Hội chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia) và biện pháp khắc phục
Hội chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia) là tình trạng suy giảm hoặc mất hoàn toàn ngôn ngữ do tổn thương thực thể ở não bộ. Hội chứng này gặp chủ yếu ở người cao tuổi do đột quỵ, chấn thương sọ não, nhiễm trùng não hoặc u não.
Hội chứng bất lực ngôn ngữ – Aphasia là gì?
Hội chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia) là tình trạng mất hoàn toàn hoặc suy giảm ngôn ngữ dẫn đến những khó khăn trong việc giao tiếp. Hội chứng này thường xảy ra đột ngột sau khi bị chấn thương não, u não, viêm não và phần lớn là do đột quỵ.
Aphasia thực chất là một dạng rối loạn ngôn ngữ. Rối loạn ngôn ngữ có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn với nguyên nhân đa dạng như do chấn thương não, u não, tai biến mạch máu não (đột quỵ) hoặc cũng có thể do rối loạn trong quá trình phát triển thần kinh. Trong đó, hội chứng bất lực ngôn ngữ là sự suy giảm hoặc mất ngôn ngữ đột ngột do tổn thương thực thể ở não bộ.
Hội chứng bất lực ngôn ngữ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Sự suy giảm/ mất hoàn toàn khả năng ngôn ngữ khiến người bệnh gặp cản trở trong quá trình giao tiếp, viết và thậm chí là cả tính toán. Tất cả các trường hợp mắc hội chứng Aphasia đều phải điều trị nhưng cũng có những trường hợp tự phục hồi mà không cần can thiệp.
Nguyên nhân gây hội chứng bất lực ngôn ngữ
Hội chứng bất lực ngôn ngữ có mối liên hệ chồng chéo với các rối loạn ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là chứng Aphasia thường xảy ra đột ngột và có liên quan đến tổn thương thực thể ở não bộ.
Các nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia):
- Đột quỵ (tai biến mạch máu não): Hội chứng bất lực ngôn ngữ thường xảy ra sau khi bị tai biến mạch máu não. Khi mạch máu não bị vỡ, một vài khu vực bên trong não có thể bị tổn thương. Kết quả là gây suy giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng ngôn ngữ. Các chuyên gia thường dựa vào vị trí tổn thương của não để phân loại triệu chứng.
- Tổn thương não: Ngoài đột quỵ, tổn thương não do nhiễm trùng, khối u, chấn thương,… cũng có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng bất lực ngôn ngữ. Bên cạnh đó, một số người còn xuất hiện các vấn đề về trí nhớ, tư duy (suy nghĩ).
- Sự thoái hóa của tế bào thần kinh: Một nguyên nhân ít gặp hơn gây ra hội chứng bất lực ngôn ngữ là do sự thoái hóa của các tế bào thần kinh. Tình trạng này thường gặp ở người bị sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.
- Một số nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân kể trên, hội chứng bất lực ngôn ngữ có thể do động kinh, bệnh Wilson, đau nửa đầu, ngộ độc kim loại nặng,… Trong đó, những trường hợp bị bất lực ngôn ngữ do đau nửa đầu và động kinh có thể tự phục hồi mà không cần điều trị.
Dấu hiệu nhận biết hội chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia)
Người mắc chứng Aphasia gặp trục trặc về ngôn ngữ dẫn đến khó khăn khi đọc, viết và nói chuyện. Một số người gặp khó khăn trong việc tính toán và giảm trí nhớ. Hội chứng bất lực ngôn ngữ xảy ra do tổn thương thực thể ở não bộ. Do đó, các bác sĩ thường sử dụng tên của vùng não bị tổn thương để phân loại các dạng bất lực ngôn ngữ.
Vùng Broca và Wernicke luôn hoạt động cùng nhau khi chúng ta trò chuyện, viết lách hoặc đọc – hiểu. Xảy ra tổn thương ở một trong hai cơ quan này sẽ gây ra những trục trặc về ngôn ngữ. Dựa vào vị trí tổn thương ở não bộ, hội chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia) được phân thành các nhóm sau:
– Mất ngôn ngữ vùng Broca hay còn gọi là mất ngôn ngữ biểu đạt
Vùng Broca là một phần của thùy trán, nắm ngay phía trước thái dương bên trái. Cơ quan này chịu trách nhiệm lựa chọn và sắp xếp từ ngữ để đảm bảo sự lưu loát khi giao tiếp. Tổn thương ở vùng Broca sẽ dẫn đến khó khăn trong việc nói và khó tìm được từ ngữ để biểu đạt ý của bản thân. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể hiểu được lời nói của người khác và chính bản thân mình.
Ngoài ra, mất ngôn ngữ vùng Broca còn ảnh hưởng đến khả năng lặp lại. Người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc lặp lại các cụm từ hoặc câu nói. Ngoài ra, tổn thương ở vùng Broca cũng ảnh hưởng đến các cơ và đôi khi đi kèm với tình trạng liệt một bên cơ thể.
– Mất ngôn ngữ vùng Wernicke hay còn gọi là mất ngôn ngữ lưu loát
Vùng Wernicke chịu trách nhiệm ghi nhớ kiến thức, từ ngữ và lựa chọn từ phù hợp, sau đó gửi tín hiệu về vùng Broca. Do đó, tổn thương ở vị trí này sẽ gây ra vấn đề về khả năng nghe – hiểu. Người bị mất ngôn ngữ vùng Wernicke thường chỉ hiểu được những từ và câu đơn giản. Người bệnh không thể hiểu nghĩa bóng và không hiểu được những từ phức tạp.
Tuy nhiên, mất ngôn ngữ vùng Wernicke không ảnh hưởng đến khả năng nói lưu loát. Người bệnh có thể nói trôi chảy nhưng vì không thực sự hiểu được lời nói của người khác nên lời nói có thể không phù hợp với nội dung cuộc trò chuyện.
Tương tự mất ngôn ngữ vùng Broca, chứng mất ngôn ngữ vùng Wernicke cũng ảnh hưởng đến khả năng lặp lại từ hoặc cụm từ. Vùng Wernicke nằm gần với các bộ phận chi phối thị lực. Do đó, dạng mất ngôn ngữ này thường đi kèm với các vấn đề thị lực như nhìn mờ hoặc mù lòa.
– Mất ngôn ngữ toàn thể
Mất ngôn ngữ toàn thể là dạng nghiêm trọng nhất của hội chứng bất lực ngôn ngữ. Dạng này xảy ra khi cả vùng Broca và vùng Wernicke đều bị tổn thương. Người bị mất ngôn ngữ toàn thể gặp khó khăn khi nói, thậm chí một số người mất hoàn toàn khả năng nói. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể lặp lại các từ và cụm từ đơn giản.
Mất ngôn ngữ toàn thể khiến bệnh nhân không thể hiểu được lời nói của người khác, một số trường hợp có thể hiểu nhưng câu đơn giản nhưng không thể hiểu được các cụm từ phức tạp. Dạng bất lực ngôn ngữ này thường xảy ra sau khi bị chấn thương não nghiêm trọng hoặc đột quỵ. Ngoài những ảnh hưởng đối với khả năng ngôn ngữ, bệnh nhân sẽ gặp phải các di chứng như mù lòa hoặc liệt một nửa người.
– Các dạng mất ngôn ngữ khác
Ngoài các dạng mất ngôn ngữ thường gặp trên, hội chứng bất lực ngôn ngữ (Wernicke) còn bao gồm các dạng mất ngôn ngữ khác như:
- Mất ngôn ngữ vận động xuyên vỏ: Mất ngôn ngữ xuyên vỏ thường xảy ra sau đột quỵ ở khu vực Broca. Dạng này có triệu chứng khá giống với mất ngôn ngữ vùng Broca nhưng triệu chứng có mức độ nhẹ hơn. Điểm khác biệt là người bị mất ngôn ngữ xuyên vỏ không gặp khó khăn trong việc lặp lại, bao gồm cả lặp lại cả câu hay cụm từ.
- Mất ngôn ngữ cảm giác xuyên vỏ: Dạng mất ngôn ngữ này khá giống với mất ngôn ngữ vùng Wernicke nhưng ít nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân cũng gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói của người khác nhưng vẫn có thể nói trôi chảy. Người bị mất ngôn ngữ cảm xúc xuyên vỏ không gặp phải khó khăn trong việc lặp lại lời nói của người khác. Chứng mất ngôn ngữ cảm giác xuyên vỏ thường thấy ở bệnh nhân bị Alzheimer và sa sút trí tuệ.
- Mất ngôn ngữ dẫn truyền: Mất ngôn ngữ dẫn truyền đặc trưng bởi lời nói lưu loát nhưng hay dùng sai từ. Người bệnh vẫn hiểu được ngôn ngữ nói nhưng giảm khả năng lặp lại. Mất ngôn ngữ dẫn truyền xảy ra khi xuất hiện tổn thương nhỏ làm mất liên hệ giữa vùng Wernicke và vùng Broca.
- Mất ngôn ngữ hỗn hợp qua vỏ não: Mất ngôn ngữ hỗn hợp qua vỏ não thường xảy ra sau tai biến mạch máu não. Dạng này có triệu chứng giống với chứng mất ngôn ngữ hỗn hợp qua vỏ não nhưng bệnh nhân vẫn có thể lặp lại lời của người khác.
- Mất ngôn ngữ định danh (Anomic aphasia): Mất ngôn ngữ định danh đặc trưng bởi khó khăn trong việc gọi tên đối tượng hoặc hành động. Người bệnh khó có thể tìm từ ngữ diễn ra đúng tên hành động và đối tượng. Để thay thế, người bệnh thường dùng từ “cái đó” để diễn tả.
Hội chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia) có biểu hiện rất đa dạng. Trong đó, mức độ triệu chứng có sự khác biệt tùy theo vị trí tổn thương. Mất ngôn ngữ toàn thể là thể bệnh nghiêm trọng nhất và tiên lượng thường xấu. Đa số người mắc phải dạng mất ngôn ngữ này chỉ có thể cải thiện một phần và phải sống chung với di chứng suốt đời.
Ảnh hưởng của hội chứng bất lực ngôn ngữ
Hội chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia) không đe dọa đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp và bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc nên việc suy giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng ngôn ngữ khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Nếu xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi, hội chứng bất lực ngôn ngữ có thể khiến bệnh nhân không thể học tập và làm việc. Những trường hợp bị mất ngôn ngữ mức độ nặng có thể phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình.
Ngoài những ảnh hưởng kể trên, hội chứng bất lực ngôn ngữ còn tác động đáng kể đến tâm lý của bệnh nhân. Khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ khiến người bệnh không thể bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc và trở nên lo âu, căng thẳng, trầm cảm. Vì lý do này, tất cả những trường hợp bị hội chứng bất lực ngôn ngữ đều phải can thiệp điều trị.
Chẩn đoán hội chứng bất lực ngôn ngữ
Chẩn đoán chứng Aphasia rất phức tạp bao gồm khám sức khỏe tổng quát, đánh giá khả năng ngôn ngữ, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu để loại trừ các dạng rối loạn ngôn ngữ khác.
Các kỹ thuật được sử dụng trong quá trình chẩn đoán hội chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia):
- Xét nghiệm máu
- CT hoặc MRI não bộ
- Đo điện não đồ
- Chụp X – quang
- Xét nghiệm máu
- Khám sức khỏe tổng quát
Đa phần những trường hợp bị hội chứng bất lực ngôn ngữ là do u não, viêm não, chấn thương và đột quỵ. Do đó, các chẩn đoán hình ảnh não bộ được xem là có giá trị nhất trong chẩn đoán hội chứng này.
Các phương pháp điều trị hội chứng bất lực ngôn ngữ
Thực tế, các tổn thương ở não bộ không thể phục hồi hoàn toàn. Do đó, điều trị hội chứng bất lực ngôn ngữ còn rất nhiều khó khăn và hạn chế. Tuy nhiên, can thiệp trị liệu có thể cải thiện khả năng ngôn ngữ và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong một số trường hợp, điều trị có thể phục hồi các tổn thương ở não bộ, qua đó khôi phục khả năng ngôn ngữ, tính toán và trí nhớ. Mất ngôn ngữ do đau nửa đầu, động kinh và chấn thương nhẹ có thể phục hồi hoàn toàn mà không cần điều trị.
Các phương pháp được cân nhắc trong điều trị hội chứng bất lực ngôn ngữ:
1. Liệu pháp ngôn ngữ
Liệu pháp ngôn ngữ là phương pháp duy nhất mang lại hiệu quả cho hội chứng bất lực ngôn ngữ. Liệu pháp này đòi hỏi sự kết hợp giữa nhân viên y tế và gia đình. Ngoài ra, trong quá trình trị liệu, các thành viên cũng cần có thái độ phù hợp để không làm tổn thương tâm lý người bệnh.
Liệu pháp ngôn ngữ giúp khôi phục phần nào khả năng ngôn ngữ. Mức độ đáp ứng với trị liệu sẽ phụ thuộc vào vị trí, phạm vi tổn thương ở não bộ và sự kiên trì của từng bệnh nhân. Nhìn chung, trị liệu tích cực giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ đáng kể và ít nhất người bệnh cũng có thể sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp cơ bản.
Ngoài thời gian trị liệu ở bệnh viện, gia đình cũng cần hỗ trợ người bệnh trị liệu tại nhà. Kiên trì trị liệu ngôn ngữ có thể phục hồi khả năng nói, hiểu và viết. Bên cạnh đó, luyện tập cũng là cách kích thích các tế bào thần kinh phục hồi và tái tạo.
2. Các biện pháp tự cải thiện
Ngoài liệu pháp ngôn ngữ, bệnh nhân bị hội chứng bất lực ngôn ngữ có thể thực hiện một số biện pháp tự cải thiện như:
- Những người bị mất ngôn ngữ vùng Broca có thể sử dụng ngôn ngữ viết để bộc lộ suy nghĩ và mong muốn của bản thân. Điều này sẽ giúp hạn chế cản trở và khó khăn trong cuộc sống.
- Người thân cần hỗ trợ bệnh nhân xây dựng lối sống lành mạnh, tránh xa bia rượu, thuốc lá và hạn chế caffeine. Một chế độ ăn cân bằng sẽ giúp phục hồi và tái tạo phần nào tổn thương thực thể ở não bộ.
- Gia đình nên khuyến khích và động viên bệnh nhân tích cực điều trị. Tuy nhiên, không nên chăm sóc thái quá bởi điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý.
- Tập yoga và ngồi thiền giúp ích rất nhiều trong việc phục hồi khả năng vận động, ngôn ngữ sau chấn thương và đột quỵ. Ngoài ra, tập yoga còn giúp giải tỏa căng thẳng và phòng ngừa các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm,…
Khả năng phục hồi ngôn ngữ phụ thuộc vào vị trí và diện tích vùng não tổn thương. Bên cạnh đó, trị liệu sớm sẽ có kết quả tốt hơn những trường hợp chậm trễ. Vì vậy, gia đình cần chú ý để người bị hội chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia) có cơ hội điều trị sớm và nhanh chóng lấy lại khả năng ngôn ngữ vốn có.
Tham khảo thêm:
- Hội chứng chân không yên (Willis-Ekbom) và giải pháp cải thiện
- Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ: Nguyên nhân, biểu hiện và cách can thiệp
- Rối loạn học tập: Nguyên nhân, dấu hiệu và liệu pháp điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!