Hội chứng ngủ li bì: Nguyên nhân và cách khắc phục
Hội chứng ngủ li bì đặc trưng bởi tình trạng mặc dù không hề bị thiếu ngủ nhưng cảm giác buồn ngủ quá mức vẫn dàn trải suốt cả ngày. Đây là một dạng rối loạn giấc ngủ cần được điều trị sớm để hạn chế gây ra các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.
Hội chứng ngủ li bì là gì?
Buồn ngủ và mệt mỏi là những triệu chứng rất thường gặp trong cuộc sống hiện nay. Tình trạng này thường được gây ra bởi nguyên nhân ngủ không đủ giấc mỗi ngày. Tuy nhiên ở một số người thì mặc dù đã ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi đêm nhưng vẫn luôn có cảm giác buồn ngủ thường trực vào ban ngày. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe bất thường, bao gồm cả hội chứng ngủ li bì.
Hội chứng ngủ li bì là một trong những dạng rối loạn giấc ngủ khá thường gặp. Nó đề cập đến tình trạng buồn ngủ quá mức suốt cả ngày ngay cả khi đã ngủ đủ giấc và chất lượng giấc ngủ đảm bảo. Hội chứng này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất học tập/ làm việc và gây cản trở cho nhiều hoạt động thường ngày.
Hội chứng ngủ li bì có thể ảnh hưởng tới bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên, theo nghiên cứu các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng, hội chứng này thường có xu hướng bắt đầu ở độ tuổi 17 – 24. Cụ thể độ tuổi khởi phát trung bình được xác định là khoảng 22 tuổi.
Trên thực tế, hội chứng ngủ li bì rất dễ bị nhầm lẫn với chứng ngủ rũ. Cả hai dạng rối loạn giấc ngủ này đều gây ra các cơn buồn ngủ quá mức. Tuy nhiên, cơn buồn ngủ ở chứng ngủ rũ thường có xu hướng xuất hiện đột ngột. Trong khi đó, cơn buồn ngủ ở hội chứng ngủ li bì lại dàn trải suốt cả ngày và càng lúc càng tăng dần.
Dấu hiệu của hội chứng ngủ li bì
Như đã đề cập, buồn ngủ quá mức vào ban ngày mặc dù đã ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi đêm chính là dấu hiệu chính của hội chứng ngủ li bì. Tình trạng buồn ngủ này không liên quan đến thuốc, thực phẩm, thiếu chất hay bất cứ bệnh lý tiềm ẩn nào khác.
Ngoài ra, những người mắc hội chứng ngủ li bì còn có thể gặp phải các triệu chứng khác bao gồm:
- Liên tục cảm thấy uể oải, mệt mỏi
- Ngủ nhiều lần trong ngày
- Rất khó khăn khi thức dậy vào buổi sáng
- Giờ giấc đi ngủ không cố định
- Không tỉnh táo, thường bực bội và khó chịu khi phải thức dậy
- Chợp mắt khi buồn ngủ nhưng khi thức dậy lại luôn trong trạng thái mệt mỏi
- Mặc dù đã ngủ nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày nhưng vẫn không cảm thấy bản thân đã được nghỉ ngơi đầy đủ
Tùy thuộc vào từng người mà các triệu chứng có thể biểu hiện khác nhau. Dấu hiệu của hội chứng này có thể chỉ kéo dài dưới 1 tháng nhưng trong một số trường hợp lại kéo dài từ 1 – 3 tháng hoặc thậm chí là hơn 3 tháng.
Nguyên nhân gây ra hội chứng ngủ li bì
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu nhưng nguyên nhân của hội chứng ngủ li bì vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhiều giả thuyết cho rằng, sự phát triển của hội chứng này có thể là do sự gia tăng của các chất hóa học gây buồn ngủ trong não.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác có thể là do các hóa chất trong não xảy ra tương tác với axit y-aminobutyric (GABA). Trong đó, GABA là một chất chịu trách nhiệm trong việc thúc đẩy giấc ngủ của con người.
Ngoài ra, một số yếu tố khác được cho là có khả năng làm gia tăng nguy cơ mắc phải hội chứng ngủ li bì bao gồm:
- Có tiền sử bị nhiễm virus
- Căng thẳng quá mức kéo dài
- Lạm dụng rượu bia và chất gây nghiện
- Tiền sử bị chấn thương đầu
- Có thành viên trong gia đình mắc các dạng rối loạn giấc ngủ
- Tiền sử bị rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, bệnh Parkinson hoặc bệnh Alzheimer
Ảnh hưởng của hội chứng ngủ li bì
Các chuyên gia luôn khuyến cáo rằng, giấc ngủ có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với tất cả các chức năng trong cơ thể. Mỗi ngày một người cần đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ (trong đó giấc ngủ ban đêm nên kéo dài xuyên suốt tối thiểu 6 tiếng).
Ngủ đủ giấc đem lại vô vàn lợi ích cho sức khỏe còn ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều có thể tiềm ẩn các rủi ro. Riêng tình trạng ngủ nhiều và luôn trong trạng thái buồn ngủ ở những người mắc hội chứng ngủ li bì lại vô cùng tai hại. Bạn sẽ luôn ở trong trạng thái mệt mỏi triền miên và lúc nào cũng có cảm giác cần phải nghỉ ngơi.
Khi bạn buồn ngủ thường xuyên thì không chỉ hiệu suất học tập/ làm việc bị ảnh hưởng mà sự an toàn cũng sẽ không được đảm bảo. Nhất là khi bạn đang lái xe trên đường hoặc làm các công việc vận hành máy móc.
Không dừng lại ở đó, những người mắc hội chứng ngủ li bì còn bị những người xung quanh chê trách là lười biếng hoặc thiếu tập trung. Những hệ quả này có thể là nguyên nhân khiến cho bạn đánh mất đi nhiều cơ hội để phát triển bản thân.
Ngoài ra, hội chứng ngủ li bì còn có nhiều khả năng liên quan đến bệnh trầm cảm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thanh thiếu niên và người lớn tuổi bị trầm cảm sẽ có nhiều khả năng bị buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Bên cạnh đó, tỷ lệ trầm cảm cũng cao hơn ở những người ngủ lâu.
Chẩn đoán hội chứng ngủ li bì
Để chẩn đoán chính xác hội chứng ngủ li bì thì đầu tiên bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện việc thăm khám sức khỏe. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ tiến hành thu thập những thông tin cần biết về tiền sử bệnh cũng như triệu chứng lâm sàng.
Một số câu hỏi liên quan có thể được bác sĩ để cập đến bao gồm:
- Môi trường ngủ của bạn như thế nào?
- Giờ giấc ngủ nghỉ của bạn ra sao?
- Các dấu hiệu buồn ngủ quá mức của bạn xuất hiện lâu chưa?
- Có tác nhân nào khiến cho tình trạng buồn ngủ trở nên tồi tệ hơn không?
- Điều gì có thể khiến bạn cảm thấy đỡ buồn ngủ và thoải mái hơn không?
- Liệu bạn có đang điều trị bệnh lý gì không?
Bác sĩ cần phải loại trừ được các bệnh lý hoặc thuốc có thể gây ra tình trạng buồn ngủ quá mức. Ngoài ra, một số bài kiểm tra chuyên sâu cũng có thể được thực hiện để loại trừ các dạng rối loạn giấc ngủ khác có biểu hiện tương tự, đặc biệt là chứng ngủ rũ. Điện não đồ, đo đa ký giấc ngủ, kiểm tra giấc ngủ ngắn ban ngày,… thường sẽ được bác sĩ yêu cầu người bệnh thực hiện.
Các phương pháp điều trị hội chứng ngủ li bì
Hội chứng ngủ li bì gây ra rất nhiều ảnh hưởng cho cuộc sống của một người. Đặc biệt trong nhiều trường hợp, tình trạng này còn có liên quan đến các bệnh tâm lý tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực,… Do đó cần được điều trị sớm để cải thiện triệu chứng và giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực.
Trước hết, người bệnh cần chủ động thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán xác định. Tùy thuộc vào từng trường hợp mà sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Trên thực tế, trong hầu hết các trường hợp thì điều trị bằng thuốc kết hợp với các biện pháp tự chăm sóc tại nhà có thể giúp ích. Cụ thể như sau:
1. Sử dụng thuốc để làm giảm tình trạng ngủ li bì
Thuốc được đánh giá là lựa chọn ưu tiên dành cho những người mắc hội chứng ngủ li bì. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc giúp cải thiện tốt cơn buồn ngủ. Chẳng hạn như:
- Methylphenidate
- Modafinil
- Amphetamine
Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng có thể được chỉ định để hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng liên quan. Bao gồm:
- Bromocriptine
- Levodopa
- Thuốc chống trầm cảm
- Clonidine
Các loại thuốc nêu trên đều có tiềm ẩn ít nhiều các tác dụng không mong muốn. Do đó người bệnh cần nghiêm ngặt tuân thủ chỉ dẫn từ bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng hay điều chỉnh tăng/ giảm liều khi bác sĩ chưa cho phép. Nếu thuốc không đáp ứng với các triệu chứng hay gây ra các phản ứng phụ thì cần báo ngay cho bác sĩ được biết để sớm điều chỉnh.
2. Các biện pháp tự chăm sóc
Bên cạnh việc sử dụng thuốc để kiểm soát triệu chứng thì người bệnh cần chú ý đến các biện pháp tự chăm sóc tại nhà. Đối với bất cứ bệnh lý nào, nỗ lực tự chữa lành của bản thân luôn được đánh giá cao. Riêng với hội chứng ngủ li bì, người bệnh cần chú ý đến một số vấn đề sau đây:
- Đi ngủ và thức dậy vào đúng 1 khung giờ hằng ngày. Nên đi ngủ trước 23 giờ tối và thức dậy trước 7 giờ sáng. Mặc dù có thể gặp khó khăn với việc thức dậy nhưng chỉ cần bạn cố gắng thì không gì là không thể.
- Nên thiết lập và duy trì các thói quen tốt trước khi đi ngủ. Chẳng hạn như đọc sách để thư giãn, tắm nước ấm, massage hoặc áp dụng liệu pháp mùi hương.
- Thay đổi môi trường ngủ bằng cách giữ nhiệt độ phòng phù hợp, chọn nệm gối thoải mái và tránh ánh sáng từ các thiết bị điện tử. Điều này giúp giấc ngủ ban đêm đảm bảo chất lượng hơn.
- Hạn chế sử dụng các loại thức uống có cồn, tránh xa nicotine, đồng thời không nên dùng caffeine vào buổi chiều và buổi tối.
- Nên giữ phòng ngủ tối tối vào ban đêm và chú ý tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên vào ban ngày. Ánh sáng tự nhiên có thể kích thích các giác quan, mang đến sự tươi tắn và khỏe mạnh cho cơ thể.
- Luôn dành thời gian cho hoạt động thể chất tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Tập thể dục giúp cho cơ thể khỏe mạnh, giảm mệt mỏi và hạn chế tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày.
- Thỉnh thoảng nên chú ý thư giãn cho đôi mắt. Nhất là với những người làm các công việc tiếp xúc với máy tính cả ngày.
Tình trạng buồn ngủ quá mức mặc dù đã ngủ đủ giấc do hội chứng ngủ li bì gây ra ảnh hưởng không ít đến thể trạng và chất lượng cuộc sống. Tốt nhất nên chủ động thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Bên cạnh đó, bạn nên nhớ rằng, các chiến lược tự cải thiện luôn được đánh giá cao trong việc chữa lành bất cứ dạng rối loạn giấc ngủ nào.
Tham khảo thêm:
- Bạn Biết Gì Về Hội Chứng Rối Loạn Hành Vi Giấc Ngủ REM?
- Trị liệu nghệ thuật: giải pháp mới trong việc chữa bệnh
- 10 Tác hại của stress đến sắc đẹp mà bạn không ngờ tới
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!