Hội chứng sợ có bầu và sinh con ở phụ nữ là bệnh hay ích kỷ?
Hội chứng sợ có bầu và sinh con nghe thì có vẻ lạ nhưng hiện tại có rất nhiều người phụ nữ gặp phải, ở cả người đã sinh con hoặc chưa sinh con. Yếu tố gây bệnh thường có liên quan đến những ám ảnh từ việc mang thai và sinh nở mà người đó đã chứng kiến hoặc trải qua. Chăm sóc tâm lý hay tham gia các lớp học tiền sản, đọc sách về mang thai có thể dần giúp người bệnh vượt qua nỗi ám ảnh này.
Hội chứng sợ có bầu và sinh con là gì?
Hội chứng sự có bầu và sinh con (Tokophobia) là một căn bệnh tâm lý tuyệt nhiên chỉ xảy ra với duy nhất phụ nữ, với độ tuổi trưởng thành trở lên. Bệnh có thể xảy ra ở cả những người đã có chồng, người đã từng sinh nở hay người chưa sinh con, người còn độc thân và gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến mối quan hệ với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người chồng.
Người ta thường nói rằng, mang thai và làm mẹ là một thiên chức đặc biệt chỉ có người phụ nữ mới thực hiện được và bất cứ ai cũng đều cần thực hiện điều này. Tất nhiên đây là một trọng trách cực kỳ thiêng liêng và đặc biệt nên hầu như không ai là không từng lo lắng, bối rối với điều này. Tuy nhiên nỗi lo lắng, hoảng sợ ở những người mắc Tokophobia là hoàn toàn vượt mức so với những cảm giác lo âu ở người bình thường.
Hội chứng sợ có bầu và sinh con được xếp vào nhóm rối loạn lo âu, được công bố chính thức trên tạp chí Obstetrical & Gynecological Survey và được đưa vào trong các tài liệu y văn thế giới năm 2000. Theo đó thuật ngữ Tokophobia là sự kết hợp giữa tiếng Hy Lạp gồm “tokos” có nghĩa là sinh con và “phobia” có nghĩa là nỗi sợ, nỗi ám ảnh phi lý.
Một điều bất ngờ là tỷ lệ số phụ nữ mắc hội chứng sợ có bầu và sinh con lại khá cao, cứ 10 người thì lại có 1 người bệnh. Đặc biệt trong thời buổi hiện đại, khi sự phát triển của mạng xã hội, truyền thông càng khiến tâm lý hoang mang, e sợ của người phụ nữ dễ bị tác động hơn.Tuy nhiên rất nhiều người thường bỏ qua nỗi sợ này, thậm chí cho rằng người phụ nó là người ích chỉ, chỉ biết nghĩ cho bản thân mà không biết nghĩ đến gia đình.
Biểu hiện của hội chứng sợ có bầu và sinh con
Như đã nói, bình thường phụ nữ dù cảm thấy sợ mang thai nhưng thực tế vẫn để điều này đến một cách tự nhiên, việc mang thai dù có hơi hoang mang nhưng vẫn khiến họ cực kỳ hạnh phúc, đón nhận tất cả. Tuy nhiên với người mắc hội chứng sợ có bầu và sinh con họ thường tìm mọi cách để không phải mang thai, thậm chí rơi vào hoảng loạn cực độ nếu phát hiện mang thai.
Nỗi ám ảnh dần trở thành một chấp niệm tác động đến mọi hành vi, cảm xúc của người phụ nữ và trở nên kích thích nếu có ai đó nhắc đến các vấn đề như mang thai hay sinh con. Một số triệu chứng điển hình của hội chứng sợ có bầu và sinh con như
- Luôn cố gắng từ chối, trì hoãn việc mang thai hay sinh con thông qua những cánh thư từ chối “chuyện giường chiếu” với chồng, uống thuốc tránh thai liên tục để không phải mang thai.
- Hoảng loạn, căng thẳng, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, cảm giác khó thở, chân tay run rẩy, tăng huyết áp mỗi khi ai đó nhắc đến vấn đề mang thai hay sinh con
- Nếu đang mang thai họ thường chọn các sinh mổ chứ nhất định không chấp nhận sinh thường, kể cả khi họ hoàn toàn có thể sinh thường
- Thậm chí một số người còn muốn cắt bỏ tử cung để không phải mang thai hay sinh nở
- Trở nên kích thích và căng thẳng hơn nếu có ai đó nhắc nhở về việc mang thai hay sinh nở, thậm chí có thể tranh cãi nếu bị ai đó như chồng hay người thân cứ ép buộc phải có bầu
- Nỗi ám ảnh khiến nhiều người thường rơi vào căng thẳng đến nỗi gặp ác mộng, ngủ mơ cũng thấy mang thai khiến chất lượng sức khỏe và tinh thần ngày càng suy giảm
Cần hiểu rằng những người này vẫn muốn có con, nhưng chỉ là bản thân họ không thể kiểm soát được cảm xúc lo âu, hoang mang lo lắng của mình khi nghĩ đến việc này. Họ vẫn muốn làm mẹ, vẫn biết rằng nỗi lo của mình là vô lý nhưng không thể nào thôi không lo âu về các vấn đề này.
Nguyên nhân gây hội chứng sợ có bầu và sinh con
Theo các chuyên gia, có hai nhóm người mắc Tokophobia gồm những người đã có con và những người chưa từng có con. Nguyên nhân gây hội chứng sợ có bầu và sinh con cũng vì vậy mà khác nhau ở những nhóm đối tượng này.
Nhóm đã có bầu và sinh con
Ông bà ta thường có câu “cửa sinh là cửa tử” bởi đây là một quá trình cực kỳ nguy hiểm, không biết chắc chắn sẽ có chuyện gì xảy ra trong thời điểm sinh nở. Có vô vàn biến chứng có thể xảy ra trong thời điểm chuyển dạ như vỡ ối, băng huyết, nước ối thấp hay nhiễm trùng. Không chỉ vậy, sau sinh vẫn còn vô vàn các vấn đề khiến người mẹ phải mệt mỏi như khó đi lại, đau lưng, thiếu ngủ, cơ thể mất dáng, da dẻ nhăn nheo xuống sắc.
Chỉ có những người đã trải qua giai đoạn này mới có thể thấm thía hết nỗi đau mà họ phải chịu đựng trong quá trình sinh nở. Mỗi người đều phải mang một trải nghiệm khác nhau, không ai giống ai. Có người tinh thần thoải mái ngay từ đầu, sức khỏe ổn, khả năng chịu đựng tốt thì cảm thấy đây là việc dễ dàng. Nhưng với người chịu đau kém thì có thể cảm thấy sinh nở thật là một quá trình cực kỳ gian nan và kinh khủng, vượt ngoài sức tưởng tượng mà họ không muốn phải trải qua một lần nào nữa. Hội chứng sợ có bầu và sinh con cũng xuất hiện chính từ vấn đề này.
Mặt khác ở những người đang có bầu cảm thấy cơ thể xuống sức, tinh thần mệt mỏi, tiêu cực lại thường xuyên xem những video đau đớn khi sinh nở hoặc được người khác miêu tả cũng rất dễ mắc hội chứng sợ có bầu và sinh con. Bởi lúc này vốn dĩ tâm lý của đối tượng này cũng đã rất yếu và nhạy cảm, khi tiếp xúc với các thông tin này rất dễ bị tác động khiến tinh thần đi xuống.
Ngoài ra, với những người sau sinh gặp các sự cố như chồng ngoại tình, sức khỏe suy giảm, người sảy thai, người mắc các bệnh sau sinh (chẳng hạn như trầm cảm khi mang thai hoặc sau sinh) cũng mang ám ảnh bởi giai đoạn này.
Nhóm chưa có bầu và sinh con
Hội chứng sợ có bầu và sinh con hoàn toàn toàn có thể gặp ở cả những người chưa từng mang thai hoặc thậm chí là chưa từng kết hôn. Với những nhóm đối tượng này, nỗi ám ảnh của họ thường xuất phát từ chính tự tác động bên ngoài. Những người này có thể lo lắng, sợ hãi hằng mình sẽ mang thai đến mức không muốn lấy chồng, làm mọi cách để từ chối quan hệ tình dục, kể cả khi đã có biện pháp bảo vệ.
Một số yếu tố khiến nhóm đối tượng này dễ mắc Tokophobia gồm
- Nghe những người khác miêu tả về sự đau đớn, mệt mỏi khi mang thai và sinh con
- Nhìn thấy người phụ nữ thay đổi hoàn toàn về tính cách, ngoại hình, sức khỏe sau khi sinh mang thai và sinh con. Các thay đổi này thường theo chiều hướng đi xuống như béo phì, người nặng nề, bụng bị rạn.. khiến những người này cảm thấy sợ hãi, lo lắng rằng nếu mình mang thai cũng như vậy
- Xem những hình ảnh về việc mang thai và sinh nở trực tiếp hoặc thông qua truyền thông cũng là nguyên nhân khiến những người có tâm lý yếu dễ bị hội chứng sợ có bầu và sinh con
- Chứng kiến việc những người chồng ngoại tình, thay đổi, bạo hành vợ con sau khi vợ có bầu và sinh con cũng làm cho những nhóm người này mất niềm tin và càng sợ hãi việc mang thai hay sinh con.
- Phụ nữ từng bị lạm dụng tình dục cũng có nguy cơ mắc bệnh do lo lắng mình mang thai của kẻ đó hoặc sợ sinh con gái ra sẽ khổ như mình
Hội chứng sợ có bầu và sinh con có thể gây ra hệ lụy gì?
Hội chứng sợ có bầu và sinh con không phải nỗi lo âu bình thường, có thể thuyên giảm khi người khác động viên, có thể tự biến mất. Cảm xúc lo lắng của người mắc Tokophobia luôn ở trạng thái cao trào, có thể dễ dàng bùng nổ bất cứ lúc nào. Đặc biệt với những người đang mang thai, sự thay đổi về mặt hormone vốn dĩ đã khiến họ cực kỳ mệt mỏi nên rất dễ ảnh hưởng.
Nỗi ám ảnh của người Tokophobia có thể tác động đến mọi vấn đề quanh người bệnh như hành động, cảm xúc, suy nghĩ. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu điều này và luôn cho rằng họ là người ích kỷ, chỉ muốn nghĩ cho mình và chỉ trích họ. Tâm lý lo lắng và bức bối khi không giải tỏa được khiến họ trở nên tiêu cực, hay cáu gắt và có nguy cơ dẫn tới trầm cảm cực kỳ cao.
Theo các chuyên gia, những người đang mang thai mà mắc hội chứng sợ có bầu và sinh con và trầm cảm có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Em bé có mẹ bị trầm cảm khi mang thai thường chậm phát triển, tăng nguy cơ gặp các khiếm khuyết bẩm sinh, đặc biệt khi mẹ phải dùng các nhóm thuốc điều trị bệnh này.
Tiêu cực hơn, ở những bệnh nhân Tokophobia chưa mang thai thậm chí còn yêu cầu được cắt bỏ tử cung khiến những người xung quanh càng chỉ trích họ nhiều hơn. Tình cảm vợ chồng hay người yêu cũng vì vậy mà ngày càng trở nên xa cách, thậm chí là li dị thì người chồng không thể chấp nhận được vợ mắc bệnh, hoặc họ cũng có xu hướng ngoại tình để thỏa mãn nhu cầu tình dục hay để có con.
Hội chứng sợ có bầu và sinh con liệu có phải là sự ích kỷ?
Như đã nói, hầu hết mọi người luôn cho rằng “hội chứng sợ có bầu và sinh con” là một điều gì đó rất vô lý. Họ cho mang thai hay sinh nở là “trách nhiệm” của người phụ nữ, ai cũng làm được, sao người vợ của mình lại phải sợ. Rất ít người chồng, người cha mẹ có thể hiểu được bản chất căn bệnh này mà chỉ luôn cho rằng đây là những người ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân, không xứng đáng làm phụ nữ.
Thực tế, những sự khó chịu, đau đớn khi mang thai chỉ có bản thân người phụ nữ mới có thể hiểu được, không từ ngữ nào có thể miêu tả được hết những cảm giác mà họ phải chịu đựng. Là phụ nữ ai mà không sợ đau, ai mà không sợ xấu. Chưa kể những người chồng còn luôn vin vào việc sau sinh người vợ trở nên xấu xí, thay đổi, không còn sức hút, không đáp ứng được người chồng để đi ngoại tình.
Dù là thời kỳ bình đẳng giới nhưng sau sinh, phụ nữ vẫn luôn là người thiệt thòi. Cơ thể xồ xề, đau nhức lưng, chân tay lạnh, không còn thời gian chăm sóc cho bản thân vì lúc nào cũng phải bận chăm sóc cho con. Có những người đến thời gian gặp gỡ bạn bè, thời gian đi sắm sửa cho mình bộ đồ mới cũng không còn khiến họ dần trở nên tách biệt với cuộc sống. Đây cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều người bị trầm cảm sau sinh.
Cơ thể là của người phụ nữ, họ hoàn toàn có quyền chọn có mang thai hay không và có thể mang thai mấy lần mà không ai có quyền ép buộc, kể cả chồng hay bố mẹ của họ. Đó là sự lựa chọn của mỗi người, hoàn toàn không phải là ích kỷ, ngay cả khi họ không mắc hội chứng sợ có bầu và sinh con.
Tuy nhiên cần hiểu rằng hội chứng sợ có bầu và sinh con là bệnh tâm lý, không phải là nỗi lo âu đơn giản và thường xuất phát từ việc thiếu niềm tin vào tương lai. Nếu sớm có hướng điều trị phù hợp, giải tỏa được những nỗi lo lắng này thì tâm trí người bệnh có thể trở về dần với trạng thái bình thường, thậm chí sẵn sàng cho việc cho con, mang thai, sinh thường bất cứ lúc nào.
Hướng điều trị hội chứng sợ có bầu và sinh con
Gia đình nên đưa người bệnh đến các bệnh viện mạnh về chuyên khoa thần kinh hoặc các Trung tâm tâm lý trị liệu để được chăm sóc và hỗ trợ tốt nhất. Người bệnh sẽ được kiểm tra, thăm khám chuyên môn thông qua các bài test và trò chuyện tâm lý để đảm bảo đưa ra chẩn đoán cùng hướng điều trị chính xác nhất.
Một điều may mắn rằng y tế và các chính sách xã hội hiện nay cũng có rất nhiều ưu tiên cho phụ nữ mang thai và sinh con, các phương pháp sinh nở giảm đau đớn hiện nay cũng đa dạng hơn. Dù vậy việc điều trị cho những người mắc hội chứng sợ có bầu và sinh con cũng không hề dễ dàng.
Trị liệu tâm lý
Tokophobia là một vấn đề tâm lý được hình thành từ chính những tác động bên ngoài nên trị liệu, chăm sóc phục hồi tâm lý luôn là biện pháp hàng đầu được hướng tới. Người bệnh nếu đáp ứng tốt với liệu pháp này dần gỡ bỏ được những vướng mắc tiêu cực trong quá khứ, nhìn nhận hiện thực để tiến đến một tương lai tương sáng, lành mạnh, hạnh phúc hơn.
Liệu pháp nhận thức hành vi CBT là một trong những biện pháp mang đến cải thiện tốt nhất cho những người mắc hội chứng sợ có bầu và sinh con trong quá trình trị liệu. Nhà tham vấn tâm lý sẽ trò chuyện, chia sẻ, tìm cách đi sâu vào tâm trí, mở cánh cửa nội tâm đang trở nên cực kỳ bức bối của người bệnh. Đồng thời, chính các chuyên gia tâm lý cũng giúp bệnh nhân hiểu rằng nỗi lo lắng khi sinh nở hoàn toàn không nghiêm trọng và đáng sợ đến như vậy.
Liệu pháp thôi miên cũng đang được rất nhiều cơ sở áp dụng cho những phụ nữ mắc chứng Tokophobia. Bên cạnh đó, nhà trị liệu cũng hướng dẫn người bệnh các giải pháp đối diện với căng thẳng, giải tỏa cảm xúc, hướng tâm trí đến những hoạt động và suy nghĩ lành mạnh hơn. Nhờ đó giai đoạn bức bối, khó khăn khi phải đấu tranh giữa việc mang thai và không mang thai cũng nhanh chóng qua đi.
Đặc biệt với những người phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai hay trầm cảm sau sinh, tâm lý tiêu cực do bị ép mang thai càng nên thực hiện trị liệu tâm lý từ giai đoạn sớm để tránh các hệ lụy xấu khác xuất hiện.
Dùng thuốc
Không có bất cứ loại thuốc nào có thể loại bỏ được những nỗi lo âu, ám ảnh, sợ hãi ở người mắc hội chứng sợ có bầu và sinh con. Tuy nhiên trong một vài trường hợp bác sĩ có thể chỉ định các nhóm thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm hay thuốc giảm lo âu để xoa dịu thần kinh, giảm sự kích thích quá mức cho người bệnh. Việc dùng thuốc phải do bác sĩ chỉ định, không nên tự ý sử dụng.
Mặt khác với những nhóm đối tượng như bà bầu, phụ nữ sau sinh không phải lúc nào cũng có thể dùng thuốc do có thể làm ảnh hưởng đến em bé. Nói chung tùy tình trạng của từng người, chuyên gia sẽ chỉ định các nhóm thuốc phù hợp để tránh tối đa các tình huống không mong muốn có thể xuất hiện.
Tìm hiểu về mang thai và chuẩn bị sẵn sàng tinh thần
Thực tế có rất nhiều người phụ nữ chỉ sợ mang thai do họ chưa chuẩn bị về tinh thần, do đó nếu đột ngột có em bé sẽ rất dễ rơi vào hoang mang, mông lung, tuy nhiên điều này vẫn có thể khiến họ cực kỳ hạnh phúc. Hiểu rõ về mang thai, sinh nở, luôn có một tinh thần khỏe mạnh, tích cực, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn chính là điều không chỉ người phụ nữ mà cả những người đàn ông cũng nên làm để giúp đỡ vợ mình.
Không chỉ những người mắc hội chứng sợ có bầu và sinh con mới cần học điều này mà bất cứ ai cũng nên sớm tìm hiểu để phòng tránh tối đa nguy cơ mắc bệnh. Cụ thể
- Tham gia các lớp học tiền sản để hiểu rõ hơn về việc chăm sóc sức khỏe khi mang thai hay sinh con, cũng như cách chăm sóc trẻ. Hiện nay có rất nhiều lớp học tiền sản được ra đời, cực kỳ phù hợp cho các cặp vợ chồng mới cưới để tránh những bỡ ngỡ khi có con lần đầu.
- Học hỏi, chia sẻ với chính những người bà, người mẹ, người dì của mình. Chắc chắn rằng, dù có đau đớn khó khăn đến nhường nào, nhưng họ cũng cực kỳ hạnh phúc khi có bạn ra đời cho mà xem. Đây chính là nguồn động lực lớn nhất để bạn có thể tin rằng, mang thai là một nghĩa vụ cực kỳ thiêng liêng, quý báu mà bản thân thân may mắn có được.
- Tìm hiểu kỹ hơn về sinh nở. Nền y tế hiện nay có rất nhiều kỹ thuật giúp giảm đau khi sinh nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi, bạn có thể tìm hiểu về các phương pháp này.
- Duy trì thói quen tập thể dục, đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi ngày, ăn uống sinh hoạt khoa học lành mạnh. Khi thể chất và tinh thần khỏe mạnh, những cảm xúc tiêu cực cũng dần biến mất, thay thế bằng những cảm xúc tích cực hơn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra, ở những người có tinh thần tích cực, sinh hoạt khoa học thì cảm giác đau đớn hay khó sinh cũng giảm rất nhiều.
- Với những người mắc hội chứng sợ có bầu và sinh con do ảnh hưởng từ lần sinh trước nên dành thời gian chăm sóc phục hồi về sức khỏe, tâm lý, dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Khi đã hiểu về sinh nở và chuẩn bị sẵn sàng tinh thần cho lần mang thai sau thì những cảm xúc này cũng dần được thuyên giảm.
Sự hỗ trợ từ chồng và người thân
Mang thai hay sinh nở không phải chỉ là trách nhiệm của 1 mình người phụ nữ, mà còn của cả người chồng. Chính sự ấm áp, đáng tin cậy từ người chồng có thể làm xua tan đi hết mọi lo âu về những điều xấu xí, đáng sợ khi mang thai hay sinh nở ở người vợ. Khi người vợ đã mắc bệnh tâm lý mà người chồng lại thường xuyên chì chiết, tranh luận, ép vợ làm những điều họ không thích thì không thể nào thuyên giảm được.
Để giúp người vợ mắc hội chứng sợ có bầu và sinh con sớm vượt qua giai đoạn này, cần chú ý những vấn đề sau
- Tuyệt đối không nhắc hay ép vợ phải có em bé hoặc nói quá nhiều về vấn đề này khiến người vợ bị áp lực
- Cùng vợ học các lớp tiền thai sản, học cách chăm sóc con và chờ đợi khi người vợ đã thực sự sẵn sàng
- Hãy hỏi ý kiến vợ có muốn mang thai không thay vì tự đưa ra quyết định. Nếu vợ chưa sẵn sàng hãy chủ động sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ, đừng nên để vợ phải uống thuốc tránh thai hay các biện pháp không tốt cho sức khỏe khác
- Tạo cho người vợ cảm giác được bảo vệ, chứng minh bản thân là người đáng tin cậy. Thực tế khi người phụ nữ có được sự an toàn thì không điều gì có thể khiến họ sợ hãi, mặt khác họ càng mong có con bởi đó là minh chứng, là kết tinh cho tình yêu của cả hai.
- Tạo môi trường và điều kiện tốt nhất giúp vợ được nghỉ ngơi, thư giãn khi mang thai hay sinh nở
- Tìm hiểu về các vấn đề có bầu hay sinh đẻ để có thể động viên, hỗ trợ vợ bất cứ lúc nào.
Hội chứng sợ có bầu và sinh con đang là một trong những vấn đề tâm lý rất nhiều người mắc phải nhưng lại thường bị bỏ qua, cho rằng đây là điều vô lý. Tất nhiên cho dù mang thai hay sinh nở là một trọng trách không hề đơn giản nhưng lại cực kỳ thiêng liêng và cao cả mà chỉ có người phụ nữ mới được trao tặng thiên chức này. Chuẩn bị cả về tinh thần và sức khỏe sẽ giúp bạn tiếp nhận thiên chức này một cách dễ dàng hơn, không còn mang nỗi lo lắng quá mức.
Có thể bạn quan tâm:
- Siderodromophobia: chứng sợ tàu hỏa gây cảm xúc tiêu cực
- Hội chứng sợ chuột (Musophobia) và Giải pháp vượt qua
- Hội chứng sợ thời gian trôi (Chronophobia) dễ thấy ở người nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!