Làm cách nào để ngừng được ý định hay suy nghĩ “Tự Sát”
Suy nghĩ tự sát có thể thôi thúc hành vi tự kết liễu và dẫn đến những tình huống đáng tiếc. Nếu đang phải đối mặt với suy nghĩ tiêu cực, bạn đọc nên tham khảo bài viết để biết cách ngừng ý định tự sát và cho bản thân thêm một cơ hội để trải nghiệm cuộc sống.
Ý định tự sát xuất hiện khi nào?
Trong cuộc sống, sẽ có những lúc chúng ta phải đối mặt với sự thất bại và nỗi đau quá lớn. Ở trạng thái tinh thần không ổn định, nhiều người nảy sinh ý nghĩ tự sát. Suy nghĩ muốn chết đi không phải là điều gì quá điên rồ hay kỳ lạ. Thực tế, rất nhiều người xuất hiện ý nghĩ tiêu cực này khi phải đối mặt với những sự kiện có tính chất nghiêm trọng như vỡ nợ, mất người thân, bản thân bị chẩn đoán mắc bệnh nan y hoặc phải đối mặt với di chứng nặng nề do tai nạn.
Ngoài ra, ý nghĩ tự sát cũng có thể xuất hiện ở những người có các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực,… Do ảnh hưởng của các bệnh lý này, khả năng phán đoán và nhận thức có thể bị rối loạn. Kết quả là hình thành những suy nghĩ tiêu cực, trong đó có ý định tự sát.
Khi xuất hiện ý định tự sát, bạn không nên quá hoảng loạn. Thực sự, suy nghĩ này sẽ xuất hiện vào một số thời điểm trong cuộc sống khi bản thân cảm thấy bất lực trước nỗi đau và những mất mát quá lớn. Nếu mạnh mẽ đối diện, bạn có thể nâng đỡ bản thân vượt qua suy nghĩ tìm đến cái chết và trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn khi đối diện với những thử thách trong cuộc sống.
Làm sao để ngừng ý định tự sát?
Suy nghĩ tự sát có thể tích tụ ngày qua ngày và thôi thúc hành vi tự kết liễu. Biết rằng việc sinh ra và mất đi là quy luật tự nhiên nhưng tự mình lựa chọn cái chết chưa bao giờ là quyết định đúng đắn. Cái chết của bạn đôi khi không phải là cách để kết thúc mọi chuyện mà chỉ là giải pháp để trốn chạy thực tại.
Nếu đang phải đối mặt với ý định tự sát, những giải pháp sau sẽ giúp bạn vượt qua suy nghĩ tiêu cực và tìm lại động lực trong cuộc sống:
1. Chia sẻ suy nghĩ tiêu cực với những người xung quanh
Khi có những ý nghĩ tiêu cực, bạn nên chia sẻ điều này với những người xung quanh thay vì giấu kín. Nếu để mọi thứ trong lòng, chính bản thân bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và nặng nề hơn theo thời gian.
Cảm giác đau khổ sâu sắc, dai dẳng sẽ khiến bạn ngột ngạt với cuộc sống và thôi thúc hành vi tự sát để giải thoát bản thân. Vì vậy, hãy chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của chính mình để được thấu hiểu, động viên. Những người xung quanh có thể không khéo léo nhưng bản thân họ luôn dành cho bạn sự quan tâm và tình cảm chân thành.
Hay suy nghĩ đến cái chết thường đi kèm với suy nghĩ bản thân là kẻ vô dụng, bất tài và là gánh nặng của những người xung quanh. Tuy nhiên, trong mắt mọi người, bạn vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng. Vì vậy, hãy trao cho họ cơ hội được cùng bạn chia sẻ, thấu hiểu để có thể vượt qua được giai đoạn tăm tối này.
Nếu cảm thấy không thoải mái khi trò chuyện trực tiếp, bạn có thể nhắn tin hoặc viết thư. Những lời động viên, an ủi từ mọi người sẽ níu giữ bạn lại với cuộc đời này và chính bạn cũng cho bản thân thêm một cơ hội để trải nghiệm cuộc sống.
2. Tìm niềm vui trong cuộc sống
Chúng ta chỉ nghĩ đến cái chết khi liên tục đối mặt với cảm xúc tiêu cực. Vì vậy, cách hiệu quả để ngừng được ý định tự sát là tìm niềm vui trong cuộc sống. Khi đau khổ, bạn trở nên bi quan và nhìn nhận mọi thứ bằng cái nhìn tiêu cực. Tuy nhiên, bên cạnh những điều xấu xa, cuộc sống vẫn luôn tồn tại vô số những thứ đẹp đẽ và đáng trân trọng. Quan trọng nhất là bạn có thực sự mở lòng để tìm kiếm và đón nhận những điều tích cực hay không.
Khi có ý định tự sát, hãy chia sẻ điều này với người thân, bạn bè và nhờ sự hỗ trợ của họ để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Niềm vui bắt nguồn từ những điều rất nhỏ – đó có thể là không khí gia đình hạnh phúc, là lời động viên, an ủi của người thân, bạn bè hay những giây phút bạn được thỏa mình với đam mê.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tự tạo niềm vui bằng cách dành thời gian cho sở thích cá nhân, học nấu ăn hoặc học thêm một ngôn ngữ mới. Những hoạt động xã hội như làm thiện nguyện, trồng cây xanh, thu gom rác thải,… cũng sẽ mang đến cho bạn những điều tích cực. Niềm vui dù nhỏ cũng sẽ giúp xoa dịu những cảm xúc tiêu cực và mang đến cho bạn sự ấm áp trong thời điểm bản thân cảm thấy lạnh lẽo và tăm tối nhất.
3. Lên kế hoạch giải quyết nguyên nhân gây ra ý định tự sát
Ý nghĩ tự sát thường xuất hiện khi phải đối mặt với sự kiện có tính chất nghiêm trọng như vỡ nợ, mất người thân, mắc bệnh nan y hoặc có các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Để dừng suy nghĩ này, bạn nên lên kế hoạch giải quyết nguyên nhân gây ra ý định tự sát.
Nếu nguyên nhân là do nợ nần, hãy tính toán khoản nợ và tìm hướng giải quyết. Bạn có thể chia sẻ điều này với gia đình để được hỗ trợ phần nào. Dù không mong muốn nhưng đây có thể là giải pháp tốt nhất. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lên kế hoạch chi tiêu và tìm kiếm các công việc phù hợp để trả nợ.
Với những sự việc không thể thay đổi, hãy học cách chấp nhận và nên nhớ rằng không chỉ riêng bạn mà còn rất nhiều người phải đối mặt với những điều tồi tệ tương tự. Tuy nhiên, việc đau khổ, tự dằn vặt bản thân hay bình tĩnh đón nhận và mạnh mẽ vượt qua là quyết định của mỗi người.
4. Suy nghĩ về những điều tồi tệ sau khi tự sát
Nghe có vẻ vô lý nhưng bạn có thể ngừng ý định tự sát bằng cách suy nghĩ về những điều tồi tệ sau khi bản thân tìm đến cái chết. Sau khi tự sát, nỗi đau của bạn có thể vơi đi nhưng những người còn lại sẽ phải đối diện với nỗi đau lớn hơn và cả sự mất mát, tuyệt vọng.
Nếu bạn nghĩ rằng, sự ra đi của mình sẽ giúp những người ở lại có cuộc sống tốt hơn thì đây hoàn toàn là suy nghĩ sai lầm. Những người ở lại sẽ phải đối diện với sự mất mát, đau khổ và suy sụp trong một thời gian dài. Thậm chí, chính bản thân họ sẽ phải dằn vặt, trách móc vì cho rằng chính mình là nguyên nhân khiến bạn phải tự sát.
Ngoài sự cô độc, người thân có thể phải thay bạn gánh vác những hậu quả như nợ nần, chăm sóc con cháu,… Vì vậy, hãy cố gắng vượt qua ý định tự sát và mạnh mẽ đối diện với những điều tồi tệ đang xảy ra. Bởi việc tự sát sẽ để lại những hệ lụy đau lòng hơn những gì bạn có thể hình dung.
5. Không tìm đến bia rượu, chất kích thích
Khi có ý định tự sát, bạn nên tránh bia rượu và chất gây nghiện. Những thói quen không lành mạnh sẽ làm gia tăng mức độ lo âu, trầm cảm và thôi thúc mạnh mẽ suy nghĩ tự sát. Vì vậy, nên tránh những thói quen này để có thể nâng đỡ tinh thần và vượt qua suy nghĩ tìm đến cái chết.
Khi rơi vào trạng thái căng thẳng và tiêu cực, rất khó để duy trì lối sống lành mạnh. Dù vậy, bạn vẫn nên cố gắng tránh xa bia rượu, thuốc lá và chất gây nghiện. Cố gắng ngủ đủ giấc, tránh nhịn ăn và có thể xin nghỉ phép một thời gian để ổn định lại tinh thần.
Lối sống lành mạnh sẽ giúp nâng đỡ sức khỏe tinh thần, qua đó giúp bạn mạnh mẽ hơn để vượt qua ý nghĩ tự sát và những cảm xúc tiêu cực. Nếu không thể tự chăm sóc bản thân trong thời gian này, hãy tìm sự giúp đỡ của người thân và bạn bè.
6. Liên hệ với hotline phòng chống tự sát
Thực tế, khi có ý định tự sát, ít ai giữ được bình tĩnh và sự sáng suốt. Nếu mông lung không biết phải làm sao để ngừng ý định tự sát, bạn có thể liên hệ với hotline phòng chống tự sát 800-273-8255 để được chia sẻ.
Sự can thiệp kịp thời sẽ giúp bạn ổn định tinh thần và suy nghĩ thấu đáo hơn về ý định tự sát. Trước khi tìm đến cái chết, hãy cho những người xung quanh cơ hội để được giúp đỡ bạn. Bởi sự ra đi trong âm thầm có thể để lại nỗi đau vô cùng lớn và đôi khi là nguyên nhân khiến người thân, bạn bè cũng tìm đến cái chết. Vì vậy, đừng ngần ngại liên hệ với hotline phòng chống tự sát nếu bạn không thể kiểm soát những dòng suy nghĩ tiêu cực.
7. Chủ động tìm chuyên gia tâm lý
Phần lớn những người có ý định tự sát đều đang phải đối mặt với các vấn đề tâm lý như rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn stress cấp tính, khủng hoảng tinh thần, trầm cảm hay rối loạn lo âu. Để vượt qua ý định tự sát, bạn nên tìm gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa Tâm thần.
Ý nghĩ tự sát là hậu quả do các vấn đề tâm lý không được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu được can thiệp các phương pháp điều trị, bạn sẽ dần lấy lại tinh thần và mạnh mẽ gạt bỏ được suy nghĩ tìm đến cái chết. Sau khi điều trị, bạn sẽ có một tinh thần khỏe mạnh và có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn nhất.
Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã biết cách để ngừng ý định và suy nghĩ tự sát. Kết thúc cuộc sống bằng cách tự tử chưa bao giờ là lựa chọn đúng đắn. Vì vậy, hãy cho bản thân cơ hội để vượt qua suy nghĩ tiêu cực và trở nên mạnh mẽ hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Cách Nhận Biết Người Muốn Tự Sát Và Biện Pháp Ngăn Chặn
- Cha mẹ cần làm gì nếu phát hiện con có suy nghĩ Tự Sát?
- Dấu Hiệu Nhận Biết Trẻ Có Suy Nghĩ Tự Sát Và Cách Ngăn Chặn
Hmm, cá nhân tôi nghĩ rằng một người nếu cực kỳ muốn chết, họ sẽ không cầu cứu ai đâu và liệu có ai đó có thể phát hiện và cứu những người như thế?
Có phải chỉ khi bản thân chỉ ra dấu hiệu mới có thể có hy vọng không?