật để thử phản ứng của những người chứng kiến. Thông qua hơn 40 thí nghiệm và hàng trăm kết quả thu được, các nhà khoa học nhận thấy rằng, ảnh hưởng của hiệu ứng bàng quan là vô cùng lớn.

Trong một thí nghiệm, họ dàn cảnh một người phụ nữ té ngã và cần được giúp đỡ. Hơn 70% những người chứng kiến sự kiện đó một mình, hoặc chứng kiến cùng một người quen, nhanh chóng giúp đỡ người bị thương. Trong khi đó, con số này chỉ là 40% với nhóm người xa lạ, không quen biết nhau khi cùng chứng kiến sự việc.

hiệu ứng người ngoài cuộc
Cách chúng ta nhận thức và đánh giá một sự kiện có ảnh hưởng đến việc quyết định can thiệp hay không.

Một thí nghiệm khác đưa những người tham gia vào 3 trường hợp: ở trong phòng một mình, ở trong phòng cùng 2 người tham gia khác, và ở cùng phòng với 2 nhân viên của tổ thí nghiệm giả dạng làm người tham gia. Tát cả họ đều bị buộc ngồi làm một bài trắc nghiệm, và sau một thời gian, tổ thí nghiệm thả khói vào phòng.

Kết quả cho thấy, có hơn 75% người trong trường hợp thứ nhất lập tức thông báo về việc phát hiện khói. Trường hợp thứ hai, số lượng người chú động báo cáo là 38%. Còn với trường hợp thứ 3, chỉ có 10% số người (ngoại trừ thành viên giả dạng của tổ thử nghiệm) báo rằng có khói tràn vào phòng.

Sau khi nghiên cứu hiện tượng này, các nhà khoa học đã đưa ra một mô hình nhận thức tên là “Mô hình quyết định giúp đỡ” (Decision Model of Helping) để mô tả cách con người phản ứng trong một tình huống nhất định. Mô hình này có ảnh hưởng đến việc vì sao chúng ta rơi vào hiệu ứng bàng quan.

Mô hình này bao gồm 5 bước, bao gồm: nhận thức, xác định, đánh giá, quyết định và hành động. Chúng ta nhận thức về sự việc trước mắt. Xác định xem đó có phải là trường hợp khẩn cấp cần giúp đỡ, cần thông báo hay không. Đánh giá trách nhiệm và khả năng can thiệp của bản thân. Quyết định có nên can thiệp. Và cuối cùng là hành động theo quyết định đưa ra.

Có thể thấy trong những thí nghiệm trên, việc nhận thức, xác định, đánh giá và quyết định của những người tham gia có nhiều điểm khác biệt, dẫn đến hành vi của họ cũng khác nhau. Trong cả hai thí nghiệm, tất cả mọi người đều nhận thức và xác định được có người cần giúp đỡ, hoặc có bất ổn trong phòng, nhưng họ khác nhau ở việc đánh giá trách nhiệm của bản thân.

Ảnh hưởng của hiệu ứng bàng quan khiến chúng ta bỏ qua trách nhiệm của bản thân, và buộc bản thân không thể hành xử khác người nếu những người xung quanh không có phản ứng với sự việc. Cùng tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng tâm lý này, và vì sao hiệu ứng bàng quan lại ảnh hưởng nhiều đến chúng ta.

Nguyên nhân của hiệu ứng bàng quan

Như đã nói ở trên, mô hình quyết định giúp đỡ có liên quan đến cách con người phản ứng và hành động trong một tình huống cụ thể. Việc nhận thức, đánh giá tình huống và quyết định hành động chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, bao gồm cả những yếu tố chủ quan và khách quan.

1. Sự vô tri đa nguyên

Sự vô tri đa nguyên là một thuật ngữ được dùng trong tâm lý xã hội học. Thuật ngữ này miêu tả việc mọi người tin rằng, suy nghĩ và hành động của họ trái ngược với số đông, thế nên họ cũng hành động theo số đông. Nhưng trên thực tế, họ và tất cả mọi người có cùng suy nghĩ, nhưng không ai thể hiện điều đó.

hiệu ứng bàng quan
Sự vô tri đa nguyên là một thiên kiến nhận thức thường thấy, khiến chúng ta hiểu lầm suy nghĩ của những người khác là trái ngược với bản thân.

Lấy ví dụ trong lớp học, sẽ có những người không theo kịp bài giảng của giáo viên, và họ muốn đề nghị giáo viên giảng lại hoặc giải thích thêm về phần kiến thức chưa hiểu. Tuy nhiên, khi nhìn quanh lớp và không thấy ai phản ứng tương tự, các bạn học sinh sẽ cho rằng tất cả mọi người đều hiểu bài, chỉ có bản thân là khác biệt.

Vì sợ bị phê bình và bị đánh giá là yếu kém, các bạn sẽ từ bỏ việc báo cáo với giáo viên, và tìm cách khác để bù lại phần kến thức thiếu hụt. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều những bạn khác trong lớp cũng gặp rắc rối tương tự, nhưng vì không có ai xung phong bài tỏ vấn đề, tất cả đều mù quáng cho rằng chỉ có bản thân không hiểu, và lựa chọn im lặng vì sợ bị đánh giá.

Đây chính là sự vô tri đa nguyên mà nhiều người đang phạm phải, và là một trong những lý do hình thành hiệu ứng bàng quan. Khi ở trong đám đông, chúng ta sẽ vô thức bị đám đông ảnh hưởng. Nếu mọi người không hành động, ý thức của chúng ta sẽ xác định rằng tình huống không nguy hiểm, dẫn đến việc không ai xung phong can thiệp.

Trong những tình huống ngoài xã hội, càng có nhiều người chứng kiến thi khả năng tình huống bị phớt lờ càng cao. Những người chứng kiến sẽ âm thầm dò xét đám đông xung quanh để xác định đánh giá vê tình huống là đúng hay sai. Cứ như thế, sự vô tri đa nguyên khiến tất cả đều cho rằng bản thân không cần can thiệp, vì chẳng ai phản ứng.

2. Sự phân tán trách nhiệm

Sự phân tán trách nhiệm cũng là nguyên nhân giải thích cho hiện tượng bàng quan. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy yếu tố này khi làm việc một mình và làm việc theo nhóm. Làm việc một mình buộc chúng ta có trách nhiệm hơn với công việc. Nhưng khi làm việc theo nhóm, cảm giác trách nhiệm lại bị phân tán, vì có những người khác gánh vác chung. Đây là một dạng lười biếng xã hội điển hình.

Xem thêm: Lười biếng xã hội (Social Loafing): Nguyên nhân và ảnh hưởng

Tương tự, khi đối diện với người gặp nạn, hay những sự cố đột ngột mà xung quanh có nhiều người, chúng ta đều cho rằng không phải mình thì người khác cũng sẽ can thiệp. Suy nghĩ này một phần cũng đến từ sự ích kỷ của mỗi người, vì không ai muốn bản thân là “chim đầu đàn”, là người khởi xướng và nhận lãnh trách nhiệm.

Ngoài ra, suy nghĩ bản thân không phải là người duy nhất có trách nhiệm cũng giúp chúng ta giảm bớt cảm giác tội lỗi vì không can thiệp. Nếu chỉ có một mình chứng kiến sự việc mà không giúp đõ, cảm giác ám ảnh và tội lỗi sẽ luôn bám lấy nhân chứng. Nhưng nếu xung quanh có nhiều người, cảm giác này sẽ hạ thấp.

Những người qua đường không hẳn là vô tâm, nhưng họ cảm thấy bản thân không có đủ tinh thần trách nhiệm để can thiệp và gánh vác những hậu quả về sau nếu có. Vì thế, họ “đẩy” trách nhiệm đó sang những người xung quanh, với hy vọng có người thay mình gánh vác, giúp bản thân giảm nhẹ cảm giác tội lỗi.

vô cảm
Càng có nhiều người cùng chứng kiến một sự việc thì trách nhiệm can thiệp càng được chia nhỏ, vì mọi người đều cho rằng không chỉ họ mới có khả năng can thiệp.

Ngoài ra, nhiều người cho rằng họ không đủ khả năng xử lý vấn đề, nên dù can thiệp cũng không thay đổi được gì. Vì thế họ cho rằng những người có chuyên môn, có đủ thẩm quyền hơn như bác sĩ, cảnh sát, hoặc những người hoạt động xã hội sẽ hành động. Những đối tượng này có thể giúp đỡ nhiều hơn và toàn diện hơn.

3. Mối quan hệ giữa các đối tượng

Mối quan hệ giữa các đối tượng trong sự kiện cũng ảnh hưởng đến quyết định can thiệp của người qua đường. Với những xô xát, cãi vã giữa người yêu, vợ chồng, giữa những người trong cùng gia đình thì tỉ lệ người qua đường giúp đỡ sẽ rất thấp. Bù lại nếu là hai người không quen nhau, tỉ lệ can thiệp cao hơn nhiều.

Nguyên nhân cho hiện tượng này rất dễ giải thích. Chúng ta thường rất ngại “chen” vào việc nhà của người khác vì có thể gây ra những rắc rối không đáng như bị hiểu lầm. Người xưa có câu “thanh quan khó quản việc nhà” ý nói những chuyện tranh cãi giữa người thân, người yêu với nhau vô cùng phức tạp, đến mức quan tốt cũng không phân định đúng sai được.

Một thí nghiệm được thực hiện cho thấy, khi có một người đàn ông và phụ nữ cãi nhau thì đến 65% người qua đường can thiệp nếu nghe người phụ nữ hô hoán rằng hai người không quen biết. Tuy nhiên, chỉ có 16% người can thiệp nếu biết hai người đang cãi nhau là người yêu hay vợ chồng. Kết quả này chứng tỏ mọi người thường né tránh can thiệp việc gia đình.

Do đó, mối quan hệ giữa những người trong cuộc tranh cãi càng mật thiết, tỉ lệ can thiệp của người qua đường càng giảm. Suy nghĩ này là nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực gia đình tăng cao, vì không chỉ người qua đường mà hàng xóm, người quen của những đối tượng này cũng không can ngăn.

4. Những vấn đề văn hóa xã hội

Hiệu ứng bàng quan cũng chịu ảnh hưởng của đặc điểm văn hóa. Trong nhiều nền văn hóa, việc giúp đỡ hoặc xen vào việc của người khác khi chưa được yêu cầu là hành vi không lịch sự, và có thể gây ra những hiểu lầm không đáng. Vì thế nếu không phải tình hình đặc biệt nghiêm trọng, nhiều người thường không muốn giúp đỡ người bị nạn.

Chưa kể, hiện nay có rất nhiều trường hợp dàn dựng tình huống giả để lừa gạt người qua đường, dẫn đến việc ngày càng có ít người đứng ra giúp đỡ người xa lạ. Báo chí đã cảnh báo nhiều trường hợp giả làm người bị nạn, hoặc dàn dựng cảnh xô xát để cướp xe, cướp tiền, ăn vạ, hành hung hoặc bắt cóc người qua đường.

Chính vì vấn đề này mà hiệu ứng bàng quan ngày càng lan rộng, vì không ai muốn đặt mình vào nguy hiểm. Ngoài ra trong thực tế, đàn ông cũng thường là người can thiệp trong những việc xô xát đánh nhau hoặc tai nạn nghiêm trọng, trong khi phụ nữ sẽ giúp đỡ người bị té ngã, hoặc những trường hợp nhẹ hơn.

tác hại của vô cảm
Những vấn đề văn hóa xã hội, hay nhận thức về sức mạnh giữa nam và nữ cũng ảnh hưởng đến hiệu ứng bàng quan.

Điều này phản ánh nhận thức của mọi người về sự khác biệt giữa nam và nữ. Phụ nữ rất ngại can thiệp những vấn đề liên quan đến bạo lực vì không có khả năng chống trả nếu bị tấn công, vì thế họ thường chọn bỏ qua, bàng quan để người khác chủ động đứng ra. Đàn ông sẽ dễ can thiệp trong nhiều tình huống hơn.

5. Mức độ nghiêm trọng của tình huống

Vào năm 2006, một nghiên cứu đã được thực hiện để xem trong những tình huống khác nhau, hiệu ứng bàng quan có ảnh hưởng đến mọi người như nhau hay không. Kết quả cho thấy, trong những tình huống đột ngột, nạn nhân la hét hoặc thu hút nhiều sự chú ý sẽ dễ được giúp đỡ hơn. Ngược lại, khi nạn nhân không thể nói hay hành động thì rất dễ bị người khác bỏ qua.

Ngoài ra, mức độ nghiêm trọng của tình huống cũng có thể làm nhẹ hiệu ứng bàng quan. Với những tình huống không quá nghiêm trọng, tỉ lệ người qua đường giúp đỡ nạn nhân khi chứng kiến một mình cao hơn so với đông người chứng kiến. Trong trường hợp này hiệu ứng người ngoài cuộc thể hiện rất rõ.

Nhưng với những tình huống nguy hiểm, đe dọa tính mạng thì tỉ lệ người qua đường giúp đỡ khi chứng kiến một mình, và chứng kiến cùng nhiều người đều rất cao. Thí nghiệm này chứng tỏ mức độ nghiêm trọng của tình huống sẽ ảnh hưởng đến quyết định can thiệp của người qua đường, dù là ít người hay nhiều người.

6. Tính cách và cảm xúc cá nhân

Tính cách và cảm xúc của con người ảnh hưởng đến việc chúng ta nhìn nhận sự việc. Những người có tích cách vui vẻ, thích giúp đỡ người khác thường ít bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng bàng quan. Ngược lại, những người nhút nhát, khả năng giao tiếp kém, không quan tâm đến chuyện của người khác sẽ thể hiện sự bàng quan của mình thường xuyên hơn.

Họ đơn giản là không thích chen vào việc của người khác, mà chỉ quan tâm đến bản thân để tránh những rắc rối không đáng. Họ ít để ý đến những tình huống khẩn cấp, hoặc cảm thấy bản thân không cần can thiệp. Tính cách cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định can thiệp hay giúp đỡ người khác.

Ngoài ra với những người có tâm trạng vui vẻ, họ sẽ chú ý nhiều hơn đến những việc xung quanh, cảm nhận được tình huống không ổn, và có tỉ lệ giúp đỡ người bị nạn cao hơn. Trái lại khi tâm trạng không tốt, có nhiều cảm xúc tiêu cực, chúng ta sẽ không để ý đến những việc đang xảy ra, không muốn chuốt thêm rắc rối vào người, và có xu hướng bàng quan trước mọi thứ.

Ảnh hưởng tiêu cực của hiệu ứng bàng quan

Hiệu ứng bàng quan có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và sự an toàn của những người xung quanh. Khi gặp tai nạn hay những sự cố bất ngờ, bất cứ ai cũng mong nhận được sự giúp đỡ của người qua đường. Tuy nhiên, hiệu ứng tâm lý này lại ngăn cản điều đó, khiến người cần giúp đỡ không được hỗ trợ kịp thời.

ảnh hưởng của hiệu ứng bàng quan
Nhiều người không hề giúp đỡ người bị nạn, mà còn thản nhiên quay lại cảnh tượng này đăng lên mạng để được nổi tiếng, kiếm tiền trên sự đau khổ của người khác.

Hiệu ứng người ngoài cuộc khiến con người trở nên ích kỷ và vô cảm. Nếu cứ để hiệu ứng này lan rộng và trở thành một điều dĩ nhiên, con người sẽ dần vô cảm trước nỗi đau của người khác và để mặc cho cái xấu hoành hành. Khi chúng ta cần đến sự trợ giúp, cũng sẽ không có ai đứng ra hỗ trợ, tương tự như điều ta làm với người khác.

Đáng nói hơn, nhiều người không giúp đỡ mà còn đứng cản trở công tác cứu hộ, dùng điện thoại quay chụp lại nhằm đăng lên mạng “câu like”. Họ không quan tâm đến sinh mạng và an nguy của người khác, mà chỉ chú ý đến bản thân. Đến khi chính họ cần sự giúp đỡ thì không có ai sẵn sàng hỗ trợ.

Đã có nhiều trường hợp người bị nạn không qua khỏi, hoặc gặp nạn nghiêm trọng hơn chỉ vì người qua đường làm ngơ, bàng quan trước khó khăn của đồng loại. Phần lớn những trường hợp không được giúp đỡ kịp thời đó là phụ nữ. Hiệu ứng bàng quan của đám đông khiến ngày nay, việc biết cách tự bảo vệ bản thân là ưu tiên hàng đầu của mỗi người.

Như đã nói ở trên, một trong những hậu quả dễ thấy nhất của hiệu ứng bàng quan là nạn bạo lực gia đình. Mọi người vì ngại chen vào chuyện gia đình người khác nên mặc dù biết tệ nạn này xảy ra trong thời gian dài, nhưng không ai can ngăn. Cho đến khi xảy ra án mạng hay những sự việc nghiêm trọng thì đã muộn.

Sự vô cảm và bo bo giữ mình có thể giúp chúng ta không rơi vào nguy hiểm trong một số tình huống đặc biệt. Nhưng nếu để tình trạng này tiếp diễn và trở thành thói quen, thành một điều dĩ nhiên trong xã hội thì còn người sẽ ngày càng vô cảm, dửng dưng trước khó khăn của người khác.

Cách vượt qua ảnh hưởng của hiệu ứng bàng quang

Để vượt qua ảnh hưởng của hiệu ứng bàng quan, chúng ta cần nhận thức đúng đắn về việc giúp đỡ người khác, và đừng để sự nhú nhát, vô cảm ảnh hưởng đến bản thân. Trong cuộc sống có rất nhiều người cần giúp đỡ, bạn cần chuyển suy nghĩ tiêu cực thành tích cực để vượt qua ảnh hưởng xấu của hiệu ứng người ngoài cuộc.

  • Lan tỏa hành vi tích cực: Lan tỏa hành vi tích cực là cách tốt nhất để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của hiệu ứng bàng quan. Khi chứng kiến càng nhiều việc tốt, càng quan sát hành động của những người xung quanh, chúng ta sẽ có xu hướng bắt chước hành vi của những người đó. Ví dụ khi thấy nhiều trường hợp người xa lạ giúp đỡ người bị nạn, thì khi rơi vào tình huống tương tự, chúng ta cũng sẽ chủ động giúp đỡ người khác.
  • Tỉnh táo khi nhận định tình huống: Nhiều trường hợp người qua đường không can thiệp vào chuyện của người khác, là vì họ không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Ngoại trừ những trường hợp có dấu hiệu rõ ràng và khẩn cấp, nhiều người có thể bỏ qua những tình huống ít nghiêm trọng hơn. Sự vô tri đa nguyên cũng khiến chúng ta luôn chú ý đến sắc mặt và hành vi của người khác trước khi quyết định hành động. Chính vì thế, chúng ta nên tỉnh táo khi nhận định tình huống, và tự quyết định xem có nên can thiệp hay không.
hiệu ứng bàng quan
Hãy nhận định tình huống một cách tỉnh táo để chủ động can thiệp trong mọi tình huống cần thiết, đứng quan tâm đến hành vi của những người xung quanh.
  • Cảm giác tội lỗi: Cảm giác tội lỗi có thể thúc đẩy chúng ta giúp đỡ những người xung quanh. Chúng ta có thể nghĩ đến những ảnh hưởng tiêu cực, những hậu quả có thể xảy ra với người bị nạn để chủ động giúp đỡ họ, tránh bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng người ngoài cuộc. Cảm giác tội lỗi sẽ thúc đẩy một người làm mọi cách để thoát khỏi cảm xúc tiêu cực này. Chính vì thế, hãy nghĩ về những điều tốt người bị nạn nhận được nếu được giúp đỡ, từ đó thúc đẩy bản thân hành động để giúp đỡ người khác.
  • Tin rằng ai đó cần được giúp đỡ: Khi bạn tin rằng một ai đó cần sự giúp đỡ, bạn sẽ chủ động giúp đỡ họ. Chính vì thế hãy luôn có cái nhìn tích cực về mọi thứ, và tự nhủ rằng có rất nhiều người cần đến sự giúp đỡ của bạn. Nếu lo lắng bản thân có thể bị lừa hoặc gặp rắc rối, bạn có thể chủ động hô hào những người xung quanh trợ giúp. Khi có một người đầu tiên chủ động đứng ra, những người khác cũng sẽ nhanh chóng giúp đỡ.
  • Tự tạo niềm vui cho cuộc sống: Cảm xúc tích cực sẽ thúc đẩy hành động tích cực. Khi chúng ta vui vẻ, hạnh phúc, và có nhiều niềm vui trong cuộc sống, ta sẽ dễ dàng đưa tay giúp đỡ người khác hơn. Do đó các tốt nhất để ngăn chặn cảm xúc tiêu cực, và hạn chế ảnh hưởng của hiệu ứng bàng quan là luôn giữ thái độ sống tích cực. Có như vậy, chúng ta sẽ lan tỏa năng lượng tích cực, và lòng tốt, lòng trắc ẩn đến mọi người.

Hiệu ứng bàng quan, hay hiệu ứng người ngoài cuộc, là một vấn đề rất thường gặp trong đời sống, và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng dù bắt nguồn từ nguyên nhân nào, hành vi thờ ơ và bàng quan trước những người gặp nạn, trước những bất công, tệ nạn trong cuộc sống đều đáng bị lên án.

Mỗi người  trong chúng ta nên có cái nhìn tích cực trong việc giúp đỡ, can thiệp trong những tình huống ngoài cuộc sống. Đừng để hiệu ứng này biến mọi người thành những con người ích kỷ, vô cảm. Vì nếu không, đến lúc chúng ta cần đến sự giúp đỡ, sẽ không có ai vươn tay hỗ trợ.

Có lẽ bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *