Hội chứng sợ thời gian trôi (Chronophobia) dễ thấy ở người nào?

Hội chứng sợ thời gian trôi (Chronophobia) thường gặp ở tù nhân, người cao tuổi và người mắc bệnh nan y. Hội chứng này đặc trưng bởi nỗi sợ hãi tột độ và vô lý về thời gian. Vì thời gian là yếu tố không thể né tránh như các đối tượng/ tình huống khác, nên bệnh nhân sẽ không tránh khỏi sự suy sụp về tinh thần và chất lượng cuộc sống tuột dốc.

hội chứng sợ thời gian
Hội chứng sợ thời gian là hội chứng tâm lý đặc trưng bởi sự ám ảnh và sợ hãi quá mức, vô lý về thời gian

Hội chứng sợ thời gian trôi là gì?

Ngoài những nỗi sợ thông thường, một số người có thể phát triển sự sợ hãi bất thường với những sự việc, đối tượng và tình huống không thật sự nguy hiểm như chú hề, máy bay, lái xe, nấu ăn và thậm chí là thời gian. Cảm giác sợ hãi đến mức vô lý về những đối tượng/ tình huống kể trên được gọi là rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi hay hội chứng ám ảnh sợ.

Hội chứng sợ thời gian trôi (Chronophobia) là một trong những hội chứng ám ảnh sợ hiếm gặp. Người mắc chứng bệnh này có nỗi sợ tột độ, mãnh liệt về thời gian – đặc biệt là khi thời gian trôi qua. Việc ngăn dòng chảy của thời gian là điều không thể nên người mắc hội chứng Chronophobia sẽ phải đối mặt với sự sợ hãi, lo lắng, bất an và căng thẳng thường trực.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nguyên nhân sâu xa của hội chứng sợ thời gian trôi là lo sợ cái chết gần kề hoặc sợ rằng bản thân già đi nhanh chóng. Vì vậy, hội chứng này thường gặp ở người cao tuổi và người mắc bệnh nan y như ung thư, HIV/ AIDS,… Thời gian luôn tồn tại và trôi qua liên tục. Do đó, hội chứng Chronophobia ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cũng như sức khỏe của người bệnh.

Những đối tượng dễ mắc hội chứng sợ thời gian trôi

Tỷ lệ người bị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi tương đối nhiều, dao động khoảng 7 – 10% dân số Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các chuyên gia chưa thống kê được số người mắc hội chứng Chronophobia. Theo các khảo sát, hội chứng này thường gặp ở những đối tượng sau:

hội chứng sợ thời gian
Người cao tuổi và người mắc các bệnh nan y là những đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng sợ thời gian
  • Người cao tuổi: Người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị hội chứng sợ thời gian trôi. Bởi thời gian trôi đi đồng nghĩa với cái chết cận kề. Người già không còn nhiều thời gian để trải nghiệm cuộc sống. Vì vậy, một số người có thể sợ hãi quá mức về việc chứng kiến thời gian cứ trôi qua từng giây từng phút.
  • Mắc các bệnh nan y: Hiện tại, y học vẫn chưa thể điều trị một số bệnh lý như ung thư, các bệnh tự miễn, HIV/ AIDS,… Những người mắc các chứng bệnh này thường không có nhiều thời gian để sống.. Cái chết cận kề khiến một số bệnh nhân hình thành nỗi sợ tột độ, mạnh mẽ về thời gian và luôn lo lắng, sợ hãi khi thời gian trôi đi.
  • Tù nhân: Tù nhân là đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng sợ thời gian trôi. Việc bị giam cầm trong không gian bí bách khiến một số người bị ám ảnh quá mức về dòng chảy của thời gian. Nhiều tù nhân cảm thấy thời gian trôi quá nhanh hoặc quá chậm và liên tục đếm ngược cho đến ngày được tự do. Điều này lại vô tình khiến họ bị ám ảnh và sợ hãi vô lý về thời gian.
  • Người từng bị tổn thương tâm lý: Những người bị tổn thương tâm lý tâm lý do các sự kiện tiêu cực như tai nạn, thảm họa thiên nhiên,… có thể phát triển nỗi ám ảnh về thời gian. Ngoài ra, những người bị cách ly xã hội trong đại dịch Covid – 19 cũng có thể mắc hội chứng này do sự tù túng và bí bách.
  • Người có các vấn đề tâm thần: Nỗi sợ hãi vô lý về thời gian có liên quan đến bất thường trong não bộ. Hạch hạnh nhân (cơ quan tạo ra và kiểm soát nỗi sợ) có thể hoạt động quá mức khiến cho cơ thể sợ hãi vô lý với thời gian. Do đó, đa số những người bị hội chứng Chronophobia đều mắc đồng thời với bệnh trầm cảm, rối loạn hoảng sợ hoặc có các vấn đề tâm lý khác.

Nguyên nhân gây hội chứng sợ thời gian trôi

Các nhà khoa học chưa thể xác định được nguyên nhân gây hội chứng sợ thời gian trôi. Tuy nhiên, thông qua nhóm đối tượng có nguy cơ cao, các chuyên gia đưa ra nhận định bệnh lý này là sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường.

Một số yếu tố được xác định có thể gia tăng nguy cơ mắc hội chứng sợ thời gian trôi:

  • Di truyền
  • Từng có trải nghiệm tiêu cực liên quan đến thời gian như từng bị cầm tù, bị bắt cóc làm con tin, từng vì chậm vài phút mà bỏ lỡ mất điều gì đó quan trọng,…
  • Mắc bệnh nan y hoặc người già đang cận kề cái chết
  • Gia đình hoặc bản thân có các vấn đề tâm lý, tâm thần như rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi,…

Dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ thời gian (Chronophobia)

Các hội chứng ám ảnh sợ đều có đặc điểm chung là cảm giác sợ hãi và ám ảnh quá mức về một điều gì đó không thực sự nguy hiểm. Người mắc hội chứng sợ thời gian thường có những nỗi sợ sau:

  • Cảm giác sợ hãi vì không thể kiểm soát được dòng chảy của thời gian
  • Sợ hãi về cái chết
  • Cảm thấy choáng ngợp trước thời gian
  • Một số người sợ hãi vì thời gian trôi quá chậm
  • Nhiều bệnh nhân sợ hãi thời gian vì đây là thứ vô hình mà con người không thể kiểm soát được

Người mắc hội chứng sợ thời gian trôi (Chronophobia) luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi và bất an trước dòng chảy của thời gian. Khi nghe thấy tiếng đồng hồ hoặc ai đó đề cập đến thời gian, nỗi sợ hãi có thể gia tăng. Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng rất rõ ràng như:

  • Sợ hãi tột độ
  • Căng thẳng
  • Hoảng loạn
  • Ớn lạnh
  • Choáng váng, chóng mặt
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Tim đập nhanh
  • Run rẩy
  • Đau thắt ngực
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Lạnh chân tay

Cảm giác căng thẳng, sợ hãi thường trực có thể khiến bệnh nhân gặp phải các vấn đề thể chất như đau đầu, mất ngủ, suy nhược,… Ngoài ra, hội chứng sợ thời gian cũng làm nghiêm trọng các vấn đề sức khỏe sẵn có như các rối loạn tâm lý, tâm thần, bệnh tự miễn, dị ứng.

Ảnh hưởng của hội chứng sợ thời gian trôi

Thời gian là yếu tố luôn luôn tồn tại nên việc né tránh là không thể. Vì vậy, người mắc hội chứng Chronophobia sẽ thường trực sự sợ hãi và hoảng loạn. So với các hội chứng ám ảnh sợ khác, chứng sợ thời gian gây ra những hậu quả nặng nề hơn.

hội chứng sợ thời gian
Hội chứng sợ thời gian không được điều trị có thể gia tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa,…

Hội chứng sợ thời gian trôi (Chronophobia) có thể gia tăng nguy cơ lạm dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích. Bởi người bệnh có xu hướng tìm đến những thói quen này để giải tỏa cảm xúc và sự bất lực của bản thân trước dòng chảy của thời gian. Tuy nhiên, nghiện rượu và nghiện chất lại khiến cho tình trạng sợ hãi, lo lắng, bất an trở nên nghiêm trọng hơn.

Những người mắc hội chứng sợ thời gian trôi gần như không thể học tập hay làm việc. Thậm chí một số người sợ hãi và tự nhốt mình trong phòng. Các chuyên gia cho biết, nguy cơ phát triển chứng trầm cảm và rối loạn lo âu lan tỏa ở người mắc hội chứng này cao hơn rất nhiều so với các hội chứng ám ảnh sợ khác.

Chẩn đoán hội chứng sợ thời gian trôi

Hội chứng sợ thời gian trôi khó chẩn đoán hơn so với các hội chứng ám ảnh sợ thường gặp. Bởi thời gian là vô hình nên người bệnh sẽ thường trực sự lo lắng và sợ hãi chứ không chỉ bùng phát khi nhìn thấy các đối tượng/ tình huống hữu hình.

Vì lý do này, bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm với các rối loạn tâm lý khác như trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa,… Đa số người mắc các chứng bệnh này cũng thường trực sự lo lắng, muộn phiền, sợ hãi và luôn bi quan về tương lai. Chẩn đoán có thể trở nên khó khăn hơn nếu bệnh nhân bị chứng sợ thời gian cùng với các vấn đề tâm lý khác.

Không có xét nghiệm cụ thể để chẩn đoán hội chứng Chronophobia. Chính vì vậy, bác sĩ sẽ dựa vào biểu hiện lâm sàng để đưa ra chẩn đoán. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ những khả năng có thể xảy ra.

Các phương pháp điều trị hội chứng sợ thời gian

Hội chứng sợ thời gian thường được điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Can thiệp trị liệu có thể làm giảm những ảnh hưởng đối với sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, điều trị sớm còn giúp bệnh nhân lấy lại tinh thần và tận hưởng cuộc sống dù thời gian không còn nhiều.

Các phương pháp được áp dụng trong điều trị hội chứng sợ thời gian trôi:

1. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là giải pháp tối ưu trong điều trị hội chứng sợ thời gian trôi. Phương pháp này được thực hiện bằng hình thức giao tiếp giữa chuyên gia và người bệnh. Liệu pháp tâm lý giúp loại bỏ nỗi sợ phi lý về thời gian và giúp bệnh nhân thay đổi những suy nghĩ tiêu cực có liên quan.

hội chứng sợ thời gian
Liệu pháp tâm lý được thực hiện với mục đích xóa bỏ nỗi sợ vô lý về thời gian

Các liệu pháp tâm lý được áp dụng trong điều trị hội chứng sợ thời gian trôi:

  • Liệu pháp thôi miên: Liệu pháp thôi miên giúp chuyên gia xác định được nguồn gốc dẫn đến nỗi sợ thời gian. Phương pháp này cũng có hiệu quả trong việc kiểm soát cảm giác sợ hãi, tránh tình trạng hoảng loạn và căng thẳng quá mức. Trong liệu pháp thôi miên, chuyên gia cũng sẽ giúp người bệnh điều chỉnh những suy nghĩ tiêu cực và cởi mở hơn với những suy nghĩ tích cực.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị hội chứng sợ thời gian. CBT giúp bệnh nhân điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực, méo mó về thời gian. Đồng thời trong liệu pháp này, chuyên gia cũng sẽ giúp bệnh nhân học cách kiểm soát căng thẳng, sợ hãi và những cảm xúc tiêu cực do hội chứng sợ thời gian trôi gây ra.
  • Các liệu pháp thư giãn: Như đã đề cập, thời gian luôn tồn tại trong cuộc sống. Chính vì vậy, người mắc hội chứng sợ thời gian sẽ khó có thể thư giãn và luôn ở trong trạng thái căng thẳng, lo âu quá mức. Do đó, chuyên gia sẽ hướng dẫn người bệnh một số giải pháp thư giãn như hít thở sâu, ngồi thiền,…

Hầu hết những trường hợp bị hội chứng sợ thời gian trôi đều có đáp ứng tốt với liệu pháp tâm lý. Một số người không thể loại bỏ hoàn toàn nỗi sợ hãi nhưng có thể giảm đi đáng kể cảm giác bất an và lo lắng. Những trường hợp đáp ứng tốt có thể vượt qua nỗi sợ vô lý và lấy lại sự ổn định về mặt tinh thần.

2. Sử dụng thuốc

Không có loại thuốc nào được khuyến cáo sử dụng trong điều trị hội chứng sợ thời gian trôi và các rối loạn ám ảnh sợ hãi khác. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân quá lo lắng, căng thẳng và có các triệu chứng thể chất kéo dài, bác sĩ sẽ xem xét dùng một số loại thuốc phù hợp.

Các loại thuốc có thể sử dụng trong điều trị hội chứng sợ thời gian trôi:

  • Thuốc chẹn beta
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc an thần

Nếu bệnh nhân mắc đồng thời với chứng trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu lan tỏa,… thuốc được xem là liệu pháp chính bên cạnh trị liệu tâm lý. Ngoài ra, dùng thuốc cũng giúp nâng đỡ tinh thần và giúp bệnh nhân tiếp nhận tốt trị liệu.

Phòng ngừa hội chứng sợ thời gian trôi

Không có phương pháp nào có thể phòng ngừa hoàn toàn hội chứng sợ thời gian trôi. Tuy nhiên, một số biện pháp sau có thể giảm nguy cơ mắc bệnh:

  • Chủ động nâng đỡ tinh thần cho người mắc bệnh nan y và người cao tuổi bằng liệu pháp tâm lý. Ngoài ra, gia đình cũng cần có sự quan tâm để bệnh nhân và người già luôn cảm thấy vui vẻ, lạc quan dù thời gian sống không còn dài.
  • Người trải qua các sự kiện sang chấn nên trị liệu tâm lý để được chữa lành tổn thương. Nếu để kéo dài, tổn thương tâm lý có thể dẫn đến rất nhiều vấn đề mà trong đó có hội chứng sợ thời gian trôi (Chronophobia).
  • Rèn luyện tính cách mạnh mẽ, kiên cường cũng là cách ngăn ngừa các hội chứng ám ảnh sợ hiệu quả.
  • Duy trì lối sống lành mạnh, không sử dụng rượu bia, tránh xa thuốc lá và chất kích thích.
  • Học cách chia sẻ với những người xung quanh các vấn đề mà bản thân gặp phải. Điều này sẽ giúp giải tỏa cảm xúc lành mạnh thay vì giữ kín khiến cho tinh thần trở nên nặng nề và mệt mỏi.
  • Trang bị cho bản thân các kỹ năng thư giãn, giảm căng thẳng như ngồi thiền, tập yoga, viết nhật ký, liệu pháp mùi hương,… để học cách giải tỏa cảm xúc lành mạnh. Không nên cải thiện tâm trạng bằng lối sống tiêu cực như dùng rượu bia và chất gây nghiện.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Chứng sợ thời gian trôi (Chronophobia) là hội chứng tâm lý khá hiếm gặp. Hội chứng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân hoàn toàn có thể vượt qua nỗi sợ về thời gian nếu được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *