Hội Chứng Baby Blues: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Điều Trị
Hội chứng Baby Blues là vấn đề tâm lý thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh – đặc biệt là với những người lần đầu tiên làm mẹ. Hội chứng này đa phần đều có thể tự thuyên giảm sau một thời gian ngắn nhưng cũng có thể phát triển thành một số rối loạn tâm lý, tâm thần có mức độ nặng.
Hội chứng Baby Blues là gì?
Hội chứng Baby Blues là tình trạng khá phổ biến ở phụ nữ sau khi sinh. Đây là một dạng rối loạn tâm lý có mức độ nhẹ, xuất hiện sau khi sinh nở khoảng vài ngày và kéo dài trong vài tuần. Theo số liệu thống kê, khoảng 80 – 85% mẹ bỉm gặp phải hội chứng Baby Blues với biểu hiện khá đa dạng.
Hội chứng này khác với trầm cảm sau khi sinh nhưng biểu hiện có nhiều điểm tương đồng. Đa phần những trường hợp mắc hội chứng Baby Blues đều có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp phát triển thành trầm cảm, rối loạn lo âu và loạn thần sau sinh.
Nhìn chung, hội chứng Baby Blues không quá nghiêm trọng và có thể thuyên giảm nếu mẹ bỉm được quan tâm, chăm sóc đúng cách. Dù xảy ra do nguyên nhân nào, người chồng vẫn giữ vai trò quan trọng nhất trong việc điều chỉnh và cân bằng cảm xúc cho mẹ bỉm. Vì vậy, phần lớn những mẹ bỉm có đời sống hôn nhân không hạnh phúc đều phải đối mặt với các rối loạn tâm lý, tâm thần nghiêm trọng sau khi sinh nở.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Baby Blues
Hội chứng Baby Blues đặc trưng bởi tình trạng cảm xúc giảm thấp nhưng mức độ thường nhẹ hơn so với trầm cảm. Hội chứng này khởi phát triệu chứng sau khi sinh từ 2 – 3 ngày nhưng cũng có những trường hợp xuất hiện muộn từ 1 – 2 tuần. Đây là thời điểm nhạy cảm khi cơ thể của mẹ vừa trải qua quá trình sinh nở và có một loạt thay đổi về tâm sinh lý.
Đến nay, các chuyên gia tâm lý vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân gây hội chứng Baby Blues. Tuy nhiên, hội chứng này được cho là có liên quan đến những yếu tố sau:
1. Mất cân bằng hormone
Mất cân bằng hormone là tình trạng rất phổ biến ở mẹ sau sinh. Sau khi sinh nở, cơ thể sẽ giảm sản xuất hormone estrogen và progesterone, đồng thời tăng hormone prolactin để kích thích tiết sữa và giúp mẹ chăm sóc bé tốt hơn.
Các nội tiết tố này không chỉ chi phối kinh nguyệt và tuyến sữa mà còn ảnh hưởng đến một loạt các cơ quan trong cơ thể. Hormone thay đổi đột ngột đã được xác định là có liên quan đến hội chứng Baby Blues và các vấn đề tâm lý thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh. Các chuyên gia cho rằng, mất cân bằng nội tiết tố khiến cho chất dẫn truyền thần kinh bị rối loạn và đây là yếu tố trực tiếp dẫn đến sự bất ổn về mặt cảm xúc, tinh thần.
2. Rối loạn giấc ngủ sau sinh
Sau khi sinh nở, mẹ bỉm sẽ phải đối mặt với các rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn và không sâu giấc. Nguyên nhân có thể do trẻ hay quấy khóc vào ban đêm và mất cân bằng nội tiết tố.
Giấc ngủ có vai trò quan trọng đối với hoạt động của não bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng. Tình trạng thiếu ngủ, mất ngủ diễn ra liên tục trong vài ngày chính là yếu tố kích thích hội chứng Baby Blues bùng phát. Ngoài ra, rối loạn giấc ngủ sau sinh còn gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý và tâm thần.
3. Áp lực trong cuộc sống
Hội chứng Baby Blues cũng có liên quan đến stress (căng thẳng thần kinh). Sau khi sinh là thời điểm khá nhạy cảm và bản thân mẹ sẽ dễ lo lắng, buồn bã, xúc động hơn. Do đó, những tác động gây stress trong thời điểm này cũng có thể gia tăng nguy cơ mắc hội chứng Baby Blues. Theo các chuyên gia tâm lý, hội chứng này thường xảy ra sau khi mẹ bỉm phải đối mặt với các áp lực như:
- Quá bận rộn với việc chăm sóc con trẻ, nhất là khi không có sự hỗ trợ từ bạn đời, gia đình và thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ nhỏ
- Áp lực tài chính
- Đối mặt với nguy cơ mất việc hoặc bị giảm lương
- Áp lực do công việc quá nhiều và phải quay trở lại với công việc từ sớm
- Bạn đời thiếu sự thấu hiểu và không có trách nhiệm với gia đình
- Mâu thuẫn với mẹ chồng và những người thân trong gia đình
- Bản thân bị chẩn đoán mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc vừa trải qua các biến chứng thai kỳ.
- Trẻ sinh ra không khỏe mạnh và phải điều trị tại bệnh viện.
4. Suy nhược cơ thể
Các chuyên gia cho biết, suy nhược cơ thể ở phụ nữ sau sinh là yếu tố thuận lợi dẫn đến một loạt các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu và hội chứng Baby Blues. Suy nhược khiến cho các cơ quan suy giảm hoạt động, đồng thời gây rối loạn các tuyến nội tiết bao gồm hệ trục tuyến yên – vùng dưới đồi – buồng trứng và tuyến giáp.
Những tác động này “vô tình” làm mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh và hậu quả là khiến cảm xúc giảm thấp. Với những trường hợp suy nhược cơ thể kết hợp với các yếu tố stress nặng, mẹ bỉm có thể phải đối mặt với nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa và loạn thần sau sinh.
5. Di truyền
Dù chưa tìm thấy gen gây bệnh nhưng các chuyên gia nhận thấy, hội chứng Baby Blues có khả năng di truyền. Nguy cơ tăng lên đáng kể nếu mẹ và chị/ em gái có tiền sử bị hội chứng này sau khi sinh. Ngoài ra, mẹ cũng nên có biện pháp phòng ngừa nếu người thân từng bị trầm cảm, rối loạn lo âu trong thời gian mang thai và cho con bú.
6. Tiền sử trầm cảm, rối loạn lo âu
Những mẹ bỉm có tiền sử trầm cảm, rối loạn lo âu sẽ có nguy cơ bị hội chứng Baby Blues cao hơn. Ngoài ra, mẹ cũng nên có biện pháp phòng ngừa từ sớm bởi sau khi sinh nở là thời điểm nhạy cảm rất dễ tái phát các rối loạn tâm lý, tâm thần mãn tính.
Nhận biết mẹ mắc hội chứng Baby Blues
Hội chứng Baby Blues có biểu hiện khá giống với trầm cảm. Tuy nhiên, các triệu chứng do hội chứng này thường có biểu hiện nhẹ và khởi phát sớm hơn so với trầm cảm. Thông thường, các biểu hiện của hội chứng Baby Blues sẽ khởi phát sau 2 – 3 ngày kể từ thời điểm sinh nở nhưng cũng có thể xuất hiện muộn hơn.
Để có biện pháp khắc phục kịp thời, gia đình nên quan tâm đến phụ nữ sau khi sinh. Mẹ bỉm mắc hội chứng Baby Blues sẽ có những biểu hiện như sau:
- Tâm trạng nhạy cảm, bất ổn và dễ xúc động ngay cả với những sự việc không đáng kể.
- Thường có cảm giác chán nản, mệt mỏi, uể oải và buồn bã dai dẳng. Thậm chí một số mẹ bỉm còn có rơi vào trạng thái đau khổ và bức bối.
- Không có cảm nhận sâu sắc và gần gũi với đứa trẻ. Nhiều mẹ bỉm hoàn toàn không cảm nhận được đây là đứa con mà mình đã sinh ra.
- Dễ cáu gắt, nóng nảy và tức giận. Việc gắt gỏng liên tục khiến cho đời sống gia đình nặng nề và gia tăng mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống.
- Tinh thần không thoải mái, luôn có cảm giác bất an, bồn chồn, lo lắng,…
- Cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống nhưng rất khó ngủ, ngủ chập chờn và không sâu giấc.
- Lo lắng quá mức về mọi thứ, đặc biệt là sức khỏe của bản thân và đứa trẻ.
- Dành nhiều thời gian để suy nghĩ nhưng thường suy nghĩ không rõ ràng, có cái nhìn bi quan và tiêu cực về mọi thứ dẫn đến một vòng luẩn quẩn.
- Khó khăn khi đưa ra các quyết định, kể cả những quyết định nhỏ nhất.
- Đánh giá thấp bản thân về kỹ năng làm mẹ và chăm sóc con cái.
- Cảm thấy trống rỗng và thiếu thốn vì không thể đi du lịch, mua sắm và gặp gỡ bạn bè một cách thoải mái.
Trên thực tế, sự xuất hiện của em bé sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong cuộc sống của mẹ và gia đình. Vì vậy, việc có những tâm lý này là hoàn toàn bình thường. Nếu biết cách điều chỉnh, tình trạng sẽ nhanh chóng được cải thiện và bản thân mẹ có thể vững vàng tâm lý để chăm sóc con trẻ tốt hơn.
Ảnh hưởng của hội chứng Baby Blues
Hội chứng Baby Blues là tình trạng khá phổ biến ở phụ nữ sau khi sinh. Biểu hiện của hội chứng này có sự khác biệt ở từng trường hợp. Một số mẹ bỉm gặp phải các triệu chứng nhẹ, mức độ không đáng kể và tình trạng giảm nhanh chỉ sau vài ngày. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp gặp phải triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài lâu hơn.
Đa phần những trường hợp bị hội chứng Baby Blues đều có thể tự thuyên giảm sau một thời gian nhất định. Trong thời gian này, gia đình và đặc biệt là bạn đời cần dành sự quan tâm đặc biệt cho mẹ bỉm. Đồng thời nên đồng cảm với tâm trạng bất ổn và nhạy cảm quá mức ở phụ nữ sau khi sinh để tránh những xung đột không đáng có.
Trong một số ít trường hợp, hội chứng Baby Blues có thể phát triển thành trầm cảm sau sinh, rối loạn lo âu và nhiều bệnh tâm lý khác – nhất là trong trường hợp gia đình đang phải đối mặt với những khó khăn về tài chính, bạn đời không chung thủy và thiếu trách nhiệm.
Những vấn đề tâm lý xảy ra trong thời điểm này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn tác động đến quá trình phát triển thể chất và tâm lý của trẻ. Ngoài sự quan tâm từ gia đình, bản thân mẹ bỉm cũng nên trang bị những kiến thức về các vấn đề tâm lý thường gặp để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Cách điều trị hội chứng Baby Blues cho mẹ sau sinh
Hội chứng Baby Blues là tình trạng khá phổ biến ở mẹ sau sinh, xảy ra do thay đổi nội tiết tố và suy nhược cơ thể. Hội chứng này có thể được cải thiện thông qua các biện pháp chăm sóc và thư giãn hợp lý. Bên cạnh đó, mẹ bỉm cũng nên chủ động chia sẻ với mọi người tình trạng sức khỏe của bản thân và tìm gặp bác sĩ trong những trường hợp cần thiết.
Nếu đang phải đối mặt với hội chứng Baby Blues, mẹ bỉm có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện sau:
1. Học cách chia sẻ với bạn đời và gia đình
Trước tiên, mẹ bỉm nên chia sẻ với bạn đời và gia đình tình trạng mà bản thân đang phải đối mặt. Bởi trên thực tế, hiểu biết của mọi người về các vấn đề tâm lý và tâm thần còn hạn chế. Nếu không chủ động chia sẻ, mọi người sẽ không thể thấu hiểu và thông cảm cho những bất ổn về tâm lý của bản thân. Điều này sẽ làm gia tăng xung đột, mâu thuẫn trong gia đình và “vô tình” khiến cho tình trạng trở nên nghiêm trọng dần theo thời gian.
Khi chia sẻ với bạn đời và gia đình, mẹ bỉm sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Trên thực tế, một số người lớn (nhất là người ở thế hệ trước) có thể không đồng cảm về tình trạng mà mẹ bỉm đang phải đối mặt. Trong trường hợp này, có thể chia sẻ với bạn đời, chị em trong gia đình và bạn bè thân thiết.
Nếu gia đình có tiền sử bị hội chứng Baby Blues, nên trang bị sẵn kiến thức và kinh nghiệm để vượt qua hội chứng này. Sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè chính là động lực để mẹ bỉm thoát khỏi sự buồn bã, chán nản và cảm nhận được ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
2. Dành thời gian chăm sóc bản thân
Sau khi sinh nở, cơ thể của mẹ dễ bị suy nhược và phải mất một thời gian khá dài để có thể phục hồi hoàn toàn. Thể trạng kém cộng với sự bất ổn của nội tiết tố chính là nguyên nhân gây hội chứng Baby Blues và một loạt các vấn đề tâm lý, tâm thần khác.
Để vượt qua hội chứng này, mẹ bỉm nên dành thời gian chăm sóc bản thân. Trong thời gian đầu, cần tránh suy nghĩ quá nhiều và tận dụng thời gian trẻ ngủ để nghỉ ngơi. Rất khó để mẹ có thể ngủ một giấc dài nhưng việc nghỉ ngơi nhiều lần trong ngày cũng sẽ giúp mẹ phục hồi sức khỏe và giảm bớt sự mệt mỏi.
3. Nhờ người thân chăm sóc trẻ
Chăm sóc trẻ nhỏ mất rất nhiều thời gian và mẹ gần như không có thời gian dành cho bản thân. Ngoài việc cho trẻ bú và tắm rửa, mẹ còn phải giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng và hoàn thành một loạt các công việc không tên khác. Với những người lần đầu tiên làm mẹ, thật sự không dễ dàng để có thể hoàn thành tốt mọi thứ.
Khi nhận thấy bản thân còn nhiều thiếu sót, không ít mẹ bỉm có suy nghĩ bản thân vô dụng và cảm thấy dằn vặt, lo lắng quá mức. Để thoát khỏi hội chứng Baby Blues, mẹ bỉm nên tìm kiếm sự giúp đỡ của người thân nếu cảm thấy quá tải.
Trong trường hợp gia đình neo người, có thể thuê các dịch vụ theo giờ để được hỗ trợ làm một số công việc nhà. Sự hỗ trợ của mọi người sẽ giúp mẹ bỉm giải tỏa bớt căng thẳng và cảm thấy thoải mái hơn. Ngoài ra, mẹ cũng nên dành thời gian trò chuyện với những người đã có kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ nhỏ để hoàn thành mọi thứ tốt hơn.
4. Trang bị các biện pháp thư giãn
Áp lực từ việc chăm sóc con trẻ cộng với thể trạng suy nhược sẵn có khiến cho mẹ bầu rất dễ bị stress. Căng thẳng là yếu tố dẫn đến hội chứng Baby Blues và một loạt các vấn đề tâm lý, tâm thần khác. Do đó, phụ nữ sau khi sinh nên trang bị một số biện pháp thư giãn như:
- Ngồi thiền: Ngồi thiền là phương pháp thư giãn hữu hiệu thích hợp với phụ nữ mang thai và sau khi sinh. Phương pháp này không đòi hỏi người tập phải thực hiện các động tác khó mà chỉ yêu cầu ngồi xếp bằng một cách thoải mái và điều chỉnh nhịp thở đều đặn để cân bằng tâm trí, giải tỏa stress và những cảm xúc tiêu cực. Các chuyên gia tâm lý khuyến khích mẹ bầu và phụ nữ sau sinh nên ngồi thiền để ổn định tâm trạng, hạn chế stress và các vấn đề tâm lý thường gặp khác.
- Nghe nhạc tần số cao: Nhạc tần số cao có khả năng kích thích các tế bào thần kinh ở não bộ giúp giải tỏa căng thẳng và phiền muộn. Một số nghiên cứu cho thấy, nghe nhạc tần số cao hằng ngày giúp giải pháp endorphin và serotonin, từ đó cải thiện tâm trạng, giảm mệt mỏi và điều chỉnh nhịp tim. Vì vậy, mẹ bỉm có thể nghe nhạc tần số cao vào sáng sớm hoặc buổi tối trước khi ngủ để cải thiện các triệu chứng do hội chứng Baby Blues gây ra.
- Massage: Sau khi sinh nở, cơ thể của mẹ bỉm thường xuyên bị đau nhức và căng cơ. Do đó, mẹ bỉm có thể nhờ người thân massage vào mỗi tối với các loại tinh dầu có mùi thơm tự nhiên. Biện pháp này vừa giúp giảm nhức mỏi vừa hỗ trợ cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng hiệu quả.
5. Tập thể dục hằng ngày
Theo quan niệm dân gian, phụ nữ sau khi sinh phải mặc ấm, hạn chế vận động và kiêng tiếp xúc với nước. Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Ngoại trừ những trường hợp sinh nở phải hạn chế vận động, phụ nữ sinh thường nên đi lại nhẹ nhàng và thực hiện một số bài tập yoga cường độ nhẹ sau khi sinh.
Khi tập thể dục, não bộ sẽ tăng sản xuất endorphin có tác dụng giãn cơ, giảm đau đầu, giải phóng stress và các cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra, luyện tập thường xuyên còn là cách để nâng cao sức khỏe, đào thải hết sản dịch và giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng. Đa phần mẹ bỉm có thói quen tập thể dục đều có thể trạng khỏe mạnh, dẻo dai và tinh thần ổn định hơn so với những người lười vận động.
6. Sử dụng một số loại thảo dược
Hội chứng Baby Blues gây ra khá nhiều triệu chứng cả về thể chất và tinh thần. Nếu cần thiết, mẹ bỉm có thể sử dụng một số loại thảo dược để cải thiện giấc ngủ và tâm trạng. Trong thời gian sau sinh, mẹ nên hạn chế dùng thuốc vì có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa và gián tiếp tác động đến sự phát triển của thai nhi.
Để cải thiện các triệu chứng do hội chứng Baby Blues gây ra, mẹ bỉm có thể sử dụng một số loại thảo dược sau:
- Hoa cúc: Hoa cúc là thảo dược tự nhiên, an toàn và lành tính với phụ nữ sau khi sinh. Mẹ bỉm gặp phải hội chứng Baby Blues có thể sử dụng trà hoa cúc để giải tỏa căng thẳng và cải thiện một số vấn đề về giấc ngủ. Tác dụng của hoa cúc được xác định là nhờ vào hàm lượng apigenin dồi dào. Hoạt chất này có hiệu quả giảm stress và hỗ trợ giảm nguy cơ bị trầm cảm khi mang thai, sau sinh.
- Cam thảo: Cam thảo là vị thuốc quý trong Đông y với tác dụng bổ tỳ vị, thanh nhiệt, giải độc, nhuận phế,… Mẹ sau sinh thường có thể trạng suy nhược, vị giác giảm và ăn uống kém. Để cải thiện tình trạng này, mẹ có thể dùng trà cam thảo uống hằng ngày. Ngoài những tác động kể trên, trà cam thảo còn giúp giải tỏa stress và cải thiện tình trạng mất ngủ, khó ngủ hiệu quả.
- Atiso: Atiso là thảo dược tốt cho mẹ bỉm bị hội chứng Baby Blues. Thảo dược này cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa có tác dụng thư giãn, giảm căng thẳng và phục hồi cơ thể. Ngoài ra, trà và các món ăn từ atiso còn giúp cải thiện vị giác và kích thích tiết sữa.
Mẹ bỉm nên tránh sử dụng các loại thảo dược có dược tính mạnh vì có thể gây ra tác dụng phụ cho bé. Nếu tình trạng không có cải thiện khi sử dụng các loại thảo dược kể trên, mẹ nên xét xét tìm gặp bác sĩ để được chỉ định loại thuốc phù hợp.
7. Tìm gặp chuyên gia tâm lý
Hầu hết những trường hợp bị hội chứng Baby Blues đều có thể thuyên giảm sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, một số mẹ bỉm có thể phát triển các rối loạn tâm lý có mức độ nghiêm trọng hơn nếu liên tục phải đối mặt với stress.
Trong trường hợp tình trạng không cải thiện, mẹ bỉm nên tìm gặp bác sĩ/ chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Can thiệp sớm sẽ giúp phụ nữ sau sinh bình ổn lại tâm lý và giảm thiểu nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như rối loạn lo âu, trầm cảm, loạn thần sau sinh,…
Hội chứng Baby Blues là tình trạng khá phổ biến ở phụ nữ sau khi sinh. Mặc dù không phải là tình trạng quá nghiêm trọng nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách, mẹ bỉm sẽ phải đối mặt với các biến chứng nặng nề. Ngoài ra, gia đình và đặc biệt là bạn đời phải dành sự quan tâm đặc biệt đến bạn đời để tránh những tình huống đáng tiếc.
Tham khảo thêm:
- Trầm cảm nội sinh là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và chữa trị
- Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không? Kéo dài bao lâu?
- Chứng mất ngủ kéo dài và trầm cảm có mối liên hệ như thế nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!